Tôi cũng tự nghĩ rằng tôi là người thế nào mà dám cùng những bậc cao lớn tranh biện, huống hồ sự đời phải trái biết đâu mà chừng; nhưng cái lòng nhiệt thành của tôi với bọn nữ học ngày nay cũng có cái cảm tình không thể làm ngơ được, nên tôi sực nhớ, cổ nhân có câu trí nhân bách lự, tất hữu nhất thất; ngu nhân bách lự tất hữu nhất đắc (9) thế thì lời nói của tôi vị tất toàn là vô ích hết thảy đâu. Nếu có ích lợi gì một tí, người ta cần phải nên làm, làm để cho có ích! Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta, cho nên ý kiến mới cũ thường trái ngược nhau… Nay tôi xin ví dụ như có hai con đường, một bên mới, khoáng rộng bằng phẳng, lạ mắt khó trông, lại đông người đi, một bên con đường cũ thời hẹp hòi cỏ rạ um thùm, cứ noi theo dấu mòn mà đi rất dễ, nhưng người đi thường than vắng tẻ, tưởng không bao lâu họ sẽ quay sang con đường mới kia hết. Cách xô đẩy nhau bạo quá thành ra không có thứ tự, miễn đi được là hơn, dầu muốn ra tay ngăn trở cũng không phép vãn hồi cho đặng, là vì lòng khuynh hướng của người đời đã do theo thời thế mà xoay vần vậy. Người có trí thức nên theo chiều sóng gió mà đưa dần lên, chỉ nẻo đem lối cho khỏi lầm lạc, thời tốt hơn hết; còn như câu nệ quá, thời tôi e như lời đắp đê cản nước của ngài đã nói(10), sau này muốn sửa sang cũng đành phải chậm trễ, mà lại thiệt hại nhiều bề”.
Đoạn trích khá dài trên có liên quan đến hai bài viết, một của Phạm Quỳnh và một của Nguyễn Bá Học đã nói. Đối với bài của Nguyễn Bá Học, bà có hé lộ ý “tranh biện” một cách khiêm tốn trong vấn đề “mới/ cũ”. Đối với bài của Phạm Quỳnh thì tỏ rõ sự ủng hộ. Quan điểm nữ học và nói chung là quan điểm tân học của bà hiển nhiên có tinh thần tiến bộ, hòa nhịp với bước đi hướng về đổi mới văn hóa của cả thời đại không gì cản được.
Đi vào nữ học, bà viết rằng vấn đề nữ học là vấn đề khó giải quyết, nêu các luận điểm của phái bảo thủ biện luận phụ nữ không nên học cao, học rồi được bổ đi làm việc ra khỏi nhà, một thân một mình đáng sợ; rồi học mà có hiểu biết, lý lẽ, lại theo chủ nghĩa tự do, bình đẳng mà làm gia đình tan nát. Bà cho rằng cứ kết tội vì sự duy tân mà phụ nữ mất hết phẩm hạnh là không đúng. Những người tính nết xấu vị tất đã học đến nơi, còn người không theo tân học vị tất đều là trinh thuận. Đã rõ là bà đứng về phe tân học, tân nữ học. Bà dẫn câu “nữ tử vô tài tiện thị đức”(11) (con gái không tài ấy là đức) nhưng xem thực tế nhiều phụ nữ thất đức đâu có học hành gì (ý tranh luận).
Bà nêu vấn đề: “Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước, đã là người thời biết cho đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại, có phải riêng chi một ai, mà người làm được người làm không được”. Học ở đây trước hết theo bà là học một nghề nghiệp để mưu sinh: “Hạng người quanh các tỉnh thành, ruộng đất ở đâu, hoa lợi gì có, nếu không học tập nghề nghiệp mưu sinh tất đến cùng bức, dầu nhà sang giầu đến đâu mà ăn không ngồi nể, cũng đến non mòn núi lở, mà con cái trọn đời không thành ra một công việc gì, cảnh ngộ như thế, mười phần đã đến tám chín”. Học trước hết là học nghề để sống, để độc lập. Nữ học như vậy không còn quanh quẩn ở phạm vi đào tạo người phụ nữ trong phụ thuộc đàn ông mà hướng đến người phụ nữ đứng trong xã hội, hoạt động xã hội, ganh đua thị trường. Và để ganh đua ở thị trường, kiến thức không có thì quyền lợi đâu mà đến: “Còn như đã muốn học tập nghề nghiệp buôn bán, mà không học chữ nghĩa toan tính, thời buôn bán chẳng qua tiền chục tiền quan chớ bạc trăm bạc nghìn đã không thể trù hoạch nổi, tư tưởng không lấy đâu mở mang nghề nghiệp cho được tinh xảo, ganh đua giữa chốn thị trường, thâu được quyền lợi có phải là sự dễ đâu, kiến thức đã kém, quyền lợi ở đâu mà đến; mà lại hại thay một điều là số đàn bà con gái lại về phần số nhiều, ấy là cái hiện trạng nguy hiểm cho cuộc sinh kế tương lai lắm lắm”.
