Những góc nhìn Văn hoá

Bùa mê của Platon* (Kỳ 4)

CHƯƠNG 4: THAY ĐỔI VÀ ĐỨNG YÊN
 
Plato là một trong những nhà khoa học xã hội hàng đầu và không nghi ngờ gì là người có ảnh hưởng nhất. Theo nghĩa trong đó từ ‘xã hội học’ được Comte, Mill, và Spence hiểu, ông là một nhà xã hội học; tức là, ông đã áp dụng thành công phương pháp duy tâm của mình cho một phân tích về đời sống xã hội của con người, và về các qui luật phát triển của nó cũng như các qui luật và điều kiện của sự ổn định của nó.

Bất chấp ảnh hưởng to lớn của Plato, mặt này của giáo huấn của ông đã ít được chú ý đến. Điều này dường như là do hai nhân tố. Trước hết, phần lớn xã hội học của Plato được ông trình bày trong mối quan hệ mật thiết với các đòi hỏi của ông về đạo đức và chính trị đến mức các yếu tố mô tả phần lớn không được nhận ra. Thứ hai, nhiều suy nghĩ của ông đã được coi là nghiễm nhiên đến mức chúng đơn giản được hấp thu một cách vô thức và vì vậy một cách không phê phán. Chủ yếu bằng cách này mà các lí thuyết xã hội học của ông trở nên có ảnh hưởng đến vậy.

Xã hội học của Plato là một hỗn hợp tài tình của sự suy đoán với sự quan sát sắc sảo các sự thực. Mức suy đoán của nó, tất nhiên, là lí thuyết về các Hình thức và về dòng chảy phổ quát và suy tàn, về sinh ra và tha hoá. Nhưng trên nền tảng duy tâm này Plato xây dựng một lí thuyết thực tiễn đáng ngạc nhiên về xã hội, lí thuyết có khả năng giải thích các xu hướng chính trong diễn tiến lịch sử của các quốc gia-đô thị Hi Lạp cũng như các lực lượng xã hội và chính trị hoạt động trong thời ông.
 
I
 
Mức độ suy đoán và siêu hình của lí thuyết Plato về thay đổi xã hội đã được phác hoạ rồi. Đó là thế giới của các Hình thức hay Ý niệm không thay đổi, mà thế giới của các thứ thay đổi trong không gian và thời gian là con của nó. Các Hình thức hay Ý niệm không chỉ là không đổi, không thể huỷ hoại, và không thể thối nát, mà còn là hoàn hảo, đúng, thật, và tốt; thực ra, ‘tốt’ đã có một lần, trong Republic1, được giải thích như ‘tất cả mọi thứ duy trì’, còn ‘xấu’ như ‘tất cả mọi thứ tàn phá hay thối nát’. Các Hình thức hay Ý niệm hoàn hảo và tốt là bề trên đối với các bản sao, các thứ có thể cảm nhận được, và chúng là cái gì đó giống tổ tiên hay các điểm xuất phát2 của mọi sự thay đổi trong thế giới luôn biến đổi. Quan điểm này được dùng để đánh giá xu hướng chung và chiều hướng chính của mọi thay đổi trong thế giới của các thứ có thể cảm nhận được. Vì nếu điểm xuất phát của mọi thay đổi là hoàn hảo và tốt, thì sự thay đổi chỉ có thể là một chuyển động dẫn khỏi sự hoàn hảo và tốt; nó phải hướng tới sự bất hoàn hảo và xấu, tới sự thối nát.
Lí thuyết này có thể được phát triển chi tiết. Một sự vật có thể cảm nhận được càng giống Hình thức hay Ý niệm của nó hơn, thì nó hẳn ít thối nát hơn, vì bản thân các Hình thức là không thể thối nát. Nhưng các sự vật có thể cảm nhận được, hay được sinh ra, không phải là các bản sao hoàn hảo; thực vậy, không bản sao nào có thể hoàn hảo, vì nó chỉ là một sự bắt chước của thực tại thật, chỉ là bề ngoài và ảo tưởng, không phải sự thật. Do đó, không có sự vật có thể cảm nhận được nào (trừ có lẽ những cái xuất sắc nhất) giống các Hình thức của chúng sát đến mức để là không thể thay đổi. ‘Tính không biến đổi tuyệt đối và vĩnh viễn được ấn định chỉ cho cái tuyệt diệu nhất của các sự vật, và thân thể không thuộc về trật tự này’3, Plato nói. Một sự vật có thể cảm nhận được, hay được sinh ra, – như một thân thể, hay một linh hồn người - nếu nó là một bản sao tốt, đầu tiên có thể chỉ thay đổi rất ít; và thay đổi hay chuyển động cổ nhất -chuyển động của linh hồn- vẫn còn ‘tuyệt trần’ (ngược với những thay đổi thứ hai hay thứ ba). Nhưng mỗi sự thay đổi, cho dù nhỏ đến đâu, phải làm cho nó khác biệt, và như vậy ít hoàn hảo hơn, bằng cách giảm sự giống nhau của nó với Hình thức của nó. Theo cách này, sự vật trở nên dễ thay đổi hơn với mỗi sự thay đổi, và thối nát hơn, vì nó bị dịch xa hơn khỏi Hình thức của nó, cái là ‘căn nguyên của tính bất động và đứng yên của nó’, như Aristotle nói, người diễn giải học thuyết Plato như sau: ‘Các thứ được sinh ra bằng tham gia vào Hình thức, và chúng suy tàn bởi mất Hình thức’. Quá trình tha hoá này, đầu tiên chậm và sau đó nhanh hơn – qui luật suy tàn và sụp đổ - được Plato mô tả đầy kịch tính trong Laws, tác phẩm cuối của các đối thoại vĩ đại của ông. Đoạn văn đề cập chủ yếu đến số phận của linh hồn người, nhưng Plato làm rõ rằng nó đúng cho tất cả các thứ ‘chia sẻ linh hồn’, theo đó ông muốn nói tất cả các thứ sống. Ông viết, ‘Tất cả các thứ chia sẻ linh hồn biến đổi…và trong lúc chúng biến đổi, chúng bị trật tự và qui luật về vận mệnh kéo đi. Sự thay đổi về tính cách của chúng càng nhỏ, thì sự bắt đầu sa sút về mức xếp hạng của chúng càng ít đáng kể. Nhưng khi sự thay đổi, và với nó sự bất công, tăng lên, thì chúng sụp đổ- xuống địa ngục và cái được biết đến như các vùng quỉ quái’. (Tiếp tục đoạn văn này, Plato nhắc tới khả năng rằng ‘một linh hồn được phú cho năng khiếu với một phần lớn khác thường của đức hạnh có thể, bởi lực của ý chí riêng của nó…, nếu nó giao tiếp với đức hạnh thánh thần, trở nên có đức hạnh tột bậc và di chuyển sang vùng cao thượng’. Vấn đề của linh hồn đặc biệt, có thể tự cứu mình- và có lẽ những người khác- khỏi qui luật chung của số phận, sẽ được thảo luận ở chương 8). Sớm hơn trong Laws, Plato tóm tắt học thuyết của ông về thay đổi: ‘Bất kể sự thay đổi nào, trừ sự thay đổi của một sự vật xấu xa, là nghiêm trọng nhất trong mọi mối nguy hiểm phụ bạc có thể xảy ra với một sự vật -bất luận bây giờ nó là một sự thay đổi của mùa, hay của gió, hay của việc ăn kiêng của con người, hay của đặc tính của linh hồn’. Và ông chua thêm, để nhấn mạnh: ‘Tuyên bố này áp dụng cho tất cả mọi thứ, với ngoại lệ duy nhất, như tôi vừa nói, của cái gì đó xấu xa’. Tóm lại, Plato dạy rằng sự thay đổi là xấu xa, và sự đứng yên là tuyệt diệu.
 Bây giờ chúng ta thấy rằng lí thuyết của Plato về Hình thức hay Ý niệm ngụ ý một xu hướng nào đó trong sự phát triển của thế giới luôn biến đổi. Nó dẫn đến qui luật rằng tính thối nát của mọi thứ trong thế giới đó phải liên tục tăng lên. Không phải là một qui luật cứng nhắc về sự thối nát tăng lên một cách phổ quát, mà đúng hơn là qui luật về tính thối nát tăng lên; tức là, mối nguy cơ hay khả năng thối nát tăng lên, nhưng những sự phát triển đặc biệt theo hướng khác không bị loại trừ. Như vậy có thể, như trích dẫn cuối cùng cho thấy, là một linh hồn rất tốt có thể thách thức sự thay đổi và suy tàn, và rằng mọi thứ xấu xa, thí dụ một thành phố rất độc hại, có thể được cải thiện bằng thay đổi nó. (Để một sự cải thiện như vậy có bất kể giá trị nào, chúng ta phải cố làm cho nó vĩnh cửu, tức là làm ngưng mọi sự thay đổi thêm nữa).
Hoàn toàn phù hợp với lí thuyết tổng quát này là câu chuyện của Plato về nguồn gốc của các loài, nêu trong Timaeus. Theo câu chuyện này, con người, động vật cao cấp nhất, do các thần sinh ra; các loài khác sinh ra từ con người bởi một quá trình thối nát và tha hoá. Đầu tiên, những người đàn ông nào đó –những người nhút nhát và những kẻ bất lương- tha hoá thành đàn bà. Những người thiếu khôn ngoan tha hoá từng bước một thành các động vật cấp thấp hơn. Chim, chúng ta nghe nói, sinh ra qua sự biến đổi của những người vô hại, nhưng quá vô tư, tin vào giác quan của họ quá nhiều; ‘các động vật trên cạn sinh ra từ những người không quan tâm đến triết học’; và cá, bao gồm các loài có vỏ, ‘bị tha hoá từ người ngu xuẩn, đần độn, và …đê tiện nhất’ trong tất cả số đàn ông.4
Rõ ràng là lí thuyết này có thể được áp dụng cho xã hội loài người, và cho lịch sử của nó. Nó sau đó giải thích qui luật bi quan của Hesiod5 về phát triển, qui luật về sự suy tàn lịch sử. Nếu chúng ta tin tường thuật của Aristotle (được phác hoạ ở chương trước), thì lí thuyết về Hình thức hay Ý niệm khởi đầu được đưa ra để thoả mãn yêu cầu phương pháp luận, đòi hỏi về tri thức thuần khiết hay duy lí điều là không thể có trong trường hợp của các thứ có thể cảm nhận được và luôn thay đổi. Bây giờ chúng ta thấy rằng lí thuyết làm nhiều hơn thế. Ngoài việc thoả mãn các đòi hỏi phương pháp luận này ra, nó cung cấp một lí thuyết về sự thay đổi. Nó giải thích chiều hướng chung về sự luôn thay đổi của tất cả các thứ có thể cảm nhận được, và bằng cách đó giải thích xu hướng lịch sử đến tha hoá bởi con người và xã hội loài người. (Và nó làm còn nhiều hơn; như chúng ta sẽ thấy ở chương 6, lí thuyết về Hình thức cũng xác định xu hướng của đòi hỏi chính trị của Plato, và thậm chí các phương tiện để thực hiện nó). Nếu, như tôi tin, triết học của Plato cũng như của Heraclitus xuất phát từ kinh nghiệm xã hội của hai ông, đặc biệt từ kinh nghiệm của chiến tranh giai cấp và từ cảm giác khốn khổ rằng thế giới xã hội của họ tan vỡ thành từng mảnh, thì chúng ta có thể hiểu vì sao lí thuyết về Hình thức đóng một phần quan trọng như vậy trong triết học của Plato khi ông thấy rằng nó có khả năng giải thích xu hướng tiến tới tha hoá. Ông hẳn chào đón nó như giải pháp của một câu đố gây bối rối nhất. Trong khi Heraclitus đã không có khả năng vượt qua một sự lên án đạo đức trực tiếp về xu hướng của sự phát triển chính trị, Plato đã thấy, trong lí thuyết về Hình thức của ông, cơ sở lí thuyết cho một đánh giá bi quan theo cách của Hesiod.
Nhưng sự vĩ đại của Plato với tư cách là một nhà xã hội học không nằm ở những suy đoán chung và trừu tượng của ông về qui luật của sự suy tàn xã hội. Nó nằm đúng hơn ở sự phong phú và chi tiết của những quan sát của ông, và ở sự sắc sảo đến kinh ngạc của trực giác xã hội học của ông. Ông đã thấy các thứ chưa được thấy trước ông, và chỉ được tái phát hiện ra trong thời đại chúng ta. Như một thí dụ tôi có thể nhắc đến lí thuyết của ông về sự khởi đầu thô sơ của xã hội, về chế độ gia trưởng bộ lạc, và, nói chung, nỗ lực của ông để phác hoạ các giai đoạn điển hình trong sự phát triển của đời sống xã hội. Thí dụ khác là chủ nghĩa lịch sử xã hội học và kinh tế học của Plato, sự nhấn mạnh của ông đến nền tảng kinh tế của đời sống chính trị và phát triển lịch sử; một lí thuyết được Marx làm sống lại dưới cái tên ‘chủ nghĩa duy vật lịch sử’. Một thí dụ thứ ba là qui luật lí thú nhất của Plato về cách mạng chính trị, theo đó tất cả các cuộc cách mạng đều giả định trước một giai cấp cầm quyền (hay ‘élite’) bị chia rẽ; một qui luật tạo cơ sở cho phân tích của ông về các phương tiện để làm ngưng thay đổi chính trị và tạo ra cân bằng xã hội, và nó được tái khám phá ra mới đây bởi các nhà lí thuyết của chủ nghĩa toàn trị, đặc biệt bởi Pareto.
Bây giờ tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về những điểm này, đặc biệt là điểm thứ ba, lí thuyết về cách mạng và về cân bằng.
 
