I
Lí thuyết của Marx về nhà nước có thể được trình bày bằng kết hợp các kết quả của hai chương trước. Hệ thống pháp lí hay pháp lí-chính trị -hệ thống các thể chế pháp lí được nhà nước thực thi - phải được hiểu, theo Marx, như một trong các kiến trúc thượng tầng được dựng trên, và biểu lộ cho, các lực lượng sản xuất thật sự của hệ thống kinh tế; trong mối quan hệ này Marx nói1 về ‘các kiến trúc thượng tầng pháp lí và chính trị’. Nó, tất nhiên, không phải là cách duy nhất trong đó thực tại kinh tế hay vật chất và các quan hệ giữa các giai cấp tương ứng với nó xuất hiện trong thế giới ý thức hệ và tư tưởng. Một thí dụ khác về một kiến trúc thượng tầng có thể, theo quan điểm Marxist, là hệ thống đạo đức thịnh hành. Hệ thống này, ngược lại với hệ thống pháp lí, không do nhà nước thực thi, mà được thừa nhận bởi một ý thức hệ do giai cấp thống trị tạo ra và kiểm soát. Sự khác biệt, đại thể, là sự khác biệt giữa thuyết phục và vũ lực (như Plato2 đã có thể nói); và nhà nước, hệ thống pháp lí hay chính trị, là cái dùng vũ lực. Như Engels3 diễn đạt, nó là ‘một vũ lực đàn áp đặc biệt’ để những kẻ cai trị ép buộc những người bị trị. ‘Quyền lực chính trị, được gọi đúng như thế’, Tuyên ngôn4 nói, ‘chỉ là quyền lực được tổ chức của một giai cấp để đàn áp giai cấp khác’. Lenin5 cho một mô tả tương tự: ‘Theo Marx, nhà nước là một cơ quan của sự thống trị giai cấp, một cơ quan để một giai cấp đàn áp giai cấp khác; mục đích của nó là tạo ra một ‘trật tự’ hợp pháp hoá và duy trì mãi mãi sự đàn áp này ..’ Nhà nước, tóm lại, chỉ là một phần của cỗ máy theo đó giai cấp thống trị tiếp tục cuộc đấu tranh của nó.
Trước khi tiếp tục trình bày các hệ quả của cách nhìn này về nhà nước, có thể chỉ ra rằng nó là một lí thuyết một phần mang tính thể chế một phần mang tính bản chất luận. Nó mang tính thể chế ở chừng mực Marx cố biết chắc các thể chế pháp lí có các chức năng thực tiễn nào trong đời sống xã hội. Nhưng nó mang tính bản chất luận ở mức độ Marx không thẩm tra tính đa dạng của các mục đích mà các thể chế này có lẽ có thể phục vụ (hay khiến phải phục vụ), cũng chẳng gợi ý các cải cách thể chế nào là cần thiết nhằm làm cho nhà nước phụng sự các mục đích mà bản thân ông có thể cho là đáng mong muốn. Thay cho đưa ra các đòi hỏi hay đề xuất của mình về các chức năng mà ông muốn nhà nước, các thể chế pháp lí hay chính phủ thực hiện, ông hỏi ‘Nhà nước là gì?’; tức là, ông thử khám phá ra chức năng bản chất của các thể chế pháp lí. Đã được chứng tỏ ở trước6 rằng một câu hỏi bản chất luận điển hình như vậy không thể được trả lời một cách thoả đáng; thế nhưng câu hỏi này, không nghi ngờ gì, hoà hợp với cách tiếp cận bản chất luận và siêu hình học của Marx diễn giải lĩnh vực tư tưởng và chuẩn mực như diện mạo (bề ngoài) của một thực tại kinh tế.
Các hệ quả của lí thuyết này về nhà nước là gì? Hệ quả quan trọng nhất là mọi hoạt động chính trị, mọi thể chế pháp lí và chính trị cũng như mọi cuộc đấu tranh chính trị, chẳng bao giờ có thể có tầm quan trọng hàng đầu. Chính trị là bất lực. Chúng chẳng bao giờ có thể thay đổi thực tại kinh tế một cách quyết định. Nhiệm vụ chính, nếu không phải là duy nhất, của bất cứ hoạt động chính trị được soi sáng nào là để thấy rằng những thay đổi về cái vỏ bọc pháp lí-chính trị theo kịp với những thay đổi về thực tại xã hội, tức là, về tư liệu sản xuất và về các quan hệ giữa các giai cấp; bằng cách này, có thể tránh được các khó khăn nhất thiết nảy sinh nếu chính trị tụt hậu so với những tiến triển này. Hay nói cách khác, các diễn tiến chính trị hoặc là nông cạn, không được quyết định bởi thực tại sâu hơn của hệ thống xã hội, trong trường hợp đó nó bị cho là không quan trọng, và chẳng bao giờ có thể là sự giúp đỡ thật sự cho người bị đàn áp và bị bóc lột; hoặc khác đi chúng biểu lộ một sự thay đổi về nền tảng kinh tế và địa vị giai cấp, trong trường hợp đó chúng mang đặc tính của sự phun trào núi lửa, của các cuộc cách mạng trọn vẹn những cái có lẽ có thể được thấy trước, vì chúng nảy sinh từ hệ thống xã hội, và tính dữ dội của chúng khi đó có thể được làm nhẹ bớt bởi sự không kháng cự các lực phun trào, nhưng hành động chính trị chẳng gây ra cũng không chặn được các lực đó.
Các hệ quả này lại cho thấy sự thống nhất của hệ thống tư tưởng lịch sử chủ nghĩa của Marx. Thế nhưng xét rằng có ít phong trào đã làm nhiều như chủ nghĩa Marx để kích thích sự quan tâm đến hoạt động chính trị, thì lí thuyết về sự bất lực cơ bản của chính trị tỏ ra hơi nghịch lí. (Các nhà Marxist, tất nhiên, có thể đáp ứng nhận xét này bằng một trong hai lí lẽ. Một là, trong lí thuyết được trình bày, hoạt động chính trị có chức năng của nó; vì cho dù bằng các hoạt động của mình đảng lao động không thể cải thiện nhiều cho quần chúng bị bóc lột, cuộc chiến đấu của nó đánh thức ý thức giai cấp và vì thế chuẩn bị cho cách mạng. Đây có thể là lí lẽ của cánh cấp tiến. Lí lẽ khác, được cánh ôn hoà dùng, khẳng định rằng có thể có các giai đoạn lịch sử trong đó hoạt động chính trị có thể giúp ích trực tiếp; cụ thể là, các giai đoạn trong đó lực của hai giai cấp đối lập nhau là gần cân bằng. Trong các giai đoạn như vậy, nỗ lực và năng lực chính trị có thể là quyết định để đạt những cải thiện rất đáng kể cho những người lao động. – Rõ ràng là lí lẽ thứ hai này hi sinh một vài lập trường cơ bản của lí thuyết, nhưng do không biết điều này, và do đó mà không đi đến gốc rễ của vấn đề).
Đáng lưu ý là theo lí thuyết của Marx, đảng lao động khó có thể phạm sai lầm chính trị quan trọng nào, chừng nào đảng tiếp tục đóng vai được phân của nó, và hăng hái thúc ép các yêu sách của những người lao động. Vì các sai lầm chính trị không thể ảnh hưởng thiết yếu đến địa vị giai cấp thật sự, và thậm chí còn ít hơn đến thực tại kinh tế mà mọi thứ khác cuối cùng đều phụ thuộc vào.
Một hệ quả quan trọng khác của lí thuyết là, về nguyên tắc, mọi chính thể, ngay cả chính thể dân chủ, đều là một nền chuyên chính của giai cấp thống trị lên giai cấp bị trị. ‘Hành pháp của nhà nước hiện đại’, Tuyên ngôn nói7, ‘chỉ là một uỷ ban để quản lí công việc kinh tế của toàn bộ giai cấp tư sản ..’ Cái chúng ta gọi là một nền dân chủ, theo lí thuyết này, chẳng là gì mà là hình thức chuyên chính giai cấp tình cờ là hình thức thuận tiện nhất ở một tình thế lịch sử nhất định. (Lí thuyết này không phù hợp rất tốt với lí thuyết cân bằng giai cấp của cánh ôn hoà được nhắc tới ở trên). Và hệt như nhà nước, dưới chủ nghĩa tư bản, là một nền chuyên chính của giai cấp tư sản, cũng thế, sau cách mạng xã hội, lần đầu tiên nó sẽ là nền chuyên chính vô sản. Nhưng nhà nước vô sản này phải mất chức năng của nó ngay khi sự kháng cự của giai cấp tư sản già nua bị đập tan. Vì cách mạng vô sản dẫn đến một xã hội một giai cấp, và vì thế đến một xã hội phi giai cấp trong đó có thể không có nền chuyên chính giai cấp. Như thế nhà nước, bị tước mất bất cứ chức năng nào, phải biến mất. ‘Nó teo đi’, như Engels nói.8
II
Tôi chẳng hề bảo vệ lí thuyết của Marx về nhà nước một chút nào. Lí thuyết của ông về sự bất lực của mọi hoạt động chính trị, cá biệt hơn, và quan điểm của ông về nền dân chủ, tỏ ra đối với tôi không chỉ là các sai lầm, mà là các sai lầm chí tử. Nhưng phải thừa nhận rằng đứng đằng sau các lí thuyết ác nghiệt cũng như tài tình này, là một kinh nghiệm ác nghiệt và gây phiền muộn. Và mặc dù, theo tôi, Marx đã không hiểu tương lai mà ông đã muốn đoán trước một cách sắc sảo đến vậy, dường như đối với tôi ngay cả các lí thuyết sai lầm của ông vẫn là bằng chứng về cái nhìn thấu hiểu sắc sảo của ông vào các điều kiện của thời ông, và về chủ nghĩa nhân đạo và tri giác công bằng vô địch của ông.
