Người xứ Nghệ

Hoàng hậu Bạch Ngọc với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

1. Bối cảnh xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XIV đầu XV:

Vào nửa cuối thế kỷ XIV, tình hình chính trị xã hội của triều Trần đã bước vào giai đoạn suy thoái. Các vị vua đã gây dựng nên sự nghiệp hiển hách của đời Trần trên lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế như Thái Tông (1225-1258), Thánh Tông (1258 - 1279), Nhân Tông (1279 - 1283) giờ chỉ còn là những ánh hào quang của lịch sử.

 Quốc gia Đại Việt trải qua một thời gian dài thịnh trị, lại đang bước vào thời kỳ rối ren, bế tắc: chính trị khủng hoảng, kinh tế suy vi, nguy cơ xâm lược của ngoại bang ở hai đầu đất nước lại thường trực. Biểu hiện rõ nhất của tình hình này bắt đầu từ thập kỷ 40 của thế kỷ XIV, giai đoạn trị vì của vua Trần Dụ Tông (1341-1369). Sử sách từng giành cho ông những lời ca tụng: ''Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, phòng bị việc võ, sửa sang việc văn, man di đều thần phục cả''[1]. Nhưng do ham mê hưởng lạc, không chú ý chăm lo công việc quốc gia, cho nên: ''Từ năm Đại Trị (1358) về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy vi''[2].

Vào tháng 6 năm Kỷ Dậu (1369), vua Trần Dụ Tông (1341-1369) từ trần, ở ngôi được 28 năm, thọ 41 tuổi. Dụ Tông đam mê tửu sắc, chơi bời quá độ, mắc bệnh không có con.

Nhân cơ hội triều đình đang khủng hoảng, Dương Nhật Lễ với danh nghĩa con nuôi của anh trai Dụ Tông là Cung túc Đại vương Trần Dục được sự ủng hộ của Hiến từ Hoàng Thái hậu, lên kế vị ngôi vua. Sau khi nắm quyền, Nhật Lễ hàng ngày chỉ ăn chơi sa đọa, không củng cố chính quyền họ Trần, muốn đưa ngôi vương về cho họ Dương. Tôn thất, quý tộc Trần đã tìm cách sát hại Nhật Lễ nhưng không thành. Tháng 9 năm 1369, Thái tể Trần Nguyên Trác và con là Nguyên Tiết mưu giết Nhật Lễ, nhưng bị phát hiện, toàn bộ 18 người tham gia bị Nhật Lễ giết chết.

Vụ biến loạn của Dương Nhật Lễ soán ngôi vua Trần định lập ra triều Dương kéo dài hơn 1 năm (từ tháng 3 năm 1369 đến tháng 10 năm 1370), thì bị tiêu diệt, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự suy yếu của nhà Trần. Sau khi Trần Nghệ Tông lên ngôi năm 1370, ông đã tập trung sức lực để vực dậy lại vị thế của vương triều Trần. Trong vòng 3 năm nắm quyền bính (1370-1372), Nghệ Tông đã thực thi công việc triều chính theo quy mô, thể lệ của vua cha là Trần Minh Tông. Nghệ Tông từng có câu nói nổi tiếng: ''Triều trước dựng nước có pháp độ,không theo chế dộ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều là chủ nước mình, không phải noi nhau''[3]. Các sử gia đánh giá cao công lao phục dựng triều Trần của Nghệ Tông: ''Vua dẹp yên nạn trong nước, khôi phục lại nghiệp lớn, công liệt lớn lao, rực rỡ vũ trụ'', nhưng do thời thế đã ngả nghiêng, một tay ông không thể chống trọi được nên: ''giặc ngoài xâm phạm Kinh kỳ, gian thần ngấp nghé ngôi báu, xã tắc nhà Trần ngày mòn mỏi, rồi đến mất''[4].

