Từ một vài từ gốc được người Hy-La cổ đại viết thành một từ đa âm tiết, ông đã tách được thành ba từ riêng biệt theo đúng phong cách và cấu trúc ngôn ngữ Việt, trong đó Ka được đọc thành Kẻ, Ti được đọc thành Thị, còn Gara được đọc thành Ghe (thuyền). Theo tôi, ông đã gần đúng với trường hợp chữ Ka, còn Ti và Gara thì ông chưa đúng, cho dù ông rành rẽ tiếng Mã Lai, như ông đã nói và đã thể hiện trong hai tác phẩm quan trọng Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam và Lột trần Việt ngữ. Lầm lẫn của ông, có lẽ xuất phát từ việc ông bị định kiến trước với từ Thị của người Hoa tại Sài Gòn xưa, và đặc biệt có lẽ còn hơn cả định kiến trước, ông đã bị ám ảnh với từ Gay (ghe thuyền) trong tiếng Mã Lai, nên đã lập tức tách thành một từ gọi là Gara để đọc thành Gay. Ấy là chưa kể về phương diện lịch sử, Hòn Gay chỉ thực sự có mầm mống một đô thị kể từ năm 1878, khi nhà buôn người Thanh là Ngô Nguyên Thành xin chính quyền Tự Đức cho khai mỏ than tại vùng này; và đặc biệt là kể từ khi Pháp đánh chiếm Quảng Ninh năm 1883 cho đến Thế chiến I, với chính sách đẩy mạnh khai thác thuộc địa phục vụ cho chính quốc. (Trần Văn Giàu 1961). Còn gần 2000 năm trước thì vùng Hòn Gay có lẽ vẫn chỉ có những vạn chài thưa thớt với những con thuyền và kiếp sống lang thang rày đây mai đó mà thôi.
Giống Bình Nguyên Lộc, tôi cũng hiểu Kattigara là một cụm từ tiếng Việt cổ, chứ không phải là tiếng Phạn hay một thứ tiếng nào khác, để ghi lại một địa danh Việt cổ nổi tiếng; từng từ trong cụm từ đó có nghĩa rất rõ ràng; cả cụm từ được viết rất đúng với cấu trúc tiếng Việt, và không hề nhầm lẫn. Tuy nhiên vì là tiếng Việt cổ, cách xa chúng ta hàng 2000 năm ròng, nên muốn hiểu hết nghĩa của các từ cổ đó thì cần phải so sánh nó với các ngôn ngữ liên quan, trong đó có tiếng Mã Lai. Giống với Bình Nguyên Lộc tôi cũng tách cụm từ đó thành ba từ riêng biệt, nhưng khác với Bình Nguyên Lộc, tôi không tách cụm từ đó thành Ka - Ti - Gara, mà thành Kat - Tiga - Ra. Và cũng khác với Bình Nguyên Lộc, trong ba từ của ông có một từ ngoại lai là Ti (Thị), còn trong ba từ của tôi không có bất cứ từ ngoại lai nào, mà là ba từ tiếng Việt cổ, hoàn toàn cổ, đến mức là ngày nay hầu như người ta không hiểu được rõ ràng, vì vậy cần phải diễn giải các từ này một cách chi tiết hơn.
Trước tiên với trường hợp chữ Ra, theo các nhà ngôn ngữ học trong địa danh thuần Việt, dạng ngữ âm Ra có các biến thể la, lô, rào dùng để chỉ các con sông, chẳng hạn sông Hồng cũng mang tên là Lô, một nhánh sông từ Tuyên Quang nhập vào sông Hồng ở Việt Trì cũng mang tên Lô; về ngữ âm la, có sông La ở Hà Tĩnh, suối La ở Quảng Trị; về biến thể Rào, cóRào Quán ở Quảng Trị, Rào Nậy- sông Gianh ở Quảng Bình, Cửa Rào- Nậm Nơn hợp thành sông Cả ở Nghệ An v.v...(Trần Trí Dõi 2008). Bên cạnh các tương đồng và biến đổi trên, chúng ta còn thấy ở Việt Nam và Đông Nam Á, sự biến đổi rất phổ biến giữa bán nguyên âm ya, các nguyên âm kép ia, ea, ai, ay (sông nước) trở thành các dạng có phụ âm đầu như ba, da, đa, tạ, đạ, đà, đái, đak, đáy, pa, trà vẫn để chỉ sông nước, ở miền Bắc có Tạ Khoa, Tạ Pú, sông Đà, sông Đáy; đặc biệt là ở các vùng miền Trung – Tây Nguyên có vô số sông suối mang tên Ia, Ea, Trà, Đạ, Đak như Ia Ly, Ea Hleo, Trà Giang, Trà Bồng, Trà Cú, Đạ Đờng, Đạ Tẻ, Đạ Hoai, Đak Bla, Đak Lak, Đak Krông, v.v.... Cho nên hiện tượng biến âm giữa ia, ea, tạ, đà, lô, la thành ra để chỉ sông nước trong cụm từ cổ Kattigara là điều rất bình thường. Và như vậy hoàn toàn có thể đọc Ra là sông, nước.