Trong bài viết của bà Đạm Phương, đã hình thành một tư tưởng nữ học quan trọng, đó là giáo dục để người phụ nữ có mặt trong xã hội, đóng vai trò của mình trong xã hội. Tức là người phụ nữ mới không chỉ quẩn quanh trong gia đình mà còn phải tham gia vào cuộc cạnh tranh sinh tồn chung. Đây là quan niệm mới mẻ mà ngay cả những nhà tân học đương thời cũng không nói rõ lên được. Tư tưởng này sẽ thể hiện nhất quán và ngày một đậm nét hơn trong các bài viết về sau. Chúng tôi nghĩ, chỉ như thế thôi, bà Đạm Phương với tư cách là một người phụ nữ, đã có bước tiến quan trọng, đi xa hơn nhiều trí thức đương thời trong vấn đề nữ học. Người phụ nữ -xã hội là hình ảnh thu hút sự suy nghĩ của bà Đạm Phương.
Trong bài luận về “Cái trình độ nữ ngôn đời bây giờ” (Nam Phong số 49, (th.7/1921), Đạm Phương cũng trình bày tư tưởng về địa vị người phụ nữ trong các quan hệ xã hội xét từ góc độ ngôn ngữ. “Lời nói người đàn bà đời xưa không khi nào ra khỏi cửa buồng, dầu có học tập cũng vụ cầu cho đúng phép phụ ngôn, thì giữ gìn lời nói cốt phải dịu dàng, ít điều ít lẽ mà tồn hồ đức hạnh ở trong, không cầu làm cho ai biết, miễn đủ lề lối cư xử trong gia đình, làm hết phận sự của người đàn bà đó mà thôi. Còn như đối với xã hội tự hồ không can thiệp gì”. Bà nêu câu hỏi rồi trả lời : “Bởi vì cớ làm sao mà người đàn bà lại không được trực tiếp với xã hội ? Là vì sự học vấn còn chưa được phổ thông và thời kỳ chưa được hiệu dụng cho nên nữ ngôn không được kiến trọng với đời”. Giáo dục đương đại “ban bố văn minh học thuật cho phổ thông toàn thể quốc nhân, không phân biệt nam nữ, cũng đều được ra mà hiệu dụng với đời, cái trình độ nữ ngôn bây giờ đã lần lần mà tiến lên”. Bà kết thúc bài viết bằng hình ảnh cuộc đời là một vở kịch cần có nhiều vai diễn khác nhau, cũng là ẩn dụ về người phụ nữ xuất hiện trên trường đời, trong xã hội.
“Bàn về giáo dục con gái” (1924-Trung Bắc tân văn) là bài viết nói rõ tư tưởng người phụ nữ xã hội: “Giáo dục đời xưa, cái phạm vi còn hẹp hòi, đã không hợp với trình độ tiến hóa ngày nay, gia dĩ sách vở giáo khoa phụ nữ, chỉ có mấy thiên nữ tắc, nữ huấn, giồi mài về đường đức hạnh thì đặng, chớ công cuộc đối với đạo xử thế, thì tuyệt nhiên chưa có, thể nào cũng phải tham bác thêm Tây học giáo khoa mà bổ cứu những chỗ khuyết điểm của mình”. Đạo xử thế tức là đạo lý ứng xử trong xã hội của phụ nữ, khác với những nữ tắc, nữ huấn trói buộc người phụ nữ trong bốn bức tường gia đình, cấm đoán tiếp xúc, tham gia hoạt động xã hội.
Bà trình bày rõ hơn tư tưởng của mình: “Cuộc đời ví như một cái bể rộng mênh mông, mà người đời ví như con thuyền đi trên mặt nước, có vững tay chèo lái, mới trông vượt sóng ra vời, ngộ khi ba đào phong vũ, cũng cho biết then máy mà đỡ gạt, mới sẽ tìm phương hướng mà đi, chóng mong đến bờ bến đặng… Nay sự học con gái mà cứ loanh quanh trong bếp nước, nồi cơm, thì chưa đủ tư cách làm một người ở đời”.