Theo chế độ Thượng hoàng triều Trần, Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Duệ Tông kế vị (1373-1377), nhưng vẫn tham gia điều hành việc nước cùng nhà vua. Vì thế, sau khi Duệ Tông bị tử nạn trong khi đi đánh Chiêm Thành năm 1377, chính Nghệ Tông đã đưa con trưởng của Duệ Tông lên là vua Giản Tông Trần Phế đế (1378-1388). Nhưng các vị vua cuối triều Trần đều là những người bất tài, nhu nhược, không khả năng điều hành công việc quốc gia. Sử chép: ''Vua (Dụ Tông) là người ương bướng, tự theo ý mình, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên tai vạ đến mình''[5], ''Vua (Giản Tông) là người nhu hèn, chẳng biết làm gì...''[6], ''Vua (Thuận Tông, con út của Nghệ Tông) chỉ ngồi giữ ngôi không, chính sự do quyền thần làm cả...''[7].

Cho nên, sau mấy lần lập ngôi vua cho em ruột, cháu ruột và thậm chí cả con đẻ, mà không hiệu quả, kết cục Trần Nghệ Tông đã tin cậy giao phó nhiều trọng chức cho Hồ Quý Ly. Việc Nghệ Tông và Hồ Quý Ly cùng điều hành công việc quốc gia, khiến cho tôn thất quý tộc Trần lo lắng, bất bình. Trước khi Trần Nghệ Tông từ trần vào năm 1395, đã căn dặn Hồ Quý Ly: ''Bình chương là người họ thân, công việc trong nước đều giao cho cả. Nay thế nước sung yếu, ta đã già yếu, sau khi ta chết rồi, quan gia đáng giúp thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối thì ngươi tự lấy lấy nước''[8].

Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa quý tộc Trần và Hồ Quý Ly bắt đầu bằng việc Hồ Quý Lý gièm pha với Nghệ Tông truất ngôi vua của Trần Phế đế xuồng làm Linh Đức vương và bị giết vào đầu năm 1389. Sau khi Nghệ Tông chết, với chức Nhập nội phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc Đại vương, Hồ Quý Ly càng chuyên quyền hơn và liên tục sát hại các quý tộc Trần. Ngay sau khi lễ tang của Nghệ Tông kết thúc, Quý Ly đã cho giết người tôn thất là Phủ quân ti Nguyễn Uyên và con thứ của Cung chính vương Sư Hiền là Nguyên Dậu...Hơn nữa, Quý Ly bức cả vua Thuận Tông (1389-1398), là con út (cũng đồng thời là con rể của Quý Ly) và vua Thiếu Đế (1398-1399), cháu ruột của Nghệ Tông (cũng là cháu ngoại của Quý Ly) phải nhường ngôi.     

2. Vài nét về thân thế của Hoàng hậu Bạch Ngọc (Trần Thị Ngọc Hào)

Vua Duệ Tông, tên thật là Trần Kính là người con thứ 11 của vua Minh Tông, em trai của vua Nghệ Tông. Hoàng tử Trần Kính sinh ngày mồng 2 tháng 6 năm Đinh Sửu niên hiệu Khai Hựu thứ 9 (1337). Ngay từ khi mới sinh ra, theo quy chế nhà Trần, các Hoàng tử đều được giáo dục, rèn tập rất kỹ càng, toàn diện, ngoài việc học tập sách kinh điển Nho gia như Tứ thư, Ngũ kinh, họ còn được trang bị thêm kiến thức toàn diện về điều hành quốc gia, quân sự... Vì thế, các Hoàng Thái tử, Hoàng tử triều Trần khi vào độ trưởng thành, đều là những người có một tri thức hiểu biết xã hội rất sâu sắc, thường họ đều có thể giúp đỡ vua cha những khi cần thiết. Khi xảy ra vụ Dương Nhật Lễ tiếm ngôi năm 1369-1370, tôn thất quý tộc Trần đứng đầu là Trần Phủ (vua Nghệ Tông) đã phải trốn chạy lên vùng trấn Đà Giang (Hưng Hóa). Trong thời gian lánh nạn này, Nghệ Tông đã giao cho em trai là Trần Kính phụ trách quân lính khí giới. Trần Kính đã hoàn thành tốt chức trách và lập được những chiến công. Vì vậy sau 3 năm (1370-1372) trông coi triều chính, Nghệ Tông đã đưa Trần Kính lên ngôi vua với niên hiệu là Duệ Tông khi 37 tuổi.

