Ngày 3.9.1945, Ngày Đầu Tiên của Nhà nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban bố Văn kiện lịch sử: Những nhiệm vụ cấp bách (NNVCB) của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đọc lại bản văn kiện bất hủ ấy, chúng ta thấy có những điều rất mới mà sự suy ngẫm của mối liên hệ giữa hôm nay và hôm qua, giữa lịch sử và thực tiễn đương đại thật đáng để mỗi người dân Việt Nam tâm niệm, tự hào...
Trong Văn kiện thứ nhất của ngày đầu tiên, Hồ Chủ tịch nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước mới gồm: Giải quyết nạn đói; giải quyết nạn dốt; TỔNG TUYỂN CỬ; giáo dục lại nhân dân chúng ta (tác giả nhấn mạnh - TVH); CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH; bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò “là một lối bóc lột vô nhân đạo” (HCM TT, T 4, nxb Chính trị Quốc gia, H, 2002, tr.9); TÍN NGƯỠNG TỰ DO (11 chữ in hoa trong nguyên bản, sic) và Lương Giáo đoàn kết.
Sáu nhiệm vụ cấp bách trên đây cho đến nay vẫn còn những điều vẹn nguyên tính cấp bách, đó là việc giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần kiệm liêm chính và tín ngưỡng tự do để có đoàn kết toàn dân.
1. Giáo dục lại về tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống, nhận thức cho toàn Đảng, toàn Dân có lẽ là điều có ý nghĩa sống còn trong thời điểm hiện tại. Trước kia, do chế độ thực dân phong kiến làm tha hóa con người, vì thế Hồ Chủ tịch kêu gọi việc giáo dục lại. Ngày nay, chúng ta chưa thể lường hết được hậu quả của 30 năm chiến tranh đã bào mòn các giá trị văn hóa, thay đổi các quan niệm sống đến mức nào. Có thể ví nền kinh tế, xã hội, văn hóa nước nhà tả tơi sau chiến tranh lại bị những khó khăn của thời kỳ bao cấp làm vụn vỡ, rồi tiếp đó, bị nền kinh tế thị trường chưa hề được thích nghi xô ngã vào các bi kịch và những thách thức khủng khiếp. Sự xuống cấp của giáo dục, nạn tham nhũng tràn lan, các hành vi ứng xử tồi tệ..., suy cho đến cùng là xã hội bị sự giả - chân lẫn lộn, làm mập mờ mọi ranh giới, làm hư hỏng các chuẩn mực cần thiết. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ tịch đã coi việc giáo dục lại là một trong những nhiệm vụ cấp bách của đất nước - cụ thể là của toàn Đảng, toàn Dân.
2. Nhiệm vụ cấp bách thứ sáu mà Bác Hồ để cuối cùng nhưng trên thực tế lại là điều rất quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, lâu dài. Vì lẽ này nên trong tổng số 11 chữ in hoa trong toàn bài, vấn đề thứ sáu có 4 chữ: TÍN NGƯỠNG TỰ DO.
Quyền tự do tín ngưỡng - hiểu theo nghĩa giản dị nhất là được giữ vững Đức Tin theo cách riêng và quan niệm của mỗi người. Đức tin ở đây cụ thể là đức tin tôn giáo nhưng cần phải hiểu rộng ra rằng đức tin tôn giáo là điều khó hòa hợp nhất, khó đạt đến nhất của phạm trù Tự Do. Bởi lẽ, trong xã hội loài người, sự khác biệt về đức tin là khác biệt khó dung hòa nhất vì nó bao hàm tất cả mức độ lớn rộng nhất của tự do trong tình cảm và lý trí. Chẳng hạn, tư tưởng chỉ bàn riêng về cái lẽ đúng sai của trí tuệ, còn đức tin thì bao gồm cả cái lẽ tha thiết của trái tim. Không một nhà nước nào cũng như không một chế độ xã hội nào có thể diễn đạt mâu thuẫn trong sự tương đồng của trái tim và khối óc như các tôn giáo đã làm được. Nói một cách khác, nếu đạt đến tín ngưỡng tự do có nghĩa là tất cả những vấn đề về tự do khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp... đều đã được giải quyết rốt ráo, toàn diện. Có thể vì hàm nghĩa sâu sắc này mà Hồ Chủ tịch đã đặc biệt nhấn mạnh cụm từ tín ngưỡng tự do.
