Những góc nhìn Văn hoá
Người xưa - Xuân xưa - Thơ xưa (Kỳ 1)
I
Mùa xuân trong tự nhiên hiện lên bằng lộc nõn, hoa thơm.
Mùa xuân trong lòng người được nói lên bằng văn chương, bằng thơ.

Xuân của đất trời bao giờ cũng đẹp, cũng vui, còn xuân trong tâm hồn thì mỗi thời, mỗi người một khác. Cái vui xuân lên tột đỉnh; cái buồn xuân cũng đến tột cùng. Cái vui, cái buồn tột đỉnh, tột cùng ấy đều bật thành cảm xúc thơ, nếu là ở một tài năng thi sĩ. Cái ý ấy hiện rõ khi tôi đọc lại thơ xưa.
Trong kho tàng văn học viết của ông cha ta, thơ xuân chiếm một mảng lớn, và hầu như thơ chỉ có cảm xúc buồn.
Nhưng trong thơ đời Lý còn lại, ngoài một số câu rải rác trong các bài thơ khác nhắc đến cảnh xuân, ý xuân, tôi chỉ được biết hai bài nói về mùa xuân. Tôi dùng chữ "nói về" vì những bài này chưa hẳn đã là thơ xuân. Tác giả đều là nhà tu hành, nhà sư. Các vị không vì vui xuân, buồn xuân mà làm thơ. Các vị chỉ mượn cảnh xuân - đúng ra chỉ mượn hoa xuân để nói triết lý đạo Thiền.
Bài sớm nhất là của Mãn Giác thiền sư Lý Trường (1052-1096). Ông thông hiểu cả Nho lẫn Phật, được vua Lý Nhân tôn (1072-1128) trọng đãi, phong làm Nhập nội đạo tràng, dựng ngôi chùa cạnh cung Cảnh hưng, mời ông về tu để tiện việc hỏi han đạo học và bàn bạc việc nước. Ông chỉ để lại một bài "kệ", về sau được Lê Quý Đôn (1726-1784) sưu lục và đặt đầu đề là "Cáo tật thị chúng", (có bệnh, bảo mọi người). TKĐ dịch:
"Trăm hoa rụng lúc xuân đi,
Xuân sang lại rộ một kỳ trăm hoa.
Trước mắt mình việc đi qua,
Trên đầu sòng sọc cái già đến mau.
Xuân tàn hoa rụng, hết đâu,
Đêm qua mai nở cành đầu, trước sân." (1)
Bài thứ hai xuất hiện sau bài trên khoảng nửa thế kỷ, là tác phẩm của Giác Hải thiền sư (TK. XII). Sư Giác Hải, họ Nguyễn, chưa rõ tên, lúc trẻ làm nghề đánh cá, 25 tuổi mới đi tu, và trở thành nhà sư, nhà thơ nổi tiếng, được các vua Lý Nhân tôn, Lý Thần tôn (1128-1137) rất kính trọng. Thần tôn nhiều lần vời ông vào cung, nhưng ông lấy cớ tuổi già, từ chối. Một trong hai bài thơ còn lại của ông nói về xuân, về hoa, về bướm, TKĐ dịch:
"Bướm hoa quen với tiết xuân hoà,
Hoa bướm đều phô đúng hẹn mà.
Hoa bướm thảy cùng hư ảo cả,
Bướm hoa chớ để bận lòng ta." (2)
Ý hai câu đầu của bài thơ giống nhau: Xuân đi, hoa rụng, xuân đến, hoa nở (Giác Hải thêm bướm) phô đúng kỳ đúng hạn, là luật tự nhiên, cũng là luật "luân hồi". Nhưng nếu hai câu sau của sư Giác Hải chỉ nói lên cái triết lý "hư vô", cái "không" của đạo, thì bốn câu sau của sư Mãn Giác "đời" hơn; Xuân đi, hoa rụng, việc qua, cái già hiện lên mái tóc... Tác giả nghĩ đến cái già, cái tịch diệt. Song xuân tàn, hoa đâu có rụng hết? Đêm qua, một cành mai còn nở trước sân kia! Sự sống vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục. Ấy là thái độ tích cực trước cuộc đời, là niềm tin ở cuộc đời.
Giáo sư Đặng Thai Mai bình luận: "... từ trong thơ, luôn luôn toát ra một ấn tượng chân thật, bắt nguồn từ những cảm giác đã "sống", từ những cảm giác trực tiếp. Và trên cơ sở ấy, tứ thơ đã chắp cánh cho thơ bay bổng" (3).
*
* *
Đầu đời Trần, đạo Phật vẫn thịnh. Nhiều hoàng đế là thiền sư, và nhiều thiền sư là thi sĩ. Nhưng thơ nói chung, và riêng thơ xuân, dù là của nhà thơ thiền, cũng không còn mấy là thơ đạo, mà là thơ trần tục, thơ đời.
