Vậy, cái tôi là gì?
Từ điển Thesaurus viết: Cái tôi là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình và quan trọng hơn là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài, với các cá nhân khác. Như thế, với tư cách ấy, nó đã tồn tại từ lâu lắm rồi, trước khi John Donne- thi sĩ, nhà huyền học nổi tiếng người Anh- viết trong một bài thơ nổi tiếng: “No man is an island” (Không ai là một hòn đảo cả). Đó là khi xét dưới góc độ triết học, còn khi ta xét cái tôi dưới góc độ nghệ thuật học thì dễ thấy tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm của hoạt động nghệ thuật, là kết quả của cái tôi tác giả được thể hiện một cách nghệ thuật, thông qua các phương thức nghệ thuật trong tác phẩm. Lúc này ta có một dạng thức khác của cái tôi, đó là cái tôi nghệ thuật. Còn cái tôi trữ tình là sự biểu hiện trực tiếp của cái tôi nghệ thuật ấy trong tác phẩm trữ tình, ở đây cụ thể là thơ.
Thêm nữa, cũng trong khi tìm hiểu về cái tôi trữ tình, người viết đã tiếp cận được chuyên luận Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990 của tác giả Lê Lưu Oanh. Chuyên luận đã nêu ra hai cách hiểu khái niệm cái tôi trữ tình như sau:
Thứ nhất, theo nghĩa hẹp, cái tôi trữ tình là hình tượng – cá nhân cụ thể, cái tôi – tác giả - tiểu sử với những nét rất riêng tư, là một loại nhân vật trữ tình đặc biệt khi tác giả miêu tả, kể chuyện, biểu hiện về chính mình.
Thứ hai, theo nghĩa rộng, cái tôi trữ tình là nội dung, đối tượng, phẩm chất, của trữ tình. Quan điểm này hiểu cái tôi trữ tình như một khái niệm phổ quát của trữ tình, phân biệt trữ tình với các thể loại khác [75, tr.13].
Ở đây, chúng tôi hiểu theo cách thứ nhất.
Và bây giờ, ta hãy đến với Cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng.
Có thể nói, trong thi giới Đinh Hùng, cái tôi trữ tình được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Xuất hiện sớm nhất và cần phải được nói đến đầu tiên là cái tôi cô đơn. Có lẽ, sau khi biết “chỉ tay”, nhân loại đã ý thức được sự cô đơn của mình. Bởi nếu như “chỉ tay” được xem là một hành vi triết học vì cho thấy sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể thì sự ý thức về nỗi cô đơn là sự ý thức được sự tồn tại của bản thân mình được đặt trong mối liên hệ với thế giới xung quanh. Bởi nỗi cô đơn làm nảy sinh, thúc đẩy nhu cầu tình cảm để lấp đầy chính nó. Và nỗi sợ về cái chết, thực chất, cũng chỉ là nỗi sợ cô đơn.
Trở lại với Đinh Hùng, như chúng tôi đã viết ở phần trên, ông là người ưa cô đơn, sống khép kín. Cái tư chất của ông vốn dĩ đã thế, lại thêm nhiều cái chết của người thân liên tiếp xảy ra đã đẩy ông vào sâu hơn cái thế giới nội tâm, cái thế giới cô độc của chính mình. Hệ quả là Đinh Hùng trở thành một người hồ nghi:
Phải rồi! Phải rồi! Tôi là người dễ nghi ngờ! Tôi trông vào sương, vào khói mơ hồ mà còn thấy gợn tinh vi từng sắc, từng màu hiển hiện ở đâu những dáng, những hình đậm nét , nào tà áo bướm của giai nhân thường thường phảng phất, nào cặp mắt ai trong vắt nước lưu ly… Tôi trông vào mộng, vào mơ mà còn thấy được ít nhiều sự thực nên lòng được thể mơ sương hoài hoài… Huống chi bây giờ tôi lại trông vào sự thực hẳn hoi ! (Đám ma tôi)
Và càng hồ nghi thì người ta càng cô đơn. Cho nên, dễ hiểu khi Đinh Hùng đã luôn ý thức bản thân mình trong cô đơn và qua nỗi cô đơn. Bởi vậy trong thơ ông tràn ngập sự hiện diện của cái tôi cô đơn, nhất là khi những tác phẩm của ông được viết ra vào cái thời đại của Thơ Mới, thời đại của cái tôi cô đơn. Nhưng liệu trong số những nhà thơ khác đương thời với Đinh Hùng có ai lại cảm thấy lạc lõng, xa cách ngay với cả những người thân trong gia đình mình hay không?