Trên Nam Phong số 49 (tháng 7/1921) có in bản dịch tài liệu nước ngoài (tiếc là không chỉ rõ nguồn để kiểm tra) “Về sự giáo dục đàn bà con gái” trong đó trình bày tư tưởng về giáo dục con người xã hội cho phụ nữ, đưa người phụ nữ thoát khỏi khuôn khổ hạn hẹp của không gian gia đình: “Nói rằng người đàn bà ở đời chỉ có một việc chồng con, chỉ nên giáo dục cho làm trọn việc ấy mà thôi, cũng là không có lẽ phải nữa. Nói rằng nên lấy việc ấy làm một cái mục đích quan trọng cho sự giáo dục người đàn bà thời được; nói rằng mục đích ấy là mục đích độc nhất vô nhị thời không được”. Có một sự gần gũi tương đồng hiển nhiên giữa tư tưởng Tây phương này và tư tưởng bà Đạm Phương về một mẫu hình phụ nữ mới, không còn chỉ biết loanh quanh bếp nước mà còn phải tham dự vào đời sống xã hội.
Nói là tham gia vào đời sống xã hội tức là phải có “chức nghiệp”. Bà viết “theo phong tục ta, các nhà có con gái chỉ mong cho con khôn lớn gả chồng đã đủ rồi, chẳng cần dạy vẽ nghề nghiệp gì hết thảy, mà những người con gái ấy cũng yên trí rằng: mình không phải làm việc mà cũng được ăn, là sướng rồi, … mà đàn bà con gái thời ăn không ngồi rồi, nương tựa người ta mà sống, không còn biết cái phẩm giá mình ở đâu, có cái thiên chức làm sao, quan hệ với gia đình với xã hội thế nào”, “đàn bà phải có chức nghiệp mới có giáo dục hoàn toàn”. Thực ra, có một chức nghiệp là xác lập một nền tảng kinh tế để phụ nữ bình đẳng với nam giới. Không thể hô hào nam nữ bình quyền khi mà người phụ nữ lệ thuộc vào người chồng về phương diện kinh tế. Vì thế Đạm Phương cho rằng không nên đóng cửa giam hãm người phụ nữ để họ phải chịu bề phụ thuộc. “Người đàn ông có phò vua giúp nước, có làm ra nhiều tiền của, bao bọc cho cả gia đình, chớ như đàn bà là phận phụ tòng, là phụng sự các việc nhỏ mọn, cho nên người ta khinh thường mà không kể. Cái phẩm giá vì thế mà hèn kém, cái tinh thần vì thế mà tiêu mòn” (Bàn về vấn đề giáo dục con gái )(12). Phương diện kinh tế của sự bình đẳng nam nữ được Đạm Phương ý thức rõ ràng, và đây là điểm tiến bộ.
Đi sâu vào nữ học, Đạm Phương nghiên cứu tư tưởng giáo dục Tây phương, đặc biệt chú ý đến các thành tựu nghiên cứu tâm lý phụ nữ trong giáo dục. Phạm Quỳnh trong bài diễn thuyết “Địa vị người đàn bà trong xã hội nước ta” (Nam Phong s. 82, th.4/1924) sau khi trích dẫn loại điều răn, cấm trong các sách nữ huấn, gia huấn, nữ tắc đã nhận xét rất đúng : “Trong bấy nhiêu câu không câu nào có một chút ý vị gì về tính tình, về thân phận người đàn bà cả”. Cách giáo dục phụ nữ xưa là đưa ra những mệnh lệnh bất chấp nhân đạo, nhân tính, kể cả tâm lý tối thiểu của phụ nữ.
