Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Văn Linh - Kiến trúc sư của thời kỳ đổi mới

Mỗi danh nhân, dù tài hoa đến đâu, cũng chỉ có thể để lại dấu ấn sâu đậm của mình ở một thời điểm nhất định. Đó là thời điểm thăng hoa, phát sáng trong cuộc đời một con người, có thể ở tuổi thanh niên, tuổi tráng niên và cũng có thể khi đã xế chiều, tùy thuộc vào địa vị công việc khi mà họ có những cống hiến xuất sắc nhất cho con người, cuộc đời và đất nước. Đồng chí Nguyễn Văn Linh của chúng ta cũng như vậy. Tham gia vào phong trào giải phóng dân tộc từ tuổi thiêu niên, đồng chí hai lần bị cầm tù nơi Côn Đảo, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã kinh qua những cương vị công tác khác nhau, từ Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đến Bí thư Trung ương Cục, trong thời bình, lúc Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, lúc Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Và tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời ông ở những cương vị công tác khác nhau đó đã đưa ông lên vị trí cao nhất, quan trọng nhất và cũng là quyết định nhất vào thời điểm bước ngoặt của đất nước – Khởi đầu thời kỳ đổi mới. Vào thời điểm quyết định vận mệnh sống còn của đất nước ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh hiện lên như một kiến trúc sư đầy năng lực và tâm huyết tìm đường, mở lối đi lên cho đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với bộn bề khó khăn bên trong và bên ngoài. Năm đó đồng chí Nguyễn Văn Linh của chúng ta đã ngoại 70, cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng lại là cái tuổi thăng hoa, tỏa sáng và để lại dấu ấn sâu đậm nhất cuộc đời ông trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Nhân hội thảo khoa học kỷ niệm 95 năm Ngày sinh của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi viết bài nhỏ này với hy vọng tìm lại được những dấu ấn quan trọng nhất của ông ở thời điểm bước ngoặt đó của đất nước.