Riêng với trường hợp từ Kat nếu bỏ phụ âm cuối [t] còn lại Ka thì đúng là một đặc sản Việt cổ xuất phát từ cuộc sống gắn liền với sông biển. Trong môi trường cư trú của người Việt cổ - một bộ phận của tổ tiên người Malayo-Polynesian - chúng ta thấy có ba từ tạo thành một hệ thống sinh thái nước hoàn chỉnh, đó là Cái để chỉ vũng vịnh ven biển, nơi con người có thể tụ tập thành cộng đồng và sinh sống lâu dài. Vùng biển Quảng Ninh, vịnh Hạ Long và Hải Phòng điển hình cho môi trường này. Ở khu vực này vẫn còn thấy rất nhiều địa danh có từ Cái như Cái Bầu, Cái Lân, Cái Làng, Cái Bèo, v.v... Những vùng này ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán cho nên ít thấy có trường hợp sử dụng từ Hán Việt để mô tả từ này ở khu vực Quảng Ninh, Hạ Long. Nhưng lùi về bờ biển phía đồng bằng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, chúng ta thấy có hàng loạt từ Hải, chắc chắn đã được dùng thay cho từ Cái, đó là Hải trong Hải Phòng, Hải Hậu. Ở Hải Phòng còn thấy một số địa danh cải biến Cái thành 吉Cát hoặc lai giữa Việt và Hán Việt, trong đó có thể từ Cát là tiếng Việt thay cho từ Cái như Cát Bà, hoặc Cát Cụt, Cát Dài nhưng đối với trường hợp Cát Hải thì lại có thể được diễn giải bằng hai từ Hán 吉海, trong khi vẫn tồn tại địa danh Cái, chẳng hạn Cái Tráp huyện Cát Hải. Có lẽ các biến đổi địa danh trên diễn ra muộn, không xa ngày nay là bao nhiêu.
Riêng từ Cửa cũng khá phức tạp, vì từ này được dùng để mô tả các cửa sông chảy ra biển, hoặc cửa sông chảy vào một con sông chính nào đó. Hầu hết các vùng này đều dần dần trở thành thủ đô hoặc các đô thị, các trung tâm quan trọng của vùng, nên khi bị người Hán đô hộ, từ Cửa đã được khoác bằng một hai chiếc áo Hán để ghi bằng các âm tương ứng trong tiếng Hán như 古Cổ (Cổ Loa, Cổ Đô (cạnh ngã ba Hạc Trì), Cổ Lương (Hà Nội), hoặc Khả 可 (Khả Lũ - Cổ Loa; Khả Lạc - Kinh đô của người Dạ Lang cũ nay thuộc Quý Châu, Trung Quốc) chẳng hạn. Như vậy trong hầu hết các trường hợp thì Cổ - Khả là để chỉ một loại trung tâm như Kinh đô, hoặc chính là Kinh đô. Riêng với Kẻ, giống như trường hợp Cái, vì xa các trung tâm đô thị Hán hóa và ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nên nó vẫn tồn tại nguyên vẹn với tư cách là một từ tiếng Việt, cho dù có một hai âm đọc tương ứng khác là Kẽ, Khe, và cũng có thể được viết bằng từ Hán 溪Khê. Đây là những địa điểm tụ cư tại cửa các con sông nhỏ, hoặc cửa các con ngòi, lạch nhỏ chảy vào một vùng nước, hoặc một con sông chính. Vì vậy về cấu trúc phân cấp xã hội phải có một loạt Kẻ phụ thuộc vào một Cửa – Cổ - Khả nào đó.
