Nhưng tiểu thuyết Lê Văn Trương có nhiều luồng ý kiến đánh giá khác nhau.
Có những ý kiến đánh giá: Văn Lê Văn Trương dễ dãi, dây cà ra dây muống,"rườm rà, luộm thuộm, xô bồ" (2), triết lý của Lê Văn Trương là thứ "triết học nửa mùa"; nhân vật “người hùng” trong tiểu thuyết Lê Văn Trương là thứ anh hùng rơm, "có những hành vi bất thường, "quá khổ" một cách không thực " (3) .
Bên cạnh đó, có những ý kiến ghi nhận ảnh hưởng đặc biệt của tiểu thuyết Lê Văn Trương đối với đời sống văn học đương thời: "hình tượng“người hùng” rất “quyết liệt ngang tàng” của ông đã ảnh hưởng tới thế hệ thanh niên thời đó rất sâu đậm"(4) , bởi ông "là người dám đứng ra mạnh dạn chủ trương một lý thuyết luân lý" (5),qua "những trang văn thấm đẫm lòng nhân ái và cháy bỏng những khát vọng của con người" (6) . Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã khẳng định: "Với một ngòi bút dồi dào, mạnh mẽ, với một trí tưởng tượng bồng bột, sôi nổi, với một chủ tâm đáng quí : giác ngộ thanh niên, ông Lê Văn Trương tự tạo riêng một vị trí trong văn học Việt Nam hiện đại" (7).
Qua những ý kiến nói trên, thấy nổi lên một vấn đề: Tiểu thuyết Lê Văn Trương bộc lộ nhược điểm về mặt nghệ thuật, nhưng các tác phẩm của ông vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng văn học đương thời, khiến ông trở thành nhà văn có sách best seller nhất thế kỷ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao nghệ thuật của tiểu thuyết Lê Văn Trương thuộc hạng xoàng, nhưng lại có sức hấp dẫn đông đảo độc giả như vậy? Phải chăng tầm đón đợi của công chúng của ông là thế? Hiện tượng Lê Văn Trương có phải là một kiểu tồn tại văn học?
2. Đến thập niên 30 của thế kỷ XX, cùng với các thể loại khác, tiểu thuyết Việt Nam- một trong những thể loại chịu ảnh hưởng của văn chương Pháp sâu xa nhất, đã tiến những bước dài trên hành trình hiện đại hoá của mình. Có rất nhiều nhà văn đang cố gắng thoát khỏi những quan niệm cũ trong cách viết tiểu thuyết, cả về xây dựng nhân vật, cốt truyện, cũng như hành văn. Càng ngày, các nhà tiểu thuyết càng chuyển trung tâm hứng thú từ cốt truyện, nhân vật với hành động ngoại hiện sang trung tâm hứng thú ở thế giới nội tâm nhân vật. Các nhà văn đang tìm cách thay đổi nghệ thuật trần thuật truyền thống. Họ không quan tâm nhiều đến cốt truyện. Nhiều nhà tiểu thuyết cho rằng, một tác phẩm có hơi thở hiện đại phải là một tác phẩm mà độc giả không dễ nắm bắt cốt truyện trong tay. Những tác phẩm đó được gọi tiểu thuyết hiện thực tâm lý. Cốt truyện của những tác phẩm này đơn giản, nhân vật ít hành động. Các tác giả chủ tâm khai thác thế giới nội tâm hơn là ngoại cảnh. Cốt truyện đã được các nhà văn giảm đến mức tối thiểu, thậm chí "truyện không có truyện". Những nhà văn tiêu biểu cho xu hướng này phải kể đến Nam Cao, Thạch Lam.
Trong lúc đó, tiểu thuyết gia Lê Văn Trương vẫn trung thành với lối viết: chuyên tâm vào cốt truyện, chú trọng những tình tiết li kì, không chú ý nhiều đến tính cách, nội tâm nhân vật. Đương thời, Lê Văn Trương bị chê dữ nhất ở điểm này. Nhưng, những câu chuyện li kì đầy chất phiêu lưu trong tiểu thuyết Lê Văn Trương đã đáp ứng được tâm lý đông đảo đại chúng lúc bấy giờ. Họ say mê tiểu thuyết Lê Văn Trương, bởi họ tìm thấy ở đấy sức hút của những câu chuyện theo thời gian, với những sự kiện, tình tiết hấp dẫn như đi xem chớp bóng (Vũ Ngọc Phan).
3. Văn học là một quá trình sáng tạo bao gồm ba thành tố: nhà văn, tác phẩm và công chúng. Có thể nói, công chúng đã tạo ra nhà văn, và do đó, cũng tạo ra nền văn học với những khuynh hướng khác nhau. Công chúng mỗi thời mỗi khác. Mỗi nhà văn, nhà thơ, tùy theo khuynh hướng của mình, lại có một loại công chúng riêng.
Trong cuốn Triết lí văn hoá và triết luận văn chương, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã dẫn một hiện tượng trên sân khấu Pháp thế kỷ XIX: Vở kịch Hai cô gái mồ côi của Adolphe d’ Ennery vốn bị đánh giá rất xoàng lại được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, mến mộ hơn nhiều so với vở kịch Hernanicủa Victor Hugo- đỉnh cao của sân khấu Pháp- tác phẩm mà mọi cuốn sách lịch sử văn học chính thống ở trường phổ thông cũng như ở trường đại học đều ghi nhận. Lấy cơ sở để giải thích hiện tượng này, ông Hoàng Ngọc Hiến đã trích lời của Jean Yves Mollier (Giáo sư trường Đại học Versaille ): “Thế kỷ XIX, Pháp đã hoan nghênh trên sân khấu vở Hai cô gái mồ côi nhiệt liệt hơn vở Hernanicủa Victor Hugo, việc này không có nghĩa là vở thứ nhất- một mélodrame- nhất thiết phải hay hơn vở thứ hai- một drame lịch sử- nhưng việc này khiến chúng ta, chí ít, phải đọc cả hai tác phẩm, cố tìm hiểu vì sao dân chúng lại có thể nhận ra mình thông qua một vở mélodrame hơn là thông qua một vở drame trong khi đó đại học truyền thống đã xoá sổ vở Hai cô gái mồ côi ra khỏi lịch sử chính thống” (8). Tiểu thuyết Lê Văn Trương cũng có số phận như Vở kịch Hai cô gái mồ côicủa Adolphe d’ Ennery vậy.
