Những góc nhìn Văn hoá

Con số 3 và những ẩn chứa văn hoá

Thiết nghĩ, con số chỉ là con số thôi, là để tính toán làm ăn, học tập và nghiên cứu. Ấy thế mà lạ, trừ vài con số như 5, 7 tuy cũng có một ít vương vấn nhưng chẳng đáng để ý làm gì. Đến con số 3 bất chợt như một sự bùng nổ, phát triển, sinh sôi nảy nở ghê gớm.

Ta thật sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng sự xâm nhập vào mọi mặt đời sống con người, hiện lên trong tâm tư, trong thói quen ăn nói, cách tư duy, đến các tín điều, tới các quyết định quan trọng, trong phong tục dân gian, có khi luồn sâu đến kì lạ như có linh hồn, có số phận với mọi nỗi buồn vui của con người của dân tộc, của thời đại. Từ đó con người trở nên tin yêu hay sợ hãi rồi thêu dệt cho nó đủ điều lành, gỡ mà thiết nghĩ chắc gì đã như thế. Nhưng phần đa, con người cứ lặng lẽ tin theo, làm theo, không bàn cãi, không cưỡng lại, không đơn sai.

Sách vở từng nói rằng: Số 3 được sinh ra từ ba dòng ánh sáng: Mặt trời, Trăng và Sao. Thần thoại Hy Lạp thi cho rằng: Số 3 được định ra từ ba nhóm khổng lồ của Uranos( Bầu trời) và Gaia( Đất mẹ). Lịch sử đã chế định thế chăng, nên đến cách mạng Pháp thì ngọn cờ “tam tài” xuất hiện với biểu thị cho sự tự do, bình đẳng, bác ái. Cũng vì thế chăng mà Tôn Trung Sơn sau này ở Quảng Châu đã trương lên ngọn cờ “Tam dân chủ nghĩa”? (dân tộc – dân quyền – dân sinh)(không thể tứ dân chủ nghĩa!). Con số 3 cũng xâm nhập vào lô-gic học tạo nên cái thuyết “tam đoạn luận” rất có sức mạnh để làm cơ sở cho sự biện luận và chứng minh chặt chẽ.
Cũng phải chăng từ sự xâm nhập gốc tích như thế mà đến thi hào Nga Sết-xên-cô cũng dệt nên bài thơ “Ngã ba” nổi tiếng: Có ba con đường nhỏ- Gặp nhau ngã ba đường- Ba anh em nhà nọ- Bỏ nhà đi tha phương... Và cuối cùng là “ Ba con đường mọc đầy gai cỏ”...
Thật ra trong thực tế, ngã ba vẫn nhiều hơn ngã tư, ngã năm. Nghĩa là cái số 3 oái oăm đó đã đi vào cả thiên kiến con người. Phải như thế chăng mà Hồ Xuân Hương lai có thơ cho “ Đèo Ba Dội” hay cái quạt “ chành ra ba góc” thần tình rồi lại nói với ông Phủ Vĩnh Tường xấu số rằng: “ Cái nợ ba sinh đã trả rồi”. Còn với người phụ nữ thì nữ sĩ rất mực thông cảm với số phận: “ Bảy nổi ba chìm với nước non”... Đến thi hào Nguyễn Du thì về sau ông cho em Vân nói năng vun vén cho chị Kiều thật là khéo quá: “quả mai ba bảy đang vừa...”
Còn ai biết được rằng: Trong ca dao Việt Nam, con số 3 ấy đã xâm nhập từ bao giờ mà lí thú đến vậy? Khi cần thì nó là sức mạnh tổng hợp “ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; có khi là “ Câu thơ ba chữ rành rành. Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba”. Sức mạnh ấy có lúc còn được hô hoán lên thật đáng sợ: “ Bộ binh, bộ hộ, bộ hình- Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”.
Cho đến các vị tu hành cũng phải dè chừng, sống phải chính đính, không thì “ Ba cô đội gạo lên chùa- Có cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”.
Còn trong thành ngữ ví von, để nói sự nồng ấm của người phụ nữ, các ông nhận xét rằng: “ Mông đàn bà bằng ba đồng nhúm”. Để định một cái tiêu chuẩn thì “ Cơm ba bát, áo ba manh” , “Thuốc ba thang, tre ba mùa” ; Để so sánh một tình hình nghiêm trọng: “ Khôn ba năm, dại một giờ” ; Để tỏ ý khinh bỉ thì nói “ Đồ ba nắm ba mớ” ; Để an ủi thì rỉ tai; “ Ai giàu ba họ,ai khó ba đời”... Nhằm phê phán kẻ dẻo mồm thì cho là “ uốn ba tấc lưỡi”. Còn như để khẳng định một điều cụ thể thì “ Ba mặt một lời” ; Để nói nỗi sợ hãi thì tả: “ Ba hồn bảy vía”, “ Ba chân bốn cẳng”... Dọa trẻ con thì: “Ông ba bị chín quai”... Riêng từ dùng để chỉ tính cách đáng khinh thì dùng con số ba để diễn tả thật phong phú. Nào là: Ba que, ba hoa, ba lăng nhăng, ba vạ, ba chạ, ba láp, ba xí ba tú, ba phải, ba trợn, ba gai... Phê phán sự thất hứa thì: “ Ba voi không nổi bát xáo”... Hay sự quá chặt chẽ thì gọi: “ ba cọc ba đồng”... Một sự ôm đồm bề bộn thì được hình ảnh hóa “ba tầng bảy lớp”; ám chỉ sự lai căng, lang chạ thì gọi “ba cha bảy mẹ”, gọi một tính cách thất thường thì nói “ba máu sáu cơn”, đó cũng là máu tam bành. Nguyễn Du: “Bây giờ mới nổi tam bành mù lên” (tái sao không tứ bành?)
Thật nói không hết sự xâm nhập ấy của con số ba trong lối dùng thành ngữ và cách ăn nói của dân tộc.
 