Mẹ của con ơi! khi con còn sống, con đã nói nhiều với mẹ từ độ tuổi thơ, nói những câu truyện vu vơ mà mẹ vui lòng, tuy không để ý. Và mới năm ngoái, năm kia con lại nói gì với mẹ? lời của đứa con hiểu biết có sang tới lòng cảm-xúc của mẹ nữa đâu!
Chị của tôi! Anh của tôi! Những lòng bạn của tôi ơi! Ta sống chẳng làm mấy kẻ thân nhau vì câu chuyện, nay tôi chết đi, không dám nói thêm một nhời xa xôi, chỉ sợ chúng ta càng thêm xa cách! (Đám ma tôi)
Liệu có ai cô độc đến mức tuyệt vọng như thế này không ?
Mười mấy năm nay tôi nói cho những ai nghe? Làm gì có ai chịu nghe tôi nói! Cả bốn xung quanh hờ hững như bức tường câm, cũng không được thấy một lời không gian vọng lại (Đám ma tôi)
Chẳng có thanh âm nào vọng lại vì nỗi cô đơn với Đinh Hùng bấy giờ chẳng khác gì một lỗ đen có khả năng nuốt chửng tất cả và chỉ có sự im lặng của hư vô mới có thể biểu đạt hết được sự khốc liệt. Nó vừa là kẻ thù nhưng đồng thời cũng là một người bạn, vì nó là nơi Đinh Hùng trú ẩn và ở trong nó ông cảm thấy bình an. Đây là một nghịch lý hợp lí. Người ta vẫn chưa quên Francoise Sagan, tác giả của quyển tiểu thuyết nổi tiếng Buồn ơi, chào nhé!, xem nỗi buồn như một người bạn thiết thân thì giờ đây chắc hẳn cũng không lấy làm ngạc nhiên vì một chàng thi sĩ xem nỗi cô đơn như một người bạn tri kỉ. Bởi hơn ai hết, Đinh Hùng hiểu rõ: cô đơn chính là định mệnh của mình và nó không bao giờ phản bội, không bao giờ bỏ ông mà đi. Thế nên ông viết :
Tôi sẽ đi như giấc mộng buồn,
Và đi như vệt nắng cô đơn.
(Gặp em huyền diệu)
Và trong “vệt nắng cô đơn” ấy, những dạng thức khác của cái tôi trong thơ Đinh Hùng sẽ lần lượt hiện ra.
Cũng như nhiều thi sĩ khác, “khi mới nhớn” là khi cái tôi được bộc lộ và khẳng định mạnh mẽ nhất. Bởi khi người ta trẻ, người ta thường hiếu thắng, ngạo mạn và thích chứng tỏ mình. Đinh Hùng cũng không là ngoại lệ:
Nắng thủa đó khiến lòng ta hồi hộp,
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm?
Không khí nặng, mơ hồ thầy với bạn.
Ta nhớn lên, bước đường không giới hạn,
Có lẽ đâu kìm giữ bởi tay người?
Tuổi hoa hồng- kiêu hãnh của ta ơi!
Tình đã hẹn ở trên đường nắng mới.