II
Các đối thoại trong đó Plato thảo luận các vấn đề này là, theo thứ tự thời gian, Republic, một đối thoại muộn hơn nhiều được gọi là Statesman (hay Politicus), và Laws, tác phẩm muộn nhất và dài nhất của ông. Bất chấp những khác biệt nhỏ nào đấy, có nhiều sự thống nhất giữa các đối thoại này, trong một số khía cạnh là tương tự, trong các khía cạnh khác là bổ sung cho nhau. Laws6, thí dụ, trình bày câu chuyện về suy tàn và sụp đổ của xã hội loài người như một tường thuật về sự hợp nhất tiền sử của Hy Lạp mà không có sự xen nào vào lịch sử; trong khi các đoạn văn tương tự của Republic cho một phác hoạ về sự phát triển của chính thể, theo một cách trừu tượng hơn; Statesman, còn trừu tượng hơn nữa, cho một phân loại logic của các kiểu chính thể, chỉ với vài ám chỉ đến các sự kiện lịch sử. Tương tự, Laws trình bày khía cạnh lịch sử chủ nghĩa của sự nghiên cứu rất mạch lạc. ‘Hình mẫu hay nguồn gốc của một nhà nước là gì?’ Plato hỏi ở đó, liên kết câu hỏi này với câu hỏi khác: ‘Phải chăng phương pháp tốt nhất để tìm một câu trả lời cho câu hỏi này…là để suy ngẫm sự phát triển của các nhà nước như chúng thay đổi hoặc tới tốt lành hay tới xấu xa?’ Nhưng trong phạm vi các học thuyết xã hội học, sự khác biệt lớn duy nhất dường như là do một khó khăn tự biện thuần tuý là cái dường như đã làm Plato lo lắng. Giả sử như điểm xuất phát của sự phát triển một nhà nước hoàn hảo và vì vậy không thể thối nát, ông thấy khó để giải thích sự thay đổi đầu tiên, sự Sa ngã của Con Người, có thể nói vậy, cái khởi động mọi thứ.7 Chúng ta sẽ nghe, ở chương tiếp, về nỗ lực của Plato để giải quyết vấn đề này; nhưng đầu tiên tôi sẽ cho một tổng quan chung về lí thuyết của ông về sự phát triển xã hội.
Theo Republic, hình thức ban đầu hay nguyên thuỷ của xã hội, và đồng thời, là cái giống sát nhất Hình thức hay Ý niệm của một nhà nước, ‘nhà nước tốt nhất’, là vương quyền của người sáng suốt nhất và giống thần thánh nhất trong những con người. Quốc gia-đô thị lí tưởng này cũng gần hoàn hảo đến mức khó để hiểu được làm sao nó có thể từng thay đổi. Thế mà, sự thay đổi có xảy ra thật; và với nó sự xung đột của Heraclitus bắt đầu, động lực của mọi chuyển động. Theo Plato, xung đột nội bộ, chiến tranh giai cấp, được tư lợi và đặc biệt là tư lợi về vật chất hay về kinh tế xúi bẩy, là lực lượng chủ yếu của ‘động học xã hội’. Công thức theo kiểu Marx ‘Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại cho đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp’8 khớp với chủ nghĩa lịch sử của Plato cũng gần khéo như với chủ nghĩa lịch sử của Marx. Bốn giai đoạn dễ thấy nhất hay ‘các cột mốc trong lịch sử tha hoá chính trị’, và, đồng thời, ‘các tính đa dạng…quan trọng nhất của các nhà nước hiện tồn’9, được Plato mô tả theo thứ tự sau. Thứ nhất, sau nhà nước hoàn hảo là đến ‘chính thể hào hiệp’ [timarchy hay timocracy], sự cai trị của quí tộc, người đi tìm kiếm vinh dự và tiếng tăm; thứ hai, đến chính thể đầu sỏ [oligarchy], sự cai trị của các gia đình giàu có; ‘tiếp theo thứ tự, nền dân chủ [democracy] sinh ra’, sự cai trị của tự do, cái có nghĩa là sự vô pháp luật; và cuối cùng là ‘chính thể chuyên chế [tyranny]…căn bệnh thứ tư và cuối cùng của thành phố’10.
Như có thể thấy từ nhận xét cuối cùng, Plato nhìn lịch sử, đối với ông lịch sử về sự suy tàn xã hội, cứ như lịch sử của một bệnh: bệnh nhân là xã hội; và như sẽ thấy muộn hơn, chính khách phải là một thầy thuốc (và ngược lại) - một thầy chữa bệnh, một vị cứu tinh.
 Hệt như mô tả về diễn biến điển hình của một bệnh không luôn có thể áp dụng được cho riêng mỗi bệnh nhân, lí thuyết lịch sử của Plato về suy tàn xã hội cũng thế, không có ý định áp dụng cho sự phát triển của riêng mỗi thành phố. Nhưng nó có ý định mô tả cả diễn tiến ban đầu của sự phát triển theo đó các hình thức chính của sự suy tàn thể chất được tạo ra đầu tiên, và diễn tiến điển hình của sự thay đổi xã hội.11 Chúng ta thấy Plato nhắm tới trình bày một hệ thống về các giai đoạn lịch sử, được chế ngự bởi qui luật tiến hoá; nói cách khác, ông nhắm tới một lí thuyết lịch sử chủ nghĩa về xã hội. Nỗ lực này được Rousseau làm sống lại, và được Comte và Mill, và được Hegel và Marx làm trở thành thời thượng; nhưng xét bằng chứng lịch sử sẵn có khi đó, hệ thống các giai đoạn lịch sử của Plato cũng hoàn toàn tốt như hệ thống của bất kể ai trong số các nhà lịch sử chủ nghĩa hiện đại này. (Sự khác biệt chính nằm ở sự đánh giá diễn tiến thực tế của lịch sử. Trong khi nhà quí tộc Plato lên án sự phát triển mà ông mô tả, các tác giả lịch sử chủ nghĩa hiện đại này khen ngợi nó, tin như họ đã tin vào qui luật về tiến bộ lịch sử).
Trước khi thảo luận nhà nước hoàn hảo của Plato một cách chi tiết, tôi sẽ cho một phác hoạ ngắn gọn về phân tích của ông về vai trò do các động cơ kinh tế và đấu tranh giai cấp đóng trong quá trình chuyển đổi giữa bốn hình thức suy tàn của nhà nước. Hình thức đầu tiên mà nhà nước hoàn hảo tha hoá thành timocracy, sự cai trị của những người cao quí có tham vọng, được nói là trong gần như tất cả các khía cạnh, là giống bản thân nhà nước hoàn hảo. Quan trọng để lưu ý rằng Plato đồng nhất một cách rõ ràng nhà nước tốt nhất và cổ nhất này giữa các nhà nước hiện tồn với hiến pháp Dorian của xứ Sparta và Crete, và rằng hai chế độ quí tộc bộ lạc này quả thực đại diện cho các hình thức cổ nhất của cuộc sống chính trị bên trong Hy Lạp. Hầu hết mô tả tuyệt vời của Plato về các định chế của chúng là ở các phần nhất định của mô tả về nhà nước tốt nhất hay hoàn hảo, mà timocracy là rất giống thế. (Qua thuyết về sự tương tự giữa Sparta và nhà nước hoàn hảo, Plato trở thành một trong các nhà tuyên truyền thành công nhất của cái tôi muốn gọi là ‘Huyền thoại Lớn về Sparta’- huyền thoại bất diệt và có ảnh hưởng về ưu thế tối cao của hiến pháp và cách sống Sparta).
Sự khác nhau chủ yếu giữa nhà nước tốt nhất hay lí tưởng và timocracy là, cái sau chứa một yếu tố bất ổn định; giai cấp cai trị tộc trưởng một thời thống nhất thì bây giờ chia rẽ, và chính sự chia rẽ này dẫn đến bước tiếp theo, đến sự tha hoá thành chính thể đầu sỏ. Sự chia rẽ do tham vọng gây ra. ‘Đầu tiên’, Plato nói về một phú hào trẻ, ‘anh ta nghe mẹ mình ca thán rằng chồng bà không phải là một trong những người cai trị…’12. Như thế anh ta trở nên có hoài bão và ao ước tước hiệu. Nhưng cái quyết định để gây ra sự thay đổi tiếp theo là các xu hướng xã hội cạnh tranh và hám lợi. ‘Chúng ta phải mô tả’, Plato nói, ‘timocracy biến thành chính thể đầu sỏ thế nào…Ngay cả người mù hẳn cũng thấy nó thay đổi thế nào…Chính kho báu là cái huỷ hoại hiến pháp này. Họ [các phú hào] bắt đầu bằng tạo ra các cơ hội khoe khoang và tiêu xài tiền, và vì mục đích này họ bóp méo luật pháp, họ và các bà vợ của họ không tuân theo luật pháp..; và họ cố vượt lẫn nhau’. Xung đột giai cấp đầu tiên nảy sinh theo cách này: xung đột giữa đức hạnh và tiền bạc, hay giữa cách đã được xác lập cổ xưa về tính dản dị phong kiến và cách mới về giàu sang. Quá độ sang chính thể đầu sỏ hoàn tất khi người giàu thiết lập một luật ‘loại khỏi chức vụ công tất cả những ai mà của cải của họ không đạt một lượng qui định. Sự thay đổi này được áp đặt bằng vũ lực, nếu sự đe doạ và hăm doạ không thành công…’
Với sự thiết lập của chính thể đầu sỏ, đã đạt đến một trạng thái nội chiến tiềm năng giữa những người đầu sỏ và các giai cấp nghèo hơn: ‘hệt như một thân thể ốm yếu…đôi khi xung đột với chính mình..., thành phố ốm yếu cũng vậy. Nó bị ốm và xung đột với chính mình vì những cớ cỏn con nhất, hễ khi nào một bên hay bên kia tìm được sự giúp đỡ từ bên ngoài, một bên từ một thành phố theo chính thể đầu sỏ, hay bên kia từ một nền dân chủ. Và chẳng phải là nhà nước ốm yếu này đôi khi lâm vào nội chiến, thậm chí không có bất kể sự trợ giúp như vậy nào từ bên ngoài?’13 Cuộc nội chiến này sinh ra nền dân chủ: ‘Dân chủ sinh ra…khi người nghèo thắng, giết một số.., và xua đuổi một số khác, và chia sẻ với những người còn lại quyền công dân và chức vụ công, dưới danh nghĩa công bằng…’
Mô tả của Plato về dân chủ là sự chế nhạo sinh động nhưng thù địch dữ dội và bất công bằng về đời sống chính trị của Athens, và về tín điều dân chủ mà Pericles đã trình bày theo cách chẳng bao giờ bị vượt qua, khoảng ba năm trước khi Plato sinh ra. (Chương trình của Pericles được thảo luận ở chương 10, ở sau14). Mô tả của Plato là một món tuyên truyền tài ba, và chúng ta có thể đánh giá sự tai hại biết bao mà nó đã hẳn gây ra nếu chúng ta xét, thí dụ, rằng một người như Adam, một học giả xuất sắc và biên tập viên của Republic, không có khả năng cưỡng lại sự hùng biện của Plato lăng mạ thành phố quê hương ông. ‘Mô tả của Plato về nguồn gốc của người dân chủ’, Adam15 viết, ‘là một trong những áng văn vương giả và tráng lệ nhất trong toàn bộ văn học, bất luận cổ xưa hay hiện đại’. Và khi cũng tác giả đó tiếp tục: ‘mô tả về người dân chủ như con tắc kè hoa [luôn biến sắc, kẻ cơ hội] của xã hội loài người là mô tả anh ta vĩnh viễn’, sau đó chúng ta thấy rằng Plato đã thành công chí ít biến nhà tư tưởng này chống lại dân chủ, và chúng ta có thể tự hỏi văn độc hại của ông đã gây ra bao nhiêu tác hại khi được trình bày, không bị phản đối, cho các trí óc nhỏ hơn…
Dường như thường khi văn phong của Plato, dùng một cách diễn đạt của Adam16, trở thành ‘một dòng đầy ắp các tư tưởng và hình ảnh và ngôn từ cao thượng’, ông có nhu cầu cấp bách về một áo choàng để che đậy giẻ rách và quần áo rách rưới của luận chứng của ông, hay thậm chí, trong trường hợp này, sự thiếu vắng hoàn toàn của các lí lẽ duy lí. Thay cho chúng ông dùng lời thoá mạ, đồng nhất tự do với vô pháp luật, quyền tự do với giấy phép, và sự bình đẳng trước pháp luật với mất trật tự. Những người dân chủ được mô tả như những kẻ trác táng và keo kiệt, láo xược và lộn xộn, và trơ tráo, như những con thú săn mồi dữ tợn và khủng khiếp, chiều theo mỗi ý thất thường, sống chỉ vì khoái lạc, và vì những mong muốn không cần thiết và bẩn thỉu. (‘Họ nhồi đầy bụng giống như các thú vật’, là cách diễn đạt của Heraclitus). Họ bị lên án vì kêu gọi ‘tôn sùng sự điên rồ..; họ gọi thái độ ôn hoà là tính hèn nhát..; họ gọi sự điều độ và chi tiêu ngăn nắp là bủn xỉn và thô lỗ’17, v.v. ‘Và có nhiều chuyện lặt vặt thuộc loại này’, Plato nói, khi sự tuôn trào lạm dụng hoa mĩ của ông bắt đầu dịu đi, ‘thầy giáo sợ và nịnh bợ học trò.., và người già hạ cố đến người trẻ…để tránh diện mạo cáu kỉnh và bạo ngược’. (Đó là Plato, Chủ nhân của Viện Hàn Lâm, người để cho Socrates nói điều này, quên rằng Socrates đã chẳng bao giờ là thầy giáo, và rằng ngay cả như một người già ông đã chẳng bao giờ tỏ ra cáu kỉnh hay bạo ngược. Ông đã luôn luôn yêu quí, không ‘hạ cố’ đến thanh niên, mà coi họ, thí dụ Plato trẻ, như những người bạn. Bản thân Plato, chúng ta có lí do để tin, đã ít sẵn sàng để ‘hạ cố’, và thảo luận các vấn đề với học trò của mình). ‘Song đỉnh cao của tất cả sự dư dật tự do này…đạt đến’, Plato tiếp tục, ‘khi các nô lệ, đàn ông cũng như đàn bà, những người bị mang ra chợ, là hoàn toàn tự do như những người chủ của họ…Và kết quả tích luỹ của tất cả thứ này là gì? Là trái tim của các công dân trở nên rất nhân hậu đến mức họ phát cáu với đơn thuần cảnh về bất cứ cái gì giống cảnh nô lệ và không dung thứ bất cứ ai biện hộ cho sự hiện diện của nó…đến mức họ có thể không có ông chủ nào bên trên họ’. Ở đây, cuối cùng, Plato tỏ lòng kính trọng đối với thành phố quê ông, cho dù ông làm việc đó một cách không chủ ý. Mãi vẫn là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của nền dân chủ Athens là nó đã đối xử nhân đạo với các nô lệ, và bất chấp tuyên truyền vô nhân đạo của các triết gia như bản thân Plato và Aristotle nó trở nên, như ông chứng kiến, rất gần tới bãi bỏ tình trạng nô lệ.18
Công trạng lớn hơn nhiều, dù cho nó cũng được cảm hứng bởi lòng hận thù, là mô tả của Plato về chế độ chuyên chế và đặc biệt về quá độ tiến tới nó. Ông khăng khăng rằng ông mô tả các thứ mà bản thân ông đã thấy19; không nghi ngờ gì, là sự ám chỉ tới kinh nghiệm của ông ở triều đình Dionysius già, bạo chúa xứ Syracuse. Quá độ từ nền dân chủ sang chế độ chuyên chế, Plato nói, xảy ra dễ nhất bởi một lãnh tụ được dân chúng ngưỡng mộ và biết cách khai thác mâu thuẫn giai cấp đối kháng giữa những người giàu và những người nghèo trong phạm vi một nhà nước dân chủ, người thành công xây dựng một đội vệ binh hay một quân đội của riêng mình. Những người tung hô ông ta lúc đầu như quán quân của tự do mau chóng trở thành nô lệ; và rồi họ phải chiến đấu vì ông ta, ‘hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác mà ông ta phải gây ra…bởi vì ông ta phải làm cho người dân cảm thấy cần một vị tướng’20. Với chế độ chuyên chế, đã đạt đến nhà nước khốn nạn nhất.
Một tổng quan rất giống thế về các dạng khác nhau của chính thể có thể thấy trong Statesman, nơi Plato thảo luận ‘nguồn gốc của bạo chúa và vua, của những kẻ đầu sỏ và các quí tộc, và của các nền dân chủ’21. Chúng ta lại thấy rằng các dạng khác nhau của các chính thể hiện tồn được giải thích như các bản sao bị giảm chất lượng của mô hình thật hay Hình thức của nhà nước, của nhà nước hoàn hảo, tiêu chuẩn của mọi bản mô phỏng, được cho là đã tồn tại ở thời xa xưa của Cronos, cha của Zeus. Một sự khác biệt là ở đây Plato phân biệt sáu loại của các nhà nước mất phẩm chất; nhưng sự khác biệt này không quan trọng, đặc biệt nếu chúng ta nhớ lại cái Plato nói trong Republic22 rằng bốn loại được thảo luận không phải là hết, là toàn diện, và rằng còn có một số cấp trung gian nữa. Đạt tới sáu loại, trong Statesman, đầu tiên bằng phân biệt giữa ba dạng chính thể, sự cai trị của một người, của ít người, và của nhiều người. Sau đó mỗi trong ba loại này được chia làm hai loại phụ, trong đó một loại là tương đối tốt và loại kia là xấu, dựa theo liệu chúng có bắt chước ‘bản gốc đúng duy nhất’ hay không bằng cách sao chép và duy trì luật pháp cổ xưa của nó.23 Bằng cách này, ba dạng bảo thủ hay hợp pháp và ba dạng hoàn toàn suy đồi hay vô pháp luật được phân biệt; nền quân chủ, chế độ quí tộc, và một dạng bảo thủ của nền dân chủ là những bắt chước hợp pháp, theo thứ tự phẩm chất. Nhưng nền dân chủ biến thành dạng vô pháp luật của nó, và hư hỏng hơn nữa, qua chính thể đầu sỏ, sự cai trị vô luật pháp của ít người, đến sự cai trị vô pháp luật của một người, chế độ chuyên chế, chế độ, như Plato đã nói trong Republic, là tồi nhất trong số đó.
Rằng chế độ chuyên chế, nhà nước tội lỗi nhất, không nhất thiết là kết thúc của sự phát triển được biểu lộ ở một đoạn trong Laws được lặp lại một phần, và một phần24 liên kết với, câu chuyện của Statesman. ‘Cho tôi một nhà nước do một nhà chuyên chế trẻ cai trị’, Plato thốt lên ở đó, ‘…người có may mắn là người cùng thời của một nhà lập pháp lớn, và gặp ông ta bởi sự tình cờ may mắn nào đó. Một ông thần có thể làm gì nhiều hơn cho một thành phố mà ông muốn ban hạnh phúc cho?’ Chế độ chuyên chế, nhà nước tồi tệ nhất, có thể được cải cách bằng cách này. (Điều này thống nhất với nhận xét trong Laws, được trích ở trên, rằng mọi thay đổi là xấu xa, ‘trừ thay đổi của thứ xấu xa’. Không có mấy nghi ngờ rằng Plato, khi nói về nhà lập pháp lớn và kẻ chuyên chế trẻ, hẳn nghĩ về bản thân ông và các thí nghiệm khác nhau của ông với các bạo chúa trẻ, và đặc biệt về các nỗ lực của ông để cải cách chế độ chuyên chế của Dionysius trẻ trên khắp Syracuse. Các thí nghiệm xấu số này sẽ được thảo luận sau).
Một trong những mục tiêu chính của phân tích của Plato về các diễn biến chính trị là để biết chắc động lực của mọi sự thay đổi lịch sử. Trong Laws, tổng quan lịch sử được tiến hành một cách tường minh với mục tiêu này ở trước mắt: ‘Chẳng phải hàng ngàn thành phố không được đếm đã sinh ra trong thời gian này…và chẳng phải mỗi trong số đó đều dưới mọi loại chính thể?…Hãy để chúng ta, nếu chúng ta có thể, nắm được nguyên nhân của nhiều sự thay đổi đến vậy. Tôi hi vọng rằng như vậy chúng ta có thể phát hiện ra bí mật cả của sự sinh ra các hiến pháp, và cả của sự thay đổi của chúng’.25 Như kết quả của những nghiên cứu này ông khám phá ra qui luật xã hội rằng sự chia rẽ nội bộ, chiến tranh giai cấp được kích bởi sự đối kháng của các quyền lợi giai cấp về kinh tế, là động lực của mọi cuộc cách mạng chính trị. Nhưng trình bày qui luật cơ bản này của Plato còn đi xa hơn nữa. Ông khẳng định rằng chỉ sự dấy loạn nội bộ trong bản thân giai cấp thống trị có thể làm yếu nó nhiều đến mức sự thống trị của nó có thể bị lật đổ. ‘Những sự thay đổi trong bất kể hiến pháp nào hình thành, không có ngoại lệ, trong bản thân giai cấp thống trị, và chỉ khi giai cấp này trở thành chỗ chia rẽ26, là công thức của ông trong Republic; và trong Laws ông nói (có lẽ dẫn chiếu đến đoạn văn này của Republic): ‘ Làm sao một vương vị, hay bất kì dạng khác nào của chính thể, từng có thể bị bất kì ai ngoài bản thân các nhà cai trị tiêu diệt? Chúng ta đã quên cái chúng ta vừa nói một lúc trước đây, khi đề cập đến chủ đề này, như chúng ta đã làm hôm trước?’ Qui luật xã hội học này, cùng với quan sát rằng các lợi ích kinh tế rất có thể là các nguyên nhân của sự chia rẽ, là manh mối của Plato cho lịch sử. Nhưng nó nhiều hơn thế. Nó cũng là manh mối cho phân tích của ông về các điều kiện cần thiết để thiết lập cân bằng chính trị, tức là để làm ngưng sự thay đổi chính trị. Ông giả sử rằng các điều kiện này được thực hiện trong nhà nước tốt nhất hay hoàn hảo của thời xưa.
 
