Những góc nhìn Văn hoá

Người xưa - Xuân xưa - Thơ xưa (Kỳ 3)

III
Một nhân vật có danh vọng sống suốt thời Nam Bắc triều, chứng kiến và tham gia vào cuộc nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Lê-Mạc là Phùng Khắc Khoan (1528-1613).

Ông tên tự là Hoằng Phu, tục gọi Trạng Bùng, người làng Phùng xá, huyện Thạch thất, trấn Sơn tây. Ông là học trò xuất sắc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, học vấn uyên bác, nhưng khác với Trạng Trình, ông bỏ THăng long, vào Thanh hoa theo nhà Lê, thi đỗ Tiến sĩ năm Quang hưng thứ ba đời Lê Thế tôn (1580) làm quan đến Thượng thư bộ Hộ. Ông từng đi sứ Trung quốc, và dưới thời Anh tôn, vì có lời can gián trái ý vua, bị lưu đày vào Thanh Nam (Tương dương, Nghệ an). Lúc ở đây, ông có bài "Đào nguyên hành" nói tâm sự riêng, nhưng chủ yếu mô tả cây cỏ địa phương. Nhưng tác phẩm chính của ông là "Ngôn chí thi tập", "Sứ hoa thi tập", "Huấn đồng thi tập", "Độc Thi đa thức", "Tặng thi tính cảnh vật vịnh" và nhiều bài văn xuôi.
Lúc về già, sống trong cảnh nghèo, nên thơ cũng không còn mang cái hăm hở lúc trẻ, nhất là lúc mới thành danh. Bài thơ "Đêm ba mươi tết gửi Nguyễn Thanh Trai" dưới đây làm vào thời kỳ ấy. Trần Lê Sáng dịch:
"Áo dài rách mướp khách chơi thưa,
Ơn nghĩa phiền ông gửi áo cho.
Kẻ sĩ vụng về duy có lão,
Ông trời phù hộ lúc trai tơ.
Nói gì Quý tử nhiều châu báu,
Nhắc nhở Vương tôn lúc muối dưa.
Được mất xưa nay thường đắp đổi,
Đời người quý kẻ mặn tình xưa." (1)
Sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn giới thiệu một dật sĩ Thuận hoá là Ngô Thế Lân, tự Hoàn phác như sau: "... Khi nhỏ có chí thú rộng học giỏi văn, ẩn ở xã Vu lai, huyện Quảng điền, tự đặt hiệu là ái trúc trai, năm nay (1776) chừng hơn 50 tuổi, ngụ ở phố Hà thanh. Tôi sai người đến mời mà không đến, gửi thư cảm tạ, và nói lấy sự xu thời cầu cạnh làm hổ thẹn. Những bài đề vịnh gọi là "Phong trúc tập" cũng nhã nhặn và có tình tứ...". Sau mấy lời trên, cụ Bảng nhãn Lê chép bài Đề từ, bài tựa, bài bạt và một số bài thơ trong "Phong trúc tập" của Ngô, trong đó có bài "Ngày xuân ngẫu hứng thành thơ", TKĐ phỏng dịch:
"Danh hão vất đi, thấy thật ta,
Măng tre, nước lả chẳng nghèo mà.
Đồng im gió sớm thẳng ngọn khói,
Núi đẫm sương mai tươi sắc hoa.
Chuyện phiếm bạn hiền say biết mấy,
Rượu ngon xuân mới quý bằng ba.
Ví không ai kẻ chung vui với,
Chẳng ngại hươu nai bạn núi xa." (2)
Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (1720-1791) - đại danh y Việt Nam, đồng thời là một thi bá thời bấy giờ. Ông quê gốc Hải dương, về ở quê mẹ, huyện Hương sơn. Trong bộ sách đồ sộ "Y tôn tâm lĩnh" 66 quyển, ông có chép trên 70 bài thơ, trong đó có 29 bài được xếp thành một quyển, lấy tên là "Y lý thâu nhàn lý ngôn phụ chí" (Phụ chép những bài vè viết trong khi làm thuốc rãnh rỗi). Tập "vè" này có ba bài "Nhàn hứng ngày xuân". Dưới đây là bài thứ nhất, TKĐ tạm dịch:
"Lạnh từ ánh biếc rặng đào,
Đọc xong pho sách tựa vào lan can.
Chim không nỡ quấy người nhàn,
Hoa như thấy nhạt màu xuân gượng cười.
Đun trà xong , bé ngủ rồi,
Soạn mâm, bà lão lại ngồi luộc rau.
Hư danh mừng chẳng nơi cầu,
Mặt trời lên mấy con sào, cứ ngơi." (3)