Bước sang thế kỷ XX, xã hội Việt Nam chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ thực dân tư sản. Quá trình hiện đại hóa từng bước diễn ra trong hầu khắp các lĩnh vực trên cơ sở đời sống đô thị hoá ở các thành phố, thị xã, thị trấn… Như một lẽ tất nhiên, văn học nằm trong dòng chảy không thể cưỡng lại ấy. Kinh tế thị trường đã khiến viết văn trở thành một nghề chuyên nghiệp. Nó không còn là “nghề chơi” của các nhà nho tao nhã ngày xưa mà thành một “nghề sống” của các nhà văn. Sản phẩm của văn học được coi là hàng hóa, được mua- bán tùy theo giá trị. Muốn sống được bằng nghề của mình, nhà văn phải thích ứng nhanh với yêu cầu người đọc. Điều này cũng có nghĩa mảnh đất nuôi sống văn học là công chúng. Công chúng trở thành đối tác chủ yếu và đồng thời là lực lượng quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và của sáng tạo văn học nói riêng. Vào thời trung đại, người sáng tác không viết vì công chúng đông đảo mà chỉ nhằm tới một vài người tri âm, tri kỉ. Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến viết bài thơ khóc bạn, trong đó bộc bạch nỗi chán chường không muốn làm thơ, bởi: “Viết đưa ai, ai biết mà đưa”. Thời ấy, chuyện văn chương chỉ thu hẹp trong môi trường của một số trí thức Hán học tài hoa. Đến thời hiện đại, văn chương hướng tới công chúng đông đảo. Một loạt các cây bút chuyên nghiệp xuất hiện: Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương...v.v.
Công chúng của văn học viết giai đoạn 1930-1945 chủ yếu là tầng lớp thị dân ở các đô thị có tính chất tư bản chủ nghĩa ra đời do sự thâm nhập của chủ nghĩa thực dân. Những tầng lớp này có nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ mới. Họ tạo thành một công chúng văn học ngày càng đông đảo. Cho đến năm 1945, 95% dân số nước ta (chủ yếu là nông dân) mù chữ. Vì thế, nông dân nói chung đứng ngoài đời sống văn chương thời Pháp thuộc. Trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nhân vật Nghị Quế - đại biểu của dân mà còn mù chữ (làm giấy tờ, ăn điêu ăn hỏng của ai đều phải thuê một ông giáo viết).
Lớp công chúng thị dân nói trên, đại thể có thể chia làm hai loại :
Một là loại quan lại, công chức cao cấp, trí thức thượng lưu, từ tú tài trở lên, chủ yếu đọc sách báo bằng tiếng Pháp. Về văn học bản xứ, họ chỉ “chiếu cố” đọc loại văn của trí thức như văn chương Tự lực văn đoàn, và văn của các cây bút "trí thức" có bài in trong cácbáo Phong hóa, Ngày nay, Tao đàn, Tri Tân, Thanh Nghị…
Hai là loại công chúng đông đảo hơn, nhưng cũng “táp nham” hơn (chữ dùng của Vương Trí Nhàn) bao gồm các loại tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, giáo viên tiểu học, công chức loàng xoàng, một số ít dân nghèo, một số ít bà nội trợ biết chữ quốc ngữ… Có thể gọi chung là các tầng lớp trung lưu và bình dân ở các đô thị, thị trấn, thị tứ thời đó. Mang dấu ấn của đời sống thành thị vừa mới hình thành, gốc gác vẫn là người nhà quê, bộ mặt tinh thần của họ pha tạp. Cuộc sống của họ không đến nỗi khốn quẫn, nhưng cũng đầy bấp bênh, biến cố, chua xót, đắng cay…
Đây là công chúng và cũng là những cây bút chủ yếu của tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, của Phổ thông bán nguyệt san, của Hà Nội báo, công chúng của những Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Lan Khai, Thanh Châu, Nguyễn Đình Lạp...và của Lê Văn Trương. Trong số này, Lê Văn Trương thuộc loại ăn khách hơn cả. Điều đó có nghĩa, công chúng văn học của Lê Văn Trương được xác định chủ yếu ở loại này. Đây là loại công chúng có số lượng đông đảo nhất trong giai đoạn văn học những năm 30-45 của thế kỷ XX.
Lê Văn Trương trở thành tiểu thuyết gia lừng lẫy một thời của những năm 30-45 thế kỷ trước bởi ông đã được sự đón nhận của một lớp công chúng đông đảo. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn trong bài Những tiền đề nghĩ lại về Lê Văn Trương, (in trong Tạp chí Văn học, số 5, năm 1991) đã viết: “Nếu không nhìn Lê Văn Trương bằng con mắt văn học thuần túy, mà nhìn ông như một hiện tượng xã hội…thì hiện tượng Lê Văn Trương cho thấy những đường nét rất thú vị” (9) . “Những đường nét thú vị” của Lê Văn Trương chỉ có thể nhận ra rõ ràng nhất khi phân tích vấn đề công chúng văn học, sự tiếp nhận và tầm đón đợi của họ với tác phẩm văn học.
