Những góc nhìn Văn hoá

Đặc điểm thể loại văn bia Việt Nam

Văn bia là hiện tượng văn hóa được nảy sinh từ đời sống xã hội như là nét đăc thù và là một trong những hình thức thông tin thời kỳ cổ đại và trung cổ. Văn bia xuất hiện từ khá sớm, truyền thống sáng tạo văn bia bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản (những nước sử dụng chữ khối vuông).

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu kim thạch người Trung Quốc Chu Kiếm Tâm ghi trong cuốn Kim thạch học: “Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản kỷ ghi việc Thủy Hoàng (221- 207 TCN) có 6 khắc thạch: “lên Trâu Dịch, lên Thái Sơn, lên Lang Nha, lên Chi Phù, lên Kiệt Thạch, lên Cối Kê, nhiều thuyết cho là khắc vào núi đá hoặc tấm đá rồi dựng lên. Lại nói việc Nhị Thế (207 - 136 TCN) tuần du các quận huyện phía đông đều có khắc lên tấm đá mà Thủy Hoàng đã dựng… Cái tên khắc thạch bắt đầu từ đó”. Cũng theo sự chỉ dẫn của Chu Kiếm Tâm(1), trong Ngữ Thạch của Diệp Xương Xí có ghi: “tất cả nội dung khắc trên đá đều gọi là văn bia bắt đầu từ đời Hán về sau; hay trong Tạp cổ lục của Âu Dương Tu cũng ghi: “từ Hậu Hán về sau mới có văn bia, tìm văn bia trong bia, thời Tiền Hán chưa thể thấy được”(2)