Bùi Huy Bích (1744-1818), tên chữ là Huy Chương, người làng Định công, huyện Thanh trì, ngụ cư làng Thịnh liệt (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông đỗ Hoàng giáp năm Cảnh hưng thứ 30 (1769), làm quan đến chức hành tham tụng.Khi Tây sơn ra Bắc Hà, ông cáo bệnh xin về hưu.
            Thư Bùi Huy Bích được chép thành "Tồn am thi tập".Ông còn có "Nghệ An thư tập" làm trong thời gian vào giữ chức Hiệp trấn (1777).Ngoài ra, ông còn có hai công trình sưu tầm, truyện chọn thơ văn là "Hoàng Việt thi tuyển""Hoàng Việt văn tuyển".
Bài thơ "Ngày mồng một tết năm nhâm dần" (1782) dưới đây làm lúc ông giữ chức Hành tham tụng ở Triều, bản dịch của nhóm Lê Quý Đôn:
 "Biên giới năm năm cảnh trải lần,
Kinh thành nay gặp lễ chầu xuân.
Nhịp hà khói nước lay cây tạnh,
Cấm uyển hương thơm động bụi trần.
Chín bệ áo xiêm đà chẳng cách,
Một vườn hoa trúc lại thường gần.
Thẹn không bổ ích cho dân nước,
Cũng dự vào trong bậc trọng thần." (4)
Hai thập kỷ cuối thế kỷ XVIII đã chứng kiến sự sụp đỗ hoàn toàn của Triều đại Lê Trịnh và sự ra đời của Triều đại mới Tây sơn. Trong số những nho thần nhà Lê, nhiều người đã sớm theo giúp tân triều, trong đó, không ít người để lại những tác phẩm thơ văn mang dấu ấn thời đại.
Ninh Tốn, tự, Khiêm như sau đổi là Hi chi, hiệu Mẫn hiên và Chuyết sơn cư sĩ, song an cư sí, sinh năm 1743, quê xã Côi Trì, huyện Yên mô (Ninh Bĩnh, nay thuộc huyện Tam Điệp) nhưng quê gốc lại ở xã Ninh Xá, huyện Chí Linh (Hải Dương).Ông đỗ Hương cống, năm 19 tuổi, đề thơ ở núi Vân Lỗi (Thanh Hoa) được chúa Trịnh Sâm mến tài, triệu vào giữ chức phiên liêm tri Binh phiên. Năm 1778, ông đổ hội nguyên tiến sĩ được xư làm phụng tá quân hải lộ. Năm 1786 làm Hiệp trấn Động hải (Quảng Bình)... Năm 1788 Bình Định vương Nguyễn Huệ ra Bắc, Ninh Tốn được phong hàm làm trực học sĩ, được giao giúp việc Ngô Văn Sở ở đất bảo cùng với Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lân. Về sau ông được thăng đến binh bộ thượng thư, tước hầu.
Trong thời gian làm quan dưới Triều Lê - Trịnh, Ninh Tốn làm rất nhiều thơ, chép trong "Tây hồ mạn hứng". Nay thơ ông còn lại 275 bài được sưu tập, chép trong "Chuyết sơn thi tập", "Tiền Lê Tiến sí Ninh Tốn thi tập"... Dưới thời Tây sơn, chắc ông cũng có làm thơ, nhưng nay không còn lưu lại được. Bài "Xuân bính thân (1776) được sai làm án sát ở Sơn nam" chép trong "Tiền Lê Tiến sĩ Ninh tốn thi tập" dưới đây do cụ Khương Hữu Dụng dịch:
"Thanh tịch lòng đâu vướng rộn ràng,
Cười ta đạm bạc tính trời mang.
Một bầu từng quý ngang chung đỉnh,
Năm đấu nào cho lấn sách đàn.
Trên đoạ quân thần riêng nặng trĩu,
Trong trường danh giáo được vui tràn.
Chỉ mong dân chúng không oan uổng,
Chẳng lọt gian lều tiếng oán than." (5)
Phan Huy Ích (1750-1822) hiệu Dụ am, người làng Thu hoạch, huyện Thạch hà, trấn Nghệ an, sau ra ở làng Thuỵ khê, huyện Thạch thất, trấn Sơn tây. ông là con trưởng Tiến sĩ Phan Huy Cẩn và là con rể Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ. Năm 1771 ông đỗ hương nguyên, năm 1775 đỗ hội nguyên, rồi chế khoa đồng Tiến sĩ. Buổi đầu làm quan triều Lê, được chúa Trịnh Sâm trọng dụng. Nhưng sau vụ án năm Canh tý (1780) là con rể họ Ngô, ông cũng bị hiềm nghi. Do đó, ông cảm thấy chán việc làm quan, xin từ chức, nhưng lại được sai vào làm Đốc đồng Thanh hoa. Ông ở dưới thuyền, hơn một năm, không chịu lên trấn sở, ai có việc gì thì đến gặp... Nhà Lê mất, ông lánh về vùng Sơn tây.