Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết khác nhau về Tứ vị Thánh nương, phần lớn những truyền thuyết này đều đã được văn bản hóa : “Đó là một vương phi bất hạnh của vua Hùng thứ 13 thời Hùng Vương, sau âm mưu làm hại hoàng tử bị thất bại, bị đầy ra đảo, chết và hiển linh”. Hay một dị bản liên quan tới hoàng hậu của vương triều sinh 2 con gái, nên bị nhà vua đầy ra biển. Dị bản liên quan tới sự trôi dạt của cây gỗ Thần trên biển vào vùng Đền Cờn… Tuy nhiên, phổ biến hơn cả vẫn là gắn sự tích Tứ Vị Thánh Nương với hoàng hậu và công chúa thời nhà Tống, sau khi bị quân Nguyên đánh bại, đã lên thuyền và trôi dạt vào vùng ven biển Việt Nam, được vị sư chủ trì chùa Quy Sơn cứu sống và nuôi nấng. Do có điều dị nghị giữa vị sư trụ trì chùa với hoàng hậu xinh đẹp, nên nhà sư đã tự vẫn, thấy thế hoàng hậu và công chúa nhà Tống cũng chết theo. Sau hiển linh, tương truyền đã từng giúp các vua Lý, Trần đi đánh Chiêm Thành và sau khi chiến thắng được phong thần… Cũng có một giả thuyết cho rằng Tứ Vị Thánh Nương có nguồn gốc từ tín ngưỡng cổ của người Chăm…” (1). Nằm trong dòng chảy tư duy dân gian này, “Ngọc phả bốn vị thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia (thờ phụng ở xã Đại Lộ)” cho biết : “Tôn thần là bà thục phi của vua Đô Tống nhà Tống. Bà họ Triệu tên là Đoan, lúc sinh thời là người có tư sắc, lại đủ cả tứ đức công dung ngôn hạnh. Đến khi Đế Bình lên ngôi vua, quân Nguyên kéo đến xâm lược, Tống thừa tướng Lục Tú Phu cùng với tướng quân Trương Thế Kiệt phò vua và thái hậu vượt bể chạy đến Nhai Sơn. Tướng nhà Nguyên là Hoằng Phạm đem quân đến đánh tan quân Tống. Lục Tú Phu cõng vua cùng nhảy xuống biển chết. Trương Thế Kiệt chạy sang An Nam, bấy giờ thuyền bè đi qua biển cả gặp bão táp dữ dội, thuyền đều đắm vỡ hết cả. Thái hậu cùng ba vị công chúa đi thuyền chạy xuống phía nam, nghe tin thuyền vua bị đắm, liền đấm ngực than rằng : “Ta liều chết lặn lội đến đây, hóa ra chỉ còn là cục thịt của họ Triệu. Nay chẳng còn hy vọng gì nữa”. Thế rồi bà hướng về phía bắc bái vọng, than khóc một hồi rồi nhảy xuống biển tự tử. Bấy giờ là ngày 12 tháng 6. Thi thể của bà trôi theo dòng nước đến địa phận đất Hoan Châu, mặt mũi vẫn xinh tươi như khi còn sống. Dân địa phương hết sức kinh dị, liền vớt lên bờ. Chỉ trong chốc lát, mối đùn lên thành ngôi mộ lớn, dân địa phương bèn lập đền thờ phụng.
Ngài thung dung giữ tròn khí tiết như thế, thật xứng đáng được trời xanh đền báo. Năm ấy là năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), nhà Tống mất nước, có một ngôi sao lớn rơi xuống giữa biển, ứng điềm thuyền ngự bồng bềnh ở phương Nam.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311) đời Trần Anh Tông, nhà vua cầm quân đi xuống phía nam chinh phạt Chiêm Thành thuyền bè dừng lại ở cửa Càn Hải. Đêm ấy nhà vua nằm mơ thấy một nữ thần đi đến trước mặt khóc lóc nói rằng : “Thiếp là thục phi của vua Tống, bị sóng gió mà gặp nạn ở đây. Nay thượng đế ngợi khen khí tiết, sắc phong cho thiếp làm hải thần ở đây đã lâu. Chuyến đi này, xin được trợ giúp thánh thượng lập công”. Nhà vua giật mình tỉnh giấc, bèn đặt đàn tế lễ. Sau đó đưa quân đi ra biển, sóng yên gió lặng, quân ta đánh một trận là thắng lớn. Đến khi khải hoàn, nhà vua liền phong tặng mỹ tự, sai quan hữu ty lập đền thờ phụng. Hàng năm tùy thời cho quan đến tế lễ.