Như vậy văn bia từ Hậu Hán mới xuất hiện. Còn Sự tổ quảng ký dẫn trong Quản Tử: “Vô Hoài thị phong cho thần núi Thái Sơn, khắc vào đá để ghi công, là nguồn gốc của khắc thạch, đó là điều chưa đáng tin hẳn”(3)
Văn bia, xét về mặt thể loại, đã được nền văn học truyền thống phương Đông xác định như là thể văn thời cổ đại(4). Nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới cũng có những nhận xét về thể văn này: “những bài văn bia đã đánh dấu bước đi ban đầu của văn học thành văn”(5), hay: “những trang sách đá là lĩnh vực đặc thù của nền văn học, trước hết là ngôn ngữ văn học(6)
Văn bia Việt Nam ra đời trong mối quan hệ văn hóa vùng, đó là sự tiếp nhận ảnh hưởng của truyền thống sáng tạo văn bia ở Trung Quốc, tất nhiên văn bia Việt Nam có những nét đặc trưng mang bản sắc của truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là truyền thống của một dân tộc có lịch sử dựng nước lâu đời, có truyền thống anh hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, và những phong tục tập quán nhân hậu vị tha của nhân dân Đại Việt.
Những văn bia sớm ở nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc hiện nay tìm thấy quá ít ỏi, chưa thể làm tư liệu khi nghiên cứu lịch sử truyền thống sáng tạo văn bia ở Việt Nam.
Như đối với các nước trong khu vực. Điều này có liên quan đến nhiều yếu tố dẫn tới sự mất mát nguồn tư liệu văn bia ở nước ta, có thể kể như: chính sách hủy diệt truyền thống văn hóa Việt ở các triều đại phong kiến phương Bắc, chiến tranh tàn phá hoặc do thiên tai khắc nghiệt v.v. Những văn bia có giá trị trên đất nước Đại Việt mà hiện nay chúng ta đã tìm thấy chỉ có thể kể từ thế kỷ X, đó là các cột kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni có niên đại 973 ở Hoa Lư (Ninh Bình) cùng với sự ra đời của nền văn học viết trong thời kỳ đất đôc lập tự chủ.
Trong buổi bình minh của nền văn học Việt Nam, khi xuất hiện các văn bia có giá trị thực sự đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học có thể kể từ thế kỷ XII, Khi nghiên cứu những bài văn bia của thế kỷ này, chúng ta thấy “các tác giả đã trình bày nội dung của bài văn bia theo một khuôn mẫu và phong cách thống nhất, đồng thời chúng ta bắt gặp những gia phả, tiểu sử cuộc đời và những lời ngợi ca về công lao vĩ đại, về phẩm chất tốt đẹp của các thiền tăng, các tướng lĩnh, các bậc trượng phu…”(7). Điều này dễ dàng nhận thấy ở các văn bia như: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi do Chu Văn Thường soạn, niên đại Hội Phong 9 (1100) ở chùa Báo Ân núi An Hoạch (Đông Sơn - Thanh Hóa) đã ca ngợi công tích rực rỡ và đạo làm tôi của Thái úy Lý Thường Kiệt; Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi do Lý Thừa Ân soạn niên đại Long Phù Nguyên Hòa (1107) ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) ghi chép tiểu sử và cuộc đời một viên châu mục vùng núi Vị Long (nay thuộc Tuyên Quang) - Hà Khánh Di và ca tụng công tích của tổ tiên họ Hà ở vùng này; Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh do Pháp Bảo soạn, niên đại Đại Khánh 9 (1118) ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc - Thánh