1. Mở đột phá khẩu trong chính sách đối ngoại.
Sự ổn định và phát triển của đất nước nhỏ như chúng ta tùy thuộc phần lớn, không muốn nói là tất cả, vào mối quan hệ quốc tế mà chúng ta xây đắp được. Chúng ta tự hào, thực sự tự hào về thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có được kỳ tích đó trong thế kỷ XX nhờ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Dòng chảy của Việt Nam đã hoà chung với dòng chảy của nhân loại tiến bộ tạo thành một dòng thác lớn cuốn trôi mọi trở lực lớn nhỏ trên con đường đi tới thắng lợi. Sau đỉnh cao chói lọi đó, chúng ta đã ngủ quên trên chiến thắng và tệ hơn nữa là chúng ta đã trở nên ngạo mạn với chiến thắng, bất chấp thế giới đang thay đổi từng ngày, trong đó có những thay đổi bất lợi cho chúng ta. May thay, dù muộn chúng ta đã bừng tỉnh. Sự thức tỉnh đó được đánh dấu bằng sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12 năm 1986 mà trước hết là lựa chọn và trao trọng trách Tổng Bí thư cho đồng chí Nguyễn Văn Linh, người không bị chi phối trong mối quan hệ tay ba truyền thống trước đây, quan hệ Việt – Xô – Trung. Trên cương vị mới đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng với Bộ Chính trị suy nghĩ ròng rã trong suốt 17 tháng và cho ra được Nghị Quyết 13 (ngày 20-5-1988) điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, tạo dựng một không gian hòa bình có lợi cho công cuộc đổi mới của chúng ta. Đây chính là nghị quyết mở đột phá khẩu về quan hệ quốc tế để phá thế bao vây, cô lập Việt Nam trên trường quốc tế mà các thế lực thù địch thế giới tạo ra hòng làm suy yếu và cuối cùng tiêu diệt chúng ta.
Chúng ta còn nhớ như in, sau Đại hội VI, tình hình kinh tế- xã hội của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa càng trở nên tồi tệ, chúng ta không những không nhận được viện trợ, mà cánh cửa xuất khẩu truyền thống của chúng ta vào các nước đó bị đóng lại, đồng thời các thế lực thù địch của chúng ta đã “phản pháo” bằng khẩu hiệu “Việt Nam xâm lược Cămpuchia” nhằm bao vây và cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Tình hình đó buộc Đảng ta phải thẩm định lại những giá trị của quá khứ để tìm đường, mở lối tiến lên. Trọng trách đó được đặt lên vai Bộ Chính trị mà trước hết là Tổng Bí thư, cho dù khi nhậm chức trước Đại hội, đồng chí đã khiêm tốn bộc bạch: “Trình độ của Tổng Bí thư so với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành trung ương không xa cách bao nhiêu, ly lai như sợi tóc, điều cốt yêu là phát huy được trí tuệ của tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(1). Trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị có ba ưu tiên hàng đầu trong điều chỉnh chính sách đối ngoại được lựa chọn để triển khai: 1) Rút quân khỏi Cămpuchia; 2) Tái bình thường hóa quan hệ Việt-Trung và 3) Cải thiện và tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Nhằm triển khai thực hiện ưu tiên hàng đầu về việc rút quân khỏi Cămpuchia, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sang Cămpuchia để bàn bạc và thống nhất quan điểm với các nhà lãnh đạo nước bạn về phương án thực hiện. Đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến sự rạn nứt trong quan hệ Việt –Trung , nên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã qua Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản gửi thông điệp miệng đến Đặng Tiểu Bình. Từ đó mới có cuộc gặp gỡ cấp thứ trưởng ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc về vấn đề Cămpuchia vào ngày 18-1-1989. Ngày 6-1-1989, tại lễ kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Cămpuchia, đồng chí Nguyễn Văn Linh tuyên bố Việt Nam sẽ rút quân khỏi Cămpuchia vào tháng 9-1989 sớm hơn dự định một năm, nếu có giải pháp chính trị thỏa đáng cho vấn đề Cămpuchia. Tiếp đó, đến ngày 5-4-1989, Việt Nam một lần nữa tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Cămpuchia, dù có giải pháp chính trị hay không. Thực hiện nghiêm túc lời tuyên bố đó, cuối tháng 7 và trong tháng 8-1989, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Cămpuchia tại Pari (vòng 1 từ 30 tháng 7 đến 1-8; vòng 2 từ từ 28 đến 30-8-1989). Tại Hội nghị quốc tế lần đó, các bên đã đi đến những điểm đồng thuận cơ bản, đặt cơ sở cho “ một giải pháp toàn bộ về cuộc xung đột bi thảm ở Cămpuchia” như Hội nghị đã truyên bố. Theo tinh thần đó, từ ngày 21 đến 26-9-1989, Việt Nam đã rút 26 nghìn quân tình nguyện còn lại khỏi Cămpuchia. Nút thắt về vấn đề Cămpuchia đã được Việt Nam chủ động tháo gỡ. Các thế lực chống đối ta, trong đó có Trung Quốc, không còn cớ để chống lại Việt Nam như suốt 10 năm trước đó. Và như vậy, trong quá trình tái bình thường hóa quan hệ Việt - Trung (thuộc ưu tiên thứ hai) đã có bước khởi động đầy hy vọng. Cũng trong năm 1989, trên cơ sở xem xét mối quan hệ Việt - Trung trên bàn cờ quan hệ quốc tế phức tạp, rối rắm, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đề ra chủ trương sẽ rút quân khỏi khu vực biên giới Việt-Trung nhằm bắn đi một mũi tên đạt hai đích: 1) Giảm chi phí quân sự ở vùng biên giới phía Bắc và 2) Mở đường tái bình thường hóa quan hệ Việt-Trung.
Sau khi chúng ta lui quân khỏi khu vực biên giới phía Bắc, đích thứ hai đã hé lộ. Sau nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao ở các cấp, một cuộc gặp gỡ bí mật giữa lãnh đạo cao cấp hai nước được tổ chức tại Khách sạn Kim Ngưu ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4-9-1990. Mở đầu cuộc gặp bí mật, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã nói: “ Hoan nghênh các đồng chí Việt Nam sang Trung Quốc hội đàm với chúng tôi. Các đồng chí là những người thuộc thế hệ lãnh đạo lão thành của Việt Nam, cũng là những người bạn lão thành quen biết của những người thuộc thế hệ lãnh đạo lão thành của Trung Quốc, điều đáng tiếc là đã mười mấy năm chưa được gặp nhau. Tôi và đồng chí Lý Bằng một hai năm gần đây mới tiếp nhận công tác của các bậc tiền bối lão thành… Chúng tôi hy vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể khôi phục mối quan hệ mật thiết giữa hai đảng và hai nước do các vị lãnh đạo thuộc thế hệ lão thành xây dựng nên” (2)
