Những góc nhìn Văn hoá

Hành trình Truyện Kiều từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI [I]

Truyện Kiều có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa và văn học của dân tộc ta. Một nhà văn ở đầu thế kỷ XX đã ví Truyện Kiều như tờ “trước bạ” ( giống như khái niệm “sổ đỏ” hiện nay) để hình dung vai trò của tác phẩm  đối với việc xác định tư cách văn hóa của người Việt, chủ nhân chân chính của giang sơn gấm vóc. Nếu thiếu đi tác phẩm, chân dung văn hóa của dân tộc ta không thể trọn vẹn. Sức sống và sức hấp dẫn to lớn của kiệt tác đối với người Việt Nam đã khiến cho nhiều học giả nước ngoài quan tâm dịch thuật và nghiên cứu Truyện Kiều như một cách tiếp cận hiệu quả tâm lý, tính cách người Việt.

 Danh sách hàng ngàn bài báo, hàng chục công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả và những người yêu mến tác phẩm trong và ngoài nước suốt thế kỷ XX vẫn đang tiếp tục được nối dài trong thế kỷ XXI. Người ta đã và đang tiếp tục đào sâu suy ngẫm về giá trị nhiều mặt của tập đại thành này. Nhân lần xuất bản văn bản Truyện Kiều, xin được tổng kết, giới thiệu những thành quả nghiên cứu phong phú nói trên để tiện cho việc đọc văn bản và thưởng thức tác phẩm.

1. Thời điểm viết và quá trình phổ biến văn bản, vấn đề tầm nguyên văn bản  Truyện Kiều:

Truyện Kiều là thực ra là cách gọi tên đã định hình trong thế kỷ XX tác phẩm của Nguyễn Du. Trong thế kỷ XIX, một số bản Nôm như Liễu Văn Đường (1866, 1871), Duy Minh Thị (1872) khắc là Kim Vân Kiều tân truyện, bản quốc ngữ vào loại sớm nhất do Trương Vĩnh Ký cho in năm 1875 tại Sài Gòn đọc là  Kim Vân Kiều truyện. Bản Nôm do Kiều Oánh Mậu cho  in năm 1902 khắc là Đoạn trường tân thanh. Gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền có nói Đoạn trường tân thanh được khắp nước truyền tụng song chưa xác định được thời điểm viết gia phả nên giá trị thong tin cũng cần cân nhắc. Tiên Phong Mộng Liên đường chủ nhân trong bài tựa cho tác phẩm này (viết trong đời Minh Mệnh) đã nói rõ Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh  ...   Trong lời tựa cho văn bản chữ quốc ngữ Truyện Thúy Kiều xuất bản năm 1925, Trần Trọng Kim nói đại để Phạm Quí Thích đã đổi tên Đoạn trường tân thanh thành Kim Vân Kiều tân truyện.  Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na gần đây đã bác bỏ nhận định này mà cho rằng vì Phạm Qúi Thích đã viết bài thơ  Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm với những từ ngữ có nhắc đến bốn chữ tân thanhđoạn trường nên không thể là người đổi tên tùy tiện như vậy. Nhận định tương tự của Trần Trọng Kim đã được Đào Duy Anh nhắc lại trong sách Khảo luận về Kim Vân Kiều xuất bản tại Huế năm 1943, nhưng  ông lại không đưa tên này vào nhan đề sách nghiên cứu của mình mặc dù chính ông nói cần khôi phục tên gọi Đoạn trường tân thanh. Như vậy giữa việc biết tên tác phẩm Nguyễn Du đặt là Đoạn trường tân thanh với việc gọi tên tác phẩm khác đi theo quan niệm riêng là một sự kiện có thực. Chưa rõ vì sao lại có sự lựa chọn khác nhau trong việc gọi tên như vậy ? Tên gọi Truyện Kiều đã xuất hiện ở những năm hai mươi của thế kỷ XX, lúc đầu là Truyện Thúy Kiều ( Nguyễn Đôn Phục có bài viết  “Văn chương và nhân vật Truyện Thúy Kiều, Nam Phong 1922). Đến năm 1924, đã thấy khá phổ biến cách gọi này rồi: Vũ Đình Long đăng nhiều kỳ chuyên khảo Văn chương Truyện Kiều, bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh cũng gọi tắt là Truyện Kiều ).