(Khi mới nhớn)
Thế là Đinh Hùng “ném bút”, “dẫm lên Sầu một buổi”, “xa vở bài”, “mở rộng Sách Ham Mê” rồi “trèo cổng bỏ trường về” và “xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn”. Thế là ông lang thang để thoả mãn cái bản tính nghệ sĩ, để thoả mãn chí tang bồng. Lúc này, giống như Rimbaud, ông cũng đã trở thành một kẻ nổi loạn, một kẻ nổi loạn cô đơn trong khi đi tìm lí tưởng cuộc đời trong một thời đại cô đơn.
Rồi cũng như mọi người, càng cô đơn Đinh Hùng lại càng khát khao được giao cảm với cuộc đời, với mọi người, được lấp đầy những thiếu hụt trong tâm hồn mình. Thế nên, ông đã tưởng ra cái đám ma của chính mình với sự có mặt đông đủ của người thân, bạn bè thăm viếng rồi viết ra những câu đau xót thế này:
Tôi biết mỗi một lòng người đã xây được một nấm mồ kín đáo chôn giữ những ai riêng tây, cho nên dù có kề sát bên nhau làm những nấm mồ cỏ xanh ở chung nghĩa địa cũng chẳng ai thông cảm rõ lòng ai đâu. Nhưng tôi vẫn thiết tha mong được ở giữa nhiều người cách biệt để tôi có cớ riêng tây, chứ riêng tây với một mình thì tôi không muốn. (Đám ma tôi)
Thêm nữa:
Tôi mong một chiều nay hay một chiều mai hay một chiều kia xa nữa, người bạn thương tôi sẽ cô đơn tìm đến viếng mồ tôi, đem theo ít nhiều hoa trắng, và đừng khóc tôi bằng lệ, đừng nói thương tôi bằng lời, vì nước mắt người ta, tiếng nói người ta không phải là riêng của bạn gìn giữ cho tôi; của bạn cho tôi mà rõ riêng tây chỉ là một chút hương lòng mỏng manh, tôi xin tìm ở linh-hồn của hoa cũng được…(Đám ma tôi)
Và may mắn thay khi Đinh Hùng đã tìm được nàng Liên, nàng thơ đích thực của mình. Những xúc cảm bị dồn nén bấy lâu được giải toả. Ông đã yêu tha thiết, yêu đắm say với muốn mong khoả lấp hết những tháng ngày cô đơn đằng đẵng. Để từ đây, cái tôi trữ tình trong thơ ông đã có thêm những dạng thức khác.
Theo lẽ thường, hầu hết những người cô đơn đều rất sợ thời gian. Đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi của họ. Bởi không gì mạnh bằng thời gian: nó có thể làm “xói mòn”, làm “sạt lở” những bước tường thành vững chắc nhất, kể cả tình yêu. Cho nên Xuân Diệu sống vội vàng, cuống quít; cho nên Ronsard khuyên nàng Helen hãy hái lấy đoá hoa hồng của đời người khi đang còn tuổi thanh xuân; cho nên Đỗ Thu Nương đời Đường mới “khuyến quân mạc tích kim lũ y” mà hãy “tích thủ thiếu niên thì”… Còn với Đinh Hùng, khi yêu, ông luôn canh cánh bên lòng nỗi sợ, nỗi ám ảnh về caí vô thường của cuộc đời. Bởi thế mà ông luôn bất an:
Xin Em kết nửa vòng tay,
Con trăng bóng xế nét mày trao nghiêng.
Kề môi chợt thức niềm riêng,
Thiên thu áp má đôi niềm lệ sa.
Đèn vàng lướt bánh xe qua,
Nhìn nhau sao rụng, canh tà như bay.
Xin em một phút cầm tay,
Rồi mai cát bụi, gót giầy hư không.
(Nỗi lòng thu nhỏ)
Thêm nữa:
Nguyệt thẹn hàm răng nét ngọc kiều,
Kề môi nghe biển rộng cô liêu.
(Khuôn ngọc pha sương)
Mắt em mưa xuống kinh thành
Đừng nhìn anh với bóng hình đêm xưa.
Vòng tay để lạnh mùa thu,
Hàng mi xanh bỗng sa mù biển khơi.