III
 
Mô tả của Plato về nhà nước hoàn hảo hay tốt nhất thường được diễn giải như chương trình Không tưởng của một nhà theo thuyết tiến bộ. Bất chấp sự khẳng định đi khẳng định lại của ông, trong Republic, Timaeus, và Critias, rằng ông mô tả quá khứ xa xôi, và bất chấp các đoạn văn tương tự trong Laws mà ý định lịch sử được bộc lộ, người ta thường cho rằng đó là ý định của ông để cho một mô tả úp mở về tương lai. Nhưng tôi nghĩ Plato muốn nói cái ông đã nói, và rằng nhiều đặc trưng của nhà nước tốt nhất của ông, đặc biệt như được mô tả trong Quyển Hai đến Quyển Bốn của Republic, có ý muốn nói là thuộc lịch sử,27 hay có lẽ tiền sử (giống tường thuật của ông về xã hội nguyên thuỷ trong Statesman Laws). Điều này có thể không áp dụng cho mọi đặc trưng của nhà nước tốt nhất. Xét, thí dụ, vương vị của các triết gia (được mô tả trong Quyển Năm đến Quyển Bảycủa Republic), Plato cho biết rằng nó có thể là một đặc trưng chỉ của thế giới bất tận của các Hình thức hay Ý niệm, của ‘Thành phố trên Thiên đường’. Các yếu tố không thuộc về lịch sử một cách chủ ý này sẽ được thảo luận sau, cùng với các đòi hỏi đạo đức –chính trị của Plato. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng ông đã không có ý định cho một tường thuật lịch sử chính xác trong mô tả của ông về các hiến pháp nguyên thuỷ hay cổ xưa; chắc hẳn ông biết rằng ông không có số liệu cần thiết để đạt bất kể cái gì giống vậy. Tuy vậy, tôi tin rằng ông đã nghiêm túc thử dựng lại các dạng bộ lạc cổ xưa của đời sống xã hội khéo như ông có thể. Không có lí do để nghi ngờ điều này, đặc biệt vì nỗ lực đã rất thành công trong khá nhiều chi tiết. Khó có thể là khác, vì Plato đi đến bức tranh của ông bằng một mô tả được lí tưởng hoá về các chế độ quí tộc của Crete và Sparta. Với trực giác sắc sảo của mình ông đã thấy các dạng này không những là cổ xưa, mà được hoá đá, được ngưng lại; rằng chúng là các di tích của một dạng còn cổ hơn nữa. Và ông kết luận rằng dạng còn cổ hơn này thậm chí còn ổn định hơn, được ngưng lại chắc chắn hơn. Nhà nước rất cổ xưa và do đó rất tốt và rất ổn định này được ông cố dựng lại theo cách để làm rõ nó đã được giữ khỏi sự chia rẽ thế nào; làm sao chiến tranh giai cấp đã được loại bỏ, và làm sao ảnh hưởng của các lợi ích kinh tế đã được giảm đến mức tối thiểu, và được kiểm soát tốt. Đây là các vấn đề chính của Plato về việc dựng lại nhà nước tốt nhất.
Plato giải quyết ra sao vấn đề tránh chiến tranh giai cấp? Giả như ông đã là người theo thuyết tiến bộ, ông đã có thể tìm ra ý tưởng về một xã hội không giai cấp, bình quân; vì, như chúng ta có thể thấy thí dụ từ sự chế nhạo nền dân chủ Athens của ông, đã có các xu hướng bình quân hoạt động ở Athens. Nhưng ông đã không cố xây dựng lại một nhà nước có thể sẽ đến, mà là một nhà nước đã tồn tại – cha của nhà nước Sparta, nhà nước chắc chắn không phải là một xã hội phi giai cấp. Đó là một nhà nước nô lệ, và do đó nhà nước tốt nhất của Plato dựa vào sự phân biệt giai cấp cứng nhắc nhất. Đó là nhà nước đẳng cấp. Vấn đề tránh chiến tranh giai cấp được giải quyết, không phải bằng thủ tiêu giai cấp, mà bằng ban cho giai cấp thống trị tính ưu việt không thể bị thách thức. Như ở Sparta, chỉ một mình giai cấp cai trị được phép mang vũ khí, chỉ mình nó có các quyền chính trị hay các quyền khác, và chỉ mình nó được giáo dục, tức là nhận được sự đào tạo đặc biệt về nghệ thuật áp bức những con cừu người hay gia súc người của nó. (Thực ra tính hơn hẳn áp đảo của nó làm Plato lo âu một chút; ông sợ rằng các thành viên của nó ‘có thể quấy rầy con cừu’, thay cho đơn thuần cắt lông chúng, và ‘hành động như những con sói hơn là những con chó’.28 Vấn đề này sẽ được xem xét muộn hơn ở chương này). Chừng nào giai cấp thống trị còn thống nhất, không thể có thách thức nào đối với uy quyền của họ, và do đó không có chiến tranh giai cấp.
Plato phân biệt ba giai cấp trong nhà nước tốt nhất, những người bảo vệ, những phụ tá có vũ trang hay các chiến binh của họ, và giai cấp lao động. Nhưng thực tế chỉ có hai đẳng cấp, đẳng cấp quân đội – các nhà cai trị được vũ trang và được giáo dục – và những người bị trị không có vũ trang và không được giáo dục, những con cừu người; vì những người bảo vệ không phải là đẳng cấp riêng biệt, mà chỉ là các chiến binh già và thông thái đã được cất nhắc từ đội ngũ các phụ tá. Rằng Plato chia đẳng cấp cai trị thành hai giai cấp, những người bảo vệ và các phụ tá, mà không nêu chi tiết sự phân chia tương tự trong phạm vi giai cấp lao động, chủ yếu là do sự thực rằng ông chỉ quan tâm đến những kẻ thống trị. Ông hoàn toàn không quan tâm đến những người lao động, các nhà buôn, v.v., họ chỉ là các súc vật người mà chức năng duy nhất là cung cấp các nhu cầu vật chất cho giai cấp thống trị. Plato thậm chí còn đi xa đến mức cấm những kẻ cai trị làm luật cho những người thuộc giai cấp này, và cho các vấn đề lặt vặt của họ.29 Đây là lí do vì sao thông tin của chúng ta về các giai cấp thấp hơn lại ít ỏi đến vậy. Nhưng sự im lặng của Plato không hoàn toàn liên tục. ‘Không phải có những kẻ nô lệ’, một lần ông hỏi, ‘những người không có một tí thông minh nào và không xứng đáng để được chấp nhận vào cộng đồng, nhưng là những người có thân thể tráng kiện cho công việc nặng nhọc?’ Vì nhận xét ác độc này đã dẫn đến bình luận dễ chịu là Plato không nhận các nô lệ vào thành phố của ông, ở đây tôi có thể chỉ ra rằng quan điểm này là sai. Đúng là không ở đâu Plato thảo luận một cách rõ ràng về địa vị của các nô lệ trong nhà nước tốt nhất của ông, và thậm chí đúng là ông nói rằng cái tên ‘nô lệ’tốt hơn phải được tránh, và rằng chúng ta phải gọi là những người lao động, ‘người cổ vũ’ hay thậm chí ‘ông chủ’. Nhưng điều này được thực hiện vì các lí do tuyên truyền. Chẳng tìm thấy ở đâu chút xíu gợi ý nào rằng thể chế nô lệ phải được bãi bỏ, hay giảm nhẹ. Ngược lại, Plato chỉ có sự khinh bỉ đối với những người dân chủ Athens ‘nhân hậu’, ủng hộ phong trào bãi nô. Và ông nêu quan điểm của của mình khá rõ ràng, thí dụ, trong mô tả chính thể phú hào, timocracy, nhà nước tốt thứ nhì, nhà nước kế ngay sau nhà nước tốt nhất. Ở đó ông nói về người phú hào: ‘Anh ta sẽ thích đối xử tàn nhẫn với các nô lệ, vì anh ta không xem thường họ nhiều như một người được đào tạo tốt xem thường họ’. Nhưng vì chỉ trong thành phố tốt nhất mới có thể có giáo dục tốt hơn giáo dục của timocracy, chúng ta buộc phải kết luận rằng có nô lệ trong thành phố tốt nhất của Plato, và rằng họ không bị đối xử tàn nhẫn, mà bị khinh miệt hoàn toàn. Về sự khinh miệt chính đáng của ông đối với họ, Plato không trình bày chi tiết. Kết luận này hoàn toàn được củng cố bởi sự thực rằng một đoạn trong Republic phê phán thói quen hiện hành của những người Hy Lạp nô dịch hoá những người Hy Lạp, kết thúc với sự tán thành rõ ràng về nô dịch hoá những người man rợ, và thậm chí với một khuyến nghị cho ‘các công dân của chúng ta’- tức là, các công dân của thành phố tốt nhất - để ‘làm với những người man rợ như những người Hy Lạp hiện nay làm với những người Hy Lạp’. Và nó được củng cố thêm bởi nội dung của Laws, và bởi thái độ tàn bạo nhất đối với nô lệ được chấp nhận ở đó.
Vì chỉ có giai cấp cai trị mới có quyền lực chính trị, gồm cả quyền giữ một số lượng súc vật người trong phạm vi các giới hạn để ngăn họ khỏi trở thành mối nguy hiểm, toàn bộ vấn đề duy trì nhà nước được qui về vấn đề duy trì sự thống nhất nội bộ của giai cấp thống trị. Sự thống nhất của những kẻ thống trị được duy trì thế nào? Bằng đào tạo và những tác động tâm lí khác, nhưng mặt khác chủ yếu bằng loại bỏ những lợi ích kinh tế có thể dẫn đến chia rẽ. Sự kiêng khem kinh tế này đạt được và được kiểm soát bằng đưa chủ nghĩa cộng sản vào, tức là bằng thủ tiêu tài sản tư nhân, đặc biệt các kim loại quí. (Sở hữu kim loại quí bị cấm ở Sparta). Chủ nghĩa cộng sản này được giới hạn cho giai cấp thống trị, mà chỉ riêng nó phải được giữ để không bị chia rẽ; những bất hoà giữa những kẻ bị trị không đáng để xem xét. Vì tất cả tài sản là tài sản chung, cũng phải có sở hữu chung về đàn bà và trẻ con. Không thành viên nào của giai cấp thống trị được có khả năng nhận ra con cái hay bố mẹ của mình. Gia đình phải bị tiêu diệt, hay đúng hơn, được mở rộng để phủ toàn bộ giai cấp chiến binh. Lòng trung thành gia đình khác đi có thể trở thành một nguồn chia rẽ khả dĩ; vì vậy ‘mỗi người phải coi tất cả cứ như là thuộc về một gia đình’.30 (Gợi ý này chẳng mới cũng không cách mạng như nó có vẻ vậy; chúng ta phải nhớ đến những hạn chế ở Sparta về tính riêng tư của đời sống gia đình như cấm các bữa ăn riêng, liên tục được Plato nhắc đến như thể chế về ‘các bữa ăn chung’). Nhưng ngay cả sự sở hữu chung những người đàn bà và trẻ con cũng không hoàn toàn đủ để bảo vệ giai cấp thống trị khỏi mọi nguy hiểm kinh tế. Quan trọng là phải tránh thịnh vượng cũng như nghèo khó. Cả hai đều nguy hiểm cho sự thống nhất: nghèo đói, vì nó đẩy người dân đến chỗ chấp nhận các phương tiện liều lĩnh để thoả mãn nhu cầu của họ; sự giàu có, vì hầu hết sự thay đổi nảy sinh từ sự dư dật, từ sự tích luỹ của cải làm cho các thử nghiệm nguy hiểm là khả dĩ. Chỉ một hệ thống cộng sản chủ nghĩa, hệ thống không có chỗ cho cả sự thiếu thốn lớn lẫn giàu sang lớn, là có thể giảm các lợi ích kinh tế xuống tối thiểu, và đảm bảo sự thống nhất của giai cấp thống trị.
Chủ nghĩa cộng sản của đẳng cấp cai trị của thành phố tốt nhất của ông như vậy có thể được suy ra từ qui luật xã hội học cơ bản về thay đổi của Plato; nó là điều kiện cần cho sự ổn định chính trị, một đặc trưng cơ bản của nó. Nhưng dù cho có là điều kiện quan trọng, nó không phải là điều kiện đủ. Để giai cấp thống trị có thể cảm thấy thật sự thống nhất, để nó cảm thấy giống một bộ lạc, tức là giống một đại gia đình, áp lực từ không có giai cấp cũng cần thiết như các ràng buộc giữa các thành viên giai cấp. Áp lực này có thể được đảm bảo bằng nhấn mạnh và mở rộng hố sâu ngăn cách giữa những kẻ cai trị và bị trị. Cảm giác, rằng những kẻ bị trị là loại khác và hoàn toàn hạ đẳng, càng mạnh, thì ý thức về sự thống nhất giữa những kẻ thống trị càng mạnh. Bằng cách này chúng ta đi đến nguyên tắc cơ bản, được công bố chỉ sau do dự nào đó, rằng không được có sự trộn lẫn nào giữa các giai cấp31: ‘Bất cứ sự xen vào hay chuyển nào từ một giai cấp này sang giai cấp khác’, Plato nói, ‘là một tội lớn chống lại thành phố và có thể bị lên án một cách đúng đắn như sự đồi bại đê tiện nhất’. Nhưng sự phân chia giai cấp cứng nhắc như vậy phải được biện minh, và một nỗ lực để biện minh cho nó chỉ có thể được tiến hành từ đòi hỏi rằng những kẻ cai trị là hơn hẳn những kẻ bị trị. Do đó, Plato cố biện minh sự phân chia giai cấp của ông bằng đòi hỏi gồm ba phần, rằng các nhà cai trị là hết sức ưu việt ở ba khía cạnh - về dòng giống, về giáo dục, và về thang giá trị của họ. Những đánh giá đạo đức của Plato, mà, tất nhiên, là hệt như của những người cai trị của nhà nước tốt nhất của ông, sẽ được thảo luận ở các chương 6 đến 8; vì thế ở đây tôi có thể giới hạn ở việc mô tả một số ý tưởng của ông liên quan đến nguồn gốc, sự gây giống, và giáo dục của giai cấp thống trị của ông. (Trước khi tiến hành mô tả này, tôi muốn bày tỏ niềm tin của tôi rằng tính ưu việt cá nhân, bất luận mang tính dòng giống, hay trí tuệ, hay đạo đức, hay giáo dục, chẳng bao giờ có thể chứng minh cho đòi hỏi được đặc quyền chính trị, ngay cả giả như nếu tính ưu việt như vậy có thể được biết là chắc chắn. Hầu hết người dân trong các nước văn minh ngày nay thừa nhận tính ưu việt chủng tộc chỉ là huyền thoại; nhưng ngay cả giả như nó là một sự thực được xác minh, thì nó cũng không được tạo ra các quyền chính trị đặc biệt, dù cho nó có thể tạo ra những trách nhiệm đạo đức đặc biệt cho các cá nhân ưu việt. Có thể đưa ra các đòi hỏi tương tự cho những người có tính ưu việt về trí tuệ, đạo đức, và giáo dục; và tôi không thể nào không cảm thấy rằng, những đòi hỏi ngược lại của các nhà duy lí trí và đạo đức học nào đó, chỉ chứng tỏ rằng sự giáo dục của họ đã ít thành công đến thế nào, vì nó đã không làm cho họ biết về những hạn chế riêng của họ, và tính đạo đức giả của họ).
 
