Những góc nhìn Văn hoá

Gia đình văn hoá - Những ranh giới mong manh

Phong trào xây dựng gia đình văn hoá là một trong những phong trào lớn của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở được tỉnh ta phát động năm 2000. Nhìn toàn diện, qua mười năm cả chính quyền và người dân cùng đồng lòng chung sức chúng ta đã có được một kết quả khả quan: số hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo ngày càng giảm; số hộ GĐVH tăng từ 62,6%/2001 lên 78%/2009.

Phong trào xây dựng GĐVH đã thực sự phát triển sâu trong đời sống nhân dân tỉnh nhà. Nhiều hộ gia đình rất trân trọng danh hiệu này, xem đây như là một thành quả phấn đấu trong từng năm của mọi thành viên trong nhà nên tờ chứng nhận GĐVH được lồng khung treo trang trọng trên tường phòng khách. Nhiều địa phương thật sự quan tâm và nhận thức sâu sắc về vấn đề gia đình nên đã chủ động sáng tạo nên những cách làm thể hiện sự trân trọng như xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương không chỉ ghi danh vào sổ vàng GĐVH hàng năm mà còn có một giấy chứng nhận danh sách toàn thể GĐVH của từng xóm treo tại NVH xóm. Các huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu...  từ việc xây dựng dòng họ văn hoá đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng GĐVH nên phong trào này đã được thúc đẩy mạnh hơn trong các dòng họ... Đó là những việc làm thật đáng ghi nhận.