Về vấn đề công chúng của tiểu thuyết gia Lê Văn Trương, có khá nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Phạm Thế Ngũ, trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên viết : "Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết viết rất nhiều và đã có thời (1935-1945) được độc giả trung lưu ưa thích" (10) . Ông lý giải: "Con người hùng của ông (Lê Văn Trương) đã thể hiện được phần nào nguyện vọng của đa số trung lưu bất bình với những trói buộc hay ghê tởm trước những sa đọa của xã hội thực dân, muốn vươn lên tìm một lối thoát cho tâm hồn" (10) .
Vũ Ngọc Phan, trong cuốn Nhà văn hiện đại, khi nói về luân lý trong tiểu thuyết Lê Văn Trương, đã kết luận : "...cái luân lý ấy cũng cảm động được nhiều người thuộc đám thường nhân trong xã hội" (11).
Nguyễn Ngu Í, trong Câu chuyện văn chương, đã kể ra một cách tỉ mỉ: " Hoan nghênh anh, là những ông già bà cả tân tiến phần nào thích những cái "trung, hiếu, tiết, nghĩa" của thời mình đang sống. Hoan nghênh anh, là những người đứng tuổi, tuy an phận, trong một hoàn cảnh nào đó, nhưng lòng vẫn mơ những chuyến phiêu lưu kì thú, những đám nhân vật vùng lên. Hoan nghênh anh là những cô con gái đến thì, ngồi bên song cửa, ngồi sau cửa hàng, ngồi cạnh bảng đen, tưởng đến những chàng trai ngang tàng, khí phách, thủy chung, thừa tàn bạo để tát mình đến chảy nước mắt, nhưng cũng dư thiết tha để gục vào lòng mình khóc nỉ non" (12). Những ông già bà cả tân tiến, những người trung tuổi an phận, những cô gái ngồi sau cửa hàng cũng chỉ là cách gọi khác đi của lớp trí thức bình dân.
Vương Trí Nhàn, khi nói về triết lý người hùng của Lê Văn Trương, đã đánh giá :"nó thích hợp với đám độc giả trung lưu đương thời" (13) .
Công chúng văn học của Lê Văn Trương trông chờ từng số báo Tiểu thuyết thứ bảy có đăng truyện của ông để theo dõi số phận nhân vật mà họ yêu mến, ngưỡng mộ. Bởi họ tìm thấy nét đồng cảnh nào đó giữa mình với nhân vật trong đó. Như thế, có thể thấy rõ, tiểu thuyết Lê Văn Trương đã tìm cho mình một loại công chúng riêng và đã có cách tiếp cận phù hợp với “tầm đón đợi”, thoả mãn ước vọng, tâm lý và sự cảm nhận văn chương của họ.
Nhà văn Ngọc Giao- thư kí toà soạn báo Tân Dân ngày trước đã khẳng định : "Những số báo của Tân Dân: Tiểu thuyết thứ bảy; Truyền bá; Ích hữu; Tao đàn; Những tác phẩm hay; Phổ thông bán nguyệt san, tất cả những loại trên, không in quá con số 2000 cuốn, riêng tiểu thuyết Lê Văn Trương in 3000 cuốn”(14). Trong một hồi ký mang tên Chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân- ông Vũ Đình Long, (đăng trong Tạp chí Văn học, số 1, 1991), ông đã kể lại: “Nhà xuất bản Tân Dân thành lập năm 1930, tại 93 Hàng Bông. Trong đội ngũ ấy, anh em văn hữu của NXB Tân Dân suốt Nam Trung Bắc tập hợp cung cấp văn phẩm cho ông Long đều đặn… Lê Văn Trương, “tiểu thuyết người hùng” viết khoẻ nhất, nhiều độc giả nhất miền Nam cũng như miền Bắc"(14). Thiết nghĩ, một vài dòng ngắn ngủi về Lê Văn Trương trong những dòng hồi ức về một thời vang bóng của nhà xuất bảnTân Dânđã khẳng định vị trí và sức hấp dẫn của Lê Văn Trương với “tiểu thuyết người hùng” của ông.
Từ năm 1934 (là năm tuần báo Tiểu thuyêt thứ bảy ra đời) cho đến gần Cách mạng tháng Tám 1945, độc giả của báo Tân Dân không mấy ngày là không thấy quảng cáo trên tờ báo này hoặc trên loại sách Phổ thông bán nguyệt san, những tên sách của Lê Văn Trương. Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san- tiếng là tờ báo- nhưng chỉ in tiểu thuyết, truyện ngắn. Bạn đọc trông chờ từng số báo của Tân Dân để đón đọc Lê Văn Trương. Tiểu thuyết của ông đã trở thành một thứ “hàng hoá” được thị trường ưa chuộng. Thư từ, điện tín của các đại lý sách từ Sài gòn, Phnôm Pênh, miền Trung, Nam, Bắc luôn gửi về tòa soạn của Tân Dân để đòi lấy thêm sách của Lê Văn Trương. Thời ấy, người ta đã gọi Lê Văn Trương là “con gà đẻ trứng vàng” của ông chủ bút Vũ Đình Long, là người đã "bán linh hồn cho báo ". Người thư kí ngày đó của Tiểu thuyết thứ bảy đã xác nhận: "Thời tiền chiến 1930- 1945, kể về số lượng tác phẩm, Lê Văn Trương là một nhà văn lớn... Ở miền Nam, nhất là tại Sài gòn, tủ sách nào cũng có Lê Văn Trương"(15)
Cái tên Lê Văn Trương trong những số báo đã được coi như một thứ bảo hành cho sự đắt hàng của ông chủ Tân Dân. Điều đó cũng có nghĩa tiểu thuyết Lê Văn Trương đã đáp ứng được nhu cầu của công chúng.
