Người xứ Nghệ

Phan Huy Chú qua những điều ghi chép từ gia phả dòng họ Phan

Phan Huy Chú(1), một trí thức lớn của thế kỷ XIX. Với tài năng kiệt xuất trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, sử học… ông đã làm rạng danh cho dòng văn Phan Huy, cũng như các trí thức trong thế kỷ XIX của nước ta. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu về Phan Huy Chú, qua những điều ghi chép từ gia phả dòng họ Phan.

Phan gia công phả cho biết Phan Huy Chú thuộc đời thứ 10 dòng họ Phan, ông từng là "Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam, hiệu Mai Phong, thụy là Minh Hiếu phủ quân. Ông tên húy là Chú, tên chữ là Lâm Khanh, sinh năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1782). Ông là con thứ 3 Dụ Am hầu (Phan Huy Ích), vào khoa Đinh Mão (1807), khoa Kỷ Mão (1819) thời Gia Long ông đi thi đều đậu Tú tài, tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Minh Mạng (1821) ông được bổ Hàn lâm viện Biên tu, rồi làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam, phụng mệnh 2 lần đi sứ phương Bắc, sau đó bị khiển trách, đến năm thứ 15 (1834) được phục hồi làm Tư vụ Bộ Công, vì bị đau chân xin về nghỉ dạy học, sau đó phụng mệnh đi sứ, thăng Thị giảng sung sứ bộ. Tác phẩm của ông có: Bình định quy trang, Hoa thiều ngâm lục, Hoa thiều tục ngâm, Dương trình ký kiến, Lịch triều hiến chương loại chí (4 quyển). Ông mất năm Minh Mạng thứ 21 (1840), thọ 59 tuổi.

Bà vợ là Nguyễn Thị Vũ con gái cụ Thượng thư Nguyễn Thế Lịch người làng Vân Lũng, huyện Từ Liêm. Ông bà sinh được 5 con trai là: Phan Huy Uyên, Phan Huy Chuẩn, Phan Huy Triệt, Phan Huy Hàm, Phan Huy Nhuận, và một người con gái là Phan Thị Cơ.

Phan tộc công phả do Phan Huy Dũng đời thứ 12 trong dòng tộc thuộc chi Tiểu tôn biên soạn đã xếp Phan Huy Chú vào đời thứ 9. Trong phần ghi chép về Phan Huy Chú đã cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về ông: Phan Huy Chú sinh vào mùa đông năm Nhâm Dần (1782), thuở nhỏ ông cùng Ngô Thế Mỹ người La Khê nổi tiếng về tài văn chương, người đời thường xưng tụng là "Sáu La, ba Thầy" bởi vì Ngô Thế Mỹ là người con thứ 6 ở đất La Khê, còn Phan Huy Chú là con thứ 3 của Tiến sĩ Phan Huy Ích ở Sài Sơn (chùa Thầy), hai người cùng sớm nổi tiếng vì tài văn chương.

Phan Huy Chú đã hai lần đi sứ phương Bắc, lần thứ nhất vào năm Minh Mệnh thứ
6 (1825), lần thứ 2 vào năm Minh Mệnh


thứ 12 (1831), sau hai lần đi sứ phương Bắc ông để lại hai tập thơ là Hoa thiều ngâm lụcHoa thiều tục ngâm. Sau hai lần đó ông lại đi công cán ở Giang Lưu Ba (Batavia)(2), trong gia phả nguyên văn ghi là "Tái bị khiển hiệu lực như tây".

Về tính cách của ông được Phan Huy Dũng ghi lại: “công bỉnh tính phương cương kiêm hữu thư tích bất dĩ quyền lợi quan tâm phả vi chúng tật… công ý cái tố đạm ư thế vị vân bình sinh văn chương thậm đa, tích tử tôn bất năng sưu tập, sở tồn vô cơ…”. Nghĩa là: “Ông bản tính cương trực lại rất ham đọc sách, không quan tâm tới danh lợi thường bị bọn người [đố kỵ] ghen gét…. ý ông có lẽ vốn đối với thế vị đạm nhạt, bình sinh sáng tác văn chương rất nhiều, tiếc rằng con cháu không thể sưu tập hết, số [tác phẩm] còn lại không nhiều”.