Trong lịch sử thủy cư Việt thì ba từ trên tương ứng với ba quy mô lớn nhỏ khác nhau. Về mặt nguyên ủy, nếu chỉ sống dựa vào tự nhiên thì Cái có quy mô diện tích lớn nhất, và cũng có thể nuôi chứa được một dân số đông nhất vì nguồn lợi thiên nhiên dồi dào của nó. Tuy nhiên khi nông nghiệp, thủ công nghiệp và đô thị phát triển thì Cửa - Khả - Cổ lại là môi trường thuận lợi nhất để nuôi chứa được một dân số lớn đến mức khó tưởng tượng đối với con mắt của người quen nhìn cuộc sống phụ thuộc vào các nguồn thuần túy tự nhiên. Cuối cùng Kẻ vẫn là quy mô làng thôn theo đúng nghĩa của từ khe, ngòi chỉ đủ nguồn lợi để nuôi chứa được một cộng đồng dân số nhỏ bé. Riêng Kẻ Chợ là một khái niệm phiếm chỉ, có lẽ nó ra đời cùng với lớp thị dân vừa thoát khỏi thân phận nông nô, hoặc nông dân tự do nghèo khổ, là những người sống bên lề của xã hội quan lại, quý tộc phong kiến. Vì vậy Kẻ Chợ không nằm trong hệ thống Cái, Cổ, Kẻ truyền thống Việt, mà lại là một từ có vẻ tiên báo về một giai cấp tiểu tư sản thị dân đang xuất hiện và dần dẫn trở thành chủ đạo, giống như các thành thị Châu Âu thời Cận đại vậy. Tuy nhiên vấn đề ở đây lại không phải là chữ Ka, mà là Kat. Liệu có phải Marinus, Ptolemy và những người trước họ đã viết thừa một phụ âm [t]; nếu họ viết thừa một phụ âm [t] thì khi tách ra sẽ đúng là có ba từ Ka – Tiga - Ra mà thôi. Nhưng theo tôi chắc không có chuyện viết thừa phụ âm [t] ở đây. Tôi đã kiểm tra lại nguyên bản viết tay tiếng Hy Lạp của Ptolemy do thư viện Paris công bố [Ptol. Geograph. l.i.c. 17. Paris, 1546, Lib. i, c. 14.] thì thấy tất cả đều được viết là Καττιγαρα*** với hai phụ âm [t]. Như vậy khi tách cụm từ đó thành ba thì sẽ là Kat – Tiga – Ra, và vấn đề sẽ trở nên khó khăn, rắc rối hơn, vì sẽ không còn là Ka để có thể đọc là Khả, Kẻ, Cổ nữa. Như vậy thì không thể đơn giản bỏ một phụ âm [t] đi để đọc cho thuận được. Chỉ còn cách duy nhất là phải thử đọc chữ Kat đó, và tất nhiên cũng phải đọc nó là một từ tiếng Việt.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ ở quê, bà nội và bà ngoại tôi rất già, không bao giờ gọi Việt Trì, mà chỉ gọi là Vật Trì, dù bà ngoại là người Bạch Hạc. Tại sao các bà lại nhầm lẫn hoặc nói nhịu kiểu đó? Trong thực tế khả năng biến âm giữa [iê] (chẳng hạn từ thiệt) và [â] (chẳng hạn từ thật) của Việt và Vật là thông thường. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì không? Tôi nhớ cạnh Việt Trì, bên huyện Ba Vì, sát kề sông Đà có xã Vật Lại. Và tôi cũng đã từng đọc mấy câu thơ nổi tiếng của sĩ phu Ngô Quang Bích (1832 – 1890) làm quan lâu năm ở xứ Hưng Hóa và gắn bó máu thịt với non nước nơi này; chính vì vậy ông đã có được những vần thơ để đời như hai câu 眾水皆東走,沱江獨北流Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu; vừa mượn hướng chảy của sông Đà để nói về chí khí của mình, vừa nói về kinh đô Phong Châu, nơi hồn thiêng núi sông ngàn năm hội tụ. Vậy thì chắc hẳn chữ Việt trong Việt Trì, được viết Kat là biến/hoán đổi âm của Vật ↔ Quật ↔ Quặt ↔ Kat được dùng để mô tả dòng Hắc Long – sông Đà chảy vật lại, quật lại, quặt lại, quay lại, từ phía tây nam ngược lên phía bắc; dòng Thanh Long – sông Lô từ phía đông lượn sát Việt Trì quành về phía tây bọc lấy Bạch Hạc; còn dòng Xích Long – sông Hồng đón nước Đà giang rồi lượn vòng hẳn về phía đông hợp lưu với Lô giang, trở thành ba con rồng thiêng quần chầu ôm lấy vùng Đất tổ, tạo thành một Đại huyệt đạo Kattigara.
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất trong ba từ trên chính là Tiga, thật không dễ tìm được một từ nào trong vốn tiếng Việt hiện đại tương ứng để suy luận nghĩa của nó. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải tìm đến các ngôn ngữ gần gũi hoặc có quan hệ với tiếng Việt, mà trước hết là các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Malayo-Polynesian. Và ở đây chúng tôi đã tìm thấy một gợi ý rất có ý nghĩa, khi phát hiện ra Tiga chính là số 3 (Ba) trong hệ số đếm của các ngôn ngữ Malayo-Polynesian như dưới đây (AnderbeckK. R.2008):
Malay: Tiga
Indonesian: Tiga
Javanese: Tiga, Telu
Balinese: Tiga, Telu
Sundanese: Tilu
Toraja: Tallu
Tagalog: Tatlo
Acehnese: Lhè
Nhìn bảng trên có thể thấy các ngôn ngữ Balinese, Indonesian, Javanese, và Malay vẫn còn giữa được nguyên vẹn số đếm Ba từ thời cổ đại, trong khi đó các ngôn ngữ còn lại đã có những biến đổi hoặc đôi chút khác biệt, tuy nhiên vẫn có những mối liên hệ ngữ âm rất rõ ràng và có tính quy luật. Bình Nguyên Lộc đã chứng minh rằng người Việt cổ cũng sử dụng hệ số đếm này trong cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Còn bản thân chúng tôi vẫn chủ trương khu vực văn hóa Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long của người Việt cổ là một trong những cội nguồn của người Malayo-Polynesian, nên đương nhiên ngữ hệ Malayo-Polynesian cũng là một cơ tầng ngôn ngữ Việt. Chính vì vậy ở đây chúng tôi không chứng minh lại nữa, mà chỉ xem xét riêng về khả năng biến đổi những từ đa âm tiết trong tiếng Việt cổ thành từ đơn âm tiết sau khi tiếp xúc lâu dài với ngôn ngữ - văn hóa Hán. Một trong vô vàn trường hợp đó chính là từ Tiga đã biến đổi thành một từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại là Ba. Như trên chúng ta đã thấy, bên cạnh Tiga của các ngôn ngữ Indonesian, Javanese, Malay đã xuất hiện phụ âm [l] trong chính các từ số đếm Ba của các ngôn ngữ Javanese, Balinese, Sundanese, Toraja, Tagalog, và Acehnese. Trong tiếng Việt, có thể thấy rất rõ sự biến âm giữa [t] ~ [bl]; đặc biệt là vẫn còn rất nhiều hiện tượng biến đổi trực tiếp [g] → [b] như: gạy → bẩy, gói → buộc, gập → bẻ, gò → bó, gạt →bạt, guá → bụa, gả → bán. Vì vậy trong trường hợp này, quá trình đơn tiết hóa có thể diễn ra như sau: tiga → tiba → tba → ba.