IV
 
Nếu chúng ta muốn hiểu quan điểm của Plato về nguồn gốc, gây giống, và giáo dục của giai cấp thống trị của ông, chúng ta không được mất tầm nhìn về hai điểm chính của phân tích của chúng ta. Chúng ta phải nhớ, trước hết, rằng Plato dựng lại một thành phố của quá khứ, dù cho nó có liên hệ với hiện tại theo cách là một vài đặc tính của nó vẫn có thể thấy rõ ở các nhà nước hiện hành, thí dụ, ở Sparta; và thứ hai, rằng ông dựng lại thành phố của ông với cái nhìn đến các điều kiện của sự ổn định của nó, và rằng ông tìm những đảm bảo cho sự ổn định này chỉ trong bản thân giai cấp thống trị, và đặc biệt hơn, trong sự thống nhất và sức mạnh của nó.
Liên quan đến nguồn gốc của giai cấp thống trị, có thể nhắc đến rằng Plato nói trong Statesman về một thời, thậm chí trước cả thời của nhà nước tốt nhất của ông, khi ‘Bản thân Thượng đế là người chăn dắt người, cai trị họ chính xác như người…vẫn cai trị súc vật. Đã… không có sở hữu đàn bà và trẻ con’32. Đây không chỉ là sự ví von về người chăn dắt tốt; dưới ánh sáng của cái mà Plato nói trong Laws, nó phải được diễn giải theo nghĩa đen nhiều hơn. Vì ở đó chúng ta được bảo là xã hội nguyên thuỷ này, xã hội còn trước cả thành phố đầu tiên và tốt nhất, là xã hội của những người chăn cừu du mục trên núi dưới một tộc trưởng: ‘Chính thể bắt nguồn’, Plato nói ở đó về giai đoạn trước sự định cư đầu tiên, ‘…như sự cai trị của người già nhất, người thừa hưởng quyền lực từ cha hay mẹ mình; tất cả những người khác theo ông giống như một đàn chim, như thế tạo thành một bầy duy nhất được cai trị bởi uy quyền tộc trưởng đó và vương vị mà, trong số mọi vương vị nó là cái xứng đáng nhất’. Các bộ tộc du mục này, chúng ta nghe nói, đã định cư ở các thành phố của Peloponnese, đặc biệt ở Sparta, lấy tên ‘Dorian’. Việc này xảy ra thế nào được giải thích không rõ lắm, nhưng chúng ta hiểu sự miễn cưỡng của Plato khi chúng ta nhận lời ám chỉ rằng ‘việc định cư’ thực ra đã là một sự chinh phục dữ dội. Đây, cho dù ta biết, là câu chuyện thật về sự định cư Dorian ở Peloponnese. Vì vậy chúng ta có mọi lí do để tin rằng Plato định dùng câu chuyện của ông như một mô tả nghiêm túc về các sự kiện tiền sử; như một mô tả không chỉ về nguồn gốc của dòng giống chủ nhân Dorian, mà cả về nguồn gốc của gia súc người của họ, tức là dân cư gốc. Ở một đoạn tương tự trong Republic, Plato cho chúng ta một mô tả thần thoại nhưng rất sắc sảo về bản thân cuộc chinh phục, khi đề cập đến nguồn gốc của ‘người sinh ra từ đất’, giai cấp thống trị của thành phố tốt nhất. (Thần thoại về Người sinh ra từ Đất sẽ được thảo luận từ một quan điểm khác ở chương 8). Cuộc hành quân thắng lợi của họ vào thành phố, do các thương gia và người lao động xây dựng lên trước đó, được mô tả như sau: ‘Sau khi đã vũ trang và đào tạo người sinh ra từ đất, hãy để chúng ta làm cho họ tiến lên, dưới sự chỉ huy của những người bảo vệ, cho đến khi họ đi đến thành phố. Rồi để họ nhìn quanh kiếm chỗ tốt nhất để hạ trại – nơi phù hợp nhất để đè nén dân cư, nếu có ai tỏ ra không sẵn lòng tuân theo luật, và để ngăn các kẻ thù bên ngoài có thể xuống giống những con sói ven bãi rào’. Chuyện kể ngắn nhưng hân hoan về sự chinh phục dân cư không di trú bởi một đám đánh nhau đi xâm chiếm (những người được đồng nhất, trong Statesman, với những người chăn cừu du mục vùng núi của thời kì trước định cư) phải được nhớ tới khi chúng ta diễn giải sự nhấn mạnh được nhắc đi nhắc lại của Plato rằng các nhà thống trị tốt, bất luận là thần hay á thần hay những người bảo vệ, là các tộc trưởng chăn dắt người, và rằng nghệ thuật chính trị thực sự, nghệ thuật thống trị, là một loại nghề chăn gia súc, tức là nghệ thuật quản lí và đè nén gia súc người. Và dưới ánh sáng này mà chúng ta phải xem xét mô tả của ông về gây giống và đào tạo ‘các phụ tá, dưới quyền các nhà cai trị, giống như chó chăn cừu dưới quyền những người chăn cừu của nhà nước’.
Sự gây giống và giáo dục của các phụ tá và do đó của giai cấp thống trị của nhà nước tốt nhất của Plato, giống việc mang vũ khí của họ, là một biểu tượng giai cấp và vì vậy là một đặc quyền giai cấp.33 Và gây giống và giáo dục không phải là các biểu tượng hão mà, giống vũ khí, là các công cụ của sự thống trị giai cấp, và cần thiết để đảm bảo sự ổn định của sự thống trị này. Chúng được Plato đề cập duy nhất từ quan điểm này, tức là như các vũ khí chính trị hùng hậu, như các phương tiện hữu dụng cho giữ gia súc người, và cho thống nhất giai cấp thống trị.
Cho mục đích này, quan trọng là giai cấp chủ nhân phải cảm thấy như giòng giống chủ nhân ưu việt. ‘Dòng giống của những người bảo vệ phải được giữ thuần khiết’34, Plato nói (để bảo vệ tục giết trẻ sơ sinh), khi phát triển lí lẽ phân biệt chủng tộc rằng chúng ta phối giống động vật hết sức cẩn thận trong khi lại sao lãng dòng giống riêng của mình, một lí lẽ được lặp lại suốt từ đó. (Tục giết trẻ sơ sinh không phải là một thiết chế Athens; thấy nó được thực hành ở Sparta vì các lí do ưu sinh, Plato kết luận rằng nó phải cổ xưa và vì vậy tốt). Ông cho là cùng các nguyên tắc ấy được áp dụng cho gây giống chủng tộc chủ nhân như được áp dụng, bởi một nhà gây giống có kinh nghiệm, cho chó, ngựa, và chim. ‘Nếu anh không gây giống chúng theo cách này, anh không nghĩ rằng giống chim hay chó của anh sẽ nhanh chóng thoái hoá?’ Plato lập luận; và ông rút ra kết luận rằng ‘cùng các nguyên tắc áp dụng cho giống người’. Các phẩm chất đòi hỏi từ một người bảo vệ hay một phụ tá, cụ thể hơn, là các phẩm chất của chó chăn cừu. ‘Các chiến binh-lực sĩ của chúng ta…phải cảnh giác giống như chó giữ nhà’, Plato đòi hỏi, và ông hỏi: ‘Chắc chắn, không có sự khác nhau nào, trong chừng mực liên quan đến sự thích hợp tự nhiên của họ để canh gác, giữa một thanh niên dũng cảm và một con chó được gây giống khéo?’ Trong sự nhiệt tình và hâm mộ của ông với chó, Plato đi xa đến mức nhận thấy trong ông một ‘bản chất triết học thành thật’; vì ‘chẳng phải tình yêu học tập là đồng nhất với thái độ triết học?’
Khó khăn chính cản Plato là những người bảo vệ và các phụ tá phải được phú cho đặc tính hung dữ đồng thời lại hiền lành. Rõ ràng họ phải được gây giống để là hung dữ, vì chúng phải ‘đương đầu với mọi nguy hiểm với tinh thần can đảm và không thể chinh phục được’. Song ‘nếu bản tính của họ là như thế, làm sao giữ được họ khỏi hung dữ chống lại nhau hay chống lại các công dân còn lại?’35 Thật vậy, sẽ là ‘hoàn toàn vô lí nếu những người chăn cừu phải giữ chó…những con sẽ quấy rầy lũ cừu, ứng xử giống chó sói hơn là chó’. Vấn đề là quan trọng nhìn từ quan điểm của cân bằng chính trị, hay đúng hơn, của sự ổn định của nhà nước, vì Plato không dựa vào sự cân bằng của các lực của các giai cấp khác nhau, vì điều đó sẽ không ổn định. Một sự kiểm soát giai cấp chủ nhân, quyền lực độc đoán của nó, và sự hung dữ của nó, qua lực lượng đối lập của những người bị trị, là không thể được, vì tính ưu việt của giai cấp thống trị phải giữ nguyên không bị thách thức. Sự kiểm soát duy nhất có thể chấp nhận được của giai cấp chủ nhân vì vậy là tự kiểm soát. Hệt như giai cấp thống trị phải thực hiện sự kiêng khem kinh tế, tức là kiềm chế sự bóc lột kinh tế quá đáng của những kẻ bị trị, nên nó cũng phải có khả năng kiềm chế sự hung dữ quá đáng trong đối xử với những người bị trị. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu tính hung dữ của bản tính của nó được cân bằng với tính hiền lành. Plato thấy điều này là một vấn đề rất nghiêm trọng, vì ‘bản tính hung dữ là chính xác đối nghịch với tính hiền lành’. Người phát ngôn của ông, Socrates, thuật lại rằng ông bối rối, cho đến khi ông lại nhớ đến chó. ‘Chó được gây giống khéo về bản chất là hiền lành nhất với bạn bè và người quen của nó, nhưng rất hung dữ với kẻ lạ’, ông nói. Vì vậy chứng tỏ ‘rằng đặc tính mà chúng ta thử cho những người bảo vệ của mình là không trái ngược với tự nhiên’. Mục đích gây giống giới chủ nhân như thế được xác lập, và chứng tỏ có thể đạt được. Nó được dẫn ra từ phân tích các điều kiện cần thiết để giữ cho nhà nước ổn định.
Mục tiêu giáo dục của Plato chính xác cũng như thế. Là mục tiêu chính trị thuần tuý của ổn định hoá nhà nước bằng pha trộn yếu tố hung dữ và hiền dịu trong tính cách của những người cai trị. Hai môn học mà trẻ em của giai cấp trên của Hy Lạp được giáo dục, thể dục và âm nhạc (môn sau, theo nghĩa rộng hơn của từ, bao gồm mọi môn văn học), được Plato tương quan với hai yếu tố của tính cách, hung dữ và hiền lành. ‘Anh không quan sát thấy’, Plato hỏi36, ‘tính cách bị ảnh hưởng ra sao bởi đào tạo riêng về thể dục mà không có âm nhạc, và nó bị ảnh hưởng ra sao với đào tạo ngược lại?…Chỉ bận tâm riêng với thể dục tạo ra những người hung dữ hơn họ lẽ ra nên là, trong khi sự bận tâm tương tự với âm nhạc làm cho họ quá mềm yếu…Song chúng ta kiên định rằng người bảo vệ của mình phải kết hợp cả hai bản tính này…Đây là lí do vì sao tôi nói rằng thần nào đó hẳn phải cho con người hai nghệ thuật này, âm nhạc và thể dục; và mục đích của chúng không phải chủ yếu để phục vụ linh hồn và thể xác, mà đúng hơn để chỉnh hai dây chính này một cách phù hợp’, tức là làm cho hai yếu tố của linh hồn, tính hiền lành và hung dữ, hài hoà với nhau. ‘Đây là các phác hoạ về hệ thống của chúng ta về giáo dục và đào tạo’, Plato kết thúc phân tích của mình.
Bất chấp sự thực rằng Plato đồng nhất yếu tố hiền lành của linh hồn với tính khí triết học của nó, và bất chấp sự thực rằng triết học sẽ đóng một vai trò áp đảo như vậy ở các phần sau của Republic, ông hoàn toàn không thiên vị cho yếu tố hiền dịu của linh hồn, hay của giáo dục âm nhạc, tức là văn học. Sự vô tư về cân đối hai yếu tố rõ rệt hơn vì nó dẫn ông đến áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt nhất lên giáo dục văn học, so với cái đã là, trong thời ông, thông thường ở Athens. Đây, tất nhiên, chỉ là một phần của thiên hướng chung của ông ưa thích các tập quán Sparta so với các tập quán Athens. (Crete, mô hình khác của ông, thậm chí đã chống âm nhạc hơn cả Sparta37). Các nguyên tắc chính trị của Plato về giáo dục văn học dựa trên một so sánh đơn giản. Sparta, ông thấy, đối xử với súc vật người của nó đúng là hơi quá khắc nghiệt; đây là một triệu chứng hay thậm chí một sự thú nhận về một cảm giác yếu đuối38, và vì vậy là một triệu chứng về sự thoái hoá chớm nở của giai cấp chủ nhân. Athens, mặt khác, đã hoàn toàn quá tự do và uể oải trong đối xử của nó với nô lệ. Plato coi điều này như chứng minh rằng Sparta nhấn mạnh đúng là hơi quá nhiều về thể dục, còn Athens, tất nhiên, quá nhiều về âm nhạc. Đánh giá đơn giản này đã cho phép ông dễ dàng dựng lại cái, theo ông, hẳn đã là biện pháp thật hay hỗn hợp thật của hai yếu tố trong giáo dục của thành phố tốt nhất, và đề ra các nguyên tắc của chính sách giáo dục của ông. Đánh giá từ quan điểm của người Athens, nó hoàn toàn là đòi hỏi rằng giáo dục văn học bị bóp nghẹt39 bởi sự bám chặt vào tấm gương của Sparta với sự kiểm soát nghiêm ngặt của nhà nước đối với mọi vấn đề văn học. Không chỉ thơ ca mà cả âm nhạc theo nghĩa thông thường của từ bị kiểm soát bởi sự kiểm duyệt khắt khe, và cả hai phải hiến dâng toàn bộ cho củng cố sự ổn định của nhà nước bằng làm cho thanh niên có ý thức hơn về kỉ luật giai cấp40, và như vậy sẵn sàng hơn để phục vụ các lợi ích giai cấp. Plato thậm chí quên mất rằng chức năng của âm nhạc là làm cho thanh niên hiền lành hơn, vì ông đòi hỏi các dạng âm nhạc làm cho họ dũng cảm hơn, tức là hung dữ hơn. (Xét rằng Plato là một người xứ Athens, các lí lẽ của ông liên quan đến âm nhạc đích thực dường như đối với tôi là hầu như không thể tin được về tính không khoan dung mê tín của họ, đặc biệt nếu so sánh với phê phán đương thời được khai sáng hơn41. Nhưng ngay cả bây giờ ông có nhiều nhạc sĩ đứng về phía mình, có lẽ vì họ được tâng bốc bởi đánh giá cao của ông về âm nhạc, tức là về quyền lực chính trị của nó. Cũng đúng thế với các chuyên gia giáo dục, và thậm chí nhiều hơn với các triết gia, vì Plato cho rằng họ phải thống trị; một đòi hỏi sẽ được thảo luận ở chương 8).
Nguyên tắc chính trị, quyết định giáo dục linh hồn, cụ thể là, duy trì sự ổn định của nhà nước, cũng xác định sự ổn định của thể xác. Mục đích đơn giản là mục đích của Sparta. Trong khi công dân Athens được giáo dục tính đa năng chung, Plato cho rằng giai cấp thống trị phải được đào tạo như giai cấp của các chiến binh chuyên nghiệp, sẵn sàng đánh lại kẻ thù từ bên ngoài hay bên trong quốc gia. Trẻ em thuộc cả hai giới, chúng ta được bảo hai lần, ‘phải được đặt lên lưng ngựa trong tầm nhìn của cuộc chiến thực tế; và với điều kiện có thể được tiến hành an toàn, chúng phải được đưa vào cuộc chiến, và cho chúng nếm máu; hệt như ta làm với các con chó săn non’42. Mô tả của một tác giả hiện đại, người nêu đặc điểm của giáo dục toàn trị hiện thời như ‘một dạng động viên được tăng cường và liên tục’, quả thực rất khớp với toàn bộ hệ thống giáo dục của Plato.
Đây là một phác thảo lí thuyết của Plato về nhà nước tốt nhất hay cổ nhất, về thành phố mà nó đối xử với súc vật người chính xác như một người chăn cừu khôn ngoan nhưng chai dạn đối xử với lũ cừu của anh ta; không quá độc ác, nhưng với sự coi khinh đúng mực… Như một phân tích cả về các thể chế xã hội xứ Sparta và về các điều kiện của sự ổn định và bất ổn định của chúng, và như một nỗ lực nhằm dựng lại các hình thức cứng nhắc và sơ khai hơn của đời sống bộ lạc, thì quả thực mô tả này là tuyệt vời. (Chương này chỉ đề cập đến khía cạnh mô tả. Các khía cạnh đạo đức sẽ được thảo luận muộn hơn). Tôi tin rằng phần lớn trong các tác phẩm của Plato, thường được coi chỉ là suy đoán thần thoại hay Không tưởng, theo cách này có thể được diễn giải như mô tả và phân tích xã hội học. Thí dụ, nếu chúng ta ngó tới thần thoại của ông về bầy người đánh nhau đắc thắng chinh phục dân cư đã định cư, thì chúng ta phải thừa nhận rằng, nhìn từ quan điểm xã hội học mô tả, nó là rất thành công. Thật vậy, thậm chí nó có thể được cho là một sự đoán trước của một lí thuyết hiện đại lí thú (dù cho có lẽ quá bao quát) về nguồn gốc của nhà nước, theo đó quyền lực chính trị tập trung và được tổ chức thường bắt nguồn trong một cuộc chinh phục43 như vậy. Có thể có nhiều mô tả thuộc loại này trong các tác phẩm của Plato hơn là chúng ta hiện thời có thể ước lượng.
 
V
 
Tóm tắt. Trong một nỗ lực để hiểu và diễn giải thế giới xã hội thay đổi như ông trải nghiệm, đã dẫn Plato đến phát triển rất chi tiết một xã hội học lịch sử chủ nghĩa có hệ thống. Ông nghĩ về các nhà nước hiện tồn như các bản sao suy tàn của một Hình thức hay Ý niệm không thay đổi. Ông đã cố dựng lại Hình thức hay Ý niệm này của nhà nước, hay chí ít để mô tả một xã hội giống nó càng nhiều càng tốt. Theo cùng với các truyền thống cổ xưa, ông dùng như vật liệu cho việc dựng lại của mình những kết quả của phân tích của ông về các thể chế của Sparta và Crete – các dạng cổ nhất của đời sống xã hội mà ông có thể thấy ở Hy Lạp – trong đó ông nhận ra các hình thức được ngưng lại của các xã hội bộ lạc thậm chí còn cổ hơn. Nhưng để sử dụng phù hợp vật liệu này, ông cần một nguyên tắc để phân biệt giữa các đặc điểm tốt hay gốc hay cổ của các thể chế hiện tồn và các triệu chứng suy tàn của chúng. Nguyên tắc này ông tìm thấy trong qui luật của ông về cách mạng chính trị, theo đó sự chia rẽ trong giai cấp thống trị, và sự bận tâm của họ đến công việc kinh tế, là nguồn gốc của mọi sự thay đổi xã hội. Nhà nước tốt nhất của ông vì thế phải được dựng lại theo cách sao cho để loại trừ mọi mầm mống và yếu tố chia rẽ và suy tàn một cách triệt để nhất có thể; tức là, phải được dựng lại từ nhà nước Sparta với sự chú ý đến các điều kiện cần thiết cho sự thống nhất không bị sứt mẻ của giai cấp chủ nhân, được đảm bảo bằng sự kiêng khem kinh tế của nó, sự gây giống của nó, và việc đào tạo của nó.
Diễn giải các xã hội hiện tồn như các bản sao sa sút của một nhà nước lí tưởng, Plato đã cung cấp ngay một cơ sở lí thuyết và một ứng dụng thực tiễn phong phú cho quan điểm hơi thô của Hesiod về lịch sử loài người. Ông đã phát triển một lí thuyết lịch sử chủ nghĩa hết sức hiện thực, lí thuyết tìm thấy nguyên nhân của biến đổi xã hội trong sự chia rẽ của Heraclitus, và trong xung đột giai cấp, trong đó ông nhận ra các lực lượng thúc đẩy cũng như gây đồi bại của lịch sử. Ông đã áp dụng các nguyên tắc lịch sử chủ nghĩa này cho câu chuyện về Suy tàn và Sụp đổ (Decline and Fall) của các quốc gia đô thị Hy Lạp, và đặc biệt cho một phê phán nền dân chủ, mà ông mô tả như nhu nhược và suy đồi. Và chúng ta có thể nói thêm rằng muộn hơn, trong Laws44, ông đã áp dụng chúng cho cả câu chuyện về Suy tàn và Suy sụp của Đế chế Ba tư (Persian), như thế tạo ra sự khởi đầu của một chuỗi dài những bi kịch hoá Suy tàn-và-Sụp đổ của lịch sử của các đế chế và các nền văn minh. (Có lẽ Decline of the West [Suy tàn của Phương Tây] của O. Spengler là tồi tệ nhất nhưng không phải là lần cuối trong số đó). Tôi nghĩ, tất cả điều này có thể được diễn giải như một nỗ lực, và là một nỗ lực gây ấn tượng sâu sắc nhất, để giải thích, và để hợp lí hoá, kinh nghiệm của ông về sự đổ vỡ của xã hội bộ lạc; một kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm đã dẫn Heraclitus đến phát triển triết học đầu tiên về sự thay đổi.
Nhưng phân tích của chúng ta về xã hội học mô tả của Plato vẫn còn chưa đầy đủ. Những câu chuyện của ông về Suy tàn và Sụp đổ, và với nó hầu như tất cả các chuyện muộn hơn, thể hiện ít nhất hai đặc trưng mà chúng ta đến nay vẫn chưa thảo luận. Ông đã hình dung các xã hội suy tàn này như loại cơ thể nào đó, và sự suy tàn như một quá trình giống như sự lão hoá. Và ông tin rằng sự suy tàn là rất xứng đáng, theo nghĩa rằng sự sa sút đạo đức, một sự suy tàn và sụp đổ của linh hồn, đi cùng với sự suy tàn và sụp đổ của thể xác xã hội. Tất cả điều này đóng một vai trò quan trọng trong lí thuyết của Plato về sự biến đổi đầu tiên – trong Câu Chuyện về Chữ Số và về Sụp đổ của Con Người [Story of the Number and of the Fall of Man]. Lí thuyết này, và mối quan hệ của nó với học thuyết về Hình thức hay Ý niệm, sẽ được thảo luận ở chương tiếp.
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 4
 