Nhiều người trong chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao, theo đánh giá của khá nhiều nhà phê bình, Lê Văn Trương viết tiểu thuyết vào hạng xoàng, nhưng vẫn tồn tại, hơn nữa, “tồn tại một cách vinh quang, sáng giá” (chữ dùng của Vương Trí Nhàn) trong suốt khoảng thời gian 1930-1945. Tại sao, dù không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhưng tiểu thuyết Lê Văn Trương vẫn được đông đảo công chúng độc giả thời kỳ đó chấp nhận? và, đối với một số độc giả (thuộc loại trung lưu, trí thức nhỏ, tầng lớp bình dân ở thành thị nói chung) thì những trang viết của Lê Văn Trương vẫn là một món ăn “khoái khẩu”, được họ đón đọc một cách hào hứng? Sự đón nhận của độc giả với tác phẩm của Lê Văn Trương đã được nhà văn Lan Khai khẳng định trong cuốn Lê Văn Trương- mớ tài liệu cho văn - sử Việt Nam : “Ông đã nhảy xổ vào làng văn, như luồng gió, làm bật tung cánh cửa, ùa vào trong nhà. Ông đã vượt lên trên tất thảy các văn sĩ đương thời bằng cái khối sách cao ngất, bằng sự nổi danh chớp nhoáng và bằng cái số lớn độc giả của ông” (16) .
Vương Trí Nhàn đã đề nghị mọi người "nghĩ lại về Lê Văn Trương" : "Không phải mọi lời chê trách Lê Văn Trương về nghệ thuật đều đã đúng cả. Tiểu thuyết Lê Văn Trương là tiểu thuyết đăng báo, thì thứ văn thông tục, dễ hiểu là hợp với nó hơn cả " (17). Bởi trong thực tế văn học, có loại văn xuôi gọi là tiểu thuyết đăng báo. Ở đó, nhà văn viết chủ tâm diễn ý, còn ít dụng công chăm chút ngôn từ. Đã có nhiều ý kiến chê bai, gọi loại văn này là thứ văn rẻ tiền, tiểu thuyết ba xu, nhưng nó vẫn tồn tại, cả phương Đông cũng như phương Tây, tạo nên những hiện tượng trong văn học. Những tác phẩm thuộc loại kiếm hiệp, trinh thám, chưởng…thời nào cũng vẫn có một lượng độc giả đông đảo.
Lê Văn Trương “đã khiến nổi thiên hạ chú ý đến mình”, dù đó là thiên hạ của những người tiểu tư sản. Nhưng chính thiên hạ của những tầng lớp bình dân thành thị đó đã làm nên một phần đời sống văn chương của một giai đoạn rực rỡ của nền văn học Việt Nam. Nhà phê bình Văn Giá, khi nói về hiện tượng Lê Văn Trương đã trình bày quan điểm của mình: “Trong đời sống văn chương của thời nào cũng vậy, điều hoà giữa tinh hoa và đại chúng rất khó giải quyết. Khi thì tinh hoa nổi trội, khi thì đại chúng mạnh…Nhưng không nên phủ nhận cái đại chúng, nó có vị trí quan trọng của nó với thị hiếu và biết đâu trong những tác phẩm ấy có thể nổi trội một điều gì đó nổi bật.” (18).
Công chúng văn học của Lê Văn Trương bị cốt truyện phiêu lưu của ông cuốn hút, họ không để tâm nhiều đến những câu văn,"rườm rà, luộm thuộm, xô bồ" ; hay sự huênh hoang "nắm tay, day miệng" triết lý ồn ào của ông. Họ mong muốn tìm ở tiểu thuyết "những truyện phong tình khiến cho lòng cảm động", "những truyện anh hùng hào kiệt khiến trí phải mơ màng", "những phương xa cõi lạ có chim kêu vượn hót, cây đẹp cỏ thơm khiến tinh thần khoái trá." (19) Tiểu thuyết của Lê Văn Trương trở thành món ăn khoái khẩu cho đời sống tinh thần của họ. Điều đó khiến cho Lê Văn Trương trở thành nhà văn có sách best seller nhất thế kỷ. Với đời một nhà văn, đó là thành công.
4. Trung thành với quan niệm truyền thống về tính duy nhất của tiểu thuyết, nghĩa là nó phải "khiến cho người đọc ham thích, lại vừa không thiếu một mảnh đầu đuôi nào." (20) . Thêm vào đó là ước muốn nhanh chóng chiếm lĩnh được công chúng và cuộc mưu sinh đã khiến nhiều nhà văn chiều theo thị hiếu của độc giả, đầu tư cốt truyện li kì cho các tác phẩm của mình. Lê Văn Trương là một điển hình. Những câu chuyện của Lê Văn Trương bao giờ cũng có những tình tiết ly kì, cuộc đời nhân vật đầy những gian nan, cách trở. Nó khiến người đọc lúc nào cũng háo hức, đợi chờ, hồi hộp dõi theo từng diễn biến của câu chuyện. Bạn đọc dõi theo từng kỳ tiểu thuyết của Lê Văn Trương đăng trên báo bởi sự cuốn hút của những tình tiết ly kì trên trường đời của nhân vật, và cũng để thêm yêu cái chất thép người đã được tôi luyện của những nhân vật mình yêu quý. Lê Văn Trương luôn luôn đặt nhân vật của mình trước rất nhiều thử thách. Nhưng dường như càng khó khăn, thử thách càng làm tăng quyết tâm trong họ, thổi bùng lên trong họ khát khao chiến thắng. Và, với những nhân vật người hùng, chiến thắng của họ sẽ là gì, nếu không có gian lao? Những nhân vật của Lê Văn Trương được đặt ở trong những hoàn cảnh gian khó, để phẩm chất anh hùng được bộc lộ. Với Lê Văn Trương, cái giá trị của một người chỉ có thể biết được khi người ấy đối đầu với bất thường của sự sống gay go và tàn nhẫn.
