WALTER LIPPMANN.
CHƯƠNG 13: QUYẾT ĐỊNH LUẬN XÃ HỘI HỌC CỦA MARX
Chiến lược của sự nổi loạn chống tự do đã luôn ‘lợi dụng tình cảm, không phí năng lực trong các nỗ lực vô ích đi phá huỷ chúng’1. Các tư tưởng yêu dấu nhất của các nhà nhân đạo chủ nghĩa thường được các kẻ thù chí tử của chúng hoan nghênh nhiệt liệt, những kẻ bằng cách này thâm nhập vào phe nhân đạo dưới chiêu bài đồng minh, gây ra sự chia rẽ và sự lẫn lộn hoàn toàn. Chiến lược này thường rất thành công, như được chứng tỏ bởi sự thực rằng nhiều người theo chủ nghĩa nhân đạo chân thật vẫn sùng kính ý tưởng của Plato về ‘công lí’, ý tưởng trung cổ về chủ nghĩa độc đoán ‘Cơ đốc’, ý tưởng của Rousseau về ‘ý chí chung’, hay các ý tưởng của Fichte và Hegel về ‘quyền tự do dân tộc’2. Song phương pháp này để thâm nhập, chia rẽ và gây lẫn lộn phe nhân đạo và dựng lên một đội quân thứ năm [gián điệp] trí thức phần nhiều không chủ tâm và vì thế hữu hiệu gấp đôi, đã đạt thành công lớn nhất chỉ sau khi chủ nghĩa Hegel đã tự thiết lập với tư cách là cơ sở của một phong trào nhân đạo thực sự: của chủ nghĩa Marx, cho đến nay là dạng thuần khiết nhất, được phát triển nhất và nguy hiểm nhất của chủ nghĩa lịch sử.
Cám dỗ để chăm chú vào sự giống nhau giữa chủ nghĩa Marx, cánh tả Hegelian, và cánh hữu phát xít tương ứng của nó. Nhưng sẽ hoàn toàn bất công để bỏ qua sự khác biệt giữa chúng. Mặc dù nguồn gốc trí tuệ của chúng là gần như đồng nhất, không thể nghi ngờ về sự thôi thúc nhân đạo chủ nghĩa của chủ nghĩa Marx. Hơn nữa, trái với các Hegelian cánh hữu, Marx đã có một cố gắng chân thực để áp dụng các phương pháp duy lí cho các vấn đề cấp bách nhất của đời sống xã hội. Giá trị của nỗ lực này không bị suy suyển bởi sự thực là phần lớn nó đã không thành công, như tôi sẽ thử chứng tỏ. Khoa học tiến bộ qua thử và sai. Marx đã thử, và tuy ông đã sai trong các học thuyết chính của mình, ông đã không thử một cách vô ích. Ông đã mở và làm tinh mắt của chúng ta theo nhiều cách. Một sự quay trở lại khoa học xã hội tiền-Marxian là không thể tưởng tượng nổi. Tất cả các tác giả hiện đại đều đội ơn Marx, cho dù họ không biết điều đó. Điều này đặc biệt đúng với những người không đồng ý với các học thuyết của ông, như tôi; và tôi sẵn sàng thừa nhận rằng sự bàn luận của tôi, thí dụ về Plato3 và Hegel, mang dấu ấn ảnh hưởng của ông.
Ta không thể đánh giá đúng Marx mà không công nhận sự chân thật của ông. Đầu óc rộng mở của ông, ý thức về sự thực của ông, sự không tin của ông với lối nói ba hoa, và đặc biệt với lối nói ba hoa luận về luân lí, biến ông thành một trong các chiến sĩ có ảnh hưởng nhất của thế giới chống lại thói đạo đức giả và tính giả dối. Ông có ước mơ cháy bỏng để giúp người bị áp bức, và hoàn toàn có ý thức về nhu cầu để chứng minh mình bằng hành động, và không chỉ bằng lời. Tài năng chính của ông là tài lí luận, ông đã dành công sức to lớn để rèn cái ông tin là vũ khí khoa học cho cuộc đấu tranh để cải thiện số phận của tuyệt đại đa số người. Tính chân thật của ông trong truy tìm chân lí và sự trung thực trí tuệ của ông phân biệt ông, tôi tin, với nhiều môn đồ của ông (mặc dù đáng tiếc ông không hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng đồi bại của một nền giáo dục trong bầu không khí của phép biện chứng Hegelian, được Schopenhauer mô tả như ‘huỷ hoại mọi trí tuệ’4). Mối quan tâm của Marx về khoa học xã hội và triết học xã hội cơ bản là một mối quan tâm thực tiễn. Ông thấy trong tri thức một phương tiện thúc đẩy tiến bộ của con người5.
Thế thì vì sao lại công kích Marx? Bất chấp các công trạng của ông, tôi tin, Marx là một nhà tiên tri sai lầm. Ông là một nhà tiên tri về diễn tiến của lịch sử, và các lời tiên tri của ông đã không thành sự thật; nhưng đây không phải là cáo buộc chính của tôi. Quan trọng hơn nhiều là ông đã làm cho rất nhiều người thông minh lầm lạc đi tin rằng tiên tri lịch sử là con đường khoa học để tiếp cận các vấn đề xã hội. Marx chịu trách nhiệm về ảnh hưởng tàn phá của phương pháp tư duy lịch sử chủ nghĩa trong hàng ngũ những người muốn thúc đẩy sự nghiệp của xã hội mở.
