Người xứ Nghệ

Chân dung Nguyễn Du (KỲ 8)

Minh oan cho Kiều

[Việt Tử]

Đứng trên phương diện văn chương, Đoạn trường tân thanh là một tác phẩm tuyệt bích! Xưa nay không ai chối cãi điều đó, nhưng về phương diện luân lý các cụ đồ nho đã không tiếc lời thoá mạ.

Nguyễn Công Trứ chê bai đời sống dâm bôn của Kiều trong mười lăm năm luân lạc, ám chỉ đến những mối tình Kiều – Sở Khanh, Kiều – Thúc Sinh và Kiều – Từ Hải:

Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa với Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu.
Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế!
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai.
Nghĩ đời mà chán cho đời!


Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chỉ trích Kiều chưa tống táng chồng xong đã ngồi gảy đàn, hầu tiệc rượu nhất là tiệc rượu ăn mừng cuộc chiến thắng đã giết chết chính người chồng anh hùng mà quá tin đó:
 


Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran,
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn.
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng,
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng đốc có thương người mệnh bạc,
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.
Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ,
Hồn có xa nghe thấy tiếng đàn.


Nguyễn Khuyến giữ một thái độ khách quan nhân hậu, rộng lượng bao dung mà cũng không tránh được nụ cười mai mỉa:
 


Kiều nhi giấc mộng thật nực cười,
Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi.
Số kiếp bởi đâu mà lận đận,
Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi.
Cánh hoa vườn Thuý duyên còn bén,
Ngọn nước sông Tiền nợ chẳng xuôi.
Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi,
Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi.


Đến như đối với Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng thì Kiều là đồ bỏ đi, đủ cả ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi. Kiều, theo hai cụ chỉ là con đĩ, không có lý gì mà người Việt sùng bái. Đứng ở quan điểm của các cụ, không những văn chương tuyệt tác không gỡ được tội Kiều lại còn làm tăng thêm di hại. Văn chương hấp dẫn là cái bả càng mầu nhiệm để gieo rắc tội lỗi: "Một cái hộp sơn son thếp vàng, trổ rồng chạm phượng; về mặt mật thiết, rõ là của tốt mà ở trong đựng những vật có chất độc: ai khen cái hộp ấy tốt mặc ai, chớ những người chỉ nó mà nói với công chúng rằng: Trong có chất độc ấy có hại – thật không có chút gì là tàn nhẫn mà khi nào cũng là chính đáng cả".

Những người bênh vực Kiều đã đổ lỗi cho các cụ trên phê bình với thiên kiến không khách quan.

Nguyễn Công Trứ con Đức Ngạn Hầu cũng là dòng dõi cựu thần nhà Lê, sống dưới đời Minh Mạng đa nghi nên không thể "đồng điệu, đồng thuyền" với Nguyễn Du. Vả chưng con người hoài bão phác hoạ điển hình cho thanh niên mai hậu "miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị" lại "phù thế giáo một vài câu thanh nghị" không thể chấp thuận một hạng "trên bộc, trong dâu" vì dù sao Kiều là "cành hoa hạnh cũng đã xuất ngoài tường". Nguyễn Công Trứ không thành công chính vì ông không tự khe khắt với mình (ông 16 vợ và đa tình đến thoả mãn nhục dục ở giữa đồng với cô đầu Thư: "Giang sơn một gánh giữa đồng, Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?") mà lại rất khe khắt với người.

Tuy nhiên trong trường hợp Kiều, Nguyễn Công Trứ đã dùng thể hát nói với giọng tuy chê bai mà vẫn đú đỡn, bỡn cợt chứ không gay gắt.

Cùng giọng mỉa mai nhẹ nhàng bỡn cợt, người ta cảm thấy Tản Đà tìm – và đã thành công – một tứ đặc biệt cho thi ca hơn là chê trách – Tản Đà gay gắt với Hồ Tôn Hiến là khía cạnh khoan dung với Kiều. Hình như nhà thơ núi Tản ôm hoài vọng "bồi" lại bức "dư đồ rách" giễu cợt người con gái vì bản tính đa tình nhưng không thèm chấp nhất.

Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng là hai chiến sĩ tranh đấu cách mạng nên luôn luôn quá khích – câu tuyên ngôn của Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn" cùng với lồng son "Khai trí kiến đức", tờ Nam phong "phun bạc đánh đuổi Đức tặc" là những phương tiện phản bội dân tộc nên lòng nhiệt huyết của hai nhà chí sĩ đã dùng Kiều để sỉ vả con "chim hoạ mi" họ Phạm và dã tâm của thực dân. Cả tràng chữ nguyền rủa, ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi dội lên đầu bất cứ kẻ nào vì danh lợi riêng tư mà coi rẻ giống nòi Việt.