Hóa) ghi chép về con người và sự nghiệp lớn lao của Thông Phán Chu Công khi được nhà vua trao quyền coi giữ quận Cửu Chân Đại Việt quốc dương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên linh tháp bi do Nguyễn Công Bật soạn, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 2 (1121) ở chùa Sùng Thiện Diên Linh (Duy Tiên - Nam Hà) miêu tả sự anh tài tuấn kiệt và công đức của vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) khi cai trị đất nước; Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh, khuyết danh, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 5 (1124) ở chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni (Đông Sơn - Thanh Hóa) ghi chép về sự giàu thịnh của một dòng họ lớn ở quận Cửu Chân - dòng họ Thiên sư Đạo Dung và việc tu sửa chùa Hương Nghiêm của Thiền Sư; Phụng Thánh phu nhân Lê Thị mộ chí, khuyết danh, niên đại Chính Long Bảo Ứng 11 (1173) ở chùa Phúc Thánh (Tam Nông - Vĩnh Phú) ghi chép về tiểu sử và đức hạnh Phu nhân của Thần Tông Nhân Hiếu hoàng đế(8) họ Lê húy Lan Xuân v.v.
Sang thế kỷ XIII, chúng ta vẫn thấy xuất hiện những bài văn bia nổi tiếng viết theo phong cách văn xuôi tiểu sử, có thể kể như: Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự do Lê Củng Viên soạn, niên đại Hưng Long 1 (1293) ở đền thờ Công Chúa Phụng Dương, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc - Nam Hà) ghi chép về tiểu sử Công chúa họ Trần, tên được ban là Phụng Dương và ca ngợi những đức tính tốt đẹp của Công chúa, mợt khuôn mẫu về nhân cách của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ phong kiến; Đại Việt quốc Binh Hiệp hương Thiệu Long tự bi, khuyết danh , niên đại khoảng năm Kiến Trung 1 (1226) ở chùa Thiệu Long xã Tam Hiệp (Phúc Thọ - Hà Tây) ghi chép về gia thế Đỗ Năng Tế v.v
Những ví dụ nêu trên, có thể nói xét về mặt phong cách thể loại văn bia Việt Nam thế kỷ XII - XIII có sự trùng hợp với các văn bia ở các nước trong khu vực. Ở Trung Quốc những miếu bia đã bắt đầu nổi tiếng ngay từ thời Hán, “những bài văn bia thời kỳ đó ca ngợi những chiến công và phẩm hạnh của các chúa vương, tướng soái và được gọi là công đức tụng”(9). Ở Triều Tiên một trong những tấm bia nổi tiếng đã ghi công đức vị đứng đầu nhà nước Ko Gu Ri O - Khơ Van Gét Thô Van (395 - 410) có niên đại 414. “Nội dung bài văn bia đã giới thiệu dòng họ Khơ Van Gét Thô Van bắt đầu từ ông tổ huyền thoại, sau đó kể đến công lao của người đứng đầu nhà nước Ko Gu Ri O là Khơ Van Gét Thô Van trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”(10). Nghiên cứu văn bia này, các chuyên gia nghiên cứu về văn học Triều Tiên cho rằng: “đây là tấm bia đại diện cho những tấm bia thể hiện một thể loại đặc biệt của nền văn học tiểu sử mang tính chất truyền thống được phổ biến ở các nước vùng Viễn Đông”(11). Những điều trình bày ở trên hoàn toàn phù hợp với nhận định của nhà nghiên cứu Ga Lư Ghi Na khi nghiên cứu lý thuyết thể loại văn học Trung Quốc thời kỳ trung cổ: “Văn xuôi tiểu sử thường có một phong cách nhất định, trước hết là ghi chép về họ và tên húy, tên thường gọi; tiếp theo là thông báo về lai lịch dòng họ, về công việc, về hàng loạt những sự kiện xuất phát từ đời sống của nhân vật. Mục đích của văn xuôi tiểu sử là chuyền tải những thông tin về những con người nổi tiếng và kể cả một dòng họ”(12).