Sở dĩ như thế vì con số ba như là con số tâm linh. Chạm đến con số 3 là có chuyện. Ai sinh ba con trai chớ vội hỡm hĩnh nhé, vì “ Tam nam bất phú”, nuôi mèo thì được con “tam thể” mới quý, còn đi đâu mọi người phải nhớ bảo nhau: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”. Làm nhà, lát sân thì phải nhớ xây “tam cấp”(không được xây nhị hay tứ cấp)
Con số 3 ấy lại đã thành tục lễ từ lâu: Khi ai chết, nhớ cúng ba ngày, thắp hương thì phải ba cây, thành kính thì phải chắp tay ba vái. Làng xây đền đài thì phải có tam điện: Hạ, trung và thượng điện, không thể khác.
Nói riêng ra như thành Nghệ An cũ thì xây ba cửa: Cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu ( Số 3 nó triệt mất cửa Hậu). Thành Thanh Hóa cũng ba cửa ( Số 3 nó triệt mất cửa Tiền).
Vì lẽ như thế ta hiểu vì đâu mà có tên Hồ Ba Bể, núi Ba Vì, đèo Ba Dội, động Tam Thanh, núi Tam Đảo, Tam Cốc Bích Động... Cho đến một vùng đất biên ải “ Ngã Ba Đông Dương” cũng trở nên phải chú ý khi một con gà gáy, ba nước đều nghe.
Lại bỗng nghĩ tới ngày xưa, lịch sử đầy những sự kiện bi thảm như chuyện bịa con rắn bị thương, máu rơi đúng vào chữ “đại” thấm ba trang sách của Nguyễn Trãi, rồi sau này ông bị khép vào tội “tru di tam tộc” do cái án Lệ Chi Viên. Kiểu án ấy đến sau này còn lặp lại thời Gia Long trả thù hèn mạt vợ con người anh hùng áo vải và các danh tướng thời Tây Sơn... ở đây, con số ba đã nhuộm đầy máu và nước mắt.
  
Còn trong lĩnh vực chiến tranh khốc liệt, sự chọn lựa là rất nghiêm cẩn, chuẩn xác, con số 3 vẫn chiếm vị trí rất quan trọng khi “ Cuộc chiến chia ba giai đoạn” , binh lính chia “ba thứ quân”, tổ chức trận đánh trong chiến tranh nhân dân thì phải “ ba mũi giáp công”. Biên chế quân sĩ thì phải xuất từ “tổ ba người”; Hình thành trận tuyến thì phải hài hòa “ba mặt trận”, tầm chiến lược thì cần phối hợp “ba chiến trường”, tầm quốc tế thì phải phù hợp “ ba dòng thác cách mạng” và sự đoàn kết với “ Thế giới thứ ba”v.v.
Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, ta phải biết “liên kết ba nhà” ( nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) mới làm ăn nên nỗi. Còn muốn đổi mới sản xuất nông nghiệp, ta lại phải có chính sách “tam nông” ( nông nghiệp, nông thôn, nông dân...)
 
Tóm lại, số 3... đơn giản chỉ là một con số, tưởng như khô khan, đơn điệu. Nhưng thật ra nó có một đời sống sinh động và phong phú lạ lùng, đầy tính lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, chính trị, quân sự, triết học, lô-gic học, ngôn ngữ và tâm lí...
Con số 3 không phải thuộc số ít nhưng cũng không đến nỗi phức tạp làm rối trí con người. Cho nên nó thuộc con đường mòn trong tư duy được người đời quen sử dụng để rồi tạo lên sự trùng hợp tuyệt vời với bao nhiêu vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Bởi vậy, con số 3 thật diệu kì nhưng chúng ta hiểu được!
 
 
                                                                                      

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513740

Hôm nay

2213

Hôm qua

2313

Tuần này

21677

Tháng này

220613

Tháng qua

121356

Tất cả

114513740