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, mời một số sĩ phu Bắc hà trong đó có Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích... Phan được giao cùng Ngô lo việc giao tiếp với nhà Thanh. Khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào Thăng long, những người theo Tây sơn bị đục tên trên bia tiến sĩ và bị truy nã. Phan phải tránh về Thuỵ khê. Sau khi chiến thắng quân Thanh (1789) ông lại được triệu ra lo việc bang giao và năm 1790, ông được sung lắm trọng thần hàng văn trong sứ bộ của vua Quang trung (giả) sang Trung quốc...
Trở về, ông được phong chức Thị lang Ngự sử ở toà nội các thì năm 1792 vua Quang trung mất... Nhà Tây sơn mất (1802), ông cùng Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch bị bắt. Sau khi bị Đặng Trần Thường đánh thị nhục ở Văn miếu, Phan Huy Ích lại trở về Thuỵ khê, Sài sơn và mất vào năm 1822, thọ 73 tuổi.
Thơ, văn Pha Huy Ích rất nhiều, nhưng một phần bị mất mát. Năm 1814-1815, ông sai con cháu thu thập lại, xếp thành bộ "Dụ am ngâm lục" chia làm 6 sách gồm khoảng 600 bài thơ, và "Dụ am văn tập" gồm 20 bài văn. Bài thơ "Mùa xuân ở công quán, ghi việc" viết ở kinh Thuận hoá lúc ông làm quan dưới triều Tây sơn, TKĐ phỏng dịch:
"Dinh toà trời mở chốn đồng quê,
Chùa cổ đầy sân những ngựa xe.
Nghỉ dưới nhà chay thường dậy muộn,
Họp trên toà sảnh phải bàn khuya.
Gợi tình trước núi hoa, chim sẵn,
Dưỡng tính trong nhà sách vỡ mê.
Rảnh việc, quán xa nhiều thú sẵn,
Bên song khay rượu với bình chè." (6)
Một nho sĩ Bắc hà khác có đóng góp lớn cho triều đại Tây sơn là Ngô Thì Nhậm, anh vợ Phan Huy Ích.
Ngô Thì Nhậm tự Hy Doãn, hiệu Đạt hiên (1746-1803) là con trai trưởng của Ngô Thì Sỹ (1726-1780) quê làng Tả thanh oai, huyện Thanh trì , gần thành Thăng long. Lúc nhỏ, ông học với ông nội rồi với cha đỗ đầu thi hương vào năm 1765. Năm 1769, ông đỗ khoa sĩ vọng được bổ Hiến sát phó sứ Hải dương. Đến năm 1775, ông đỗ tam giáp Tiến sĩ, cùng khoa với Phan Huy Ích, được bộ Hộ khoa cấp sự trung rồi thăng đến Đốc đồng Kinh bắc, Đốc đồng Thái nguyên.
Sau vụ án Canh tý (Trịnh Tông mưu trừ phe Trịnh Cán, con Đặng Thị Huệ) Ngô Thì Nhậm được thăng Công bộ Hữu thị lang. Khi Trịnh Sâm chết, quận Huy bị kiêu binh giết. Trịnh Cán bị phế, ông phải trốn về quê vợ ở Sơn nam.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi "cầu hiền", được Bắc bình vương phong chức Tả thị lang bộ Lại, tước tình phái hầu. Ông đã không phụ lòng tân chúa, có những đóng góp cho sự nghiệp nhà Tây sơn, đặc biệt là về ngoại giao. Năm 1792, vua Quang trung mất, ông được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho Quang Toản. Khi nội bộ nhà Tây sơn rối ren, ông xin về trí sĩ ở Thăng long lập Thiền Viện Trúc lâm, nghiên cứu triết học.
Nhà Tây sơn mất, Ngô Thì Nhậm (cùng Phan Huy Ích) bị đánh thị nhục ở Văn miếu. Và ông đã bỏ mạng vì trận đòn trả thù này, ngày 16 tháng hai năm Quý hợi (9-3-1803).
Ngô Thì Nhậm để lại một khối lượng thơ văn đồ sộ. Riêng thơ đã có đến 7 tập: "Bút hải tùng đàm", "Thuỷ vân nhàn vịnh", "Ngọc đường xuân khiếu", "Cúc hoa bách vịnh", "Thu Cận dương ngân", "Cẩm đường nhàm thoại", "Hoàng hoa đỗ phả".
Bài "Xuân thuật" dưới đây rút trong "Thu cận dương ngôn", tập thơ viết khi làm quan thời Quang trung, bản dịch của Ngô Linh Ngọc:
"Khắp thành mưa bụi, khắp thành xuân,
