Những góc nhìn Văn hoá

Kattigara Kinh đô Huyền thoại Việt (Kỳ 4)

IV. Kattigara - Những bối cảnh hy hữu
 
Lịch sử thật công bằng vì đã đem đến cho Lạc Việt nhỏ bé một cơ hội hiếm hoi để xây đắp nên một nền văn minh Đông Sơn rực rỡ đến nhường ấy, và đã tỏa dạng ảnh hưởng của mình đến nhường ấy. Cái cơ hội ngàn năm có một theo nghĩa đen của cụm từ ấy đã đến vào khoảng thế kỷ V – III TCN khi lục địa Ấn Độ với nền văn minh kỳ vĩ của nó ở phía Tây bị nền văn minh Hy Lạp do Μέγας Αλέξανδρος - Alexandros Macedonia thử thách bằng chiến tranh; khi nền văn minh Hoa Hạ lừng lẫy của nhà Chu ở phía Bắc chìm đắm trong cuộc chiến tương tàn giành giật mảnh đất Trung Nguyên màu mỡ được tạo bởi hai đại giang Hoàng Hà và Dương Tử.

Trong thời khắc hy hữu ấy, Lạc Việt đã trở thành trung tâm văn minh của Đông Nam Á lục địa, bên cạnh hai nền văn minh láng giềng Ấn – Hằng và Hoàng Hà – Dương Tử. Và may mắn là trước cơn sóng trào nguy cơ Hán hóa mạnh như vũ bão xuống phương nam thì Lạc Việt có được ba vùng đệm văn hóa làm phên dậu: Điền Việt ở phía Tây Bắc, Dạ Lang thiên chính Bắc, và Nam Việt ở Đông Bắc. Nhờ đó Lạc Việt vừa tỏa dạng được ánh sáng văn hóa của mình, lại vừa có thời gian chuẩn bị để đối phó với nạn đồng hóa của ngoại xâm phương Bắc. Đây không chỉ là giai đoạn lịch sử quyết định để tự biết sức mạnh của mình, mà còn là giai đoạn mà thế giới cũng bắt đầu biết đến mặt trời Đông Sơn của nền văn minh Lạc Việt, mà Kattigara là trung tâm của nguồn sáng đó.

 
Thời kỳ văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ chính là một trong những kích thích tố cho sự ra đời và lớn mạnh của Điền quốc (khoảng thế kỷ V – II TCN) mà chủ nhân có thể là những người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Tạng-Miến. Sự kiện đó càng làm tăng cường các tương tác văn hóa giữa Lạc Việt và Điền Việt: Lạc Việt là cánh cửa mở ra biển Đông cho Điền quốc, đến lượt mình Điền quốc lại trở thành cách cửa mở về các xã hội Tạng Miến phía Tây Bắc của Lạc Việt. Giao lưu mạnh mẽ nhất là giữa Đông Sơn và Điền được thúc đẩy nhờ sông Hồng, sông Đà, sông chảy và theo các chi lưu của các con sông này, mà chủ đạo là sông Hồng. Dấu tích của sự giao lưu nổi nét vẫn là trống Đông Sơn được chôn theo như một dạng quan tài hay đồ đựng tại đây. Bên cạnh đó còn có những chiếc vỏ sò - một loại tiền tệ được gọi là “bối tiền” sản phẩm của biển Đông nước ta cũng được chôn trong mộ của khu Thạch Trại Sơn. Một số trống Đông Sơn còn tìm được trong mộ táng ở những khu vực khác của tỉnh Quảng Tây như trống Điền Đông, trống La Bạc Loan, trống Phổ Đà… đều có thể được đem đến từ miền bắc Việt Nam theo những con đường trên bộ hoặc đường sông suối. (Trịnh Sinh 1997: 55-65).
 