Vũ Ngọc Phan, trong cuốn Nhà văn hiện đại, đã liệt tiểu thuyết Lê Văn Trương là “rõ ra truyện một phim chớp bóng, rất thích hợp với trình độ trí thức của hạng người bậc trung.”(21-10) Nhưng chính điều mà Vũ Ngọc Phan coi là rất thường ấy lại là một trong những sức hút của tiểu thuyết Lê Văn Trương đối với đại chúng. Những tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, luôn có một sức quyến rũ riêng. Nam Sơn Trần Văn Trí, trong bài viết Đọc báo, coi truyền hình ở Vỉệt Nam, đăng trên trang http// www talawas.org ngày 21/2/2008 đã so sánh sự hấp dẫn của những tờ báo công an ngày nay với tác phẩm của Lê Văn Trương những năm trước : "Tờ công an chuyên đăng những vụ án hình sự, những cuộc săn bắt cướp, bắt băng đảng, chuyện lừa tình, giật hụi...ly kì, hấp dẫn như tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Lê Văn Trương ở Sài Gòn trước đây."Độc giả tìm Trường đời, Tôi là mẹ, hay Trận đời…. để được tìm cảm giác hồi hộp, lo lắng rồi thở phào nhẹ nhõm khi nhân vật yêu quý của mình đã thoát hiểm ngoạn mục và thông minh như thế. Những biến cố trong cuộc đời Vĩnh (trong Tôi là mẹ), những thăng trầm trong cuộc đời Chí (trong Trận đời), những khúc ngoặt của cuộc đời Khang (trong Trường đời), những éo le trong cuộc đời Vẹo (trong Anh Vẹo )…đã tạo nên sức hút rất đặc biệt với độc giả.
Những cốt truyện phiêu lưu mạo hiểm của tiểu thuyết Lê Văn Trương thường có pha võ hiệp. Nhân vật người hùng của ông trên trường đời bao giờ cũng là những tay súng thiện xạ, sử dụng được thành thạo các loại vũ khí, bày binh bố trận như những nhà quân sự lão luyện. Khẩu súng mà Trọng Khang (Trường đời) đeo bên mình nặng gấp rưỡi những khẩu súng thường, nhưng chàng có thể vừa đi ngựa, vừa rút súng, bắn luôn, không cần ngắm, trúng mục tiêu cách vài chục mét. Cách chọn địa điểm cắm trại của chàng đã khiến tên tướng cướng Vương Nhân khâm phục : chọn địa điểm như thế, có nghìn quân kéo lên, chưa chắc đã thắng! Những chuyến đụng độ của Vĩnh (Tôi là mẹ) với cướp trong rừng trong những chuyến hàng, của Chí (Trận đời) trong chuyến đi buôn bò luôn làm nghẹt thở những người theo dõi.
Trong Trường đời, phiêu lưu nhất là đoạn Khánh Ngọc đòi đi tắm suối nước nóng để rồi cả nhóm rơi vào tay bọn cướp bắt cóc tống tiền. Bị giam trong hang đá, sự ứng biến tài tình, sự thông minh, biết đánh giá người của Trọng Khang đã khiến tên tướng cướp Vương Nhân cảm phục, tôn trọng, đối đãi với anh như một người bạn. Nhưng bất ngờ bọn giặc cỏ tấn công, mưu cướp lại Khánh Ngọc, Trọng Khang và Francois để vòi tiền chính phủ. Trận đọ súng đầy quyết liệt, thót tim độc giả đã diễn ra. Một tình huống đã xảy ra đậm tính tiểu thuyết: Vương Nhân bị thương vào tay, tên tướng cướp đầy nghĩa hiệp đó đã nhờ anh- một tù nhân của hắn- chặn lùi bước tấn công của bọn giặc cỏ. Sự tin tưởng mang tính nhân văn nhưng cũng đầy khôn ngoan của Vương Nhân đã khiến Trọng Khang không thể làm khác. Nhờ có bàn tay thiện xạ của Trọng Khang, bọn giặc cỏ Nam- Thoong đã bị đánh bật. Những tình tiết được đẩy nhanh, những bước ngoặt bất ngờ như thế đã khiến độc giả hào hứng theo dõi đến tận trang cuối cùng của tác phẩm.
Trong số những tác phẩm giàu tính phiêu lưu nhất của Lê Văn Trương, phải kể đến Tôi là mẹ. Khi lấy Vân, Vĩnh đã từ chối cuộc sống đủ đầy mà cha mẹ vợ sắp sẵn cho, đưa vợ con lập nghiệp tận xứ Love's xa xôi, không từ một việc gì: lập điền, khai hoang, đổi thóc vụ, buôn bán, kể cả tải thuê thuốc phiện, “bỏ ra cái mạng mình ra để làm vốn” để xây dựng cơ nghiệp.