Trong cuộc gặp gở bí mật này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện khá trọn vẹn bản lĩnh quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về việc chấp nhận một vài nhượng bộ nhất định để đạt được hai mục tiêu quan trọng và cơ bản là giải quyết vấn đề Cămpuchia và tái bình thường hóa quan hệ Việt-Trung. Trong lời đáp tại buổi chiêu đãi trọng thể ở Khách sạn Kim Ngưu tối 3-9-1990 mừng thành công cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “ Cuộc hội đàm của chúng ta đã thành công tốt đẹp. Hai bên đã thống nhất được quan điểm về vấn đề Cămpuchia, về khôi phục lại quan hệ giữa hai đảng, hai nước, khép lại quá khứ, mở ra một tương lai tốt đẹp mới giữa hai nước”(3)
Sau hội nghị Thành Đô, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã mời một đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc. Cuộc viếng thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt cuối năm 1991, sau thành công của Đại hội VII, đã khép lại trang sử không mấy tốt đẹp trong quan hệ Việt –Trung, chính thức tái bình thường hóa quan hệ hai nước và mở ra một trang sử mới đáp ứng lợi ích của hai đảng, hai dân tộc đã từng gắn bó máu thịt với nhau.
Nhằm cải thiện và tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, “ nước cầm chịch chính sách cấm vận của cả thế giới phương Tây đối với Việt Nam”(4), trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một cuộc tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài đã tuyên bố: “ Việt Nam luôn luôn muốn có quan hệ tốt đối với nhân dân Mỹ, Chính phủ Mỹ. Chiến tranh đã kết thúc 15 năm mà chưa có quan hệ bình thường là chậm. Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi trở ngại trên con đường bình thường hóa; trở ngại còn lại là ở phía Mỹ”(5)
Tiến trình Việt Nam giải quyết vấn đề Cămpuchia và tái bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc đã tác động trực tiếp và mạnh tới việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Chính quyền Oa sinh tơn theo dõi sát sao những chuyển biến đó và lần đầu tiên để lộ sự điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với Việt Nam kể từ năm 1979 trong một tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker tại Pari ngày 18-7-1990 là chấp nhận mở đối thoại trực tiếp với Việt Nam tại New York về vấn đề Cămpuchia. Từ đó mới có các cuộc gặp gỡ cấp thứ trưởng ngoại giao hai bên ở New York và chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ngày 17-10-1990. Qua những cuộc trao đổi và hội đàm tại New York, chúng ta đọc được trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là coi việc giải quyết vấn đề Cămpuchia và vấn đề tù binh Mỹ và những người Mỹ mất tích trong chiến tranh (gọi tắt là POW – MIA) là hai vấn đề then chốt nhất để cải thiện và tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Cái căn bản nhất, cái cốt lõi nhất trong vấn đề Cămpuchia liên quan trực tiếp đến chúng ta – rút quân tình nguyện, đã được giải quyết, còn giải pháp chính trị cho nước Cămpuchia mới là một vấn đề quốc tế rộng lớn mà ta chỉ là một thành viên. Đối với Hoa Kỳ, POW và MIA là vấn đề liên quan trực tiếp với Việt Nam. Chúng ta luôn coi vấn đề POW-MIA là thuần túy nhân đạo nên đã tích cực hợp tác vô điều kiện với Mỹ để giải quyết. Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các đề nghị từ phía Mỹ trong việc giải quyết vấn đề POW-MIA như cung cấp tài liệu, tiến hành các cuộc khai quật hổn hợp…Đặc biệt, từ đầu năm 1987 đến đầu năm 1993, Việt Nam đã trao cho phía Hoa Kỳ hàng trăm bộ hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Tình hình thế giới và khu vực những năm đầu thập kỷ 90 và những nổ lực của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề Cămpuchia, tái bình thương hóa quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là thiện chí của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề POW – MIA đã tác động tích cực tới hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong các năm 1989 và 1990 và đã thúc đẩy mạnh mẻ việc cải thiện và tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ những năm tiếp theo.  
Ngày 3-2-1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Năm sau, ngày 11-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Như vậy, hướng ưu tiên thứ ba – cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trong đột phá khẩu phá thế bao vây, cô lập Việt Nam đến đây mới giải quyết trọn vẹn. Thành công đó có một phần bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
2. Cởi bỏ “vòng kim cô” tư tưởng và khai hỏa chống tiêu cực.
Đại hội VI, đại hội đổi mới của Đảng đã dám “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” mà trước hết là chỉ ra những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng: “ Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế - xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng – tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân” (6)