Song có đúng chủ nghĩa Marx là một loại thuần tuý của chủ nghĩa lịch sử? Không có các yếu tố nào đó của công nghệ xã hội trong chủ nghĩa Marx? Sự thực rằng nước Nga đang tiến hành các thí nghiệm táo bạo và thường thành công về kĩ thuật xã hội đã dẫn nhiều người suy ra rằng chủ nghĩa Marx, với tư cách là khoa học hay tín điều làm cơ sở cho thí nghiệm Nga, phải là một loại công nghệ xã hội, hay chí ít có ích cho nó. Nhưng không ai, người biết bất cứ gì về lịch sử của chủ nghĩa Marx, có thể mắc sai lầm này. Chủ nghĩa Marx là một lí thuyết lịch sử thuần tuý, một lí thuyết hướng tới tiên đoán diễn tiến tương lai của sự phát triển kinh tế và chính trị-quyền lực và đặc biệt của các cuộc cách mạng. Với tư cách như vậy, nó chắc chắn không cung cấp cơ sở cho chính sách của Đảng Cộng sản Nga sau khi nó lên nắm quyền. Vì Marx hầu như cấm mọi công nghệ xã hội, mà ông lên án là Không tưởng6, các học trò Nga của ông lúc đầu thấy mình hoàn toàn không được chuẩn bị cho các nhiệm vụ to lớn của họ trong lĩnh vực kĩ thuật xã hội. Như Lenin mau chóng nhận ra, chủ nghĩa Marx đã không thể giúp trong các vấn đề kinh tế học thực tiễn. ‘Tôi không biết bất cứ nhà xã hội chủ nghĩa nào đã giải quyết các vấn đề này’, Lenin nói7, sau khi ông lên nắm quyền; ‘các sách giáo khoa Bolshevik hay Menhsevik chẳng viết gì về những vấn đề như vậy’. Sau một thời kì thử nghiệm, cái gọi là ‘giai đoạn chủ nghĩa cộng sản thời chiến’, không thành công, Lenin quyết định chấp nhận các biện pháp thực ra có nghĩa là một sự quay trở lại hạn chế và tạm thời với hoạt động kinh doanh tư nhân. Cái gọi là Chính sách Kinh tế Mới (NEP) này và các thử nghiệm muộn hơn –các kế hoạch năm năm, v.v.- chẳng có liên quan gì đến các lí thuyết về ‘Chủ nghĩa Xã hội Khoa học’ được Marx và Engels đề xuất một thời. Cả tình hình đặc biệt mà Lenin đối mặt trước khi ông đưa NEP vào, lẫn các thành tựu của ông, không thể được đánh giá đúng mà không xem xét kĩ điểm này. Các nghiên cứu kinh tế mênh mông của Marx thậm chí không đụng chạm đến các vấn đề về một chính sách kinh tế mang tính xây dựng, thí dụ, lập kế hoạch kinh tế. Như Lenin thú nhận, hầu như chẳng có từ nào về kinh tế học của chủ nghĩa xã hội có thể tìm thấy trong công trình của Marx- ngoài các khẩu hiệu8 vô dụng như ‘làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’. Lí do là nghiên cứu kinh tế của Marx là hoàn toàn phụ đối với tiên tri lịch sử của ông. Nhưng thậm chí chúng ta phải nói nhiều hơn. Marx rất nhấn mạnh sự đối lập giữa phương pháp lịch sử chủ nghĩa thuần tuý của ông và bất cứ nỗ lực nào để tiến hành một phân tích kinh tế với ý định lập kế hoạch duy lí. Các nỗ lực như vậy bị lên án là Không tưởng, và là không chính đáng. Hệ quả là, các nhà Marxist thậm chí đã không nghiên cứu cái mà những người được gọi là ‘các nhà kinh tế tư sản’ đã đạt được trong lĩnh vực này. Do đào tạo họ thậm chí còn ít được chuẩn bị cho công việc mang tính xây dựng hơn bản thân một số ‘nhà kinh tế tư sản’.
Marx thấy sứ mạng đặc biệt của ông ở việc giải phóng chủ nghĩa xã hội khỏi nền tảng tình cảm, đạo đức, và hão huyền của nó. Chủ nghĩa xã hội phải được phát triển từ giai đoạn Không tưởng sang giai đoạn khoa học9; nó phải dựa vào phương pháp khoa học về phân tích nguyên nhân và kết quả, và vào tiên đoán khoa học. Và vì ông giả sử tiên đoán trong lĩnh vực xã hội là hệt như tiên tri lịch sử, chủ nghĩa xã hội khoa học phải dựa vào một nghiên cứu các nguyên nhân lịch sử và các kết quả lịch sử, và cuối cùng vào sự tiên tri về sự xuất hiện của chính nó.
Các nhà Marxist, khi thấy các lí thuyết của mình bị tấn công, thường rút lui về với lập trường rằng chủ nghĩa Marx trước hết không phải là một học thuyết mà là một phương pháp. Họ nói rằng cho dù một số phần cá biệt của các học thuyết của Marx, hay của một số môn đồ của ông, đã bị thay thế, [nhưng] phương pháp của ông vẫn không thể bị tấn công. Tôi tin là hoàn toàn đúng để nhấn mạnh rằng, về cơ bản, chủ nghĩa Marx là một phương pháp. Nhưng là sai đi tin rằng, với tư cách một phương pháp, nó phải an toàn khỏi các cuộc tấn công. Luận điểm, đơn giản, là dù ai muốn đánh giá chủ nghĩa Marx phải khảo sát nó và phê phán nó với tư cách một phương pháp, tức là, phải đo lường nó bằng các tiêu chuẩn phương pháp luận. Phải hỏi liệu nó là một phương pháp hiệu quả hay là một phương pháp tồi, tức là liệu nó có khả năng thúc đẩy nhiệm vụ của khoa học hay không. Các tiêu chuẩn theo đó chúng ta phải đánh giá phương pháp Marxist như thế là mang tính thực tiễn. Bằng mô tả chủ nghĩa Marx như chủ nghĩa lịch sử thuần tuý nhất, tôi đã biểu thị rằng tôi cho phương pháp Marxist quả thực là rất tồi10.
Bản thân Marx có thể đồng ý với một cách tiếp cận thực tiễn như vậy đối với sự phê phán phương pháp của ông, vì ông là một trong các triết gia đầu tiên đi phát triển các quan điểm muộn hơn được gọi là ‘chủ nghĩa thực dụng’. Ông đi đến lập trường này, tôi tin, bởi niềm tin chắc của ông rằng chính trị gia thực tiễn, tất nhiên ý nói chính trị gia xã hội chủ nghĩa, cần khẩn cấp một nền tảng khoa học. Khoa học, ông dạy, phải mang lại các kết quả thực tiễn. Luôn ngó đến các kết quả, các hệ quả thực tiễn của một lí thuyết! Chúng nói lên cái gì đó thậm chí về cấu trúc khoa học của nó. Một triết học hay khoa học không mang lại các kết quả thực tiễn chỉ diễn giải thế giới chúng ta sống; nhưng nó có thể và phải làm nhiều hơn; nó phải thay đổi thế giới. ‘Các triết gia’, Marx viết trong sự nghiệp ban đầu của ông, ‘đã chỉ diễn giải thế giới theo những cách khác nhau; quan trọng tuy vậy là đi thay đổi nó’. Có lẽ chính thái độ thực dụng này đã khiến ông thấy trước học thuyết phương pháp luận quan trọng của các nhà thực dụng chủ nghĩa muộn hơn cho rằng nhiệm vụ đặc trưng nhất của khoa học không phải là thu nhận kiến thức của các sự thực quá khứ, mà để tiên đoán tương lai.