Chứng cớ xa nhất về phía bắc là chiếc trống đồng “đặc sản” của Đông Sơn đã có mặt ở Triết Giang, Trung Quốc. Ngôi mộ có trống minh khí là ngôi mộ số 10, được xác định vào thời Tây Hán, tức trùng vào thời Đông Sơn muộn. (Trịnh Sinh 1997). Nhiều khả năng Điền quốc trở thành nơi cung cấp nguyên liệu đồng và trao đổi nhiều công nghệ đồng với Lạc Việt, đặc biệt là những công nghệ được người vùng Lưỡng Hà và Ấn Độ sáng tạo từ rất sớm. Bên cạnh đó Lạc Việt còn nhận được các sản phẩm và công nghệ chăn nuôi, chẳng hạn bò, dê, ngựa. Trong khi đó Lạc Việt cung cấp cho Điền các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, các loại nông sản, và đặc biệt là các sản phẩm biển như đồi mồi, ngọc trai, cá, muối, tơ tằm, và nhất là nguồn ốc tiền cowries của vùng biển Hạ Long v.v...Riêng nguồn hàng hóa đặc biệt này cũng có thể làm cho Lạc Việt có một vị thế không gì sánh nổi đối với Điền quốc, vì đơn giản loại ốc đó là vật trao đổi ngang giá, là tiền đối với một quốc gia nằm ở ngã ba đường giữa một bên là Ấn Độ ở phương Tây, một bên Trung Quốc ở phương Đông và cao nguyên Thanh Tạng ở phương Bắc. Tại Thạch Trại Sơn, nơi chôn cất các nhân vật hoàng tộc Điền, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một chiếc bình đồng thiếc trang trí 2 con hổ và 7 con bò, chứa vỏ sò, ốc được sử dụng làm tiền tệ, do người Điền chế tạo trong thời kỳ Tây Hán (202 TCN – 9). Những bằng chứng đó cho thấy cửa ra biển qua Lạc Việt đối với Điền quốc là có tính chất sống còn.
 
Ở phía bắc của Lạc Việt, từ thời Chiến quốc, thế kỷ VII TCN đã xuất hiện một nhà nước tự trị có tên gọi là Dạ Lang được cho là tổ tiên của người Di/Lô Lô. Trung tâm của nước này là xã Khả Lạc, huyện Hách Chương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày nay. Sử ký của Tư Mã Thiên mục Tây Nam Di chí gọi nước này là 牂牁 Tường Kha và đã mô tả cuộc tấn công của 庄跤 Trang Kiệu, một tướng nước Sở vào Dạ Lang vào cuối thế kỷ IV hoặc đầu thế kỷ III TCN. Cuối thế kỷ I TCN, Dạ Lang gây chiến tranh với các quốc gia láng giềng để mở rộng lãnh thổ và quyền lực. Theo Sử ký thì Dạ Lang đã từng phát triển rất hùng mạnh, có tới 100 nghìn quân tinh nhuệ, tàu bè của người Dạ Lang đi lại trên mặt sông, quang cảnh hết sức tấp nập. Năm 136 TCN Hán Vũ đế cử Đường Mông làm Lang trung tướng dẫn 1000 binh sĩ và mấy vạn dân đem theo lương thực và công cụ sản xuất xuất phát từ Ba quận vượt qua Phù Quan (Hợp Giang, Tứ Xuyên) đến Dạ Lang. Đường Mông tuyên truyền với Chúa Dạ Lang Đa Đồng về sức mạnh của Hán triều, ban tặng của cải để Đa Đồng cho Đường Mông đặt cơ quan quản lý ở đó và cử con trai Chúa Dạ Lang làm Lệnh ở đó. Năm 130 TCN Hán Vũ đế đặt Dạ Lang thành quận huyện và mở đường từ Ba Thục thông đến sông Tường Kha. Sau khi tiêu diệt Nam Việt, nhà Hán tấn công Thả Lan, tây nam huyện Hoàng Bình, Quý Châu ngày nay, giết chết mấy vạn người, đặt thành quận Tường Kha. Chúa Dạ Lang thấy Nam Việt của nhà Triệu bị tiêu diệt liền quy thuận nhà Hán và được Vũ đế phong làm Dạ Lang vương vào năm 111 TCN. (Wade, Geoff 2009).
 
