Những góc nhìn Văn hoá
Người xưa - Xuân xưa - Thơ xưa (Kỳ cuối)
IV
Năm nhâm tuất (1802) Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, khai sáng ra triều Nguyễn. Từ đây, đất nước đi vào một thời kỳ khó khăn mới. Bên trong thì hạn lụt, đói kém; giặc giã, bên ngoài thì đế quốc phương tây lăm le nhảy vào xâm lược. Mấy ông vua đầu triều Nguyễn đã có những cố gắng lớn, nhưng không sao ổn định lại tình hình, lại phạm nhiều sai lầm lớn: giết công thần, cấm đạo, đóng cửa với bên ngoài, làm cho tình hình càng khủng hoảng nghiêm trọng. Đặc biệt, tư tưởng "chủ hoà" đã đẩy triều đình đến nỗi bỏ dân, nhường giặc, "làm mất nước" như vua Tự Đức "tự phê"!.

Nguyễn Công Trứ (1778-1859), người làng Uy Viễn, Nghi Xuân, ở tuổi 24, hăm hở với bản sớ "Thái bình thập sách" dâng lên vua Gia Long, thì khi thành đạt, ba chìm bảy nổi trong quan trường, nhận rõ nhân tình thế thái, ở tuổi 70, mới hiểu ra rằng công danh chỉ là "tuỳ cơ, khối lỗi cung nhân tiếu" - "một đời múa rối cho người nhạo" mà thôi. Có điều, cụ Uy Viễn hơn người ở chỗ "tri túc", "tri nhàn". Ở trong cái lồng chật chội, cụ vẫn tự do, vẫn "ngất ngưỡng" được. Sống giữa gió bụi đời thường, cụ biết tận hưởng... "nghìn vàng mộ khúc xuân tiêu". Khi gặp xuân, cụ Vịnh xuân (1).
"Xuân sang hoa cỏ đua tươi
Khoe màu quốc sắc, trẻ mùi thiên hương, (a)
Đầm ấm thuở tin xuân phút bắn.
Khi phát sinh rải rác trên cành,
Thử tập bay bướm mới uốn mình.
Muốn học nói oanh còn lựa tiếng,
Liễu hoàn cựu lục oanh do tĩnh.
Đào thỉ tân hồng điệp vị tri, (b)
Mái đông phong mày liễu xanh rì.
Đám tàn tuyết đầu non trăng xoá,
Buổi hoà hủ khí trời êm ả. (c)
Hội đạp thanh xa mãi dập dìu,
Nghìn vàng một khúc xuân tiêu. (d)"
Thế hệ sau Nguyễn Công Trứ có Nguyễn Văn Nghị, Cao Bá Quát..., đều là bậc tài hoa mà đường đời trắc trở.
Phạm Văn Nghị (1805-1881) người xã Tam Đăng, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đỗ Hoàng giáp khoa mậu tuất (1838) đời Minh mệnh, làm quan từ Hàn lâm Tu soạn, Tri phủ, Biên tu quốc sử quán, xin về nghỉ, lại bị triệu ra làm Đốc học, rồi Thương biện kiêm Hải phòng sứ Nam Định. Năm 1858, quân Pháp đánh Đà Nẵng, Nam Kỳ. Ông tổ chức đội nghĩa dũng xin vào Nam đánh giặc, sau lại về quê tổ chức việc tiểu phỉ, cho đến khi quân Pháp hạ thành Nam Định... Ông làm quan không lâu, nhưng nhiều lần bị trách phạt, và lần này triều đình đổ lỗi cho ông để mất Nam Định, xử tội trảm giam hậu, rồi đuổi về Hoa Lư (Ninh Bình) để làm vui lòng người Pháp. Ông ở động Liên Hoa - Hoa Lư sáu năm, vào Thanh ở với con là Bố Chính Phạm Văn Giảng, nhưng ngã bệnh, phải về quê Tam Đăng rồi mất.
Thơ văn của Phạm Văn Nghị òn lại bộ Tùng Viên Văn tập 11 quyển, do con trai thứ hai là Cử nhân Phạm Văn Hân sưu tập, nói nhiều đến những vấn đề cảnh ngộ bản thân và đất nước. Nhưng ở đây xin giới thiệu một nét tình cảm đối với bà vợ ở quê lúc ông làm quan tại kinh qua bài 1 trong chùm thơ ba bài "Xuân nhật vũ trung hữu sở tư" - "Mưa xuân chạnh nhớ ai" - Thái Kim Đỉnh phỏng dịch (2):
"Cành liễu mưa đầm ướt khí xuân,
Đường về đã giục bước hành nhân.
Giang hồ giận tớ khinh ly biệt,
Ân ái thương người lẻ gối chăn.
