Những góc nhìn Văn hoá

Liệu Dostoevsky còn có thể làm chúng ta choáng váng

NHIỀU người sẽ nói rằng cuốn tiểu thuyết ngắn của Dostoevsky “Bút kí dưới hầm” đánh dấu sự khởi đầu của trào lưu hiện đại chủ nghĩa trong văn học. (Các ứng cử viên khác gồm có: “Cháu ông Remeau” của Didero, tác phẩm được viết trong những năm 1760 nhưng tới những năm 1820 mới được đọc rộng rãi, và dĩ nhiên là “Bà Bovary” của Flaubert từ năm 1856).

 Chắc rằng, những tác phẩm của Nietzsche, lí thuyết về chứng loạn thần kinh chức năng của Freud, “Hóa thân” của Kafka, “Herzog” của Bellow, “Lời phàn nàn của Portnoy” của Philip Roth, có lẽ là cả “Tài xế taxi” của Scorsese và một nửa sự nghiệp của Woody Allen sẽ không thể chia sẻ chung một mối bận tâm nếu vắng đi sự tồn tại của cái tác phẩm khó nhằn, bất định và khó tiếp cận này - lời thú tội tưởng tượng của một Hamlet hiện đại đầy thù hận(1), một cư dân của St. Peterburg, cái thành phố trừu tượng và cố ý nhất này(2) và một người đàn ông không có khả năng hành động cũng như không thể ngừng lại việc tự lăng nhục mình và làm những người khác bối rối(3). Một gã tự cao tự đại, tàn nhẫn, đáng thương, bị tê liệt. Gần đây, khi tôi đọc lại “Bút kí dưới hầm” (bản dịch của Andrew R. MacAndrew cho Signet Classics(4)), tôi đã tự hỏi rằng việc tôi đọc nó lần này có bị khuynh đảo bởi những cuốn sách và những bộ phim chịu ảnh hưởng của cuốn “Bút kí dưới hầm” không. Tôi băn khoăn về việc liệu “Bút kí dưới hầm” có giống như một tiếng vọng mơ hồ, liệu nó còn cái giá trị gây sốc mà tôi vẫn ghi nhớ từ nhiều năm trước hay không. 

Dostoevsky đã bắt tay vào viết tác phẩm này vào năm 1863 và xuất bản nó vào năm sau trên tờ Epoch, tạp chí do anh trai ông, Mikhail, biên tập. “Bút kí dưới hầm” giống như một sự khởi động cho người khổng lồ tới sau, “Tội ác và trừng phạt”, mặc dù, theo những cách thức quan trọng nào đó, đó là một cuốn sách ít thỏa hiệp hơn. Điều mà hai cuốn sách này có chung đặc điểm chính là một anh hùng cô độc, luôn trằn trọc, dễ cáu kỉnh và một sự nhạy cảm với những đường phố và những quán rượu ồn ào, đông đúc của St. Petersburg - một bầu không khí của sự hoang phí bất cẩn, hờ hững, tự bỏ bê, tàn nhẫn, thậm chí ti tiện. Đó là một thành phố hiện đại của những cực hạn. Bản thân Dostoevsky cũng vừa mới trở về từ cảnh lưu đầy và cuộc sống của ông ở St. Peterburg trong thời kì này rất mất tự do và đầy tuyệt vọng.

Bản thân tác phẩm có nội dung là những ghi chép của một viên chức nhà nước hạng trung đã nghỉ việc. Khoản thừa kế của gia đình đã cho phép anh ta có đủ khả năng tài chính để từ bỏ công việc mà anh ta vốn thù ghét. Anh ta tầm bốn mươi tuổi, có một bà giúp việc mà anh ta coi khinh, cùng sống trong một nơi anh ta gọi là “hang chuột”. Trong lời dẫn ở đầu tác phẩm, Dostoevsky giải thích rằng cả nhân vật lẫn “bút kí” của anh ta đều là hư cấu, nhưng nhân vật này đại diện cho một mẫu người Nga nhất định mà xã hội cần phải biết. Người đàn ông ở dưới hầm (nhan đề tiếng Nga nghĩa đen có nghĩa là “bút kí dưới sàn nhà”) kể lại cho một độc giả tưởng tượng, người mà anh ta gọi là “các bạn” hoặc “quý vị” - có thể là một nhóm đại diện cho những người Nga có học, chịu ảnh hưởng của phương Tây. Anh ta luân phiên trêu chọc, xúc phạm và tự hạ mình trước họ. Anh tin rằng họ là những người mê đắm những tư tưởng phương Tây về sự tiến bộ - hệ tư tưởng của chủ nghĩa hữu lợi, chủ nghĩa xã hội, tiến hóa, quan điểm điều tốt đẹp nhất trước hết phải dành cho số đông… Họ cũng say mê chủ nghĩa duy tâm Đức - “cái cao thượng và cái đẹp” trong những trước tác đầy bay bổng của Shiller. Liệu người đàn ông ở dưới hầm có phải là chính Dostoevsky? Không, nhưng anh ta tung ra nhiều tư tưởng và những mối ác cảm của Dostoevsky; cuốn sách chắc chắn là một dẫn nhập thích hợp về một Dostoevsky - gã phản động thân Slavo, con người đã xuất hiện trong những năm cuối đời ông.