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470) đời Lê Thánh Tông, nước Chiêm Thành đem quân đến xâm lấn. Nhà vua tự mình làm tướng, đem quân đi đánh giặc. Khi đến cửa Càn Hải, nhà vua đến linh từ làm lễ, cầu khấn thần linh phò giúp quan quân. Nhà vua làm thơ, có câu rằng :Hương hỏa còn truyền đền Thánh mẫu. Sóng xô thức tỉnh giấc Anh Tông.
Quan quân đóng lại ở thành Thuận Hóa rồi đi ra biển diễn tập quân thủy, tiếp đó tiến thẳng vào kinh đô Đồ Bàn, phá tan quân giặc, mở mang bờ cõi, lấy đất Chiêm Thành đặt làm xứ Quảng Nam gồm 3 phủ. Quân đội nhà vua chiến thắng trở về, liền tôn xưng là Quốc mẫu bà vương, ban sắc cho các vùng cửa biển tùy nghi xây dựng đền thờ để phụng thờ ngài.
Đời sau, phàm những ai đi thuyền qua biển, chẳng may gặp gió to sóng cả nguy cấp, mà thành tâm cầu đảo, thì sẽ được bình an. Ngài là phúc thần tối linh ở vùng Nam Hải các đời đều phong tặng, ghi trong điển lễ thờ cúng. Các đền ở Hải môn của Nghệ An, Thần Phù và Biên Nam của Thanh Hóa, Quần Anh và Ninh Cường của Sơn Nam là những đền linh thiêng nhất vùng ven biển.
Lại nữa, tục truyền có vị sư tăng vớt thái hậu lên có ý muốn tư thông với bà, song không được thỏa, sau hối hận tự tử chết. Điều đó là sai lắm”.
Như vậy, có thể thấy dù là truyền thuyết ở vùng nào (Bắc Bộ, Trung Bộ…) thì không gian để Tứ vị Thánh nương thể hiện sự linh hiển của mình luôn ở các vùng ven biển, nên các Ngài được lập đền thờ ở rất nhiều cửa biển mà trong đó đền Cờn ở Nghệ An được coi như một nơi phát tích và nổi tiếng hơn cả. Vì thế nên việc cho rằng Ngài/các Ngài là thần biển là điều không còn phải bàn cãi. Vậy thì, dòng “hải lưu” nào đã đưa các ngài vào sâu trong nội địa, dịch chuyển hay đúng hơn là mở rộng không gian thiêng liêng của Tứ vị Thánh nương từ vùng ven biển đến các vùng ven sông của châu thổ Bắc Bộ, và trong quá trình dịch chuyển đó tín ngưỡng này có sự biến đổi gì không để “đứng chân” được vững chắc ở vùng đất mới ? Chúng tôi cho rằng nghiên cứu việc thờ phụng Tứ vị Thánh nương ở đền Lộ sẽ bước đầu giải đáp được phần nào những thắc mắc này.
Cơ duyên để Tứ vị Thánh nương có một vị trí trong tâm thức người dân vùng Lộ xưa, theo giải thích của dân gian, là : “Tương truyền rằng, vào cuối đời nhà Trần, khi ấy nước sông Nhị Hà lên to, bỗng nhiên có bốn cái nồi úp dưới cái nón trôi dạt vào bên bờ sông thuộc bản xã, khiến bản xã không được yên ổn. Giữa lúc đó có vị thần báo mộng, phải lập ngay đền thờ, thì mới được yên. Dân trong xã thấy vậy bèn dựng ngay ngôi đền thờ ở đây” (2). Thế là ngôi đền thờ Đại càn quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương ra đời ở vùng đất ven sông này, tất nhiên lúc đầu đó chỉ là một ngôi thảo miếu đơn sơ, sau này nó mới dần được xây cất rồi tôn tạo để trở nên bề thế như ngày nay. Nhưng từ khi mới được dựng lên cho đến nay, dù đền thờ ở trong hiện trạng kiến trúc nào thì cũng không bao giờ phải chịu cảnh hương tàn khói lạnh, nó luôn có sức hút tâm linh rất lớn không chỉ đối với người dân địa phương mà còn với cả khách thập phương : “…từ khi có đền những người đến cầu đảo ngày càng đông, người đến chiêm bái ngày càng nhiều. Hàng năm vào ngày lễ tiết tháng 2, xe cộ trên đường, thuyền bè dưới sông, khách bộ hành từ khắp các nơi xa gần đến đền này không biết bao nhiêu nghìn vạn người vậy” (3). Có lẽ do có tầm ảnh hưởng lớn như vậy nên dưới thời quân chủ chuyên chế, bản đền đã nhận được 17 đạo sắc phong qua các triều đại, trong đó đạo đầu tiên là từ năm Vĩnh Thọ 3 (1660) và đạo cuối cùng là năm Khải Định 9 (1924).