Về phía đông bắc Lạc Việt, văn hóa Đông Sơn cũng đã phát huy ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là khu vực Lưỡng Quảng, vốn là vùng đất của tổ tiên người Tày – Thái cổ. Đây chính là vùng đệm quan trọng, giống như một dạng phên dậu phía đông bắc cho quốc gia Lạc Việt trong công cuộc ngăn cản sự đồng hóa của phương Bắc, bắt đầu từ thời Tần (221 – 206 TCN) và sau đó là nhà Tây Hán (202 TCN – 9 SCN). Nếu như Điền quốc do một người nước Sở đến tiếm quyền cát cứ khi các thế lực phương Bắc của người Hoa tranh chấp Trung Nguyên thì hệt như vậy, Quốc gia Nam Việt của Triệu Đà cũng ra đời trong bối cảnh nhà Tần và sau đó là nhà Tây Hán không đủ sức với tay trực tiếp thống trị vùng đất Bách Việt phía nam sông Dương Tử. Dù Triệu Đà có mưu lược đến mấy thì cũng phải tự mình hòa đồng với người Việt để cát cứ và buộc phải chống lại những người chủ cũ Tần Hán của mình ở Trung Nguyên. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, và có thể yên ổn cai trị Nam Việt quốc chủ yếu thuộc hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, Triệu Đà đã thi hành những chính sách hòa hoãn và mềm dẻo với người Việt, đặc biệt là với người Lạc Việt. Trên thực tế, Đà không đủ sức đánh bại được người Lạc Việt ở vùng Bắc Bộ Việt Nam ngày nay, nên mới buộc phải cho con trai là Trọng Thủy gửi rể ở cung đình của An Dương Vương tại Cổ Loa, và đến lúc lừa chiếm được Âu Lạc thì cũng chỉ để lại hai quan sứ cai quản Giao Chỉ và Cửu Chân mà thôi. (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh 1991).  
 
Đây cũng chính là thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến các dân tộc trong vùng Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Malaysia, và Indonesia, mà đại diện là chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng. Một số trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở sâu trong địa phận Lào như trống Đon Đét, trống Phôn Xa Vẳn, trống Huổi Hủa Xang I và II, trống Viêng Xay ở vùng mường Viêng Xay của tỉnh Sầm Nưa (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987). Tại Thái Lan đã phát hiện được 22 chiếc trống đồng Đông Sơn (Trịnh Sinh 1988: 93-102). Đó là những trống đồng tìm được trong hang Ongbah giống với trống đồng Quảng Xương, Hữu Chung (P. Sorensen 1979), trống đồng tìm thấy ở hang Thung Yang (R.B. Smith 1979). Trong địa phận Việt Nam về phía nam, dấu tích văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Sa Huỳnh, di tích Gò Quê, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; một loạt trống đồng tìm thấy ở ven biển như ở Nha Trang, Vũng Tầu. Trống đồng còn thấy ở Cao Nguyên Đắc Lắc, ở vùng núi Bình Định, Bình Dương. Vượt ra ngoài Việt Nam về phía nam các nhà khảo cổ cũng tìm thấy trống Đông Sơn ở Ko Samui, tỉnh Surathani, miền nam Thái Lan, chỉ cách bờ biển có 300 m. Vùng bờ biển của Malaysia cũng phát hiện được trống Đông Sơn, điển hình là hai chiếc trống Kuala Torengganu I và II ở bờ phía đông của bán đảo nước này. Vùng Kampon Sungai Lang cũng tìm được 2 trống Đông Sơn cùng được chôn ngửa trong một vò gốm và trống được trang trí hoa văn hiện thực khá đẹp như chim bay, hình người hoá trang lông chim, tượng cóc. Đặc biệt ở vùng quần đảo Indonesia phát hiện khá nhiều trống đồng Đông Sơn trên các đảo, điển hình như trống Xiandua, đảo Java. Đảo này còn có nhóm trống Somarang, trống Dieng. Trên đảo Sumbava có nhóm trống Sanghi gồm 6 chiếc là trống Đông Sơn trang trí đẹp. Trên các đảo Roti, Salayar và nhiều đảo nhỏ khác cũng tìm thấy khá nhiều trống Đông Sơn. Quần đảo Kai, gần Irian Jaya, có lẽ là vùng tìm thấy trống đồng Đông Sơn xa nhất về phía đông mang dấu tích giao lưu văn hoá. Trống đồng Đông Sơn có mặt ở quần đảo này muộn hơn, có thể được nhập từ Bắc Việt Nam vào khoảng 200 năm trước Công Nguyên. (Trịnh Sinh 1997).
 