Trong giấc say mơ oanh động gối,
Ngoài song dậy ngóng nhạn qua sân. (a)
Đêm thanh ước được cùng sum họp,
Nỗi nhớ may ra sẽ vợi dần."
"Thi thánh"Cao Bá Quát (1809-1853) tự là Chu Thần, người làng Phú thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Quyết Chiến, Gia Lâm, Hà Nội). Là chàng trai thông minh, nổi tiếng học giỏi, 14 tuổi đã đi thi nhưng đến 23 tuổi mới đỗ cử nhân á nguyên, bộ Lễ xét, đẩy xuống cuối bảng. Lại bao nhiêu lần vào kinh thi hội đều bị hỏng bay. Đến tuổi 32, ông mới được gọi ra giữ chức hành tẩu (thư lại) bộ Lễ, rồi được cử làm sơ khảo trường hương Thừa Thiên. Thương mấy người học trò gỏi có chút sơ suất trong bài, ông đã cùng bạn là Phan Nhạ (người Nghệ An) dùng muội đèn sửa cho. Việc phát giác, Cao bị kết tội trảm (chém), sau được hạ xuống giảo giam hậu (thắt cổ, nhưng giam lại, đợi lệnh), rồi phải xuất dương hiệu lực sang Giang-lưu-ba (Nam Dương). Năm 1843, trở về kinh, Cao bị thải hồi, rồi bốn năm sau, được gọi trở lại, sung vào Viện hàn lâm, với công việc chính là sưu tầm, sắp xếp lại văn thơ. Thời gian này, Cao gặp gỡ, xướng hoạ và đề tựa tập thơ của Tùng Thiện vương Miên Thẩm (1850). Sau đó, Cao được bổ làm Giáo thụ phủ Quốc Oai. Năm 1853, Cao tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và bị giết hại...
Dưới đây là bài "Xuân dạ độc thư" - (Đêm xuân đọc sách) của Cao, TKĐ phỏng dịch (3):
"Người nay nào biết xuân thời trước,
Man mác xuân này gặp cổ nhân.
Bao nả việc đời kim hoá cổ,
Tin chi trước mắt huyễn là chân.
Mấy trò danh lợi mưa ban sáng,
Bao đám hùng anh bụi cõi trần.
Cười tớ thói đời chưa rủ sạch,
Quá mê sách vở hoá ra đần!"
Vào thời điểm lịch sử này, trước nạn nước, mỗi người thể hiện tấm lòng của mình bằng cách riêng, theo hoàn cảnh riêng. Ở thế hệ trước, thủ khoa Huân, hoàng giáp Nghị vừa làm thơ, vừa cầm kiếm đánh giặc, còn Đồ Chiểu, Cử Trị lại chỉ lấy ngòi bút làm vũ khí. Ở thế hệ sau có Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng... đều là những nhà lãnh đạo phong trào cần vương chống Pháp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), người làng Quần Phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Thi đỗ, làm quan đã luống tuổi, "không học được thói ươn hèn, siểm nịnh" nên hoan lộ thường trắc trở, nhất là khi ông biểu lộ sự biểu lộ sự bất bình với chính sách hoà với Pháp của triều đình. Cuối cùng, ông bị cách chức, đẩy về quê. Tháng 7-1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm nghi xuất bôn, ông cùng các sĩ phu vùng Yên Thành, Diễn Châu tổ chức khởi nghĩa chống Pháp, được vua Hàm nghi giao trách nhiệm chỉ huy quân cần vương ở Nghệ An. Ông bị thương trong một trận đánh, đang nằm điều trị thì bị quân Pháp bắt đưa về giam ở Huế, và mất trong lao năm 1889. Thơ văn cũng là một bộ phận trong sự nghiệp cứu nước của Nguyễn Xuân ôn. Dưới đây là bài I trong hai bài thơ làm ngày nguyên đán năm mậu tý (1888) khi còn bị giam ở Vinh. Lời thơ bình thản mà chứa nỗi đau xót của người dân mất nước.
"Mậu tý niên nguyên đán, cảm tác" - Bài 1 - TKĐ phỏng dịch (4):
"Còi trống lừng vang, pháo hiếm thay,
Cổng thành sẩm tối rộn kèn tây.