Tiếp nhận lý luận thể loại văn học để nghiên cứu các bài văn bia thời kỳ Lý - Trần, có thể đưa ra nhận xét rằng: Nhiều bài văn bia đã thể hiện phong cách thể loại đặc biệt của nền văn học tiểu sử truyền thống văn hóa vùng, đây cũng là một đặc điểm cơ bản của thể văn bia thế kỷ XII - XIII.
Từ thế kỷ XIV văn bia Việt Nam bắt đầu mở rộng phong cách biểu hiện xuất phát từ nhu cầu xã hội về chức năng và nội dung phản ánh. Những bài văn bia thế kỷ này hầu hết tập trung ghi chép về địa giới đất đai, về việc cúng ruộng vườn cho nhà chùa, hoặc tập trung miêu tả phong cảnh chùa chiền, như: A Nậu tự Tam bảo điền bi, khuyết danh, niên đại Hưng Long 1 (1318) ở chùa A Nậu (Hoa Lư - Ninh Bình); Thị Đức xã tự bi do Thiền sư Huệ Văn soạn, niên đại Khai Hựu 3 (1331) ở chùa xã Thị Đức (Tứ Lộc, Hải Hưng); Thiên Tôn động bi, khuyết danh, niên đại Long Khánh 3 (1377) ở động Thiên Tôn (Hoa Lư - Ninh Bình); Sùng Khánh tự bi minh tính tự do Tạ Khúc Ngao soạn, niên đại Đại Trị 10 (1367) ở chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên - Hà Giang); Sùng Nghiêm tự vân Lỗi sơn đại bi do Phạm Sư Mạnh soạn, niên đại Thiệu Khánh 3 (1372) ở chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi (Nga Sơn - Thanh Hóa); Từ Ân bi minh tịnh tự do Hồng Tông Thốc soạn, niên đại Xương Phù 6 (1382) ở chùa Từ Ân (Thái Thụy - Thái Bình) v.v. Tuy nhiên thể văn xuôi tiểu sử vẫn song song tồn tại, có thể kể như Hưng Phúc Tự Bi, khuyết danh, niên đại Khai Thái năm Giáp Tý (1324) ở chùa Hưng Phúc (Quảng Xương - Thanh Hóa) ghi chép về dòng họ Lê ở hương An Duyên (Thanh Hóa) đã xây dựng nên chùa Hưng Phúc và sau này con cháu lại có công trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của giặc Nguyên Mông; Phụng tự bi, khuyết danh, niên hiệu Quang Thái 3 (1390) ở đình xã Cam Lâm (Phúc Thọ - Hà Tây) ghi sự tích Phùng Hưng và Ngô Quyền; Ma Nhai kỷ công bi văn do Nguyễn Trung Ngạn soạn, niên đại Khai Hựu 7 (1335) ở sườn núi Trầm Hương (Nghệ An) ghi lại sự kiện lịch sử khi vua Trần Nhân Tông thân chinh đi đánh giặc v.v… Và ở thế kỷ XIV, chúng ta thấy người ta bắt đầu khắc sắc chỉ trên bia đá, như: Thái Thượng Hoàng đế thánh chỉ do vua Trần Hiến Tông soạn, niên đại Kỷ Sửu Thiệu Phong (1349) ở núi Non Nước (Ninh Bình) khắc sắc chỉ của nhà vua do chùa Thủy Sơn được sở hữu các thứ như: ruộng đất, cây cối, hoa quả của nhà chùa.
Thơ ca là một trong những thể loại văn học xuất hiện khá sớm trong hệ thống thể loại văn học cổ Việt Nam, nhưng đến nay chúng ta mới tìm thấy những bài thơ khắc ở vách núi đá có niên đại kể từ thế kỷ XIV, các thế kỷ trước chỉ có nhũng bài minh ở cuối mỗi bài văn bia mà thôi. Đó là bài thơ Đăng Dục Thúy sơn lưu đề do Phạm Sư Mạnh soạn, không ghi niên đại, ở núi Dục Thúy (Ninh Bình), khắc bài thơ ngũ ngôn ca ngợi vẻ đẹp của núi Dục Thúy. Tiếp đến là bài thơ Dương nham cũng do Phạm Sư Mạnh soạn, niên đại Đại Trị 12 (1369) ở vách động Kính Chủ (Hải Hưng), khắc bài thơ ngũ ngôn ca ngợi giang sơn hùng vĩ và những chiến công lừng lẫy của dân tộc trên sông Bạch Đằng lịch sử