Lí thuyết của Marx về nhà nước, bất chấp tính chất trừu tượng và triết lí của nó, rõ ràng cung cấp một diễn giải soi sáng về thời kì lịch sử của riêng ông. Nó chí ít là một cách nhìn có thể đứng vững rằng cái gọi là ‘cách mạng công nghiệp’ đầu tiên diễn tiến chủ yếu như một cuộc cách mạng về ‘các phương tiện vật chất của sản xuất’, tức là về máy móc; rằng việc này tiếp theo dẫn đến một sự biến đổi kết cấu giai cấp của xã hội, và như thế đến một hệ thống xã hội mới; và rằng các cuộc cách mạng chính trị và những biến đổi khác của hệ thống pháp lí đến chỉ như bước thứ ba. Cho dù diễn giải Marxist này về ‘sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản’ đã bị thách thức bởi các nhà lịch sử những người đã có khả năng bóc trần một số nền tảng ý thức hệ nằm sâu (những cái có lẽ không hoàn toàn bị Marx9 nghi ngờ, tuy mang tính huỷ hoại cho lí thuyết của ông), không có mấy nghi ngờ về giá trị của diễn giải Marxist với tư cách là sự gần đúng đầu tiên, và về sự giúp đỡ cho các môn đồ của ông trong lĩnh vực này. Và dẫu cho một số diễn tiến do Marx nghiên cứu đã được các biện pháp lập pháp cổ vũ một cách có chủ tâm, và quả thực chỉ lập pháp làm cho nó có thể (như bản thân Marx nói10), chính ông là người đầu tiên thảo luận ảnh hưởng của các diễn tiến kinh tế và các lợi ích kinh tế lên việc lập pháp, và chức năng của các biện pháp lập pháp như vũ khí trong đấu tranh giai cấp, và đặc biệt như các phương tiện để tạo ra một ‘dân cư dư thừa’, và với nó, tạo ra giai cấp vô sản công nghiệp.
Là rõ từ nhiều đoạn của Marx rằng những quan sát này chứng thực cho ông về niềm tin rằng hệ thống pháp lí-chính trị chỉ là một ‘kiến trúc thượng tầng’11 trên hệ thống xã hội, tức là hệ thống kinh tế; một lí thuyết, tuy rõ ràng bị bác bỏ bởi kinh nghiệm tiếp sau12, không chỉ vẫn là lí thú, mà, tôi gợi ý, cũng chứa một chút sự thật.
Nhưng không chỉ quan điểm chung của Marx về các quan hệ giữa hệ thống kinh tế và hệ thống chính trị bị kinh nghiệm lịch sử của ông ảnh hưởng theo cách này; quan điểm của ông, đặc biệt hơn, về chủ nghĩa tự do và nền dân chủ, mà ông coi chẳng là gì ngoài bức màn che cho chế độ chuyên chế của giai cấp tư sản, cung cấp một diễn giải về tình hình xã hội của thời ông dường như quá hợp với, và có thể nói như vậy, được củng cố bởi, kinh nghiệm đáng buồn. Vì Marx đã sống, đặc biệt trong các năm ông còn trẻ, trong một thời kì bóc lột vô liêm sỉ và tàn bạo nhất. Và sự bóc lột vô liêm sỉ này lại được bảo vệ một cách trơ tráo bởi những người biện hộ giả nhân giả nghĩa những người viện dẫn đến nguyên lí về quyền tự do của con người, đến quyền của con người để quyết định vận mệnh riêng của mình, và để tự do tham gia vào bất cứ hợp đồng nào mà anh ta coi là có lợi cho các lợi ích của mình.
Dùng khẩu hiệu ‘cạnh tranh bình đẳng và tự do cho mọi người’, chủ nghĩa tư bản vô độ của thời kì này đã kháng cự thành công mọi pháp chế lao động cho đến 1833, và việc thực thi thực tiễn của nó cho nhiều năm nữa13. Hệ quả là một cuộc sống u sầu và cùng cực hầu như ngày nay không thể tượng tưởng nổi. Đặc biệt là sự bóc lột phụ nữ và trẻ em đã dẫn đến thống khổ không thể tin được. Đây là hai thí dụ, được trích từ Tư bản của Marx: ‘William Wood, 9 tuổi, bắt đầu làm việc khi em 7 tuổi và 9 tháng .. Em đi làm mỗi ngày trong tuần lúc 6 giờ sáng, và ra về khoảng 9 giờ tối ..’ ‘Mười lăm giờ làm việc cho một đứa trẻ 7 tuổi!’ một báo cáo chính thức14 của Uỷ ban Việc làm Trẻ em ca thán năm 1863. Các em nhỏ khác buộc phải bắt đầu làm việc lúc 4 giờ sáng, hay phải làm việc suốt đêm đến 6 giờ sáng, và không hiếm đối với trẻ em mới chỉ sáu tuổi bị buộc làm việc cực nhọc 15 giờ mỗi ngày. –‘Mary Anne Walkley đã làm việc không ngơi 26, 5 giờ, cùng với sáu mươi cháu gái khác, ba chục đứa trong một phòng .. Một bác sĩ, ông Keys, được mời đến quá muộn, đã làm chứng trước ban điều tra các vụ chết bất thường rằng “Mary Anne Walkley đã chết vì làm việc quá lâu trong một phòng quá chật ..” Muốn lên lớp cho ông này một cách rộng lượng, ban điều tra các vụ chết bất thường đưa ra một phán quyết vì mục đích này rằng “người quá cố đã chết vì đột quỵ, nhưng có lí do để e ngại rằng cái chết của cháu đã bị việc làm thêm quá sức trong một phòng làm việc quá chật đẩy nhanh thêm”.’15 Các điều kiện làm việc của giai cấp lao động là như thế ngay cả vào năm 1863, khi Marx viết Tư bản; sự phản đối bốc lửa của ông chống lại các tội các này, mà khi đó lại được dung thứ, và đôi khi thậm chí được bảo vệ, không chỉ bởi các nhà kinh tế chuyên nghiệp mà cả bởi những người trong giáo hội, sẽ đảm bảo cho ông mãi mãi một vị trí giữa những người giải phóng nhân loại.
Căn cứ vào các kinh nghiệm như vậy, chúng ta không cần ngạc nhiên rằng Marx đã không nghĩ về chủ nghĩa tự do rất cao quý, và rằng ông thấy ở nền dân chủ nghị viện chẳng gì ngoài sự chuyên chính được che đậy của giai cấp tư sản. Và là dễ đối với ông để diễn giải các sự thực này như hỗ trợ cho phân tích của ông về quan hệ giữa hệ thống pháp lí và hệ thống xã hội. Theo hệ thống pháp lí, bình đẳng và quyền tự do được xác lập, chí ít một cách gần đúng. Nhưng điều này có ý nghĩa gì trong thực tế! Quả thực, chúng ta không được đổ lỗi cho Marx vì sự nhấn mạnh rằng chỉ riêng các sự kiện kinh tế là ‘thực’ và hệ thống pháp lí có thể chỉ là một kiến trúc thượng tầng đơn thuần, một cái màn che thực tế này, và là một công cụ của sự thống trị giai cấp.
Sự đối lập giữa hệ thống pháp lí và hệ thống xã hội được trình bày rõ nhất trong Tư bản. Ở một trong các phần lí thuyết của nó (được thảo luận đầy đủ hơn ở chương 20), Marx tiếp cận sự phân tích hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa bằng dùng giả thiết đơn giản hoá và lí tưởng hoá rằng hệ thống pháp lí là hoàn hảo trong mọi khía cạnh. Quyền tự do, bình đẳng trước pháp luật, công lí, tất cả đều được giả sử được đảm bảo cho tất cả mọi người. Không có các giai cấp đặc quyền nào trước pháp luật. Ngoài điều đó ra, ông giả sử rằng ngay cả trong lĩnh vực kinh tế không có bất cứ ‘sự ăn cướp’ nào; ông giả sử rằng một ‘giá công bằng’ được trả cho mọi mặt hàng, kể cả sức lao động mà công nhân bán cho nhà tư bản trên thị trường lao động. Giá cho tất cả các mặt hàng này là ‘công bằng’, theo nghĩa rằng mọi mặt hàng được mua và bán theo tỉ lệ với lượng lao động trung bình cần cho tái sản xuất ra chúng (hay dùng thuật ngữ của Marx, chúng được mua và bán theo ‘giá trị’ thật của chúng16). Tất nhiên, Marx biết rằng tất cả điều này là một sự quá đơn giản hoá, vì ý kiến của ông rằng các công nhân hầu như chưa từng được đối xử công bằng như thế; nói cách khác, họ thường bị lừa. Nhưng lí lẽ từ các tiền đề lí tưởng hoá này, ông cố gắng chứng minh rằng ngay cả dưới một hệ thống pháp lí tuyệt vời như vậy, hệ thống kinh tế vẫn hoạt động theo cách mà các công nhân không thể có khả năng hưởng quyền tự do của họ. Bất chấp tất cả ‘công lí’ này, họ có thể không mấy khá hơn các nô lệ17. Vì nếu họ nghèo, họ chỉ có thể bán bản thân họ, vợ con họ trên thị trường lao động, với giá cần thiết để tái tạo sức lao động của họ. Tức là, cho toàn bộ sức lao động của họ, họ sẽ không nhận được nhiều hơn mức sống tối thiểu nhất. Điều này chứng tỏ rằng sự bóc lột không chỉ là sự ăn cướp. Nó không thể được loại bỏ chỉ bằng các phương tiện pháp lí. (Và phê phán của Proudhon rằng ‘tài sản là kẻ trộm’ là quá nông cạn18).