Theo H.Breton, Hoàng hậu Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào là con gái của ông Trần Công Nhu ở Chi La, Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhưng theo các nhà nghiên cứu Việt Nam thì bà là con ông Trần Công Thiện, người làng Tri Bản, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh[9]. Về lai lịch cùng hành trạng của ông Trần Công Nhu hay Trần Công Thiện cho đến hiện tại vẫn chưa xác định được rõ ràng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: vào tháng 9 năm Long Khánh thứ 3 (1375), vua Dụ Tông có ban sách phong con gái của Thái bảo Trần Liêu làm phi[10] . Chúng tôi đã tìm hiểu, song không rõ tiểu sử, sự nghiệp vị đại thần họ Trần này như thế nào? Vì trong thư tịch cổ Việt Nam, chỉ có duy nhất dòng thông tin trên viết về ông. Vậy giữa Trần Liêu và thân phụ của Hoàng hậu Bạch Ngọc có mối quan hệ ra sao? hay phải chăng đó chính là một người? Hy vọng, trong tương lai thông qua việc nghiên cứu sử sách và đặc biệt ghi chép các gia phả họ Trần, có thể giúp chúng ta tìm được quan hệ này và làm sáng tỏ hơn thân thế của Hoàng hậu Bạch Ngọc.

Trần Thị Ngọc Hào sau trở thành Hoàng hậu Bạch Ngọc đã sinh sống trong cung đình triều Trần. Không rõ bà sinh hạ được bao nhiêu người con, nhưng có điều chắc chắn trong số các con của bà đều là nữ. Khi vua Duệ Tông bị chết vào năm 1377, theo chúng tôi suy đoán, có lẽ lúc này Hoàng hậu Bạch Ngọc cũng chỉ khoảng 20 tuổi, vì khi được tuyển chọn vào cung bà ở độ tuổi từ 16-18. Hoàng hậu Bạch Ngọc sinh hoạt trong cung thời gian tuy chỉ ít năm, nhưng với mẫn cảm của mình, phần nào thấu hiểu được nội tình chính sự đương thời và chắc cũng tiên đoán khả năng sẽ xảy ra một cuộc thoán đoạt quyền bính khốc liệt. Vì vậy, bà nhanh chóng đưa gia quyến (trong đó có con gái Trần Thị Ngọc Hiền) cùng gia nhân tùy tòng gồm 170 người trở về vùng quê hương Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khi đó, nơi đây vẫn là rừng núi hoang vu, đất đai còn chưa được khai phá. Trở về quê, bà lập tức bắt tay chỉ huy gia nhân, tùy tòng thực hiện việc khai hoang, phục hóa nhằm tạo ra nguồn lương thực duy trì cuộc sống của hàng trăm con người.