Đoạn trường tân thanh nghĩa là gì ? Trần Trọng Kim trong bài viết đã nói ở trên giải thích: “Đoạn trường tân thanh nghĩa là tiếng than khóc mới về nỗi đau lòng”. Cách hiểu này rất phổ biến trong suốt thế kỷ XX. Năm 1999, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na lật lại vấn đề. Ông vạch rõ, “tân thanh” không phải là tiếng kêu hay tiếng nói mới (thanh là danh từ chỉ âm thanh nói chung), đó là tên gọi của một thể viết theo Tân nhạc phủ. Tra Hán ngữ đại từ điển, thấy rõ Tân Nhạc phủ là một thể thơ Nhạc phủ, viết về đề tài mới, về thời sự. “Tân thanh trong nhan đề tác phẩm của Nguyễn Du hàm chứa nhiều nghĩa, chí ít nó cho ta thấy thể loại của tác phẩm, phương pháp sáng tác nhạc điệu của thi phẩm”. Để hiểu hai chữ đoạn trường, ông dẫn ra hai điển khác nhau, một nói về nỗi đau đứt ruột của con vượn mẹ mất con, một kể về kể về nước mắt một người con gái khóc nhớ người yêu , nhỏ xuống chân tường khiến một loài hoa mọc lên, đó là loại hoa thu hải đường vẫn còn được gọi là hoa đoạn trường. Theo ông câu chuyện thứ hai phù hợp hơn vì “đời Kiều là một kiếp hoa đoạn trường bị vùi dập” .   Kết hợp hai từ, tác giả kết luận “ Tên tác phẩm gồm hai yếu tố: yếu tố đầu- đoạn trường mang ý nghĩa chủ đề; yếu tố sau- tân thanh mang tín hiệu về loại hình thể loại[1]

Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Phạm Luận, cũng phát biểu trong năm 1999,  thì không có căn cứ gì để từ khái niệm tân thanh không thuộc Nhạc phủ cổ đề mà suy luận thuật ngữ này tương đương với truyện thơ Việt Nam. Khái niệm tân thanh như là âm nhạc  cũng không thể là nghĩa của tân thanh trong nhan đề tác phẩm Nguyễn Du. Vậy tân thanh vẫn là tiếng mới đứt ruột. Để bảo vệ cho lập luận của mình, ông lại dẫn lời bình luận của chính Mộng Liên đường chủ nhân “lục tắc cựu nhi đoạn trường chi thanh tắc tân dã”- cái lục phong tình thì vẫn là cái lục cũ mà cái tiếng đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy[2]. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, hiểu như truyền thống là tiếng mới đứt ruột vẫn là cách hiểu có cơ sở hơn về nghĩa của Đoạn trường tân thanh.

Tên gọi Truyện Kiều là tên gọi tắt của tác phẩm hiện đã trở nên phổ biến và cái lý của hiện tượng gọi tắt này là ở chỗ tác phẩm kể về cuộc đời chìm nổi của nhân vật chính- Thúy Kiều. Thay vì cái tên Đoạn trường tân thanh  gợi đến thái độ, cảm xúc của tác giả, lấy tên nhân vật chính đặt cho tác phẩm lại có lý vì gợi ngay đến nhân vật. Đây là trường hợp hiếm có của văn học sử Việt Nam: người đọc hậu thế đặt tên lại cho tác phẩm họ yêu thích và được tiếp nhận rộng rãi. Phải chăng hiện tượng tiếp nhận rộng rãi này phản ánh phong cách lấy tên nhân vật đặt cho các truyện cổ tích Việt Nam Thạch Sanh, Tấm Cám, các truyện Nôm Việt Nam với cốt truyện không vay mượn của nước ngoài: Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Lục Vân Tiên v.v... ? 

