Những góc nhìn Văn hoá

Hiện tượng thơ không vần của Nguyễn Đình Thi đầu kháng chiến chống Pháp

“ Một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới. Thơ của một thời mới trong những bước đầu ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố định. Nó chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó”[1]

Những dòng trên được trích trong bài “ Mấy ý nghĩ về thơ” – tiểu luận thể hiện quan niệm của Nguyễn Đình Thi về thơ ca đồng thời nói lên khát vọng cách tân mãnh liệt của ông nhằm tìm một lối đi mới cho thơ Việt Nam. Khát vọng cách tân ấy gặp gỡ tài năng và tâm hồn Nguyển Đình Thi đã thăng hoa thành một hiện tượng thơ độc đáo: THƠ TỰ DO KHÔNG VẦN.

Khái niệm thơ tự do không vần xuất hiện rất sớm và ngay từ đầu thế kỉ XX, nó đã phát triển mạnh mẽ và chiếm lĩnh thi đàn phương Tây. Ở Việt Nam ta, vần gắn chặt với thơ như hình với bóng. Bởi lẽ nguồn sữa nuôi dưỡng thơ là ca dao, mà ca dao thì không thể thiếu vần bởi đặc trưng dễ nhớ, dễ thuộc và dễ ngâm. Tiếp nhận thơ Đường luật Trung Hoa, vần lại là một yếu tố được quy định chặt chẽ. Phong trào thơ mới dù làm nên “một cuộc cách mạng trong thi ca” nhưng vẫn chưa một lần từ bỏ vần. Mãi đến khi Cách Mạng Tháng Tám chấm dứt phong trào Thơ mới, tạo điều kiện cho một cuộc cách tân thơ ca thì kiểu thơ không vần mới dần định hình và đạt được những thành tựu bước đầu với các bài: Nhớ máu, tình sông núi của Trần Mai Ninh; Đèo Cả của Hữu Loan; Ngoại ô mùa đông năm 46 của Văn Cao… Tuy nhiên, người có đóng góp xuất sắc nhất trong nỗ lực tìm một tiếng nói mới cho thơ là Nguyễn Đình Thi với những bài thơ như Đường núi, Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa… Trong vườn thơ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, thơ Nguyễn Đình Thi tựa một loài hoa lạ, có vẻ hoang dã nhưng thoang thoảng hương thơm làm say đắm lòng người. Cũng vì lạ mà thơ Nguyễn Đình Thi đương thời không được chấp nhận. Trong hội nghị tranh luận về văn nghệ năm 1949, thơ ông bị phê phán gay gắt “ như một bài học phản diện cho thơ kháng chiến”[2]. Cách nhìn nhận này làm cho thơ không vần của Nguyễn Đình Thi không có điều kiện tiếp tục phát triển. Song những giá trị của nó ( Cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật) là không thể phủ nhận. Bài viết này đề cập đến một số vấn đề về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi với mong muốn có một cái nhìn bao quát về một hiện tượng văn học độc đáo trong văn học Việt Nam hiện đại.
1. Về mặt nội dung
 1.1 Hiện thực đời sống kháng chiến được cảm nhận qua cái tôi trữ tình của nhà thơ
Nguyễn Đình Thi không sáng tác thơ trong thời Thơ mới nên không trải qua tâm trạng phẫn uất của “ con hổ nằm dài trong cũi sắt”[3], tâm trạng bơ vơ của “ con nai bị chiều giăng lưới”[4]. Cũng không phải nếm mùi vị cô đơn, nhạt nhẽo của một người phải sống trong cảnh:
                                    “ Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù
                                       Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ”[5]
Nguyễn Đình Thi đến với thơ khi ông đến với cách mạng. Ông không mất thời gian để “ lột xác” mà hòa mình ngay vào cuộc sống kháng chiến, vào dòng suối mát của nhân dân để tìm cho mình ngọn nguồn phong phú của thơ ca. Hiện thực kháng chiến đã thổi lửa vào tâm hồn nhà thơ, hướng tâm hồn ông vào đời sống thực tại để ghi lại một cách chân thành và sinh động không khí hồ hởi của cả dân tộc trong cuộc trường chinh cứu nước. Nói như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy “ Tâm hồn nhà thơ và hiện thực những năm đầu kháng chiên chống Pháp – hai dòng sống này cuốn vào nhau để cất lên một tiếng thơ mới”[6]
Tuy xuất phát từ hiện thực đời sống kháng chiến nhưng khác các nhà thơ đương thời, Nguyễn Đình Thi không nhập vai vào quần chúng, hóa thân vào quần chúng để nói lời quần chúng. Thơ ông là tiếng vọng của đời sống kháng chiến qua cái tôi trữ tình của chính ông. Nói cách khác “ Đối tượng biểu hiện phần lớn không phải là hình ảnh quần chúng mà thuần chất trữ tình. Là những tâm trạng, cảm xúc, suy tư của bản thân nhà thơ về đời sống kháng chiến”[7]
Đọc thơ Nguyễn Đình Thi những năm đầu kháng chiến chống Pháp, dõi theo cặp mắt của nhân vật trữ tình – cái tôi của nhà thơ, ta thấy được khung cảnh kháng chiến qua những hình ảnh cụ thể. Đó là một cuộc hành quân ào ào như thác lũ:
                                    “ Đò bơi tíu tít mặt sông
                                       Người vẫn sang vô tận trong đêm
                                       Rầm rập đi trong rừng tối
                                       Ta bước đi giữa dòng người như trẩy hội”
                                                                                    ( Đêm mít tinh)
là một cuộc chia li “không nói”:
                                                “ Dừng chân trong mưa bay