Do kết quả của việc này, đã dẫn Marx đi đến tin rằng các công nhân không thể hi vọng nhiều từ sự cải thiện của một hệ thống pháp lí mà mọi người đều biết là hệ thống ban đều nhau cho người giàu và kẻ nghèo quyền tự do ngủ trên ghế băng [ở công viên], và đe doạ họ đều nhau với sự trừng phạt cho nỗ lực để sống ‘mà không có các phương tiện hỗ trợ hữu hình’. Theo cách này Marx đã đi đến cái có thể được gọi (bằng ngôn ngữ Hegelian) là sự phân biệt giữa quyền tự do hình thức và quyền tự do vật chất. Quyền tự do hình thức19 hay pháp lí, mặc dù Marx không đánh giá nó thấp, hoá ra là hoàn toàn không đủ để đảm bảo cho chúng ta quyền tự do đó mà ông coi là mục đích của sự phát triển lịch sử của nhân loại. Cái có ý nghĩa là quyền tự do thật, tức là quyền tự do kinh tế hay vật chất. Điều này có thể đạt được chỉ bằng sự giải phóng đều nhau khỏi công việc nặng nhọc. Cho sự giải phóng này, ‘việc cắt ngắn ngày làm việc là điều kiện tiên quyết cơ bản’.
III
Chúng ta phải nói gì về phân tích của Marx? Chúng ta phải tin rằng chính trị, hay khung khổ của các thể chế pháp lí, là thực chất bất lực để cứu chữa một tình hình như vậy, và rằng chỉ một cuộc cách mạng xã hội toàn diện, một sự thay đổi hoàn toàn về ‘hệ thống xã hội’, mới có thể cứu chữa? Hay chúng ta phải tin những người bảo vệ một hệ thống ‘tư bản chủ nghĩa’ vô độ, những người nhấn mạnh (tôi nghĩ một cách đúng đắn) rằng lợi ích rất to lớn phải thu được từ cơ chế của các thị trường tự do, và họ kết luận từ điều này rằng một thị trường lao động tự do thật sự có thể có ích lợi lớn nhất cho tất cả những người liên quan?
Tôi tin rằng sự bất công và tính vô nhân đạo của ‘chủ nghĩa tư bản’ vô độ do Marx mô tả là không thể bị nghi ngờ; nhưng nó có thể được diễn giải bằng cái chúng ta gọi, ở một chương trước20, là nghịch lí về quyền tự do. Quyền tự do, như chúng ta đã thấy, tự thủ tiêu mình, nếu nó không bị hạn chế. Quyền tự do vô hạn có nghĩa là một kẻ mạnh tự do ức hiếp người yếu và cướp mất quyền tự do của anh ta. Đây là lí do vì sao chúng ta đòi nhà nước phải hạn chế quyền tự do ở một mức nhất định, sao cho quyền tự do của mỗi người được luật pháp bảo vệ. Không ai bị phó mặc cho những người khác định đoạt, mà tất cả mọi người phải có quyền được nhà nước bảo vệ.
Mà tôi tin rằng những cân nhắc này, khởi đầu có ý để áp dụng cho lĩnh vực vũ lực, hăm doạ bạo lực, phải được áp dụng cả cho lĩnh vực kinh tế nữa. Cho dù nhà nước có bảo vệ các công dân của mình khỏi bị bạo lực ức hiếp (như nó làm, về nguyên tắc, dưới chủ nghĩa tư bản vô độ), nó có thể làm tiêu tan các mục đích của chúng ta do nó thất bại trong bảo vệ họ khỏi sự lạm dụng của quyền lực kinh tế. Trong một nhà nước như vậy, kẻ mạnh về kinh tế vẫn tự do ức hiếp người yếu về mặt kinh tế, và cướp mất quyền tự do của anh ta. Trong các hoàn cảnh này, quyền tự do kinh tế vô hạn có thể tự-thất bại hệt như quyền tự do thân thể vô hạn, và quyền lực kinh tế có thể cũng gần nguy hiểm như bạo lực; vì những người có dư thừa thực phẩm có thể buộc những người đói vào một tình trạng nô lệ được chấp nhận ‘một cách tự do’, mà không sử dụng bạo lực. Và giả sử rằng nhà nước giới hạn các hoạt động của nó ở ngăn chặn bạo lực (và ở bảo vệ tài sản), một thiểu số mạnh về kinh tế bằng cách này có thể bóc lột đa số những người yếu về kinh tế.
Nếu phân tích này là đúng21, thì bản tính của việc cứu chữa là rõ. Nó phải là một sự cứu chữa chính trị - một sự cứu chữa tương tự như cái ta dùng chống lại bạo lực. Chúng ta phải xây dựng các thể chế xã hội, được thực thi bằng sức mạnh của nhà nước, để bảo vệ những người yếu về kinh tế khỏi những kẻ mạnh về kinh tế. Nhà nước phải lo liệu để không ai phải tham gia vào một dàn xếp bất công bằng do sợ chết đói, hay phá sản kinh tế.
Điều này, tất nhiên, có nghĩa là phải từ bỏ nguyên lí không can thiệp của hệ thống kinh tế không bị kiềm chế [vô độ]; nếu chúng ta muốn quyền tự do được bảo vệ, thì chúng ta phải đòi chính sách về quyền tự do kinh tế vô độ được thay thế bằng chính sách can thiệp kinh tế có kế hoạch của nhà nước. Chúng ta đòi rằng chủ nghĩa tư bản vô độ nhường đường cho một chủ nghĩa can thiệp kinh tế 22. Và đây chính xác là cái đã xảy ra. Hệ thống kinh tế do Marx mô tả và bị ông phê phán đã ngưng tồn tại ở mọi nơi. Nó đã được thay thế, không phải bằng một hệ thống trong đó nhà nước bắt đầu mất các chức năng của nó và do đó ‘có các dấu hiệu teo đi’, mà bằng các hệ thống can thiệp chủ nghĩa khác nhau, trong đó các chức năng của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đã mở rộng vượt xa sự bảo vệ tài sản và ‘các hợp đồng tự do’. (Sự phát triển này sẽ được thảo luận ở các chương tiếp).
IV
Tôi muốn đặc trưng điểm đã đạt đến ở đây như điểm quan trọng trung tâm nhất của phân tích của chúng ta. Chỉ ở đây chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu rõ tầm quan trọng của sự va chạm giữa chủ nghĩa lịch sử và kĩ thuật xã hội, và ảnh hưởng của nó lên chính sách của các bạn hữu của xã hội mở.
Chủ nghĩa Marx đòi là nhiều hơn một khoa học. Nó làm nhiều hơn là đưa ra một tiên tri lịch sử. Nó đòi là cơ sở cho hành động chính trị thực tiễn. Nó phê phán xã hội hiện tồn, và nó khẳng định rằng nó có thể dẫn đường đến một thế giới tốt hơn. Nhưng theo lí thuyết riêng của Marx, chúng ta không thể tuỳ ý thay đổi thực tại kinh tế, thí dụ, bằng các cải cách pháp lí. Chính trị không thể làm nhiều hơn việc ‘cắt ngắn và giảm nhẹ cơn đau đẻ’.23 Đây, tôi nghĩ, là một cương lĩnh chính trị cực kì tồi, và sự nghèo nàn của nó là hệ quả của vị trí thứ ba mà nó qui cho quyền lực chính trị trong thứ bậc quyền lực. Theo Marx, quyền lực thật sự nằm ở sự tiến hoá của máy móc; quan trọng kế tiếp là hệ thống các mối quan hệ giai cấp về kinh tế và ảnh hưởng quan trọng ít nhất là của chính trị.
Một quan điểm đối lập hoàn toàn được ngụ ý trong lập trường mà chúng ta đạt tới trong phân tích của mình. Nó coi quyền lực chính trị là cơ bản. Quyền lực chính trị, từ quan điểm này, có thể kiểm soát quyền lực kinh tế. Điều này có nghĩa là một sự mở rộng bao la của lĩnh vực hoạt động chính trị. Chúng ta có thể hỏi chúng ta muốn đạt cái gì và đạt nó ra sao. Chúng ta có thể, thí dụ, phát triển một cương lĩnh chính trị để bảo vệ những người yếu về mặt kinh tế. Chúng ta có thể đưa ra luật để hạn chế bóc lột. Chúng ta có thể giới hạn ngày làm việc; nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn nhiều. Bằng luật, chúng ta có thể bảo hiểm cho người lao động (hay tốt hơn, cho mọi công dân) để đề phòng tàn tật, thất nghiệp và tuổi già. Bằng cách này chúng ta có thể làm cho không thể có các hình thức bóc lột như dựa vào vị thế kinh tế bất lực của người lao động người phải chịu mọi thứ để khỏi bị chết đói. Và khi bằng luật chúng ta có khả năng đảm bảo một kế sinh nhai cho tất cả mọi người muốn làm việc, và không có lí do vì sao chúng ta lại không đạt điều đó, thì sự bảo vệ quyền tự do của công dân khỏi nỗi sợ kinh tế và sự đe doạ kinh tế sẽ đạt trọn vẹn. Từ quan điểm này, quyền lực chính trị là chìa khoá cho sự bảo vệ kinh tế. Quyền lực chính trị và sự kiểm soát của nó là cái quan trọng bậc nhất. Quyền lực kinh tế không được phép chế ngự quyền lực chính trị; nếu cần thiết, phải chiến đấu và đưa nó dưới sự kiểm soát của quyền lực chính trị.