Sự nhấn mạnh này về tiên đoán khoa học, bản thân nó là một phát kiến phương pháp luận quan trọng và tiến bộ, đáng tiếc đã khiến cho Marx lạc lối. Vì lí lẽ có vẻ hợp lí rằng khoa học có thể tiên đoán tương lai chỉ nếu tương lai được xác định trước- nếu, có thể nói như vậy, tương lai là hiện tại trong quá khứ, thu gọn lại trong nó – đã dẫn ông đến bám vào niềm tin sai rằng một phương pháp khoa học khắt khe phải dựa vào một quyết định luận cứng nhắc. ‘Các quy luật không lay chuyển được’ của tự nhiên và của diễn tiến lịch sử chứng tỏ rõ ảnh hưởng của bầu không khí Laplacean và ảnh hưởng của các nhà Duy vật Pháp. Song lòng tin rằng các từ ‘khoa học’ và ‘quyết định luận’, nếu không là đồng nghĩa, chí ít có quan hệ không thể tách rời, hiện nay có thể nói là một trong các điều mê tín của một thời vẫn chưa hoàn toàn trôi qua12. Vì tôi quan tâm chủ yếu đến các vấn đề phương pháp, tôi vui là, khi thảo luận khía cạnh phương pháp luận của nó, hoàn toàn không cần lao vào tranh cãi về vấn đề siêu hình của quyết định luận. Vì bất cứ gì có thể là kết quả của các tranh cãi siêu hình như vậy như, thí dụ, thái độ của lí thuyết Lượng tử về ‘ý chí tự do’, là một thứ, tôi phải nói, đã được giải quyết. Không loại quyết định luận nào, dù được phát biểu như nguyên lí về tính chất đều của tự nhiên hay như quy luật về quan hệ nhân quả phổ quát, còn có thể được coi là giả thiết cần thiết của phương pháp khoa học; vì vật lí học, khoa học tiên tiến nhất trong mọi khoa học, đã chứng tỏ không chỉ rằng nó có thể hoạt động mà không cần các giả thiết như vậy, mà cũng chứng tỏ rằng ở mức độ nào đó nó mâu thuẫn với chúng. Quyết định luận không là một điều kiện tiên quyết cần thiết của một khoa học có thể đưa ra các tiên đoán. Phương pháp khoa học, vì thế, không thể được viện ra để ủng hộ sự chấp nhận quyết định luận nghiêm ngặt. Khoa học có thể là khoa học nghiêm túc mà không có giả sử này. Marx, tất nhiên, không thể bị trách cứ vì giữ quan điểm trái ngược, vì các nhà khoa học giỏi nhất thời đó đều làm thế.
Phải lưu ý rằng không phải học thuyết trừu tượng, lí thuyết của quyết định luận là cái khiến cho Marx lạc đường, mà đúng hơn là ảnh hưởng thực tiễn của học thuyết này lên quan điểm của ông về phương pháp khoa học, lên cách nhìn của ông về các mục tiêu và khả năng của khoa học xã hội. Ý tưởng trừu tượng về ‘các nguyên nhân’, cái ‘quyết định’ các diễn tiến xã hội, là hoàn toàn vô hại chừng nào nó không dẫn đến chủ nghĩa lịch sử. Và quả thực, không có bất cứ lí do gì vì sao ý tưởng này phải khiến ta đi chấp nhận một thái độ lịch sử chủ nghĩa đối với các định chế xã hội, ngược lại kì lạ với thái độ công nghệ hiển nhiên được mọi người, và đặc biệt các nhà quyết định luận, chấp nhận, đối với máy cơ học hay điện. Không có lí do vì sao ta phải tin rằng, trong mọi khoa học, khoa học xã hội có khả năng thực hiện mơ ước lâu đời về khám phá ra tương lai nào sẽ đến với chúng ta. Lòng tin này vào bói toán khoa học không dựa riêng vào quyết định luận; cơ sở khác của nó là sự lẫn lộn giữa tiên đoán khoa học, như ta biết nó từ vật lí học hay thiên văn học, và tiên tri lịch sử tầm cỡ lớn, đoán trước các xu hướng chính về sự phát triển tương lai của xã hội trên các đường nét khái quát. Hai loại tiên đoán này là rất khác nhau (như tôi đã thử cho thấy ở nơi khác13), và đặc tính khoa học của cái trước không là lí lẽ để ủng hộ đặc tính khoa học của cái sau.
Quan điểm lịch sử chủ nghĩa của Marx về các mục tiêu của khoa học xã hội rất gây khó chịu cho chủ nghĩa thực dụng cái ban đầu đã dẫn ông đi nhấn mạnh chức năng tiên đoán của khoa học. Nó buộc ông phải thay đổi quan điểm trước đây của ông rằng khoa học phải, và nó có thể, thay đổi thế giới. Vì nếu có một khoa học xã hội, và do đó, sự tiên tri lịch sử, thì diễn tiến chính lịch sử phải được xác định trước, và cả thiện ý lẫn lí trí đều không có năng lực thay đổi nó. Tất cả cái để lại cho chúng ta bằng con đường can thiệp phải chăng là để biết chắc, bằng tiên tri lịch sử, về diễn tiến sắp xảy ra, và để dỡ bỏ các cản trở xấu nhất trên con đường của nó. ‘Khi một xã hội đã khám phá ra’, Marx viết trong Capital14, ‘quy luật tự nhiên xác định chuyển động riêng của nó, .. ngay cả khi đó nó chẳng thể bỏ qua được các pha tự nhiên của sự tiến hoá đó, cũng chẳng thể xáo trộn chúng khỏi thế giới bằng một nét bút. Nhưng ngần này nó có thể làm; có thể rút ngắn và làm giảm bớt các cơn đau đẻ của nó’. Đây là các quan điểm đã dẫn Marx đi lên án tất cả những người nhìn các định chế xã hội với con mắt của kĩ sư xã hội, coi chúng là có thể tuân theo lí trí và ý chí con người, và là một lĩnh vực khả dĩ của lập kế hoạch duy lí, là những người Không tưởng. Các ‘nhà Không tưởng’ này đối với ông dường như toan lái con tàu xã hội khổng lồ ngược các dòng chảy tự nhiên và bão tố của lịch sử với bàn tay mong manh của con người. Tất cả cái mà một nhà khoa học có thể làm, ông nghĩ, là đi dự đoán các cơn lốc và các xoáy nước ở đằng trước. Việc làm thực tiễn mà anh ta có thể thực hiện như thế sẽ giới hạn ở đưa ra một lời cảnh báo để phòng cơn bão tiếp theo đe doạ đưa con tàu trệch khỏi tiến trình đúng của nó (tiến trình đúng tất nhiên là tiến trình khuynh tả!) hoặc để khuyên các hành khách về phía nào của con tàu họ nên tụ tập lại. Marx thấy nhiệm vụ thật của chủ nghĩa xã hội khoa học là ở sự loan báo về thiên niên kỉ xã hội chủ nghĩa sắp đến. Chỉ bằng cách loan báo này, ông tin, giáo huấn xã hội chủ nghĩa khoa học mới có thể góp phần dẫn đến thế giới xã hội chủ nghĩa, mà sự xuất hiện của nó có thể thúc đẩy bằng làm cho con người ý thức về sự thay đổi sắp tới, và về các vai được phân cho họ trong vở kịch lịch sử. Như thế chủ nghĩa xã hội khoa học không phải là một công nghệ xã hội; nó không dạy các cách và phương tiện để xây dựng các thể chế xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của Marx về quan hệ giữa lí luận xã hội chủ nghĩa và thực tiễn cho thấy sự thuần khiết của các quan điểm lịch sử chủ nghĩa của ông.