Vậy là chúng ta đã đọc được cụm từ Kattigara, và đến đây thì ai cũng biết là cụm từ ấy có thể diễn giải theo nghĩa đen là Vùng đất Ba sông Cuộn lại, nói theo cách hiện đại là Thành phố Ngã ba sông, Thành phố Việt Trì. Còn trong lịch sử và tiềm thức thì người Việt vẫn coi đó là Kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang, Kinh đô huyền thoại của các vua Hùng, của người Lạc Việt. Như thế có nghĩa là cái đặc trưng lớn nhất của vùng đất linh thiêng này là nơi hợp lưu của ba con sông, và ngay cả đặc trưng 北流bắc lưu của Hắc Long – Đà Giang cũng đã được người xưa ghi nhận trong chính cái tên mà họ đã gọi nó. Tuy nhiên có một số vấn đề cơ bản về ngữ âm học lịch sử, danh pháp học lịch sử liên quan đến những từ cổ để gọi Kinh đô Phong Châu vẫn còn lại ở vùng này, đó là chữ Trì trong cặp từ Việt Trì. Chữ Việt thì mọi người đều có thể dễ dàng đồng ý là về sau người ta có thể dùng từ chữ Hán là 越 Việt trong cái tên quen thuộc Việt Nam. Nhưng còn chữ 池Trì được ghép thành 越池 Việt Trì để giải thích là Ao Việt thì không có nhiều sức thuyết phục so với cả trường ý nghĩa rất sâu sắc gắn liền với Kinh đô Phong Châu huyền thoại của dân tộc. Chúng tôi chỉ tạm thấy yên tâm với chữ Trì khi mạo muội cho rằng đó có thể chính một mảnh ngữ âm còn rớt lại từ quá trình biến đổi nghĩa tiga thành ba, nhưng về phương diện ngữ âm thì lại vẫn lưu giữ một mối liên hệ ngầm theo con đường giữa tiga với ti, tli, để rồi cái mảnh ngọc nhỏ xíu quý báu đó đã ẩn mình sau tấm áo Hán 池 trì (ao);và một lần nữa lại long đong cùng các cố đạo Pháp, khi họ dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt thì ti hoặc tli hoặc âm trì trong tiếng Hán của địa danh này đã chính thức trở thành chữ Trì trong hai chữ Việt Trì, vẫn được giải thích là Ao Việt.
Nhưng vẫn không hết băn khoăn, vì bên cạnh chữ Việt Trì, vẫn còn một chữ quen thuộc khác là Hạc Trì. Vậy thì Hạc là gì? Về phương diện thuần túy danh pháp thì có thể diễn giải Hạc Trì là Ao Hạc, nơi có nhiều hạc, sếu đến kiếm ăn. Trong thực tế có thể có chuyện đó, và đúng là có chuyện đó. Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi người viết bài này còn nhỏ, nhà bên dòng sông Lô, cách Việt Trì không bao xa, vào mùa thu chúng tôi vẫn thấy những đàn sếu, bồ nông chân dài, mỏ dài, sải cánh lớn bay về kiếm ăn bên dòng sông vẫn còn rất êm đềm, vắng vẻ. Vì vậy nếu hình dung khoảng hơn 2000 năm trước, cùng với quá trình biển thoái, cả một vùng đất ngập nước bao la, màu mỡ của Ngã ba sông hiện ra, thì đúng là nơi “đất lành chim đậu”. Bên cạnh đó, có thể còn những khả năng khác để diễn giải chữ 鶴Hạc. Trước hết, trên các trống đồng Lạc Việt có hình khắc chim hạc, sếu. Vì vậy có thể hạc, sếu được sử dụng làm biểu tượng của cư dân Phong Châu nói riêng, làm biểu tượng của người ở nơi cao ráo, ít bị ngập úng, thuộc vùng đồi núi, vùng của mẹ Tiên, người ở trên núi Tiên, mà chữ trên trong tiếng Việt cổ có thể có nguồn gốc từ tlên, tliên, chiền, tiên vẫn còn có thể quan sát được. Ngoài ra cũng còn một cách khác để diễn giải chữ Hạc từ khả năng tương đồng âm giữa chữ Kat và chữ Hạc. Trong tiếng Trung Quốc phổ thông hiện đại, chữ Hạc được phát âm là hứa, khứa, còn những nhóm người khác nhau ở Đài Loan và Quảng Đông thì phát âm là hộc, hạc, hác, khác, khách không xa âm Kat trong tiếng Việt cổ.