Nhưng “Bút kí dưới hầm” là một tác phẩm văn học khôn ngoan, chứ không phải là một tiểu luận: Dostoevsky hẳn đã đặt những tư tưởng của chính ông vào miệng của một gã thông tuệ, nhưng đồng thời hủy hoại anh ta trong hình ảnh của một kẻ nhếch nhác tự hủy hoại bản thân. Tác phẩm, như các học giả có thể nói, là đa giá trị, và mâu thuẫn với chính nó. Điều đó không hoàn toàn có nghĩa là nhiều quan điểm của người đàn ông dưới hầm là sai - chắc chắn Dostoevsky nghĩ rằng nhiều quan điểm trong số đó là đúng đắn, cho dù nó được diễn đạt ồn ào đến đâu chăng nữa - nhưng với tư cách như là của một khối quan điểm thống nhất, chúng không thể tách rời khỏi những ưu và nhược điểm của cá nhân, thậm chí là tình trạng bệnh lí của cá nhân. Chúng ta đều không tránh khỏi sự chủ quan và tự biện hộ - đó là một trong những yếu tố hiện đại trong cuốn sách. Chúng ta cũng hoàn toàn mâu thuẫn. Người đàn ông dưới hầm chế giễu các thính giả của mình, xin lỗi, chỉ trích bản thân, rồi trở nên gây gổ, và rồi lại sụp đổ. Cứ tiếp tục như thế. Anh ta kéo lê tấm thảm dưới chân; anh ta nhận ra bản thân bị đánh bẫy trong nhà tù của chính tính cách của mình. Địa ngục là chính mình. Không ai có thể chịu đựng nổi người đàn ông này trong căn nhà của anh ta nhiều hơn nửa giờ. Anh ta chỉ là một khả hữu của nhiều trạng thái - thú vị, nực cười, dơ dáy - trên trang viết.

Trong phần đầu của cuốn tiểu thuyết, sau khi tự giới thiệu về mình, người đàn ông dưới tầng hầm đã than phiền - theo một cung cách nói rồi ngừng, ngừng rồi lại nói đầy phấn khích - về tòa lâu đài Pha lê đẹp mắt được xây dựng ở London (đây là sự kiện diễn ra trước đó, vào năm 1851). Anh ta nguyền rủa mọi thứ mà tòa nhà đại diện - chủ nghĩa tư bản công nghiệp, tính hợp lí khoa học, và bất kì một loại mô hình toán học nào có tính dự báo về hành vi của con người. Điều gì có thể đương đại hơn? Chúng ta có thể dễ dàng hình dung những điều Dostoevsky sẽ đem lại cho xã hội học, tâm lí học hiện đại, những kĩ thuật quảng cáo, trò chơi chiến tranh, các hình thức thăm dò ý kiến. Điều không ổn ở những kĩ thuật này, dù mục đích của chúng là có tính hoài nghi hay có dụng ý cải thiện, đã được Sartre tuyên bố một cách giản dị vào năm 1945: “Mọi triết học duy vật đều tạo ra con người như một đối tượng, một hòn đá”. Người đàn ông ở dưới hầm nói rằng, trái lại, con người là những thực thể không thể hiểu thấu, không thể biết hết. Nếu thời cơ xảy đến, có khi họ lại phủ nhận chính cái điều quá hiển nhiên rằng hai với hai là bốn. Tại sao lại như vậy? Bởi vì quyền khước từ cái điều hiển nhiên có thể là quan trọng hơn lợi ích của việc thừa nhận nó một cách ngu ngốc.