Tư tưởng của Marx về nhiều khía cạnh là một sản phẩm của thời ông, khi kí ức về một trận động đất lịch sử lớn, Cách Mạng Pháp, vẫn còn tươi rói. (Nó được cách mạng 1848 làm sống lại). Một cuộc cách mạng như vậy, ông cảm thấy, không thể được lập kế hoạch và dàn dựng bởi lí trí con người. Nhưng nó có thể được một khoa học xã hội lịch sử chủ nghĩa đoán trước; hiểu biết sâu sắc tình hình xã hội có thể tiết lộ các nguyên nhân của nó. Rằng thái độ lịch sử chủ nghĩa này là khá điển hình của giai đoạn đó có thể thấy từ sự rất giống nhau giữa chủ nghĩa lịch sử của Marx và của J. S. Mill. (Nó giống như sự tương tự giữa các triết lí lịch sử chủ nghĩa của các tiền bối của họ, Hegel và Comte). Marx đã không coi trọng ‘các nhà kinh tế tư sản như .. J. S. Mill’15 người ông xem như một đại diện điển hình của ‘một thuyết hổ lốn ngu si nhạt phèo’. Mặc dù đúng là ở vài chỗ Marx cho thấy sự tôn trọng nào đó đối với ‘các xu hướng hiện đại’ của ‘nhà kinh tế học từ thiện’ Mill, đối với tôi dường như có dư chứng cứ chi tiết chống lại phỏng đoán rằng Marx bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các quan điểm của Mill (hoặc đúng hơn của Comte) về các phương pháp của khoa học xã hội. Sự thống nhất giữa các quan điểm của Marx và của Mill vì thế nổi bật hơn. Như thế khi Marx nói trong lời nói đầu cho Capital, ‘Mục đích cuối cùng của công trình này là để bóc trần .. quy luật vận động của xã hội hiện đại’16, có thể nói là ông đi thực hiện chương trình của Mill: ‘Vấn đề cơ bản .. của khoa học xã hội, là tìm ra quy luật theo đó bất cứ trạng thái nào của xã hội tạo ra trạng thái kế tiếp nó và chiếm vị trí của nó’. Mill phân biệt khá rõ khả năng về cái ông gọi là ‘hai loại khảo sát xã hội học’, loại đầu tương ứng sát với cái tôi gọi là công nghệ xã hội, và loại thứ hai tương ứng với tiên tri lịch sử chủ nghĩa, và ông về phe với loại thứ hai, mô tả đặc trưng nó như ‘Khoa học Xã hội tổng quát theo đó các kết luận của loại khảo sát khác và đặc biệt hơn phải được hạn chế và kiểm soát’. Khoa học xã hội tổng quát này dựa trên nguyên lí nhân quả, phù hợp với quan điểm của Mill về phương pháp khoa học; và ông mô tả phân tích nhân quả này như ‘Phương pháp Lịch sử’. ‘Các trạng thái xã hội’17 của Mill với ‘các tính chất .. có thể thay đổi được .. từ thời kì này sang thời kì kia’ tương ứng chính xác với các ‘giai đoạn lịch sử’ Marxist, và niềm tin lạc quan của Mill vào tiến bộ gợi nhớ lại niềm tin của Marx, mặc dù nó tất nhiên ngây thơ hơn nhiều niềm tin biện chứng tương ứng. (Mill nghĩ rằng kiểu chuyển động ‘mà các công việc con người phải tuân theo .. phải là cái này hay cái khác’ của hai chuyển động thiên văn khả dĩ, tức là ‘một quỹ đạo’ hay ‘một đường bay’. Phép biện chứng Marxist ít chắc chắn hơn về sự đơn giản của quy luật về sự phát triển lịch sử; nó chấp nhận một sự kết hợp, có thể nói như vậy, của hai chuyển động của Mill – cái gì đó giống chuyển động sóng hay chuyển động xoáy trôn ốc).
Có nhiều sự tương tự hơn giữa Marx và Mill; thí dụ, cả hai đều không hài lòng với chủ nghĩa tự do laissez-faire, và cả hai đã thử tạo ra nền tảng tốt hơn cho việc đưa tư tưởng cơ bản về tự do vào thực tiễn. Nhưng trong quan điểm của họ về phương pháp của xã hội học, có một sự khác biệt rất quan trọng. Mill tin rằng nghiên cứu xã hội, ở phân tích cuối cùng, phải có thể quy về tâm lí học; rằng các quy luật của sự phát triển lịch sử phải có thể giải thích được bằng bản tính con người, bằng ‘các quy luật tinh thần’, và đặc biệt, bằng tính tiến bộ của nó. ‘Tính tiến bộ của chủng tộc người’, Mill nói, ‘là nền tảng trên đó phương pháp của .. khoa học xã hội đã được.. dựng lên, ưu việt hơn .. các phương thức.. thịnh hành rất nhiều..’18 Lí thuyết cho rằng xã hội học về nguyên tắc phải có thể quy được về tâm lí học xã hội, tuy sự quy về có thể khó bởi vì sự phức tạp nảy sinh từ tương tác của vô số cá nhân, được nhiều nhà tư tưởng cho là đúng một cách rộng rãi; quả thật, nó là một trong các lí thuyết thường đơn giản được coi là dĩ nhiên. Tôi sẽ gọi cách tiếp cận này đến xã hội học là chủ nghĩa tâm lí học19 (phương pháp luận). Bây giờ chúng ta có thể nói, Mill tin vào chủ nghĩa tâm lí học. Nhưng Marx thách thức nó. ‘Các mối quan hệ pháp lí’, ông khẳng định20, ‘và các cấu trúc chính trị khác nhau không thể được giải thích bằng .. cái được gọi là “tính tiến bộ của tinh thần con người” tổng quát’. Đặt vấn đề nghi ngờ chủ nghĩa tâm lí có lẽ là thành tựu vĩ đại nhất của Marx với tư cách một nhà xã hội học. Bằng cách làm vậy ông đã mở đường cho nhận thức sâu sắc hơn về địa hạt đặc thù của các quy luật xã hội học, và của một xã hội học chí ít một phần tự trị.
Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ giải thích một số điểm của phương pháp của Marx, và tôi sẽ cố luôn nhấn mạnh đặc biệt đến các quan điểm của ông mà tôi tin là có giá trị lâu dài. Như thế tiếp theo tôi sẽ đề cập đến công kích của Marx lên chủ nghĩa tâm lí, tức là đến các lí lẽ của ông ủng hộ một khoa học xã hội tự trị, không thể quy về tâm lí học. Và chỉ muộn hơn tôi sẽ cố gắng chứng tỏ điểm yếu tai hại và các hệ quả tàn phá của chủ nghĩa lịch sử của ông.
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 13
Chú thích chung cho các Chương về Marx. Ở đâu có thể, tôi dẫn chiếu các ct. này đến Capital hay đến H.o.M. hay cả hai. Tôi dùng Capital để chỉ K. Marx, Capital, do E. và C. Paul dịch, Everyman Double Volume Edition. - H.o.M. là A Handbook of Marxism, E. Burns biên tập, 1935,song dẫn chiếu đến các lần xuất bản đầy đủ của văn bản luôn được đưa thêm. Về các trích dẫn Marx và Engels, tôi kể đến lần in chuẩn Moscow (Gesamtausgabe, viết tắt là GA), xuất bản từ 1927 trở đi và do D. Ryazanow và những người khác biên soạn nhưng vẫn chưa đầy đủ. Về các trích dẫn Lenin, tôi kể đến Little Lenin Library, do Martin Lawrence, muộn hơn Lawrence và Wishart xuất bản, viết tắt là L.L.L. Các tập muộn hơn của Capital được trích như Das Kapital (mà vol. I được xuất bản lần đầu 1867); các dẫn chiếu đến vol. II, 1885, hay đến vol. III, phần 1, và vol. III, phần 2 (viết là III/1 và III/2), đều in năm 1894. Tôi muốn làm thật rõ là tuy tôi dẫn chiếu nơi có thể đến các bản dịch nói ở trên, tôi không luôn theo cách hành văn của họ.
