Những góc nhìn Văn hoá

Cao trào tiên tri*(Kỳ 6)

CHƯƠNG 16: CÁC GIAI CẤP                   
 
Lời tuyên bố ‘Lịch sử của mọi xã hội tồn tại cho đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp’1 của Marx (và Engels) chiếm một vị trí quan trọng giữa các cách trình bày khác nhau của ‘chủ nghĩa duy vật lịch sử’ của ông.

Xu hướng của tuyên bố này là rõ. Nó hàm ý rằng lịch sử được đẩy và số phận của con người được quyết định bởi chiến tranh giai cấp và không phải bởi chiến tranh của các quốc gia (ngược với quan điểm của Hegel và của đa số các sử gia). Trong giải thích nhân quả của các diễn tiến lịch sử, bao gồm các cuộc chiến tranh dân tộc, lợi ích giai cấp phải lấy chỗ của cái được coi là lợi ích quốc gia, trên thực tế, chỉ là lợi ích của giai cấp thống trị của một quốc gia. Nhưng ngoài điều này ra, đấu tranh giai cấp và lợi ích giai cấp có khả năng giải thích các hiện tượng mà lịch sử truyền thống nói chung thậm chí không thử giải thích. Một thí dụ về một hiện tượng như vậy, có ý nghĩa lớn đối với lí thuyết Marxist là xu hướng lịch sử tiến đến tăng năng suất. Cho dù có lẽ nó có thể ghi chép một xu hướng như vậy, lịch sử truyền thống, với phạm trù cơ bản của nó về sức mạnh quân sự, là hoàn toàn không có khả năng giải thích hiện tượng này. Theo Marx, lợi ích giai cấp và chiến tranh giai cấp, tuy vậy, có thể giải thích nó hoàn toàn; quả thực, một phần đáng kể của Tư bản được dành cho phân tích cơ chế theo đó một sự gia tăng năng suất do các lực này gây ra trong một thời kì mà Marx gọi là ‘chủ nghĩa tư bản’.