Hiện tại chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn tài liệu nào cho biết về những thần linh ngoài Tứ vị Thánh nương, được thờ tại đền từ buổi đầu. Nhưng giờ đây, nhìn vào cách bài trí các ban thờ cũng như tượng của các thần linh trong đền, chúng tôi nhận thấy rằng giữa đền Lộ và các ngôi đền thờ Mẫu khác ở châu thổ Bắc Bộ hầu như có không mấy sự khác biệt. Tứ vị Thánh nương, mà dân gian ở đây còn gọi là Tứ vị thánh mẫu, được thờ trong một khám lớn tại hậu cung, thể hiện bằng bốn pho tượng, đặt hai hàng: pho to nhất đặt ở chính giữa hàng sau mặc áo vàng là thái hậu, hàng trước là ba pho tượng nhỏ hơn giống như tượng tam tòa với ba màu áo xanh, trắng, đỏ (chúng tôi ngờ rằng nhà đền đã bày tượng sai ở hàng này, nếu đúng có lẽ thứ tự các tượng phải là : pho tượng áo đỏ ở giữa, pho áo trắng ở bên trái và pho áo xanh ở bên phải). Như vậy, chỉ thêm một pho tượng được bày cùng trong khám đã khiến cho ban thờ trong hậu cung vượt ra ngoài ý nghĩa của một ban thờ tam tòa, mà đã gắn với Tứ vị Thánh nương. Tuy nhiên các tượng này vẫn đều theo phong cách của các tượng mẫu nói chung. Cung ngoài thờ Công đồng tứ phủ, gồm có ngũ vị tôn quan (hội đồng các quan) - tứ phủ chầu bà - tứ phủ ông hoàng - tứ phủ thánh cô - tứ phủ thánh cậu. Bên phải là động Sơn Trang thờ mẫu Thượng Ngàn cùng thập nhị tiên nường, bên trái thờ mẫu Thoải cùng hai vị hầu cận là cô Quế và cô Quỳnh (?). Đền thờ Đức thánh Trần được dựng riêng ở phía bên trái sân đền, gần nghi môn, nhưng kiến trúc này cũng như động Sơn Trang mới được tôn lập vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Trong một năm làng Lộ nói chung và đền Lộ nói riêng có khá nhiều tiết lệ, nhưng lễ hội chính của làng được mở từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng 2 âm lịch, đây là lễ hội lớn nổi tiếng khắp trong cả vùng. Trong 10 ngày hội có rất nhiều nghi thức cúng lễ theo phong tục của nhà Thánh (như ngày mồng 1 làm lễ khai cuông/quang yên vị, tẩy uế ; mồng 2 làm lễ nhập tịch, tức bắt đầu nhập hội…), nhưng trọng tâm của hội là các hoạt động diễn ra trong 3 ngày chính : mồng 4, mồng 5 và mồng 6. Lễ rước cấp thủy/rước nước trên sông Hồng, được tổ chức vào ngày mồng 5, mục đích của lễ thức này trước là để cầu cho mưa thuận gió hòa, sau là để xin nước về thờ. Sáng mồng 5 người ta sẽ rước kiệu, chóe đựng nước cùng đầy đủ nghi trượng và lễ vật từ đền ra bến Lộ, tại đây đã có thuyền đợi sẵn để ngược dòng chảy ra giữa sông. Sau khi đã làm lễ cúng trên sông, một cụ già cao tuổi, có uy tín trong làng, gia đình quang quẻ, con cháu đề huề… sẽ đại diện cho dân làng múc nước về thờ Mẫu. Nước sẽ được múc trực tiếp từ dưới sông rồi đổ vào bình qua một lượt vải đỏ phủ ở miệng bình. Màu đỏ là màu của dương khí, nước được đổ qua tấm vải đỏ sẽ thêm phần tinh khiết, thiêng liêng vì đã hội tụ được cả khí âm và khí dương. Bình nước thiêng này chủ yếu để thờ trong hậu cung, ngay trước ban thờ Tứ vị Thánh mẫu, chỉ vào những dịp đại tiệc (như tiệc Mẫu) mới được múc ra một bát để làm nước cúng (vào các ngày tuần tiết khác, nhà đền chỉ cúng bằng nước mưa đã được lọc). Ngày mồng 6 là chính tiệc của Tứ vị Thánh mẫu nên sẽ có các hoạt động tế lễ nhằm tôn vinh uy danh của ngài. Lễ vật bắt buộc trong hội là bánh dày và cơm nắm muối vừng, trong cung mẫu chỉ dâng cơm nắm muối vừng. Lễ mặn (thủ lợn, xôi gà...) chỉ được bày từ ban công đồng trở ra mà thôi, dân gian cho rằng do mẫu đã có thời gian đi tu (ở chùa ?) nên ngài chỉ dùng đồ chay (?) nên mới dâng lễ lên ngài như vậy