Như vậy có thể nói bắt đầu từ thế kỷ XIV, văn bia Việt Nam phát triển theo khuynh hướng mới xét về thể loại và chức năng phản ánh.
Bước sang thế kỷ XV, văn bia Việt Nam phát triển rất phong phú về số lượng và đa dạng về nội dung. Điều này có liên quan đến đặc điểm xã hội Việt Nam thời kỳ này. Sau cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của nhà nước phong kiến triều Minh (Trung Quốc) toàn thắng, vương triều nhà Lê nắm quyền cai trị đất nước, từ đây nước Đại Việt có nhiều biến đổi lớn lao về ý thức hệ tư tưởng, về học thuật và sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Trong ý thức hệ phong kiến Việt Nam thì Nho, Phật, Lão là 3 yếu tố đi liền nhau, nhưng từ thế kỷ XV Nho giáo thay thế Phật giáo chiếm vị trí độc tôn và chi phối mọi hoạt động xã hội. Văn học Việt Nam thời kỳ này phát triển trong những điều kiện xã hội mới và khuynh hướng chính trị mới. Đặc biệt là sự phát triển về thể loại, tiến tới sự hoàn thiện hệ thống thể loại văn học cổ Việt Nam.
Nằm trong quỹ đạo phát triển của nền văn học, văn bia Việt Nam từ thế kỷ XV - XIX đã được người ta khắc nhiều thể văn trong hệ thống thể loại văn học cổ Việt Nam trên bia đá và vách đá.
Trước hết là thể văn xuôi tiểu sử của nền văn học truyền thống vẫn tiếp tục được sử dụng và phát triẻn ở các thế kỷ tiếp sau. Có thể kể như: Lam Sơn hựu lăng bi do Nguyễn Thiên Tích soạn, niên đại Đại Bảo 3 (1442) ở xã Lam Sơn (Thọ Xuân - Thanh Hóa), ghi tiểu sử và hành trạng của vua Lê Thánh Tông; Diên Thụy Lăng bi - khuyết danh, niên đại Quang Hưng 21 (1598) ở làng Mật Sơn (Đông Sơn - Thanh Hóa) ghi chép tiểu sử và đức hạnh Minh Phi Nguyễn Thị Diệm vợ vua Lê Anh Tông; Cổ Pháp diện tạo bi do Phùng Khắc Khoan soạn, niên đại Hoằng Định 4 (1604) ở xã Đình Bảng (Tiên Sơn - Hà Bắc) ca ngợi các đời vua thời Lý có công chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước phồn vinh; Lê tướng công sự nghiệp huân danh bi do Vũ Phác Phủ soạn, niên đại Vĩnh Thịnh 12 (1716) ở từ đường họ Lê xã Quần Trọng (Thọ Xuân - Thanh Hóa) ghi sự tích Tướng công Lê Phúc Toàn có tài thao lược, từng theo chúa Trịnh đem quân đi đánh dẹp Thuận Hóa lập được nhiều chiến công; Thiên Mỗ đại vương từ đường bi ký do Hà Tông Huân và Nghiêm Bá Dĩnh soạn, niên đại Vĩnh Hựu 2 (1736) ở xã Đại Mỗ (Từ Liêm - Hà Nội) ghi chép về tiểu sử và hành trạng của Thám Hoa Nguyễn Quý Đức; Phương Đình Chí đạo tiên sinh thần đạo bi do Nguyễn Trọng Hợp soạn, niên đại Thành Thái 6 (1894) ở xã Kim Lũ (Thanh Trì - Hà Nội) ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Siêu, v.v.