Qua đánh giá của Phan Huy Dũng chúng ta có thể hình dung được tư chất cùng với những tính cách và bản lĩnh hơn người của Phan Huy Chú.

Trong bài tựa của bộ Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú đã nhắc đến cái chí "lập ngôn" của mình. "Tôi, từ nhỏ đi học vẫn thường có cái chí ấy. May nhờ được sách vở của các đời để lại và sự dạy dỗ của gia đình, nên về điển chương, gọi là có biết qua đầu mối, nhưng hiềm vì sử sách tản mát chưa kịp sửa chép. Từ khi vào núi ở đến giờ mới đóng cửa tạ khách cố sức tìm nhặt, sau khi đọc sách được nhàn rỗi, thì lại tùy từng loại mà khảo xét và đính chính…"

Cái chí "lập ngôn" của Phan Huy Chú đã được nuôi dưỡng hun đúc trong một môi trường tốt lành, đó là môi trường gia đình của dòng họ Phan. Phan Huy Chú có người ông là Tiến sĩ Phan Huy Cận, bố là Tiến sĩ Phan Huy Ích, chú là Tiến sĩ Phan Huy Ôn, bác là Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm. Họ đều là những tác gia nổi tiếng và có tài năng kiệt xuất. Ở đây chúng ta không thể không nhắc tới bà Ngô Thị Thục là mẹ của Phan Huy Chú, đó là một người mẹ vô cùng tận tâm, tận lực với gia đình.

Các cuốn gia phả họ Phan cho chúng ta biết những thế hệ đầu tiên của dòng họ như: vào đời thứ 4, thứ 5, thứ 6 và thứ 7 có các vị như Phan Văn Nguyên, Phan Văn Lan, Phan Văn Kính, Phan Văn Canh, Phan Văn Tĩnh… đã theo nghiệp binh và có nhiều công tích, được triều đình phong tước hầu, tước bá, có vị còn được tấn phong Quận công và là bậc huân thần của đất nước.

Đến đời thứ 8, Tiến sĩ Phan Huy Cận là người đỗ đại khoa đầu tiên, là người mở đầu dòng khoa bảng của họ Phan, sau đó là các thế hệ kế tiếp như: Tiến sĩ Phan Huy Ích, Tiến sĩ Phan Huy Ôn, Tiến sĩ Phan Huy Tùng, và những vị như Phan Huy Sảng, Phan Huy Thự, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, trong đó có Phan Huy Chú, đã nối tiếp truyền thống học tập khoa cử, dù không đỗ Tiến sĩ nhưng đã đỗ vào hàng Cử nhân, Tú tài. Trong số đó nhiều người ra làm quan, tham gia quản lý đất nước, có người trở về quê hương dạy học và trước tác. Phan Huy Chú đã từng về quê vợ ở làng Thanh Mai (Ba Vì, Sơn Tây) dạy học.

Trong dòng họ Phan có nhiều thế hệ hoạt động trên lĩnh vực bang giao, là sứ thần được cử đi phương Bắc, cầm tiết ngọc mang sứ mệnh của nước nhà để đối đãi với nước láng giềng, như người xưa từng có câu: "Không làm khanh tướng thì làm sứ giả". Những vị đó không những đã làm rạng danh cho dòng họ mà còn góp phần đem lại vẻ vang cho đất nước như: Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú… Khi đi sứ trở về, không những hoàn thành sứ mệnh được triều đình giao phó mà các vị đó còn để lại những tập thơ có giá trị trong dòng thơ văn đi sứ như: tập thơ Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, Hoa thiều tạp vịnh của Phan Huy Thực, Hoa thiều ngâm lục, Hoa thiều tục ngâm, Dương trình ký kiến còn có tên khác là Hải trình chí lược của Phan Huy Chú...