Trước tiên, tôi muốn nói về thơ của mấy ông vua. Nhiều vua Trần là thi sĩ tài hoa: Thái tôn (1218-1277), Thánh tôn (1240-1290), Nhân tôn (1258-1308), Anh tôn (1275-1320), Minh tôn (1288-1386), Nghệ tôn (1322-1395) v.v...
Điều cần nhắc lại là các vua đầu triều Trần đều rất thông hiểu Thiền học. Thái tôn đã lập lên dòng Thiền Trúc lâm; Nhâ tôn đã xuất gia tám năm... Nhưng các vị xuất gia mà không xuất thế, không thoát khỏi cuộc đời trần tục, vì lẽ đơn giản các vị là vua, cai trị dân. Chính ba vị vua đầu triều đại này đã lãnh đạo nhân dân ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông.
Thánh tôn là người chủ trì Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng, lại là tác giả những câu thơ nhàn nhã, tươi tắn lạ thường. TKĐ dịch:
"...Mưa tạnh, cây vườn màn biếc rủ,
Trời chiều vài bốn tiếng ve ran." (4)
(Cảnh hè)
"Sớm dạo đảo khơi xem ráng nổi,
Chiều ngồi bến vịnh ngắm trăng suông." (5)
(Chơi phủ Yên Bang)
và bài thơ bình dị, chân tình "Ngày xuân dạo vườn trong cung nhớ người cũ", TKĐ dịch:
"Bụi dày, cửa vắng lối rêu phong,
Lặng lẽ ngày trôi, khách vắng không.
Chẳng biết vì ai hoa vẫn nở,
Xuân phô muôn tía với nghìn hồng." (6)
"Người cũ" ở đây hẳn là một giai nhân? Đọc bài thơ, ta không nghĩ rằng đây là tác phẩm của một ông vua tinh thông Thiền học, một anh hùng cứu quốc, mà là của một... văn nhân bình thường, một chàng trai đã yêu thiết tha và đang đau khổ.
Nhân tôn từng có những câu thơ đầy khí phách anh hào, TKĐ phỏng dịch:
"Cối Kê việc cũ anh nên nhớ:
Hoan Diễn đang còn mười vạn quân." (7)
"Xã tắc đòi phen mệt ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng." (8)
Và đã viết bài phú "Cư trần lạc đạo" đầy chất thiền, lại cũng là người viết bài thơ "Sớm xuân" dịu dàng, tươi mát và đa tình nữa, TKĐ dịch:
"Ngủ dậy, mở cửa sổ,
Nào hay xuân đã về:
Kìa đôi bướm bướm trắng
Chấp chới sà bên huê" (9)
Dưới các hoàng đế - thi sĩ là những tướng quân - thi sĩ: Trần Quang Khải (1241-1294), Trần Quốc Tảng (1252-1313), Phạm Ngũ Lão (1255-1320)...
Trần Quang Khải là hoàng tử thứ ba của Thái tôn, văn võ kiêm toàn, làm Thượng tướng, có công lớn trong cuộc chống Nguyên Mông, được phong tước Chiêu minh vương. Ông có tập thơ "Lạc đạo" nay chỉ còn mấy bài. Chúng ta đã từng viết bài thơ "Phò giá về kinh" nổi tiếng của ông, TKĐ dịch:
"Cướp dáo bên Chương Dương,
Bắt giặc cửa Hàm Tử,
Gắng sức giữ thái bình,
Non sông bền muôn thuở" (10)
Đó là bài thơ ứng khẩu ngày mồng sáu tháng sáu năm ất dậu (1285) sau đại thắng quân Nguyên lần thứ hai. Năm đó ông 37 tuổi. Mười ba năm sau, lúc 50 tuổi, Trần Quang Khải làm hai bài thơ "Cảm xuân", cụ Ngô Tất Tố dịch như sau:
I
"Lâm dâm mưa bụi gội hoa mai,
Khép chặt phong thơ ngất ngưởng ngồi
Già nửa phần xuân cam bỏ uổng,
Tới năm chục tuổi biết suy rồi.
Mơ màng nước cũ chim bay mỏi,
Khơi thẳm nguồn ân cá khó bơi.
Đảm khí ngày nào rày vẫn đó
Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi."
II
"Đêm xuân hầu hết, bóng trăng mờ,
Lành lạnh hơi xuân mượn gió đưa.
Dính gác, chùm bông tan trận múa,
Đập hiên, cành trúc quấy hồn mơ.
Hơi mưa xa gửi ơn đằm thắm,