1 So Republic, 608e. Xem cả ct. 2 ở chương này.
2 Trong Laws, linh hồn – ‘cái cổ và siêu phàm nhất của mọi thứ trong chuyển động’ (966e) - được mô tả như ‘khởi điểm của mọi chuyển động’ (895b).
(1) Với lí thuyết Platonic, Aristotle tương phản lí thuyết của mình, theo đó cái ‘tốt’ không là khởi điểm, mà đúng hơn là kết thúc hay mục đích của sự thay đổi, vì ‘tốt’ có nghĩa là một thứ được mong mỏi – mục đích của sự thay đổi. Như thế ông nói về các Platonist, ‘những người tin vào các Hình thức’, là họ thống nhất với Empedocles (họ nói ‘cùng cách’ như Empedocles) chừng nào họ ‘không nói cứ như mọi thứ xảy ra vì các thứ này’ (tức là các thứ ‘tốt’) ‘mà cứ như mọi chuyển động bắt đầu từ chúng’. Và ông chỉ ra là ‘tốt’ vì thế với các Platonist có nghĩa không phải là ‘một mục đích với tư cách là tốt’, tức là một mục tiêu, mà rằng ‘nó chỉ tiện thể là một cái tốt’. So Metaphysics, 988a35 và b8 ff., và 1075a, 34/35. Phê phán này nghe cứ như đôi khi Aristotle có các quan điểm giống của Speusippus, thực ra là ý kiến của Zeller; xem ct. 11 ở chương 11.
(2) Về chuyển động tới thoái hoá, được nói trong văn bản của đoạn văn này, và tầm quan trọng chung của nó trong triết học Platonic, ta phải nhớ sự đối lập chung giữa thế giới của các thứ không thay đổi hay các Ý niệm, và thế giới của các thứ có thể cảm nhận được luôn thay đổi. Plato thường xuyên biểu lộ sự đối lập này như sự đối lập giữa thế giới của các thứ không thay đổi và thế giới của các thứ có thể thoái hoá, hay giữa các thứ không được sinh ra, và các thứ được sinh ra và phải bị thoái hoá, v.v.; xem, thí dụ, Republic, 485a/b, được trích ở ct. 26 (1) ở chương 3 và ở văn bản cho ct. 33 ở chương 8; Republic, 508d-e; 527a/b; và Republic, 546a, trích ở văn bản cho ct. 37 ở chương 5: ‘Mọi thứ được sinh ra phải thoái hoá’ (hay suy tàn). Rằng vấn đề này về sự sinh ra và thoái hoá của thế giới của các thứ luôn thay đổi là phần quan trọng của Trường phái Platonic truyền thống được biểu lộ bởi sự thực rằng Aristotle đã dành một chuyên luận tách biệt cho vấn đề này. Một dấu hiệu lí thú khác là cách mà Aristotle nói về các vấn đề này ở dẫn nhập vào Politics của ông, chứa trong các câu kết luận của Nicomachean Ethics (1181b/15): ‘Chúng ta sẽ thử .. tìm cái gì là cái duy trì hay làm mục nát các thành phố ..’ Đoạn này là quan trọng không chỉ như một trình bày tổng quát về cái Aristotle coi là vấn đề chính của Politics của ông, mà cũng vì sự giống nhau đáng ngạc nhiên của nó với một đoạn quan trọng trong Laws, đó là 676a, và 676b/c được trích dưới đây ở văn bản cho các ct. 6 và 25 của chương này. (Xem cả các ct. 1, 3, và 24/25 ở chương này; xem ct. 32 ở chương 8, và đoạn từ Laws được trích ở ct. 59 cho chương 8).
3 Trích dẫn này là từ Statesman, 269d. (Xem cả ct. 23 ở chương này). Về thứ bậc các chuyển động, xem Laws, 893c-895b. Về lí thuyết rằng các thứ hoàn hảo (‘các bản chất’ siêu phàm; so chương tiếp) có thể chỉ trở nên ít hoàn hảo hơn khi chúng thay đổi, xem đặc biệt Republic, 380e-381c – về nhiều mặt (lưu ý các thí dụ ở 380e) là một đoạn tương tự với Laws, 797d. Trích dẫn Aristotle là từ Metaphysics, 988b3, và từ De Gen. et Corr., 335b14. Bốn trích dẫn cuối ở đoạn văn này là từ Laws, 904c f., và 797d. Xem cả ct. 24 ở chương này, và văn bản. (Có thể diễn giải nhận xét về các đối tượng xấu như một ám chỉ khác đến một sự phát triển tuần hoàn, như được thảo luận ở ct. 6 ở chương 2, tức là như một ám chỉ đến lòng tin rằng xu hướng phát triển phải đảo ngược, và rằng các thứ phải bắt đầu cải thiện, một khi thế giới đã đạt độ sâu thấp nhất của cái xấu.
*Vì sự hiểu lí thuyết Platonic về thay đổi và các đoạn trích từ Laws của tôi bị thách, tôi muốn đưa thêm vài bình luận, đặc biệt về hai đoạn (1) Laws, 904c, f, và (2) 797d.
(1) Đoạn Laws, 904c, ‘ít quan trọng là sự bắt đầu sa sút trong mức xếp hạng của chúng’ có thể được dịch theo nghĩa đen hơn là ‘ít quan trọng là sự bắt đầu chuyển động xuống trong mức xếp hạng’. Tỏ ra chắc chắn đối với tôi, từ ngữ cảnh, là ‘xuống mức xếp hạng’ có nghĩa hơn là ‘về phần mức xếp hạng’, cái rõ ràng cũng có thể là một cách dịch khả dĩ. (Lí do của tôi không chỉ là toàn bộ ngữ cảnh kịch tính, xuống từ 904a, mà cũng đặc biệt hơn là dãy ‘kata …kata …katō’ cái, trong một đoạn lấy đà, phải biến sắc ý nghĩa của chí ít ‘kata’ thứ hai. - Về từ mà tôi dịch là ‘mức’, từ này có thể, thừa nhận, có nghĩa không chỉ là ‘trình độ’ mà cả là ‘bề mặt’ nữa; và từ mà tôi dịch là ‘hạng’ có thể có nghĩa là ‘không gian’; thế nhưng bản dịch của Bury: ‘sự thay đổi về tính chất càng nhỏ, chuyển động trên bề mặt trong không gian càng ít’ đối với tôi dường như không mang lại mấy ý nghĩa trong ngữ cảnh này).
(2) Tiếp tục của đoạn này (Laws, 798) là đặc trưng nhất. Nó đòi rằng ‘nhà lập pháp phải nghĩ ra, bằng bất cứ phương tiện tuỳ ý nào của mình (‘bằng đủ mọi cách’, như Bury dịch rất khéo), một phương pháp đảm bảo cho nhà nước của ông rằng toàn bộ linh hồn của mỗi công dân của nó sẽ, do lòng sùng kính và sợ hãi, kháng lại bất kể thay đổi của bất cứ thứ nào đã được thiết lập là cũ’. (Plato tính cả, một cách tường minh, các thứ mà các nhà lập pháp khác coi ‘chỉ là chuyện trò chơi’ – như, thí dụ, những thay đổi trong các trò chơi của trẻ con).
(3) Nói chung, bằng cớ chính cho diễn giải của tôi về lí thuyết thay đổi của Plato – ngoài rất nhiều đoạn thứ yếu được dẫn chiếu tới ở các chú thích khác nhau ở chương này và chương trước -tất nhiên có thể thấy ở các đoạn mang tính lịch sử hay tiến hoá của tất cả các đối thoại có chứa các đoạn như vậy, đặc biệt là Republic (sa sút và sụp đổ của nhà nước từ thời kì gần-hoàn hảo hay Thời kì Hoàng kim của nó ở Quyển VIII và IX, là Statesman (lí thuyết về Thời kì Hoàng kim và sự sa sút của nó), là Laws (chuyện về chế độ gia trưởng nguyên thuỷ và về cuộc chinh phục Dorian, và chuyện về sa sút và sụp đổ của Đế chế Ba tư), là Timaeus (chuyện về tiến hoá do thoái hoá, việc xảy ra hai lần, và chuyện về Thời kì Hoàng kim của Athens, được tiếp tục trong Critias).
 Thêm vào chứng cớ này phải đưa các dẫn chiếu thường xuyên của Plato đến Hesiod, và sự thực chắc chắn là đầu óc tổng hợp của Plato sắc sảo không kém của Empedocles (thời kì xung đột của ông là thời kì cai trị hiện nay; so Aristotle, De Gen. et Corr., 334a, b) về hình dung công việc con người trong khung cảnh vũ trụ (Statesman,Timaeus).
(4) Cuối cùng, có lẽ tôi có thể kể đến các cân nhắc tâm lí học chung. Một mặt sự sợ hãi đổi mới (được nhiều đoạn ở Laws, thí dụ 758c/d, minh hoạ) và, mặt khác, lí tưởng hoá quá khứ (như thấy ở Hesiod hay ở chuyện về thiên đường đã mất) là các hiện tượng thường xuyên và nổi bật. Có lẽ không quá cường điệu để kết nối cái sau, hoặc thậm chí cả hai, với sự lí tưởng hoá thời thơ ấu, quê hương, cha mẹ của mình, và với mong muốn hoài cổ để trở về với các thời kì ban đầu này của cuộc sống, của gốc của mình. Có rất nhiều đoạn ở Plato trong đó ông coi là nghiễm nhiên rằng tình thế gốc, hay bản chất gốc, là trạng thái hạnh phúc. Tôi chỉ kể đến bài nói của Aristophanes trong Symposium; ở đây được coi là nhiễm nhiên rằng sự ham muốn mạnh mẽ và sự đau khổ của tình yêu say đắm được giải thích đủ nếu chứng tỏ được là nó bắt nguồn từ sự hoài cổ này, và tương tự, rằng cảm giác thoả mãn tình dục có thể được giải thích bằng cảm giác về sự hoài cổ được thoả mãn. Như thế Plato nói về Eros (Symposium, 193d): ‘Ông sẽ phục hồi chúng ta tới bản chất gốc của chúng ta (xem cả 191d) và chữa trị chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc và sung sướng’. Cùng ý nghĩ nhấn mạnh nhiều nhận xét như sau đây từ Philebus (16c): ‘Những người xưa .. tốt hơn chúng ta bây giờ, và .. sống gần các thần hơn ..’ Tất cả điều này biểu lộ quan điểm rằng trạng thái bất hạnh và sự bất hạnh của chúng ta là hệ quả của sự phát triển làm cho chúng ta khác với bản chất gốc của mình – Ý niệm của chúng ta; và nó biểu lộ thêm rằng sự phát triển là từ một trạng thái tốt và hạnh phúc sang một trạng thái nơi tính tốt và phước lành bị mất; song điều này có nghĩa là sự phát triển là gia tăng mục nát. Lí thuyết hồi tưởng của Plato –lí thuyết cho rằng tất cả tri thức là tái-nhận thức hay tái-sưu tầm tri thức mà ta đã có trong quá khứ trước khi đẻ, là phần của cùng quan điểm: trong quá khứ đã có không chỉ cái tốt, cái cao quý, và cái đẹp, mà cả mọi sự sáng suốt. Ngay cả sự thay đổi hay chuyển động cổ cũng tốt hơn chuyển động thứ cấp; vì ở Laws linh hồn được nói là (895b) ‘khởi điểm của mọi chuyển động đầu tiên xuất hiện trong các thứ đứng yên .. chuyển động cổ nhất và có uy lực lớn nhất’, và (966e) ‘cổ và siêu phàm nhất của tất cả mọi thứ’. (So ct. 15 (8) ở ch. 3).
Như được chỉ ra ở trước (so đặc biệt ct. 6 ở chương 3), học thuyết về một xu hướng lịch sử và vũ trụ tới suy tàn dường như được kết hợp, ở Plato, với một thuyết về chu kì lịch sử và vũ trụ. (Giai đoạn suy tàn, có lẽ, là một phần của chu kì này).*
4 So Timaeus, 91d-92b/c. Xem cả ct. 6 (7) ở chương 3 và ct. 11 ở chương 11.
5 Xem đầu chương 2 ở trên, và ct. 6 (1) ở chương 3. Không chỉ là ngẫu nhiên rằng Plato nói tới chuyện của Hesiod về ‘các kim loại’ khi thảo luận lí thuyết riêng của ông về suy tàn lịch sử (Rep., 546e/547a, đặc biệt các ct. 39 và 40 ở chương 5); ông rõ ràng muốn cho biết thuyết của ông khớp với, và giải thích, khéo thế nào lí thuyết của Hesiod.
6 Phần lịch sử của Laws là ở Quyển III và IV (xem ct. 6 (5) và (8) ở chương 3). Hai trích dẫn ở văn bản là từ đoạn đầu của phần này, tức là Laws, 676a. Về các đoạn tương tự được nhắc đến, xem Republic, 369b, f. (Sự sinh của một thành phố ..’) và 545d (‘Thành phố của chúng ta sẽ thay đổi thế nào ..’).
Thường nói là Laws (và Statesman) ít thù địch với dân chủ hơn Republic, và phải thừa nhận là giọng chung của Plato thực ra ít thù địch hơn (điều này có lẽ do sức mạnh nội tại của nền dân chủ tăng lên; xem chương 10 và đầu chương 11). Song sự nhượng bộ thực tế duy nhất đối với nền dân chủ ở Laws là các viên chức chính trị được các thành viên của giai cấp thống trị (tức là quân sự), lựa chọn; và vì mọi sự thay đổi quan trọng về luật của nhà nước đằng nào cũng bị cấm (so, thí dụ, các trích dẫn ở ct. 3 ở chương này), điều này không có ý nghĩa nhiều lắm. Xu hướng cơ bản vẫn là ủng hộ-Sparta, và xu hướng này, như có thể thấy từ Politics của Aristotle, 11, 6, 17 (1265b), là tương hợp với cái gọi là hiến pháp ‘hỗn hợp’. Thực ra, Plato ở Laws, nếu có thể nói như vậy, là thù địch đối với tinh thần dân chủ, tức là đối với ý tưởng về quyền tự do cá nhân, hơn là ở Republic; so đặc biệt văn bản cho các ct. 32 và 33 ở chương 6 (tức là Laws, 739c, ff., và 942a, f.) và cho các ct. 19-22 ở chương 8 (tức là Laws, 903c – 909a). – Xem cả ct. tiếp.
7 Có vẻ phù hợp là khó khăn chính về giải thích sự thay đổi đầu tiên này là cái dẫn Plato đến biến đổi lí thuyết của mình về các Ý niệm thành các nguyên nhân và năng lực tích cực, có khả năng hoà trộn với một vài Ý niệm khác (so Sophist, 252e, ff.), và loại bỏ các Ý niệm còn lại (Sophist, 223c), và như thế biến đổi chúng thành cái gì đó giống các thần, trái lại Republic (so 380d) hoá đá ngay cả các thần thành những cái bất động Parmenidean. Một điểm ngoặt quan trọng, có vẻ như, là Sophist, 248e-249c (lưu ý đặc biệt rằng ở đây Ý niệm về chuyển động là không đứng yên). Sự biến đổi có vẻ như để giải quyết đồng thời sự khó khăn của cái gọi là ‘người thứ ba’; vì nếu các Hình thức, như trong Timaeus, là cha, thì không cần đến ‘người thứ ba’ nào để giải thích sự giống nhau của chúng với các con của chúng.
Về quan hệ của Republic với Statesman và với Laws, tôi nghĩ rằng nỗ lực của Plato ở hai đối thoại sau để lần vết nguồn gốc của xã hội loài người lùi lại hơn nữa và hơn nữa cũng vậy có quan hệ với những khó khăn cố hữu trong vấn đề về sự thay đổi đầu tiên. Rằng là khó để hình dung về một sự thay đổi tràn ngập một thành phố hoàn hảo được phát biểu rõ ở Republic, 546a; nỗ lực của Plato trong Republic để giải quyết nó sẽ được thảo luận ở chương tiếp (so văn bản cho các ct. 37-40 ở chương 5). Trong Statesman, Plato chấp nhận lí thuyết về một thảm hoạ vũ trụ dẫn đến sự thay đổi từ nửa-vòng tình yêu (Empedoclean) sang chu kì hiện tại, nửa-vòng xung đột. Ý tưởng này dường như được bỏ đi trong Timaeus, để được thay bằng một lí thuyết (được giữ lại trong Laws) về các thảm hoạ hạn chế hơn, như các nạn lụt, có thể huỷ hoại các nền văn minh, song hiển nhiên không ảnh hưởng đến tiến trình của vũ trụ. (Có thể là giải pháp này của vấn đề được gợi ý cho Plato bởi sự thực rằng vào năm 373-372 trước công nguyên, thành phố cổ Helice bị động đất và nạn lụt phá huỷ). Hình thức sớm nhất của xã hội, khác trong Republic chỉ bởi một bước duy nhất từ nhà nước Spartan vẫn còn tồn tại, là sự đẩy lùi vào một quá khứ ngày càng xa. Mặc dù Plato tiếp tục tin rằng sự định cư đầu tiên phải là thành phố tốt nhất, bây giờ ông thảo luận các xã hội trước sự định cư đầu tiên, tức là các xã hội du cư, ‘những người chăn cừu trên đồi’. (So đặc biệt ct. 32 ở chương này).
8 Trích dẫn là từ Marx-Engels, Tuyên ngôn Cộng sản; so A Handbook of Marxism (edited by E. Burns, 1935), 22.
9 Trích dẫn là từ bình luận của Adam về Quyển VIII của Republic; xem lần xuất bản của ông, vol. II, 198, chú thích cho 544a3.
10 So Republic, 544c.
11 (1) Trái với luận điểm của tôi rằng Plato, giống nhiều nhà xã hội học hiện đại kể từ Comte, thử phác hoạ các giai đoạn điển hình của sự phát triển xã hội, hầu hết phê phán coi câu chuyện của Plato chỉ như một trình bày hơi kịch tính của một sự phân loại thuần tuý logic của các hiến pháp. Song điều này không chỉ mâu thuẫn với cái Plato nói (so ct. của Adam cho Rep., 544c19, op. cit., vol. II, 199), mà nó cũng chống lại toàn bộ tinh thần logic của Plato, theo đó bản chất [essence] của một sự vật phải được hiểu bằng bản chất [nature] gốc của nó, tức là bằng gốc lịch sử của nó. Và chúng ta không được quên là ông dùng cùng từ, ‘genus: giống’, để có ý nói một lớp theo nghĩa logic và một loài theo nghĩa sinh học. ‘Genus’ logic vẫn đồng nhất với ‘loài’, theo nghĩa về ‘con của cùng cha mẹ’. (Với điều này, so các ct. 15-20 ở chương 3, và văn bản, cũng như các ct. 23-24 ở chương 5, và văn bản, nơi phương trình bản chất = nguồn gốc = loài được thảo luận). Do đó, có mọi lí do để coi cái Plato nói theo giá trị danh nghĩa của nó; vì cho dù Adam đã đúng khi ông nói (loc. cit.) là Plato định cho một ‘trật tự logic’, trật tự này đối với ông đồng thời là trật tự của sự phát triển lịch sử điển hình. Nhận xét của Adam (loc. cit.) rằng ‘trật tự được xác định chủ yếu bởi các cân nhắc tâm lí chứ không phải lịch sử’, tôi tin, quay ra chống ông ta. Vì bản thân ông chỉ ra (thí dụ, op. cit., vol. II, 195, ct. cho 543a, ff.) rằng Plato ‘giữ lại từ đầu đến cuối .. sự tương tự giữa Linh hồn và Thành phố’. Theo lí thuyết chính trị về linh hồn của Plato (sẽ được thảo luận ở chương tiếp), lịch sử tâm lí phải chạy song song với lịch sử xã hội, và sự đối lập được cho là giữa các cân nhắc tâm lí và lịch sử biến mất, đổi thành một lí lẽ ủng hộ diễn giải của chúng ta.
(2) Có thể đưa ra cùng trả lời chính xác như thế nếu ai đó lí lẽ rằng trật tự hiến pháp của Plato, về cơ bản, không phải là một trật tự logic mà mang tính đạo đức; vì trật tự đạo đức (và cả trật tự thẩm mĩ nữa), trong triết học của Plato, là không thể phân biệt được khỏi trật tự lịch sử. Trong mối quan hệ này có thể nhận xét rằng quan điểm lịch sử chủ nghĩa này tạo cho Plato một hậu trường cho chủ nghĩa hạnh phúc của Socrates, tức là cho lí thuyết rằng cái tốt và hạnh phúc là y hệt nhau. Lí thuyết này được phát triển, trong Republic (so đặc biệt 580b), ở dạng học thuyết cho rằng tính tốt và hạnh phúc, hay tính xấu và bất hạnh, là cân xứng; và chúng phải thế, nếu độ tốt cũng như độ hạnh phúc của một người được đo bằng mức độ trong đó anh ta giống bản chất được ban phước ban đầu của chúng ta - Ý niệm hoàn hảo về con người. (Sự thực rằng lí thuyết của Plato, ở điểm này, dẫn đến một sự biện minh lí thuyết cho một học thuyết Socratic hiển nhiên nghịch lí có thể đã giúp Plato để thuyết phục bản thân ông rằng ông đã chỉ trình bày chi tiết tín điều Socratic thật; xem văn bản cho các ct. 56/57 ở chương 10).