Người đọc nghẹt thở khi đọc những trang tiểu thuyết miêu tả những chuyến tải thuốc phiện qua rừng đầy nguy hiểm của Vĩnh. Những con đường âm u như trăm năm chẳng nhận được dương khí, đầy vắt, muỗi, ruồi rừng... hễ thấy hơi người là kéo ra vo vo như ong vỡ tổ. Nhưng rợn người nhất là trong đâu đó của bóng tối núi rừng, rất có thể bọn trộm cướp liều mạng xông ra. Mỗi lần đi hàng là mỗi lần đối diện với bất trắc khôn lường. Nhưng cái sự liều của Vĩnh đã đem lại cuộc sống khá giả cho vợ con. Thương chồng, Vân đã khuyên Vĩnh từ bỏ cái nghề đánh đu với tính mạng như thế. Vĩnh đã bằng lòng. Nhưng rồi cái chất anh hùng đã khiến Vĩnh nhận thêm một chuyến đi nữa khi chủ hàng khẩn thiết nhờ đến sự can trường và trung thực của anh. Trước khi đi chuyến hàng ấy, Vĩnh căn dặn vợ con như thể một chuyến đi không có ngày trở về. Sự linh cảm đã làm Vân thắt lòng khi đưa tiễn chồng. Rất đau đớn cho mẹ con Vân khi sự linh cảm đó đã thành trở thành sự thực. Giao hàng an toàn xong, khi trở về, một bọn sang cướp bên Cao- mên đụng độ với toán người của Vĩnh. Hai bên thổi tù và, ra ám hiệu, thấy không khớp, liền bắn nhau. Sau cuộc đụng độ nhanh chóng, toán cướp bỏ chạy. Khi cùng mọi người đi kiểm tra, thấy có người máu me đầm đìa nằm phục ở giữa đường, Vĩnh cúi xuống định vén tóc nhìn mặt, thì kẻ nằm đấy bỗng chống tay ngồi dậy rồi nhanh như cắt, sẵn dao cầm ở tay đâm Vĩnh một nhát trúng bụng. Vĩnh rú lên một tiếng rồi ngã vật xuống. Liền lúc đó, kẻ đâm bị xả ra từng mảnh. Nhưng khi cả bọn quay lại, đã thấy máu từ bụng Vĩnh túa ra, không có thuốc, băng nào rịt được. Cảnh: trong đêm khuya, giữa rừng sâu, một bọn người đầu trộm đuôi cướp đầm đìa nước mắt khóc vì lo cho tính mạng người chủ của mình đã khiến độc giả cảm động. Cả bọn phân công nhau, những kẻ khoẻ nhất khiêng Vĩnh về để kịp gặp vợ con, người về sau bảo vệ hàng hoá để mang về cho chủ. Chất người hùng của nhân vật Lê Văn Trương thể hiện ngay cả khi họ chỉ là những tay chuyên đâm thuê chém mướn, hảo hán giang hồ, được thuê làm bọn áp tải hàng. Hai người khiêng Vĩnh về, chạy suốt đêm để Vĩnh kịp nói với vợ con lời trăng trối trước khi chết. Những kiện hàng trọn vẹn đến tay Vân, không suy chuyển lấy một li. Những trang tiểu thuyết đậm tính hình sự với những điều luật ân oán giang hồ đã khơi dậy trí tò mò của những độc giả bình dân- công chúng của Lê Văn Trương.
Ba ngày luân lạc- là một câu chuyện cho thiếu nhi nhưng màu sắc phiêu lưu khá rõ nét. Không chịu vào khuôn phép giáo dục của gia đình, Đức đã trốn khỏi nhà của người bác ở trên Bắc Giang, tìm đường về Hà Nội. Ba ngày luân lạc của Đức là ba ngày với bao nhiêu hãi hùng và rất nhiều điều bất ngờ. Tuy không phải những cuộc phiêu lưu đường rừng với hùm beo, giặc, cướp, nhưng Lê Văn Trương đã khiến được bạn đọc hồi hộp dõi theo từng bước chân lạc của Đức để rồi cùng thở phào nhẹ nhõm mỗi khi cậu bé thoát khỏi một tình huống gay cấn nào đó. Ba ngày, Đức đã lạc vào thế giới khác hẳn cuộc sống mình đã từng biết, cuộc sống của những người lao động nghèo nhưng giàu lòng nhân ái.
Cũng phải nói thêm rằng, những tác phẩm văn học với những cốt truyện phiêu lưu đó, bạn đọc không chỉ riêng gặp trong các tác phẩm của Lê Văn Trương, và, tiểu thuyết gia họ Lê cũng không phải là một trong những người đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ XX chinh phục bạn đọc với những câu chuyện như thế. Trước đó, ở miền Nam, những tiểu thuyết hành động của Nam Đình và Phú Đức đã tạo một hiệu ứng tốt đối với loại công chúng bình dân, mối quan tâm đầu tiên của những người muốn sống và làm giàu bằng văn chương.
Chất phiêu lưu trong tiểu thuyết Lê Văn Trương còn thể hiện ở những câu chuyện tình. Với tính chất của những cuốn tiểu thuyết đăng báo, số trước gọi số sau, tiểu thuyết gia Lê Văn Trương một mình làm nên một văn đoàn, đã hút bạn đọc về phía mình, khiến họ không thể dừng lại khi đã đọc tiểu thuyết ông bằng những câu chuyện tình ái. Không phải những câu chuyện êm như một buổi chiều hè, dịu dàng như hương ngọc lan buổi sớm như Tự lực văn đoàn, chuyện tình của tiểu thuyết Lê Văn Trương hấp dẫn người ta bởi sự nồng nàn trong thể hiện, mạnh mẽ trong đấu tranh để gìn giữ tình yêu.
Độc giả say những câu chuyện của Lê Văn Trương, yêu tình yêu của những nhân vật mình yêu quý : tình yêu của Giáng Vân với văn sĩ Cung (Cánh sen trong bùn), của Khánh Ngọc với Trọng Khang (Trường đời), của Vân với Vĩnh (Tôi là mẹ), của Hạnh với Linh (Một người), của Cài với Veọ (Anh Vẹo), của Đoàn Hữu với Tư Thung (Cô Tư Thung), của Cung với Thuần (Hận nghìn đời) ...Một phần làm nên sự say của những tiểu thuyết Lê Văn Trương là những câu chuyện tình ái của ông không theo lẽ thường. Trong những câu chuyện tình yêu, thuận lẽ, thường là chàng trai con nhà gia thế, yêu và lấy cô gái hiền dịu, xinh đẹp con nhà nghèo. Nhưng trong những chuyện tình của tiểu thuyết Lê Văn Trương, độc giả lại thấy chiều ngược lại: Cô con gái nhà chủ giàu có, xinh đẹp, giỏi giang, có học thức, lại đem lòng yêu một chàng trai nghèo, thất cơ lỡ vận, đang làm công cho nhà mình. Thế cũng chưa đủ, Lê Văn Trương còn bắt các cô gái đau khổ vì yêu, bởi chàng trai nghèo tiền bạc mà giàu lòng tự trọng kia một mực chối từ, giả tảng như không biết đến sự quan tâm của các tiểu thư. Phải đến khi cô gái ốm liệt giường liệt chiếu vì tương tư, chàng trai mới nhận lời, và, tình yêu mới đến với họ. Nhân vật của Lê Văn Trương không dễ buông xuôi theo số phận. Nếu họ yêu, họ biết cách thể hiện tình yêu và nuôi giữ tình yêu đó.Chuyện tình trong những cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của Lê Văn Trương đều có chung một mô hình đó. Thanh Lãng, trong cuốn Bảng lược đồ văn học Việt Nam, xuất bản năm 1967, đã gọi tình yêu trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương là "tình yêu kì quặc", và đánh giá :"hầu hết các chuyện của ông (Lê Văn Trương) đều là những tiểu thuyết ái tình có nhiều tính cách đau đớn, nhiều hiện tượng lãng mạn." (22) Những tính cách đau đớn của tình yêu kì quặc ấy đã tạo sự hấp dẫn cho tiểu thuyết Lê Văn Trương.