Vẻ mặt buồn phai nét trẻ thơ.
Tiêu khiển may nhờ ba chén rượu,
Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa." (11)
Tuổi năm mươi chưa phải là cao, thế mà so với bài thơ làm nhân ngày chiến thắng hơn mười năm trước, tác giả đã già đi quá nhanh, quá sớm. Trong một bài thơ khác, ông lại nói đến mái đầu bạc; và, trong hai bài này dù đảm khí của vị danh tướng vẫn đó, nhưng sức chỉ đủ ngồi trong phòng nghiền sách, tự cho mình là "si thư" - mê sách - và lòng chỉ còn "muốn quật ngọn gió đông mà ngâm thơ", "tiêu khiển may nhờ ba chén rượu". Nỗi buồn về cái già dày vò ông, rồi bốn năm sau ông qua đời.
Hàng thi sĩ - văn thần có Chu Văn An (?-1370), Trần Nguyên Đán (1320-1390), Nguyễn Phi Khanh (1355-1428?) và rất nhiều người khác.
Chu Văn An là vị sư mô lớn, khí tiết lớn. Ông đỗ Thái học sinh ở nhà dạy học, được vua Minh tôn vời vào giảng sách cho Thái tử. Đời Dụ tôn (1341-1369), ông dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần. Vua không nghe, ông liền bỏ về ẩn ở núi Phượng Hoàng huyện Chí Linh. Bài thơ "Sóng xuân" dưới dây làm trong khi ở ẩn, TKĐ dịch:
"Thảnh thơi nhà vắng, mái non quê,
Chớm lạnh, nghiêng nghiêng lớp cửa che.
Biếc loá cỏ xanh, trời hãy choáng,
Hồng nhoà hoa thắm, cưởi chưa se.
Lòng cùng giếng cũ sóng nào gợn,
Thân với mây côi núi chẳng lìa.
Lửa bách lơ thơ, khói trà tắt,
Mộng xuân tàn với tiếng chim khe." (12)
Tiều ẩn tiên sinh vốn là người tích cực, muốn đem sở học giúp đời. Nhưng rủi là ông sống vào cái buổi mà "vua thì mãi mê chơi bời bỏ bê việc nước, bọn nịnh thần thì lộng hành, hà khắc, tham nhũng, lời nói phải không được nghe, có khi người trung còn mang vạ", cho nên ông buộc phải trở thành ẩn sĩ. Bài thơ xuân nói về cảnh nhàn: "lòng như giếng cũ", "khói trà tắt", "mộng xuân tàn", nhưng đàng sau chữ nghĩa ta vẫn nghe rõ tiếng lòng ông, gắn bó với đời, với người:
"Biếc loá cỏ xanh, trời hãy choáng,
Hồng nhoà hoa thắm, cưởi chưa se."
Trần Nguyên Đán là một hoàng thân, cháu bốn đời Trần Quang Khải, ngoại tổ Nguyễn Trãi, có "Băng Hồ ngọc hác tập". Ông rất trọng các bậc hiền tài như Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Đỗ Tử Vi, nhất là Chu Văn An. Đang làm Tư đồ phụ chính, thấy nhà Trần sắp mất, ông bèn xin về ẩn ở Côn Sơn.
Bài thơ làm "Tháng giêng năm mậu thân" (1368) lúc ông 43 tuổi, là lời tâm sự, nói lên nỗi chán ngán trước một tình thế oái oăm, TKĐ dịch:
"Ba phần đầu bạc một niềm son,
Bối rối vì muôn việc khó dần.
Cười tớ chẳng bằng Tiền Nhược Thuỷ,
Bốn mươi đã kịp trở về non." (13)
Mới 43 tuổi, lại giữ trọng trách phụ chính, nhưng thấy không thể vực nổi chiếc ngai mọt của triều nhà Trần, ông đã tự cười mình không dám "dũng thoái" như Tiền Nhược Thuỷ đời Tống đã bỏ chức Đồng trixu mật lúc vừa mới bốn mươi.
Nguyễn Phi Khanh tức Nguyễn ứng Long, thân phụ Nguyễn Trãi, đỗ Tiến sĩ năm 1374, nhưng vì ông là con nhà thường dân lấy con gái hoàng tộc, nên không được triều Trần dùng. Mãi năm 1401 ông mới được nhà Hồ vời ra làm quan. Nhưng năm 1407, quân Minh sang cướp nước ta, ông cùng bị bắt với vua quan nhà Hồ, bị đưa sang Kim Lăng và mất ở quê người.