(3) Rousseau tiếp quản phân loại các thể chế của Plato (Social Contract, Quyển II, ch. VII, Q.III, ch. III ff., so cả ch. X). Tuy vậy, dường như ông không bị Plato ảnh hưởng trực tiếp khi ông hồi sinh Ý niệm Platonic về một xã hội nguyên thuỷ (so, tuy vậy, các ct. 1 ở chương 6 và 14 ở chương 9); mà một kết quả trực tiếp của sự Phục hưng Platonic ở Italy đã là Arcadia có ảnh hưởng nhất của Sanazzaro, với sự phục hồi ý tưởng của Plato về xã hội nguyên thuỷ có phước lành của những người chăn cừu Hy Lạp (Dorian) trên đồi. (Về ý tưởng này của Plato, so văn bản cho ct. 32 ở chương này). Như thế Chủ nghĩa Lãng mạn (so cả chương 9) quả thực về mặt lịch sử là con của chủ nghĩa Plato.
(4) Chủ nghĩa lịch sử hiện đại của Comte và Mill, và của Hegel và Marx, bị ảnh hưởng đến đâu bởi chủ nghĩa lịch sử hữu thần của New Science của Giambattista Vico (1725) là rất khó nói: bản thân Vico rõ ràng bị ảnh hưởng bởi Plato, cũng như bởi De Civitate Dei của St. Augustine và Discourses on Livy của Machiavelli. Giống Plato (so ch. 5), Vico đồng nhất ‘bản chất’ của một sự vật với ‘nguồn gốc’ của nó (so Opere, xuất bản lần 2 của Ferrari, 1852-54, vol. V, p. 99); và ông tin là mọi quốc gia phải trải qua cùng tiến trình phát triển, theo một qui luật phổ quát. ‘Các quốc gia’ của ông (như của Hegel) như thế có thể nói là một trong các liên kết giữa ‘Các thành phố’ của Plato và ‘Các nền văn minh’ của Toynbee.
12 Republic, 549c/d; các trích dẫn tiếp op. cit., 550d-e, và muộn hơn, op. cit., 551a/b.
13 So op. cit., 556e. (Đoạn này phải được so với Thucydides, III, 82-4, được trích ở chương 10, văn bản cho ct. 12). Trích dẫn tiếp là op. cit., 557a.
14 Về chương trình dân chủ của Pericles, xem văn bản cho ct. 31, chương 10, ct. 17 ở chương 6, và ct. 34 ở chương 10.
15 Adam, ở lần xuất bản The Republic of Plato của ông, vol. II, 240, ct. cho 559d22. (Chữ nghiêng ở trích dẫn thứ hai là của tôi). Adam thú nhận là ‘bức tranh rõ ràng hơi phóng đại’; song ông để lại ít nghi ngờ rằng ông nghĩ, cơ bản, nó ‘luôn luôn’ đúng.
16 Adam, loc. cit.
17 Trích dẫn này từ Republic, 560d (về trích dẫn này và cái tiếp, so bản dịch của Lindsay); hai trích dẫn tiếp là từ Rep., 563 a-b, và d. (Xem cả ct. của Adam cho 563 d25). Quan trọng là Plato kêu gọi ở đây định chế tài sản tư nhân, bị tấn công gay gắt ở các phần khác của Rep., cứ như nó là một nguyên lí không bị bác bỏ về công lí. Có vẻ là khi tài sản mua là một nô lệ, một sự cầu khẩn đến quyền hợp pháp của người mua là đủ.
Một tấn công khác lên nền dân chủ là ‘nó giẫm đạp dưới chân’ nguyên tắc giáo dục rằng ‘không ai có thể lớn lên thành một người tốt trừ phi các năm sớm nhất của nó được trao cho các trò chơi cao quý’. (Rep., 558b; xem bản dịch của Lindsay; so ct. 68 ở chương 10). Xem cả các tấn công lên chủ nghĩa bình đẳng được trích ở ct. 14 ở ch. 6.
* Về thái độ của Socrates đối với bầu bạn trẻ của ông xem hầu hết các đối thoại sớm hơn, nhưng cả Phaedo, nơi ‘dáng bộ dễ thương, tử tế, và tôn trọng trong đó ông lắng nghe phê phán của người trẻ’ của Socrates được mô tả. Về thái độ tương phản của Plato, xem văn bản cho các ct. 19-21 ở ch. 7; xem cả các bài giảng tuyệt vời bởi H. Cherniss, The Riddle of the Early Academy (1945), đặc biệt p. 70 và 79 (về Parmenides 135c-d), và so các ct. 18-21 ở chương 7, và văn bản.*
18 Sự nô lệ (xem ct. trước) và phong trào Athenian chống lại nó sẽ được thảo luận thêm ở các chương 5 (ct. 13 và văn bản), 10, và 11; xem cả ct. 29 ở chương này. Giống Plato, Aristotle (thí dụ ở Pol. 1313b11, 1319b20; và Constitution of Athens của ông, 59, 5) chứng nhận tính rộng lượng của Athens đối với các nô lệ; và Pseudo-[Giả]Xenophon cũng thế (so Const. of Athens, I, 10 f., của ông).
19  So Republic, 577a, f.; xem ct. của Adam cho 577a và b12 (op. cit., vol. II, 332 f.). Xem bây giờ cả Phụ lục III (Trả lời một nhà phê bình), dưới đây, đặc biệt pp. 330 f.
20 Republic, 566e; so ct. 63 ở chương 10.
21 So Statesman (Politicus), 301c/d. Mặc dù Plato phân biệt sáu loại nhà nước mất phẩm chất, ông không đưa ra thuật ngữ mới nào; ‘nền quân chủ’ (hay ‘vương triều’) và ‘chế độ quý tộc’ được dùng ở Republic (445d) cho bản thân nhà nước tốt nhất, và không cho các dạng tương đối tốt nhất của các nhà nước giảm phẩm chất, như ở Statesman.
22 So Republic, 544d.
23 So Statesman, 297c/d: ‘Nếu chính thể tôi nhắc tới là bản gốc thật duy nhất, thì các chính thể khác (‘chỉ là các bản sao của cái này’; so 297b/c) ‘phải dùng các luật của nó, và ghi chúng lại; và đây là cách duy nhất theo đó chúng có thể được duy trì’. (So ct. 3 ở ch. này, và ct. 18 ở ch. 7). ‘Và bất cứ sự vi phạm nào về các luật phải bị trừng phạt với tội chết, và với các trừng phạt nghiêm khắc nhất; và điều này là rất tốt và công bằng, tuy, tất nhiên, chỉ là thứ tốt thứ nhì’. (Về nguồn gốc của luật, so ct. 32 (1, a) ở ch. này, và ct. 17 (2) ở ch. 3). Và ở 300e/301a, f., chúng ta đọc thấy: ‘Sự gần đúng sát nhất các hình thức thấp hơn này của chính thể đến chính thể thật .. là tuân theo các luật thành văn này và các tập quán … Khi những người giàu cai trị và bắt chước Hình thức thật, thì chính thể được gọi là chế độ quý tộc; và khi chúng không lưu ý đến các luật (cổ) là chế độ đầu sỏ’, v.v. Quan trọng để lưu ý là không phải sự hợp pháp hay sự phi pháp một cách trừu tượng, mà là sự duy trì các thể chế cổ của nhà nước gốc hay hoàn hảo, là tiêu chuẩn của sự phân loại. (Điều này trái ngược với Politics của Aristotle, 1292a, nơi sự phân biệt chính là liệu ‘luật là tối cao’, hay, thí dụ, thường dân).
24 Đoạn, Laws, 709e-714a, chứa vài ám chỉ đến Statesman; thí dụ, 710d-e, đưa ra, theo Herodotus III, 80-82, số các nhà cai trị như nguyên tắc phân loại; đánh số các hình thức chính thể ở 712c và d; và 713b, ff., tức là huyền thoại về nhà nước hoàn hảo thời Cronos, ‘mà các nhà nước tốt nhất hiện nay của chúng ta là các sự bắt chước’. Vì các ám chỉ này, tôi ít nghi ngờ là Plato muốn lí thuyết của ông về sự thích hợp của nền chuyên chế cho các thí nghiệm Không tưởng phải được hiểu như một loại của sự tiếp tục câu chuyện của Statesman (và như thế cả của Republic). – Các trích dẫn ở đoạn văn này là từ Laws, 709e, và 710c/d; ‘nhận xét từ Laws được trích ở trên’ là 797d, được trích ở văn bản cho ct. 3, ở ch. này. (Tôi đồng ý với chú thích của E. B. England cho đoạn này, trong lần xuất bản The Laws of Plato của ông, 1921, vol. II, 258, rằng ‘thay đổi là có hại cho năng lực .. của bất cứ cái gì’, và vì thế cho cả năng lực của cái xấu; song tôi không đồng ý với ông ‘rằng thay đổi từ xấu’, tức là thành tốt, là quá hiển nhiên để được nhắc đến như một ngoại lệ; nó không hiển nhiên nhìn từ quan điểm của học thuyết của Plato về bản chất xấu của thay đổi. Xem cả văn bản cho chú thích).
25 So Laws, 676b/c (so 676a được trích ở văn bản cho ct. 6). Bất chấp học thuyết của Plato rằng ‘thay đổi là có hại’ (so cuối ct. trước), E. B. England diễn giải các đoạn này về thay đổi và cách mạng bằng cho chúng một ý nghĩa lạc quan hay tiến bộ. Ông gợi ý đối tượng nghiên cứu của Plato là cái ‘ta có thể gọi’ “là bí mật của sức sống chính trị”.’ (So op. cit., vol. I, 344). Và ông diễn giải đoạn này về tìm nguyên nhân thật của thay đổi (có hại) như đối xử với một sự tìm kiếm ‘nguyên nhân và bản chất của sự phát triển thật của một nhà nước, tức là của sự tiến bộ của nó tới sự hoàn thiện’. (Ông nhấn mạnh; so vol. I, 345). Diễn giải này không thể là đúng, vì đoạn này là một dẫn nhập tới chuyện về suy đồi chính trị; song nó chứng tỏ xu hướng lí tưởng hoá Plato và giới thiệu ông như người theo thuyết tiến bộ làm mù quáng nhiều đến thế nào ngay cả nhà phê bình xuất sắc như vậy đối với sự khám phá riêng của ông, cụ thể là, Plato tin thay đổi là có hại.
26 So Republic, 545d (xem cả đoạn tương tự 465b). Trích dẫn là từ Laws, 683e. (Adam ở lần xuất bản Republic của ông, vol. II, 203, ct. cho 545d21, dẫn chiếu đến đoạn này ở Laws). England, ở lần xuất bản Laws của ông, vol. I, 360 f., ct. cho 683e5, nhắc tới Republic, 609a, nhưng cả 545d lẫn 465b thì không, và cho rằng dẫn chiếu là ‘tới một thảo luận trước, hay thảo luận được ghi trong một đối thoại đã mất’. Tôi không thấy vì sao Plato không ám chỉ đến Republic, bằng dùng hư cấu rằng vài trong các chủ đề của nó được thảo luận bởi các người đối thoại có mặt. Như Cornford nói, trong nhóm cuối của các đối thoại của Plato ‘không có động cơ nào để duy trì ảo tưởng là các đối thoại thực sự xảy ra’; và ông cũng đúng khi nói là Plato ‘không là nô lệ của các hư cấu của ông’. (So Cornford, Plato’s Cosmology, p. 5 và 4). Qui luật cách mạng của Plato được V. Pareto tái phát hiện mà không có chỉ dẫn đến Plato; so Treaties on General Sociology của ông, §§ 2054, 2057, 2058. (Ở cuối § 2055, cũng có một lí thuyết về làm ngưng lịch sử). Rousseau cũng tái phát hiện qui luật. (Social Contract, Q. III, ch. X).
27 (1) Đáng lưu ý là các nét tiêu biểu phi-lịch sử cố ý của nhà nước tốt nhất, đặc biệt sự cai trị của các triết gia, không được Plato nhắc đến trong tóm tắt ở đầu Timaeus, và rằng ở Quyển VIII của Republic ông cho là các nhà cai trị của nhà nước tốt nhất không sành về thuyết thần bí số Pythagorean; so Republic, 564c/d, nơi các nhà cai trị được nói là dốt nát về các vấn đề này. (So cả nhận xét, Rep., 543d/544a, theo đó nhà nước tốt nhất của Quyển VIII vẫn có thể bị vượt, cụ thể, như Adam nói, bởi thành phố của Quyển V-VII – thành phố lí tưởng trên thiên đường).
Trong cuốn Plato’s Cosmology của mình, pp. 6 ff., Cornford dựng lại các điểm chính và nội dung của tác phẩm ba bộ chưa hoàn tất của Plato, Timaeus-Critias-Hermocrates,và cho thấy chúng liên quan thế nào đến các phần lịch sử của Laws (Quyển III). Việc dựng lại này, tôi nghĩ, là sự chứng thực có giá trị cho lí thuyết của tôi rằng cái nhìn của Plato về thế giới cơ bản mang tính lịch sử, và rằng mối quan tâm của ông về ‘nó được sinh ra thế nào’ (và nó suy tàn ra sao) nối kết với lí thuyết của ông về các Ý niệm, và quả thực dựa vào nó. Song nếu đúng thế, thì không có lí do vì sao ta phải cho rằng các cuốn sau của Republic ‘lại bắt đầu từ câu hỏi nó’ (tức là thành phố) ‘có thể được thực hiện ra sao trong tương lai và phác hoạ sự sa sút khả dĩ của nó qua các dạng thấp hơn của chính trị’ (Cornford, op. cit., 6; tôi nhấn mạnh); thay vào đó chúng ta phải coi các Quyển VIII và IX của Republic, vì sự tương đương sát của chúng với Quyển III của Laws, như phác hoạ lịch sử giản lược về sự sa sút thực sự của thành phố lí tưởng của quá khứ, và như một giải thích về nguồn gốc của các nhà nước hiện tồn, tương tự như nhiệm vụ lớn hơn do bản thân Plato đề ra ở Timaeus, ở bộ ba thống nhất, và ở Laws.
(2) Liên quan đến nhận xét của tôi, muộn hơn ở đoạn văn, rằng Plato ‘chắc biết là ông không có tư liệu cần thiết’, xem thí dụ Laws, 683d, và ct. của England cho 683d2.
(3) Với nhận xét của tôi, dưới nữa trong đoạn văn, rằng Plato công nhận các xã hội Ctretan và Spartan như các hình thức được hoá đá hay ngưng (và với nhận xét ở đoạn văn tiếp rằng nhà nước tốt nhất của Plato không chỉ là một nhà nước giai cấp mà là nhà nước đẳng cấp) có thể đưa thêm như sau. (So cả ct. 2 ở ch. này và ct. 24 ở ch. 10).
Trong Laws, 797d (ở đoạn mở đầu cho ‘lời tuyên bố quan trọng’ như England gọi nó, được trích ở văn bản cho ct. 3 ở ch. này), Plato làm rõ hoàn toàn rằng những người đối thoại Ctretan và Spartan của ông biết về tính chất ‘ngưng lại’ của các thể chế xã hội của họ; Clenias, người đối thoại Cretan, nhấn mạnh rằng ông khát khao nghe bất cứ sự biện hộ nào về tính chất cổ xưa của một nhà nước. Muộn hơn một chút (799a), và trong cùng ngữ cảnh, đưa ra một sự dẫn chiếu trực tiếp đến phương pháp Ai cập để làm ngưng sự phát triển của các thể chế; rõ ràng là một dấu hiệu rằng Plato nhận ra một xu hướng ở Crete và Sparta tương tự như của Ai Cập, cụ thể là, để làm ngưng mọi thay đổi xã hội.
Trong ngữ cảnh này, một đoạn từ Timaeus (xem đặc biệt 24a-b) có vẻ quan trọng. Ở đoạn này, Plato thử chứng tỏ (a) là một sự phân chia giai cấp rất giống cái của Republic đã được thiết lập tại Athens ở giai đoạn rất xưa của phát triển tiền sử, và (b) rằng các thể chế này rất thân thuộc với hệ thống đẳng cấp của Ai cập (mà các thể chế đẳng cấp bị ngưng của nó ông cho là bắt nguồn từ nhà nước Athenian cổ xưa của ông). Như vậy bản thân Plato bằng ẩn ý thừa nhận là nhà nước cổ và hoàn hảo lí tưởng của Republic là một nhà nước đẳng cấp. Lí thú là Crantor, nhà bình luận đầu tiên của Timaeus, kể lại, chỉ hai thế hệ sau Plato, rằng Plato đã bị lên án vì rời bỏ truyền thống Athenian, và vì trở thành môn đồ của những người Ai cập. (So Gomperz, Greek Thinkers, Germ. ed., II, 476). Crantor ám chỉ có lẽ đến Busiris của Isocrates, 8, được trích ở ct. 3 ở ch. 13.
Về vấn đề của các đẳng cấp trong Republic, xem thêm các ct. 31 và 32 (1, d) ở ch. này, ct. 40 ở ch. 6, và các ct. 11-14 ở ch. 8. A. E. Taylor, Plato: The Man and His Work, pp. 269 f., kịch liệt phản đối quan điểm rằng Plato ủng hộ một nhà nước đẳng cấp.
28 So Republic, 416a. Vấn đề được xem xét đầy đủ hơn ở chương này, văn bản cho ct. 35. (Về vấn đề đẳng cấp, nói tới ở đoạn văn tiếp, xem các ct. 27 (3) và 31 ở ch. này).
29 Về lời khuyên của Plato chống việc lập pháp cho người dân thường với ‘sự tranh chấp thị trường thô tục’ của họ, v.v., xem Republic, 425b-427a/b; đặc biệt 425d-e và 427a. Các đoạn này, tất nhiên, tấn công nền dân chủ Athens, và mọi sự lập pháp ‘từng phần’ theo nghĩa của chương 9. *Rằng điều này cũng được Cornford, The Republic of Plato (1941) thấy; vì ông viết, trong một chú thích cho đoạn trong đó Plato kiến nghị kĩ thuật Không tưởng (là Republic 500d, f., kiến nghị ‘làm sạch bức vải vẽ’ và chủ nghĩa cấp tiến lãng mạn; so ct. 12 ở chương 9 và văn bản): ‘Tương phản sự chắp vá từng phần ở cải cách bị chế nhạo ở 425e ..’. Cornford có vẻ không thích các cải cách từng phần, và ông có vẻ thích các phương pháp của Plato hơn; nhưng diễn giải của ông và của tôi về các ý định của Plato dường như trùng nhau.*
Bốn trích dẫn thêm ở dưới trong đoạn văn này là từ Republic, 371d/e; 463a-b (‘những người cổ vũ’ và ‘các ông chủ’); 549a; và 471b/c. Các bình luận của Adam (op. cit., vol. I, 97, chú thích cho 371e32): ‘Plato không cho phép lao động nô lệ trong thành phố của ông, có lẽ trừ phi là bản thân những người man rợ’. Tôi đồng ý rằng ở Republic, (469b-470c)Plato phản đối sự nô dịch hoá các tù nhân chiến tranh Hy Lạp; song ông tiếp tục (ở 471b-c) khuyến khích những người Hy Lạp, và đặc biệt các công dân của thành phố tốt nhất của ông, nô dịch hoá những người man rợ. (Đây có vẻ cũng là ý kiến của Tarn; so ct. 13 (2) ở chương 15). Và Plato tấn công dữ dội phong trào Athenian chống nô lệ, và cố đòi quyền tài sản khi tài sản là một nô lệ (so văn bản cho các ct. 17 và 18 ở chương này). Như điều này cũng được chứng tỏ bởi trích dẫn thứ ba (từ Rep., 548e/ 549a) ở đoạn văn mà chú thích được gắn vào, ông đã không xoá bỏ cảnh nô lệ trong thành phố tốt nhất của mình. (Xem cả Rep., 590c/d, nơi ông bảo vệ đòi hỏi rằng thường dân thô lỗ phải là nô lệ cho người tốt nhất). A. E. Taylor vì thế sai khi hai lần khẳng định (trong Plato, 1908 và 1914 của ông, pp. 197 và 198) là Plato ngụ ý ‘rằng không có giai cấp nô lệ trong cộng đồng’. Về các quan điểm tương tự trong Plato: The Man and His Work (1926) của Taylor, so cuối của ct. 27 ở chương này.