Tuy nhiên tích truyện xưa lại lý giải cái tên Bạch Hạc với cây Chiên đàn “cao hàng nghìn nhẫn, tỏa ra một vừng rộng, che rợp như rừng, có đến hàng nghìn dặm, thường có đôi hạc đậu ở trên nên gọi là Bạch Hạc” (Vũ Quỳnh 1993: 95) thì rõ ràng có màu sắc Phật giáo. Trước hết là hình tượng cây Chiên đàn, 栴檀树Chiên đàn thụ - là loại cây quý, màu vàng tro, tỏa hương thơm ngào ngạt, người xưa dùng để tạc tượng Phật. Theo Kinh Tăng nhất A hàm, quyển 28, trong thời gian đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân, vua Ưu Điển (Udayana) không được đảnh lễ Ngài, nên sinh bệnh. Các quan lấy cây Chiên đàn tạc pho tượng Phật cao 5 thước, vua liền khỏi bệnh, và đó chính là pho tượng đầu tiên của Đức Phật tại Ấn Độ. Vì vậy hình tượng cây Chiên đàn tại Bạch Hạc chính là cây Chiên đàn trong tích truyện vua Ưu Điển. Cùng với hình tượng cây Chiên đàn thì hình tượng chim Bạch Hạc cũng chính là biểu tượng của Đức Phật. Kinh Đại Niết Bàn chép rằng khi đức Phật nhập niết bàn tại Sa La viên, cả rừng Sa La rủ bóng che chở Ngài, toàn bộ lá trong rừng đều biến thành màu trắng như ngàn cánh hạc trên kim thân đức Phật. Màu trắng là gốc của các màu thể hiện đức Phật nhập Niết Bàn là quay về với bản nguyên vô thủy, vô chung. Chính vì vậy các khu vườn của tăng đoàn sau này thường được gọi là Hạc lâm. Một phiên bản khác nói rằng khi đức Phật nhập Niết Bàn thì hai cây Sa La bên kim thân Ngài biến thành đôi hạc trắng, nên hai cây Sa La đó còn được gọi là Sa La Song thụ, hoặc có tên gọi khác là cây Hạc trắng. Ngoài ra sách Đại Nhật kinh sớ, quyển 3 còn nói ở Ấn Độ có loại chim Sarasa, giống như chim uyên ương, nhưng lớn hơn đôi chút, tiếng hót rất thanh nhã, loài chim này không có ở Trung Quốc, sách Tuệ Lâm Âm nghĩa dịch là Cộng hành điểu, còn gọi là Bạch Hạc – tượng trưng cho Phật tính.
Vậy là dù có những phiên bản khác nhau, nhưng tất cả các hình tượng trên đều là biểu tượng của đạo Phật, của sự quay về với cái bản nguyên của con người. Tuy nhiên trong trường hợp Bạch Hạc, chắc chắn tác giả của tích truyện còn muốn sử dụng hình tượng của Phật giáo để gửi gắm tâm sự và niềm tin của người dân đất Việt vào nơi gốc tổ, coi đó không chỉ là bản nguyên của mỗi cá nhân, gia đình, mà còn là bản nguyên, là nguồn sức mạnh vô song của cộng đồng, và của cả dân tộc. Đặc biệt là khi đất nước gặp nguy nan như khi kẻ thù phương Bắc xâm lược, hoặc gặp thời tao loạn, người con dân Lạc Việt luôn luôn quay trở về tìm lại nguồn sức mạnh vô tận từ gốc tổ, từ bản nguyên, để hồi sinh, lớn mạnh, và chiến thắng.