Nhưng không phải ở đâu, lúc nào chính quyền và người dân cũng có được nhận thức sâu sắc như vậy. Khi tìm hiểu ở các địa phương, có những hiện tượng khiến chúng tôi trăn trở khi nghĩ tới chất lượng GĐVH. Trước hết đó là vấn đề nhận thức của cả cán bộ cơ sở và người dân. Khi hỏi một cán bộ xã về con số chính xác của GĐVH, thì câu trả lời là sự xuề xoà: Làm văn hoá mà, đại khái thôi. Rồi việc bình xét các danh hiệu văn hoá, nghe tưởng là rất chặt chẽ, nghiêm túc. Trước hết là bình xét tại tổ dân cư, lên BCĐ khối xóm rà soát lại rồi đến BCĐ xã, phường. Âý vậy nhưng, ngay từ tổ dân cư việc nể nả, hoặc cho là “GĐVH có gì ở đó mà khó khăn cho nhau” nên gần như là bình cho nhau hết, chỉ có hộ nào có sai phạm sờ sờ không thể lấp liếm được mới thẳng thắn loại trừ. Những hiện tượng như vậy không phải là ít ở các địa phương. GĐVH nhưng con cái vẫn bỏ học, trốn học đi chơi điện tử thường xuyên. GĐVH nhưng vợ chồng cãi nhau, thậm chí đánh đập nhau thường xuyên, .... Cũng có những nhận thức sai lệch đến mức có hộ gia đình có người đang đi cai nghiện nhưng có đóng góp tích cực cho các khoản thu của xóm nên đã được đề xuất công nhận GĐVH tiêu biểu cấp xã. Những hiện tượng trên cho thấy rằng việc công nhận GĐVH đang có biểu hiện tràn lan. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, Đảng và nhà nước ta quan tâm có thêm nhiều chính sách cho người nghèo nhằm tạo cho người nghèo có những điều kiện sớm thoát nghèo. Thế nhưng từ lợi ích của vấn đề này mà nhiều hộ với nhận thức thiển cận “GĐVH có chi mô. 3 năm mới được mấy chục ngàn” nên đã thích được là hộ nghèo hơn là được công nhận GĐVH. Vì thế “ở đây, họp hộ nghèo phải mất 2-3 đêm mới xong, rồi bỏ phiếu kín, có khi còn phải vận động họ đừng vào hộ nghèo. Còn bình xét GĐVH, họp công khai một tối là xong” không là chuyện lạ.
Công nhận danh hiệu GĐVH là cả vấn đề. Duy trì, giữ vững và phát huy được danh hiệu đó lại càng khó, nhất là với những nơi đang có biểu hiện chưa nghiêm túc trong việc triển khai phong trào. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay, từng ngày, từng giờ áp lực của cuộc sống và tác nhân tiêu cực của cơ chế thị trường luôn tác động trực tiếp đến sự bền vững của gia đình. Dường như trong mỗi gia đình nói chung, đặc biệt là GĐVH luôn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ danh hiệu trong phút chốc nếu như tất cả mọi thành viên trong gia đình không cùng nỗ lực bảo vệ, gìn giữ nó, vì có vô số những nguyên nhân, lí do: không kiềm chế được những bức xúc, con cái hư, vợ chồng không hợp ý, đối với các gia đình nhiều thế hệ cũng thật khó để giữ được hoà khí khi sự cách biệt trong nhận thức, quan điểm giữa các thế hệ ngày càng khác xa nhau... Thêm nữa, hiện tượng sinh con thứ ba trong vài ba năm lại nay cũng tăng nhanh và phổ biến cả đối với những gia đình nhiều năm liền là GĐVH. Ngoài vấn đề nhận thức ra, thì điều kiện kinh tế ngày càng phát triển cũng đã thúc đẩy nhiều hộ gia đình kinh tế khá chấp nhận các hình thức xử phạt của địa phương để có đủ nếp tẻ, hay thêm con cho vui cửa nhà. Việc làm của họ vừa ảnh hưởng không tốt tới phong trào xây dựng GĐVH vừa là nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng và giữ danh hiệu LVH tại nhiều địa phương không đạt kết quả. Đơn cử như xóm Khánh Hùng xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) xóm duy nhất được công nhận LVH của xã không giữ được danh hiệu vì có người sinh con thứ ba. Đây cũng là vấn đề vi phạm phổ biến nhất đối với các LVH bị cắt danh hiệu trong thời gian vừa qua ở tất cả các huyện, thị trên toàn tỉnh.
Những yếu tố chủ quan do tự chính chúng ta nhận thức không đầy đủ, không nghiêm túc và những yếu tố khách quan trên đã khiến cho việc xây dựng và giữ được danh hiệu GĐVH đúng nghĩa thật là khó. Vậy nhưng, qua tìm hiểu ở một số địa phương cho thấy chỉ tiêu GĐVH tới năm 2015 là quá cao, thiếu tính khả thi: thành phố Vinh tới 93%, Diễn Châu, Hưng Nguyên: 85%, Cửa Lò 95%. Những con số đó liệu có phản ánh đúng thực chất?
Việc triển khai một cách hình thức, hoặc chạy theo thành tích mà bỏ qua chất lượng đang tồn tại ở một số địa phương, cơ sở, hoặc cố chạy theo tỉ lệ đã đặt ra sẽ vô hình trung góp thêm phần làm cho chất lượng GĐVH bị giảm sút. Thiết nghĩ, để có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề xây dựng GĐVH cần có thêm nhiều cách thức tuyên truyền hiệu quả. Việc tôn vinh GĐVH cũng cần được quan hơn. Ba năm mới có một lần tuyên dương GĐVH tiêu biểu, nhưng vì hạn hẹp ngân sách nên không phải địa phương nào cũng có thưởng, mức khen thưởng cũng còn khiêm tốn quá. Và trên hết cần có cách làm thực sự nghiêm túc, chặt chẽ để mọi người tự thấy, trọng chất lượng, không nặng chỉ tiêu và chạy theo thành tích để cả xã hội đều thừa nhận rằng: GĐVH đúng là “chuẩn” hơn hẳn gia đình chưa được cộng nhận danh hiệu văn hoá.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512857

Hôm nay

2394

Hôm qua

2400

Tuần này

2794

Tháng này

219730

Tháng qua

121356

Tất cả

114512857