Quán khách đìu hiu mấy núi gần.
Già đến, có tiền khôn chuốc trẻ,
Ngôi cao ngiều lịch chẳng lo bần.
Tai đầy tiếng nhạc, thịt chẳng thiết,
Dạ nức mùi hương, xông khỏi cần.
Chén ngọc rót mừng năm mới đến,
Đường hoa bầu bạn có Đông quân." (7)
__________
(1) Nguyên văn: Trừ tịch Nguyễn Thanh trai kiến ký
Tệ bào ngỗ khách đáo thôn hy,
Trịnh trọng phiền quân nãi nhĩ ti (tư)
Tài sĩ bần cư duy ngã chuyết,
Hoá công bồi đốc phỉ vu trì.
Vị ngôn Quý tử dã kim nhật, (a)
Phả tự Vương tôn nhất phạn thì. (b)
Tự cổ cùng thông do tuế tiết,
Phong trần nhân phẩm quý tương tri.
      (a) Quý tử, người đời Chiến quốc, cho Tô Tần áo bào, (b) Vương tôn chỉ Hàn Tín đời Hán được bà Xiếu mẫu cho cơm.
(2) Nguyên văn:          Xuân nhật ngẫu thành
Phù danh phóng hạ kiến ngô chân,
Thuỷ trúc sinh nhai hạnh bất bần.
Dã hiểu vô phong yên tự trực,
Sơn hoa hữu lộ sắc thiên tân.
Cao đàm đối khách nhiêu tam thốn,
Giai nhưỡng phùng xuân hảo thập phân.
Liệu đắc vô nhân đồng thử lạc,
Bất phương mi lộc kết vi lân.
          (3) Nguyên văn:         Xuân nhật nhàn hứng.
            Đào âm lộng ảnh thuý sinh hàn,
            Độc hãi Hoàng kinh cánh ỷ lan (a).
            Điểu thức nhân nhàn vô cảm náo,
            Hoa như xuân đạm cưỡng khoai nhan.
            Dược đồng chứ mỉnh miên song cước,
            Lão phụ chưng lê thịnh thảo bàn.
            Khà kỷ hư danh vô sở thụ,
            Bế môn thâm thuỵ nhật tam cơn.
 (a) Hoàng kinh: Pho sách của Hoàng đế, tổ sư nghề thuốc, tức sách thuốc.
(4) Nguyên văn:                        Nhâm dần tuế đán.
            Ngũ tuế bão chiêm biên địa cảnh,
            Kim niên hỷ cận quốc thành xuân.
            Nhị hà yên thuỷ dao tình thụ,
            Cấm ngự hương phong động nhuyễn trần.
            Cửu bệ miện lưu nguyên bất viễn,
            Nhất viên hoa trúc hựu tương thân.
            Chỉ tàm nhiếp lý hào vô bổ,
            Diệc xỉ thiên gia pháp tụng thần.
            (5) Nguyên văn: Bính thân xuân khiển doãn tác lỵ Nam niết.
Đồ biên an đắc bạn thanh hư,
Y cựu thiên chân tự đạm như.
Tằng ấp nhất biều đường đỉnh nại,
Khởi dung ngũ đẩu doãn cầm thư.
Quân thân đạo thượng hoài thiên trọng,
Danh giáo trường trung lạc hữu dư.
Đạn nguyện ngô dân vô uổng khuất,
Sầu minh biết đáo bán gian lư.
(6) Nguyên văn:                 Xuân để ký sự
Thiên khai sảnh viện thử giao quynh,
Luân bí tề xu cổ phạm đình.
Công toạ thâm tiêu đàm vị tán,
Lữ trai vãn trú thuỵ sơ tinh.
Tiền cương hoa điểu tư ngâm liệu,
Mãn giá đồ thư dưỡng tính linh.
Cơ hoạn thiết nhàn đa hứng trí,
Đông song tửu quả hựu trà bình.
(7) Nguyên văn:                       Xuân thuật
Mãn thành mai vũ mãn thành xuân,
Khách quán tiêu sơ đối thụ vân.
Lão chí, hữu tiền nan mãi thiếu,
Vị cao đa lịch bất vi bần. (a)
Thiều doanh nhĩ bạng nghi vong nhục,
Hương phức tâm đầu khởi dụng huân.
Thả chước thái hoàn nghinh vong nhục,
Hương phức tâm đầu khởi dụng huân.
Thả chước thái nghinh tuế đán,
Phù dao bản ngã hữu Đông quân. (b)
      (a) Đa lịch: Quan nhất phẩm đầu năm được ban dịch 100 bản, lại ban thêm một bản "Đại thanh thời hiên thư".
      (b) Phù dao: Gió xoáy đưa từ dưới lên.
(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569327

Hôm nay

2111

Hôm qua

2432

Tuần này

21710

Tháng này

227851

Tháng qua

129483

Tất cả

114569327