1 So V. Pareto, Treatise on General Sociology, § 1843. (Bản dịch tiếng Anh: The Mind and Society, 1935, vol. III, p. 1281; so cả văn bản cho ct. 65 ở ch. 10). Pareto viết (p. 1281 f.): ‘Nghệ thuật cai trị là tìm ra các cách để lợi dụng các tình cảm như vậy, không phí năng lực của mình vào các nỗ lực vô ích đi phá huỷ chúng; rất thường xuyên kết quả duy nhất của cách làm sau là củng cố chúng. Người có khả năng giải thoát mình khỏi sự thống trị mù quáng của các tình cảm riêng của mình sẽ có khả năng sử dụng các tình cảm của những người khác cho các mục đích riêng của mình… Có thể nói điều này về quan hệ giữa nhà cai trị và kẻ bị trị nói chung. Chính khách người phục vụ tốt nhất cho bản thân và cho đảng của mình là người không có định kiến, biết lợi dụng các định kiến của những người khác’. Các định kiến mà Pareto nghĩ đến có các đặc điểm khác nhau – chủ nghĩa dân tộc, tình yêu tự do, chủ nghĩa nhân văn. Và cũng có thể lưu ý là Pareto, tuy ông đã giải thoát khỏi nhiều định kiến, chắc chắn đã không thành công giải thoát mình khỏi tất cả. Điều này có thể thấy gần như ở mỗi trang ông viết, đặc biệt, tất nhiên, nơi ông nói về cái ông mô tả không phải không thích đáng như ‘tôn giáo nhân đạo’. Định kiến riêng của ông là tôn giáo phản-nhân đạo. Ông thấy rằng sự lựa chọn của ông không phải giữa định kiến và giải thoát khỏi định kiến, mà chỉ giữa định kiến nhân đạo và định kiến chống-nhân đạo, có lẽ ông có thể cảm thấy hơi ít tin tưởng về tính ưu việt của ông. (Về vấn đề các định kiến, so ct. 8 (1) ở ch. 24, và văn bản).
Các ý tưởng của Pareto về ‘nghệ thuật cai trị’ là rất cổ; chúng truy nguyên chí ít về đến Cristias cậu của Plato, và đã đóng vai trò của chúng trong truyền thống trường phái Platonic (như được chỉ ra ở ct. 18 ở ch. 8).
2 (1) Các tư tưởng của Fichte và Hegel đã dẫn đến nguyên lí nhà nước quốc gia và quyền tự quyết dân tộc, một nguyên lí phản động, tuy vậy, một chiến sĩ cho xã hội mở như Masaryk tin một cách chân thành, và nhà dân chủ Wilson chấp nhận. (Về Wilson, so thí dụ Modern Political Doctrines, ed. by A. Zimmern, 1939, pp. 223 ff.) Nguyên lí này hiển nhiên không áp dụng được trên trái đất, và đặc biệt ở Châu Âu, nơi các dân tộc (các nhóm ngôn ngữ) bị nhèn chặt đến mức hoàn toàn không thể gỡ họ ra. Kết quả kinh khủng của nỗ lực của Wilson cố áp dụng nguyên lí lãng mạn này cho hoạt động chính trị châu Âu bây giờ phải là rõ cho tất cả mọi người. Rằng dàn xếp Versailles đã thô bạo, là một huyền thoại; các nguyên lí của Wilson đã không được tôn trọng, là một huyền thoại khác. Sự thực là các nguyên lí như vậy không thể được áp dụng nhất quán hơn; và Versailles thất bại chủ yếu bởi vì nỗ lực áp dụng các nguyên lí không thể áp dụng được của Wilson. (Về điều này, so ct. 7 ở ch. 9, và văn bản cho các ct. 51-64 ở ch. 12).
(2) Về quan hệ với đặc điểm Hegel của chủ nghĩa Marx được nói đến ở văn bản của đoạn văn này, ở đây tôi cho một danh mục các quan điểm quan trọng mà chủ nghĩa Marx lấy từ chủ nghĩa Hegel. Bàn luận của tôi về Marx không dựa vào danh mục này, vì tôi không muốn đối xử với ông chỉ như một Hegelian khác, mà đúng hơn như một nhà nghiên cứu nghiêm túc, có thể, và phải, trả lời cho bản thân mình. Đây là danh mục, sắp xếp gần theo tầm quan trọng của các quan điểm khác nhau cho chủ nghĩa Marx.
(a) Chủ nghĩa lịch sử: Phương pháp của một khoa học xã hội là nghiên cứu lịch sử, và đặc biệt các xu hướng vốn có trong sự phát triển lịch sử của loài người.
(b) Chủ nghĩa tương đối lịch sử: Cái là một qui luật trong một giai đoạn lịch sử không cần thiết là qui luật ở một giai đoạn lịch sử khác. (Hegel cho rằng cái đúng trong một giai đoạn không cần thiết đúng trong giai đoạn khác).
(c) Có một qui luật cố hữu về tiến bộ trong tiến triển lịch sử.
(d) Phát triển là tiến đến nhiều tự do và lí trí hơn, tuy vậy phương tiện để dẫn đến điều này không phải là kế hoạch hợp lí của chúng ta mà đúng hơn là các lực lượng phi duy lí như các niềm say mê và tư lợi của chúng ta. (Hegel gọi đấy là ‘sự xảo trá của lí trí’).
(e) Chủ nghĩa thực chứng đạo đức, hay trong trường hợp của Marx, ‘chủ nghĩa vị lai’ đạo đức. (Từ này được giải thích ở ch. 22).
(f) Ý thức giai cấp là một trong các công cụ mà do chúng sự phát triển đẩy bản thân mình. (Hegel thao tác với ý thức dân tộc, ‘Tinh thần dân tộc’ hay ‘Thiên tài dân tộc’).
(g) Bản chất luận phương pháp. Phép biện chứng.
(h) Các ý tưởng Hegelian sau đóng một phần trong các tác phẩm của Marx song đã trở thành quan trọng hơn với các nhà Marxist sau này.
(h1) Sự phân biệt giữa quyền tự do ‘hình thức’ đơn thuần hay dân chủ ‘hình thức’ đơn thuần và quyền tự do ‘thật sự’, ‘kinh tế’ hay dân chủ ‘kinh tế’, v.v.; về quan hệ với điều này, có một thái độ ‘nước đôi’ nào đó với chủ nghĩa tự do, tức là yêu ghét pha trộn.
(h2) Chủ nghĩa tập thể.