Nhận trọng trách Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tập trung mọi cố gắng và nổ lực của toàn Đảng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ then chốt: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Muốn thế, theo ông, Đảng trước hết phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thực và tiến hành đổi mới nhiều mặt, trước hết là đổi mới tư duy nói chung và tư duy lý luận nói riêng. Thực chất của đổi mới tư duy là chúng ta tự mình cởi bỏ “vòng kim cô” trên đầu mình. Nhưng để có tư duy lý luận sắc bén, phù hợp với những thay đổi chóng mặt của thời cuộc phải bắt nguồn từ phương pháp tư duy đúng. Đồng chí Tổng Bí thư đề cập tới nguyên tắc bất di bất dịch của phương pháp tư duy: phương pháp tư duy đúng không chấp nhận sự cường điệu hóa, nhấn mạnh mặt này xem nhẹ mặt kia, mà phải có cái nhìn toàn diện và đặc biệt không được nhân danh đổi mới để phủ nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong công tác tổ chức cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người thấm nhuần sâu sắc những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đứctài, phẩm chấtnăng lực trong việc đánh giá và sử dụng cán bộ: “ Trình độ trí tuệ dù quan trọng đến mấy cũng chỉ là một trong những điều cần có của một cán bộ. Chú ý rằng, phẩm chất cách mạng là yếu tố hết sức cơ bản…điều này nếu không có thì một cán bộ nào đó dù trí tuệ có cao đến đâu cũng không có ích gì cho cách mạng”(7). Ở đây có cái gì đó tựa như những suy tư, những trăn trở và những nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi khi cách mạng nước ta chuyển giai đoạn như sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Đáng tiếc là trong bộn bề khó khăn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, chúng ta đã lãng quên những tư tưởng lớn nhưng có vẽ xưa như trái đất đó của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, mà lẽ ra chúng ta phải đưa nó vào cuộc sống bằng hoạch định một chiến lược giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên như chúng ta đang tiến hành trong vài năm gần đây khi sự tha hóa, biến chất của một phần lớn những người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước và Đảng đến mức báo động khẩn.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng là người đề cập nhiều lần về mối quan hệ không thể tách rời giữa đổi mới tư duy, đổi mới cán bộ và đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc. Theo ông, phong cách cần có của cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới là “phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai hóa hoạt động, đi sâu đi sát thực tiễn,…biết giải quyết mọi công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của nhân dân lao động”(8)
Không dừng lại trên lời nói, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã giành nhiều thời gian về tận cơ sở, đến với dân. Dấu chân ông đã in trên khắp những nẽo đường đất nước, từ vùng Tây Bắc, Việt Bắc, giải đất miền Trung, Tây Nguyên đến những vùng đất mà ông đã từng lăn lộn trong những năm chống Mỹ. Có lẽ ông là một người lãnh đạo theo chủ nghĩa thân dân. Ông sẵn sàng sẻ chia nghèo khó cùng dân và từ đó mà ông nhận được tư dân những mong muốn, những tâm tư của họ. Chắc chắn, bà con xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ truyền lại cho con cháu làng mình những câu chuyện đầy xúc động về chuyến thăm không báo trước của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày 22-5-1988. Đó là “chuyến đi thực tế thành công” trên cương vị một Tổng Bí thư, như ông đã bộc bạch với các đồng chí cùng đi trên xe trên đương về. Từ những chuyến đi thực tế đó mà ông được bà con cho biết những hiện tượng hư hỏng, biến chất và thoái hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, gợi cho ông đề xuất với Bộ Chính trị ra nghị quyết về cuộc vận động làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và thông qua đó mà từng bước đẩy lùi và hạn chế các hiện tượng tiêu cực. Và ông là người đi tiên phong, trở thành chiến sĩ xung kích trên địa hạt chống tiêu cực này bằng những bài báo ngắn có tựa đề đập vào mắt người đọc Những việc cần làm ngay ký bút danh N.V.L. Ông chính là người nổ phát súng khai hỏa trên trận địa chống tiêu cực, một trận địa cam go hơn cả trận địa chống kẻ thù bằng xương bằng thịt mà chúng ta vừa trải qua.
Từ ngày 25-5-1987 khi lần đầu xuất hiện trên trang nhất báo Nhân Dân bài báo chạy tít đậm Những việc cần làm ngay với bút danh N.V.L đến ngày 28-9-1990 đăng bài cuối cùng, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã viết 27 bài, tập trung phê phán các hành vi quan liêu, tham nhũng, hống hách, cửa quyền, ức hiếp quần chúng…của một số cán bộ có chức có quyền mà lâu nay vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, không ai dám nói. Tóm lại, những bài báo ngắn của ông tuyên chiến với tất cả những căn bệnh kinh niên vốn có của cơ chế tập trung, bao cấp, cơ chế xin – cho được núp dưới chủ nghĩa nhân danh Đảng. Những bài báo về Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư được các phương tiện thông tin đại chúng hưởng ứng nên có sức lan tỏa nhanh chóng trong quần chúng nhân dân, thổi bùng thành một phong trào chống tiêu cực rộng lớn trên khắp cả nước, bởi lẽ, ông ý thức một cách sâu sắc rằng: “ Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước” (9).
Và cả xã hội với sự giúp sức có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào cuộc, tiến công mạnh mẽ vào trận địa chống tiêu cực, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội:
    “ Nhiều bộ trưởng, thứ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc nói về ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo, với tinh thần trách nhiêm và tôn trọng công luận cao.
    “ Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp ủy cũng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan có khi có cả ô dù lớn che chở. Cấp ủy, ủy ban và các đoàn thể đã xử lý nghiêm cả về mặt đảng và đem truy tố trước pháp luật.
    “ Báo chí đã nhiệt tình góp thêm những tiếng nói lành mạnh nhắc nhở mọi người: cần đưa ngay nhân tố mới lên, lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy” (10)
Những việc cần làm ngay của N.V.L chính là sự khởi động cuộc đấu tranh chống thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền đang thao túng xã hội, làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin đã bị xói mòn trong nhân dân. Hành động quả cảm của Tổng Bí thư đã được Đảng ghi nhận: “ Đồng bào, đồng chí còn nhớ Những việc cần làm ngay trên báo Nhân Dân vào năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước” (11).
 