Thơ được khắc trên bia đá và vách đá từ thế kỷ XV khá nhiều như: Thác Bờ bi do vua Lê Thái Tổ soạn, niên đại Thuận Thiên 5 (1432) ở sườn núi Thác Bờ (Ninh Bình) khi nhà vua đem quân đi đánh đèo Cát Hãn trở về, qua đây cảm hứng làm thơ thất ngôn cho khắc vào vách núi làm kỷ niệm; Đề Long Quang động do Thiên Nam Động Chủ Lê Thánh Tông soạn, niên đại Hồng Đức 9 (1478) ở xã Võng Châu (Đông Sơn - Thanh Hóa), khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên đường đi bái yết Sơn Lăng về qua động Long Quang thấy phong cảnh hữu tình liền làm bài thơ Đường luật khắc vào vách đá; Miễn tử tôn cần học thi do Tướng Công họ Vũ soạn, niên đại Vĩnh Thọ 3 (1660) ở xã Phù Ủng (Kim Thi - Hải Hưng) khắc bài thơ Đường luật khuyên con cháu siêng năng học hành; Thư bút ngự tứ do vua Lê Hiển Tông soạn, niên đại Cảnh Hưng (không ghi rõ năm) tại mộ Trần Tướng Công xã Phương Triện (Gia Lương - Hà Bắc) khắc bài thơ của nhà vua tặng ông Trần Danh Lâm (bố Trần Danh Án) ca ngợi tài đức và công lao sự nghiệp của ông; Ngự chế thi Thiết Cảng do vua Thiệu Trị soạn, niên đại Thiệu Trị 2 (1842) ở xã Tập Phúc (Yên Thành - Nghệ An), khắc bài thơ thất ngôn của vua đề vịnh Thiết Cảng.
Thơ chữ Nôm được khắc trên bia đá hiện sưu tầm được có từ thế kỷ XV với bài Ngự đề Quang Khánh tự của vua Lê Thánh Tông, niên đại Hồng Đức 17 (1486)(13) ở chùa Quảng Khánh xã Dưỡng Mông (Kim Thi - Hải Hưng), bài thơ ghi lại cảm xúc của nhà vua trước cảnh đẹp của chùa. Tiếp đến các thế kỷ sau, chúng ta thấy có khá nhiều bia khắc thơ chữ Nôm, có thể kể như: Thiên đài thạch trụ bi do Nguyễn Thiên Tải soạn, niên đại Chính Hòa 20 (1699) ở chùa Thanh Tú xã Phượng Trì (Vĩnh Phú), bài thơ ca ngợi những người có công xây dựng thiên đài thạch trụ; Ngự đề nhạc lâm tự thi do vua Lê Dụ Tông soạn, niên đại Vĩnh Thịnh 13 (1717) ở chùa Ngọc Lâm xã Sơn Lê (Quốc Oai - Hà Tây), bài thơ ghi lại cảm xúc của nhà vua khi tới thăm chùa; Trùng cửu đăng sơn đắc vũ do Trần Nhật Tỉnh soạn, niên đại Thành Thái 11 (1899) ở núi Hàm Rồng (Thanh Hóa), bài thơ tả cảnh lên núi ngày 9 tháng 9 gặp mưa; Quan Thánh tự b - không rõ tác giả, năm Kỷ Tỵ (không rõ niên hiệu), ở chùa Quan Thánh xã An Hoạch (Đông Sơn - Thanh Hóa) bài thơ ca ngợi chùa Quan Thánh v.v. Những văn bia khắc thơ chữ Nôm hiện có trong kho thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Hán Nôm khoảng trên 30 bản.
Thể văn thư tín, công văn hành chính được khắc trên bia đá đã có từ thế kỷ XIV với những nội dung là ghi chép về ruộng đất hoặc khắc lại sắc chỉ của nhà vua. Từ thế kỷ XV, thể văn này được khắc trên đá hết sức phong phú về nội dung và đa dạng về chức năng. Người ta coi bia đá là một trong những loại hình văn bản để chuyển tải những nội dung thông tin cần thiết, hơn nữa loại văn bản chất liệu đá này lại lưu giữ mãi mãi về sau. Cho nên hầu như các thể văn thư tín và văn hành chính đều được khắc trên bia đá khi cần, như: lệnh dụ, sắc chỉ, khải, văn khế, chúc thư, văn kiện tranh chấp ruộng đất, rồi kể cả hương ước v.v Có thể lấy một vài bài văn bia làm ví dụ: Hồng Đức nhị niên, niên đại Hồng Đức 26 (1495) tại xã Trung Bản (Yên Hưng - Quảng Ninh) khắc hai đạo sắc chỉ của vua Lê Thánh Tông ban vào năm Hồng Đức 2 (1471) vào năm Hồng Đức 20 (1489) về việc cấp đất cho 4 xã thuộc huyện Yên Hưng; Phù Ủng xã lục giáp bi ký, niên đại Khánh Đức 3 (1651) tại đình xã Phù Ủng (Kim Chi - Hải Hưng), khắc hương ước của 6 giáp trong xã, quy định các nghi lễ về lên lão, cưới xin, ma chay; Tân tạo bi ký các bức đảng tự, niên đại Thịnh Đức 5 (1657) tại xã Thổ Ngõa (Quốc Oai - Hà Tây), ghi văn kiện