Tình yêu nhiều cung bậc tình cảm nhất, nhiều nỗi éo le nhất là tình yêu của Giáng Vân và Cung trong Cánh sen trong bùn. Giáng Vân và Cung đến với nhau bằng một bản hợp đồng. Một người vừa bị thất tình, muốn trả thù đàn bà, một người từng lăn lộn mười năm cuộc đời làm đĩ, muốn thử nghiệm những rung động của ái tình. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn của một con đĩ, vẫn lấp lánh bản chất trong lành của một con người. Ở bên Cung, Giáng Vân đã tìm thấy ở chàng văn sĩ sự đồng điệu trong tâm hồn, nàng đã yêu Cung bằng một tình yêu vừa đắm say, vừa kính phục. Nhưng nàng không ngờ mụ Bảy, người chuyên dắt mối trước kia đã bán đứng nàng. Cung đã hiểu lầm nàng đi theo đường cũ. Không một lời trách cứ, chàng đóng cửa buồng văn, ngồi lì trong đó. Mãi sau, khi thông tỏ mọi chuyện, cơn giận của Cung mới tạm nguôi. Cung đã đề nghị chính thức được cưới nàng làm vợ. Giáng Vân không muốn quá khứ của mình làm nhem nhuốc đời Cung. Nàng đã chọn cái chết để Cung có điều kiện làm lại cuộc đời mới mà không phải áy náy về mình. Đó cũng là cách nàng làm cho hình ảnh của mình sống mãi trong trái tim Cung.
Anh Vẹo là một câu chuyện hiếm hoi của Lê Văn Trương mà nhân vật nam chính của ông có dáng vẻ ngoài thô mịch, vụng về, xấu trai. Cái tên anh là cả một sự hình dung! Cha mẹ mất sớm, không để lại cho anh một gia sản gì, ngoài cái đức hiền lành, chăm chỉ, biết ăn nhịn để dành. Anh đã đủ ăn, lại mua thêm được đất. Nhưng cả cái làng Láng, không một cô nào tơ tưởng đến anh. Thực ra, nếu anh có hỏi, thì cũng có lắm nhà muốn gả con gái cho anh, mặc dầu anh chỉ là một tên bạch đinh ở một cái nhà lá xoàng xĩnh. Nhưng anh không nghĩ đến hỏi một cô nào vì trong lòng anh chỉ có yêu có một cô Cài. Mà cô Cài thì ngoài sắc đẹp nhất làng, lại còn là con cụ phó tổng, giàu nhất nhì trong làng. Tự biết thân đũa mốc, Vẹo ôm khối tình thầm kín trong lòng. Mối tình thầm kín mà mãnh liệt anh chàng nông dân thật thà, chất phác ấy, không bao giờ Cài nhìn thấy cả, vì "chính nàng cũng không thể ngờ một con người như thế lại dám yêu mình".
Nhưng cái đau đớn đã khiến Vẹo tưởng chừng chết đi được khi biết Cài đã phải lòng anh chàng trẻ tuổi, đẹp trai, ăn mặc sang trọng ra vẻ ông thông ông phán đi qua con đường làng mỗi chiều. Dù có hậm hực lòng ghen, nhưng tình yêu của Vẹo dành cho Cài là một tình yêu đầy tính bao dung và sự hi sinh. Khi biết bọn trai làng định phục để đánh bạn trai của Cài, Vẹo đã tìm cách báo cho Cài biết. Lo cho Cài bị người ngoài tỉnh lừa, Vẹo nói bóng gió xa xôi để Cài cảnh giác. Rồi Cài bị lừa thật. Thương Cài đến thắt ruột, Vẹo cất công lên Hà Nội tìm, đến nơi hắn ở, biết là chỗ ở thuê, đến phủ Thống sứ, thì không có ai tên như thế, người như thế. Suốt mấy hôm trời, lo Cài quẫn trí tự tử, Vẹo không dám ngủ. Rồi, một đêm, Vẹo đã đi theo và đưa được Cài trở về trước khi Cài định nhảy xuống cái giếng làng.
Sau đêm đó, Cài biết được tình yêu chân thành bao lâu nay Vẹo dành cho cô. Nhưng chuyện không đơn giản như đôi trai gái tính. Họ hàng nhà Vẹo nhất định không cho Vẹo lấy Cài. Cụ phó tổng giận con, bẽ mặt trước họ hàng nhà Vẹo, cũng cương quyết không cho Vẹo lấy Cài. Muốn đền đáp cái ơn sâu nặng mà Vẹo dành cho, nhưng thấy hai bên cứ giằng co nhau, Cài liều cắp quần áo sang trốn sang nhà Vẹo. Đến nước ấy, nhất là khi thấy hai trẻ nói thật lòng thương nhau, họ hàng hai bên cũng đắp điếm cho hai người.