Từ quan điểm đã đạt, chúng ta có thể nói rằng thái độ coi rẻ quyền lực chính trị không chỉ có nghĩa là ông sao lãng việc phát triển một lí thuyết về các phương tiện tiềm năng quan trọng nhất để cải thiện số phận của người yếu về kinh tế, mà ông cũng bỏ mặc mối nguy hiểm tiềm tàng lớn nhất đối với quyền tự do con người. Quan điểm ấu trĩ của ông rằng, trong một xã hội phi giai cấp, quyền lực nhà nước sẽ mất chức năng của nó và ‘teo đi’ chứng tỏ rất rõ là ông đã chẳng bao giờ nắm được nghịch lí về quyền tự do, và ông đã chẳng bao giờ hiểu chức năng mà quyền lực nhà nước có thể và phải thực hiện, nhằm phụng sự quyền tự do và nhân loại. (Dù sao quan điểm này của Marx là bằng chứng cho sự thực rằng ông, cuối cùng, là một nhà cá nhân chủ nghĩa, bất chấp lời kêu gọi tập thể chủ nghĩa của ông về giác ngộ giai cấp). Theo cách này, quan điểm Marxian là giống với lòng tin tự do (liberal) rằng tất cả cái chúng ta cần là ‘bình đẳng về cơ hội’. Chắc chắn chúng ta cần điều này. Nhưng nó là không đủ. Nó không bảo vệ những người ít có năng khiếu, hay ít nhẫn tâm, hay ít may mắn khỏi trở thành các đối tượng bóc lột cho những người có năng khiếu hơn, hay nhẫn tâm hơn, hay may mắn hơn.
Hơn nữa, từ quan điểm chúng ta đã đạt được, cái mà các nhà Marxist mô tả một cách miệt thị như ‘chỉ là quyền tự do hình thức’ trở thành cơ sở của tất cả mọi thứ khác. ‘Quyền tự do hình thức đơn thuần’ này, tức là nền dân chủ, quyền của nhân dân để phán xử và sa thải chính phủ của họ, là công cụ được biết đến duy nhất theo đó chúng ta có thể thử bảo vệ chính mình chống lại sự lạm dụng quyền lực chính trị24; đó là sự kiểm soát của những người bị trị đối với những người cai trị. Không có sự kiểm soát dân chủ, không thể có lí do trần tục nào vì sao bất cứ chính phủ nào lại không sử dụng quyền lực chính trị và kinh tế của nó cho các mục đích rất khác với sự bảo vệ quyền tự do của các công dân của nó.
V
Chính vai trò cơ bản của ‘quyền tự do hình thức’ mà các nhà Marxist đã bỏ qua, họ nghĩ rằng nền dân chủ hình thức là không đủ và muốn bổ sung nó bằng cái họ thường gọi là ‘nền dân chủ kinh tế’; một lối nói mơ hồ và hoàn toàn hời hợt làm lu mờ sự thực rằng ‘quyền tự do hình thức đơn thuần’ là đảm bảo duy nhất của chính sách kinh tế dân chủ.
Marx đã khám phá ra tầm quan trọng của quyền lực kinh tế; và có thể hiểu được rằng ông cường điệu địa vị của nó. Ông và các nhà Marxist thấy quyền lực kinh tế ở mọi nơi. Lí lẽ của họ là: người có tiền là người có quyền lực; vì nếu cần thiết, hắn có thể mua súng và thậm chí mua bọn kẻ cướp. Nhưng đây là một lí lẽ quanh co. Thực ra, nó hàm chứa một sự thú nhận rằng người có súng là người có quyền lực. Và nếu hắn kẻ có súng lại biết điều này, thì chẳng bao lâu cho đến khi hắn có cả súng lẫn tiền. Nhưng dưới chủ nghĩa tư bản vô độ, lí lẽ của Marx là thích hợp, ở mức độ nào đó; vì một sự cai trị chỉ phát triển các thể chế để kiểm soát súng và bọn kẻ cướp nhưng không kiểm soát quyền lực của tiền hẳn có thể rơi vào ảnh hưởng của quyền lực này. Trong một nhà nước như vậy, một chủ nghĩa kẻ cướp không bị kiểm soát về của cải có thể thống trị. Nhưng bản thân Marx, tôi nghĩ, có thể là người đầu tiên thừa nhận rằng điều này không đúng với mọi nhà nước; rằng đã có các thời kì trong lịch sử khi, thí dụ, mọi sự bóc lột đã là sự cướp bóc, dựa trực tiếp vào sức mạnh của bàn tay sắt. Và ngày nay sẽ có ít người đi ủng hộ quan điểm ấu trĩ rằng ‘sự tiến bộ của lịch sử’ đã một lần và mãi mãi chấm dứt những cách bóc lột người trực tiếp hơn này, và rằng, một khi quyền tự do hình thức đã được thiết lập, là không thể đối với chúng ta để lại rơi vào sự thống trị của các hình thức bóc lột thô thiển như vậy.
Những cân nhắc này có thể là đủ để bác bỏ học thuyết giáo điều rằng sức mạnh kinh tế là cơ bản hơn sức mạnh cơ thể, hay hơn quyền lực của nhà nước. Nhưng cũng có các cân nhắc khác. Như đã được nhấn mạnh đúng đắn bởi nhiều tác giả (trong số họ có Bertrand Russell và Walter Lippmann25), chính chỉ sự can thiệp tích cực của nhà nước - sự bảo vệ tài sản bằng luật pháp với những trừng phạt vũ lực đứng đằng sau – là cái làm cho của cải là một nguồn tiềm tàng về quyền lực; vì không có sự can thiệp này, một người sẽ mau chóng trở nên không có sự giàu có của mình. Quyền lực kinh tế vì thế hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực chính trị và sức mạnh cơ thể. Russell cho các thí dụ lịch sử minh hoạ cho sự phụ thuộc này, và đôi khi ngay cả tình trạng bất lực của sự giàu có: ‘Quyền lực kinh tế trong phạm vi nhà nước’, ông viết26, ‘mặc dù cuối cùng xuất phát từ luật và công luận, dễ dàng có được một sự độc lập nhất định. Nó có thể ảnh hưởng đến luật pháp bằng hối lộ và đến dư luận bằng tuyên truyền. Nó có thể đặt các chính trị gia dưới những sự chịu ơn những cái cản trở quyền tự do của họ. Nó có thể đe doạ gây ra một khủng hoảng tài chính. Nhưng có các giới hạn rất rõ ràng cho cái nó có thể đạt được. Cæsar đã được các chủ nợ của ông giúp lên nắm quyền, những người không thấy hi vọng nào về việc trả nợ trừ thông qua thành công của ông; nhưng sau khi đã thành công ông ta đã đủ mạnh để thách đố họ. Charles V đã vay những người Fugger số tiền cần để mua địa vị Hoàng đế, nhưng sau khi đã trở thành Hoàng đế ông đã phẩy tay vào họ và họ đã mất số tiền đã cho vay’.
Giáo lí rằng quyền lực kinh tế là gốc rễ của mọi cái xấu phải bị vứt bỏ. Nó phải nhường chỗ cho một sự hiểu biết về các mối nguy hiểm của bất cứ hình thức quyền lực không được kiểm soát nào. Tiền như nó vốn là không đặc biệt nguy hiểm. Nó trở nên nguy hiểm chỉ nếu nó có thể mua quyền lực, hoặc trực tiếp, hay bằng nô dịch hoá những người yếu về kinh tế những người phải bán bản thân mình để sống.
Chúng ta phải nghĩ về các vấn đề này dưới dạng vật chất, có thể nói như thế, thậm chí hơn cả Marx đã nghĩ. Chúng ta phải nhận ra rằng kiểm soát vũ lực và sự bóc lột thể chất vẫn là vấn đề chính trị trung tâm. Để thiết lập sự kiểm soát này, chúng ta phải thiết lập ‘quyền tự do hình thức đơn thuần’. Một khi chúng ta đã xác lập quyền này, và đã học được sử dụng nó thế nào để kiểm soát quyền lực chính trị, thì mọi thứ tuỳ thuộc vào chúng ta. Chúng ta không còn được đổ lỗi cho bất kì ai khác nữa, cũng chẳng được gào thét chống lại ma quỷ kinh tế độc ác ở hậu trường. Vì trong một nền dân chủ, chúng ta nắm các chìa khoá để kiểm soát lũ ma quỷ. Chúng ta có thể thuần phục chúng. Chúng ta phải hiểu rõ điều này và sử dụng các chìa khoá; chúng ta phải xây dựng các thể chế cho kiểm soát dân chủ đối với quyền lực kinh tế, và cho sự bảo vệ chúng ta khỏi sự bóc lột kinh tế.
Các nhà Marxist đã chế nhạo nhiều về khả năng mua phiếu bầu, hoặc trực tiếp hay bằng tuyên truyền. Nhưng xem xét kĩ hơn cho thấy rằng ở đây chúng ta có một thí dụ tốt về hoàn cảnh chính trị-quyền lực được phân tích ở trên. Một khi chúng ta đã đạt được quyền tự do hình thức, chúng ta có thể kiểm soát việc mua phiếu bầu trong mọi dạng. Có các luật để hạn chế chi tiêu về vận động bầu cử, và hoàn toàn tuỳ thuộc vào chúng ta để thấy rằng các luật nghiêm ngặt hơn nhiều thuộc loại này đã được đưa ra27. Hệ thống pháp lí có thể biến thành một công cụ hùng mạnh để bảo vệ chính nó. Ngoài ra, chúng ta có thể ảnh hưởng đến dư luận, và nhất quyết về một quy tắc đạo đức cứng nhắc hơn nhiều trong các vấn đề chính trị. Tất cả điều này chúng ta có thể làm; nhưng đầu tiên chúng ta phải nhận ra rằng kĩ thuật xã hội thuộc loại này là nhiệm vụ của chúng ta, rằng nó nằm trong năng lực của chúng ta, và rằng ta không được đợi các cuộc động đất kinh tế tạo ra một thế giới kinh tế mới một cách kì diệu cho chúng ta, như thế tất cả cái chúng ta cần làm sẽ là kéo tấm vải che nó xuống, loại bỏ mặt nạ chính trị cũ rích.
