Những góc nhìn Văn hoá

Tính bác học trong ca từ của dân ca ví giặm xứ Nghệ

I. Sự say sưa hát ví, hát giặm của nhân dân xứ Nghệ

Chúng ta đều biết hát ví chỉ có một làn điệu, hát giặm có hai làn điệu là hát nói và hát ngâm, nhưng tại sao nhân dân xứ Nghệ say mê hát ví và hát giặm. Nhiều chàng trai xa mấy cũng đi, bận mấy cũng đi. Nếu ban đêm bận xay lúa giã gạo thì ngay từ buổi trưa, các chàng trai đang tuổi lao động, cố tranh thủ làm cho kì xong.

Họ bất chấp cả trời mưa. Mưa to, nếu không có tơi nón thì họ bỏ quần áo vào một cái vò, hai tay ôm chặt lấy vò, chạy một mạch tới nơi có phường vải hay phường đàn, phường vàng,... Trời lụt cũng cứ đi. Con trai vùng chợ Thượng, chợ Hạ Đức Thọ (Hà Tĩnh) sang hát ví bên Nam Đàn (Nghệ An) về mùa mưa nước sông Lam lên to, ngập lụt cả cánh bãi, song họ vẫn cố chèo thuyền sang chỗ có phường hát ví cho kì được. Bỏ một tối hát ví thì cả đêm đó không tài nào ngủ yên giấc. Và sáng hôm sau ăn cơm không ngon, làm việc uể oải. Một số người từ Nghi Lộc, Hưng Nguyên có dịp vào mãi Thạch Hà, Kỳ Anh để tham gia.     Hát giặm đâu phải chỉ những người biết hát, biết đặt câu hát mới đi chơi hát ví hát giặm mà cả những người không biết hát: Trẻ có, già có, nam có, nữ có, trí thức bình dân có, các nhà khoa bảng có,...