Theo bản gia phả hiện đang được lưu tại chùa Am, thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, bà đã chiêu mộ được nhiều cư dân quanh vùng đến tham gia công cuộc khẩn hoang này. Do vậy, chỉ trong vòng một thời gian không dài, cả vùng đất rộng lớn Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ gồm 3965 mẫu được trở thành một vựa lúa phì nhiêu. Đồng thời, một khu dân cư rộng lớn với nhiều làng xóm đã được hình thành ''trên từ Lâm Thao, Hòa Duyệt (nay thuộc huyện Hương Khê), Thượng Hồng, Hạ Hồng (thuộc huyện Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Đồng và Đồng Công (thuộc phủ Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc huyện Can Lộc) và khai khẩn ruộng đất được 3965 mẫu''[11]. Số lượng dân cư trong vùng khai hoang của Hoàng hậu Bạch Ngọc cũng được tăng lên đáng kể, nếu lúc đầu chỉ có 170 người thì đến khoảng đầu thế kỷ XV, tức là sau hơn 20 năm, số nhân khẩu đã tăng lên hơn 3000 người, gấp gần 18 lần. Bà được dân trong vùng quý mến bởi công lao chỉ huy khai khẩn đất đai, tạo dựng cuộc sống ấm no đầy đủ cho nhiều hộ dân. Bà mất khoảng những năm trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497), hưởng thọ ước chừng hơn 100 tuổi. Sau khi bà từ trần, nhiều làng trong vùng đã tôn thờ bà làm Thành hoàng và tôn xưng là Thánh Mẫu. Các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định) đều có Sắc phong với nhiều mỹ hiệu để cho phép các làng quê ở Đức Thọ hương khói thờ phụng, tôn vinh bà[12].  

3. Những đóng góp của Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc với phong trào chống Minh và khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV

3.1. Tham gia phong trào chống quân Minh

Hồ Quý Ly từ trước khi lên ngôi lập ra triều Hồ (1400-1407), đã tiến hành nhiều cuộc thanh trừng tôn thất, quý tộc, bức ép và sát hại các vua cuối Trần, sau khi nắm được quyền bính lại thực thi nhiều biện pháp, chính sách hạn chế quyền lợi của vương hầu, đại địa chủ. Vì vậy, ngay sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, các quý tộc Trần đã tập hợp lực lượng phản kháng họ Hồ.   

Xuất thân trong một gia đình họ Trần, chắc chắn có những quan hệ thân thiết với dòng dõi quý tộc, sau này lại chính thức trở thành Hoàng hậu của vua Trần Duệ Tông, vì vậy bà Bạch Ngọc luôn có tâm niệm muốn khôi phục vương vị của họ Trần. Hoàng hậu Bạch Ngọc cũng đã đưa một phần lực lượng nông dân đông đảo tham gia và có thể chính bà là một trong những người đã khởi xướng cuộc đấu tranh chống lại triều Hồ tại vùng núi Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh. Tác giả Trương Hữu Quýnh đưa ra nhận định: ''Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, có lẽ bà đã mưu việc nổi dậy với một lực lượng khoảng 3.000 người. Nhưng chẳng may sự việc bị bại lộ, bà buộc phải chuyển quân thành một lực lượng khai hoang''[13].

Sau khi triều Hồ thất bại 1407, nước ta phải rơi vào ách áp bức dã man của giặc Minh. Ngay lập tức, đã bùng nổ một phong trào đấu tranh vũ trang rộng rãi chống Minh trên toàn quốc Đại Việt. Trong đó, có hai cuộc khởi nghĩa lớn nhất do Trần Ngỗi lãnh đạo nổ ra vào cuối tháng 11 năm 1407 và cuộc khởi nghĩa do Trần Quý Khoáng khởi xướng năm 1409. Hai cuộc khởi nghĩa này đều do quý tộc họ Trần đứng đầu, đã tập hợp được lực lượng kháng chiến đông đảo và hoạt động trên một địa bàn rộng lớn tập trung nhất trên vùng miền Trung Đại Việt.

Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng được phát động đầu tiên tại vùng rừng núi Hà Tĩnh. Thư tịch cổ Việt Nam chép: ''Kỷ Sửu, (năm 1409), tháng 3 ngày 17, vua (chỉ Trần Quý Khoáng) lên ngôi ở huyện Chi La, đổi niên hiệu là Trùng Quang...''[14].