Ngậm ngùi dư vị làn môi,
Đừng cho anh nhớ nụ cười trầm hương.
(Ánh mắt giăng mưa)
Buổi ấy, tuy rằng truyện sánh đôi,
Người bên hiên mà tưởng bên trời.
(Sâm thương sầu nhạc)
Hay như:
Mà trong mắt liếc ngờ non ải,
Nhịp thở ân tình cũng bể dâu.
(Gặp nhau lần cuối)
Ta nghe như có tiếng sóng cồn của bể dâu trong từng con chữ. Rõ ràng cái nỗi bất an, cái nỗi ám ảnh ấy chưa bao giờ chịu buông tha cho Đinh Hùng. Chúng hiện diện thường trực, chúng biến chàng thi sĩ thành kẻ «ở không yên ổn, ngồi không vững vàng» ngay trong chính tình yêu của mình. Và chúng cứ trở đi trở lại để nhắc cho Đinh Hùng luôn ý thức rằng: lúc nào cũng có những thiếu hụt mà người ta không thể nào lấp đầy, luôn có những khoảng cách mà người ta không tài nào có thể san lấp được:
Tôi ngủ bâng khuâng một gối buồn,
Giường lênh đênh nổi giữa băng sơn.
Xoay mình, giận mảnh chăn hờ hững,
Tuyết phủ, sương giăng một nửa hồn.
(Chớp bể mưa nguồn)
Giữa đêm lòng bỗng hoang vu,
Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san.
(Vào thu)
Tất cả cũng chỉ vì một nỗi cô đơn.
Thật đúng như nhà thơ đã đoạt giải Nobel Văn học Octavio Paz đã từng viết: Những khổ đau của ái tình đều là nỗi khổ đau của nỗi cô đơn. Giao lưu và cô đơn, khát vọng ái tình, đối lập và bổ sung cho nhau. Và quyền lực cứu thể của nỗi cô đơn đã nhìn thấy rõ cảm quan tội lỗi vừa tối tăm vừa sống động rằng con người tự ‘buông tay mình khỏi tay Thượng đế’. Nỗi cô đơn là một nỗi khổ đau, và nỗi cô đơn này là một bản án đồng thời lại là một sự trừng phạt. Là một sự trừng phạt nhưng đồng thời nó còn là một lời hứa của mục đích cuộc lưu đày của chúng ta. Toàn bộ cuộc đời đã ổn định nhờ phép biện chứng này.” Và ngay cả “sinh và tử đều là những kinh nghiệm của nỗi cô đơn [74, tr.116].
Còn đây là nhận định của Tạ Tỵ, một người bạn rất thân thiết với Đinh Hùng: « Nói đến Đinh Hùng là nói đến cô đơn, là nói đến khát vọng. Nỗi cô đơn và niềm khát vọng đó in hằn trong kích thước thi ca mà Hùng đã dấn thân như người lính cảm tử »[113].
Rồi những lo sợ ấy của chàng thi sĩ trẻ tuổi cũng thành sự thật vì Liên sớm mất đi vì bệnh nan y. Đó là cái chết của “hoa và ánh sáng”, của “nắng và mặt trời”. Nó khiến thi nhân “vĩnh viễn hoài nghi và phủ nhận”. Và nó góp phần không nhỏ trong việc đẩy cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng lên mức độ cùng cực. Quả thật, thế giới thơ Đinh Hùng là thế giới mà những tình cảm, cảm xúc được đẩy lên mức cùng cực, tuyệt đối. Có ai đang yêu, có thi sĩ nào đang yêu mà tôn vinh, tôn thờ người yêu đến mức mất trí như thế này:
Ta run sợ cho yêu là mệnh số,
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.
Vì người em có bao phép nhiệm mầu,
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.
Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc,
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da.
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa,
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.
Ôi cám dỗ! cả mình em băng tuyết,
Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân,
Ta gần em, mê từ ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.
Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo,
Nhưng cuối đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm.
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận.