Quan tâm đến nữ học không chỉ là bàn suông về bình đẳng nam nữ mà còn phải đi sâu vào nghiên cứu những phận sự đối với xã hội của người phụ nữ. Đâu phải chỉ tham gia hoạt động xã hội, có chức nghiệp, thoát ly gia đình nghĩa là thỏa mãn yêu cầu bình đẳng giới ? Địa vị xã hội của người phụ nữ còn thể hiện ngay trong gia đình, có điều là điểm nhìn về gia đình là điểm nhìn hiện đại, khác với truyền thống. Đó là động lực để bà Đạm Phương quyết định viết sách “Giáo dục nhi đồng” (1942), cuốn sách kết tinh của tư tưởng nữ học mà bà suy ngẫm đã mấy thập kỷ, kể từ năm 1918 từ khi bà còn giữ mục “Lời đàn bà” cho tờ Trung Bắc tân văn. Phải nhìn giáo dục nhi đồng trong một ngữ cảnh rộng, trong đại cục về trách nhiệm, sứ mệnh của những người phụ nữ làm mẹ đối với đất nước, dân tộc. Truyền thống giáo dục gia đình ở nước ta yếu kém, điều đó “có ảnh hưởng đến tương lai của một dân tộc”. Nữ học ở trường hợp này lại là sự nghiệp giáo dục người phụ nữ để người phụ nữ-người mẹ lại giáo dục những nhân cách mới. “Sự giáo dục ngày xưa ở nước ta không phải là không có. Trong các gia đình thấm nhuần Khổng giáo, các bậc cha mẹ vẫn thường nói đến dạy con. Nhưng trẻ con sống trong một khuôn khổ quá chật hẹp, quá nghiêm khắc, quá nệ cổ, nên trẻ không sao phát triển một cách hoàn toàn được. Vài câu châm ngôn luân thường đạo nghĩa của thánh hiền, với chiếc roi mây sẵn sàng treo trên vách, ấy là phương pháp giáo dục duy nhất, thì bảo làm sao mà đào tạo ra được những trang thanh niên cường tráng, mạo hiểm, có chí tiến thủ, có sức tháo vát, có kiến thức cho thiết thực và rộng rãi được chớ" (Q.1, tr.100). Đến đây ta đã rõ, sản phẩm giáo dục mà bà hướng tới, mong ước là những con người có nhân cách tự do, độc lập, mạnh mẽ. Những sách văn học đương thời, nhất là văn học lãng mạn, đã không đáp ứng được yêu cầu bức thiết đó. “Bên những loại tiểu thuyết diễm tình, lãng mạn, kiếm hiệp, trinh thám xuất bản tứ tung như nấm mọc để đầu độc những trí não non dại, nhiều cha mẹ thiệt lòng muốn dậy con, không biết tìm đâu cho ra một cuốn sách để làm phương châm giáo dục cho con cái trong nhà” (Q.1. tr.101). Bà thiết tha, sôi nổi nói : “Giờ này chính là giờ phải cứu vãn gấp. Chúng ta cần phải lo nghĩ để đặt lại nền tảng của vấn đề giáo dục Việt Nam, chúng ta phải mở đường cho vấn đề giáo dục nhi đồng. Trước khi nói đến giáo dục thanh niên, hãy bàn đến giáo dục nhi đồng đã. Vì giáo dục nhi đồng chính là nền tảng cho tất cả các giáo dục” (Q.1, tr.101).
Logic nhân quả gắn nữ học với giáo dục nhi đồng là ở chỗ để giáo dục những đứa trẻ theo mẫu hình nhân cách mới thì chính người mẹ cũng phải là những nhân cách mới. Điểm này khác với giáo dục bằng văn học, nơi tác giả không nhất thiết đồng nhất với nhân vật trữ tình, khác với một công trình kiến trúc tuyệt vời có thể do một kiến trúc sư nghèo khổ thiết kế. “Người kiến trúc sư nghèo khổ có thể phác họa một ngôi nhà nguy nga lộng lẫy, nhưng xưa nay tôi chưa từng thấy một người cha mẹ nào vô học, vô hạnh mà lại có thể nuôi dạy con cái trở nên người có học có hạnh bao giờ” (Q.1, tr.103). Bà Đạm Phương khẳng định người mẹ có giáo dục mới giáo dục được con: “người mẹ phải có tài, có đức, có năng lực, có học vấn, để khuyến khích, giải thích, dẫn dụ con vào những đường ngay lẽ phải, tránh những tính xấu tật hư”, “mẹ tự giáo dục mình trước khi giáo dục con”. Người mẹ trong ngữ cảnh nói đây phải hiểu là người mẹ hấp thụ nền nữ học mới như trên đã nói.