Một hoạt động rất quan trọng ở đền Lộ mà chúng tôi không thể không nhắc tới, đó chính là hầu đồng – một hình thức hành lễ ở đỉnh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trong quá khứ (trước năm 1945) đền Lộ đã từng nổi lên trong giới các con nhang đệ tử như một trung tâm đồng bóng. Tất nhiên trong những ngày hội người ta sẽ chỉ thực hiện những vấn đồng đặc biệt, đó là hầu khai hội và hầu tạ hội. Trước đây khi đền có đồng đền thì người đó sẽ đảm trách những vấn đồng này, còn hiện nay do không có đồng đền nên nhà đền sẽ nhờ những bản hội có “lân mẫn” (gần gũi) với đền cử người thực hiện vấn đồng này. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể được hầu khai hội và tạ hội, mà phải là những con đồng đã được làng chọn lựa theo những tiêu chuẩn nhất định. Người ta cũng sẽ không hầu hết mọi giá đồng, nhưng phải có các giá đồng của cả 4 phủ.
Từ thực tế của việc thờ phụng Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương ở đền Lộ như đã nêu trên, bước đầu chúng tôi xin đưa ra một số giả thiết để làm việc, như sau :
1. Làng Lộ xưa nằm ven sông Hồng với 2 xóm trong đê và một xóm ngoài đê, người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa nước, nghề đan bồ cót đựng thóc và xóm ngoại hà có nghề chài lưới. Theo tài liệu điều tra điền dã của chúng tôi thì người làng Lộ xưa chỉ làm các nghề như đã nêu, không thấy nói đến làng có nghề đi buôn, nhưng chợ Lộ xưa nếu so với các chợ khác trong xã thì to nhất (có đến 5 cầu quán được xây bằng gạch và lợp ngói chứ không phải là chợ tạm), và có một sự giao thương giữa chợ Lộ với chợ Mễ (thuộc Mễ Sở…) qua bến đò cổ của làng, bến Lộ. Có thể đoán định rằng vùng Lộ xưa là một trong những nơi khá phát triển về kinh tế thương mại. Các bậc cao niên trong làng đến nay vẫn nhớ được bến Lộ đã có thời là một đầu mối giao thương sầm uất trong vùng, số lượng các thuyền buôn vào ra ngày một nhiều, trong đó có cả những con thuyền đinh (tức là thuyền gỗ lớn, có buồm) chở muối mắm và hải sản từ xứ Nghệ ra Kẻ Chợ. Theo các truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương thì nơi phát tích của các ngài chính là ở vùng cửa Cờn ven biển Nghệ An, vào thời Lê đây là một trong những thương cảng lớn của miền Trung, rất có thể các thuyền buôn đã từ đây hoặc qua đây rồi ngược vào đất liền, mang theo những sản vật của biển, cả những sản phẩm vật chất và tinh thần, trong đó có tín ngưỡng thờ Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương - một sản vật tinh thần đặc sắc của văn hóa biển. Các nhà ngôn ngữ học đã cho chúng ta biết rằng, âm “càn” đồng nhất với các từ “K’lan, Kan…càn” để chỉ con cá (thuộc hệ từ Nam đảo), “Đại càn” hay “Càn hải đại vương” phải chăng để chỉ cá voi, cá kình - những linh vật đại diện cho biển cả và những con nước. Dân vạn chài và sau đó là thương lái thờ Càn hải đại vương để mong được yên ổn trong những chuyến đi biển, chẳng may gặp sóng to gió lớn thì được thần cứu mạng. Có lẽ vị thần này đã xuất hiện ở vùng ven biển từ khá sớm, nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau đã dẫn đến sự hội nhập những thần linh Trung Hoa vào hệ thống tín ngưỡng này, làm xuất hiện “Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương” của người Việt.