Những nhà tiên tri về hành vi của con người, như người đàn ông dưới hầm nói, thường giả định rằng chúng ta sẽ hành động theo những lợi ích tốt nhất của bản thân. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thực sự làm như vậy không? Ngày nay câu hỏi tương tự có thể cũng sẽ được đặt ra, khi “lý thuyết lựa chọn-hợp lí” vẫn là mô hình dự đoán của các nhà kinh tế học, xã hội học và nhiều người khác. Khi những người da trắng thuộc tầng lớp lao động bỏ phiếu ủng hộ những chính sách của đảng Cộng hòa mà trong tương lai sẽ làm giảm quyền lực kinh tế của họ - có phải là họ đang bầu cho những lợi ích tốt nhất của họ hay không? Còn những người Tự do [không theo đảng phái nào] giàu có ủng hộ việc đánh thuế cao lên tầng lớp giàu có? Liệu có phải những người đang đưa ra những quyết định tồi tệ cho cuộc đời của họ - kiểu như, những người phụ nữ nghèo có con với những gã không đáng tin cậy - đã hành động cho lợi ích tốt nhất của chính họ? Liệu họ có tính toán được hết? Điều gì sẽ xảy ra nếu lợi ích của chúng ta, như chúng ta phân tích chúng, bao gồm cả việc khước từ những điều người khác trông đợi ở chúng ta? Động cơ này không thể được đo đếm. Ngoài những tiểu thuyết gia như Dostoevsky, người ta không thể biết tới điều đó. Lí trí chỉ là một phần trong tính khí của chúng ta, người đàn ông dưới hầm đã nói vậy. Chủ nghĩa cá nhân như một giá trị bao gồm cả cái quyền giam hãm chính bản thân mình.

Sau khi đem đến cho chúng ta một bài diễn văn huênh hoang, người đàn ông dưới hầm đề cập tới trải nghiệm.  Anh ta quay trở lại mười sáu năm trước. Anh ta hai mươi tư tuổi. Anh ta kể lại một số sự kiện kì lạ trong đời sống xã hội của mình. Trong nhiều năm, anh ta đã nuôi dưỡng một sự oán hận với một sĩ quan, người đã tóm lấy anh và đẩy anh ra khỏi quán rượu. Khoảnh khắc đó chẳng có gì cả, nhưng sự oán giận của anh ta không có giới hạn. Cũng trong năm đó, anh ta là khách không mời mà đến của một bữa tiệc tối được tổ chức bởi những người bạn học cũ; họ là những gã thanh niên đáng khinh, ngu dốt - anh ta ghét tất cả bọn họ - nhưng anh ta vẫn trông đợi sự tôn trọng của họ. Trong sự kiện này, bữa tiệc tối là một thảm họa đối với anh ta; anh ta đã làm một điều ngu ngốc, và anh bị kích động vào lúc tối muộn, qua đêm với một cô gái điếm trong nhà thổ và sau đó nói chuyện với cô ta hàng giờ. Cô ta là một cô gái thông minh, tử tế, bộ dạng tuyệt vọng, và anh ta đã chiếu cố cô, giảng giải cho cô, e ngại cô. Liệu cô sẽ gặp anh tại nhà để dẫn dắt anh vào đời? Anh cần cô gái điếm đó nhiều hơn là cô ta cần anh.

Là một người đa cảm kiểu tư sản, tôi muốn hai người họ cứu lấy nhau, dù thậm chí chỉ trong một vài năm, nhưng nếu tôi muốn điều đó xảy ra, hẳn tôi không thể đọc cuốn sách này cẩn thận như tôi nên đọc. Yếu tố hiện đại trong “Bút kí dưới hầm” là sự hân hoan của Dostoevsky về tính ngang bướng của con người. Chúng ta có thể đọc cuốn sách này như một siêu hư cấu (meta-fiction) về việc tạo ra một tiếng nói, hoặc như một nghiên cứu trường hợp, nhưng chúng ta không thể thoát khỏi việc đọc nó như một lời tố cáo về sự khiếm khuyết của con người được diễn tả mà không hề có một dấu vết nhỏ nào của sự tự mãn. Nếu chúng ta bắt đầu bằng sự xót thương cho người anh hùng của cuốn sách này, anh ta sẽ khiến bạn thất vọng với rất nhiều sự thực về bản chất chung của chúng ta đến mức chúng ta bắt đầu xót thương cho chính mình - cho sự khiếm khuyết của chính mình. “Bút kí dưới hầm” vẫn là một cuốn sách hiện đại; nó vẫn có thể khiến bạn choáng váng.

HÀ NGUYỄN dịch

Nguồn: http://www.newyorker.com/online/blogs/books/2012/06/dostoevsky- notes-from-underground.html#ixzz1xmX4QHxet


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570209

Hôm nay

2245

Hôm qua

2367

Tuần này

22592

Tháng này

228733

Tháng qua

129483

Tất cả

114570209