                                                *****

Thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều hiện nay vẫn còn là vấn đề mở với một số thuyết khác nhau. Trong bài viết “Truyện Kiều được viết cuối đời Lê- đầu đời Tây Sơn” của Lê Thành Lân trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 4 (57) năm 2006, tác giả đã dẫn 31 tài liệu của các nhà nghiên cứu khác nhau. Thư mục cho thấy vấn đề này được nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều giới quan tâm.  Học giả Hoàng Xuân Hãn từ năm 1943 căn cứ vào Đại Nam chính biên thực lục đã cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ khoảng 1814-1820. Lê Thước tin vào thuyết của Đại Nam chính biên [3] .  Nhưng khá nhiều nhà nghiên cứu đã nghi ngờ tính  chính xác của một tài liệu sử học như vậy, kể cả Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh. Trong tài liệu công bố năm 1997, Hoàng Xuân Hãn đã xét lại và khẳng định đó là nhầm , và đưa ra nhận định Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong đời Tây Sơn. Nhưng đó là cũng là ý kiến của Trương Chính: từ năm 1963, trên Tạp chí Văn học, Trương Chính đã nghĩ Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thời gian ở dưới chân núi Hồng, khoảng từ 1796 đến 1801, tức trước khi ra làm quan nhà Nguyễn. Một thuyết khác là thuyết của Đào Duy Anh, học giả này dựa vào lời Nguyễn Văn Thắng  viết trong lời tựa Kim Vân Kiều án rằng quan Đông Các phu diễn Kim Vân Kiều truyện ra quốc âm, kết luận Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều  khoảng từ năm 1805-1809 trong thời gian ông giữ chức quan Đông Các học sĩ (Tạp chí Tri tân, năm 1943). Trở lên trên là các ức thuyết suy luận từ các tài liệu gián tiếp khó xác minh. Một hướng tiếp cận vấn đề mới  là đi tìm mối liên hệ giữa các chữ kiêng húy của văn bản Truyện Kiều để xác định thời điểm sáng tác thiên truyện bất hủ này. Đây là hướng đi khoa học, có thể cho những kết quả khách quan được tiến hành bởi các nhà văn bản học đã dày công khảo sát văn bản Truyện Kiều  là Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và Phó giáo sư Đào Thái Tôn,  căn cứ kết quả khảo sát chữ húy, đã viết :“ Theo Tiến sĩ Ngô Đức Thọ và chúng tôi, có thể phỏng đoán cái khoảng 4 năm 1787- 1790 là cái khoảng cụ Nguyễn Du cơ bản hoàn thành bản phác thảo Truyện Kiều[4].  Đây là hướng đi mới không ít hứa hẹn nhưng thiết nghĩ cũng còn tiếp tục phải giải quyết một số vấn đề chữ Nôm kiêng húy mới khẳng định được. Xin dẫn một ví dụ, theo hai nhà Kiều học, chữ “doanh”  ( tên húy của chúa Trịnh Doanh 1740-1767 ) đã được bản Duy Minh Thị (N4 theo qui ước viết tắt của chúng tôi)  và Liễu Văn Đường (N3) thay bộ mộc bằng bộ thảo (câu 1885- Sớm khuya hầu hạ đài doanh, dấu vết kiêng húy là rõ ràng, nhất là so sánh với bản Kiều Oánh Mậu- N5 khắc đầy đủ 楹). Nhưng chữ “doanh” ở câu 2270-Nam đình nghe động trống chầu đại doanh- các bản Nôm đều viết là 營 (có bản viết giản thể营)  không thấy dấu vết gì của kiêng húy tên Trịnh Doanh nữa. Phải chăng nguyên bản Nguyễn Du viết kiêng húy nhưng sau này, người cho khắc in đã  bỏ kiêng húy đó mà dùng chữ “doanh” như ở câu 2270 ? Thế thì tại sao tác giả phải dùng chữ 楹 là chữ húy Trịnh Doanh  rắc rối, chỉ có nghĩa là “cột, trụ” chứ không có nghĩa  là doanh trại hay nhà ở [5], tức không ăn khớp ngữ cảnh ?   