Huyện Chi La ở đầu thế kỷ XV chính là huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay. Vùng này tập trung các làng xã được hình thành từ công cuộc khẩn hoang to lớn do Hoàng hậu Bạch Ngọc khởi dựng vào những năm cuối thế kỷ XIV. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Quý Khoáng cùng bộ chỉ huy của ông lại lấy Chi La làm căn cứ dấy quân của cuộc khởi nghĩa. Một điều không thể phủ nhận là cho đến đầu thế kỷ XV, nơi đây vẫn là một vùng rừng núi hoang vu, lúc tiến công dễ dàng giành được yếu tố bất ngờ, khi rút lui có thể ẩn giấu được một lực lượng quân đội lớn. Mặt khác, sau hơn 20 năm khẩn hoang dân cư ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê và một phần huyện Đức Thọ đã có đầy đủ lương thực cho cuộc sống. Số lượng thóc lúa được dự trữ trong các kho lương của Hoàng hậu Bạch Ngọc cũng khá sung túc. Việc bổ sung binh lính cho quân lực lượng khởi nghĩa và cung cấp lương thực cho quân đội từ các làng xã quanh vùng của Hà Tĩnh rất thuận tiện.

Chính quyền của vua Trùng Quang được thành lập với cơ cấu gồm các chức quan: Thái phó Nguyễn Súy, Thái bảo Nguyễn Cảnh Dị, Đồng bình chương sự Đặng Dung, Tư mã Nguyễn Chương... Chính quyền này tồn tại được 5 năm (1409 - 1414), tuy cũng đã lãnh đạo được một số trận chiến, gây nhiều tổn thất và khốn đốn cho quân Minh, nhưng cũng như các cuộc khởi nghĩa cùng thời trước khởi nghĩa Lam Sơn, cuối cùng đều bị thất bại. Nguyên nhân là do: phong trào tuy lan rộng và mãnh liệt nhưng mang nặng tính tự phát, riêng lẻ trong từng địa phương. Phong trào thiếu hẳn bộ phận lãnh đạo kiên quyết và có uy tín, có khả năng huy động và tập hợp lực lượng đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân yêu nước[15].

Như vậy, vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, Hoàng hậu Bạch Ngọc đã chủ động và tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chống quân Minh sôi nổi diễn ra trên vùng đất Hà Tĩnh. Bà đã cùng các gia nhân, nông dân trong vùng khai hoang cung cấp lương thực, bổ sung quân lính và tạo dựng căn cứ khởi nghĩa cho phong trào.

3.2. Tích cực đóng góp cho cuộc  khởi nghĩa Lam Sơn

Khởi nghĩa Lam Sơn là đỉnh cao của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở đầu thế kỷ XV do Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi tổ chức và lãnh đạo nổ ra năm 1418 tại vùng rừng núi Thanh Hóa. Trải qua quá trình đấu tranh kiên trì, gian khổ ''nếm mật, nằm gai'' chừng 10 năm, cuộc chiến tranh yêu nước rộng lớn này đã phát triển rộng rãi trên phạm vi toàn quốc và kết thúc vào năm 1427 bằng thắng lợi vĩ đại, đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù. Nguyễn Trãi đã tự hào viết nên những dòng thơ xúc cảm trong Bình Ngô đại cáo như sau:        

Xã tắc từ đây vững bền,

Giang sơn từ nay đổi mới.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của khởi nghĩa Lam Sơn, nhân dân cả nước chung tay góp sức, từng bước vượt mọi trở ngại ''lúc Linh Sơn lương cạn mấy tuần, khi Khôi huyện quân không còn một lữ'' để tạo nên những chiến thắng. Nhân dân Hà Tĩnh cũng đã đóng góp một phần đáng kể sức người, sức của vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Từ năm 1424, cuộc khởi nghĩa bước vào giai đoạn phản công, bắt đầu bằng một cuộc hành quân chiến lược do Nguyễn Chích vạch ra và được trực tiếp chỉ huy. Con đường hành quân này xuất phát từ vùng núi Thanh Hóa và đi theo thượng đạo vào Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong giai đoạn từ năm 1424 đến 1427, nhiều vùng đất của Hà Tĩnh đã trở thành những căn cứ quân sự và nơi cung cấp lương thực cho cuộc khởi nghĩa. Hiện tại không ít nơi, vẫn hiện diện những thành lũy và di tích quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn trên đất Hà Tĩnh.