                                                   Liếp nhà ai ánh lửa
                                                   Yên lặng đứng trước nhau”
                                                                                    ( Không nói)
là bức tranh chiến khu nên thơ mà rất đỗi chân thành:
                                                “ Ôi những vạt ruộng vàng
                                                   Chiều nay rung rinh lúa ngã
                                                   Dải áo chàm bay múa
                                                   Tiếng hát ai lênh đênh”
                                                                                    ( Đường núi)
Xuất hiện nhiều nhất trong thơ Nguyễn Đình Thi lúc này là hình ảnh người chiến sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà ông đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là “ Người chiến sĩ”. Khi mà cả dân tộc cùng ra trận thì thì còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh người chiến sĩ giữa chiến trường. Trong mắt Nguyễn Đình Thi, đó là những con người sống đẹp, biết cống hiến, biết hy sinh cho tổ quốc:
                                                “ Vì tổ quốc anh hy sinh lặng lẽ
                                                   Trên môi lưu luyến nụ cười”
                                                                                    ( Người tử sĩ )
là những con người không tên đã làm nên đất nước:
                                                “ Các anh chết không tên
                                                   Cho nước nhà sống mãi”
Nhà thơ đặc biệt xúc động trước nụ cười của người chiến sĩ lúc hy sinh, nụ cười của niềm tin và hy vọng :
                                                “ Chiều qua đồn trúng đạn
                                                   Giữa vườn lê anh nhắm mắt thản nhiên
                                                   An Châu mấy anh không về nữa
                                                   Nụ cười còn tươi nguyên”
                                                                                    ( Bài thơ viết cạnh đồn Tây)
Có thể nói, với sự quan sát tinh tế và tâm hồn đặc biệt nhạy cảm của chủ thể trữ tình, cuộc sống và con người kháng chiến hiện lên trong thơ Nguyễn Đình Thi một cách phong phú và sinh động.
 1.2. Suy ngẫm về một đất nước “ vất vả đau thương mà tươi thắm vô ngần”[8]
Cảm hứng bao trùm thơ Nguyễn Đình Thi những năm đầu kháng chiến chống Pháp là cảm hứng về quê hương đất nước. Đối với một dân tộc nghìn đời chống ngoại xâm như dân tộc ta thì tình cảm đất nước chừng như đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người. Trong kháng chiến chống Pháp, khi vận nước đặt trong ranh giới của sự mất – còn thì hiển nhiên đất nước phải trở thành tiếng nói chủ đạo trong thơ. Không phải chỉ có Nguyễn Đình Thi mà nhiều nhà thơ khác cũng viết về đất nước. Song điều đáng nói là đất nước trong suy ngẫm của nhà thơ mang một sắc thái riêng, góp vào dòng thơ đất nước một tiếng nói mới vô cùng độc đáo.
Đối với Nguyễn Đình Thi, “ Đất nước như một thể thống nhất với sự chuyển hóa của hai đối cực: Vất vả đau thương mà tươi thắm vô ngần”[9].  Nhà thơ không hề thi vị hóa, không hề giấu giếm mà bày ra trước mắt người đọc hình ảnh một đất nước oằn mình rên xiết dưới bom đạn kẻ thù:
                                                “ Hà Nội nát người trong gai sắt
                                                   Máu chảy hồng tươi bất khuất”
                                                                                    ( Hà Nội đêm nay)
Nhưng đâu chỉ có đau thương, trên tất cả, đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi là một đất nước tươi đẹp trù phú:
                                                “ Ôi nắng dội chan hòa
                                                   nao nao trời biếc
                                                   Nắng nhuộm hương đồng ruộng, hương rừng chiến khu
                                                   Tháp rùa lim dim nhìn nắng”
                                                                        ( Sáng mát trong như sáng năm xưa)
và một đất nước quật khởi, kiên cường:
                                                “ Nước Việt Nam từ máu lửa
                                                   Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
                                                                                    ( Đất nước)
Không dừng lại ở chỗ cảm nhận, mô tả, Nguyễn Đình Thi không ngừng suy ngẫm, chiêm nghiệm về sức sống kì diệu của dân tộc, cái đã biến đất nước từ đau thương “ đứng dậy sáng lòa”. Sức sống ấy được tạo nên từ dòng chảy của truyền thống “ Những buổi ngày xưa vọng nói về”, từ tinh thần, tình cảm và lý tưởng của ngàn vạn con người trong chiến tranh vệ quốc.