về sự tranh chấp ruộng đất giữa hai xã Sơn Lô và Tiên Lữ. Thụy tổng mãi bản huyện giáo phường tư đoạn đình trù tiền văn bi ký do Đoàn Công Quyền soạn, niên đại Dương Đức 1 (1672) tại xã Trung Thụy (Đan Phượng - Hà Tây), khắc văn khế mua bán phần đăng cai ca hát của giáo phường ở đình; Phú Điền xã tự hậu đệ thất bi, niên đại Bảo Thái 7 (1726) tại chùa xã Phú Điền (Thanh Oai - Hà Tây), khắc bản trúc thư của Bùi Đắc Tuệ trụ trì chùa Phúc Lâm nói về việc phân chia ruộng hương hỏa cho các giáp trong thôn; Tạo lệ bi ký do Vũ Đình Trác soạn, niên đại Cảnh Hưng 42 (1781) ở đền Bạch Mã (Hà Nội), khắc bài khải của mọi người ở phường Hà Khẩu kêu xin với chúa Trịnh chuẩn y cho một số người được miễn thuế để phục dịch ở đền; Khâm sao, niên đại Quang Trung 2 (1788) tại xã Trạo Hà (Kim Môn - Hải Hưng), khắc sắc của Nguyễn Nhạc và chiếu của Nguyễn Huệ thăng chức và giao nhiệm vụ cho Hữu Trung Doãn Đông Phái bá làm Đô chỉ huy sứ, Đông Phái hầu hiệp trấn thủ trấn An Quảng; Minh Mệnh dụ bi, niên đại Minh Mệnh 17 (1836) tại Văn Miếu - Huế (Thừa Thiên - Huế) khắc lời dụ của vua không cho các hoạn quan tham dự vào công việc triều chính v.v
Ký, một thể văn có vị trí xứng đáng trong hệ thống thể loại của nền văn học cổ Việt Nam và những bài bi ký (ký trên bia đá) cũng đã đóng góp một phần vai trò của mình. Chúng ta đều biết những bi ký đã xuất hiện từ thế kỷ XII như bài: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký, Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký, Thanh Hư động ký v.v. Từ thế kỷ XV những bài ký trên đá đã được sử dụng rộng rãi với những nội dung khác nhau như: luận thuyết về tôn giáo, khuyến khích khoa cử, khuyên giáo mọi người làm điều thiện, ca ngợi các công trình xây dựng, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước v.v với sự tham gia của những cây bút nổi tiếng, văn chương truyền tụng một thời. Có thể nêu một vài bi ký làm ví dụ như: Trung Tân quán bi ký do Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn, niên đại Quảng Hòa 3 (1543) ở làng Trung Am (Vĩnh Bảo - Hải Phòng) luận bàn về chữ “Trung” và chữ “Tân” theo quan niệm của nhà nho; Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký do Thân Nhân Trung soạn, niên đại Hồng Đức 15 (1484) tại Văn Miếu (Hà Nội) mở đầu cho việc khắc đá đề tên những người đỗ đạt để khuyến khích những người hiền tài ra giúp nước; Công đức bi ký do Nguyễn Đình Lộc soạn, niên đại Hoằng Định 11 (1610) tại chùa Vĩnh Khánh xã Phương Xá (Tứ Lộc - Hải Hưng) ghi việc một số người trong thôn Hoàng Xá đã bỏ tiền của công sức để làm việc thiện như làm chùa, xây đình, lập chợ; Đề danh bi đình ký do Lê Hữu Thanh soạn, niên đại Tự Đức 16 (1863) tại Văn Miếu (Hà Nội) ghi việc quy hoạch nhà bia ở Văn miếu. Trùng tu Văn miếu bi ký do Nguyễn Tế soạn, niên đại Cảnh Hưng 5 (1744) tại xã Thiên Trạo (Hoa Lư - Ninh Bình) bài văn ca tụng đạo Nho và ghi lại quá trình xây dựng, tu sửa Văn miếu của bản huyện; Nhất trụ bi ký, niên đại Thiệu Trị 7 (1847) ở chùa Diên Hựu (Hà Nội) ca ngợi chùa Một Cột, một trong những thắng cảnh ở Thăng Long; Đông Môn tự ký do Nguyễn Văn Hiệp soạn, niên đại Vĩnh Tộ 6 (1625) tại chùa Đông Môn (Hà Nội) ca ngợi cảnh chùa là nơi danh lam cổ tích của đất Thăng Long v.v