Vài lời cuối bài viết
Hai nghìn năm là một quãng đường dài, nhiều hiện thực lịch sử đã trở thành ký ức, nhiều ký ức đã trở thành huyền thoại, và đến lượt mình nhiều huyền thoại đối với nhiều người chỉ còn thuần túy là huyền thoại. Có thể Hạc Thành - Phong Châu không ở trong trường hợp đó, nhưng với nhiều người, thật không dễ để nhìn thấy nó như một hiện thực sống động. Trong bối cảnh đó Kattigara - Kinh đô Ba con sông - Hạc Thành, giống như một cuốn phim, không phải ngẫu nhiên đã được Marinus, Ptolemy và những bộ óc vĩ đại khác của thế giới Hy - La ghi lại như để giành tặng riêng cho người Việt. Không phải ngẫu nhiên, vì chính bản thân Lạc Việt - Phong Châu - Kinh đô Ba con sông - Hạc Thành đã một thời tỏa rạng bên bờ biển Đông. Cái thời đó tưởng đã lùi xa, tưởng đã bị vùi lấp trong thẳm sâu quá khứ, nhưng giống hệt một chân lý, và đó chính là chân lý - những gì là giá trị thực thì sẽ vĩnh viễn tồn tại cùng con người. Kattigara là một chân lý như vậy. Tôi hình dung một ngày không xa Việt Trì - Phong Châu - Hạc Thành sẽ có một công viên, một con đường, một nhà hát, một bảo tàng, một đại học mang lại cái tên đầy âm hưởng xưa: Kattigara của những thế hệ tổ tiên vĩ đại. Ở đó bên cạnh bố rồng, mẹ tiên, các vua Hùng và các tiên hiền Lạc Việt, còn có những bức tượng của Alexandros, Titanus, Marinus, Ptolemy, Columbus, Magellan và nhiều vĩ nhân khác nữa - những con người đã chót bén duyên Lạc Việt. Và tương lai sẽ có những tuyến hải hành quay trở lại con đường cổ, từ Kattigara - Phong Châu - Hạc Thành tỏa đến Alexandria, Châu Phi, Châu Mỹ để tưởng nhớ những bước chân các vĩ nhân xưa trên con đường đi tìm một Kattigara huyền thoại nay đã trở về cùng hiện thực.
_____________________________________
Chú thích của tác giả :
* Với vốn Phạn ngữ nghèo nàn của mình, nhân tiện trò chơi ngôn ngữ của Giáo sư Chakravarti, tôi cũng xin mạo muội vui đùa tạo ra những từ tiếng Phạn dù có thể hơi ngớ ngẩn, nhưng còn gần gũi với Kattigara hơn là hai từ của ông. Chẳng hạn कटी-गिरा (Kattigira) = Bị bổ vỡ-Bị sụp đổ (hú vía! gira chứ không phải là gara - nagara); कोटि-गिरा (Kottigira) = Cường thịnh Sụp đổ (rủi là gira chứ không phải là gara - nagara); कटी-गेरा (Kattigera) = Bị bổ vỡ - Khu vực (may là gera chứ không phải là gara - nagara); còn từ कोटि-गेराKottigera = Khu vực Cường thịnh, thì nghĩa rất hay, nhưng chỉ có điều trớ trêu là cái từ này dường như vừa may (vì Kot = cường thịnh), lại vừa rủi (vì chỉ có Kot chứ không có Kat như trong nguyên văn Kattigara !).
** Về điều này thì Bình Nguyên Lộc đã nhầm lẫn, vì Ptolemy chưa bao giờ đến Kattigara. Còn nếu ông, với tư cách là một nhà địa lý vĩ đại, chuyên đo đạc, tính toán, và xây dựng tọa độ địa lý cho cả địa cầu mà đã đến Kattigara rồi thì hậu thế sẽ không bao giờ phải bận tâm đến việc đi tìm Kattigara như bây giờ nữa.
*** Nguyên văn các đoạn bằng tiếng Hy Lạp của Ptolemy đều có hai phụ âm [t] ở chữ Kattigara được tô đậm như dưới đây:
ΦησιδεΑλεξανδρον αναγράφεταιτηνγλω εντεύθεν εναντιανειναιτη μεσημβρίαν, καιτους πλέονταςπαραιτηνενημεραιςεικοσικαταλαμβανσινπολυΖαβας. ΑποδετωνΖαβωνπροςνοτουδιαπλευσαντας, καιμαλλονειςταευωνυμαημεραςτινας, εκδεχεδαιταΚαττιγαρα. [Ptol. Geograph. l.i.c. 17. Paris, 1546, Lib. i, c. 14.].
Dịch nghĩa:
Tuy nhiên Alexander thông báo rằng vùng đất từ đó choãi về phía bắc của tuyến hải hành; và những người bơi dọc theo bờ biển đó đến thành Zaba mất hai mươi ngày; từ Zaba bơi về phía nam, và cần nhất là sau đó rẽ về bên trái, mất vài ngày thì đến Kattigara.
Tài liệu dẫn
Alphonse,Jean 1904.La Cosmographie, 1544 ff.150r and 151rv, in Georges Musset (ed.), Recueil de Voyages et de Documents pour servir a l'Histoire de la Geographie, XX, Paris, 1904, pp.398 and 401-2.
Anderbeck, Karl Ronald 2008. Malay Dialects of the Batanghari River Basin(Jambi, Sumatra). SIL InternationalLibrary of Congress Catalog.
Bình Nguyên Lộc 1971-2007. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Chương V: Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay. Bách Bộc xuất bản, Sài Gòn 1971. Bản điện tử do talawas thực hiện ngày 13/10/2007.
Bridges R. C. & P. E. H. Hair (eds) 1996. Compassing the Vaste Globe of the Earth, Studies in the History of the Hakluyt Society, London.
Broorstin, Daniel J. 1983. A History of Man's Search to Know His World and Himself. Random House, Inc., United States of America.
Cary,Max 1956. Maes, Qui et Titianus. In The Classical Quarterly, New Series, 6.3/4 (July–October 1956), pp. 130–134.