Hầu hết các nhà nghiên cứu Đông Nam Áđều cho rằng quá trình Ấn Độ hóa về phương diện văn hóa vùng này được định niên đại từ thế kỷ II SCN, nhưng thật ra thì tri thức của người Ấn Độ về vùng này lại cổ xưa hơn rất nhiều. Và đúng là tri thức Hy Lạp thời Ptolemy về khoảng cách giữa các vùng tại Đông Nam Áchỉ là sản phẩm phụ của thương mại. Sarkar cho rằng sự truyền bá của Đạo Phật một cách rộng rãi trong thời Asoka (270-230 TCN) đã làm biến đổi hẳn tri thức về Đông Nam Átừ một vài vùng đất mới chỉ được biết một cách mơ hồ đối với vùng phía nam Mianmar vốn được gọi là Suvarnabhûmi-Vùng đất vàng, cho đến Suvarnadvîpa – Vùng Đảo vàng với tư cách là một cánh cửa mở vào Trung Quốc. (Sarkar H.B. 1981). Trong khi đó quá trình giao lưu văn hóa giữa Đông Nam Á và Ấn Độ thể hiện thông qua con người, các loại gia vị và các loại cây trồng đã được khảo cổ học phát hiện từ giai đoạn 1000 đến 400 năm TCN. (Laffan, Michael 2005). Ở Bắc Việt Nam, dấu ấn của Asoka đã được sách Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ ghi lại như sau: Con sông Trường Giang (sông Hồng) chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê nghe nói do A Dục Vương xây; thành này ở phía đông nam huyện An Định, tháp và giảng đường xưa vẫn đó. (Lịch Đạo Nguyên (chú) 2005: 433). Còn phương tiện để liên lạc với thế giới bên ngoài thì đã có thuyền đồng, như sách Lâm Ấp ký làm chứng: từ Giao Chỉ đi về phía nam, có sông ngách Đô Quan Tái Phố chảy ra…phía bắc kèm theo sông Trường Giang (sông Hồng) trong sông có chiếc chiếc thuyền đồng do Việt Vương đúc, lúc nước triều xuống người ta có thấy chiếc thuyền ấy (Lịch Đạo Nguyên (chú) 2005: 433). Vì vậy việc thế giới Ấn Độ và Lạc Việt đã có quan hệ tối thiểu là từ thời अशोकAsoka trị vì (299 – 232 TCN) là điều hoàn toàn có thể, vàchỉ cần thông qua người Ấn và người Ả Rập thì người Hy Lạp – La Mã cũng có thể thu thập được tư liệu về phương đông, về Lạc Việt cho thư viện Alexandria, và có thể dễ dàng biết đến một đô thị Kattigara huyền thoại của người Lạc Việt.
 
Marcianus Heracleota, một nhà địa lý Tiểu Hy Lạp, sống sau Ptolemy khoảng hai trăm năm (thế kỷ IV SCN), được coi là người có thẩm quyền tri thức để diễn giải Ptolemy cũng mô tả con đường từ bán đảo Vàng đến Kattigara như sau: bơi về phía nam, rẽ trái hướng đến đất Sinae về phía đông, đến một vịnh lớn có nhiều thú hoang, bơi theo vịnh lớn gọi là vịnh Sinea, nơi con sông Cotiaris chảy vào vịnh, ngược theo sông đó thì đến Kattigara. (Caverhill, John 1767). Dù người ta vẫn nhầm lẫn vịnh này là Vịnh Thái Lan, nhưng tên con sông thì lại gọi là sông Giao Chỉ (Cotiaris). Có một điều rất lạ là đến thời Marcianus đã có các thương đoàn và sứ bộ đi về giữa Alexandria và Trung Quốc, đã ghé qua Giao Chỉ, con đường tơ lụa trên biển đã hình thành, nhưng diễn giải của ông và rất nhiều người khác vẫn không cho biết chắc chắn Kattigara ở chỗ nào, và càng về sau thì người Châu Âu lại càng bối rối trong việc xác định địa danh này như chúng ta đã thấy.
 