Hay là ý của tác giả muốn phân biệt “doanh”- nhà ở quan lại ở câu 1885 với doanh là doanh trại ở câu 2270 ? Ví dụ thứ hai có thể băn khoăn là chữ 拪 tây ( riêng tây) đã được hai nhà văn bản học xem là kiêng húy Tây Vương Trịnh Kiểm (kiêng húy chữ tây 西). Rõ ràng viết 拪 đã tránh cả âm đọc (âm đọc phải là tay ) và mặt chữ.  Không ai có thể chối cãi được đây là chữ húy và đây là một dẫn liệu chữ húy cực quí giá). Nhưng, để chỉ hướng tây, trong cả 5 bản Nôm chúng tôi chọn để khảo dị cho văn bản Truyện Kiều , đều khắc đúng chữ 西 (có 5 trường hợp như thế ở các câu 51-bóng ngả về tây , 569- đứng tựa hiên tây, 991- vào chốn hiên tây, 1085- trời tây lãng đãng bóng vàng, 2028­—trăng tà về tây). Khả năng đọc chệch âm để kiêng húy chữ này bị loại trừ: trong 5 trường hợp này có đến 4 chữ tây đứng ở vị trí cuối câu, sự hiệp vần cho thấy khó có khả năng đọc khác tây.  Vấn đề khó hiểu mà chúng tôi chưa thể giải đáp được là tại sao những trường hợp này lại không được kiêng húy ?  Một khi vấn đề chữ húy chưa được giải quyết cạn kiệt thì vấn đề thời điểm sáng tác Truyện Kiều lại vẫn còn bỏ ngỏ. Trong một bài viết mới công bố tháng 9 năm 2007, Nguyễn Thế Quang vẫn tỏ ý nghi ngờ tất cả các lập luận khác nhau của giới Kiều học đã nói trên đây, và có ý tin vào thông tin của Đại Nam liệt truyện [6].  Căn cứ lập luận của ông cũng là vẫn suy đoán: lẽ nào một bộ chính sử hàng trăm người làm việc lại chép nhầm ? Nghĩa là tất cả các luận điểm trong vòng hơn nửa thế kỷ qua rút cục vẫn chưa thuyết phục được người đọc về thời điểm viết Truyện Kiều. Chúng tôi cho rằng, việc xác định vấn đề thời điểm viết Truyện Kiều có tầm quan trọng khó lường hết được về mặt khoa học. Giả sử nếu cuối cùng, có đủ chứng lý để khẳng định thời điểm đó là quãng thời gian trước 1790 thì loại phát hiện như vậy có thể làm sụp đổ một loạt các luận điểm của giới nghiên cứu Truyện Kiều trong hàng thế kỷ qua : nào là nhân vật Từ Hải ít nhiều phản ánh người anh hùng Nguyễn Huệ, nào là những điều trông thấy trong “mười năm gió bụi” có vai trò to lớn đối với sự ra đời của Truyện Kiều, nào là Nguyễn Du viết Truyện Kiều để  gửi gắm tâm sự hoài Lê (làm quan cho nhà Nguyễn nhưng vẫn nhớ nhà Lê), nào là Nguyễn Du viết Kiều bằng tiếng Nghệ Tĩnh (nhưng nếu Nguyễn Du sáng tác trước “mười năm gió bụi” thì hẳn là ông sẽ viết với “tiếng”  Thăng Long, thứ tiếng nơi ông đã sinh ra và lớn lên từ nhỏ)...Vì thế, cần khảo sát kĩ lưỡng vấn đề chữ húy hơn nữa để bảo đảm cơ sở khoa học cần thiết.