Caverhill, John 1767. Some Attempts to ascertain the utmost Extent of the Knowledge of the Ancients in the East Indies. In Proceedings of the Royal Society of London; Philosophical Transactions, vol.57, 1767, pp.155-174. Publisher: Royal Society of London.
Chakravarti Adhir K. 1972. Early Sino-Indian Maritime Trade and Fu-Nan, D.C. Sircar (ed.), Early Indian Trade and Industry, Calcutta, University of Calcutta Centre of Advanced Study in Ancient Indian History and Culture, Lectures and Seminars, no.VIII-A, part I, 1972, pp.101-117.
Coote C.H. 1898. Autotype Facsimiles of Three Mappemondes, Aberdeen, 1898.
D'Anville 1810. Sinae - Compendium of Ancient Geography. In The Royal Academy of Inscription and bells lettres at Paris. Translated from the French. Vol. II, London.
Dreyer J.L.E. 1953. A History of Astronomy from Thales to Kepler. 2nd edition. New York: Dover Publications.
Đào Duy Anh 1997. Đất nước Việt Nam qua các đời – Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam. In lần thứ hai, Nxb. Thuận Hóa – Huế. Tp. Huế, Thừa Thiên Huế.
El-Abbadi, Mostafa 1992. Life and fate of the ancient Library of Alexandria (2nd edition). Paris: UNESCO.
ErksineA. 1995. Culture and Power in Ptolemaic Egypt: The Museum and Library of Alexandria. Greece & Rome, 2nd ser., 42(1), 38-48.
Evans, James 1998. The History and Practice of Ancient Astronomy. New York: Oxford University Press.
Foster, William 1946. The Hakluyt Society, a Retrospect 1846–1946. In Edward Lynam (ed.), Richard Hakluyt & his Successors, A Volume issued to commemorate the Centenary of the Hakluyt Society, London, 1946
Griffin, Miriam T. 1976. Seneca: A Philosopher in Politics, Oxford 1976. 34.
Harrisse,Henry 1961. The Discovery of North America, London, 1892 (reprinted Amsterdam, N. Israel, 1961), p.583.
Heath, Thomas 1913. Aristarchus of Samos. Oxford: Clarendon Press, 1913.
Herrmann, Albert 1938.Der Magnus Sinus und Cattigara nach Ptolemaus. Compte-rendu du Congrès international de géographie (Amsterdam), pp. 123-8.
Hirth F. 1885. China and the Roma Orient, Text p. 42, and commentary, pp. 173-178. Shanghai & Hong Kong, 1885.
Institute on the Far East Works 1915. Note II. Extracts from the Geography of Ptolemy. Vol. I. Second Series No. XXXVII. Issued for 1915 by Society Cathay and the Way thither 1915. Liberary of Wellesley College Presented by Institute on the Far East Works, (Ptolemy K. 1915).
Laffan, Michael 2005. Finding Java: Muslim nomenclature of insular Southeast Asia from Śrîvijaya to Snouck Hurgronje. Asia Research Institute, Working Paper Series No. 52. Princeton University.
Lịch Đạo Nguyên (chú), Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh (sớ), Đoàn Hy Trọng (điểm hiệu), Trần Kiều Dịch (phúc hiệu) 2005. Thủy Kinh chú sớ. Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, (Bản tiếng Việt của Nguyễn Bá Mão).
Malleret L. 1951. Les fouilles d’Oc-Eo (1944). Rapport préliminaire, BEFEO 1951, tr. 75-88.
Malleret L. 1962.L’Archéologie du delta du Mékong, Tome Troisiéme, La culture du Fu-nan, Paris, 1962, chap.XXV, “Oc-Èo et Kattigara”, pp.421-54.
McCrindleJ.W. 1885 - 1974. Ancient India as described by Ptolemy, London, Trubner, 1885, New Delhi, Today & Tomorrow's Printers & Publishers, 1974, p.204.
Millares A. Carlo (ed.) 1951. Columbus' letter of credence.In Historia de las Indiaspor Fray BartOlome de las Casas, Mexico, Fondo de Cultura Economica, 1951, Lib.2, cap.iv, pp.219-20.
National Library of Australia 2010. Digital Collections – Maps – A Map of the World 1506.. http//:nla.gov.au/nla.map-f887
Nunn,George E. 1927. The Lost Globe Gores of Johann SchOner, 1523-1524. The Geographical Review, vol.17, no.3, July 1927, pp.476-480.
Nunn,George E. 1932. The Columbus and Magellan Concepts of South American Geography. Glenside, the author, 1932, pp.12-13 & 49-51.
Nunn, George E. 1992. The Three Maplets attributed to Bartholomew Columbus. Imago Mundi, vol.9, 1952, 12-22, p.15
Peillard, Leonce 1984. Antonio Pigafetta, Relation du Premier Voyage autour du Monde par Magellan, Paris, Tallandier.
Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987. Trống Đông Sơn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh 1991.Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp.
Priaulx, Osmond de Beauvoir 1873. Indian Embassies to Rome (J.R.A.S. xix.294) (bound with Apollonius of Tyana), London.