Một bài viết ngắn không thể nói hết những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đầu tiên thời đổi mới – bước ngoặt quan trọng tìm đường mở lối đưa dân tộc chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và vững bước đi lên, sánh vai cùng cường quốc năm châu như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn. Đối với tôi, cái ấn tượng lớn nhất ở Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là với những trải nghiệm suốt một đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, ông xuất hiện đúng lúc lịch sử cần, đất nước cần. Và sự xuất hiện đúng lúc đó đã rút ngắn được bước đi của đất nước.
 
 
 
Chú thích.
  1. Nguyễn Mạnh Cầm. Việc nhỏ, ý nghĩa lớn. Trong cuốn: Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2003, tr., 97.
  2. Dẫn theo: Nguyễn Văn Linh. Tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia. HN, 2006, tr., 279.
  3. Như trên, tr., 280.
  4.  Trần Quang Cơ. Hy vọng mới, lo toan mới. Tc Quan hệ quốc tế, số 12,1990, tr., 7.
  5. Nguyễn Văn Linh. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Nxb Sự Thật. Hà Nội, 1991, tr., 7.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật. HN, 1987, tr., 27.
  7. Nguyễn Văn Linh. Đổi mới để tiến lên, tập 1. Nxb Sự Thật. HN. 1988, tr., 38-39.
  8. Báo Quân đội Nhân dân, ngày 14-6-1990.
  9.  N.V.L. Những việc cần làm ngay. Báo Nhân Dân, ngày 25-6-1987.
  10.  N.V.L. Những việc cần làm ngay. Báo Nhân Dân, ngày 10-7-1897.
  11.  Điếu văn của BCH trung ương Đảng do đông chí Lê KHả Phiêu đọc tại lễ truy điệu đồng chí ngày 29-4-1998.
 
   
 
   
 
 
 
 
 
 
   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512865

Hôm nay

2402

Hôm qua

2400

Tuần này

2802

Tháng này

219738

Tháng qua

121356

Tất cả

114512865