Say sưa hoạt động hát ví hát giặm, đâu phải họ chỉ thích giọng hát hay, ưa câu hát ý vị mà còn thích tính bác học trong ca từ của hát ví và hát giặm.
II. Tính Bác học trong ca từ hát ví hát giặm.
Tính bác học trong hát ví và hát giặm xứ Nghệ biểu hiện dưới nhiều hình thức:
1. Dựa vào điển tích trong các sách cổ của Trung Quốc.
Những điển tích này khi đã đi vào hát ví hát giặm, nó không còn khô cứng và là những hình ảnh gần gũi thể hiện nội tâm, dạt dào tình cảm, diễn giải tình ý muốn nói bằng những từ ngắn gọn mà cô đọng. Ví dụ:
- Anh say em như bướm say hoa,
Như Lưu Linh say rượu, như Bá Nha say cầm.
- Em đang giấc mộng Hoàng Lương,
Ông Tơ hồng thức dậy, có khách văn chương tới nhà.
- Một năm gặp bạn một lần,
Cũng bằng ả Chức, nước sông Ngân ngăn dòng.
Những hình ảnh chén rượu Lưu Linh, tiếng đàn Bá Nha, giấc mộng Hoàng Lương, ả Chức chàng Ngưu rồi cầu Ô Thước, kẻ Tấn, người Tần, Hán với Hồ, Tề với Sở, ngãi Châu Trần, nghĩa tao khang... ta thường gặp trong nhiều câu hát, bài hát mà văn cảnh nào cũng hợp lí, hợp tình, mang đậm đà, cụ thể tình cảm lứa đôi, tựa như những hình ảnh bướm - hoa, cầm - sắt, bến - thuyền, liễu - đào, lan - huệ, trúc - mai, loan - phượng... mà ta thường gặp trong ca dao, trong các truyện nôm. Cả những hình tượng như Lưu Bình - Dương Lễ, Kim Trọng - Thuý Kiều, Vân Tiên - Nguyệt Nga, Phạm Tải - Ngọc Hoa, trong sách truyện Việt Nam cũng vậy.
2. Ở cách dùng ý trong thơ cổ nhất là thơ cổ của Trung Quốc. Mà lời ca vẫn mượt mà, ý nhị, suôn sẻ; phải người có học nhiều chỉ cho mới hiểu được. Như câu:
Thảnh thơi vui thú tình duyên,
Gió bên dương liễu, trăng bên ngô đồng.
Thì câu 8 vốn dịch từ 2 câu: "Nguyệt đáo ngô đồng thượng, phong lai dương liễu biên". Hay câu:
Đêm khuya chẳng giám đề thơ,
Sợ tình dẫu rụng, lạc bờ Hàn Giang.
Thì câu 8 cũng dịch từ câu: "Khủng kinh tinh đẩu lạc Giang Hàn". Và câu:
Sáng trăng ngồi gốc cây mai,
Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình.
Thì đó cũng là ý của bốn câu: "Đãi nguyệt Tây Sương hạ, nghinh phong bộ bán hai, cách tường hoa ảnh động, nghi thị ngọc nhân lai" trong Tây Sương Ký thì Trương Quân Thụy ngồi dưới lầu Tây Sương để đợi Thôi Oanh Oanh.
Rồi có những câu hát đố, ca từ toàn ngôn ngữ dân gian.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
Thì câu đáp lại có tính chất bác học:
Trăng ba mươi tuổi trăng già,
Thanh sơn bất lão gọi là núi non.
Ngược lại nhiều câu, nhiều bài, câu hỏi có tính chất bác học như câu:
Chữ rằng Nghiên hữu cửu nam,
Đan Du là một hỏi chàng còn những ai?
Thì câu đáp lại có tính chất dân gian:
Thân em con gái nữ nhi,
Biết Đan Du là một, biết làm chi chín người.
3. Ở lối chơi chữ.
a. Ở những câu này lời ca vẫn hồn nhiên, song những người tinh ý mới hiểu được, thấy được cách dùng từ của tác giả. Ví dụ:
Đồng tâm son sắt với nhau,
Thiếp chưa phụ bạc, chàng sao vội vàng.
Trong câu này có tên các kim loại hoặc á kim là: đồng, son, sắt, bạc, vàng.
Hay câu:
Vin dâu vạch lá đề thơ,
Buồng tằm kén chọn trai tơ con dòng.
Câu này cũng có những từ liên quan với nhau trong nghề làm tơ tằm: dâu, lá, tằm, kén, tơ, và dòng.
Xin thêm một câu khác:
Lương duyên chỉ Tấn, tơ Tần,
Liệu đường định sở Châu Trần tuỳ cơ.
Cả câu có 18 chữ thì 8 chữ: Lương, Tấn, Tần, đường, sở, Châu, Trần đều là tên các nước trong thời Xuân Thu và các vương triều bên Trung Quốc.
Còn "cơ" là cố Mền Cơ, người Thịnh Lạc (Nam Đàn) đỗ 3 khoa tú tài. Người nổi tiếng trong làng hát phường vải.
b. Ở những câu lời vẫn hồn nhiên, nhưng nghe ra vẫn có từ Hán Việt. Ví dụ như câu:
Mời chàng mại mại (mãi mãi) không vào,
Bán mua chi đó làm cao rứa chàng?