Con người bào chữa cho Kiều nhiều nhất, tha thiết nhất là nhà thơ họ Chu. Theo ông thì Kiều hiếu nghĩa đủ đường "bông hoa hạnh nở ngoài tường chưa để đàn ong qua tới". Kiều đủ tài sắc nên bị gian truân chỉ vì "kiếp hoa không lẩm cẩm" chứ không phải lỗi tại Kiều – Giọng văn họ Chu tha thiết quá, tính chất lãng mạn "cũng nói tình thương người đồng điệu" bộc lộ quá, nên dù ông tuyên bố không ham "phấn hương thừa", dù ông làm cho người ta cảm động sâu sắc nhưng không làm thoả mãn người trên phương diện lý luận chặt chẽ và xác đáng. Bênh vực Kiều, giải oan cho Nguyễn Du cần phải có lý luận chặt chẽ dựa trên bằng chứng xác thực chứ không thể bằng tình cảm chan chứa.

Truyện Kiều rất phổ thông trong dân chúng. Ảnh hưởng Kiều rất lớn đối với dân tộc Việt cho nên minh định một thái độ đối với Kiều, với đời sống nàng Kiều là một điều tối cần thiết. Nhất là từ hơn một thế kỷ nay, tất cả dân tộc ta vừa được ru ngủ bởi truyện Kiều lại vừa rêu rao:
 


Đàn ông chớ đọc Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều,


Đó là một điểm mâu thuẫn trong tâm tình dân tộc Việt – Thiết tưởng đã đến lúc ta nên tìm nguyên nhân sâu sắc trong vô thức quần chúng Việt để làm sáng rõ vấn đề. Hai phe chê khen như trên đã trình bày chưa phe nào có đủ lý lẽ tối hậu.

Nếu ta theo phương pháp Tây phương để định giá trị luân lý một cuốn truyện, ta lại càng do dự. Thật vậy, Tây phương chia tác phẩm ra làm ba hạng: Hạng tác phẩm hoàn toàn phù hợp với luân lý, hạng tác phẩm tương đối phù hợp với luân lý và hạng tác phẩm vô luân.

Trong tác phẩm hoàn toàn phù hợp với luân lý, đường lối tổng quát của tác phẩm hợp với chân, thiện, mỹ gây cho ta một thứ cảm kích. Khi cảm kích đến ngay với ta thì tác phẩm gây được hoà điệu bậc cao, khi cảm kích đến chậm làm ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên, phải cần đến sự phán đoán thì tác phẩm gây hoà điệu bậc thấp. Trong tác phẩm, khi tác giả tả về say mê, tác giả phải chỉ định quyền uy của con người làm chủ hay sự nguy hại khi con người nô lệ cho say mê.

Ở những tác phẩm tương đối phù hợp với chân lý, cảm kích bị gián đoạn hay ngừng trệ để lại một mối tình cảm lờ mờ bất định. Đây là những tác phẩm theo thời thượng, có thành kiến, có tệ xấu.

Tác phẩm vô luân là tác phẩm mơn trớn bản năng tình cảm thấp hèn, tán tụng những tư tưởng hỗn loạn của tâm hồn làm đồi bại luân lý, phá hoại lương luật. Tác phẩm đó làm cho độc giả cảm thấy bất lực, sa ngã, bại hoại về trí thức và luân lý, gây cho ta sự chán chường khô khan hay sự thù hằn phá hoại.

Vậy thì với con mắt Tây phương ta thử phân tích truyện Kiều. Kiều bán mình chuộc cha, bảo Thúc Sinh về nói với Hoạn Thư chịu phận cát đằng, đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ gây cho chúng ta cảm kích hoà điệu bậc cao. Những cảnh khổ của Kiều vừa chớm yêu đương đã bị chia rẽ, gian nan hai lần thanh lâu, hai lần thanh y, 3 lần bị đánh đập tàn nhẫn làm ta xót thương, tiêu cực gây cho ta cảm kích hoà điệu bậc thấp, có thể làm ta vì thương mà quyết tâm theo phải cũng có thể vì gương xấu nêu lên mà ta ghét đời trở thành độc ác gian dối. Đến như những đoạn Mã Giám Sinh so đo để "mở lối động đào" khi Kiều trốn chạy với Sở Khanh rồi về với Tú bà xin chừa trinh bạch, khi Kiều tắm trước mắt Thúc Sinh, Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc, trả ân oán thì hành động có thể dễ dàng thúc đẩy thanh thiếu niên vào tội lỗi.