Câu chuyện tình thôn quê mộc mạc, chân tình ấy đã khiến nhiều người cảm động. Giữa cái xã hội kim tiền, thực dụng, tính toán, thì tình yêu của của Vẹo như một luồng gió mát, để người ta tin rằng, trên đời, vẫn còn chỗ cho lòng bao dung, con người vẫn còn cảm giác của hạnh phúc được hi sinh cho người mình yêu dấu. Độc giả mê đọc tiểu thuyết Anh Vẹo không chỉ ở tính triết lý của tình thương và cái kết có hậu dành cho tình yêu, mà trước hết là ở cốt truyện với những tình tiết khá bất ngờ, những khúc ngoặt của cuộc đời nhân vật được sắp xếp một cách hợp lý.
5. Thập niên 30-40 của thế kỉ XX, ông chủ động Tân dân Vũ Đình Long đã nhận ra sự say mê của công chúng bình dân trước những câu chuyện có tính phiêu lưu của Lê Văn Trương. Chính bởi thế, những tác phẩm của tiểu thuyết gia họ Lê luôn là sự ưu tiên của ông trên những trang báo. Và, trong suốt những năm 30-40 của thế kỷ XX, Lê Văn Trương đã trở thành "ông lớn" một thời (Vương Trí Nhàn).
Nhưng thời hoàng kim của tiểu thuyết gia họ Lê không lâu. Nó kéo dài khoảng hơn một thập kỷ, khoảng từ năm 1932 đến ngoài những năm 40 của thế kỷ XX.
Người ta không nhắc đến ông, không hẳn bởi những tác phẩm của ông không thực hấp dẫn nữa với công chúng đương thời. Bởi sau này, khi được tái bản lại, các tác phẩm của Lê Văn Trương vẫn tìm được chố đứng trong lòng độc giả. Trong đời sống văn học, ánh hào quang sáng chói rồi vụt tắt của một nhà văn như Lê Văn Trương không phải là cá biệt. Nó tồn tại ở những nền văn học khác nhau trong những thời khác nhau.
Sự đào thải tàn khốc của thời gian trong đó bao hàm cả sự đổi thay của tâm lý người tiếp nhận. Mẫu người hùng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương không còn làm say mê độc giả. Không phải họ không còn đẹp, mà bởi độc giả cần một mẫu người khác trong một hoàn cảnh xã hội khác, một thời đại khác. Tâm lý con người thay đổi, gu thưởng thức văn chương cũng thay đổi. Không hẳn họ đòi hỏi những tác phẩm văn học mang tính nghệ thuật cao hơn mà họ cần những giọng văn phù hợp với họ hơn.
Thời gian khắc nghiệt, nhưng thời gian cũng rất dịu dàng. Cả một quãng dài người ta ngại nhắc đến Lê Văn Trương, hoặc là phê ông như một chứng minh là họ không phải là lớp công chúng “bình dân”. Nhưng thời gian gần đây, các nhà phê bình văn học, các nhà văn đã có cái nhìn công tâm hơn với Lê Văn Trương trong sự đánh giá những đóng góp của Lê Văn Trương với nền văn học nước nhà.
Trong không khí cởi mở của đời sống văn học thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đến nay, giới văn học đã bắt đầu nhắc đến Lê Văn Trương. Dẫu sự nghiệp văn chương của ông còn có rất nhiều điều để các bạn đồng nghiệp và các nhà trí thức tranh luận, nhưng Lê Văn Trương vẫn thực sự là một hiện tượng trên văn đàn những năm bấy giờ.
............................................................
(1) Hoàng Hữu Đản, Nên đánh giá lại Lê Văn Trương công bằng và trung thực (Bài viết có bút tích của tác giả do gia đình nhà văn cung cấp)
(2) Nguyễn Vĩ, Văn sĩ thi sĩ tiền chiến, NXB Hội nhà văn, 1994, tr 80
(3) Nhiều tác giả, Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới mới, 2004, tr. 844
(4) Phương An, Nhà tiểu thuyết có sách "best- seller" nhất thế kỷ- Số báo Xuân- Báo động, 1996
(5)(10)Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Tập 3), Giai đoạn 1932-1945, Phần Những tiểu thuyết gia viết cho nhà Tân Dân, NXB Quốc học tùng thư, 1968, tr 540, tr 541
(6) (16) Lan Khai, Mớ tài liệu cho văn- sử Việt Nam, NXB Minh Phương, 1940, tr3, tr 12
(7)Trương Chính, Dưới mắt tôi (Phê bình văn học Việt Nam hiện đại), NXB Minh Phương, 1939, tr 121
(8) Hoàng Ngọc Hiến, Triết lý văn hóa và triết luận văn chương, NXB Giáo dục, 2006, tr 41
(9)(17) Vương Trí Nhàn, Những tiền đề nghĩ lại về Lê Văn Trương, Tạp chí văn học, số 5/ 1991, tr 58
(9) (13) Vương Trí Nhàn, Cánh bướm và đóa hướng dương- NXB Hải Phòng, tr 80
(11),(21) Vũ Ngọc Phan Nhà văn hiện đại,NXB Văn học, 2005, tr 239.
(12)Nguiễn Ngu Í, Câu chuyện văn chương, Khai trí xb, S., 1969, tr 144
(14) Ngọc Giao, Chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân- ông Vũ Đình Long- Tạp chí Văn học, số 1/1991
(15) Ngọc Giao, Hồi ức về Lê Văn Trương, Tạp chí Văn học số 2- 1991
(18)Văn Giá : Trả lời phỏng vấn báo Sắc Việt- http:// Sacvietblogsspot
(19)(20) Phạm Quỳnh, Vũ Bằng, Nhất Linh, Vương Trí Nhàn (sưu tầm và biên soạn) : Khảo về tiểu thuyết: Những ý kiến, những quan niệm của nhà văn, nhà nghiên cứu ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Hội nhà văn, 1996, tr 86, 124.
(22) Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Trình bày xuất bản, S.,1967, tr 741