Học thuyết về chiến tranh giai cấp liên hệ ra sao với học thuyết trọng thể chế về tính tự trị của xã hội học được thảo luận ở trước2? Thoạt nhìn có vẻ là hai học thuyết này mâu thuẫn nhau rõ ràng, vì trong học thuyết về chiến tranh giai cấp, lợi ích giai cấp đóng một vai trò cơ bản, mà lợi ích giai cấp hình như là một loại động cơ (motive). Nhưng tôi không nghĩ là có bất cứ sự thiếu nhất quán nghiêm trọng nào trong phần này của lí thuyết của Marx. Và thậm chí tôi phải nói rằng không ai hiểu Marx, và đặc biệt hiểu thành tựu chính của ông, phản-chủ nghĩa tâm lí, mà lại là người không thấy nó có thể hoà giải ra sao với lí thuyết về đấu tranh giai cấp. Chúng ta không cần giả sử, như các nhà Marxist Dung tục giả sử, rằng lợi ích giai cấp phải được diễn giải một cách tâm lí. Có thể có vài đoạn trong các tác phẩm riêng của Marx phảng phất một chút chủ nghĩa Marx Dung tục này, nhưng bất cứ ở đâu ông dùng nghiêm túc bất cứ thứ gì giống lợi ích giai cấp, ông luôn có ý nói một thứ trong phạm vi của lĩnh vực xã hội học tự trị, và không phải một phạm trù tâm lí học. Ý ông nói một sự vật, một tình huống, và không phải một trạng thái tinh thần, một ý nghĩ, hay một cảm giác đang quan tâm đến một sự vật. Nó đơn giản là sự vật, hay định chế xã hội hay tình hình thuận lợi cho một giai cấp. Lợi ích của một giai cấp đơn giản là tất cả mọi thứ thúc đẩy sức mạnh của nó hay sự phát đạt của nó.
Theo Marx, lợi ích giai cấp theo nghĩa thể chế, hay ‘khách quan’ này, nếu ta có thể nói vậy, có một ảnh hưởng quyết định lên tâm trí con người. Dùng biệt ngữ Hegelian, ta có thể nói rằng lợi ích khách quan của một giai cấp trở thành có ý thức trong tâm trí chủ quan của các thành viên của nó; nó biến họ thành người quan tâm đến giai cấp và giác ngộ giai cấp, và nó làm cho họ hành động một cách phù hợp. Lợi ích giai cấp là một hoàn cảnh thể chế hay khách quan xã hội, và ảnh hưởng của nó lên tâm trí con người, được Marx mô tả ở lời dí dỏm mà tôi đã trích dẫn (ở đầu chương 14): ‘Không phải ý thức của con người là cái xác định sự tồn tại của anh ta – đúng hơn, chính sự tồn tại xã hội của anh ta là cái xác định ý thức của anh ta’. Đối với lời dí dỏm này ta chỉ cần đưa thêm nhận xét rằng nó, chính xác hơn, là vị trí nơi con người đứng trong xã hội, hoàn cảnh giai cấp là cái, theo chủ nghĩa Marx, quyết định ý thức của anh ta.
Marx cho chỉ báo nào đó về quá trình quyết định này hoạt động ra sao. Như chúng ta biết từ ông ở chương trước, chúng ta có thể là tự do chỉ ở chừng mực chúng ta giải phóng mình khỏi quá trình sản xuất. Nhưng bây giờ ta sẽ thấy rằng, trong bất cứ xã hội nào tồn tại cho đến nay, chúng ta đã không được tự do ở mức ấy. Vì làm sao ta có thể, ông hỏi, giải phóng mình khỏi quá trình sản xuất? Chỉ bằng khiến những người khác làm công việc bẩn thỉu thay chúng ta. Như thế chúng ta buộc phải dùng họ như các phương tiện cho các mục đích của mình; chúng ta phải hạ thấp danh giá của họ. Chúng ta có thể mua một mức độ tự do lớn hơn chỉ với cái giá bắt người khác làm nô lệ, bằng chia tách nhân loại thành các giai cấp; giai cấp thống trị nhận được quyền tự do với cái giá của giai cấp bị trị, các nô lệ. Nhưng sự thực này có hệ quả rằng các thành viên của giai cấp thống trị phải trả giá cho quyền tự do của họ bằng một loại lệ thuộc mới. Họ nhất định áp bức và đấu tranh với người bị trị, nếu họ muốn duy trì quyền tự do riêng của họ và địa vị riêng của họ; họ buộc phải làm điều này, vì người không làm vậy sẽ thôi không thuộc về giai cấp thống trị. Như vậy các nhà cai trị được tình hình giai cấp của họ quyết định; họ không thể trốn thoát quan hệ xã hội của họ với người bị trị; họ bị gắn vào những người đó, vì họ bị gắn vào sự trao đổi chất xã hội. Như thế mọi người, các nhà cai trị cũng như những kẻ bị trị, bị mắc vào cái lưới, và buộc phải chiến đấu với nhau. Theo Marx, chính sự lệ thuộc này, sự xác định này, là cái đưa cuộc đấu tranh của họ vào tầm với của phương pháp khoa học, và của tiên tri lịch sử một cách khoa học; là cái làm cho có thể để xem xét lịch sử xã hội một cách khoa học, như lịch sử của đấu tranh giai cấp. Tấm lưới xã hội này trong đó các giai cấp bị mắc vào, và buộc phải đấu tranh với nhau, là cái chủ nghĩa Marx gọi là cấu trúc kinh tế của xã hội, hay hệ thống xã hội.