Cho nên cuốn Kiều nếu được ưu điểm vạch đúng xã hội đủ gian, ngay, tốt, xấu, thì cũng lại là cuốn truyện phức tạp không biết nên liệt vào hạng nào.

Dù sao đó là vấn đề bàn cãi của người trí thức phân tích tỉ mỉ, còn dân chúng thường được thấm nhuần bởi quan niệm phổ thông: Nam nữ thụ thụ bất thân, đã đồng thanh trách Kiều khi còn con gái dám lẻn sang với Kim Trọng. Đời Kiều sau khi đã bị bán đối với quần chúng là đời nô lệ phải làm đủ điều theo người khác nên không còn có gì đáng chê trách. Và người ta vẫn không hiểu tại sao một nhà nho Nguyễn Du dù đa tình đến đâu cũng không thể quên "văn dĩ tải đạo", cũng không thể để Kiều tự do rạch dậu sang thăm Kim Trọng – ngôn tình như Hoa Tiên mà Nguyễn Huy Tự cũng phải đắn đo dùng nhiều thủ đoạn mới cho trai gái gặp nhau. Lương Sinh ngẫu nhiên gặp được Giao Tiên đánh cờ, phải nhờ nữ tì Vân Hương lừa cho Giao Tiên đi dạo ra vườn để tỏ tình. Cuộc chuyện trò cũng chấm dứt ở đó, không đi quá trớn…

Vậy thì tại sao nhà nho Nguyễn Du lại đi một mức vượt quá lễ giáo đến bậc ấy! Và tại sao quần chúng vừa chê trách lại vừa như khoan dung tha thứ? Muốn hiểu cho thấu đáo, ta phải phân tích tâm linh con người Việt – vô thức con người Việt không đơn thuần có hai phần vừa hỗn hợp vừa kèn cựa để bộc lộ tùy trường hợp thắng hay bại – đúng như tính cách thắng bại của Gène trong luật tắc truyền thống của Mendel (caractère dominant et récessif du gène dans la théorie génétique de l’hérédite du moine Mendel): Ý thức hệ Việt và Nho. Ý thức hệ Việt là căn bản nhưng bị ảnh hưởng hàng ngàn năm đô hộ bị ý thức hệ Nho chà đạp nên có lúc bộc lộ, có lúc tiềm ẩn trong tâm não như không vong. Nhà Nho Nguyễn Du sống vào thời đại Quang Trung là thời đại phục hưng Việt nên nhân sinh quan Việt bộc lộ tuy vẫn bị giáo dục Nho giáo kèn cựa. Trong Kiều về vấn đề triết lý đã có một phần lớn quan niệm trời, trả ân trả oán của người Việt. Về vấn đề ái tình cũng thế.

Nhà Nho Nguyễn Du quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân" đã phải nhường bước cho Nguyễn Du bản chất Việt. Thật thế, quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân là đặc biệt của người Trung Quốc. Người Việt từ ngàn xưa vẫn cho phép trai gái được gặp gỡ và hiểu biết nhau – Bà Trưng chỉ cần một lời hiệu triệu mà toàn quốc vâng theo đánh đuổi Tàu, đến khi thành công lại đồng lòng suy tôn lên ngôi quốc chủ là một bằng chứng hùng hồn chứng minh rằng người Việt trọng đàn bà – coi đàn bà là bình đẳng với đàn ông – miễn là có tài – Người đàn bà có thể làm mọi việc dù việc đó đòi hỏi phải giao thiệp với đàn ông.

Tục lệ hiện tồn tại ở những hội hè, còn là bằng chứng nữa. Thật vậy, ở thôn quê, hàng năm cứ vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai, ở những nơi đất cũ như Bắc Ninh, Bắc Giang, trong những ngày ấy, con trai con gái được tự do trò chuyện. Dân làng còn lập ra hát đúm, hành trình quan họ, hát đối để họ thả cửa tỏ lộ trước mọi người những ước vọng thầm kín, cũng như chí khí và tài ba để nhận xét nhau mà thầm trao duyên, gắn bó.