Tiếng Nghệ mại mãi nghe như nhau, mãi có nghĩa là mua, mại có nghĩa là bán.
Hay câu:
Một trăm cơn (cây) bá (bách) một triệu cơn đào,
Kẻ vô mơn nhụy người vào hái hoa.
Chữ còn gọi là bách và chữ đào đều do 2 chữ mộcbách, mộctriệu ghép lại mà thành. Trong chữ có chữ bách là trong chữ đào có chữ mộc và chữ triệu, triệumột triệu.
Và câu:
Chờ em nửa tháng ni rồi,
Ôm đàn bán nguyệt dựa ngồi cung trăng.
Bán nguyệtnửa tháng, bán nguyệt là đàn bán nguyệt mà nguyệt có nghĩa là trăng.
c. Ở lối đố chữ, đố ý, mà kỳ thực hỏi thái độ ứng xử ở đời. Ví dụ câu:
Hai ngang ba phết chữ chi,
Chàng mà giải được thiếp thì theo ngay?
Chàng trai đáp:
Hai ngang ba phết chữ "thất",
Thất là mất, mất nước mất nhà,
Dân sầu dân thảm từ ngày Tây qua đến giừ.
Hay câu:
Quân sư phụ đi một chuyến đò,
Không may rớt xuống nước, hỏi anh bạn học trò cứu ai?
Anh bạn học trò đáp:
Ô hô! Tôi đạp đất tôi kêu trời,
Lặn tôi không biết lặn, lội tôi không biết lội
Nhảy xuống nước sợ thiệt đời tôi đi.
Có lẽ lúc đạo lý phong kiến đã suy vi lắm rồi, "dĩ thân vi đại" anh bạn học trò mới trả lời như vậy, không "sát sinh thủ nghĩa nữa".
d. Ở lối hát đối, hát chòi với nhau về chữ nghĩa rất hóc búa. Ví dụ như câu:
Cha con thầy thuốc về làng,
Hồi hương phụ tử thì chàng đối chi?
Hồi hương là về làng, phụ tử là cha con; hồi hương, phụ tử còn là tên hai vị thuốc bắc.
Câu đối lại hay chọi lại:
Con vua đi sứ cửa giời,
Thiên môn, quân tử đã tỏ lời chưa em?
Thiên môn là cửa trời, quân tử là con vua. Thiên môn, quân tử cũng là tên hai vị thuốc bắc. Đối chọi như thế là chỉnh lắm.
Hay câu:
Đồn rằng rắn hổ mang bò,
Chàng mà đối được thiếp cho làm chồng
Trong câu này, bốn chữ rắn hổ mang bò cũng là một câu hoàn chỉnh, song là bốn con vật: con rắn, con hổ, con mang và con bò.
Câu đáp lại:
Ngỏ lời với gái thuyền quyên,
Ga mồng kiến gáy anh liền đối cho.
Thật là tài, gà mồng kiến gáy cũng là một câu hoàn chỉnh, song còn là bốn con: con ga, con mồng, con kiến và con chim cu gáy.
Hát đối hát chọi mang đầy chữ nghĩa và có tính trí tuệ, tính bác học nói trên, lúc đầu chỉ ở chặng hát đố, hát đối, nhưng về sau ở một số loại hình hát ví, nhất là hát ví phường vải, nó bao trùm tất cả các bước, các chặng của một cuộc hát. Có hàng trăm câu như vậy mà chúng tôi đã sưu tập được.
Hát giặm ít câu, ít bài đối chọi như vậy song cũng không ít câu, ít bài có những nhân vật, những hình ảnh, những điển tích trong văn học cổ điển Trung Quốc và Việt Nam. Trai gái đã sử dụng những điển tích, những nhân vật ấy để ví von về mình, để nói tâm tư, ước vọng về mình như Kim Trọng - Thuý Kiều, Vân Tiên - Nguyệt Nga,... rồi Quế tử lan tôn, thoa cung Hán, gương lầu Tần, màn Đổng, gối Ôn, nương Ban, ả Tạ, rể đông sàng, khúc Phượng cầu hoàng, gái đào yêu, hồng điệp, xích thằng, Chương Đài, Đồng Tước, Xuân Kiều, v.v... Thậm chí có những bài, tác giả đã sử dụng những tiểu xảo của văn học bác học và cả văn học dân gian, tạo thành những câu đối nhau chan chát suốt cả một bài hát giặm để bộc lộ ý tình của mình, như bài: "Nhởn nhơ một đoá Chương Đài". Xin dẫn đoạn đầu:
Nhởn nhơ một đoá Chương Đài,
Ong trong xấp xới, bướm ngoài xung xăng.
Nền Đồng Tước khăng khăng,
Khoá Xuân Kiều mãi mãi.
Duyên quả mai ba bảy,
Phận bến nước mười hai.
Nghĩ chữ sắc chữ tài,
Biết rằng duyên rằng nợ.
Hoa đang cười nửa bữa,
Nguyệt đã gác ngang đầu.
Cưởi đã bá ngành dâu,
Hoa mong cười với nguyệt...
Có đến hơn trăm câu cứ sóng đôi nhau mà đối như vậy. Đây là mấy câu cuối:
Dặn bạn đừng mảng cá,
Dặn dì chớ mơ tôm.
Ong dờn đó mặc dờn,
Bướm dạo ngoài mặc dạo.
Ngày em đi mấy tráo,
Tháng em lại mấy lần.
Em về mở khoá xuân,