 1.3. Tình yêu lứa đôi, tình cảm nhỏ hòa vào tình cảm lớn
Dường như là một đặc điểm mang tính lịch sử và thời đại, thơ kháng chiến ít viết về tình cảm riêng tư, về tình yêu đôi lứa. Ấy vậy mà thơ Nguyễn Đình Thi lại đề cập nhiều đến đề tài này. Những bài thơ như Không nói, Chia tay, Chuyện hai người yêu xa cách…. Đã làm cho tình yêu cất tiếng trong thơ kháng chiến. Tuy nhiên, cần thấy rằng tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Thi lúc này không có tiếng thở dài não nuột của biệt ly, của đau khổ, của oan trái như trong Thơ mới mà là một thứ tình cảm trong sáng, tích cực, đầy hy vọng và đầy lạc quan. Nó quyện vào tình yêu tổ quốc, đồng hành cùng lý tưởng:
                                                            “ Nào đồng chí – bắt tay
                                                               Em
                                                               Bóng nhỏ
                                                               Đường lầy”
                                                                                    ( Không nói)
Hai người yêu nhau cũng là hai người đồng chí. Chính lý tưởng là sợi dây nối kết họ. Ở đây nhà thơ đã dung hòa được cái riêng vào cái chung, khiến thơ vừa mang tiếng nói đời tư lại vừa mang tiếng nói sử thi:
                                                “ Đời anh có em như ngày có nắng
                                                  Yêu em anh yêu cả mọi người”
Nói như Chu Văn Sơn “ Tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Thi là tình yêu của những người lặng lẽ đi trong hàng ngũ. Tình yêu của những hạt thóc mà cách mạng tung vào trong gió lớn”[10]
2. Về phương diện hình thức nghệ thuật
2.1. Nhịp điệu thơ thoát khỏi khuôn khổ của vần để trở thành nhịp điệu của tâm hồn
Trong tiểu luận “ Mấy ý nghĩ về thơ”, Nguyễn Đình Thi cho rằng “ Cái kì diệu của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó trong nhịp điệu, trong nhạc của thơ. Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn êm tai…. Nhạc của thơ không giới hạn ở thứ nhạc ngoài tai ấy. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn”[11]. Theo đó có thể thấy Nguyễn Đình Thi rất coi trọng nhịp điệu trong thơ. Cũng dễ hiểu, “ Nhịp điệu xưa nay vẫn là xương sống của thơ”[12].Nhưng nếu như những nhà thơ khác quan niệm nhịp điệu, tính nhạc trong thơ gắn liền với vần thơ “ Thơ phải có vần, không có vần không thành thơ”[13]. thì Nguyễn Đình Thi lại không chú trọng vần. Ông nỗ lực giải phóng thơ khỏi khuôn vần, khỏi cái nhịp điệu đều đều thường thấy để đi tìm nhịp điệu bên trong, nhịp điệu của tâm hồn. Thơ là tiếng lòng của nhà thơ trước hiện thực. “ Nó tóe lên ở nơi giao nhau giữa tâm hồn và ngoại vật”[14]. Có lúc nó êm ả như tiếng đàn rơi trên tay người thiếu nữ, có lúc nó khúc khuỷu như con đường núi nhỏ hẹp đầy đất đá, có lúc nó dữ dội như dòng thác gào rú giữa rừng đại ngàn. Thơ có muôn hình vạn trạng, nhịp thơ nhiều tầng nhiều bậc nên không thể giới hạn nó trong vần điệu. Nhịp thơ ấy chỉ có thể là nhịp của tâm hồn. Tức là tâm hồn rung động như thế nào thì nhịp thơ sẽ hiện lên như thế ấy. Thấy được điều này nên thơ Nguyễn Đình Thi dù không có vần, yếu tố âm nhạc vẫn tràn trề :
                                                “ Sáng mát trong như sáng năm xưa
                                                   Gió thổi mùa thu hương cốm mới
                                                   Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”
                                                “ Nắng soi ngõ vắng
                                                   Thềm cũ lối ra đi
                                                   Lá rụng đầy”
                                                                        ( Sáng mát trong như sáng năm xưa)
Thơ không vần là địa hạt mà ở đó ngòi bút Nguyễn Đình Thi phóng túng và tự do nhất. Nó tựa một bản đàn nhiều cung bậc, lúc suy tư hoài niệm:
                                                “ Nắng soi ngõ vắng
                                                   Thềm cũ ra đi lá rụng đầy”
                                                                        ( Sáng mát trong như sáng năm xưa)
lúc uất nghẹn căm hờn:
                                                “ Ngoài phố ầm ầm lũ cướp
                                                   Bắt
                                                   Khám
                                                   Chăng dây
                                                   Miệng súng đen sì tua tủa”
                                                                                    ( Đêm sao)
lúc phơi phới tự hào:
                                                “ Ngàn sao phơi phới đang bay