Tục đánh cờ người, tế nữ quan đều là những cơ hội để con gái đi ra khỏi nhà gặp gỡ người bạn lòng. Chính cũng vì lẽ đó mà dân tộc Việt khi gặp gỡ Tây phương đã đồng hoá phong tục cho trai gái tự do giao dịch một cách rất nhanh chóng. Ngày nay ít người Việt còn cố chấp bắt con gái cấm cung – như ở Ấn Độ, Trung Hoa, Mã Lai, v.v. Tuy nhiên ta phải nhận rằng phong tục Việt và phong tục Tây phương có đại đồng tiểu dị. Trai gái Việt gặp gỡ nhau trao đổi tình duyên ở trước mặt mọi người nghĩa là được xã hội bảo chưởng trong sạch. Còn Tây phương theo chủ nghĩa cá nhân nên để cho họ tự do. Đó là nguồn gốc tội lỗi, ở xã hội Tây phương, ta còn tìm thấy bằng chứng cụ thể xác thực hơn ở trên Mường. Các nhà nhân chủng học đã đồng thanh công nhận rằng người Mường là người Việt còn thuần tuý – Sử cũng nhắc lại rằng khi Tần Thủy Hoàng thống nhất xong Trung Quốc, cho Đồ Thư sang đất Giao Chỉ, người Bách Việt chạy lên rừng ẩn náu để kháng chiến. Những người ấy, tức là người Mường vậy. Ở trên Mường chữ quan lang còn nhắc cho ta tổ chức lang với Lạc hầu, Lạc tướng dưới thời Hùng Vương. Vậy thì ta có thể không nhầm lẫn kết luận rằng những tập tục Mường là những tục lệ của người Việt đời Hồng Bàng. Về vấn đề nam nữ ở Mường có chế độ Bộ Mong. Đó là một chế độ đặc biệt cho trai gái tới tuần cập kê được đi lại nói chuyện với nhau, tìm hiểu nhau và khi nào đồng ý thì xin cha mẹ cưới xin. Cha mẹ đợi thời gian thử thách xem mối tình có bền chặt rồi bắt buộc phải làm vừa lòng con trẻ. Điểm đặc biệt của tục lệ này ở chỗ trong khi giao dịch, có khi thời gian rất lâu dài, thanh niên nam nữ phải có đồng bạn chứng kiến. Người con gái có thể đi quá mức bá cổ người con trai, nhưng người con trai nhất thiết phải gìn giữ không được cử động. Sự nghiêm trang đứng đắn phải giữ gìn mãi đến sau đám cưới. Người con trai nào đi quá mức không những sẽ bị từ hôn mà còn phải phạt vạ làng.

Vì những tục lệ ấy tồn tại nên ta có lý do nhận rằng trai gái giao thiệp với nhau như Kiều – Kim, dù trái Nho giáo nhưng không tổn hại đến tục lệ Việt. Nguyễn Du đã dám để cho đôi trẻ tự do vì nhân sinh quan Việt trong vô thức trỗi dậy bộc lộ ra. Và cũng vì vô thức điều khiển cho nên dù lý trí theo Nho giáo kết án, nhưng trong tâm hồn người Việt, ai cũng không cho câu chuyện đó là quan hệ. Đó là một nguyên nhân đã cảm luyến, quyện lấy tâm hồn độc giả. Sức gắn bó còn tăng thêm vì Nguyễn Du dùng văn lục bát là thể thơ thể hiện nhịp điệu của tâm hồn Việt và nhất là vì trong sự giao thiệp của Kim – Kiều, những lời đối thoại mềm mỏng, khéo léo, duyên dáng không kém ca dao. Ta thử trích và so sánh những bài ca dao với đoạn văn đối thoại sau này của Nguyễn Du ta cũng nhận được tất cả sức quyến rũ của truyện Kiều.

Đây là ca dao:
 


Sáng ngày tôi đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
Thưa rằng: Tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
Thưa rằng: "Bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người".
...
Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm chín mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng,
Dù chẳng nên đạo vợ chồng,
Xơi năm ba miếng kêu lòng nhớ thương.
...
Hôm qua tát nước đầu đình,
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà.
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Mua cau thì chọn cau tươi,
Mua trầu chọn lấy hai trăm lá vàng.
...


Và đây là cuộc đối thoại giữa Kim – Kiều:

Kim Trọng:
 


Rằng: "Từ ngày ngẫu nhĩ gặp nhau,
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
Sương mai, tính đã thâu mòn,
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay!
Tháng tròn như gửi cung mây,
Trần trần một phận, ấp cây đã liền!
Tiện đây xin một hai điều,
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?".


Kiều:
 


Ngẩn ngơ nàng mới thưa rằng:
"Thói nhà băng tuyết, chất hằng phi phong.
Dù khi lá thắm, chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Nặng lòng xót liễu vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám theo!".


Đến như cách tả nỗi tương tư trong cảnh đêm trăng thì thiết tưởng Nguyễn Du đã nhập thần những câu ca dao.