VI
Tất nhiên, trong thực tiễn các nhà Marxist không bao giờ dựa hoàn toàn vào học thuyết về sự bất lực của quyền lực chính trị. Chừng nào họ có cơ hội để hành động, hay để trù tính hành động, họ thường, giống bất kể ai khác, cho rằng quyền lực chính trị có thể được dùng để kiểm soát quyền lực kinh tế. Nhưng các kế hoạch và hành động của họ chẳng bao giờ dựa vào một sự bác bỏ rõ ràng lí thuyết gốc của họ, cũng chẳng dựa vào bất cứ quan điểm được cân nhắc kĩ nào về vấn đề cơ bản nhất của mọi hoạt động chính trị: kiểm soát người đi kiểm soát, về sự tích tụ nguy hiểm của quyền lực do nhà nước đại diện. Họ chẳng bao giờ hiểu rõ đầy đủ tầm quan trọng của nền dân chủ như phương tiện được biết đến duy nhất để đạt được sự kiểm soát này.
Như một hệ quả họ không bao giờ nhận ra mối nguy hiểm cố hữu trong một chính sách làm tăng quyền lực của nhà nước. Mặc dù ít nhiều họ vô tình từ bỏ học thuyết về sự bất lực của chính trị, họ giữ lại quan điểm cho rằng quyền lực nhà nước không gây ra vấn đề quan trọng, và nó là xấu chỉ khi nằm trong tay giai cấp tư sản. Họ không nhận ra rằng mọi quyền lực, và quyền lực chính trị chí ít cũng nhiều như quyền lực kinh tế, là nguy hiểm. Như thế họ giữ lại công thức về chuyên chính vô sản. Họ không hiểu nguyên lí (so chương 8) rằng tất cả các hoạt động chính trị tầm lớn đều phải mang tính thể chế, không phải tính cá nhân; và khi nguỵ trang sự mở rộng quyền lực nhà nước (ngược với quan điểm của Marx về nhà nước) họ không bao giờ xét đến rằng các cá nhân xấu một ngày nào đó sẽ nắm được các quyền lực mở rộng này. Đây là một phần của lí do vì sao, ở chừng mực họ tiến hành cân nhắc sự can thiệp của nhà nước, họ trù tính cho nhà nước quyền lực hầu như vô hạn trong lĩnh vực kinh tế. Họ giữ lại lòng tin chỉnh thể luận và Không tưởng của Marx rằng chỉ một ‘hệ thống xã hội’ mới toanh mới có thể cải thiện được tình hình.
Tôi đã phê phán cách tiếp cận Không tưởng và Lãng mạn này đối với kĩ thuật [cải biến] xã hội ở một chương trước (chương 9). Nhưng tôi muốn nói thêm ở đây rằng sự can thiệp kinh tế, ngay cả các phương pháp từng phần được ủng hộ ở đây, sẽ có khuynh hướng tăng quyền lực của nhà nước. Chủ nghĩa can thiệp vì thế là cực kì nguy hiểm. Đây không phải là một lí lẽ quyết định chống lại nó; quyền lực nhà nước hẳn luôn vẫn là một cái xấu nguy hiểm mặc dù cần thiết. Nhưng phải là một lời cảnh báo rằng nếu chúng ta lơi là cảnh giác, và nếu chúng ta không tăng cường các thể chế dân chủ, mà lại cho nhà nước nhiều quyền lực hơn bằng ‘kế hoạch hoá’ can thiệp chủ nghĩa, thì chúng ta có thể mất quyền tự do của mình. Và nếu quyền tự do bị mất, mọi thứ đều bị mất, kể cả ‘kế hoạch hoá’. Vì tại sao lại phải thực hiện các kế hoạch cho phúc lợi của nhân dân nếu nhân dân không có quyền lực để buộc thực thi chúng? Chỉ có quyền tự do có thể làm cho an ninh được đảm bảo.
Như thế chúng ta thấy rằng không chỉ có nghịch lí về tự do mà cả nghịch lí về kế hoạch hoá nhà nước. Nếu chúng ta lập kế hoạch quá nhiều, nếu chúng ta cho nhà nước quá nhiều quyền lực, thì quyền tự do sẽ bị mất, và đó sẽ là sự kết liễu của kế hoạch hoá.
Các cân nhắc như vậy dẫn ta quay lại sự biện hộ của chúng ta cho các phương pháp kĩ thuật xã hội từng phần và chống lại phương pháp kĩ thuật xã hội Không tưởng hay chỉnh thể luận. Và chúng đưa ta quay lại với đòi hỏi của chúng ta rằng phải dự tính các biện pháp để đánh lui những cái xấu cụ thể hơn là đi thiết lập lí tưởng tốt nào đó. Sự can thiệp nhà nước phải được giới hạn ở những cái thật sự cần thiết để bảo vệ quyền tự do.
Nhưng là không đủ đi nói rằng giải pháp của chúng ta phải là một giải pháp tối thiểu; rằng chúng ta phải cảnh giác; và rằng chúng ta không được cho nhà nước nhiều quyền lực hơn mức cần thiết để bảo vệ quyền tự do. Các nhận xét này có thể nêu ra các vấn đề, nhưng chúng không chỉ ra con đường tới một lời giải. Thậm chí có thể hình dung là không có lời giải; rằng việc nhà nước giành được các quyền lực kinh tế mới – mà các quyền lực của nó, so với các quyền lực của công dân, là luôn lớn một cách nguy hiểm - sẽ làm cho nó không cưỡng nổi. Cho đến đây, chúng ta đã không chứng tỏ được rằng quyền tự do có thể được duy trì, cũng chẳng chứng tỏ được nó có thể được duy trì ra sao.
Trong các hoàn cảnh này có thể hữu ích để nhớ lại những cân nhắc của chúng ta ở chương 7 liên quan đến vấn đề về kiểm soát quyền lực chính trị và nghịch lí tự do.
VII
Sự phân biệt quan trọng mà chúng ta đã đưa ra ở đó là sự phân biệt giữa các cá nhân và các thể chế. Chúng ta đã chỉ ra rằng, trong khi vấn đề chính trị thường nhật có thể đòi hỏi một sự giải quyết cá nhân, tất cả chính sách dài hạn – và đặc biệt tất cả chính sách dài hạn dân chủ - phải được hình dung ở dạng các thể chế khách quan [phi nhân tính]. Và chúng ta đã chỉ ra, đặc biệt, rằng vấn đề về kiểm soát những người cai trị, và về kiểm tra các quyền lực của họ, chủ yếu là một vấn đề thể chế - ngắn gọn, là vấn đề thiết kế các thể chế để ngăn cản ngay cả các nhà cai trị tồi khỏi gây ra quá nhiều thiệt hại.
Các cân nhắc tương tự sẽ áp dụng cho vấn đề kiểm soát quyền lực kinh tế của nhà nước. Cái chúng ta sẽ phải đề phòng là các cá nhân và phòng chống sự độc đoán của họ. Một số loại thể chế có thể ban các quyền lực độc đoán cho một cá nhân; nhưng các loại khác sẽ từ chối chúng đối với cá nhân đó.
Nếu xem xét pháp chế lao động của chúng ta từ quan điểm này, thì ta sẽ thấy cả hai loại thể chế. Nhiều trong số các luật này tăng thêm rất ít quyền lực cho các cơ quan hành pháp của nhà nước. Có thể tưởng tượng, không thể phủ nhận, rằng các luật chống lao động trẻ em, thí dụ, có thể bị một công chức lạm dụng, để doạ dẫm, và chế ngự, một công dân vô tội. Nhưng các mối nguy hiểm thuộc loại này hầu như không nghiêm trọng nếu so với các nguy hiểm cố hữu trong pháp chế ban cho các nhà cai trị các quyền lực độc đoán, như quyền lực chỉ huy lao động 28. Tương tự, một luật qui định rằng việc công dân lạm dụng tài sản của mình phải bị trừng phạt bằng tước tài sản đó sẽ vô cùng ít nguy hiểm hơn luật ban cho các nhà cai trị, hay các viên chức nhà nước, các quyền lực độc đoán để trưng dụng tài sản của công dân.
Như thế chúng ta đi đến một sự phân biệt giữa hai phương pháp29 hoàn toàn khác nhau theo đó can thiệp kinh tế của nhà nước có thể được tiến hành. Loại thứ nhất là phương pháp thiết kế một ‘khung pháp lí’ của các thể chế phòng ngừa (các luật hạn chế quyền lực của các chủ sở hữu gia súc, hay của một chủ đất, là các thí dụ). Loại thứ hai là phương pháp trao quyền cho các cơ quan nhà nước để hành động – trong các giới hạn nhất định – như chúng thấy cần thiết để đạt các mục đích do các nhà cai trị đưa ra cho thời gian hiện tại. Chúng ta có thể mô tả phương pháp thứ nhất như can thiệp ‘thể chế’ hay ‘gián tiếp’, và loại thứ hai như can thiệp ‘cá nhân’ hay ‘trực tiếp’. (Tất nhiên, có các trường hợp trung gian).
Không thể có nghi ngờ gì, từ quan điểm kiểm soát dân chủ, loại nào trong các phương pháp này được ưa hơn. Chính sách hiển nhiên cho mọi can thiệp dân chủ là dùng phương pháp thứ nhất ở nơi điều này là có thể, và hạn chế dùng phương pháp thứ hai cho các trường hợp mà phương pháp thứ nhất là không đủ. (Có các trường hợp như vậy. Thí dụ cổ điển là Ngân sách – đây là sự biểu hiện của sự suy xét riêng và cảm giác của Thủ tướng về cái gì là hợp tình hợp lí và công bằng. Và có thể tưởng tượng được tuy rất không đáng mong muốn là một biện pháp theo chu trình ngược có thể có một đặc tính tương tự).