Rượu ngon hết nhẵn khôn chúc tết,
Thơ loạn ngâm hoài để được say.
Lịch Hạ đã thay ngày tháng cũ,
Đất Chu đâu nữa bản đồ nay?
Công đường quan được riêng nhàn rỗi,
Tiếng trúc thanh bình lại vút bay."
Nguyễn Quang Bích (1832-1890) để lại "Nghi phong thi văn tập" viết trong thời gian ông lãnh đạo phong trào cần vương chống Pháp ở vùng Tây-Bắc từ 1884 đến 1889. Nguyễn Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, người làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Năm mậu ngọ, 27 tuổi, ông đỗ tú tài, rồi năm tân dậu (1861) đỗ Cử nhân, bổ nhiệm Giáo thụ phủ Trường Khánh (Ninh Bình). Được hơn một năm, ông về quê cư tang, mở trường dạy học. Năm kỷ tỵ (1869), ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ ân khoa, lúc ấy đã 38 tuổi. Sau đó, ông làm quan trải qua các chức Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hoà) , Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám, Chánh sứ Sơn phòng rồi Tuần phủ Hưng Hoá Da đức độ cao, ông được nhân dân nhiều nơi lập sinh từ để tỏ lòng biết ơn, và gọi ông là "Phật sống". Năm ất dậu (1885), quan Pháp đánh lên vùng Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), ông đem quân chống cự, được vua Hàm nghi phong làm Lễ bộ Thượng thư, sung HIệp thống quân vụ đại thần, lãnh đạo nghĩa quân cần vương vùng Tây Bắc chống Pháp trong bốn năm, và mất đầu năm 1890 tại quân thứ.
Trong bài tựa tập "Ngư Phong", ông viết: "Tôi không biết làm thơ, lại không hay làm thơ... Đây cũng giống như trùng theo khí hậu, giống chim theo thời tiết, tự theo rồi lại tự thôi để tiêu khiển cảm hoài, chớ có dám nói gì đến việc làm thơ". Dưới đây là bài "Xuân nhật tức sự" - Ngày xuân tức sự, rút trong tập thơ ấy, theo bản dịch của Nguyễn Văn Bách (5):
"Xập xoè từng cặp én đưa thoi,
Khắp nẻo xuân về đặm nét tươi.
Ngọc dựng thẳng hàng ngàn trúc biếc,
Nước tuôn dồn cát đáy chuông vơi.
Hang son nuôi dưỡng chồm đuôi phượng,
Suối bạc vần quanh đập nước dồi.
Sấm dậy hơi xuân xua khí lạnh,
Thảnh thơi an dưỡng tháng ngày dài."
Bài thơ làm một năm trước lúc mất, trong khi cuộc kháng chiến đang gặp nhiều khó khăn, thế mà tác giả tỏ ra bình thản, và có niềm tin vững vàng vào ngày mai.
Khi Nguyễn Quang Bích đang là Tuần phủ tại chức, có một đội quân triều đình trong tay để bắt đầu cuộc kháng chiến cần vương, thì Phan Đình Phùng phải tập hợp các sĩ phu, nghĩa sĩ và những người nông dân yêu nước để thành lập đội nghĩa quân chống Pháp.
Phan Đình Phùng (1843-1896) quê làng Đông Thái, xã Việt Yên Hạ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, ông đỗ đình nguyên Tiến sĩ khoa đinh sửu (1877) lúc 34 tuổi. Là người cương trực, lúc làm Tri phủ Yên Khánh (Ninh Bình), ông đã phạt đánh một giáo sĩ dám ỷ thế tây, ức hiếp dân. Sau việc này, bị triệu về kinh giữ chức Ngự sử, ông lại dâng sớ đàn hặc các quan văn võ đại thần đã man tấu việc thi bắn súng ở cửa Thuận An. Năm 1883, ông dám chống lại Tôn Thất Thuyết ngay giữa triều đình khi ông Thuyết tuyên bố phế vua Dục đức. Ông bị giam vào ngục cẩm y rồi bị cách chức, đuổi về quê quán. Năm 1884, Phan Đình Phùng được cử làm Tham biện