Ptolemy K.1885. Ancient India as described by Ptolemy. Translated by J.W. McCrindle, Publisher: Trübner.
Rawlinson, H. G. 1916. Intercourse between India and the Western World from the Earliest Times to the Fall of Rome. Cambridge : University Press, 1916. — vi, [2], p. 196.
Reinaud M. 1863. Relations Politiques et Commerciales de l’Empire Romain avec l’Asie Oriental. L’hyrcanie, L’Inde, La Bactriane et La Chine p. 184, Paris.
Richthofen, von Ferdinand 1877-1912. China, Ergebnisse eigner Reisen und darauf gegründeter Studien (China: The results of my travels and the studies based thereon, 1877-1912, 5 vols. and atlas).
Riley T. M. 1995. Ptolemy’Use of his Predecessors’ Data. Transactions of the American Philosophical Association 125 (1995) 221 – 225, California State University, Sacramento.
Sarkar H.B. 1981. A geographical introduction to South-East Asia: The Indian perspective. Bijdragen tot de Taal-, Land- en Volkenkunde (hereafter BKI) 137-2/3 (1981): 293-323.
SchilderG. 1976. Australia Unveiled, Amsterdam, Theatrum OrbisTerrarum, p.10.
Schoener,J. 1961. Opusculum Geographicum, Norimberga, [1533], cap.xx; quoted in James R. McClymont The Theory of an Antipodal Southern Continent during the Sixteenth Century, Report of the Fourth Meeting of the Australasian Association for the Advancement of Science, Hobart, January 1892, Hobart, the Association, 1893, p.455; (reprinted Amsterdam, N. Israel, 1961), pp.525-6.
Serrano C. Seco (ed.) 1954-1955.Obras de Martin Fernandez de Navarrete. Madrid, 1954-55, vol.1, pp.223-5.
Smith R.B. 1979. Check list of “Heger type I” Bronze drums from South East Asia. ESA.New York-Kualalumpur.
Sorensen P. 1979. The Ongbah Cave and Its fifth drum. EAS. New York-Kualalumpur.
Suarez, Thomas 1999. Early Mapping of Southeast Asia, Hong Kong, Periplus, 1999, p.92.
Stein R. A. 1907. Ancient Khotan - Detailed Report of Archaeological Explorations in Chinese Turkestan Carried out and Described under the Orders of H.M. Indian Government. Indian Educational Service. Vol.II, Oxford at the Clarendon Press. London, Edinburgh, New York and Toronto.
Stein R. A., A. Herrmann 1940. Das Land der Seide und Tibet im Lichte der Antike, BFEO 1940, No.2, tr. 456-460.
Strabo 1917 - 1932. The Geography of Strabo.Loeb Classical Library, 8 volumes, Greek texts with facing English translation by H. L. Jones: Harvard University Press, 1917 thru 1932.
Tarn, W.W. 1928. Ptolemy II. The Journal of Egyptian Archaeology, 14(3/4), 246-260.
Trần Trí Dõi 2008. Tên gọi của sông Hồng: Dấu tích biểu hiện nét đa dạng văn hóa trong lịch sử người Việt. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba. Hà Nội 4-7 tháng 12 năm 2008.
Trần Văn Giàu 1961. Giai cấp công nhân Việt Nam - Sự hình thành và phát triển của nó từ giai cấp “tự mình„ đến giai cấp “cho mình„. Nxb. Sự thật, Hà Nội.
Trinh Sinh 1988. A comment on the bronze drums dícovered in Thailand. ComparativeThai-Vietnamese Archaeoloy: Culture in Metal Age. Bangkok: 93-102.
Trịnh Sinh 1997. Nhân chiếc trống đồng Đông Sơn mới tìm được ở Triết Giang, Trung Quốc. Tạp chí Khảo cổ học, số 3 năm 1997.
Varela, Consuelo (ed) 1992. LetteraRarissima, Jamaica, 7 July 1503, in Cristobal Colon: Textosy Documentos Completos, Madrid, Alianza Editorial, 1992, p.48.
Vespucci A. 1500 – 1944 - 1999. Amerigo Vespucci to Lorenzo de'Medici, Seville, 18 July 1500; quoted in Frederick J. Pohl, Amerigo Vespucci: Pilot Major, New York, Columbia U.P., 1944, p.77; Early Modern Literary Studies, vol.5, no.2, September 1999.
Vũ Quỳnh 1993. Tân đính Lĩnh Nam Chích quái. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Wade, Geoff 2009. The Polity of Yelang (夜郎) and the Origins of the Name ‘China’. Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, Sino-Platonic Papers, 188 (May 2009).
Wallis,Helen 1992. What Columbus Knew. History Today, vol.42, May 1992, pp.17-23.
Wieder F.C. (ed.) 1925. Monumenta Cartographica, The Hague, Martinus Nijhoff, 1925, Vol.I, pp.1-4, The Globe of Johannes SchOner, 1523-1524, and Plates 1-3.
Yule, H. 1882. Notes on the oldest records of the sea route to China from Western Asia. Proceedings of the Royal Geographical Society IV: 658-9. London.