Những góc nhìn Văn hoá
Đặng Thân với 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]
Trước khi cầm đến 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tôi tự tin là hiểu được con người văn chương của Đặng Thân đến dăm bảy phần, mặc dù những gì biết được, đồ rằng chỉ là những “món nghề” rất linh tinh và nhỏ bé của Đặng Thân (đó là hai bài viết giới thiệu & phê bình hai cuốn tiểu thuyết cũng rất nhỏ bé của tôi). Dăm bảy phần đó, cộng thêm đôi ba lần tiếp xúc, khiến tôi mến phục Đặng Thân.

Tôi chỉ muốn nói một câu đơn giản về Đặng Thân thế này: “văn chính là người”. Với văn sĩ, cái điều này tưởng dễ mà khó, ai cũng muốn chúng ta đẹp hơn trong văn chương, sáng tác của chính mình.
Đến khi chạm đến 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tôi mới khám phá thêm một điều nữa về Đặng Thân, khi mà lướt qua sơ bộ, đã khiến tôi có phần ngại đọc. Không phải vì cái tứ lùng bùng của nó. Không phải vì mật độ 664 trang. Tôi biết mình đang đọc một tác phẩm được sao chép từ một tâm hồn cũng lùng bùng và có mật đồ dày như chứa đến 3 vạn 9 nghìn mảnh hồn khác trong đó. Đặng Thân, thực sự uyên thâm hơn những gì tôi đã hình dung. Có người gọi Đặng Thân là “gã khổng lồ bị xiềng dưới lòng đất”. Với 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tôi lại thấy Đặng Thân như bay bổng trên trời, và cứ liếc nhìn xuống, để sân si vài thú vui ở hạ giới – những thú vui có cả hình dung của nụ cười ngoác cả miệng, xen lẫn những sâu cay và đắng ngắt ở phía sau, có cái hài hước châm biếm, lại có cả những thở dài đầy cảm thông, như một Trần X nào đó trong phần Lời bàn [phím…] của các Netizen ở chương 15 (trang 174), đã trích lại hai câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh:
Phiêu diêu thoát tục càng thêm tục
Tâm thanh càng tục lại càng thanh
Đặng Thân đích thực là như vậy. Văn chương Đặng Thân đích thực cũng là vậy. Riêng tư hơn, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là đích thực vậy.
Đặng Thân không cầu kỳ trong câu chữ, hoặc giả cầu kỳ khéo quá, tôi chẳng nhận ra. Đặng Thân cũng chả giấu giếm những suy nghĩ lang man và dày đặc của mình. Có sao thì cứ tung hê hết lên đấy, như đúng kiểu “những mảnh hồn trần”. Khi đang đọc, tôi đã nghĩ “giá chi Đặng Thân tinh tế hơn một chút”, nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng “Sự tinh tế không nằm ở hình thức”. Nghe đồn, bản gốc của cuốn tiểu thuyết này còn dữ dội hơn.
Thì cũng phải thừa nhận rằng, cuốn tiểu thuyết này sẽ kén người đọc. Mặc dù bản thân Đặng Thân chả kén ai bao giờ. Đặng Thân thừa thông minh và tinh quái để chế biến cuốn sách này “dễ xơi” hơn, nhưng cuối cùng, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] vẫn trần trụi như ý đồ của tác giả. Cái khó của văn chương nghệ thuật, là làm những điều hiếm ai làm, và không phải ai cũng cảm được. Nhiều khi phải cực đoan lắm lắm. Đặng Thân thì cũng chẳng phải cực đoan quá, Đặng Thân bình thản, điềm nhiên đi theo con đường riêng lẻ của mình trong văn chương. Thú vị là, con đường ấy sẽ tỏa sáng một cách lạ lùng. Và cuối cùng thì, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] sẽ được ủng hộ và đánh giá cao thôi.
Lúc bấy giờ, cái sự “xao xuyến và sung sướng” của tác giả, chắc hẳn không đơn thuần chỉ như “ăn xôi xéo nóng vào mỗi buổi sáng khi sương xuống”.
5/1/2012
tin tức liên quan
Videos
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui
Truyện thơ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại
Thống kê truy cập
114569539

2323

2432

21922

228063

129483

114569539