Để loan kề gối phượng...
Trên là kể những câu những bài có điển tích. Ngay trong những câu những bài trong ca từ dân ca ví, giặm xứ Nghệ, lời lẽ toàn là của dân gian thôi, song vẫn mang tính bác học. Bác học ở logíc diễn đạt ý tình. Ví dụ câu:
Đá có rêu bởi vì nước đứng,
Núi bạc đầu là tại sương sa.
Thấy anh em muốn giao ca,
Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời.
Thấy anh em muốn trao lời,
Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan.
Bác học ở chỗ mang nội dung vô cùng sâu sắc như chắt lọc bao hiểu biết thực tiễn trong cuộc sống.
Ví dụ câu:
Khi vui ngó núi cũng vui,
Khi buồn nhặt trái sim rơi cũng buồn.
Hay câu:
Ở chi, hai dạ ba lòng,
Dạ cam thì ngọt, dạ bòng thì chua.
Và câu:
Nhớ chàng sáng đứng trông xuôi,
Trưa đi ngó ngược, tối ngồi trông ra.
V.v... và v.v...
III. Tại sao trong ca từ dân ca ví, giặm lại giàu tính bác học?
Trước hết phải nói rằng, số ca từ ví giặm có tính bác học như vậy không nhiều, tác giả của nó phần lớn hẳn là các nhà nho. Tham gia hát ví, hát giặm, các cụ sử dụng nội dung sách vở, đi vào khía cạnh chơi chữ để "trổ tài" hiểu biết các kiến thức cổ điển trong thi, thơ, ... đã làm mất cái hồn nhiên, trong trẻo của dân ca.
Gạt ra ngoài những câu những bài mang đầy điển tích, đầy lối chơi chữ, số còn lại đã hòa chung vào gia tài dân ca, ca dao vô giá của quê hương của cả nước mà từng câu óng ánh như những lời hạt kim cương. Đối với các nhà nho mê nôm, đã từng sáng tác thơ nôm, thì việc tắm gội ít nhiều vào ngọn nguồn mát mẻ của dân ca, đã giúp họ trau dồi ngôn ngữ nghệ thuật, cung cấp cho họ cái ý vị tươi xanh của cuộc sống và cảnh vật để sáng tác những tác phẩm bất hủ và những ca từ mà bây giờ nó đã hoà quyện vào cuộc sống, vào gia tài văn hóa, văn học của xứ Nghệ, của quốc gia.
Nhưng ở cái đất Hồng Lam văn vật này, những ca từ ví giặm có tính bác học như đã nói trên, còn là của chính nhân dân lao động. Họ có được học chữ nho, có bước chân vào cửa Khổng sân Trình không? Không. Sống ở cái đất có nhiều nhà nho ho ra chữ, đi tới đâu cũng nghe nói chữ, cũng nghe bình luận thơ văn, họ không thể không bị ảnh hưởng, không tiếp thu ít nhiều. Ngoài ra, có một số người tốt nghiệp "Trường học tại gia" qua những buổi học lỏm khi ngồi kéo vải, khi hầu hạ điếu đóm cho các bậc cha anh. Các cô gái con nhà nho, các người đi ở cho nhà giàu mà nhà này có nuôi ông đồ ngồi dạy học, những buổi các cụ ngồi giảng sách, những khi các cụ thù tiếp các bạn hữu trong làng khoa bảng, bao giờ các cụ cũng trao đổi thơ văn, sách vở,... Ngày qua ngày, tháng lại tháng, những kiến thức của sách vở, của điển tích đã nhập vào tâm não những người chẳng bao giờ được đi học ấy lúc nào không biết. Dĩ nhiên, chỉ là những kiến thức sách vở rời rạc, những chữ nghĩa vụn vặt, chắp vá mà thôi. Nhưng khi họ vận dụng để sáng tác những câu, những bài hát ví, hát giặm, nó lại rạo rực bao ý tình sinh động, thiết tha hoặc tinh nghịch, dí dỏm để thể hiện nội tâm của mình. Trường hợp cô Nhẫn ở Kỳ Anh và bao cô gái ở Nam Đàn, ở Can Lộc,... là như vậy. Cho nên, những "thính giả tự nguyện" trong cuộc hát cũng nhiều người bỏ ăn, bỏ ngủ tham dự hát ví, hát giặm là như vậy. Họ tham dự hát ví, hát giặm không chỉ để thuởng thức giọng hát hay mà còn thưởng thức lời ca đặt tài, đối giỏi, đầy tính sáng tạo như tôi đã nói từ đầu.
                                                                                                                        N.V.G

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114567065

Hôm nay

2148

Hôm qua

2343

Tuần này

21758

Tháng này

225589

Tháng qua

129483

Tất cả

114567065