Trong khi giáo dục con trẻ, người mẹ cũng thay đổi nhận thức theo hướng hiện đại, nhân bản về con người. Chẳng hạn, những triết lý như thế này của bà Đạm Phương về quan hệ giữa thân thể và tâm hồn, ta hầu như không thể gặp được trong tư tưởng phương Đông truyền thống: “Với một thân thể đau ốm bệnh hoạn thì không làm gì có một tinh thần cường tráng hoạt bát…Nhờ có tâm hồn, thân thể mới hoạt động, nhờ có tâm hồn, người mới suy nghĩ, cảm giác, phân biệt, ham muốn, thương yêu và giận ghét. Thân thể ảnh hưởng đến tâm hồn, mà tâm hồn cũng ảnh hưởng đến thân thể” (Q.1, tr.108). Từ đây mà xác lập nền giáo dục hiện đại, tính đến những đặc điểm tâm lý, sinh lý, quan hệ thân và tâm để xác định nội dung và phương pháp giáo dục hợp lý. “Thân thể tráng kiện, tâm hồn tráng kiện là hai điều kiện của sự sống con người” (Q.2, tr. 24). Tư tưởng này hiển nhiên đối lập với truyền thống ứng xử thân xác của các học thuyết Nho, Phật ở phương Đông là dĩ tâm khống thân, coi thường thân xác. “Một sự sai lầm rất lớn trong việc coi rẻ sức khỏe của trẻ con. Cha mẹ chỉ muốn dạy con điều nhân nghĩa mà không cần lưu ý đến sự tập luyện cho con có một thân hình mạnh khỏe” (Q 3. tr.23). Tập thể thao, rèn luyện thân thể, thậm chí những kĩ năng rất sơ đẳng như “thở” cũng đòi hỏi các bà mẹ tập, vì ngay cả thở cho đúng cách cũng là điều phần đông đàn bà Việt Nam hồi đó không hay biết. Nhân bàn về quan niệm của bà Đạm Phương về thân thể và tâm hồn như hai mặt cấu thành nhân cách, có lẽ cũng phải chỉ ra ý nghĩa của nhận thức này đối với việc ứng xử thân xác con trẻ, cũng tức đối với thân xác nói chung. Bà chỉ rõ sự nguy hại của bạo hành thân thể con trẻ khi các bậc cha mẹ dùng roi vọt trừng phạt. Nhưng đâu phải chỉ có bạo hành của cha mẹ đối với thân thể con trẻ: không kém phổ biến là bạo hành của những người chồng đối với thân thể người vợ. Tôn trọng con người tất phải tôn trọng thân thể của nó.
Mục tiêu của giáo dục trẻ cũng thống nhất với mục tiêu của nền nữ học mới: dạy cho trẻ điều mà ngày nay ta hay nói là kĩ năng sống giữa cuộc đời. “Muốn cho trẻ sau này có thể ngang dọc giữa đường đời xông pha với sóng gió, thắng nổi được các trở lực để đi đến bờ đến bến, thì trẻ cũng cần có một la bàn ấy là lý trí, một bánh lái ấy là lương tâm, và một động cơ ấy là nghị lực” (Q.2, tr.12).
***
Trở lại nhận định của Hoa Bằng cho rằng Đạm Phương viết Giáo dục nhi đồng với tinh thần kiến thiết. Đã rõ, trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, một bên là nhìn lại, phê phán truyền thống với những biểu hiện cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời. Một bên là tìm kiếm những cách thức kiến thiết cái mới. Đạm Phương không phải không biết phê phán cái cũ- nhiều nghị luận trước tác của bà cho thấy những nhận định phê phán sắc sảo Khổng giáo tuy là gián tiếp. Nhưng bà tập trung vào vấn đề nữ học, lấy việc giáo dục người phụ nữ mới làm điểm đột phá trong sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới. Không hô hào nam nữ bình quyền chung chung, bà xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam gia nhập đời sống, đối diện với cuộc sống, với những kĩ năng, chức nghiệp và tri thức vững vàng, nhân cách mạnh mẽ, tự do, đáp ứng những yêu cầu của thời hiện đại. Đó là chủ nghĩa hiện thực về nữ quyền ở giai đoạn đầu mà bà và một số người đương thời gọi là “nữ học”. Có thể phán đoán về mối liên hệ logic giữa các tư tưởng về người phụ nữ- xã hội với việc bà thành lập Nữ công học hội vào năm 1926. Đây là tiền đề tư tưởng cần thiết cho sự tham gia của người phụ nữ Việt Nam vào các hoạt động xã hội như hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, vấn đề nữ quyền lại là một vấn đề rộng lớn hơn mà chúng tôi hy vọng sẽ bàn đến trong một dịp khác.
(9) Câu này trong “Án Tử xuân thu” (Thánh nhân thiên lự tất hữu nhất thất, ngu nhân thiên lự tất hữu nhất đắc). Trong Sử ký Tư Mã Thiên (Hoài Âm hầu liệt truyện)có câu “trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất, ngu giả thiên lự tất hữu nhất đắc”. Bà Đạm Phương uyên bác, đọc nhiều, thường hay dẫn dụ các câu châm ngôn Đông-Tây.