                                                          *****

Sau khi văn bản tác phẩm hoàn thành là vấn đề phổ biến văn bản. Đoạn trường tân thanh đã có đường đi nước bước như thế nào để đến với độc giả ? Trả lời câu hỏi này luôn là vấn đề song hành với việc tầm nguyên văn bản Truyện Kiều. Bản viết tay của Nguyễn Du liệu có còn không, các bản Nôm sau đó kể cả chép tay lẫn khắc in có trung thành với nguyên cảo không ? Nói tóm lại, câu hỏi là : văn bản Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ hiện nay đã hình thành thế nào, có đúng khớp với văn bản của Nguyễn Du không ? 

Theo nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn, trong bản Đoạn trường tân thanh  khắc in dưới sự khảo đính của Kiều Oánh Mậu năm 1902, lần đầu tiên nói đến khái niệm hai loại văn bản Truyện Kiều đã được lưu hành : bản Kinh và bản Phường[7]. Năm 1925, Trần Trọng Kim viết trong lời tựa cho văn bản quốc ngữ Truyện Thúy Kiều cho hay “Hiện nay tập nguyên văn của tác giả làm ra không tìm thấy nữa, chỉ có hai bản khác nhau ít nhiều, là bản Phường, in ở phố hàng Gai, Hà nội, và bản Kinh của vua Dực-tôn (Tự Đức-TNT) bản triều đã chữa lại”. Theo Trần Trọng Kim, bản Phường có khả năng gần với nguyên tác của Nguyễn Du: “Bản Phường là bản của ông Phạm Quí Thích đem khắc, in ra trước hết cả. Ông hiệu là Lập Trai, người làng Huê - đường, tỉnh Hải-dương, đỗ tiến sĩ về cuối đời Lê, cùng với tác giả là bạn đồng thanh đồng khí, cho nên khi quyển truyện này làm xong, thì tác giả đưa cho ông xem. Chắc cũng có sửa đổi lại một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả. Vậy nên chúng tôi thiết tưởng lấy bản Phường làm cốt, thì có lẽ không sai lầm là mấy”[8] . Trần Trọng Kim đã không miêu tả bản Phường ông dùng là bản nào, song những lời này đã ảnh hưởng đến nhận định của nhiều nhà Kiều học trong thế kỷ XX như Nguyễn Thạch Giang (1972), Đào Duy Anh ( 1979).  Chẳng hạn Nguyễn Thạch Giang đã tin rằng có hai loại bản khác nhau, rồi viết bản Kinh và bản Phường cho đến nay chưa tìm thấy [9] .  Về vấn đề bản Kinh, bản Phường, có thể nói Đào Thái Tôn trong bài viết nói trên, đã trình bày khá kỹ lưỡng và chỉ rõ Phạm Quý Thích không đưa in Truyện Kiều với nghĩa là “bản Phường”- chỉ có bản phường theo nghĩa là những bản đã được khắc in ở phường Hàng Gai mà bản cổ nhất là bản 1871[10] . Tiếp theo, Đào Thái Tôn cũng đã chứng minh khá thuyết phục rằng Tự Đức không in bản Kinh nào. Theo ông, bản Kinh chỉ là bản Kiều chép tay của công tử họ ngoại nhà vua do Đào Nguyên Phổ đã tặng lại Kiều Oánh Mậu vào năm 1898. Vì các lập luận quá dài nên chúng tôi không nêu lại ở đây [11] . Kết luận của Đào Thái Tôn là không nên chờ đợi tìm ra “bản Phường” sớm nhất do Phạm Quý Thích đưa in hay “bản Kinh”  do Tự Đức đưa in mới xác lập văn bản gần nguyên tác.

Nếu Phạm Quý Thích không đưa in Truyện Kiều thì tác phẩm này được in khi nào ? Theo ý kiến của Đào Thái Tôn, căn cứ vào các kết quả khảo cứu khác nhau của chính ông và các học giả khác, thì thời Gia Long và Minh Mệnh không có bản in Truyện Kiều mà cho đến cuối đời Tự Đức mới có bản in tác phẩm này. Bản in sớm nhất hiện nay giới Kiều học có được là bản Kim Vân Kiều tân truyện do nhà Liễu Văn Đường khắc in năm Tự Đức thứ 19, 1866, hiện lưu tại Ban Quản lý di tích Nguyễn Du[12]. Liên tiếp trong khoảng 5 năm trở lại đây, giới Kiều học đã công bố với phần khảo dị các bản Kiều năm 1870, 1871, 1872 cho thấy đúng là cuối đời Tự Đức việc in văn bản Truyện Kiều mới được đẩy mạnh. Cũng trong thế kỷ XIX, năm 1875, tại Sài Gòn, Trương Vĩnh Ký đã cho in văn bản Kim Vân Kiều truyện bằng chữ quốc ngữ đầu tiên (ghi rõ transcrit pour la première fois en quốc ngữ- lần đầu tiên phiên ra chữ quốc ngữ).  Trong không khí đó, không ít học giả hy vọng tìm được một bản Kiều cổ gần với nguyên tác nhất để xác lập một văn bản chuẩn mực cho việc nghiên cứu Truyện Kiều. Hướng khảo sát chữ húy được coi là một hướng đi mới có nhiều hứa hẹn hơn cả. 