(Kỳ nữ)
Yêu là thế, tôn thờ người yêu là thế, có ai ngờ chàng thi sĩ si tình đang phủ phục dưới ngai thờ Nữ Sắc kia thoắt cái có thể trở thành một tên bạo chúa hung tàn?
Ta quên hết! Ta sẽ làm Bạo Chúa,
Sống nghìn năm, ngự trị một lòng em.
Cuộc ân tình ghê rợn suốt muôn đêm,
Nào ai tiếc gì thân mỹ nữ!
Tay mỏi ôm sẽ dầy vò nhung lụa.,
Phấn hương nhàu, tan tác áo xiêm bay.
Ta bắt em cười, nói, bắt em say,
Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ…
(Ác mộng)
Có một sự chuyển dịch tâm thế rất thú vị đã xảy ra ở đây và cái tôi trữ tình đã hoàn thành quãng đường đi của nó qua hai đầu thái cực của cảm xúc, tình cảm. Mà thật ra, Em có ngồi trên ngai Nữ Sắc hay không, Anh có là Bạo Chúa hay không thì cũng đâu quan trọng. Bởi vì cái quan trọng ở đây là tình yêu. Đinh Hùng đã tuyệt đối hoá tình yêu; đã hoá thân, đã “dịch chuyển” cái tôi trữ tình để có thể đắm say trong tình yêu từ hai đối cực.
Bên cạnh đó, theo lẽ thường, thi nhân đã yêu đến độ mất trí đến thế thì khi oán giận cũng phải đau đớn, điên cuồng. Thật vậy, ta hãy đọc những câu thơ sau:
Tất cả em đều bắt ta khổ não,
Và oán hờn căm giận tới đau thương,
Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng,
Và khát vọng đến vô tình, vô giác.
Hỡi Kỳ Nữ! Em có lòng tàn ác,
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma!
Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà,
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết.
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết!
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn…
(Kỳ nữ)
Hay:
Ta muốn điên vì khoé miệng em cười,
Ta cuồng dại bởi nghìn câu em nói.
Nhan Sắc ấy chớ nên tàn nhẫn vội,
Tình mất rồi! oán hận đã mênh mông.
Chớ thờ ơ! Ta nổi giận vô cùng,
Nhiều ác mộng hằng len vào trong giấc ngủ.
(Ác mộng)
Có yêu thương và cả căm giận trong cùng một bài thơ. Bởi cái nhìn của Đinh Hùng là cái nhìn lưỡng phân, lưỡng cực. Bởi đó là hai mặt của tình yêu, hai mặt đối lập. Bởi yêu là một quá trình tìm kiếm thực thể, kiếm tìm tình cảm để có thể lấp đầy nỗi cô đơn. Mà lúc này Liên đã mất, Đinh Hùng đau đớn đến đánh mất cả bản thân mình, nên tất yếu trong thơ ông sẽ có sự dung hợp những trạng thái đối lập nhau như thế. Cũng chính ở những câu thơ như thế mà ta thấy ông gần với Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử - hai thi sĩ thuộc Trường thơ Loạn. Cái “individu – thơ” của Đinh Hùng lúc này đã khoác áo và “hoá trang” thành cái tôi điên loạn:
Ta khóc, ta cười
Cho nguyệt cầu rơi,
Ta gọi hồn trời
Trong hang cầm thú.
Than ôi! Than ôi!
Lòng ta man rợ
Không còn xót thương.
Chết đi ta phá Thiên Đường,
Kinh động trái tim Thần Nữ.
Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn Nàng.
Lời ra cửa biển tìm sao rụng,
Rỏ xuống mồ em giọt lệ thương.
(Màu sương linh giác)
Quả đúng như Phạm Việt Tuyền đã nhận xét: “Lòng thương tiếc người yêu đã chết khiến cho thi nhân ‘đem phòng làm cổ mộ’, ‘hằng nghe’ ‘hằng thấy’ ‘hình ma bóng nhớ’ và có những cảm nghĩ điên cuồng, mặc dù lời thơ lúc nào cũng chỉnh tề chững chạc”[109].