Ca dao:
Ngày ngày em đứng em trông,
Trông non, non ngất, trông sông, sông dài,
Trông mây, mây kéo ngang trời,
Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa…
...
Sáng trăng suông vằng vặc cái đêm hôm rằm,
Nửa đêm về sáng, trăng bằng ngọn tre.
Em trót yêu anh cho trọn một bề,
Để anh thấp thoáng ngồi kề bóng trăng.
Cái sự tình này ai thấu cho chăng,
Để anh ngồi tựa bóng ông trăng trăng chịu sầu.
Cái gánh tương tư một dịp đôi ba cầu,
Bắc Nam đôi ngả, chịu sầu đôi ba nơi.
Con chim không chết mệt vì mồi,
Nó kêu réo rắt ghẹo người tình chung,
Hai chút ta vấn vít sợi tơ hồng.
...


Kiều:
 


Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời tới đất, chiêng đà thu không,
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Hải đường lá ngọn đông lân,
Giọt sương chĩu nặng cành xuân la đà.
Một mình lặng ngắm bóng nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.


Vài thí dụ ấy cho ta bằng chứng để kết luận là Nguyễn Du nhà Nho đã quên mình nhiều lần để cho Nguyễn Du thuần Việt tác dụng khi viết Kiều.

Tìm được nguyên nhân ấy ta còn cắt nghĩa được nhiều điều khác trong truyện Kiều. Kiều ở với chồng sung sướng (Thúc Sinh), đủ danh vọng (Từ Hải) mà vẫn tha thiết muốn trở về quê hương, đến nỗi vì lòng khát khao đó mà xui Từ Hải ra hàng là đặc tính Việt.

Kiều dặn Thuý Vân thay Kiều; Kim Trọng ở với Thuý Vân có con mà vẫn không có tình, tình hoàn toàn gửi gắm ở Kiều cũng là đặc tính Việt. Người Việt rất thực tiễn, cần người nối dõi tông đường nên lấy vợ lẽ cho chồng mà không lạt tình yêu chồng. Trong thâm tâm người đàn bà, công việc giữa chồng và vợ lẻ chỉ là thi hành một bổn phận chớ chính người vợ cả mới nắm tình yêu. Thống nhất tam giáo ở bà Đạo cô là tinh thần bao dung rộng rãi của người Việt. Báo ân, báo oán nhãn tiền một cách máy móc cũng là tín ngưỡng của người Việt đã giản dị, thực tế hoá luật nhân quả phiền toái của đạo Phật. Công nhận có một ông Trời nhân tính hoá cầm cân nẩy mực:
 

Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần.


thế mà chính cái ông Trời ấy lại phải do người mới thể hiện được ý chí (có trời mà cũng có ta) cũng đều là quan niệm siêu hình mà rất thực tiễn phổ thông của người Việt. Giải quyết vấn đề mâu thuẫn tài mệnh, vấn đề nghiệp báo bằng cái tâm, cách ăn ở hợp đạo cũng là tín điều thông thường của người Việt. Giải quyết vấn đề mâu thuẫn tài mệnh, vấn đề nghiệp báo bằng cái tâm, cách ăn ở hợp đạo cũng là tín điều thông thường của Việt Nam mà Nguyễn Du đã sử dụng và hệ thống hoá. Đến như nguyên lý đạo đức mà bà sư Tam Hợp đã nói:
 


Sư rằng: Phúc hoạ đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.


là do triết lý vô nguyên đặc biệt của người Việt.

Vậy thì sở dĩ truyện Kiều rung cảm toàn dân chính vì truyện Kiều đã kết tinh cao độ tất cả nhân sinh quan và triết lý của người Việt, đã thu hút tất cả yếu tố hay của Nho, Thích, Đạo – Ngoài giá trị về văn chương ta còn tìm thấy giá trị triết lý cả hình nhi thượng và hình nhi hạ độc đáo của người Việt. Phải là người Việt, đọc hiểu bằng giác quan Việt mới cảm thông hết cái hay của truyện Kiều, mới hiểu được Nguyễn Du và tìm thấy cả giá trị luân lý, cái nền luân lý rộng rãi bao dung độc đáo Việt. Và như thế sẽ chấm dứt tất cả những bàn cãi từ xưa đến nay về giá trị luân lý truyện Kiều.

....................................................
(*): Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm
Nguồn: Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện.



 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441516

Hôm nay

2233

Hôm qua

2283

Tuần này

21420

Tháng này

216690

Tháng qua

112676

Tất cả

114441516