Trong số khá nhiều nhà địa lý học tìm kiếm vị trí của Kattigara mà chúng ta có thể tiếp cận được cho đến hiện nay thì có lẽ mô tả của nhà địa lý kiêm bản đồ học lớn người Pháp Bourguignon d'Anville (1697-1782), là một diễn giải kỹ lưỡng hơn cả. Chọn cái tên Sinae trong Địa lý của Ptolemy làm xuất phát điểm ông cho rằng cái tên đó là để thể hiện Cochin-China, đối với những người Châu Âu thì cái tên ấy chính là Giao Chỉ, có nghĩa là Bắc Kỳ của Việt Nam. Theo ông những người Ả Rập đã gọi Giao Chỉ là Sines, nhờ đó mà Ptolemy biết được đó là dân Sines. Kinh đô của dân Sines được Marinus và Ptolemy gọi là Thyna và đó là từ Latin của Sinae. Kinh đô ấy nằm cách cửa biển của con sông Cotiaris - Giao Chỉ một khoảng xa và về phía trái của con sông này có một con sông khác có tên gọi là Senus, và con sông này chính là sông lớn Camboia, cách cửa biển 80 leages (344km, 1 league = 4.3km). Ở đó có hai nhánh sông khác, còn sông chính nằm về phía bên phải là sông Cotiaris, dẫn đến một đô thị mà nhà địa lý học Ả Rập kia nói là rất nổi tiếng về buôn bán, đó là Loukin, và đó chắc là Thinae của Ptolemy. Nhưng còn cái kinh thành của người Sines mà các nhà địa lý Ả Rập gọi là Sin, và các cuốn sử ký của Trung Quốc gọi là Tehen-tehen thì lại là nơi hẻo lánh hơn Loukin, có tên gọi là Sinhoa đã từng là một đô thị phồn thịnh nhất của Giao Chỉ khi cảng thị này chưa bị sa bồi vùi lấp. (d'Anville 1810: 128-133). Trong trường hợp trên có lẽ d'Anville đã có một số nhầm lẫn về địa danh với Cửu Chân, tên gọi xứ Thanh dưới thời Hán, nhiều khả năng ông đã sử dụng tư liệu hoặc hỏi chuyện các nhà buôn và/hoặc các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam rất nhiều vào thế kỷ XVII, XVIII, mà không đặt chân đến Bắc Bộ Việt Nam nên một hai tên sông có thể nhầm với Campuchia. Trong công trình của ông, một số địa danh nghe khá lạ, tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được, chẳng hạn Loukin thì người Châu Âu viết nhầm địa danh Long Biên, còn Tehen-tehen có tên gọi Sinhoa thì có vẻ là Thạch Thành, thành đá của nhà Hồ ở Thanh Hóa, chỉ có điều đó không phải là một cảng thị. Tuy nhiên khi nói về Kattigara và xác định nó thuộc Bắc Bộ Việt Nam thì d'Anville lại tỏ ra bám khá sát vào hướng dẫn của Ptolemy, đặc biệt là các ghi chú của ông nói rằng đô thị đó “ở mãi trong hẽm núi, cuối vùng đồng bằng” trên đường bơi tới đó “hai bên có những dãy núi lớn xừng xững” (chương 13-14 tập Địa lý của Ptolemy).
 