Và đỉnh điểm sự điên loạn là ở đây:
Đừng cho thể chất phục hồi,
Đừng cho tôi khóc, tôi cười vì điên!
Giờ lâm chung ảo diệu
Ta cầm giây lương duyên.
Ai soi đời niên thiếu?
Trăng! kìa trăng ảo huyền!
Nghìn năm sầu chưa yên,
Bóng cô nàng yểu điệu
Lướt qua mộ thánh hiền.
Về đâu dáng xe tiên
Khuất sau nhà Thái Miếu?
Cờ hồn phấp phới lên!
Qua xứ ma sầu, ta mất trí,
Thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền!
Trời ơi! Trời ơi! làn tử khí!
Lạc lõng hương thầm đoá Bạch Liên.
(Cầu hồn)
Đó là những câu thơ được tác giả viết ra trong cơn mê sảng. Chúng mang đậm tính thần khải, không thể phân tích bằng tư duy duy lí mà chỉ có thể cảm. Chúng mang nặng cái bi kịch lớn lao của người sinh thành ra mình. Và chúng đã chạm đến cái “chuẩn mực” của chủ nghĩa tượng trưng trong việc mở ra, dẫn người ta đến một thế giới khác- thế giới của cảm giác, của sự ám gợi.
Ở trên, chúng tôi đã cố gắng chỉ ra một số biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng. Và cũng cần nói thêm rằng, cái tôi trữ tình đó chính là một dạng phóng xuất của cái tôi – cá nhân trong mối quan hệ đối lập với cái ta lúc bấy giờ.
Như ta đã biết, sau Cách mạng tháng Tám, hiện thực mới của đất nước, của dân tộc đòi hỏi nhà văn phải chuyển mình để theo kịp bước tiến của lịch sử. Nhất là các nhà Thơ Mới, họ buộc phải rời khỏi cái tháp ngà của mình mà đặt chân xuống đất, bước đi giữa thực tại. Điều này dẫn đến việc nhiều người trong số họ không thể thích nghi kịp, không còn cầm bút hoặc không làm chủ được ngòi bút của mình để viết ra nhiều câu thơ hay như trước nữa.
Trở lại với trường hợp của Đinh Hùng, có lẽ vì cho rằng ông chỉ quẩn quanh trong những lối mòn, chật hẹp của cái tôi – cá nhân mà Giáo sư Hà Minh Đức đã nhận xét thế này:
Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng là những cây bút có tài năng, nhưng nằm trong dòng đục của trào lưu thơ, nên đã không tìm được sự gắn bó với cách mạng và kháng chiến [45, tr. 14].
Nói như thế thì có phần oan cho Đinh Hùng quá. Ta hãy đến với bài thơ Bóng cờ nương tử:
Còn ngát dư hương mùa Đại hội
Ta về nhắn gió bốn phương xa
Có nàng du kích miền duyên hải
Đẹp giữa thao trường như cỏ hoa
…Chợt hiện về bóng cờ nương tử cũ
Ta về mơ chuyện gái Châu Phong
Từ đâu thoảng gió thuỳ dương hát
Nàng đã trao hồn cho núi sông.