Theo lí thuyết này, các hệ thống xã hội hay các hệ thống giai cấp thay đổi với các điều kiện sản xuất, vì cách mà các nhà cai trị có thể bóc lột và chiến đấu với những người bị trị phụ thuộc vào các điều kiện này. Tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển kinh tế cá biệt có một hệ thống xã hội cá biệt, và một thời kì lịch sử được mô tả đặc trưng tốt nhất bằng hệ thống xã hội về các giai cấp của nó; đấy là vì sao chúng ta nói về ‘chủ nghĩa phong kiến’, ‘chủ nghĩa tư bản’, v.v. ‘Cối xay tay’, Marx viết3, ‘cho ta một xã hội với vua chúa phong kiến; cối xay hơi nước cho ta một xã hội với nhà tư bản công nghiệp’. Các quan hệ giai cấp đặc trưng cho hệ thống xã hội là độc lập với ý chí của từng các cá nhân. Hệ thống xã hội như thế giống như một chiếc máy khổng lồ trong đó các cá nhân bị mắc vào và bị đè nát. ‘Trong sản xuất xã hội của các phương tiện tồn tại của họ’, Marx viết4, ‘con người tham gia vào các mối quan hệ xác định và không tránh khỏi, các quan hệ độc lập với ý chí của họ. Các quan hệ sản xuất này tương ứng với giai đoạn phát triển cá biệt của các lực lượng sản xuất của họ. Hệ thống của tất cả các quan hệ sản xuất này tạo thành kết cấu kinh tế của xã hội’, tức là hệ thống xã hội.
Mặc dù có một loại logic riêng của nó, hệ thống xã hội này hoạt động một cách mù quáng, không hợp lí. Những người bị mắc vào cỗ máy của nó, nói chung, cũng đui mù- hay gần thế. Họ thậm chí không thể thấy trước một vài trong các hệ quả quan trọng nhất của các hành động của họ. Một người có thể làm cho nhiều người không thể kiếm được một mặt hàng sẵn có với số lượng lớn; ông ta có thể mua chỉ một thứ lặt vặt và vì thế cản một sự giảm giá nhẹ ở một thời điểm gay go. Người khác do lòng nhân từ có thể phân phát của cải của mình, nhưng như thế góp phần làm giảm đấu tranh giai cấp, ông ta có thể gây ra sự chậm trễ trong giải phóng những người bị áp bức. Vì là hoàn toàn không thể để thấy trước các hậu quả xa hơn của các hành động của chúng ta, vì mỗi và tất cả chúng ta đều bị mắc vào tấm lưới, chúng ta không thể thử một cách nghiêm túc để đối phó với nó. Hiển nhiên chúng ta không thể ảnh hưởng đến nó từ bên ngoài; nhưng vì chúng ta mù quáng, chúng ta không thể thậm chí đưa ra bất cứ kế hoạch nào để cải thiện nó từ bên trong. Kĩ thuật xã hội là không thể có được, và công nghệ xã hội vì vậy là vô ích. Chúng ta không thể áp đặt lợi ích của chúng ta lên hệ thống xã hội; thay vào đó, hệ thống áp đặt lên chúng ta cái khiến chúng ta tin là lợi ích của mình. Nó làm vậy bằng cách buộc chúng ta hành động phù hợp với lợi ích giai cấp của chúng ta. Vô ích đi đổ lỗi về bất công, về tính trái đạo đức của các điều kiện xã hội, cho cá nhân, ngay cả cho riêng ‘nhà tư bản’ hay ‘nhà tư sản’, vì chính hệ thống các điều kiện này là cái buộc nhà tư bản hành động như ông ta làm. Và cũng vô ích đi hi vọng rằng hoàn cảnh có thể được cải thiện bằng cải thiện con người; đúng hơn, con người sẽ tốt hơn nếu hệ thống trong đó họ sống là tốt hơn. ‘Chỉ trong chừng mực’, Marx viết trong Tư bản5, ‘nhà tư bản là tư bản được nhân cách hoá thì ông ta mới đóng một vai trò lịch sử .. Nhưng chính xác ở mức độ đó, động cơ của ông ta không phải là nhận và hưởng thụ các hàng hoá hữu ích, mà là để tăng sản xuất các hàng hoá cho trao đổi’ (nhiệm vụ lịch sử thật sự của ông ta). ‘Có thiên hướng cuồng tín để mở rộng giá trị, ông ta nhẫn tâm đẩy con người đi sản xuất vì mục đích sản xuất .. Với kẻ keo kiệt, ông ta chia sẻ niềm say mê của cải. Nhưng cái là một loại chứng cuồng ở một kẻ keo kiệt thì ở nhà tư bản là kết quả của cơ chế xã hội trong đó ông ta chỉ là một bánh xe phát động .. Chủ nghĩa tư bản bắt bất cứ cá nhân nhà tư bản nào phải lệ thuộc vào các qui luật nội tại của sản xuất tư bản chủ nghĩa, các qui luật nằm ngoài [họ] và cưỡng bức. Không ngơi nghỉ, cạnh tranh buộc ông ta mở rộng tư bản của mình vì mục đích duy trì nó’.