                                                   Lòng ta ngợp ánh vàng
                                                   Mắt không thấy nữa”
                                                                                    ( Đêm mít tinh)
 2.2. Ngôn ngữ thơ, “ giản dị như những câu nói thường[15]
Như trên đã nói, Nguyễn Đình Thi ít chú trọng vần trong thơ nên thơ ông không có cái mỹ lệ thường thấy trong sách vở mà hồn nhiên như những câu nói thường ngày. “ Nó ứ đầy chất sống, nó là sự sống, là cuộc đời… không cần đến vần điệu, đến sự đều đặn, cân đối”[16]. Nguyễn Đình Thi không sử dụng những lời lẽ cao siêu, trau chuốt mà sử dụng những từ ngữ thuần Việt, mộc mạc, tự nhiên. Thậm chí sử dụng nhiều những thán từ, những lời gọi, lời hỏi có tính chất khẩu ngữ:
                                                “ Ôi em!
                                                   Chúng ta như hai ngôi sao
                                                   Hai đầu chân trời lấp lánh”
                                                                        ( Bài thơ viết cạnh đồn Tây)
                                                “ Nào đồng chí – bắt tay
                                                   Em
                                                   Bóng nhỏ
                                                   Đường lầy”
                                                                ( Không nói)
Tuy nhiên, đưa thơ về ngôn ngữ đời sống không có nghĩa là dung tục hóa thơ, dùng những lời nói thường ngày một cách tùy tiện mà nhà thơ đã có một sự lựa chọn nghiêm túc để ngôn ngữ thơ tuy đơn sơ, mộc mạc mà có khả năng thấm sâu vào hồn người. Thơ Nguyễn Đình Thi có những câu rất đỗi giản dị nhưng tạo được một ấn tượng không thể nào phai được:
                                                “ Tháp rùa lim dim nhìn nắng”
                                                                        ( Sáng mát trong như sáng năm xưa)
                                                “ Em em nhìn đi đâu
                                                   Em sao em không nói”
                                                                         ( Không nói)
 2.3. Hình ảnh thơ - “ hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn”[17]
Khi sáng tác thơ, Nguyễn Đình Thi quan tâm nhiều đến hình ảnh. Ông quan niệm người làm thơ phải để cho hình ảnh tự nói lên tình ý bởi lẽ “ chỉ có hình ảnh mới có khả năng đập mạnh vào cả đầu óc lẫn trái tim người đọc”[18]. Trong thơ ông, đó là những hình ảnh toát lên từ đời thực: gần gũi, hồn nhiên mà độc đáo, mới lạ; khỏe khoắn , gân guốc mà nên thơ. Đó là những lề đường mòn cũ, những mái nhà rơm, là ánh mắt nhìn của em bé gái, là “ dòng sông Lô đang cuộn”, … Không có vẻ ước lệ, không có vẻ sách vở, hình ảnh trong thơ Nguyễn Đình Thi là “ hình ảnh còn tươi nguyên, đột ngột, lạ lùng”[19], là hình ảnh xuất hiện khi tâm hồn nhà thơ chạm vào cuộc sống thường ngày.
Nhưng cần thấy rằng những hình ảnh đời thường mà nhà thơ phát hiện trong cuộc sống ấy chỉ mới là nguyên liệu. Nguyên liệu muốn thành thơ phải có sự xúc động của hồn thơ, tức là phải tạo được một sự rung động dữ dội trong tim nhà thơ. Cho nên hình ảnh đời thường đi vào thơ Nguyễn Đình Thi trở thành hình ảnh cảm xúc, tức là “ Hình ảnh thực được nảy lên trong tâm hồn nhà thơ”. Cũng là những lề đường mòn cũ nhưng không phải là cái vô tri mà ngập tràn trong nỗi nhớ
                                                “ Những lề đường mòn cũ
                                                   Quặn nhớ chân người”
                                                                        ( Đêm mít tinh)
Cũng là bến Phan Lương nhưng không vô cảm mà như một sinh thể :
                                                “ Bến Phan lương nép bên rừng im lặng
                                                   Ngang đồi một tia vàng bay vút”
                                                                                    ( Đêm mít tinh)
Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc năm 1949, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi bây giờ đã được nhìn nhận lại. Những  đóng góp của nó cho nền thơ Việt Nam hiện đại đã được khẳng định và đề cao. Thực tế sáng tác gần đây của các nhà thơ trẻ đã chứng minh những nỗ lực cách tân thơ của Nguyễn Đình Thi những năm đầu kháng chiến chống Pháp là đúng đắn. Tiếc rằng kiểu thơ không vần do Nguyễn Đình Thi khởi xướng thời ấy không được thăng hoa đến đỉnh cao của nó. Nhưng những giá trị mà nó để lại ( Cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật) là rất đáng quý. Nó góp một tiếng nói mới lạ cho thơ kháng chiến. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến những nhà thơ sau này. Và đặc biệt nó khẳng định vị trí Nguyễn Đình Thi trên thi đàn Việt Nam hiện đại như một nghệ sĩ tài hoa và tài năng.
 