Đề cập về nô lệ trong Statesman của Plato, tôi nghĩ, rọi nhiều ánh sáng lên thái độ của ông trong Republic. Vì ở đây cũng vậy, ông không nói nhiều về nô lệ, mặc dù ông giả sử rõ ràng là có các nô lệ ở nhà nước của ông (Xem nhận xét đặc trưng của ông, 289b/c, rằng ‘mọi tài sản về các thú vật đã thuần hoá, trừ các nô lệ’ đã được thảo luận rồi; và một nhận xét đặc trưng tương tự, 309a, rằng vương nghiệp thật sự ‘biến những người đắm mình trong ngu muội và địa vị thấp hèn thành nô lệ’. Lí do vì sao Plato không nói rất nhiều về nô lệ là khá rõ từ 289c, ff., đặc biệt từ 289d/e. Ông không thấy một sự phân biệt lớn giữa ‘các nô lệ và những người đầy tớ khác’, như những người lao động, người giao hàng, các nhà buôn (tức là tất cả những kẻ ‘máy móc’ chuyên kiếm tiền; so ct. 4 ở chương 11); các nô lệ được phân biệt với những kẻ khác chỉ như ‘các đầy tớ kiếm được bằng cách mua’. Nói cách khác, ông là rất cao trên những người xuất thân tầm thường đến mức hầu như không bõ để ông áy náy về những sự khác biệt tế nhị. Tất cả điều này là rất giống Republic, chỉ rõ ràng hơn một chút. (Xem cả ct. 57 (2) ở chương 8).
Về đối xử với cảnh nô lệ trong Laws, xem đặc biệt G. R. Morrow, ‘Plato and Greek Slavery’ (Mind, N. S., vol. 48, 186-201; xem cả p. 402), một bài báo cho một tổng quan xuất sắc và phê phán về đề tài, và đến một kết luận rất công bằng, mặc dù tác giả, theo tôi, vẫn thiên vị một chút có lợi cho Plato. (Bài báo không nhấn mạnh đủ sự thực rằng thời Plato đã có một phong trào chống nô lệ khá tiến triển; so ct. 13 ở chương 5).
30 Trích dẫn là từ tóm tắt Republic của Plato trong Timaeus (18c/d). Với nhận xét về thiếu cái mới của cộng đồng gợi ý của đàn bà và trẻ con, so lần xuất bản của Adam The Republic of Plato, vol. I, p. 292 (ct. cho 457b, ff.) và p. 308 (ct. cho 463c17), cũng như pp. 345-55, đặc biệt 354; với yếu tố Pythagorean trong chủ nghĩa cộng sản của Plato, so op. cit., p. 199, ct. cho 416d22. (Về các kim loại quý, xem ct. 24 ở chương 10. Về các kim loại thường, xem ct. 34 ở chương 6; và về các nguyên lí cộng sản chủ nghĩa ở Plato và những người kế tục ông, xem ct. 29 (2) ở chương 5, và các đoạn được nhắc tới ở đó).
31 Đoạn trích là từ Republic, 434b/c. Về đòi hỏi một nhà nước đẳng cấp, Plato đắn đo một thời gian dài. Điều này là khá tách bạch khỏi ‘lời nói đầu dài dòng’ cho đoạn được bàn đến (sẽ được thảo luận ở chương 6; so các ct. 24 và 40 ở chương đó); vì khi lần đầu nói về các vấn đề này, ở 415a, ff., ông nói cứ như sự nổi từ một giai cấp thấp lên một giai cấp cao được cho phép, với điều kiện là ở các giai cấp thấp ‘trẻ con được sinh ra với một hỗn hợp của vàng và bạc’ (415c), tức là của máu và đức hạnh của giai cấp trên. Nhưng ở 434b-d, và, thậm chí rõ hơn, ở 547a, sự cho phép này, thực ra, bị rút lại; và ở 547a bất cứ hỗn hợp nào của các kim loại bị tuyên bố là ô uế, phải là tai hoạ đối với nhà nước. Xem cả văn bản cho các ct. 11-14 ở chương 8 (và ct. 27 (3) ở chương này).
32 So Statesman, 271e. Các đoạn trong Laws về những người chăn cừu du cư nguyên thuỷ và các tộc trưởng của họ là 677e-680e. Đoạn được trích là Laws, 680e. Đoạn trích tiếp là từ Huyền thoại về Người sinh ra từ Đất, Republic, 415d/e. Trích dẫn kết thúc của đoạn văn là từ Republic, 440d. – Có thể cần đưa thêm vài bình luận về các nhận xét nhất định trong đoạn văn mà chú thích này được gắn vào.
(1) Được nói rõ trong văn bản là không được giải thích rất rõ ‘việc định cư’ xảy ra thế nào. Cả ở Laws và ở Republic đầu tiên chúng ta nghe (xem (a)(b) dưới đây) về một loại thoả ước hay khế ước xã hội (về khế ước xã hội, so ct. 29 ở ch. 5 và các ct. 43-54 ở ch. 6, và văn bản), và muộn hơn (xem (b)(c) dưới đây) về sự chinh phục mạnh mẽ.
(a) Trong Laws, các bộ lạc chăn cừu khác nhau định cư trên các bình nguyên sau khi đã hợp lại với nhau để tạo ra các toán thù địch lớn hơn mà luật của nó đạt tới bởi một thoả ước hay khế ước, do các quan toà được ban vương quyền làm ra (681b và c/d; về nguồn gốc của luật được mô tả ở 681b, so ct. 17 (2) ở chương 3). Song bây giờ Plato trở nên lảng tránh. Thay cho mô tả các toán này định cư ra sao ở Hy Lạp, và các thành phố Hy Lạp được thành lập thế nào, Plato chuyển sang câu chuyện của Homer về thành lập Troy, và chiến tranh Trojan. Từ đó, Plato nói, những người Achaean quay trở lại lấy tên của những người Dorian, và ‘phần còn lại của câu chuyện là .. phần của lịch sử Lacedaemonian’ (682e/683a). Cho đến đây ta không nghe gì về cách định cư này, và tiếp theo ngay là một sự lạc đề nữa (bản thân Plato nói về ‘mạch quanh co của lí lẽ’) cho đến khi ta nhận được ‘ám chỉ’ cuối cùng (ở 683c/d) được nhắc ở văn bản; xem (b).
(b) Phát biểu ở văn bản là ta nhận một ám chỉ rằng ‘định cư’ Dorian ở Peloponnese thực ra là một cuộc xâm chiếm dữ dội, dẫn chiếu đến Laws (683c/d), nơi Plato giới thiệu cái thực ra là các nhận xét lịch sử đầu tiên của ông về Sparta. Ông nói rằng ông bắt đầu ở thời điểm khi toàn bộ Peloponnese bị những người Dorian ‘chinh phục’. Trong Menexenus, mà tính xác thực của nó khó có thể bị nghi ngờ; so ct. 35 ở chương 10) ở 245c có một ám chỉ đến sự thực rằng những người Peloponnesian là ‘những người nhập cư từ nước ngoài’ (như Grote diễn tả: so Plato của ông, III, p. 5).
(c) Trong Republic (369b) thành phố được những người lao động thành lập với tầm nhìn về các lợi thế của phân công lao động và hợp tác, phù hợp với lí thuyết khế ước.
(d) Nhưng muộn hơn (ở Rep., 415d/e; xem trích dẫn trong văn bản, ở đoạn văn này) ta nhận được một mô tả về xâm lấn chiến thắng của giai cấp chiến binh có nguồn gốc hơi bí ẩn – ‘người sinh ra từ đất’. Đoạn quyết định của diễn tả này nói rằng người sinh ra từ đất phải nhìn quanh để tìm chỗ phù hợp nhất cho nơi hạ trại của họ (nguyên văn) ‘để giữ lại những người ở bên trong’, tức là để kìm những người đã sống trong thành phố lại, tức là giữ lại dân cư.
(e) Trong Statesman (271a, f.) những ‘người sinh ra từ đất’ này được đồng nhất với những người chăn cừu du mục rất sớm của thời kì trước-định cư. So cả ám chỉ đến châu chấu bản địa trong Symposium, 191b; so ct. 6 (4) ở ch. 3, và 11 (2) ở ch. 8.
(f) Tóm lại, dường như Plato đã có ý tưởng khá rõ ràng về sự xâm chiếm Dorian, mà ông thích, vì các lí do hiển nhiên, che dấu trong bí ẩn. Cũng dường như là có một truyền thống rằng các đám thù địch xâm lấn có dòng dõi du cư.
(2) Với nhận xét muộn hơn trong văn bản ở đoạn văn này về ‘nhấn mạnh liên tục’ của Plato đến sự thực rằng cai trị là chăn dắt, so, thí dụ, đoạn tiếp theo: Republic, 343b, nơi ý tưởng được giới thiệu; 345c, f., nơi ở dạng ví von về người chăn cừu giỏi, nó trở thành một trong các chủ đề trung tâm của nghiên cứu; 375a-376b, 404a, 440d, 451b-e, 459a-460c, và 466c-d (được trích ở ct. 30 ở ch. 5), nơi các phụ tá được ví như các chó chăn cừu và nơi sự phối giống và giáo dục của chúng được thảo luận một cách phù hợp; 416a, ff., nơi vấn đề về chó sói không có nhà nước và ở trong nhà nước được giới thiệu; so thêm Statesman, nơi ý tưởng được tiếp tục qua nhiều trang, đặc biệt 261d-276d. Liên quan đến Laws, tôi có thể dẫn chiếu đến đoạn (694e), nơi Plato nói về Cyrus mà ông đã kiếm được cho các con mình ‘gia súc và cừu và nhiều bầy người và các thú vật khác’. (So cả Laws, 735, và Theaet., 174d).
(3) Với tất cả điều này, so cả A. J. Toynbee, A Study of History, đặc biệt Vol. III, p. 32 (ct. 1), nơi A. H. Lybyer, The Government of the Ottoman Empire, v.v., được trích dẫn, 33 (ct. 2), 5-100; xem đặc biệt nhận xét của ông về dân du cư xâm chiếm (p. 22) những người ‘có quan hệ với .. đàn ông’, và về ‘các con chó người giữ nhà’ của Plato (p. 94, ct. 2). Tôi được các ý tưởng lỗi lạc của Toynbee gây nhiều hào hứng và được nhiều nhận xét của ông khích lệ nhiều, mà tôi coi như làm vững thêm các diễn giải của tôi, và tôi càng có thể đánh giá cao khi các giả thiết cơ bản của Toynbee và của tôi càng không thống nhất với nhau. Tôi cũng hàm ơn Toynbee một số thuật ngữ được dùng trong văn bản của tôi, đặc biệt ‘gia súc người’, ‘đàn người’, và ‘chó người giữ nhà’.
Study of History của Toynbee, từ quan điểm của tôi, là một hình mẫu của cái tôi gọi là chủ nghĩa lịch sử; tôi không cần nói nhiều hơn để biểu lộ sự bất đồng cơ bản của tôi với nó; và một số điểm bất đồng đặc biệt sẽ được thảo luận ở các chỗ khác nhau (so các ct. 43 và 45 (2) ở ch. này, ct. 7 và 8 ở ch. 10, và ch. 24; cả phê phán Toynbee của tôi ở ch. 24, và ở Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử, p. 110 ff.). Nhưng nó chứa nhiều ý tưởng lí thú và gây hứng thú. Về Plato, Toynbee nhấn mạnh một số điểm mà tôi có thể theo ông, đặc biệt là nhà nước tốt nhất của Plato được gây cảm hứng bởi sự trải nghiệm của ông về các cuộc cách mạng xã hội và bởi ý muốn của ông để làm ngưng mọi thay đổi, và rằng nó là một loại của Sparta bị ngưng lại (bản thân nó cũng bị ngưng). Bất chấp các điểm thống nhất này, thậm chí có sự bất đồng cơ bản trong diễn giải về Plato giữa các quan điểm của Toynbee và của riêng tôi. Toynbee coi nhà nước tốt nhất của Plato như một Không tưởng (phản động) điển hình , trong khi tôi diễn giải phần lớn nó, trong mối quan hệ với cái tôi coi là lí thuyết tổng quát của Plato về thay đổi, như một nỗ lực để xây dựng lại một dạng nguyên thuỷ của xã hội. Tôi cũng không nghĩ rằng Toynbee sẽ đồng ý với diễn giải của tôi về câu chuyện của Plato về giai đoạn trước định cư, và về bản thân sự định cư, được phác hoạ ở chú thích này và trong văn bản; vì Toynbee nói (op. cit., vol. III, 80) là ‘xã hội Spartan không có nguồn gốc du cư’. Toynbee nhấn mạnh mạnh mẽ (op. cit., III, 50 ff.) tính chất lạ kì của xã hội Sparta, mà, ông nói, bị ngưng ở sự phát triển của nó do một nỗ lực siêu nhân để giữ ‘súc vật người’ của họ lại. Song tôi nghĩ là sự nhấn mạnh này về tình hình lạ kì của Sparta làm cho khó để hiểu các sự giống nhau giữa các thể chế của Sparta và Crete mà Plato thấy nổi bật đến vậy (Rep.,  544c; Laws, 683a). Tôi tin, các điều này có thể được giải thích chỉ như các hình thức bị ngưng của các thể chế bộ lạc rất cổ xưa, phải già hơn đáng kể nỗ lực của những người Spartan trong chiến tranh Cứu thế lần hai (khoảng 650-620 trước công nguyên; so Toynbee, op. cit., III, 53). Vì các điều kiện tồn tại của các thể chế này ở hai địa điểm rất khác nhau đến mức, sự giống nhau của chúng là một lí lẽ mạnh mẽ ủng hộ việc chúng là nguyên thuỷ và chống lại giải thích bằng các yếu tố chỉ ảnh hưởng đến một trong hai nơi.
*Về các vấn đề của sự Định cư Dorian, xem cả R. Eisler trong Caucasia, vol. V, 1928, đặc biệt p. 113, ct. 84, nơi từ ‘Hellenes’ được dịch là ‘những người định cư’, và ‘Greeks’ là ‘những người nuôi gia súc’ -tức là những người gây giống gia súc hay du cư. Cũng tác giả đó đã chứng tỏ (Orphisch-Dionisische Mysteriengedanken, 1925, p. 58, ct. 2) rằng ý tưởng về Thần-Chăn cừu có nguồn gốc Orphic. Ở cùng chỗ, các con chó chăn cừu của Thần (Domini Canes) được nhắc đến.*
33 Sự thực rằng giáo dục trong nhà nước của Plato là đặc quyền giai cấp đã bị một vài nhà giáo dục nhiệt tình, những người ghi công cho Plato với tư tưởng về làm cho giáo dục độc lập với các phương tiện tài chính, bỏ qua; họ không thấy rằng cái ác là đặc quyền giai cấp theo nghĩa của từ, và rằng tương đối không quan trọng liệu đặc quyền này dựa vào sự có tiền hay vào bất cứ tiêu chuẩn nào khác mà theo đó tư cách thành viên của giai cấp được quyết định. So các ct. 12 và 13 ở chương 7, và văn bản. Về mang vũ khí, xem cả Laws, 753b.
34 So Republic, 460c. (Xem cả ct. 31 ở ch. này). Về kiến nghị của Plato về tội giết trẻ con, xem Adam, op. cit., vol. I, p. 299, ct. cho 460c18, và p. 357 ff. Dù cho Adam nhấn mạnh đúng là Plato ủng hộ việc giết trẻ con, và mặc dù ông loại bỏ như ‘không thích đáng’ mọi nỗ lực ‘để tha trắng Plato về thừa nhận’ một thói quen kinh khiếp như vậy, ông cố bào chữa cho Plato bằng chỉ ra rằng ‘thói quen đó đã thịnh hành rộng rãi ở Hy Lạp cổ’. Nhưng đã không thế ở Athens. Plato chọn từ đầu đến cuối để chuộng chủ nghĩa dã man và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Spartan hơn sự khai sáng của Athens của Pericles; và vì sự lựa chọn này ông phải chịu trách nhiệm. Về một giả thuyết giải thích tập quán Spartan, xem ct. 7 ở ch. 10 (và văn bản); xem cả các dẫn chiếu chéo ở đó.
Các trích dẫn muộn hơn trong đoạn văn này ủng hộ áp dụng các nguyên lí phối giống thú vật cho con người là từ Republic, 459b (so ct. 39 ở ch. 8, và văn bản); các trích dẫn về sự tương tự giữa chó và chiến binh, v.v., từ Republic, 404a; 375a; 376a/b; và 376b. Xem cả ct. 40 (2) ở ch. 5, và chú thích tiếp theo.
35 Hai trích dẫn ở trước số chú thích cả hai là từ Republic, 375b. Trích dẫn tiếp theo là từ 416a (so ct. 28 ở chương này); các ct. còn lại là từ 375e. Vấn đề pha trộn các ‘bản chất’ đối lập (hay thậm chí các Hình thức; so các ct. 18-20 và 40 (2) ở ch. 5, và văn bản và ct. 39 ở ch. 8) là một trong các chủ đề ưa thích của Plato. (Trong Statesman, 283e, f., và muộn hơn trong Aristotle, nó hợp nhất thành học thuyết về trung dung).
36 Các trích dẫn là từ Republic, 410c; 410d; 410e; 411e/412a và 412b.
37 Trong Laws (680b ff.) bản thân Plato đề cập đến Crete với một chút mỉa mai bởi vì sự dốt nát man rợ của nó về văn học. Sự ngu dốt này mở rộng thậm chí ra cả Homer, người mà người đối thoại Cretan không biết, và về ông ta ông nói: ‘những người Cretan rất ít đọc các nhà thơ ngoại quốc’. (‘Nhưng họ được đọc ở Sparta’, người đối thoại Cretan đáp lại). Về sự ưa chuộng các tập quán Spartan của Plato, xem cả ct. 34 ở ch. 6, và văn bản cho ct. 30 ở chương này.
38 Về quan điểm của Plato về sự đối xử của Sparta với gia súc người, xem ct. 29 ở ch. này, Republic, 548e/549a, nơi người theo chính thể hào hiệp (timocratic) được so sánh với Glaucon anh của Plato: ‘anh ta cứng cáp hơn’ (Glaucon) ‘và ít giỏi nhạc hơn’; tiếp tục của đoạn này được trích ở văn bản cho ct. 29. – Thucydides tường thuật (IV, 80) sự tàn sát xảo trá 2.000 nô lệ, các nô lệ giỏi nhất trong các nô lệ được chọn để giết bởi một lời hứa tự do. Hầu như chắc chắn là Plato biết kĩ Thucydides, và chúng ta có thể chắc chắn rằng ông đã có thêm nhiều nguồn thông tin trực tiếp hơn.
Về các quan điểm của Plato về sự đối xử buông lỏng với các nô lệ của Athens, xem ct. 18 ở chương này.
39 Cân nhắc xu hướng kiên quyết chống-Athens và vì thế chống tự do của Republic, không khó mấy để giải thích vì sao nhiều nhà giáo dục đến như vậy lại nhiệt tình đến thế với các lí thuyết giáo dục của Plato. Tôi chỉ có thể thấy ba giải thích khả dĩ. Hoặc họ không hiểu Republic, bất chấp sự thù địch thẳng thừng nhất của nó với sự giáo dục văn học khi đó ở Athens; hoặc họ đơn giản được tâng bốc bởi sự nhấn mạnh khoa trương về quyền năng chính trị của giáo dục, hệt như rất nhiều triết gia, và thậm chí một số nhạc sĩ, được tâng bốc (xem văn bản cho ct. 41); hoặc cả hai.
Cũng khó để thấy những người yêu nghệ thuật và văn học Hy Lạp có thể thấy niềm cổ vũ ở Plato, người, đặc biệt ở Quyển thứ Mười của Republic, đã phát động một cuộc tấn công dữ dội nhất chống mọi nhà thơ và các diễn viên bi kịch, và đặc biệt chống lại Homer (và thậm chí Hesiod). Xem Republic, 600a, nơi Homer bị đặt dưới mức của một kĩ thuật viên hay một thợ cơ khí giỏi (người bị Plato khinh miệt là máy móc và sa đoạ; so Rep., 495e và 590c, và ct. 4 ở ch. 11); Republic, 600c, nơi Homer bị đặt xuống dưới mức của các Sophist Protagoras và Prodicus (xem cả Gomperz, Greek Thinkers, Gernam ed., II, 401); và Republic, 605a/b, nơi các nhà thơ thẳng thừng bị cấm bước vào bất cứ thành phố được cai quản tốt nào.
Các biểu lộ rõ ràng này về thái độ của Plato, tuy vậy, thường bị các nhà bình chú lơ đi, những người, mặc khác, lại chăm chú vào các nhận xét giống như nhận xét mà Plato đưa ra khi chuẩn bị tấn công Homer (‘.. dù cho lòng yêu và sự ngưỡng mộ Homer hầu như không cho phép tôi nói cái tôi phải nói’; Rep., 595b). Adam bình luận về điều này (ct. cho 595b11) bằng cách nói là ‘Plato nói với cảm nhận thật’; song tôi nghĩ là nhận xét của Plato chỉ minh hoạ một phương pháp được chấp nhận khá phổ biến ở Republic, cụ thể là, đưa ra nhân nhượng nào đó cho tình cảm của người đọc (so ch. 10, đặc biệt văn bản cho ct. 65) trước khi khởi động cuộc tấn công chính vào các tư tưởng nhân đạo.