Đây là cách trong đó, theo Marx, hệ thống xã hội quyết định các hành động của cá nhân; nhà cai trị cũng như kẻ bị trị; nhà tư bản hay tư sản cũng như người vô sản. Nó là một minh hoạ của cái được gọi ở trên là ‘logic của hoàn cảnh xã hội’. Ở một mức độ đáng kể, mọi hành động của một nhà tư bản ‘chỉ là một chức năng của tư bản mà, qua tính công cụ của nó, được phú cho ý chí và ý thức’, như Marx diễn đạt6, theo phong cách Hegelian của ông. Nhưng điều này có nghĩa rằng hệ thống xã hội cũng quyết định cả các tư tưởng của họ nữa; vì các tư tưởng, hay các ý niệm, một phần là các công cụ của các hành động, và một phần -tức là, nếu chúng được biểu lộ công khai – là một loại quan trọng của hành động xã hội; vì trong trường hợp này, chúng được hướng trực tiếp để ảnh hưởng lên các hành động của các thành viên khác của xã hội. Bằng cách quyết định tư tưởng con người như vậy, hệ thống xã hội, và đặc biệt ‘lợi ích khách quan’ của một giai cấp, trở thành có ý thức trong tâm trí chủ quan của các thành viên của nó (như chúng ta nói ở trước theo biệt ngữ Hegelian7). Đấu tranh giai cấp, cũng như cạnh tranh giữa các thành viên của cùng giai cấp, là các phương tiện theo đó điều này đạt được.
Chúng ta đã thấy vì sao, theo Marx, kĩ thuật xã hội, và do đó, một công nghệ xã hội, là không thể có được; bởi vì chuỗi nhân quả của sự phụ thuộc gắn chúng ta vào hệ thống xã hội, chứ không phải ngược lại. Nhưng tuy chúng ta không thể thay đổi hệ thống xã hội theo ý muốn8, các nhà tư bản cũng như những người lao động nhất thiết đóng góp vào sự biến đổi của nó, và vào sự giải phóng cuối cùng của chúng ta khỏi xiềng xích của nó. Bằng đẩy ‘con người sản xuất vì mục đích sản xuất’9, nhà tư bản ép buộc họ ‘phát triển các lực lượng của năng suất xã hội, và để tạo các điều kiện vật chất của sản xuất mà riêng chúng có thể tạo thành cơ sở của một kiểu xã hội cao hơn mà nguyên lí cơ bản của nó là sự phát triển đầy đủ và tự do của mọi cá nhân con người’. Theo cách này, ngay cả các thành viên của giai cấp tư bản phải đóng vai trò của họ trên sân khấu lịch sử và thúc đẩy sự đến cuối cùng của chủ nghĩa xã hội.
Căn cứ vào các lí lẽ sau, một nhận xét ngôn ngữ có thể được đưa ra ở đây về các thuật ngữ Marxist thường được dịch bằng các từ ‘giác ngộ-giai cấp’ và ‘ý thức giai cấp’. Các từ này biểu lộ, trước hết, kết quả của quá trình được phân tích ở trên, theo đó hoàn cảnh giai cấp khách quan (lợi ích giai cấp cũng như đấu tranh giai cấp) thu được ý thức trong tâm trí của các thành viên của nó, hay, để trình bày cùng tư tưởng đó bằng một ngôn ngữ ít phụ thuộc hơn vào Hegel, theo đó các thành viên của một giai cấp trở thành có ý thức về địa vị giai cấp của họ. Có ý thức giai cấp, họ biết không chỉ vị trí của họ mà cả lợi ích giai cấp thật sự của họ nữa. Nhưng ngoài điều này ra, từ gốc tiếng Đức do Marx sử dụng gợi ý cái gì đó thường bị mất đi trong bản dịch. Thuật ngữ bắt nguồn từ, và ám chỉ đến, một từ tiếng Đức thông dụng trở thành một phần biệt ngữ của Hegel. Mặc dù cách dịch theo nghĩa đen là ‘tự-ý thức, tự giác’, từ này trong sử dụng thông thường thậm chí hơi có ý nghĩa là có ý thức về giá trị và sức mạnh của mình, tức là tự hào và tin chắc vào mình, và thậm chí tự thoả mãn. Do đó thuật ngữ được dịch như ‘có ý thức giai cấp’ trong tiếng Đức có nghĩa không đơn giản điều này, mà đúng hơn, ‘tin chắc hay tự hào về giai cấp của mình’, và gắn với nó bởi ý thức về sự cần thiết đoàn kết. Đây là vì sao Marx và các nhà Marxist áp dụng nó hầu như chỉ cho những người lao động, và hầu như không bao giờ cho ‘giai cấp tư sản’. Người vô sản có ý thức giai cấp – đây là người lao động không chỉ biết địa vị giai cấp của mình, mà cũng có niềm tự hào giai cấp, hoàn toàn tin chắc vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp của mình, và tin rằng cuộc chiến đấu không nao núng của nó sẽ mang lại một thế giới tốt đẹp hơn.
Làm sao anh ta biết rằng điều này sẽ xảy ra? Vì có ý thức giai cấp, anh ta phải là một nhà Marxist. Bản thân lí thuyết Marxist và tiên tri mang tính khoa học của nó về sự ra đời của chủ nghĩa xã hội là một phần của quá trình lịch sử theo đó hoàn cảnh giai cấp ‘nổi lên thành ý thức’, tự xác lập mình trong tâm trí của những người lao động.
 