Chúng tôi tin rằng bài thơ này sẽ làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi ít ai tin Đinh Hùng cũng có lần đã nhiệt tình hướng ngòi bút của mình vào vùng đề tài mới đã được mở ra sau Cách mạng. Tác phẩm này được Đinh Hùng viết trong Đại hội luyện quân lập công của dân quân du kích Khu III – tại Phù Lưu Tế - Ứng Hoà vào năm 1947, tức là sau Cách mạng tháng Tám. Nó cho thấy Đinh Hùng không xa rời cuộc kháng chiến như nhiều người lâu nay vẫn lầm tưởng. Có thể xem đây là một thể nghiệm mới, một sự cố gắng rất đáng khen của Đinh Hùng khi hướng ngòi bút từ địa hạt của cái tôi – cá nhân sang cái ta. Và it nhiều thì ông đã thành công. Tuy nhiên, số lượng những bài thơ như thế lại rất ít ỏi. Theo chúng tôi, việc caí ta hầu như luôn vắng mặt trong thơ Đinh Hùng là do những nguyên nhân sau:
Nguyên nhân đầu tiên, theo người viết, chính là do Đinh Hùng không đặt nặng vấn đề “phục vụ”, ông không bắt những con chữ của mình phải gánh một trọng trách quá sức của chúng. Hoàn toàn có thể nói Đinh Hùng là một thi sĩ vị nghệ thuật đúng nghĩa: nhà thơ đã từng từ chối nhận một chức vụ cao trong chính quyền Sài Gòn cũ chỉ để được hoạt động nghệ thuật tự do nhất có thể; nhà thơ chỉ viết về những gì mắt thấy tai nghe, chỉ viết khi bản thân thực sự rung động chứ hoàn toàn không có định hướng hay nhằm mục đích gì khác ngoài việc thể hiện những cảm xúc của mình qua con chữ.
Nguyên nhân thứ hai là vì Đinh Hùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Chủ nghĩa tượng trưng.
Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và cũng là triết gia Remy de Gourmont đã từng viết thế này trong Quyển sách của những mặt nạ ( The Book of Masks): Chủ nghĩa tượng trưng… không gì khác là cách diễn đạt về chủ nghĩa cá nhân một cách nghệ thuật [103]. Và ông gọi những nhà thơ tượng trưng là “những chàng Narcis yêu chính gương mặt của mình”.
Ngoài ra, như ta đã biết, mục đích tối hậu của chủ nghĩa tượng trưng là khám phá và biểu hiện cái thế giới vô hình. Nghĩa là đó không phải là thế giới thực tại để cái ta có có điều kiện hình thành và phát triển.
Thêm nữa, Chủ nghĩa tượng trưng vốn chú trọng và đề cao cái trực giác, cái vô thức mà cái ta là cái mà người ta phải ý thức hướng về. Cho nên, đây lại là một điều kiện bất lợi nữa khiến cho cái ta vắng bóng trong thơ Đinh Hùng.
Nguyên nhân cuối cùng, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, chính là bản thân chàng Hoài Điệp. Chính cái cảm giác lạc lõng, tách biệt với mọi người của thi sĩ đã cản trở ông trong quá trình nhận đường sau Cách mạng. Từ thế giới của cái tôi- cá nhân bé nhỏ, thế giới của cái riêng, khó lòng Đinh Hùng có thể một sớm một chiều gắn cái riêng vào cái chung được, nhất là với một người cực đoan như ông. Ý thức được điều đó, nên trong thời gian tản cư theo kháng chiến ông chủ yếu là viết báo, vẽ tranh. Đã vậy, sáng tác được bài thơ nào ông đều giữ kín và đến nay thì phần nhiều đã thất lạc. Đây là một điều hết sức đáng tiếc.
Nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết:
Có người bảo thơ Đinh Hùng không “phục vụ”. Nhưng đó là điều tôi cố tránh nói ra đây. Tôi nghĩ rằng, đọc một cuốn thơ để ghi lấy một đoạn đường thơ, điều cần nhất là ta phải cảm thông, rung động hoàn toàn với nhà thi sĩ: ta muốn là thi sĩ, dẫu chúng ta khác cuộc đời, nghĩa là không cùng quan niệm.
Song le, quan niệm khác nhau không ngăn cấm một đồng cảm sâu xa. Biết hiểu, biết yêu, quan niệm hay lý tưởng của ta mới có thể sáng suốt. Huống chi đây, là một sự nghiệp tận tuỵ trong mười mấy năm đằng đẵng, những dị thảo và kỳ hoa góp thơm vào khu vườn văn học [12, tr.13].
Và xin hãy đọc thơ Đinh Hùng với lòng cảm thông như thế!