Từ quan điểm của kĩ thuật xã hội từng phần, sự khác biệt giữa hai phương pháp là rất quan trọng. Chỉ có loại thứ nhất, phương pháp thể chế, làm cho có thể đưa ra các hiệu chỉnh dưới ánh sáng của thảo luận và kinh nghiệm. Chỉ riêng nó làm cho có thể áp dụng phương pháp thử và sai cho các hành động chính trị của chúng ta. Nó có tầm dài hạn; thế nhưng khung pháp lí có thể thay đổi chậm, nhằm tính đến các hệ quả không thấy trước được và không mong muốn, đến những thay đổi ở các phần khác của khung khổ, v.v. Chỉ riêng nó cho phép chúng ta tìm ra, bằng kinh nghiệm và phân tích, cái chúng ta thực sự tiến hành khi chúng ta can thiệp với một mục tiêu nào đó trong đầu. Các quyết định tuỳ ý của các nhà cai trị hay các công chức là ở ngoài các phương pháp duy lí này. Chúng là các quyết định ngắn hạn, quá độ, thay đổi từng ngày, hay nhiều nhất, từ năm này qua năm khác. Theo lệ thường (Ngân sách là một ngoại lệ lớn) chúng thậm chí không thể được thảo luận công khai, cả vì thiếu thông tin cần thiết, lẫn vì các nguyên lí trên đó quyết định được đưa ra là mơ hồ. Nếu chúng có tồn tại chút nào, chúng thường không được thể chế hoá, mà là một phần của một truyền thống nội bộ của cơ quan.
Nhưng không chỉ theo ý nghĩa này mà phương pháp thứ nhất được mô tả như duy lí và phương pháp thứ hai như phi lí. Cũng cả theo một ý nghĩa hoàn toàn khác và rất quan trọng. Khung pháp lí có thể được cá nhân công dân biết và hiểu; và nó phải được thiết kế để có thể hiểu được như vậy. Hoạt động của nó là có thể dự đoán trước được. Nó mang lại một nhân tố chắc chắn và an toàn vào đời sống xã hội. Khi nó được sửa đổi, trong một giai đoạn quá độ, có thể đưa ra những chiếu cố cho những cá nhân đã lên kế hoạch của họ dự kiến sự không thay đổi của nó.
Trái với điều này, phương pháp can thiệp cá nhân hẳn đưa một nhân tố tăng không ngừng về tính không thể dự đoán vào đời sống xã hội, và với nó sẽ bộc lộ một cảm giác rằng đời sống xã hội là phi lí và không an toàn. Việc sử dụng các quyền tự làm theo ý mình hẳn có thể tăng nhanh chóng, một khi nó trở thành phương pháp được chấp nhận, vì các điều chỉnh sẽ là cần thiết, và các điều chỉnh với các quyết định tuỳ ý ngắn hạn khó có thể được thực hiện bằng các phương tiện thể chế. Xu hướng này phải làm tăng rất nhiều tính phi lí của hệ thống, gây ra trong nhiều người ấn tượng là có các thế lực ngầm ở đằng sau hậu trường, và làm cho họ dễ mắc vào lí thuyết âm mưu về xã hội với mọi hậu quả của nó – săn đuổi dị giáo, sự thù địch dân tộc, xã hội, và giai cấp.
Bất chấp tất cả điều này, chính sách hiển nhiên về ưa thích phương pháp thể chế hơn ở nơi có thể, nói chung còn xa mới được chấp nhận. Sự thất bại để chấp nhận nó, tôi cho là, do các lí do khác nhau. Một lí do là nó đòi hỏi một sự tách ra nào đó đối với việc bắt tay vào một nhiệm vụ dài hạn về thiết kế lại ‘khung pháp lí’. Nhưng các chính phủ sống lần hồi, và quyền tự làm theo ý mình thuộc về lối sống này – hoàn toàn ngoài sự thực rằng các nhà cai trị có thiên hướng thích các quyền lực đó vì chính nó. Nhưng lí do quan trọng nhất, rõ ràng, là ý nghĩa của sự phân biệt giữa hai phương pháp đã không được hiểu. Con đường để hiểu nó bị những người theo Plato, Hegel, và Marx chặn ngang. Họ sẽ chẳng bao giờ thấy rằng câu hỏi cũ rích ‘Ai sẽ là các nhà cai trị?’ phải được thay bằng câu hỏi thực tế hơn ‘Làm sao chúng ta có thể thuần phục được họ?’
VIII
Nếu bây giờ chúng ta nhìn lại lí thuyết của Marx về sự bất lực của chính trị và về sức mạnh của các lực lượng lịch sử, thì chúng ta phải thừa nhận rằng nó là một dinh thự đường bệ. Nó là kết quả trực tiếp của phương pháp xã hội học của ông; của chủ nghĩa lịch sử kinh tế của ông, của học thuyết cho rằng sự phát triển của hệ thống kinh tế, hay của sự trao đổi chất của con người, quyết định sự phát triển xã hội và chính trị của anh ta. Kinh nghiệm của thời ông, sự phẫn nộ mang tính nhân đạo của ông, và nhu cầu đưa lại sự an ủi về một lời tiên tri cho những người bị áp bức, hi vọng, hay thậm chí sự chắc chắn, vào thắng lợi của họ, tất cả những thứ này hợp nhất trong một hệ thống triết học khổng lồ, so sánh được hay thậm chí còn cao hơn các hệ thống chỉnh thể luận của Plato và Hegel. Chỉ do ngẫu nhiên mà ông đã không là một kẻ phản động rằng lịch sử triết học chú ý về ông ít đến vậy và cho rằng ông chủ yếu là một nhà tuyên truyền. Nhà phê bình bộ Tư bản viết: ‘Thoạt nhìn .. chúng ta đi đến kết luận rằng tác giả là một trong các triết gia duy tâm chủ nghĩa lớn nhất, ở Đức, tức là, theo nghĩa xấu của từ “duy tâm chủ nghĩa”. Nhưng sự thực thật sự, ông là vô cùng thực tiễn hơn bất cứ ai trong các bậc tiền bối của ông ..’30, nhà phê bình này nói hoàn toàn trúng. Marx là người cuối cùng trong số những người xây dựng vĩ đại của hệ thống chỉnh thể luận. Chúng ta phải cẩn thận thôi cứ để mặc thế, và đừng thay hệ thống của ông bằng một Hệ thống Vĩ đại khác. Cái chúng ta cần không phải là chỉnh thể luận. Mà là kĩ thuật [cải biến] xã hội từng phần.
Đến đây, tôi kết thúc phân tích phê phán của tôi về triết lí của Marx về phương pháp của khoa học xã hội, về quyết định luận kinh tế của ông cũng như về chủ nghĩa lịch sử tiên tri của ông. Trắc nghiệm cuối cùng của một phương pháp, tuy vậy, phải là các kết quả thực tiễn của nó. Vì thế bây giờ tôi tiếp tục một khảo sát chi tiết hơn về kết quả chính của phương pháp của ông, lời tiên tri về sự ra đời sắp xảy ra của một xã hội phi giai cấp.
(*): Tập 2 sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Người dịch: Nguyễn Quang A
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 17
1 So lời nói đầu cho A Contribution to the Critique of Political Economy (H.o.M., 372 = Zur Kritik der politischen Oekonomie, LV). Về lí thuyết về các tầng lớp hay các lớp của ‘thượng tầng kiến trúc’, xem các trích dẫn trong ct. 13 ở ch. 15.
2 Về kiến nghị ‘cả thuyết phục và vũ lực’ của Plato, xem, thí dụ, văn bản cho ct. 35 ở ch. 5, và các ct. 5 và 10 ở ch. 8.
3 So Lenin State and Revolution (H.o.M., 725 = State and Revolution, 8-9).
4 Hai trích dẫn là từ Marx-Engels, T.N.C.S. (H.o.M., 46 = GA, Series I, vol. vi, 546).
5 So Lenin, State and Revolution (H.o.M., 725 = State and Revolution, 8-9).
6 Về vấn đề đặc trưng của một bản chất luận lịch sử chủ nghĩa, và đặc biệt về các vấn đề thuộc loại ‘Nhà nước là gì?’ hay ‘Chính phủ là gì?’, so văn bản cho các ct. 26-30 ở ch. 3, 21-24 và 26 ff. ở ch. 11 và 26 ở ch. 12.
Về ngôn ngữ của các yêu sách chính trị (hoặc hay hơn, của ‘các kiến nghị’ chính trị, như L. J. Russell diễn đạt) mà theo tôi phải thay thế loại bản chất luận này, so đặc biệt văn bản giữa các ct. 41 và 42 ở ch. 6 và ct. 5 (3) ở ch. 5. Về bản chất luận của Marx, xem đặc biệt văn bản cho ct. 11, và ct. 13, ở ch. 15; ct. 16 ở ch. này; và các ct. 20-24 ở ch. 20. So đặc biệt nhận xét phương pháp luận ở tập ba của Capital (Das Kapital, III/2, p. 352), được trích ở ct. 20 ở ch. 20.
7 Trích dẫn này là từ Tuyên Ngôn C.S. (H.o.M., 25 = GA, Series I, vol. vi, 528). Văn bản là từ Lời nói đầu của Engels cho bản tiếng Anh đầu tiên của Capital. Tôi trích ở đây toàn bộ đoạn kết thúc từ Lời nói đầu này; Engels nói ở đó về kết luận của Marx ‘rằng chí ít ở Châu Âu, Anh là nước duy nhất nơi cách mạng xã hội không thể tránh khỏi có thể được thực hiện hoàn toàn bằng các công cụ hoà bình và pháp lí. Ông dĩ nhiên không quên nói thêm rằng ông hầu như không kì vọng giai cấp thống trị Anh sẽ quy phục cuộc cách mạng hoà bình và pháp lí này, mà không có một “cuộc nổi loạn tiền-nô lệ”.’ (So Capital, 887; xem cả văn bản cho ct. 7 ở ch. 19). Đoạn này cho thấy rõ ràng là, theo chủ nghĩa Marx, bạo lực hay bất-bạo lực của cách mạng sẽ phụ thuộc vào sự phản kháng hay không-phản kháng của giai cấp thống trị cũ. So cả văn bản cho các ct. 3 ff. ở ch. 19.