sơn phòng Hà Tĩnh. Ông ngầm hiểu đó là ý Tôn Thất Thuyết, giao cho ông sẵn sàng chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng đối phó với tình hình. Tháng 9-1885 vua Hàm nghi xuất bôn, ra đến sơn phòng Phú Gia, Hương Khê, Phan Đình Phùng dẫn đầu một số sĩ phu La Sơn lên bái yết. Ông được vua phong làm Tán lý quân vụ đại thần, thống lĩnh các đội quân cần vương. Được sự giúp đỡ của Cao Thắng cùng nhiều sĩ phu, nghĩa sĩ, và được nhân dân hưởng ứng, Phan Đình Phùng đã xây dựng căn cứ và lực lượng hùng hậu, và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược suốt mười năm (1885-1895) trên bốn tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình.
Cũng như Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng không hay làm thơ. Nhưng trong thời gian lãnh đạo phong trào cần vương, ông đã để lại một ít tác phẩm chứa chan lòng yêu nước, thương dân. Dưới đây là bài "Mậu tý nguyên nhật" - Ngày mồng một tết năm mậu tý - TKĐ phỏng dịch (6):
"Ngoài sân oanh liệng hót trên huê,
Hoa báo xuân sang người chửa về.
Núi Ngự trăm năm buồn nắng loá,
Ngàn Hống muôn dặm ngóng mây che.
Nếp nhà gốc đó, đền trung hiếu,
Đất khách lòng đâu ngại biệt ly.
Tết đến, người người vui đón tết,
Riêng mình da diết dạ sầu bi."
____________
(1)Trong bài này:
a, Trẻ: tiếng Nghệ-Tĩnh cũng là khoe.
b, Hai câu này có nghĩa: "Liễu đã lại xanh, oanh chửa hót - Đào vừa hé thắm chưa hay".
c, Hoà hú: (Khí hậu) ấm áp.
d, Xuân tiêu: Đêm xuân.
(2 Nguyên văn:
Vũ đới xuân hàn thấp liễu chi,
Chinh nhân chính tại mạch đầu quy.
Bồng tang tiếu ngã khinh ly biệt,
Cân trất liên quân cọng tướng tuỳ.
Thuỵ khởi hiểu song phi bạch ích, (a)
Tuý lai mộng chẩm chuyển hoàng ly.
Hà đương cập thử lương tiêu hội,
Tả ngã tam thu nhất nhật ty (tư).
a, Ích là con chim dang, ở đây dịch là (chim) nhạn cho khỏi thất luật.
(3) Nguyên văn:
Kim nhân bất kiến cổ thời xuân,
Trù trướng kim xuân đối cổ nhân.
Thế sự kỷ hà kim bất cổ?
Nhãn tiền mạc nhân huyễn vi chân.
Kỷ đa danh lợi chung triêu vũ,
Vô số anh hùng nhất tụ trần.
Tự hiếu tục câu phao vị đắc,
Nhĩ lai huề quyển thái chuân chuân.
(4) Nguyên văn:
Bộc trúc thanh hy cổ giác đa,
Thành môn nhập dạ náo xuy già.
Tiêu hoa tửu yết nan vi tụng,
Hà thảo thi tồn khả tái ca.
Thiên thống dĩ phi hành Hạ chính,
Địa đồ khởi phục hiến Chu gia?
Công sanh thiên đắc nhàn vô sự,
Tiêu quản thanh thanh lạc thái hoà.
(5) Nguyên văn:
Phi yến song song bạn lữ tường,
Nhất ban hoà hú mậu xuân dương.
Thiên hàng ngọc lập lăng tu trúc,
Vạn thuỷ sa lung hộ thiển đường.
Đan huyệt dưỡng thành tề phượng vĩ,
Thanh khê tà nhiễu quả sơn lương.
Xuân lôi phát hậu âm hàn thấu,
An dưỡng thừa hưu hoá nhật trường.
(6) Nguyên văn:
Lưu oanh đình ngoại ngự hoa chi,
Hoa báo xuân quy nhân vị quy.
Bình lĩnh bách niên tư nhật nhiễu,
Hồng sơn vạn lý vọng vân phủ.
Ngô gia hữu giáo căn trung hiếu,
Khách địa vô tâm oán biệt ly.
Giai tiết thị nhân hành lạc xứ,
Ngã phùng giai tiết bất thăng bi.
tin tức liên quan
Videos
Hội thảo khoa học: “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui
Thống kê truy cập
114569334

2118

2432

21717

227858

129483

114569334