40 Về kiểm duyệt khắt khe nhắm tới kỉ luật giai cấp, xem Republic, 377e, ff., và đặc biệt 378c: ‘Những người bảo vệ thành phố chúng ta phải coi việc dễ cãi nhau như tội nguy hại nhất’. Lí thú là Plato không tuyên bố nguyên lí chính trị này ngay lập tức, khi giới thiệu lí thuyết của ông về kiểm duyệt ở 376e, ff., mà đầu tiên ông nói chỉ về sự thật, cái đẹp, v.v. Kiểm duyệt được siết chặt thêm ở 595a, ff., đặc biệt 605a/b (xem ct. trước, và các ct. 18-22 ở ch. 7, và văn bản). Về vai trò kiểm duyệt trong Laws, xem 801c/d. Xem cả chú thích tiếp.
Về việc Plato hay quên nguyên lí của mình (Rep., 410c-412b, xem ct. 36 ở ch. này) rằng nhạc phải tăng cường yếu tố hoà nhã ở con người đối lập với dữ tợn, xem đặc biệt 399a, f., nơi điệu nhạc cần phải không làm mền yếu con người, mà phải ‘hợp với những người chiến binh’. So cả ct. tiếp, (2). - Phải làm rõ là Plato đã không ‘quên’ một nguyên lí được công bố trước, mà chỉ quên nguyên lí mà thảo luận của ông sắp hướng đến.
41 (1) Về thái độ của Plato với âm nhạc, đặc biệt âm nhạc đích thực, xem, thí dụ, Republic, 397b, ff.; 398e, ff.; 400a, ff.; 410b, 424b, f., 546d. Laws, 657e, ff., 673a, 700b, ff., 798d, ff., 801d, ff., 802b, ff., 816c. Thái độ của ông, cơ bản, là phải ‘cẩn thận với sự thay đổi mốt nhạc; điều này gây nguy hiểm cho mọi thứ’ vì ‘bất cứ thay đổi nào về phong cách âm nhạc luôn dẫn đến một sự thay đổi trong các thể chế quan trọng nhất của toàn quốc gia. Damon nói vậy, và tôi tin ông’. (Rep., 424c). Plato, như thường lệ, theo tấm gương Spartan. Adam (op. cit., vol. I, p. 216, ct. cho 424c20; tôi nhấn mạnh; so cả các dẫn chiếu của ông) nói rằng ‘mối quan hệ giữa những thay đổi âm nhạc và chính trị .. được nhận ra ở khắp Hy Lạp, và đặc biệt ở Sparta, nơi .. cây đàn lyre của Timotheus đã bị tịch thu vì đã gắn thêm bốn dây đàn mới’. Rằng thủ tục của Sparta đã ảnh hưởng đến Plato là không thể nghi ngờ; sự thừa nhận phổ biến của nó ở khắp Hy Lạp, và đặc biệt ở Athens của Pericles, là hầu như không chắc. (So (2) của ct. này).
(2) Trong văn bản tôi đã gọi thái độ của Plato với âm nhạc (so đặc biệt Rep., 389e, ff.) là mê tín và lạc hậu nếu so sánh với ‘phê phán đương thời được khai sáng hơn’. Phê phán mà tôi nghĩ tới là của một tác giả ẩn danh, có lẽ một nhạc sĩ của thế kỉ thứ năm (hay đầu thế kỉ thứ tư), tác giả của một diễn văn (có lẽ một bài diễn văn Olympian) mà bây giờ được biết đến như bài thứ mười ba của Grenfell và Hunt, The Hibeh Payri, 1906, pp. 45 ff. Dường như có thể người viết là một trong ‘các nhạc sĩ khác nhau những người phê phán Socrates’ (tức là ‘Socrates’ của Republic của Plato), được Aristotle nhắc đến (ở một đoạn cũng mê tín ngang thế của Politics của ông, 1342b, nơi lặp lại hầu hết lí lẽ của Plato); nhưng phê phán của tác giả ẩn danh đi xa hơn biểu lộ của Aristotle nhiều . Plato (và Aristotle) tin là các điệu nhạc nào đó, thí dụ, các điệu Ionian và Lydian ‘mềm yếu’, làm cho con người mềm yếu và ẻo lả, trong khi các điệu khác, đặc biệt điệu Dorian, làm cho họ can đảm. Quan điểm này bị tác giả ẩn danh tấn công. ‘Họ nói’, ông viết, ‘là các điệu nào đó tạo ra người ôn hoà và các điệu khác người đúng đắn; các điệu khác lại (tạo ra) các anh hùng, và các điệu khác những kẻ nhút nhát’. Ông phơi bày tài tình sự ngớ ngẩn của cách nhìn này bằng cách chỉ ra là một vài trong số các bộ lạc Hy Lạp hiếu chiến nhất dùng các điệu nổi tiếng để tạo ra những kẻ nhút nhát, trong khi các ca sĩ chuyên nghiệp (opera) nào đó thường hát theo điệu ‘hùng tráng’ mà không hề có dấu hiệu trở thành anh hùng. Phê phán này có thể được nhắm chống nhạc sĩ Damon xứ Athens, thường xuyên được Plato trích dẫn như một người có thẩm quyền, một bạn của Pericles (người đủ rộng rãi để khoan dung thái độ ủng hộ Sparta trong lĩnh vực phê bình nghệ thuật). Nhưng nó có thể dễ dàng được nhắm chống bản thân Plato. Về Damon, xem Diels5; về một giả thuyết về tác giả ẩn danh, xem ibid., vol. II, p. 334, chú thích.
(3) Xét sự thực rằng tôi tấn công thái độ ‘phản động’ đối với âm nhạc, có lẽ tôi có thể lưu ý rằng sự tấn công của tôi không hề được gây cảm hứng bởi sự đồng cảm cá nhân với ‘sự tiến bộ’ về âm nhạc. Thực ra, tôi tình cờ thích nhạc cổ (càng cổ càng hay) và rất không thích nhạc hiện đại (đặc biệt hầu hết các tác phẩm được viết ra kể từ ngày Wagner bắt đầu viết nhạc). Tôi hoàn toàn chống ‘thuyết vị lai’, bất luận trong lĩnh vực nghệ thuật hay đạo đức (so ch. 22, và ct. 19 ở ch. 25). Nhưng tôi cũng chống áp đặt cái thích và không thích của một người lên người khác, và chống kiểm duyệt trong các vấn đề như vậy. Chúng ta có thể yêu và không thích, đặc biệt trong nghệ thuật, mà không ủng hộ các biện pháp pháp lí để cấm cái ta không thích, hay để phong thánh cái ta yêu.
42 So Republic, 537a; và 466e-467e. Sự mô tả đặc điểm của chủ nghĩa toàn trị hiện đại là do A. Kolnai, The War against the West (1938), p. 318.
43 Lí thuyết đáng chú ý của Plato rằng nhà nước, tức là quyền lực chính trị tập trung và được tổ chức, bắt nguồn thông qua sự xâm chiếm (dân du cư hay người đi săn chinh phục dân cư nông nghiệp tĩnh tại), trong chừng mực tôi biết, đã được Hume đầu tiên tái-khám phá (nếu ta trừ hao vài nhận xét bởi Machiavelli) trong phê phán của ông đối với phiên bản lịch sử của lí thuyết khế ước (so tác phẩm của ông Essays, Moral, Political, and Literacy, vol. II, 1752, Essay XII, Of the Original Contract): -‘Hầu như mọi chính thể’, Hume viết, ‘tồn tại hiện nay, hoặc còn bất cứ tư liệu tường thuật nào, khởi đầu đều được thành lập, hoặc trên sự chiếm quyền hay xâm chiếm, hay cả hai ..’ Và ông chỉ ra rằng đối với ‘một người tinh ranh và táo bạo .., thường dễ .., bằng đôi khi dùng bạo lực, đôi khi dùng cớ giả, để thiết lập sự thống trị của mình đối với dân chúng đông gấp trăm lần những người theo ông ta. .. Bằng các mưu kế như thế này, nhiều chính thể đã được thiết lập; và đây là toàn bộ khế ước gốc, mà họ lấy làm kiêu hãnh’. Lí thuyết được tái sinh tiếp bởi Renan, trong What is a Nation? (1882), và bởi Nietzsche trong Genealogy of Morals (1887) của ông; xem ấn bản tiếng Đức lần ba năm 1894, p. 98. Người sau viết về nguồn gốc của ‘nhà nước’ (mà không có dẫn chiếu đến Hume): ‘Một vài bầy súc vật tóc hoe, một chủng tộc chủ nhân chinh phục với một tổ chức thiện chiến .. đặt bàn chân gây khiếp sợ của họ đè nặng lên dân cư mà có lẽ cao hơn rất nhiều về số lượng. ..Đây là cách theo đó “nhà nước” bắt đầu trên trái đất; tôi nghĩ là tính đa cảm, cái khiến nó bắt đầu với một “khế ước”, đã chết’. Lí thuyết này hấp dẫn Nietzsche vì ông thích các con thú tóc hoe. Song nó cũng được đề nghị mới gần đây bởi F. Oppenheimer (The State, transl. Gitterman, 1914, p. 68); bởi một nhà Marxist, K. Kautsky (cuốn The Materialist Interpretation of History); và bởi W. C. Macleod (The Origin and History of Politics, 1931). Tôi nghĩ rất có thể là loại gì đó được Plato, Hume, và Nietzsche mô tả đã xảy ra trong nhiều, nếu không phải tất cả các, trường hợp. Tôi chỉ nói về ‘các quốc gia’ theo nghĩa quyền lực chính trị được tổ chức và thậm chí được tập trung.
Có thể nói Toynbee có một lí thuyết rất khác. Song trước khi thảo luận nó, đầu tiên tôi muốn làm rõ, từ quan điểm chống-lịch sử chủ nghĩa, vấn đề không có tầm quan trọng lớn. Có lẽ lí thú để xem ‘các quốc gia’ bắt nguồn ra sao, song nó không liên quan đến xã hội học về nhà nước, như tôi hiểu, tức là công nghệ chính trị (xem các ch. 3, 9, và 25).
Lí thuyết của Toynbee không tự giới hạn ở ‘các quốc gia’ theo nghĩa quyền lực chính trị được tổ chức và tập trung. Đúng hơn, ông thảo luận ‘nguồn gốc các nền văn minh’. Song khó khăn bắt đầu ở đây; vì một vài ‘nền văn minh’ của ông là các quốc gia (như được mô tả ở đây), một vài là các nhóm hay các chuỗi các quốc gia; và một số là các xã hội giống như của người Eskimo, không là các quốc gia; và nếu đáng ngờ liệu ‘nhà nước’ bắt nguồn theo một sơ đồ duy nhất, thì càng đáng ngờ hơn khi ta xem xét lớp các hiện tượng xã hội đa dạng như các quốc gia Ai cập và Mesopotamian (Lưỡng Hà) ban đầu và các thể chế và kĩ thuật của họ ở một bên, và cách sống Eskimo ở bên kia.
Nhưng ta có thể tập trung vào mô tả của Toynbee (A Study of History, vol. I, pp. 305 ff.) về nguồn gốc của ‘các nền văn minh’ Ai Cập và Lưỡng Hà. Lí thuyết của ông rằng sự thách thức của một môi trường hỗn độn khó khăn khêu ra một phản ứng từ các nhà lãnh đạo mưu trí và mạnh dạn; họ dẫn những người theo họ đến các thung lũng mà họ bắt đầu trồng cấy, và lập ra các quốc gia. Lí thuyết (Hegelian và Bergsonian) này về thiên tài sáng tạo với tư cách là một lãnh tụ văn hoá và chính trị tỏ ra với tôi là lãng mạn nhất. Nếu xét Ai Cập, thì trước tiên ta phải để ý đến nguồn gốc của hệ thống đẳng cấp. Đây, tôi tin, có khả năng nhất là kết quả của các cuộc xâm chiếm, hệt như ở Ấn Độ nơi mỗi làn sóng của các kẻ xâm chiếm lại áp đặt một đẳng cấp mới lên các đẳng cấp cũ. Song có các lí lẽ khác. Bản thân Toynbee ưa thích một lí thuyết có lẽ đúng, cụ thể là, chăn nuôi thú và đặc biệt dạy thú là một giai đoạn phát triển muộn hơn, và tiên tiến hơn và khó hơn nông nghiệp thuần tuý, và rằng bước tiên tiến này được dân du cư của thảo nguyên tiến hành. Nhưng ở Ai Cập ta thấy cả nông nghiệp và chăn nuôi thú, và cũng đúng thế ở hầu hết các ‘quốc gia’ ban đầu (dù cho không đối với tất cả các quốc gia Mĩ, tôi hiểu). Điều này có vẻ là một dấu hiệu rằng các quốc gia này chứa một yếu tố du cư; và có vẻ thật tự nhiên để mạo muội đưa ra giả thuyết là yếu tố này là do những kẻ xâm chiếm du cư áp đặt sự cai trị của họ, một sự cai trị đẳng cấp, lên dân cư nông nghiệp ban đầu. Lí thuyết này bất đồng với luận điểm của Toynbee (op. cit., III, 23 f.) rằng các quốc gia do dân du cư xây dựng thường tàn lụi rất nhanh. Song sự thực là nhiều quốc gia đẳng cấp ban đầu tham gia chăn nuôi thú phải được giải thích bằng cách nào đó.
Ý tưởng về dân du cư hay những kẻ săn thú tạo nên giai cấp trên được chứng thực bởi truyền thống giai cấp trên lâu đời và vẫn tồn tại, theo đó chiến tranh, săn bắn, và ngựa là biểu tượng của giai cấp nhàn hạ; truyền thống tạo thành cơ sở của đạo đức và chính trị của Aristotle, và vẫn còn tồn tại, như Veblen (The Theory of the Leisure Class) và Toynbee chứng tỏ; và đặc biệt về tính ưu việt chủng tộc của giai cấp trên. Niềm tin sau rất dễ thấy ở các nhà nước đẳng cấp và ở Plato và ở Aristotle được Toynbee cho là ‘một trong .. các tội lỗi của .. thời hiện đại của chúng ta’ và ‘là cái gì đó xa lạ với thiên tài Hy Lạp’ (Op. cit., III, 93). Song dù cho nhiều người Hy Lạp có thể đã phát triển xa hơn chủ nghĩa chủng tộc, có vẻ chắc là các lí thuyết của Plato và Aristotle dựa trên các truyền thống cổ, đặc biệt xét đến việc các ý tưởng chủng tộc đóng vai trò như vậy ở Sparta.
44 So Laws, 694a-698a.
45 (1) Decline of the West của Spangler theo tôi không được coi là nghiêm túc. Song nó là một triệu chứng; là một lí thuyết về một người tin vào một giai cấp trên đối mặt sự thất bại. Giống Plato, Spengler cố chứng tỏ rằng phải khiển trách ‘thế giới’, vì qui luật chung của nó về suy tàn và diệt vong. Và giống Plato, ông đòi (ở cuốn tiếp theo của ông, Prussianism and Socialism) một trật tự mới, một cuộc thử nghiệm tuyệt vọng để ngăn các lực lượng lịch sử, sự tái sinh giai cấp cai trị Phổ bởi sự chấp nhận ‘chủ nghĩa xã hội’ hay chủ nghĩa cộng sản, và sự tiết chế kinh tế - Về Spangler, tôi phần lớn đồng ý với L. Nelson, công bố phê phán của mình dưới tiêu đề mỉa mai dài mà bắt đầu của nó có thể được dịch là: ‘Yêu thuật: Một sự Khai tâm vào các Bí mật về Ngệ thuật Bói Toán của Oswald Spengler, và một Chứng minh Rõ rệt Nhất của Chân lí Không thể bác được về Lời Bói toán của Ông’, v.v. Tôi nghĩ, đây là một mô tả đặc tính đúng về Spangler. Nelson, tôi có thể nói thêm, là một trong những người đầu tiên phản đối cái tôi coi là chủ nghĩa lịch sử (ông theo Kant ở đây trong phê phán Herder; so ch. 12, ct. 56).
(2) Nhận xét của tôi rằng nhận xét của Spengler không phải là Decline and Fall cuối cùng được hiểu đặc biệt như một ám chỉ đến Toynbee. Tác phẩm của Toynbee ưu việt hơn của Spangler đến mức tôi do dự để nhắc đến nó trong cùng ngữ cảnh; nhưng tính ưu việt chủ yếu là do sự phong phú về ý tưởng của Toynbee và kiến thức cao hơn của ông (cái tự biểu thị ở sự thực là ông không, như Spengler đồng thời xử lí mọi thứ trên đời). Nhưng mục tiêu và phương pháp khảo sát là tương tự. Nó có tính lịch sử chủ nghĩa dứt khoát nhất. (So phê phán Toynbee của tôi trong Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử, pp. 110 ff.) Và nó, về cơ bản, là Hegelian (mặc dù tôi không thấy là Toynbee biết việc này). ‘Tiêu chuẩn tăng trưởng của các nền văn minh’ của ông, là ‘sự tiến bộ đến tự quyết’ chứng tỏ đủ điều này; vì qui luật của Hegel về sự tiến bộ đến ‘tự-ý thức’ và đến ‘tự do’ có thể nhận ra quá dễ dàng. (Chủ nghĩa Hegel của Toynbee có vẻ đến bằng cách nào đó qua Bradley, như có thể thấy, thí dụ, từ các nhận xét của ông về các mối quan hệ, op. cit., III, 223: ‘Chính khái niệm về “các mối quan hệ” giữa “các sự vật” hay “con người” kéo theo’ một ‘mâu thuẫn logic … Mâu thuẫn này có thể được vượt qua ra sao?’ (Ở đây tôi không thể đi thảo luận vấn đề các quan hệ. Song tôi có thể tuyên bố một cách võ đoán là tất cả các vấn đề về quan hệ có thể được quy, bằng các phương pháp đơn giản nào đó của logic hiện đại, về các vấn đề về tài sản hay giai cấp; nói cách khác, những khó khăn triết học đặc biệt về các quan hệ không tồn tại. Phương pháp được nói đến là do N. Wiener và K. Kuratowski; xem Quine, A System of Logistic, 1934, pp. 16 ff.) Bây giờ tôi không tin là để phân loại một tác phẩm thuộc một trường phái nào đó là để bỏ qua nó; song trong trường hợp chủ nghĩa lịch sử Hegelian tôi nghĩ rằng như thế, vì các lí do sẽ được thảo luận trong tập hai của cuốn sách này.
Về chủ nghĩa lịch sử của Toynbee, tôi đặc biệt muốn làm rõ là tôi quả thực nghi ngờ rất nhiều liệu các nền văn minh sinh ra, phát triển, sụp đổ, và chết hay không. Tôi buộc phải nhấn mạnh điểm này vì bản thân tôi dùng vài từ mà Toynbee dùng, ở chừng mực tôi nói về ‘sự sụp đổ’ và về ‘làm ngưng’ các xã hội. Song tôi muốn làm rõ là từ ‘sự sụp đổ’ của tôi dẫn chiếu không đến mọi loại nền văn minh mà đến một loại hiện tượng đặc biệt - đến cảm giác hoang mang liên quan đến sự tan rã của ‘xã hội đóng’ thần diệu và bộ lạc. Do đó, tôi không tin, như Toynbee tin, rằng xã hội Hy Lạp chịu ‘sự sụp đổ của nó’ trong thời kì chiến tranh Peloponnesian; và tôi thấy các triệu chứng sụp đổ mà Toynbee mô tả sớm hơn nhiều. (So với ct. này các ct. 6 và 8 ở ch. 10, và văn bản). Về các xã hội ‘bị ngưng’, tôi dùng từ này chỉ riêng, hoặc cho một xã hội bám vào các dạng ma thuật của nó qua sự tự đóng mình lại, bằng vũ lực, chống lại ảnh hưởng của một xã hội mở, hoặc cho một xã hội cố quay lại cái cũi bộ lạc.
Tôi cũng không nghĩ là nền văn minh Phương Tây của chúng ta chỉ là một thành viên của một loài. Tôi nghĩ có nhiều xã hội đóng có thể chịu đủ loại số phận; nhưng một ‘xã hội mở’ có thể, tôi cho rằng, chỉ có thể đi tiếp, hay bị ngưng và buộc quay lại vào cái cũi, tức là thành thú vật. (So cả ch. 10, đặc biệt ct. cuối cùng).
(3) Về các chuyện Suy tàn và Sụp đổ, có thể nói là gần như tất cả đều bị ảnh hưởng bởi nhận xét của Heraclitus: ‘Họ nhồi bụng họ như các con thú’, và bởi lí thuyết của Plato về bản năng thú vật cấp thấp. Ý tôi muốn nói, họ đều cố chứng tỏ sự suy tàn là do (giai cấp cai trị) chấp nhận các tiêu chuẩn thấp được coi là tự nhiên với giai cấp lao động. Nói cách khác, và nêu vấn đề một cách thô tục song thẳng thừng, lí thuyết là các nền văn minh, như đế chế Ba Tư và Roman, suy tàn do ăn quá mức. (So ct. 19 ở ch. 10).
 
(*): Tập 1 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
 
Người dịch: Nguyễn Quang A
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570849

Hôm nay

23

Hôm qua

2298

Tuần này

2598

Tháng này

229373

Tháng qua

129483

Tất cả

114570849