Vậy thì có thể lý giải như thế nào về các lầm lẫn suốt gần 2000 năm qua trong việc xác định chính xác địa danh và vị trí địa lý Kattigara? Một kịch bản có thể hình dung là Alexandros đã thực sự bơi đến Kattigara vào thời điểm cuối cùng trước khi đô thị này đã bị quên lãng, còn những người khác, trong đó có sứ bộ của Antonius thì đến vùng đô thị mới của Giao Chỉ, chứ không phải là Kattigara. Chính vì vậy mà về sau người ta không còn biết tìm Kattigara ở đâu nữa. Nếu căn cứ vào mô tả trong ghi chú của Ptolemy và trong sự hình dung của d'Anville thì Kattigara chính là vùng Kinh đô Phong Châu huyền thoại của người Việt cổ mà vào giai đoạn trước sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nơi đó vẫn còn là Kinh đô Lạc Việt, dù đã có một thời Cổ Loa thay thế vị trí của nó theo một nghĩa nào đó, trong một thời điểm rất ngắn ngủi, nhưng đối với người Lạc Việt thời đó thì sự xuất hiện của Cổ Loa trong vòng vài chục năm vẫn chưa đủ để xóa đi ký ức của họ về kinh đô Phong Châu huyền thoại, vốn đã trở thành vị trí trung tâm văn minh Việt cổ hàng ngàn năm trời rồi. Ấy là chưa kể xuất thân còn chưa mấy rõ ràng của Thục Phán, chủ nhân thành Cổ Loa và mối quan hệ phức tạp giữa Thục Phán và Nam Việt Vương gốc Hán Triệu Đà trong một bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc của hàng trăm ngàn con dân Lạc Việt trước nguy cơ bị Hán hóa. Vì vậy trước sau công nguyên, Kinh đô Phong Châu vẫn là trái tim của mọi con dân nước Việt, và nói tới vùng đất Lạc Việt là phải nói tới Kinh đô Phong Châu. Hơn nữa, về phương diện địa lý, trong thời gian ấy, khi vịnh Bắc Bộ còn ăn sâu vào gần đất Hà Nội thì vùng ngã ba Bạch Hạc vẫn mang bóng dáng là một loại cảng biển, với cảnh hàng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước đánh nhau với Sơn Tinh dưới chân núi Tản Viên. Lúc đó Hà Nội vẫn còn các làng Láng lênh láng nước, và vùng Mê Linh, quê hương Hai Bà Trưng vẫn còn là những vùng nước Mlênh – Mlang (Mênh Mang) về phía bắc tràn lan lên đến vùng Yên Lãng gần Vĩnh Yên bây giờ, còn về phía nam thì thông ra biển ngay sát quê chồng bà Trưng Trắc ở cửa sông Châu Giang, giáp với thành phố Hưng Yên ngày nay. Chỉ sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cùng với những chính sách đồng hóa thâm độc của tên lão tặc Mã Viện bằng cách tiêu diệt tận gốc các tinh hoa Việt, cướp hết trống đồng - biểu tượng tinh thần Lạc Việt - nung chảy để đúc ngựa và đúc cột đồng, truy sát đến tận diệt các cừ soái Lạc Việt, hòng bắt người Lạc Việt phải quên đi quá khứ huy hoàng của mình thì cái tên Kinh đô Phong Châu mới dần dần bị khuất lấp sau tấm màn đen của chính sách khủng bố đại Hán tộc mà Mã Viện và những kẻ hậu bối của ông ta thực thi.  
 
Trong bối cảnh đó, có lẽ giống như một định mệnh, cái kinh đô có thật kia, cái tên Kattigara đã từng một thời thân quen như máu thịt kia đã vang lên lần cuối cho đến tận trời Tây của Ptolemy và các tiền bối của ông, để rồi khuất lấp vào dĩ vãng và sống dưới dạng các mảnh vụn huyền thoại Việt dưới màn đêm đen nghìn năm Bắc thuộc, đến nổi mới có một hai trăm năm sau người ta chỉ còn biết đến lỵ sở Liên Lâu, Luy Lâu thời kỳ đầu Bắc thuộc, và tiếp đó là vùng đô thị Long Biên ngày một trở nên phồn thịnh cùng với quá trình biển thoái, và đồng bằng châu thổ sông Hồng ngày một vươn xa về phía biển. Đương nhiên đối với các nhà địa lý Hy-La và Ả Rập, cái tên Kattigara không có ý nghĩa gì khác hơn là một địa danh được lấy làm cực đông của địa cầu để chứng minh cho học thuyết địa tâm Hy Lạp. Chính vì vậy ngay cả sau này, khi đã biết quá rõ Trung Quốc nhưng người phương Tây vẫn không thể nào tìm kiếm được Kattigara, không thể nào biết được Kattigara ở đâu.       

(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569439

Hôm nay

2223

Hôm qua

2432

Tuần này

21822

Tháng này

227963

Tháng qua

129483

Tất cả

114569439