* Chú thích
[1]   Nguyễn Đình Thi. Mấy ý nghĩ về thơ . Tuyển tác phẩm văn học Nguyễn Đình Thi. NXB Văn Học, HN, 2001
[2]   Nguyễn Văn Long. Văn học Việt Nam trong thời đại mới. NXBGD, Hà Nội, 2001
[3]   Ý thơ Thế Lữ
[4]   Ý thơ Xuân Diệu
[5]   Thơ X uân Diệu
[6]   Đỗ Lai Thúy. Nguyễn Đình Thi – Một cánh én bay qua mùa xuân. Tạp chí sông Hương 22/5/2009
[7]   TS Trần Văn Phương. Văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng 8 đến nay. Đại học Quy Nhơn, 1996
[8]   Ý thơ Nguyễn Đình Thi
[9]   Chu Văn Sơn. Lại đọc thơ Nguyễn Đình Thi
[10] Chu Văn Sơn. Lại đọc thơ Nguyễn Đình Thi
[11] Nguyễn Đình Thi. Mấy ý nghĩ về thơ . sđd
[12] Đỗ Lai Thúy. Nguyễn Đình Thi – Một cánh én bay qua mùa xuân. Tạp chí sông Hương 22/5/2009
[13] Ngô Tất Tố. Phát biểu trong hội nghị trang luận về văn nghệ năm 1949
[14] Nguyễn Đình Thi. Mấy ý nghĩ về thơ . sđd
[15] Nguyễn Đình Thi. Mấy ý nghĩ về thơ . sđd
[16] Đỗ Lai Thúy. Nguyễn Đình Thi – Một cánh én bay qua mùa xuân. Tạp chí sông Hương 22/5/2009
[17] Nguyễn Đình Thi. Mấy ý nghĩ về thơ . sđd
[18] Đỗ Lai Thúy. Nguyễn Đình Thi – Một cánh én bay qua mùa xuân. Tạp chí sông Hương 22/5/2009
[19] Nguyễn Đình Thi. Mấy ý nghĩ về thơ . sđd

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512043

Hôm nay

2369

Hôm qua

2337

Tuần này

22417

Tháng này

218916

Tháng qua

121356

Tất cả

114512043