Theo thống kê của GS. Phan Huy Lê, có một số di tích tiêu biểu tại Hà Tĩnh: Thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn (nay thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là chỉ huy sở của Lê Lợi trong thời gian hoạt động tại Nghệ An - Hà Tĩnh. Phía Tây bắc, phía Tây núi Thiên Nhẫn hiện tìm thấy dấu vết một hế thống đồn lũy quan trọng...Ngoài ra, còn có núi Phù Lê (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, ngọn đá vôi duy nhất của Hà Tĩnh, mà tên gọi của nó đã là chứng tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã diễn ra tại vùng này[16]... Đặc biệt, GS, Phan Huy Lê cũng nhấn mạnh: Ở Đức Thọ còn di tích một công trình khai hoang tương đối lớn của bà Hoàng hậu Bạch Ngọc vào đầu thế kỷ XV. Khi nghĩa quân tiến vào vùng này, cả trang trại rộng lớn đã nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến[17].

Chúng ta cần lưu ý, tiếp theo sự kiện Nguyễn Chích dẫn đầu cuộc hành quân chiến lược vào Nghệ An - Hà Tĩnh năm 1424, thì quân khởi nghĩa Lam Sơn liên tiếp giành được nhiều trận thắng trên đất Nghệ An, nhất là vùng Hà Tĩnh. Đặc biệt, vào giữa năm 1425, khi mà quân Minh đang bị vây khốn tại Nghệ An, Chủ tướng Lê Lợi đã cử các viên tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị đi gấp đường tắt lấy thành Tây Đô (Thanh Hóa)[18]. Đường tắt mà sử cũ ghi ở đây chính là con đường thượng đạo mà Nguyễn Chích đã từng hành quân qua. Kết hợp giữa ghi chép của quốc sử, bản gia phả chữ Hán được lưu giữ tại chùa Am, Đức Thọ, Hà Tĩnh với tư liệu dân gian mà học giả người Pháp Hipplyte Le Breton sưu tầm tại địa phương vào thập niên 30 thế kỷ XX, cùng các công trình khảo cứu của học giả Việt Nam, chúng ta có thể phục dựng lại cuộc gặp gỡ giữa những viên tướng của Lê Lợi với Hoàng hậu Bạch Ngọc vào những năm 20 của thế kỷ XVI như sau: Trên đường đi đánh thành Tây Đô, các viên tướng đã đi qua vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ. Trong khi đó, cũng có một toán quân Minh đang lẩn lút, được sự chỉ đường của nhóm ngụy quân Ngô Cảnh Cân, đã chiếm cứ một số trang trại, làng xã mới được khẩn hoang của Hoàng hậu Bạch Ngọc. Một trận chiến nổ ra tại đây, được sự giúp đỡ của dân cư quanh vùng, một bộ phận quân ta đã nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ lực lượng giặc Minh cùng với bọn ngụy quân của Ngô Cảnh Cân chiếm đóng tại đây. Vùng khẩn hoang của Hoàng hậu Bạch Ngọc lại trở nên yên bình.

Sau khi trở về, các tướng báo cáo với Lê Lợi về Hoàng hậu Bạch Ngọc và khu vực khẩn hoang rộng lớn tại các huyện của Hà Tĩnh. Lê Lợi được tin vội trực tiếp đến yết kiến Hoàng hậu Bạch Ngọc, sau khi gặp được Trần Thị Ngọc Hiền (tức công chúa Huy Chân), ngỡ ngàng trước sắc đẹp của nàng, Lê Lợi đã cầu hôn và phong cho làm Cung phi. Đồng thời, lệnh quân lính xây điện Phượng Hoàng và điện Ngũ Long làm nơi cư trú cho Hoàng thái hậu Bạch Ngọc và Cung phi Huy Chân. Sau đó, Huy Chân có sinh một người con gái, tên là Lê Ngọc Châu (tức là công chúa Trang Từ). Công chúa Trang Từ sau này lấy Minh Quận công Bùi Ban, con trai Bùi Bị, chưa kịp sinh con thì Bùi Ban bị thương nặng trong trận chiến với giặc Minh và chết tại làng Thổ Hoàng, huyện Hương Khê, được dân làng phụng thờ tại đó.