Tất nhiên, hơn bất kỳ một vị lãnh tụ nào, Hồ Chủ tịch biết rất rõ trong một quốc gia mà người dân vừa đa tôn giáo vừa không theo tôn giáo nào thì sự khác biệt, thiếu đoàn kết là một vấn đề lớn (cấp bách). Nếu không nhìn thấy sự cấp bách đó của thực tại xã hội thì không thể nào tập hợp được lực lượng, không thể nào xây dựng được khối đoàn kết dân tộc vững mạnh, lâu bền.
66 năm đã trôi qua kể từ khi NNVCB được phổ biến cho toàn Đảng, toàn Dân biết, rất nhiều người đã đọc, rất nhiều diễn đàn, giảng đường đã bàn luận, phân tích, nhưng, có lẽ vẫn còn một điều không kém phần thuyết phục rằng: Cho đến tận bây giờ mỗi chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết về Hồ Chí Minh. Thật nhiều câu hỏi buộc chúng ta phải trăn trở mãi hoài: Tại sao ngay trong ngày đầu tiên của chính quyền mới, Bác Hồ đã nhấn mạnh đến cần kiệm liêm chính bằng những chữ in hoa? Phải chăng Người đã tiên liệu được rằng nạn tham nhũng, thiếu liêm, khuyết chính là người “bạn” đồng hành của mọi chính quyền, trong đó chính quyền thiếu kinh nghiệm nhất luôn làm phát sinh ra nhiều hệ lụy nhất? Tại sao tín ngưỡng tự do cũng được đặc biệt nhấn mạnh trong khi về ý nghĩa trước mắt nó là điều cấp bách cuối cùng? Phải chăng Bác Hồ đã tiên liệu rằng quyền tự do nói chung, tự do tín ngưỡng nói riêng luôn là vấn đề gây nên những hiểu lầm, xung đột mà bất cứ người lãnh đạo có trách nhiệm nào cũng phải tính đến một cách đủ đầy? Giá trị của sự mặc định này còn lớn hơn nữa khi chúng ta đồng ý rằng tự do tín ngưỡng là điều khó nhất trong mọi sự khó khăn trong xã hội loài người. Giải quyết được nan đề ấy tức là giải quyết được mọi nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có trong xã hội. Bên cạnh đó, phải chăng Bác Hồ cũng ngầm định sự nhắn nhủ rằng chừng nào chưa hiểu rõ 4 chữ vàng ấy thì chừng đó, khối đoàn kết dân tộc vẫn chưa thể xây dựng được vững chắc?
Đất nước Việt Nam đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức từ sự trắc trở của nền kinh tế, từ những sóng ngầm, sóng dữ của lòng tham và sự thiển cận ở Biển Đông, từ vấn nạn tham nhũng, lộng hành trong một bộ phận cán bộ, công chức... Đây chính là lúc mà toàn Đảng toàn Dân phải đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết để “đưa con thuyền cách mạng vượt qua những thác ghềnh hiểm nguy để lướt tới” (Hồ Chủ tịch). Muốn thực hiện tốt những lời căn dặn thiêng liêng của Người, mỗi chúng ta cần phải hiểu thấu đáo hơn nữa tính cấp bách của những vấn đề chưa hề cũ bao giờ. Cần kiệm liêm chính và tự do cho một xã hội phát triển hài hòa, ổn định là nguyên tắc của mọi nguyên tắc, là rường cột của sự thống nhất, là sức mạnh của truyền thống và lịch sử của toàn thể dân tộc Việt Nam!