Ở các chương tiếp, (a) lại là chủ đề chính. Về quan hệ với (a) và (b), xem cả ct. 13 ở ch. này. Về (b), so các ch. 22-24. Về (c), so các ch. 22 và 25. Về (d) so ch. 22 (và về ‘sự xảo trá của lí trí’ của Hegel, so văn bản cho ct. 84 ở ch. 12). Về (f), so các ch. 16 và 19. Về (g), so các ct. 4 ở ch. này, 6 ở ch. 17, 13 ở ch. 15, 15 ở ch. 19, và các ct. 20-24 ở ch. 20, và văn bản. Về (h1), so ct. 19 ở ch. 17. (h2) có ảnh hưởng đến thuyết phản tâm lí của Marx (so văn bản cho ct. 16 ở ch. 14); dưới ảnh hưởng của học thuyết Platonic-Hegelian về sự ưu việt của nhà nước trên cá nhân mà Marx phát triển lí luận của mình rằng ngay cả ‘ý thức’ cá nhân cũng do các điều kiện xã hội quyết định. Thế mà, về cơ bản, Marx là một nhà cá nhân chủ nghĩa; mối quan tâm chính của ông là để giúp các cá nhân người đau khổ. Như thế chủ nghĩa tập thể như vốn là chắc chắn không đóng một vai trò quan trọng ở các tác phẩm của Marx. (Trừ việc ông nhấn mạnh ý thức giai cấp tập thể, được nói đến ở (f); so, thí dụ, ct. 4 ở ch. 18). Song nó đóng vai trò trong thực tiễn Marxist.
3 Ở Capital (387-9), Marx đưa ra vài nhận xét lí thú cả về lí luận phân công lao động của Plato (so ct. 29 ở ch. 5 và văn bản) và về đặc điểm đẳng cấp của nhà nước của Plato. (Marx, tuy vậy, chỉ nói tới Ai Cập chứ không đến Sparta; so ct. 27 ở ch. 4). Về quan hệ này, Marx cũng trích một đoạn lí thú từ Busiris, 15f., 224/5 của Isocrates, nơi đầu tiên Isocrates đề nghị các lí lẽ cho phân công lao động rất giống các lí lẽ của Plato (văn bản cho ct. 29 ở ch. 5); sau đó Isocrates tiếp tục: ‘Người Ai Cập .. đã thành công đến mức các triết gia nổi tiếng nhất bàn về các đề tài như vậy đều ca ngợi hiến pháp Ai Cập hơn tất cả các hiến pháp khác, và rằng người Sparta .. cai quản đô thị riêng của họ xuất sắc thế bởi vì họ đã sao chép cách của người Ai Cập’. Tôi nghĩ rất có thể Isocrates nhắc đến Plato ở đây; và đến lượt ông lại được Crantor nhắc đến, khi ông nói về những người lên án Plato là học trò của những người Ai Cập, như được nói tới ở ct. 27 (3) ở ch. 4.
4 Hay, ‘huỷ hoại trí óc’; so văn bản cho ct. 68 ở ch. 12. Về phép biện chứng nói chung, và phép biện chứng Hegelian nói riêng, so ch. 12, đặc biệt văn bản cho các ct. 28-33. Với phép biện chứng của Marx, tôi không có ý định đề cập ở đây, vì tôi đã đề cập ở nơi khác. (So What is Dialectics?, Mind, N. S., vol. 49, 1940, pp. 403 ff.; hay, được xét lại, trong Conjectures and Refutations, pp. 312 ff.). Tôi coi phép biện chứng của Marx, giống như của Hegel, là một mớ lộn xộn khá nguy hiểm; nhưng có thể tránh phân tích nó ở đây, đặc biệt vì phê phán chủ nghĩa lịch sử của ông bao trùm tất cả cái có thể được cho là nghiêm túc trong phép biện chứng của ông.
5 So, thí dụ, trích dẫn trong văn bản cho ct. 11 ở ch. này.
6 Chủ nghĩa không tưởng bị Marx và Engels tấn công lần đầu tiên ở Tuyên Ngôn C.S., III, 3. (So H.o.M., 55 ff. = GA, Series I, vol. 6, 553-5). Về các tấn công của Marx lên ‘các nhà kinh tế tư sản’ những người ‘thử dung hoà .. kinh tế học chính trị với các yêu sách của giai cấp vô sản’, tấn công hướng trực tiếp đặc biệt vào Mill và các thành viên khác của trường phái Comtist, so đặc biệt Capital, 868 (chống Mill; xem cả ct. 14 ở ch. này), và 870 (chống Revue Positiviste Comtist; xem cả văn bản cho ct. 21 ở ch. 18). Về toàn bộ vấn đề về công nghệ xã hội đối lại chủ nghĩa lịch sử, và về kĩ thuật xã hội từng phần đối lại kĩ thuật xã hội Không tưởng, so đặc biệt ch. 9. (Xem cả các ct. 9 ở ch. 3; 18 (3) ở ch. 5; và 1 ở ch. 9; với dẫn chiếu đến M. Eastman, Marxism: is it Science?)
7 (1) Hai trích dẫn Lenin lấy từ Sidney and Beatrice Webb, Soviet Communism (2nd ed., 1937), p. 650 f., họ nói, trong một ct., rằng trích dẫn thứ hai là từ một bài nói của Lenin tháng 5-1918. Rất lí thú để thấy Lenin nắm tình hình nhanh thế nào. Trước khi đảng ông lên nắm quyền, khi xuất bản cuốn sách Nhà nước và Cách mạng, tháng 8-1917, ông vẫn là một nhà lịch sử chủ nghĩa thuần khiết. Không chỉ là ông đã chưa biết về các vấn đề khó khăn nhất dính đến nhiệm vụ xây dựng một xã hội mới; ông thậm chí đã tin, với hầu hết các nhà Marxist, rằng các vấn đề không tồn tại, hoặc chúng sẽ được quá trình lịch sử giải quyết. So đặc biệt các đoạn từ Nhà nước và Cách mạng trong H.o.M., p. 757 f. (= Lenin, State and Revolution, L.L.L., vol. 14, 77-9), nơi Lenin nhấn mạnh tính đơn giản của các vấn đề tổ chức và cai quản trong các pha khác nhau của xã hội C.S. đang tiến triển. ‘Tất cả cái cần đến’, ông viết, ‘là họ phải làm việc ngang nhau, phải làm phần việc của họ đều đặn, và được nhận lương bằng nhau. Việc kế toán và kiểm soát cần thiết cho việc này đã được đơn giản hoá’ (nhấn mạnh của bản gốc) ‘bởi chủ nghĩa tư bản đến mức tối đa’. Chúng như vậy có thể được các công nhân tiếp quản một cách đơn giản, vì các phương pháp kiểm soát này ‘nằm trong tầm tay của bất cứ ai biết đọc biết viết, và biết bốn quy tắc đầu tiên của số học’. Các tuyên bố ngây thơ đáng kinh ngạc này là tiêu biểu. (Ta thấy các quan điểm tương tự ở Đức và Anh; so ct. này, (2) dưới đây). Chúng phải được tương phản với các bài nói của Lenin vài tháng sau. Chúng cho thấy ‘nhà xã hội chủ nghĩa khoa học’ tiên tri đã không bị ràng buộc đến thế nào bởi bất cứ điềm báo trước nào về các vấn đề và tai hoạ ở phía trước. (Tôi muốn nói đến tai hoạ của thời kì chủ nghĩa cộng sản-thời chiến, giai đoạn là kết quả của chủ nghĩa Marx tiên tri và phản-công nghệ này). Nhưng chúng cũng cho thấy năng lực của Lenin để tìm ra, và thừa nhận với mình, các sai lầm đã mắc phải. Ông đã từ bỏ chủ nghĩa Marx trên thực tiễn, tuy không trong lí luận. So cả ch. V, mục 2 và 3 của Lenin, H.o.M., pp. 742 ff. ( = State and Revolution, 67-73), cho đặc điểm thuần lịch sử chủ nghĩa, tức là tiên tri và phản-công nghệ (‘phản-Không tưởng’; Lenin đã có thể nói; so p. 747 = State and Revolution 70-71) của ‘chủ nghĩa xã hội khoa học’ này trước khi nó lên nắm quyền.