8 So Engels, Anti-Dühring (H.o.M., 296 = GA, Special vol., 292); xem cả các đoạn ở ct. 5 ở ch. này.
Sự phản kháng của giai cấp tư sản đã nổ ra vài năm ở Nga; song không có dấu hiệu về ‘sự teo đi’ của nhà nước Nga, không ngay cả trong tổ chức nội bộ của nó.
Lí luận về nhà nước teo đi là rất phi thực tế, và tôi nghĩ Marx và Engels có thể đã chấp nhận nó chủ yếu để hút gió từ buồm của các đối thủ của họ. Các đối thủ tôi nghĩ đến là Bakunin và những kẻ vô chính phủ; Marx đã không thích thấy thuyết cấp tiến của bất cứ ai hơn của mình. Giống Marx, họ nhắm tới lật đổ trật tự xã hội hiện tại, họ tấn công, tuy vậy, chống hệ thống chính trị-pháp lí, thay cho hệ thống kinh tế. Đối với họ, nhà nước là quỷ sứ phải bị tiêu diệt. Song đối với các kẻ kình địch vô chính phủ, từ các tiền đề riêng Marx đã có thể dễ dàng thừa nhận khả năng là thể chế nhà nước, dưới chủ nghĩa xã hội, có thể thực hiện các chức năng không thể thiếu; ấy là các chức năng bảo vệ công lí và quyền tự do mà các nhà lí luận lớn về dân chủ đã phân cho nó.
9 So Capital, 799.
10 Ở chương ‘Tích luỹ nguyên thuỷ’, Marx, như ông nói (p. 801), ‘không quan tâm .. đến các nguyên nhân thuần kinh tế của cách mạng nông nghiệp. Sự quan tâm của chúng ta là các công cụ có thể cưỡng bức’ (tức chính trị) ‘được dùng để gây ra thay đổi’.
11 Về nhiều đoạn, và thượng tầng kiến trúc, so ct. 13 ở ch. 15.
12 So văn bản cho các ct. được nhắc tới trong ct. trước.
13 Một trong các phần đáng chú ý và có giá trị nhất của Capital, một tư liệu bất hủ thật sự về sự đau khổ của con người, là Chương VIII của Tập Đầu, có nhan đề Ngày Làm việc, trong đó phác hoạ lịch sử ban đầu của quy chế lao động. Từ chương được dẫn chứng tốt bằng tư liệu này, các trích dẫn tiếp theo được lấy ra.
Tuy vậy, phải nhận ra là chính chương này chứa các tư liệu cho một sự bác bỏ hoàn toàn ‘Chủ nghĩa xã hội Khoa học’ Marxist, dựa vào lời tiên tri về sự bóc lột không ngừng tăng lên của các công nhân. Không ai có thể đọc chương này của Marx mà không nhận ra rằng lời tiên tri này may thay đã không biến thành sự thật. Có thể điều này một phần là do các hoạt động của các nhà Marxist trong tổ chức lao động; song sự đóng góp chính là từ sự tăng năng suất lao động- đến lượt nó, theo Marx, là một kết quả của ‘Sự tích luỹ tư bản chủ nghĩa’.
14 So Capital, 246 (Xem lời chú 1 ở cuối trang [footnote] cho đoạn này ở Capital).
15 So Capital, 257 f. Bình luận của Marx trong footnote 1 của trang này là lí thú nhất. Ông cho thấy các trường hợp như thế này đã được các kẻ phản động Tory tiền-nô lệ sử dụng để tuyên truyền cho chế độ nô lệ. Và ông cho thấy rằng, giữa những người khác, Thomas Carlyle, nhà tiên tri (một tiền bối của chủ nghĩa phát xít), đã tham gia vào phong trào tiền-nô lệ này. Marx viết, Carlyle đã hạ ‘một sự kiện vĩ đại của lịch sử hiện đại, Nội chiến Mĩ, xuống mức, rằng Peter miền Bắc muốn đập vỡ đầu Paul miền Nam bởi vì Peter miền Bắc thuê công nhân của mình “theo ngày, và Paul miền Nam thuê họ suốt đời”.’ Ở đây Marx trích bài Ilias Americana in Nuce ( Macmillan’s Magazine, August, 1863) của Carlyle. Và Marx kết luận: ‘Như thế bong bóng đồng cảm Tory cho công nhân đô thị (những người theo phái Tory không bao giờ đồng cảm với công nhân nông nghiệp) cuối cùng đã nổ tung. Bên trong nó chúng ta thấy- chế độ nô lệ!’
Một trong các lí do của tôi để trích đoạn này là tôi muốn nhấn mạnh sự bất đồng hoàn toàn của Marx với niềm tin rằng không có mấy để chọn giữa sự nô lệ và ‘sự nô lệ-lương’. Không ai có thể nhấn mạnh hơn Marx sự thực rằng việc bãi bỏ chế độ nô lệ (và do đó việc đưa vào ‘sự nô lệ-lương’) là một bước quan trọng nhất và tất yếu trong giải phóng những người bị áp bức. Từ ‘nô lệ-lương’ vì vậy là nguy hiểm và gây lầm lạc; vì nó được các nhà Marxist Thô tục diễn giải, như chỉ báo rằng Marx tán thành cái mà thực ra là sự ca ngợi tình hình của Carlyle.
16 Marx định nghĩa ‘giá trị’ của một hàng hoá như số giờ lao động trung bình cần để tái sản xuất ra nó. Định nghĩa này là một minh hoạ tốt cho bản chất luận của ông (so ct. 8 ở ch. này). Vì ông đưa ra giá trị nhằm nhận được cái thực tế cơ bản tương ứng với cái xuất hiện ở dạng giá của hàng hoá. Giá là một loại diện mạo hão huyền. ‘Một thứ có thể có giá mà không có giá trị’, Marx viết (Capital, 79; xem cả các nhận xét xuất sắc của Cole trong Dẫn nhập của ông cho Capital, đặc biệt pp. xxvii, ff.). Một phác hoạ ‘lí thuyết giá trị’ của Marx sẽ được thấy ở ch. 20. (So các ct. 9-27 ở ch. đó, và văn bản).
17 Về vấn đề ‘các nô lệ-lương’, so cuối ct. 15 ở ch. này; cả Capital, 155 (đặc biệt footnote 1). Về phân tích của Marx mà các kết quả của nó được phác hoạ ngắn gọn ở đây, xem đặc biệt Capital, 153 ff., cả footnote 1 ở p. 153; so cả ch. 20 dưới đây.
Trình bày của tôi về phân tích của Marx có thể được ủng hộ bằng trích một tuyên bố của Engels trong Anti-Dühring nhân dịp tóm tắt Capital. Engels viết (H.o.M, 269 = GA, Special vol. 160-67): ‘Nói cách khác, cho dù ta có loại bỏ mọi khả năng ăn cướp, bạo lực, và gian lận và cho dù ta có giả sử là người chủ lao động của riêng mình tạo ra mọi tài sản tư ban đầu; và suốt toàn bộ quá trình tiếp theo, chỉ có trao đổi các giá trị ngang nhau lấy các giá trị ngang nhau; ngay cả khi đó sự phát triển không ngừng của sản xuất và trao đổi tất yếu sẽ gây ra hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện tại; với sự độc quyền hoá của nó về công cụ sản xuất và về hàng tiêu dùng vào tay một giai cấp ít về số lượng; với việc các giai cấp khác chiếm tuyệt đại đa số sa sút thành các kẻ nghèo túng vô sản; với chu kì tuần hoàn của hưng thịnh sản xuất và suy thoái thương mại; nói cách khác, với sự vô chính phủ hoàn toàn của hệ thống sản xuất hiện tại. Toàn bộ quá trình được giải thích bằng các nguyên nhân kinh tế thuần tuý: cướp bóc, vũ lực, và sự giả thiết về can thiệp chính trị thuộc bất kể loại nào là không cần thiết ở bất cứ điểm nào’.
Có lẽ đoạn này một ngày nào đó có thể thuyết phục một nhà Marxist Thô tục rằng chủ nghĩa Marx không giải thích suy thoái bằng âm mưu của ‘các hãng lớn’. Bản thân Marx nói (Das Kapital, II, 406 f., tôi nhấn mạnh): ‘Sản xuất tư bản chủ nghĩa dính đến các điều kiện, độc lập với các chủ ý tốt hay xấu, chỉ cho phép một sự phồn vinh tương đối tạm thời của giai cấp lao động, và luôn luôn chỉ như cái báo trước một suy thoái’.
18 Về học thuyết ‘tài sản là kẻ trộm’ hay ‘tài sản là sự ăn cướp’, so cả nhận xét của Marx về John Watts trong Capital, 601, footnote 1.
19 Về đặc tính Hegelian của sự phân biệt giữa quyền tự do ‘hình thức’ đơn thuần và ‘thực sự’ hay ‘thực tế’, hay dân chủ, so ct. 62 ở ch. 12. Hegel thích tấn công hiến pháp Anh vì sự sùng bái của nó với quyền tự do ‘hình thức’, trái với nhà nước Phổ trong đó quyền tự do ‘thật sự’ được ‘thực hiện’. Về trích dẫn ở cuối đoạn văn này, so đoạn được trích ở văn bản cho ct. 7 ở ch. 15. Xem cả các ct. 14 và 15 ở ch. 20, và văn bản.
20 Về nghịch lí tự do và nhu cầu bảo vệ quyền tự do bởi nhà nước, so bốn đoạn văn trong văn bản trước ct. 42 ở ch. 6, và đặc biệt các ct. 4 và 6 ở ch. 7, và văn bản; xem cả ct. 41 ở ch. 12, và văn bản, và ct. 7 ở ch. 24.