(10) Ý nói đến hình ảnh con đê mà Phạm Quỳnh dùng trong bài tranh luận với Nam Minh, người phê phán vở kịch Bệnh tưởng do Hội Khai trí Tiến đức diễn (bài trên Nam Phong số 35). Ông Nam Minh nhân vở kịch Bệnh tưởng đã phê phán luôn cả trào lưu nữ học mới: “Cái phong trào tân học càng ngày càng mạnh, ầm ầm tràn đến, làm cho nền đạo lý Khổng Mạnh mấy nghìn năm đã in sâu vào óc ta, cũng dường như lay chuyển, thì các ngài là bậc thượng lưu phải biết duy trì lấy những cái phong hóa hay của nước nhà khỏi phải tiêu diệt đi mà biết lọc lấy cái tinh thần của văn minh mới mới là phải”. Ông trách hội Khai trí Tiến đức “đem diễn một lối tuồng không hợp với tính tình phong tục người mình mà đem ra phô diễn vào cái thời đại đã suy đốn này thì khác nào ngọn lửa tà dục đã đượm sẵn lại tưới dầu thêm… Nước mình xưa nay có lối trai gái hôn tay nhau, cùng là những sự cử chỉ, ngôn ngữ của con với cha một cách tự do bao giờ, mà người mình nay đương có cái khuynh hướng theo mới, cho mới là văn minh, bỏ cũ, coi cũ là hủ lậu, thành ra biết bao nhiêu gia đình bại hoại đó, khiến bậc người trí giả trông thấy những cảnh tượng ấy, mà phải thở than”. Nam Minh viết tiếp “các ngài lại không hiểu rằng các bậc phụ nữ nước mình còn ở trong khuôn phép đạo tam tòng tứ đức: người thục nữ còn chăm chỉ nữ hạnh, nữ công để sau nên người nội trợ giỏi giang, mà những bậc từ mẫu còn bàn việc tề gia, trông nom trăm việc, nào chiều chồng được hòa vui, nuôi con nên người khá để sau có tư cách, phẩm hạnh con người làm những việc ích quốc lợi dân, khỏi thành một lũ “văn minh rởm”, làm hại cho xã hội”. Phạm Quỳnh trả lời: “Đạo lý Khổng Mạnh vẫn nên giữ, nhưng cũng phải tùy thời, không nên nhất nhất giương đạo lý Khổng Mạnh như một cái bung sung để nạt dọa người ta, và ngăn đường tiến thủ của quốc dân giữa cái đời cạnh tranh kịch liệt này…Cái sóng đồi phong mỗi ngày một tràn ngập vào xã hội; nay ta phải đối phó, phải phòng bị thế nào? Một phái bảo thủ-xét ra ông khuynh hướng về phái ấy-thời muốn ra sức ngăn ngừa cho được, muốn đắp đê cho cao để cản sóng lại, nhưng đê càng cao mà sóng lại càng mạnh, có một ngày sức nước mạnh hơn sức đê, đê sẽ bị vỡ và nước sẽ tràn khắp mọi nơi. Một phái tiến thủ thời muốn đón trước lấy cái phong trào, khai dẫn cho nó lưu thông và tiêu thoát dần đi, phương pháp ấy xem ra hợp thời hơn. Tỉ như cái vấn đề nam nữ, hiện bây giờ là một cái vấn đề rất gian nan. Ngày nay, nhất là ở những nơi thành thị lớn, việc trai gái thật là bậy bạ quá, thói dâm bôn không biết đến đâu là cùng. Ai trông thấy cũng phải chán ngán cho gia đình xã hội ta sau này. Phái bảo thủ thời tất là muốn kiềm chế con trai con gái, giam cầm trong nhà mà không cho giao tiếp với nhau trong xã hội. Nhưng bây giờ Âu hóa mỗi ngày một thâm, những cách kiềm chế đó không thích thời nữa…Phái tiến thủ thời không thế, muốn đón trước cái phong trào nam nữ bình quyền mà khai dẫn cho nó vào đường chính đáng”
(11) Câu này của Trương Đại đời Minh.
(12) Dẫn theo Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Q,1, tr. 25, http://ebooks.vdcmedia.com. Dưới đây, sau mỗi trích dẫn từ tài liệu này, sẽ ghi số trang đặt trong dấu ngoặc đơn.