Hoàng hậu Bạch Ngọc đã nhiệt tình ủng hộ số lương thực dự trữ trong các kho lương của mình. Đồng thời, bà còn cho phép nhiều nông dân, tá điền được tham gia bổ sung vào lực lượng quân khởi nghĩa. Hai người hầu cận thân thiết của Hoàng hậu Bạch Ngọc là Nguyễn Thời Kính và Phạm Quốc Trung cũng được tuyển dụng để phục vụ cho chủ tướng Lê Lợi. Sau này, hai ông sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn lập được chiến công trong quá trình chống giặc Minh.

Sau khi đất nướcvang khúc khải hoàn, tuyên ngôn Bình Ngô đại cáo, Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc xin được tạo dựng hai ngôi chùa Tiên Lữ ở xã Mỹ Xuyên và chùa Am (Diên Quang tự) ở xã Phụng Công đều thuộc Đức Thọ. Cung phi Huy Chân cũng xin về tu tại chùa cùng với mẹ sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào năm 1433. Công chúa Trang Từ sau này cũng về tập trung với Bà ngoại và Mẹ thắp hương thờ Phật tại các ngôi chùa trên.

Tóm lại, Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc đã có nhiều cống hiến đáng kể với phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh ở đầu thế kỷ XV. Đặc biệt, bà tích cực ủng hộ quân lương, cùng nhiều của cải vật chất cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài ra, bà đã trực tiếp chỉ huy con cháu, cùng nhân dân trong các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc khai hoang ruộng đất tạo thành một vùng làng xóm trù phú, dân cư đông đúc với một cuộc sống thanh bình, no đủ. Hậu thế cần ghi nhận những đóng góp xuất sắc của Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc cùng các con cháu của bà đối với lịch sử dân tộc ở thế kỷ XV và với Hà Tĩnh nói riêng./.

 

 

Hà Nội, cuối tháng 7 năm 2012,

Viết tại Quan Nhân thư trai

 



[1] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Nxb.KHXH, 1967, tr.133.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.133.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.158.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.156.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.164.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.173.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.186.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.196.

[9] Nguyễn Hữu Tâm: Thư tịch chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt ghi chép về Hoàng Thái Hậu Bạch Ngọc (Trần Thị Ngọc Hào), vợ vua Trần Duệ Tông và là Nhạc mẫu của Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Bài viêt trong Hội thảo.

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.196.

[11] Lê Như Thủy: Bà Trần Thị Ngọc Hào, vợ vua Trần Duệ Tôn (1373-1377), TC. Tri Tân, số 70, 1942.

[12] Nguyễn Hữu Tâm: Thư tịch chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt ghi chép về Hoàng Thái Hậu Bạch Ngọc (Trần Thị Ngọc Hào), vợ vua Trần Duệ Tông và là Nhạc mẫu của Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Bài viết trong Hội thảo.

[13] Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII. T.1, Nxb.KHXH, H, 1982, tr.179.

[14] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.238.

[15] Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn: Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb.KHXH, H, 1969, tr.79.

[16] Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, In lần thứ hai, Nxb.Thế giới, H, 2011, tr.34-39.

[17] Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, In lần thứ hai, Sđd, tr. 39.

[18] Đại Việt sử ký toàn thư, T.III, Nxb.KHXH, 1972, tr.21.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434899

Hôm nay

2170

Hôm qua

2349

Tuần này

21549

Tháng này

211947

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434899