21 Chống lại phân tích này, có thể nói, nếu giả sử cạnh tranh hoàn hảo giữa các nghiệp chủ như các nhà sản xuất, và đặc biệt như người mua lao động trên thị trường lao động (và nếu giả sử thêm rằng không có ‘đội quân công nghiệp dự bị’ của người thất nghiệp gây áp lực lên thị trường này), thì không thể có chuyện bóc lột người yếu về kinh tế bởi người mạnh về kinh tế, tức là các công nhân bởi các nghiệp chủ. Song giả thiết về cạnh tranh hoàn hảo giữa các người mua trên các thị trường lao động có thực tế chút nào không? Chẳng đúng là, thí dụ, trên nhiều thị trường lao động địa phương chỉ có một người mua đáng kể ư? Vả lại, ta không thể giả sử là cạnh tranh hoàn hảo sẽ tự động loại bỏ vấn đề thất nghiệp, nếu không vì lí do khác thì vì lao động không thể dễ di chuyển.
22 Về vấn đề sự can thiệp kinh tế của nhà nước, và về mô tả đặc điểm của hệ thống kinh tế hiện tại của chúng ta như chủ nghĩa can thiệp, xem ba chương tiếp, đặc biệt ct. 9 ở ch. 18 và văn bản. Có thể lưu ý rằng chủ nghĩa can thiệp như được dùng ở đây là phần bù kinh tế của cái tôi đã gọi là chủ nghĩa bảo hộ chính trị ở ch. 6, văn bản cho các ct. 24-44. (Là rõ vì sao từ ‘chủ nghĩa bảo hộ’ không thể được dùng thay ‘chủ nghĩa can thiệp’). Xem đặc biệt ct. 9 ở ch. 18, và các ct. 25/26 ở ch. 20, và văn bản.
23 Đoạn được trích đầy đủ hơn ở văn bản cho ct. 14, ch. 13; về mâu thuẫn giữa hoạt động thực tiễn và quyết định luận lịch sử chủ nghĩa, xem ct. đó, và văn bản cho các ct. 5 ff. ở ch. 22.
24 So mục II của ch. 7.
25 Xem Bertrand Russell, Power (1938); so đặc biệt pp. 123 ff.; Walter Lippmann, The Good Society (1937), so đặc biệt pp. 188 ff.
26 B. Russell, Power, pp. 128 f. Tôi nhấn mạnh.
27 Các luật để bảo vệ dân chủ vẫn ở trạng thái phát triển khá sơ đẳng. Có thể và phải làm rất nhiều. Quyền tự do ngôn luận, chẳng hạn, được đòi bởi vì mục tiêu chính là phải đưa thông tin đúng cho dân chúng; song nhìn từ lập trường này, rất thiếu đảm bảo thể chế để đạt mục tiêu này. Cái mà các tờ báo tốt thường làm hiện nay do sáng kiến riêng của họ, ấy là, cung cấp cho dân chúng mọi thông tin quan trọng sẵn có, có thể được thiết lập như bổn phận của họ, hoặc bởi các luật có bố cục cẩn thận, hay bởi thiết lập một quy tắc đạo đức, được công chúng thừa nhận. Các vấn đề, thí dụ, như lá thư của Zinovief [việc tịch thu nó ở London đã làm thay đổi diễn tiến bầu cử ở đó, N.D.], có lẽ có thể được kiểm soát bởi một luật làm cho có thể huỷ kết quả thắng cử bằng các phương tiện không thích hợp, và buộc nhà xuất bản sao lãng bổn phận của mình về tìm hiểu chắc chắn sự thật của thông tin được xuất bản cẩn thận ở mức có thể phải chịu trách nhiệm về tác hại gây ra; trong trường hợp này, về chi phí cho một cuộc bầu cử mới. Tôi không thể đi vào chi tiết ở đây, song niềm tin chắc chắn của tôi là ta có thể dễ dàng khắc phục các khó khăn công nghệ ngáng đường chúng ta đạt các mục đích như vậy như tiến hành các chiến dịch bầu cử chủ yếu bằng kêu gọi đến lí trí thay cho sự say mê. Tôi không thấy vì sao ta lại không, thí dụ, chuẩn hoá kích thước, loại, v.v. của các tài liệu [pamphlet] vận động bầu cử, và loại bỏ áp phích cổ động. (Việc này không nhất thiết gây nguy hiểm cho quyền tự do, hệt hợp lí như các hạn chế áp đặt lên những người biện hộ trước toà là để bảo vệ quyền tự do hơn là gây nguy hiểm cho nó). Các phương pháp tuyên truyền hiện nay là sự lăng mạ công chúng cũng như ứng viên. Tuyên truyền loại có thể khá tốt cho bán xà phòng không được dùng trong các vấn đề có hậu quả như vậy.
28 *So ‘Kiểm soát Thủ tục Thuê mướn’ Anh, 1947. Sự thực rằng thủ tục này hầu như không được dùng (nó rõ ràng không bị lạm dụng) cho thấy luật thậm chí có tính chất nguy hiểm nhất được ban hành mà không có nhu cầu cấp bách - hiển nhiên vì không có hiểu biết thích đáng về sự khác biệt cơ bản giữa hai loại lập pháp, tức là một loại thiết lập các quy tắc ứng xử chung, và một loại cho chính phủ quyền tự do làm theo ý mình.*
29 * Về sự phân biệt này, và về sử dụng từ ‘khung pháp lí’, xem F. A. Hayek, The Road to Serfdom [có bản tiếng Việt] (tôi trích từ Lần xuất bản đầu ở Anh, 1944). Xem, thí dụ, p. 54, nơi Hayek nói về ‘sự phân biệt .. giữa việc tạo ra một khung luật pháp lâu dài trong đó quyết định cá nhân hướng dẫn hành động sản xuất, và sự chỉ huy hoạt động kinh tế bởi nhà chức trách trung ương nào đó’. (Tôi nhấn mạnh). Hayek nhấn mạnh tầm quan trọng của tính có thể dự đoán được của khung pháp lí; xem, thí dụ, p. 56*
30 Bài phê bình, đăng trên European Messenger của St. Peterburg, được Marx trích trong Lời nói đầu cho lần xuất bản thứ hai của Capital. (Xem Capital, 871).
Để công bằng với Marx, chúng ta phải nói rằng ông không luôn coi hệ thống của riêng ông quá nghiêm túc, và rằng ông hoàn toàn sẵn sàng đi trệch một chút khỏi sơ đồ cơ bản của mình; ông đã coi nó như một quan điểm (và với tư cách như thế nó chắc chắn cực kì quan trọng) hơn là một hệ thống các giáo điều.
Như thế chúng ta đọc, ở hai trang liên tiếp của Capital (832 f.), một tuyên bố nhấn mạnh lí luận Marxist thông thường về tính chất thứ yếu của hệ thống pháp lí (hay đặc tính như một mặt nạ, một ‘bề ngoài’), và một tuyên bố gán một vai trò rất quan trọng cho sức mạnh chính trị của nhà nước và nâng nó dứt khoát lên địa vị của một lực lượng kinh tế trưởng thành. Tuyên bố đầu là, ‘Tác giả nhắc lại rằng các cuộc cách mạng không được tiến hành bằng các luật’, nói đến cách mạng công nghiệp, và đến một tác giả đòi hỏi các đạo luật theo đó nó được thực hiện. Tuyên bố thứ hai là một bình luận (và chính thống nhất từ quan điểm Marxist) về các phương pháp tích luỹ tư bản; tất cả các phương pháp này, Marx nói, ‘đều sử dụng quyền lực nhà nước, được tập trung ở sức mạnh chính trị của xã hội. Sức mạnh là bà đỡ cho mọi xã hội cũ mang thai một xã hội mới. Bản thân nó là một lực lượng kinh tế’. Cho đến câu cuối, mà tôi nhấn mạnh, đoạn này rõ ràng là chính thống. Nhưng câu cuối phá vỡ tính chính thống này.
Engels giáo điều hơn. Phải so sánh đặc biệt một trong các tuyên bố của ông ở Anti-Dühring (H.o.M., 277), nơi ông viết, ‘Vai trò do sức mạnh chính trị đóng trong lịch sử tương phản với sự phát triển kinh tế bây giờ là rõ ràng’. Ông cho rằng mỗi khi ‘sức mạnh chính trị đi ngược sự phát triển kinh tế, thì thường thường, nó thua, chỉ với ít ngoại lệ; các ngoại lệ ít ỏi này là các trường hợp cô lập của sự xâm chiếm trong đó những kẻ xâm chiếm man rợ .. đã bỏ phí .. các lực lượng sản xuất mà họ không biết sử dụng thế nào’. (So, tuy vậy, các ct. 13/14 ở ch. 15, và văn bản).
Chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa độc đoán của hầu hết các nhà Marxist là hiện tượng thật sự đáng kinh ngạc. Nó chỉ chứng tỏ là họ dùng chủ nghĩa Marx một cách phi duy lí, như một hệ thống siêu hình học. Có thể thấy giữa những người cấp tiến và những người ôn hoà như nhau. E. Burns, thí dụ, đưa ra (ở H.o.M., 374) tuyên bố ấu trĩ đáng ngạc nhiên là ‘những lời bác bỏ .. chắc hẳn bóp méo các lí thuyết của Marx’; điều có vẻ ngụ ý rằng các lí luận của Marx là không thể bác bỏ được, tức là phi khoa học; vì mọi lí luận khoa học đều có thể bị bác bỏ, và có thể bị thay thế. Mặt khác, L. Laurat, trong Marxism and Democracy, p. 226, nói: ‘Nhìn vào thế giới chúng ta sống, chúng ta sửng sốt về sự chính xác gần như toán học mà các tiên đoán cơ bản của Karl Marx được thực hiện’.
Bản thân Marx có vẻ đã nghĩ khác. Tôi có thể sai về điều này, song tôi tin vào tính chân thật của tuyên bố của ông (ở cuối Lời nói đầu của lần xuất bản đầu của Capital; xem 865): ‘Tôi hoan nghênh phê phán khoa học, dù tàn nhẫn đến đâu. Nhưng đối mặt với các thành kiến của cái gọi là dư luận, tôi sẽ bám chặt vào châm ngôn của mình ..: Hãy theo đường của mình, và cứ để họ huyên thuyên!’