Những góc nhìn Văn hoá

Đặt mình vào ngã bảy(*)

Có một sự trùng hợp xem như là dấu hiệu báo trước về đặc trưng cấu tạo của cuốn tiểu thuyết này: cái tên của nó, với những dấu chấm phân cách, với từ “mảnh” bám theo nó suốt từ lúc tác giả bắt đầu cân nhắc đặt tên cho sáng tác này ( -tr.180, 190); và khi mà Đặng Thân giải thích dãy số “3.3.3.9” (tr.657) vì sao được lấy làm cái tên chính cho cuốn sách : một sự kiện ngẫu nhiên – “Khi tôi nhuận sắc xong cuốn sách lần thứ 3 thì lịch trên ... màn hình computer báo đúng vào ngày thứ Ba mồng 3 tháng 3 năm 2009.”

Như vậy, theo cách hiểu quy ước về việc dùng ngày tháng để gọi tên sự kiện ( thí dụ như “Ngày Mười Tám tháng Sương Mù...”, “Sự kiện 11-9”, v.v.), ta hiểu rằng cái tên ấy nhằm chỉ cái diễn biến quan trọng và bản chất của sự kiện xảy ra vào ( hay cho đến, hay hoàn tất đến, hay khởi đầu kể từ) cái ngày hôm ấy; và theo đó thì cái diễn biến quan trọng và bản chất của “3.3.3.9” chính là việc Đặng Thân viết văn, chính xác là viết ra cuốn sách này;
và sự khăng khăng của lựa chọn từ “mảnh” cho tên truyện đã được biểu thị rõ rệt qua cấu tạo phân mảnh triệt để của toàn truyện – đặc trưng mà theo tôi nên gọi là một phong cách cắt dán trang trí.
Tính chất phân mảnh ấy chi phối hoàn toàn câu chuyện của Đặng Thân trong cuốn này,  từ việc lựa chọn dạng thức nhiều vai kể đồng đẳng kể câu chuyện phần mình, cho đến lựa chọn đưa vào những khối tư liệu mang tính ngoại đề làm phân tán dòng kể (- chừng mực nào đó có thể xem như những khoảng ước lệ không-thời gian), lựa chọn kết thúc mỗi chương (-phân khúc-) bằng vài ba lời bình của các “Netizen” – Đó là ba cấu tử chính cấu thành mỗi chương truyện, ghép thành toàn bộ tiểu thuyết.
Lựa chọn với nhiều vai kể được đặt ra ngay trong hai chương mở đầu khi tác giả dựng lên một cuộc gặp gỡ rất có vẻ là một buổi offline của các nhân vật chủ yếu mà người chủ yếu nhất, dĩ nhiên, là tác giả, là người tuyên bố “Tôi” sắm vai “đạo diễn”, “vai người kể chuyện, và cả một số vai trò khác nữa khi cần thiết” (tr.25) – và như vậy cái quy ước về giọng chủ này đã ngầm phá cái thế người-kể-đồng-đẳng vừa bày ra.
Tại sao lại có thể làm như vậy: sử dụng cùng lúc quy tắc của trò chơi Người-kể-biết-tuốt với quy tắc của trò chơi Người-kể-đồng-đẳng?
Câu trả lời khả dĩ là: bởi trong truyện không có những vai kể đồng đẳng thật sự trên phương diện hư cấu văn chương.
 Tác giả thậm chí có lúc thẳng thừng tuyên bố trong một lời thoại với nhân vật Mộng Hường rằng “...Cô không được như thế chứ.Tôi là đạo diễn của mọi câu chuyện trong tiểu thuyết này. Cô phải làm mọi việc theo ý tôi hiểu chưa. Tôi chưa cho phép thì cô không được làm bất cứ chuyện gì,...” (tr.284).
Câu thoại vừa dẫn cũng có thể là để xem như thuộc một tình tiết cố ý nhấn mạnh đến tư cách độc lập/ tính tự phát của nhân vật; tuy nhiên, dù có thế chăng nữa thì nó cũng tự nhiên đặt nghi vấn điều ngược lại – rằng như vậy tất cả các phát ngôn và hành vi của những nhân vật khác đều đã được “cho phép” chăng?
Một cách ngôn của thời hiện đại nói rằng các quy tắc được đặt ra để mà bị xoá bỏ. Song điều đó không có nghĩa bản thân sự phá bỏ là quy tắc.