II
 
Phê phán của tôi đối với lí thuyết của Marx về các giai cấp, ở chừng mực mà sự nhấn mạnh lịch sử chủ nghĩa của nó diễn ra, đi theo các đường hướng được tiếp tục ở chương trước. Công thức ‘mọi lịch sử là lịch sử của đấu tranh giai cấp’ là rất có giá trị với tư cách một gợi ý rằng chúng ta phải xem xét kĩ vai trò mà đấu tranh giai cấp đóng trong chính trị quyền lực cũng như trong các diễn tiến khác; gợi ý này càng có giá trị hơn vì từ phân tích xuất sắc của Plato về vai trò của đấu tranh giai cấp trong lịch sử của các thị quốc Hy Lạp chỉ hiếm khi được tiếp tục ở các thời sau. Nhưng lại lần nữa, tất nhiên, chúng ta không được coi lời của Marx ‘tất thảy’ quá nghiêm túc. Ngay cả lịch sử của các vấn đề giai cấp cũng không luôn là lịch sử đấu tranh giai cấp theo nghĩa Marxian, xét đến vai trò quan trọng do sự chia rẽ trong nội bộ bản thân các giai cấp. Quả thực, sự khác nhau về lợi ích trong cả giai cấp thống trị và các giai cấp bị trị đi xa đến mức lí thuyết của Marx về các giai cấp phải được coi như một sự quá đơn giản hoá nguy hiểm, cho dù chúng ta thừa nhận rằng vấn đề giữa người giàu và người nghèo luôn có tầm quan trọng cơ bản. Một trong các chủ đề lớn của lịch sử trung cổ, cuộc đấu tranh giữa các giáo hoàng và các hoàng đế, là một thí dụ về sự chia rẽ trong nội bộ giai cấp thống trị. Rõ ràng là sai đi diễn giải sự hục hoặc này như là đấu tranh giữa người bóc lột và người bị bóc lột. (Tất nhiên, người ta có thể mở rộng khái niệm ‘giai cấp’ của Marx để bao hàm trường hợp này và các trường hợp tương tự, và thu hẹp khái niệm ‘lịch sử’, cho đến cuối cùng học thuyết của Marx trở thành đúng một cách tầm thường - chỉ còn là một tautology [phép lặp thừa]; nhưng điều này sẽ tước mất của nó bất cứ ý nghĩa nào).
Một trong những mối nguy hiểm của công thức của Marx là nếu coi quá nghiêm túc, nó làm lạc lối các nhà Marxist đi đến diễn giải mọi xung đột chính trị như các cuộc đấu tranh giữa những kẻ bóc lột và những người bị bóc lột (hay khác đi như các nỗ lực để che đậy ‘vấn đề thật’, xung đột giai cấp nằm ở dưới). Như một hệ quả, đã có các nhà Marxist, đặc biệt ở Đức, những người đã diễn giải một cuộc chiến tranh như Chiến tranh Thế giới lần Thứ Nhất như một cuộc chiến tranh giữ các nước cách mạng hay các Cường Quốc Trung [Âu] ‘nghèo’ và một liên minh của các nước bảo thủ hay các nước ‘giàu’ - một loại diễn giải có thể được dùng để biện minh cho bất cứ cuộc xâm lược nào. Đây chỉ là một thí dụ về mối nguy hiểm cố hữu trong sự khái quát hoá lịch sử chủ nghĩa bao quát của Marx.
Mặt khác, nỗ lực của ông để dùng cái có thể được gọi là ‘logic của hoàn cảnh giai cấp’ để giải thích sự hoạt động của các định chế của hệ thống công nghiệp có vẻ đối với tôi là đáng ca ngợi, bất chấp những cường điệu nào đó và sự bỏ qua một số khía cạnh quan trọng của tình hình; đáng ca ngợi, chí ít, với tư cách một phân tích xã hội học về giai đoạn đó của hệ thống công nghiệp mà Marx chủ yếu nghĩ đến: hệ thống của ‘chủ nghĩa tư bản vô độ’, ‘chủ nghĩa tư bản không bị kiềm chế’ (như tôi sẽ gọi nó10) của một trăm năm trước.
(*): Tập 2 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Người dịch: Nguyễn Quang A
 

CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 16

 

1 So Marx- Engels, Tuyên ngôn C.S.; xem H.o.M., p. 12 (= GA, Series I, vol. vi, 525). Như ch. 4 chỉ ra (xem văn bản cho các ct. 5/6 và 11/12), Plato có các ý tưởng rất giống.

2 So văn bản cho ct. 15 ở ch. 14.

3 So Marx, The Poverty of Philosophy, H.o.M., 355 (= GA, Series I, vol. vi, 179). (Trích dẫn từ cùng chỗ như chỗ mà các đoạn trích trong ct. 13 ở ch. 15 được lấy).

4 So lời nói đầu cho A Contribution to the Critique of Political Economy; so Capital, xvi, và H.o.M., 371 f. (= Zur Kritik der politischen Oekonomie, LIV-LV. Xem cả ct. 20 ở ch. 13, ct. 1 ở ch. 14, ct. 13 ở ch. 15, và văn bản). Đoạn được trích ở đây, và đặc biệt các từ ‘lực lượng sản xuất vật chất’ và ‘quan hệ sản xuất’ được soi sáng một chút từ các đoạn được trích trong ct. 13 ở ch. 15.

5 So Capital, 650 f. Xem cả đoạn tương tự về nhà tư bản và kẻ bủn xỉn trong Capital, 138 f., = H.o.M., 437; so cả ct. 17 ở ch. 17. Trong The Poverty of Philosophy, H.o.M, 367 (= GA, Series I, vol. vi, 189), Marx viết: ‘Mặc dù mọi thành viên của giai cấp tư sản hiện đại có cùng lợi ích trong chừng mực họ tạo thành một giai cấp chống lại giai cấp khác, họ có các lợi ích đối lập, đối kháng, trong chừng mực họ đối mặt với nhau. Sự đối lập lợi ích này là kết quả từ các điều kiện kinh tế của đời sống tư sản của họ’.

6 Capital, 651.

7 Điều này giống chính xác chủ nghĩa lịch sử dân tộc chủ nghĩa của Hegel, nơi lợi ích thật của dân tộc được ý thức trong tâm trí chủ quan của các công dân, và đặc biệt của nhà lãnh đạo.

8 So văn bản cho ct. 14 ở ch. 13.

9 So Capital, 651.

10 * Ban đầu tôi dùng từ ‘chủ nghĩa tư bản laissez-faire’; nhưng căn cứ vào sự thực là ‘laissez-faire’ biểu thị sự thiếu các rào cản thương mại (như thuế quan) –là cái gì đó rất đáng mong mỏi, tôi tin – và từ sự thực rằng tôi coi chính sách kinh tế không can thiệp của đầu thế kỉ mười chín là không đáng mong muốn, và thậm chí nghịch lí, tôi đã quyết định thay đổi thuật ngữ của mình, và dùng từ ‘chủ nghĩa tư bản vô độ [unrestrained]’.*

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570338

Hôm nay

287

Hôm qua

2287

Tuần này

287

Tháng này

228862

Tháng qua

129483

Tất cả

114570338