Song khi Lenin thú nhận rằng ông chẳng biết cuốn sách nào đề cập đến các vấn đề có tính xây dựng của kĩ thuật xã hội, thì ông chỉ chứng minh rằng các nhà Marxist, trung thành với các điều răn của Marx, đã thậm chí không đọc ‘cái đồ Không tưởng’ của ‘các nhà xã hội ghế bành chuyên nghiệp’ đã thử làm phần đầu với chính các vấn đề này; tôi nghĩ đến vài trong số các nhà Fabian ở Anh và A. Menger (thí dụ, Neue Staatslehre, 2nd ed. 1904, đặc biệt pp. 248 ff.) và J. Popper-Lynkeus ở Áo. Người sau, ngoài nhiều gợi ý khác, đã phát triển một công nghệ về trang trại tập thể, và đặc biệt các trang trại khổng lồ thuộc loại muộn hơn được đưa vào ở Nga (xem Allgemeine Nährplicht, 1912; so pp. 206 ff. và 300 ff. của 2nd ed., 1923). Nhưng ông bị các nhà Marxist đuổi ra như một kẻ ‘nửa-xã hội chủ nghĩa’. Họ gọi ông là kẻ ‘nửa-xã hội chủ nghĩa’ vì ông dự tính một khu vực tư nhân trong xã hội của mình; ông giới hạn hoạt động kinh tế của nhà nước cho việc lo các nhu cầu thiết yếu của mọi người – cho ‘cái tối thiểu được đảm bảo của sự tồn tại’. Mọi thứ vượt quá điều này được để cho một hệ thống cạnh tranh nghiêm ngặt.
(2) Quan điểm của Lenin trong State and Revolution được trích ở trên (như J. Viner chỉ ra) rất giống quan điểm của John Carruthers, Socialism and Radicalism (so ct. 9 ở ch. 9); xem đặc biệt pp. 14-16. Ông nói: ‘Các nhà tư bản đã sáng chế ra một hệ thống tài chính tuy phức tạp song đủ đơn giản để hoạt động một cách thực tiễn, nó chỉ dẫn mỗi người đầy đủ cách quản lí tốt nhất nhà máy của mình. Một [hệ thống] tài chính rất giống tuy đơn giản hơn nhiều theo cùng cách có thể chỉ dẫn một giám đốc được bầu của một nhà máy xã hội chủ nghĩa cách anh ta phải quản lí nó ra sao, và anh ta không có nhiều nhu cầu xin chỉ bảo từ một nhà tổ chức chuyên nghiệp hơn là một nhà tư bản cần’.
8 Khẩu hiệu tự nhiên chủ nghĩa ấu trĩ này là ‘nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản’ của Marx (Marx lấy từ bài L’organisation de travail của Louis Blanc’, như Bryan Magee đã vui lòng chỉ cho tôi). Gốc của nó là Platonic và Cơ đốc ban đầu (so ct. 29 ở ch. 5; Acts, 2, 44-45, và 4, 34-35; xem cả ct. 48 ở ch. 24 và các chỉ dẫn chéo ở đó). Nó được Lenin trích ở State and Revolution; xem H.o.M., 752 (= State and Revolution, 74). ‘Nguyên lí của chủ nghĩa xã hội’, được kết hợp vào Hiến pháp Mới của Liên Xô (1936), là yếu hơn một chút song đáng kể; so Điều 12: ‘Ở Liên Xô nguyên lí của chủ nghĩa xã hội được thực hiện: “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động”.’ Thay ‘lao động’ cho từ Cơ đốc ban đầu ‘nhu cầu’ biến một thành ngữ tự nhiên chủ nghĩa lãng mạn và khá mập mờ về mặt kinh tế thành một nguyên lí khá thực tiễn nhưng tầm thường – và thành cái ngay cả ‘chủ nghĩa tư bản’ cũng có thể cho là của mình.
9 Tôi ám chỉ đến nhan đề của một cuốn sách nổi tiếng của Engels: ‘Sự Phát triển của Chủ nghĩa Xã hội Từ Không tưởng đến Khoa học’. (Được xuất bản bằng tiếng Anh dưới nhan đề: Socialism: Utopian and Scientific).
10 Xem The Poverty of Historicism của tôi (Economica, 1944: nay được xuất bản riêng ra [xem cả bản dịch tiếng Việt Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử].
11 Đây là luận cương thứ mười một của Theses on Feuerbach (1845), so H.o.M., 231 (= F. Engels, Ludwig Feuerbach und der Ausgang der Klassischen deutschen Philosophie, J. W. Dietz, Nachf. Berlin 1946, 56). Xem cả các ct. 14-16 ở ch. này, và các mục 1, 17 và 18 của Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử.
12 Tôi không có ý định thảo luận chi tiết ở đây vấn đề siêu hình hay phương pháp luận của quyết định luận. (Có vài nhận xét thêm về vấn đề ở ch. 22 dưới đây). Song tôi muốn chỉ ra rằng ít thoả đáng đến thế nào nếu ‘quyết định luận’ và ‘phương pháp khoa học’ được coi là các từ đồng nghĩa. Điều này vẫn được làm, thậm chí bởi một tác giả xuất sắc và sáng sủa như Malinowski. So thí dụ, bài báo của ông trong Human Affairs (ed. by Cattel, Cohen, and Travers, 1937), ch. XII. Tôi hoàn toàn đồng ý với các xu hướng phương pháp luận của bài báo này, với lời cầu khẩn dùng phương pháp khoa học trong khoa học xã hội của nó cũng như với sự lên án tài ba của nó về các xu hướng lãng mạn trong nhân học (so đặc biệt pp. 207 ff., 221-4). Song khi Malinowski lí lẽ ủng hộ ‘quyết định luận trong nghiên cứu văn hoá con người’ (p. 212; so, thí dụ, cả p. 252), tôi không thấy cái ông hiểu bằng ‘quyết định luận’ nếu không đơn giản là ‘phương pháp khoa học’. Sự đánh đồng này, tuy vậy, không thể đứng vững, và nó chứa các mối nguy hiểm trầm trọng, như được chứng tỏ trong văn bản; vì nó có thể dẫn đến chủ nghĩa lịch sử.