Trong trường hợp này, vai “người kể chuyện” đã đồng hoá lời kể của những vai kể khác vốn chỉ đồng đẳng trên mặt hình thức của diễn đạt. Và bởi các nhân vật ở đây chỉ tồn tại bằng cách kể ra câu chuyện về mình cho nên sự đồng hoá đó xoá đi cái nền tảng của tư cách nhân vật, chỉ để lại cho bọn họ cái tên, một cái tên mang tính chất ký hiệu.
Những nhân vật như vậy còn một con đường “thành nhân” nếu bọn họ chơi các vai trò biểu trưng, đề dụ - và ở đây thì phần nào như vậy, đặc biệt qua những cái tên mà “người kể chuyện” rõ ràng đã gán cho họ; nổi bật nhất là nhân vật chàng người Đức mang một cái họ hai lần quý tộc, dây mơ rễ má đến cả Hitler với đương kim Giáo hoàng La Mã. Tuy nhiên, câu chuyện ly kỳ về dòng dõi đó mà nhân vật này kể lại đã chẳng đi đến đâu, chẳng đưa đến một sự kiện nhân quả nào đáng để lôi ra cả một lịch sử rộng lớn đến thế - trừ việc tạo cơ hội cho “người kể chuyện” cùng một vài vai kể khác đưa ra những bình luận ngoại đề. Mặt khác, một lịch sử cá nhân quá nhiều kê khai hồi cố kèm theo tư liệu như thế sẽ buộc nhân vật và “người kể chuyện” vào quy tắc của trò chơi hư cấu có quy chiếu hiện thực ( - tạm không bàn đến cấp độ của các nguồn quy chiếu đó). Điều này hiển nhiên mâu thuẫn với tính tượng trưng của chuỗi sự kiện thuộc về hành xử của nhân vật người Đức này được kể là diễn tiến và ấn định số phận anh ta gắn với xứ sở con người Việt Nam.
Lý do duy nhất khả dĩ hợp thức hoá một nhân vật như vậy chỉ còn ở chỗ anh ta là sản phẩm tưởng tượng thuần tuý của người kể và, một cách gián tiếp, nhằm để kể về chính bản thân “người kể chuyện” từ một phối cảnh hoàn toàn khác, thậm chí là xa lạ - và mô hình này thì hoàn toàn đã được chứng tỏ trong truyền thống, chẳng hạn như với “Arlequin mơ thành triệu phú” hay với “Năm đêm trắng”, v.v.
Sự thể cũng tương tự đối với các nhân vật còn lại trong tiểu thuyết này, nhất là khi “người kể chuyện” chơi vai trò phi-hư cấu xưng đích danh tên mình, đưa vào truyện cả một bài trả lời phỏng vấn báo chí có thực của mình (tr.495).
Đây là một tình tiết đối chứng, bởi tính quy chiếu hiển nhiên của tư liệu tiểu sử tác giả (- trong tư cách là “một vai”, một nhân vật - ) và tư liệu tiểu sử nhân vật người Đức nói trên, đồng đẳng về mặt tính tư liệu, đã không cùng tương ứng với một lớp tư cách và tính chất loại hình nhân vật ràng buộc với các tư liệu ấy.
Liệu có thể cùng lúc sử dụng vài quy tắc trái ngược nhau trong một trò chơi hay không?
Đặng Thân đã chơi theo lối đó.
Dường như phù hợp hơn cả khi xem tiểu thuyết này như một tự truyện-hư cấu, nhưng các lớp nền tảng của tiểu sử được ngụy trang hay trang trí che khuất đúng như một phó bản mô hình Arlequin vậy.
Song, tình thế rõ hơn là ở một ấn tượng phân vân bất quyết của “người kể chuyện” trong cuốn sách này. Mặc dù anh ta có vẻ rất quyết đoán trong các bình luận có tính triết lý, nhưng tổng thể thì tựa như anh ta vạch ra một khoảng trống mà hóa ra là một quảng trường có bảy lối đổ vào. Câu hỏi ngầm ẩn chính là anh ta sẽ đi đâu ở bước tiếp theo./.
.....................................................................
(*): Đọc “3.3.3.9 [ Những mảnh hồn trần]”, Đặng Thân, NxbHNV&Phương Đông, 2011

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569533

Hôm nay

2317

Hôm qua

2432

Tuần này

21916

Tháng này

228057

Tháng qua

129483

Tất cả

114569533