Nhiều bài thơ trong tập thơ đi sứ của Phan Huy Chú như: Tân Ninh dạ bạc, Hàng Châu vũ dạ văn chung, Để Trường Sa vãn bạc, Túc Tương Âm, Quá Lư Câu kiều, Nguỵêt dạ ngẫu hoài… đã nói lên cái tình sâu nặng đối với quê hương đất nước của ông. Trong những ngày xa quê, nhớ nước ông đã đem tài văn chương để ứng đối trên đất nước người, "Từ chương dĩ hạnh thiếp Trung Châu" (Từ chương này được nổi tiếng khắp Trung Châu).

Trong bài Bạch tuyết đường vãn hứng ông đã ghi lại nỗi cảm hoài đó:

“Vân lâm đạm đãng, vãn dương tà,

Phiếm phiếm chinh bồng dạng bích ba.

Hồi chữ tố lai, Minh thủy cận,

Kỳ phong lãm biến, Việt sơn đa.

Thụ nghinh khách bái tần dao ảnh,

Điểu tống quy nhiên nhất chuyển ca.

Vọng vọng Nhật Nam tiền bộ cận,

Cố nham y ước mộ thiên hà”.

Nhà thơ Miễn Trai đã dịch như sau:

Mây rừng nhợt nhạt, ánh trời chiều,

Sóng biếc lăn tăn, khách nhẹ chèo.

Nước tiếp sông Minh, dòng ngược mãi,

Non phơi đất Việt, vẻ xinh nhiều.

Cây chào cờ sứ, rung rinh bóng,

Chim tiễn thuyền ai, rộn rã kêu.

Đường tới Nhật Nam gần trước mặt,

Non quê in ráng, mộng hồn theo(3).

Trên lĩnh vực văn hóa, dòng họ Phan đã đóng góp vào kho tàng thư tịch của dân tộc một khối lượng tác phẩm đáng kể như: Dụ Am văn tập, Dụ Am ngâm lục, Lịch triều điển cố, Khoa bảng tiêu kỳ, Liệt huyện đăng khoa khảo, Chỉ Am thi tập, Nghệ An tạp ký, Thần quật ký, Chỉ minh tập thành toán pháp, Tu bổ liệt huyện đăng khoa khảo, Lịch đại điển yếu, Kinh sử toát yếu, Phan gia thế tự lục, Khuê Nhạc thi văn tập, Nhân ảnh vấn đáp, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt dư địa chí, Bình định quy trang, Phan tộc công phả, Phan gia công phả, Chinh phụ ngâm diễn âm khúc, Tỳ bà hành diễn âm khúc, để từ đó tạo nên "Sự hình thành dòng văn Phan Huy ở Sài Sơn"(4)

Trong số những tác phẩm kể ra ở trên, chúng tôi hơn một lần nhắc đến bộ Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú, một nhà bác học biên soạn trong 10 năm. Một bộ sách như một cuốn bách khoa toàn thư của thời phong kiến Việt Nam(5), một bộ sách đã giúp chúng ta hiểu thêm về một trí thức lớn của thế kỷ XIX, một trí thức lớn của nước nhà.
 

Chú thích:

([1]) Phan Huy Chú sinh năm Nhâm Dần 1782 và mất năm Canh Tý 1840.

(2) Giang Lưu Ba là một thương cảng lớn của vùng Đông Nam Á, một căn cứ trọng yếu của Hà Lan từ lâu đã có quan hệ buôn bán với Việt Nam. Thời bấy giờ nhà Nguyễn thường cử các sứ bộ đến các thương cảng và căn cứ của các nước phương Tây ở Đông Nam Á  để tìm hiểu tình hình và mua bán hàng hóa (theo Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, Cahierd' Archipel. 1994 tr.120).

(3) Theo Thơ đi sứ. Nxb. KHXH. H. 1993, tr.377-378.

(4), (5) Xem Về dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn của GS. Phan Huy Lê, trong Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy. Sở văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình 1983./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434733

Hôm nay

24

Hôm qua

2349

Tuần này

21383

Tháng này

211781

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434733