Bước sang thế kỷ XX, vẫn tiếp tục có những bản Nôm được in ra phục vụ công chúng cổ học, và tiếp tục xuất hiện các bản Quốc ngữ [13](chúng tôi đã chọn  9 bản Quốc ngữ để khảo dị) có chú giải điển tích, từ ngữ dành cho thế hệ trí thức mới đang ngày càng ít hiểu biết về nền ngữ văn cổ.  Phản ánh tình hình phức tạp về văn bản, cách làm phổ biến của các nhà nghiên cứu là tham khảo các bản Nôm khác nhau để chọn một phương án theo mình là tốt nhất. Lý do lựa chọn, trong một số trường hợp, lại nằm ở suy luận chủ quan của người khảo thích chứ không phân tích câu chữ trong văn bản nên ít giá trị khoa học. Do vậy  các văn bản Truyện Kiều bằng quốc ngữ thường có tình trạng đại đồng tiểu dị- tuy về căn bản thống nhất nhưng cũng có một số khác biệt nhất định về từ ngữ.  Nhưng phải nói ngay là các bản Nôm cũng không tránh khỏi tình trạng đó.  Kết tinh thành tựu chú giải Truyện Kiều, Đào Duy Anh đã biên soạn Từ điển Truyện Kiều và xuất bản vào năm 1974. Hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu để xác định một văn bản gần với nguyên tác hơn cả (tầm nguyên) vẫn đang được giới Kiều học tiếp tục.



[1] Nguyễn Đăng Na .  Đoạn trường tân thanh- một mã khóa vào thế giới nghệ thuật Nguyễn Du. In trong sách Đào Thái Tôn. Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận. NXB Hội nhà văn, 2001.

[2] Xin xem: Phạm Luận. Về hai chữ “Tân thanh” trong nhan đề truyện Đoạn trường tân thanh. Tạp chí Văn học, số 11/1999.

[3] Một sô học giả khẳng định thời điểm  sau khi đi sứ về (tức là sau 1814): Lê Thước Vài mẩu hồi ức về việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, sách Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tr. 417-418; Nguyễn Quảng Tuân  Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú giải, NXB  Văn học- Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1996; bài viết Nguyễn Du đã viết  Truyện Kiều vào thời kỳ nào ?, tr. 23.

[4] Xin xem: Nguyễn Tài Cẩn - Đào Thái Tôn. Sự đóng góp của bản Liễu Văn Đường trong việc tìm ra niên đại Truyện Kiều, Tạp chí Hán Nôm, s.4/2004. Đào Thái Tôn cho in lại trong. Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều (bản Liễu Văn Đường 1871), NXB Khoa học xã hội, 2006, tr. 738.  

[5] 楹 “doanh- sảnh đình đích tiền trụ”( trụ trước của sảnh đường), xem Hán ngữ đại từ điển (phổ cập bản), Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2000.                                                                                                                                                                

[6] Nguyễn Thế Quang, Về các căn cứ để xác định thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, Nghiên cứu văn học, số 9/ 2007.

[7] Đào Thái Tôn. Không có “bản Phường” ( với nghĩa là văn bản Kiều do Phạm Quý Thích đưa in)”, sách Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận. NXB Hội nhà văn, 2001, tr. 19.

[8] Chuyển dẫn theo bản in lần thứ ba Truyện Thúy Kiều ( Đoạn trường tân thanh), Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Sách giáo khoa Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1950, tr.VIII. 

[9] Xem bản in lần thứ 2, Truyện Kiều ( chú thích, chú giải và những tư liệu gốc). Nguyễn Thạch Giang, NXB Văn hóa- Thông tin, 2005, tr. 88. 

[10] Đào Thái Tôn, bài đã dẫn, tr. 42. 

[11] Đào Thái Tôn. “Không có “bản Kinh”Truyện Kiều do vua Tự Đức sửa chữa đưa in, sách Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận.Sđd.

[12] Bản này đã được Nguyễn Khắc Bảo- Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo đính, NXB Nghệ An công bố năm 2004. 

[13] Theo Phạm Đan Quế, tính đến năm 1965 (chưa kể các lần in ở Sài Gòn sau 1954) đã có 71 lần xuất bản Truyện Kiều văn bản quốc ngữ. (nguồn: Phạm Đan Quế, Truyện Kiều đối chiếu, NXB Hải Phòng, 1999, tr. 14.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570211

Hôm nay

2247

Hôm qua

2367

Tuần này

22594

Tháng này

228735

Tháng qua

129483

Tất cả

114570211