13 Về một phê phán chủ nghĩa lịch sử, xem Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử.
Marx có thể bị lên án vì giữ niềm tin sai lầm là có một ‘qui luật tự nhiên về phát triển lịch sử’; vì vài trong các nhà khoa học giỏi nhất thời ông (thí dụ T. H. Huxley; so Lay Sermons, 1880, p. 214 của ông) đã tin vào khả năng tìm ra một qui luật tiến hoá. Song không thể có ‘qui luật tiến hoá’ kinh nghiệm. Có giả thuyết tiến hoá đặc thù, cho rằng sự sống trên trái đất đã tiến triển theo các cách nào đó. Song một qui luật phổ quát hay tự nhiên về tiến hoá phải đưa ra một giả thuyết về diễn tiến của sự phát triển sự sống (chí ít) trên mọi hành tinh. Nói cách khác, ở đâu ta bị giới hạn ở quan sát một quá trình đơn nhất, ở đó ta không thể hi vọng tìm thấy, và kiểm chứng, một ‘qui luật tự nhiên’. (Tất nhiên, có các qui luật tiến hoá gắn với sự phát triển của các cơ thể non, v.v.).
Có thể có các qui luật xã hội học, và thậm chí qui luật về vấn đề tiến bộ; thí dụ, giả thuyết rằng, ở đâu quyền tự do tư tưởng, và tự do truyền đạt tư tưởng được bảo vệ một cách hiệu quả bởi các thể chế pháp lí và các định chế đảm bảo tính công khai của thảo luận, thì ở đó sẽ có tiến bộ khoa học. (So ch. 23). Song có các lí do để giữ quan điểm là tốt hơn nếu không nói về các qui luật lịch sử chút nào cả. (So ct. 7 ở ch. 25 và văn bản).
14 So Capital, 864 (Lời nói đầu cho lần Xuất bản Đầu tiên). Về một nhận xét tương tự của Mill, xem ct. 16 ở dưới). Ở cùng chỗ, Marx cũng nói: ‘Mục tiêu cuối cùng của công trình này là bóc trần qui luật kinh tế về vận động của xã hội hiện đại’. (Về điểm này, so H.o.M., 374, và văn bản cho ct. 16 ở ch. này). Sự đụng độ giữa chủ nghĩa thực dụng của Marx và chủ nghĩa lịch sử của ông trở nên khá rõ nếu ta so các đoạn này với luận cương thứ 11 của Các Luận cương về Feuerbach của ông (được trích ở văn bản cho ct. 11 ở ch. này). Trong Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử, mục 17, tôi đã thử làm cho mâu thuẫn này rõ rệt hơn bằng cách đặc trung chủ nghĩa lịch sử của Marx ở dạng giống chính xác như tấn công của ông lên Feurbach. Vì ta có thể diễn giải đoạn được trích của Marx trong văn bản bằng cách nói rằng: Nhà lịch sử chủ nghĩa chỉ có thể diễn giải sự phát triển xã hội, và giúp nó theo các cách khác nhau; điểm chính của ông ta, tuy vậy, là không ai có thể thay đổi nó. So cả ch. 22, đặc biệt văn bản cho các ct. 5 ff.
15 So Capital, 469; ba trích dẫn tiếp là từ Capital, 868 (Lời nói đầu cho lần Xuất bản Thứ hai. Lời dịch ‘một thuyết hổ lốn nông cạn’ không hoàn toàn phù hợp với diễn đạt rất nặng của bản gốc); op. cit., 673; và op. cit., 830. Về ‘có dư chứng cứ chi tiết’ được nói đến trong văn bản, xem, thí dụ, op. cit., 105, 562, 649, 656.
16 So Capital, 864 = H.o.M., 374; so ct. 14 ở ch. này. Ba trích dẫn tiếp là từ J. S. Mill, A System of Logic (1st ed., 1843; trích từ 8th ed.), Book VI, Ch. X; § 2 (cuối); § 1 (đầu); § 1 (cuối). Một đoạn lí thú (diễn đạt gần hệt như nhận xét nổi tiếng của Marx được trích ở văn bản cho ct. 14) có thể thấy ở cùng ch. của Logic của Mill, § 8. Nhắc đến phương pháp lịch sử, tìm kiếm ‘các qui luật về trật tự và tiến bộ xã hội’, Mill viết: ‘Với sự giúp đỡ của nó sau đó chúng ta có thể thành công không chỉ trong nhìn xa vào lịch sử tương lai của nhân loại, mà cả trong xác định các phương tiện nhân tạo nào có thể được dùng, và ở mức độ nào, để đẩy nhanh tiến bộ tự nhiên ở chừng mực có ích; để bù cho bất cứ cái gì có thể là các bất tiện hay bất lợi vốn có của nó, và để phòng chống các nguy hiểm hay tai nạn mà loài chúng ta bị do các chuyện tình cờ tất yếu của sự tiến triển của nó’. (Tôi nhấn mạnh). Hay như Marx diễn đạt ‘cắt ngắn và làm nhẹ các cơn đau đẻ của nó’.
17 So Mill, loc. cit., § 2; các nhận xét tiếp là từ đoạn văn đầu của § 3. ‘Quỹ đạo’ và ‘đường bay’ là từ cuối của đoạn văn thứ hai của § 3. Khi nói về ‘các quỹ đạo’ Mill nghĩ, có lẽ, đến các lí thuyết chu kì của sự phát triển lịch sử như được trình bày ở Statesman của Plato, hay có lẽ ở Discourses on Livy của Machiavelli.
18 So Mill, loc. cit., đầu của đoạn văn cuối của § 3. - Về tất cả các đoạn này, so cả các ct. 6-9 ở ch. 14, và Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử, các mục 22, 24, 27, 28.
19 Về chủ nghĩa tâm lí học (từ do E. Husserl), tôi có thể trích ở đây vài câu của nhà tâm lí học xuất sắc D. Katz; các đoạn lấy từ bài Psychological Needs của ông (Ch. III của Human Affairs, ed. by Cattel, Cohen, and Travers, 1937, p. 36). ‘Trong triết học một thời gian đã có một xu hướng biến tâm lí học thành cơ sở cơ bản “duy nhất” của mọi khoa học khác .. Xu hướng này thường được gọi là chủ nghĩa tâm lí học .. Nhưng ngay cả các khoa học như vậy, có một hạt nhân trung lập không mang tính tâm lí học ..’. Chủ nghĩa tâm lí học sẽ được thảo luận ở ch. 14. So cả ct. 44 ở ch. 5.
20 So Lời nói đầu của Marx cho A Contribution to the Critique of Political Economy (1859), được trích ở H.o.M., 371 (= K. Marx, Zur Kritik der politishen Oekonomie, ed. by K. Kautsky, J. W. Dietz, Nachf. Berlin 1930, LIV-LV, cả ở Capital, p. xv f.). Đoạn được trích đầy đủ hơn ở văn bản cho ct. 13 ở ch. 15, và ở văn bản cho ct. 2 ở ch. 14.