Đặc điểm cuối cùng là truyện văn xuôi cũng được khắc nhiều trên bia đá, đó là truyện các thần linh, ví dụ như các văn bia: Hiển Linh từ thạch bi do Nguyễn Thạc Đức soạn, niên đại Hoằng Định 6 (1606) tại đền Hiển Linh xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) khắc sự tích Phù Đổng Thiên Vương; Thần chi đức thịnh do Nguyên Bính soạn, năm Hồng Phúc 1 (1572), khắc năm Vĩnh Hựu 5 (1739) tại miếu Linh Hựu xã Bồng Lai (Hoài Đức - Hà Tây) khắc sự tích thần Linh Hựu và Quý Minh; Nhật chiêu điện bi ký khắc năm Minh Mệnh 16 (1835) tại điện Nhật Chiêu (Hà Nội) khắc sự tích Linh Lang đại vương; Thiên Y tiên nữ truyện ký do Phan Thanh Giản soạn, khắc năm Tự Đức 7 (1854) tại núi đại An (Khánh Hòa) khắc truyện Thiên Y tiên nữ; An Dương Vương từ bi ký do Phạm Huy Lượng soạn, khắc năm Tự Đức 27 (1874) tại đình xã Tập Phúc (Diễn Châu - Nghệ An) khắc sự tích An Dương Vương; Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký do Trần Văn Tựu soạn, khắc năm Thành Thái 13 (1901) tại chùa Thiên Niên (Hà Nội) chép sự tích tinh cáo trắng chín đuôi và sự tích hình thành Hồ Tây v.v.
Từ những đặc điểm nêu trên, có thể đưa ra nhận xét rằng: Văn bia được xác định như là thể văn trong hệ thống thể loại văn học cổ chỉ có ý nghĩa giá trị ở thời kỳ khai sáng của thể văn này. Trong tiến trình phát triển, thể văn bia được sử dụng hoàn toàn theo ý đồ sáng tác của các tác giả, có nghĩa là tác giả không bị ràng buộc bởi nội dung và hình thức thể loại cũng như chất liệu thể hiện mà đã được xác định của thể văn này. Như vậy rõ ràng là bia đá đã được coi như là một trong những loại hình văn bản trong sáng tác văn học nghệ thuật.
CHÚ THÍCH
(1) Chu Kiếm Tầm: Kim Thạch học, Thượng Hải, 1955, tr.171 (tiếng Trung).
(2) Chu Kiếm Tầm: Sdd, Tr.173
(3) Chu Kiếm Tầm: Sđd. Tr.1-2.
(4) Trung Quốc cổ điển văn học từ điển, Bắc Kinh, 1989, trang 953 (tiếng Trung).
(5) Ríp Tin B.L: Hoàng Lê nhất thống chí và những truyền thống của tiểu thuyết vùng Viễn Đông/Truyền thống và cách tân trong nền văn học các nước Đông Nam Á, Matxcơva,1982,trang 111 (tiếng Nga).
(6) Ni Cu Lin N.I: Văn học việt Nam từ thế kỷ X - XIX, Matxcơva,1977, tr.18 (tiếng Nga)
(7) Tức Lý Thần Tông (1117 - 1137) vua thứ 5 nhà Lý.
(8) Ni Cu Lin N.I. Sđd, tr.16.
(9) Đờ Gian Rưn Ga Xin Nô Va. R.S: Những nhận xét về văn bia Triều Tiên // Văn bia vùng Đông và Nam Á, Matxcơva, 1972, trang 99 (tiếng Nga).
(10) Ni Ki Ti Na. M.I: và Tơ Rô Se Vích. AФ: Sơ thảo lịch sử văn học Triều Tiên, Matxcơva, 1969, trang 8 (tiếng Nga).
(11) Ga Lư Ghi Na . K.I: Lý thuyết thể loại và văn học Trung Quốc thời kỳ Trung Cổ // Lý thuyết thể loại và văn học phương Đông, Matxcơva,1985, trang 171 (tiếng Nga).
(12) Theo dòng họ lạc khoản đề ở thác bản.
................................................................. 
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 1993

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563540

Hôm nay

2150

Hôm qua

2331

Tuần này

2481

Tháng này

222064

Tháng qua

129483

Tất cả

114563540