Trong thời gian bị bỏ rơi, dưới triều Trần, ông buồn chán đến cực độ chỉ biết ký thác tâm sự trong thơ. Trong số thi phẩm làm trong thời gian này có khá nhiều thơ xuân, bài nào cũng biểu lộ tấm lòng ưu ái của tác giả. Bài "Rét xuân" là một, TKĐ dịch:
"Lớp lớp mây đùn, mù bủa kín,
Mười ngày rét cuối, mịt mùng sao.
Mưa sa tơ liễu treo dây bạc,
Chim lặng buồn xuân nép nụ đào.
Phòng sách vắng tanh, chồng gối, ngán,
Việc đời dằng dặc, quấn chăn, nao.
Mong sao mình được làm thân bễ,
Thổi ngọn hoà phong ấm chín châu." (14)
___________
(1) Nguyên văn: Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(2) Nguyên văn: Hoa điệp (Hoa và bướm)
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu cọng ứng kỳ.
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
(3) Lời bình luận chung về thơ Thiền.
(4) Nguyên văn: "Viên lâm vũ quá lục thành ác,
Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương"
(Hạ cảnh)
(5) Nguyên văn: Triêu du phù vân kiệu,
Mộ túc minh nguyệt loan.
(Hạnh Yên Bang phủ)
(6) Nguyên văn: Cung viên xuân nhật hoài cựu
Môn không trần yểm kính sinh đài,
Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.
Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,
Xuân hoa như hứa vị thuỳ khai.
(7) Nguyên văn: Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn quân.
(8) Nguyên văn: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(9) Nguyên văn: Xuân hiểu
Thuỵ khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ qui.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
(10) Nguyên văn: Tụng giá hoàn kinh sư
Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.
(11) Nguyên văn: Xuân nhật hữu cảm.
I
Vũ bạch phì mai tế nhược ti,
Bế môn ngột ngột toạ như si.
Nhị phần xuân sắc nhàn tha quá,
Ngũ thập si ông dĩ tự tri.
Cố quốc tâm hoàn phi diễn quyện,
Ân ba hải khoát túng lân trì.
Sinh bình đảm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.
II
Nguyệt tắc vi vi dạ hướng lan,
Đông phong đặc địa khởi xuân hàn.
Phiên không liễu nhứ niên cao các,
Giảo mộng tương quân phốc hoạ lan.
Bị vật nhuận tòng thiên ngoại vũ,
Kinh tâm hồng thốn tích thì nhan.
Khu sầu lại hữu tam bội tửu,
Phủ kiếm du du ức cố san.
(12) Nguyên văn: Xuân đán
Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn,
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
Bích mê thảo sắc, thiên như tuý,
Hồng thấp hoa sao, lộ vị can.
Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách luân bán lãnh, trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
(13) Nguyên văn: Mậu thân chính nguyệt tác
Tam phần đầu bạch thốn tâm đan,
Thế thượng phân phân vạn sự nan.
Tự tiếu bất như Tiền Nhược Thuỷ,
Niên tài tứ thập tiện lưu quan.
(14) Nguyên văn: Xuân hàn
Ngưng vân mạc mạc, vụ trầm trầm,
Nhưỡng tác dư hàn thập nhật âm.
Đới vũ hữu ngân niệm thụ nhự,
Thương xuân vô ngữ cách hoa cầm.
Thư trai tịch mịch duy cao chẩm,
Thế sự du du chính bão khâm.
An đắc thử thân như thác thược,
Hoà phong hư biến cửu châu tâm.
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)
tin tức liên quan
Videos
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui
Truyện thơ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại
Thống kê truy cập
114569439

2223

2432

21822

227963

129483

114569439