2. Từ một/bốn vị thần biển được lập đền thờ ở rất nhiều cửa biển như
cửa Cờn ở Nghệ An, cửa Trương ở Quảng Nam, cửa Triều ở Thanh Hóa, cửa Lác ở Nam Định…Đại càn Tứ vị Thánh nương đã được thờ ở đền Lộ - một vùng đất ven sông Hồng và trở thành Tứ vị thánh mẫu, tiếp nối truyền thống tôn thờ Mẫu của cư dân Việt cổ. Sự thay đổi không gian thiêng (từ biển vào sông), có thể cả sự thay đổi chủ thể tín ngưỡng (từ những ngư dân đánh bắt cá trên sông biển sang các thương nhân) chắc chắn sẽ dẫn tới những thay đổi trong bản thân tín ngưỡng ấy:
- Từ ven biển đi vào châu thổ, tục thờ Tứ vị Thánh nương trước hết là của những ngư dân rồi thương nhân, đã có được một chỗ đứng vững chắc trong điện thần của người dân ở châu thổ Bắc Bộ. Để có được vị trí này, chúng tôi cho rằng tục thờ này phải có một sự hội nhập hết sức linh hoạt vào tín ngưỡng thờ Mẫu, một hình thức tín ngưỡng xuất hiện từ rất sớm trong đời sống tâm linh của người Việt. Sự hội nhập này, theo chúng tôi, được biểu hiện tương đối rõ rệt, mà trước hết là ở danh xưng. Nếu như ở đền Cờn có sự phân định tương đối rõ rệt giữa từng vị trong tứ vị (4), thì ở đền Lộ hầu như không có sự phân định này, dân gian thường gọi bằng một danh xưng chung là “mẫu”, mỗi khi cúng lễ cũng chỉ khấn chung bằng danh xưng đó. Chúng tôi phỏng đoán rằng, theo thời gian, người dân ở đây đã nhìn thấy ở ngài hình ảnh của Mẫu Thoải - lực lượng sáng tạo ra nguồn nước nuôi sống con người và vạn vật, mà đối với người nông dân Việt ở châu thổ thì trước hết là nguồn nước của nghề nông, rồi sau này khi thương mại phát triển Mẫu Thoải cũng trở thành vị thần bảo trợ của các thương nhân, và dấu vết biển cả - đúng hơn là dấu vết của vị thần bảo trợ cho các ngư dân.
Vì đã hội nhập vào tín ngưỡng thờ Mẫu nên sự bài trí các ban thờ và tượng thờ ở đền Lộ cũng tương tự như ở các đền thờ Mẫu khác, điểm đặc biệt duy nhất chỉ ở chỗ cả 4 pho tượng Tứ vị Thánh nương đều được bày chung trong một chiếc khám. Tuy nhiên phục trang và vị trí của từng pho tượng vẫn nhắc người ta nhớ đến hình ảnh của tứ phủ trong đạo thờ Mẫu : một vị mặc áo vàng ở chính giữa và ba vị mặc áo có các màu xanh, đỏ, trắng. Không chỉ có thế, hầu đồng - một lễ thức đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu, được thực hành thường xuyên ở đền Lộ như chúng tôi đã nêu ở trên, cũng là một minh chứng rõ rệt cho sự hội nhập này.
- Lễ hội đền Lộ được tổ chức từ ngày mồng một đến mồng 10 tháng hai, còn lễ hội đền Cờn xưa được tổ chức từ 21 tháng chạp đến 22 tháng giêng, trong đó lễ hội chính là từ 15 đến 22 tháng giêng (5). Sự khác nhau về thời điểm tổ chức lễ hội này không phải là phổ biến trong dân gian, bởi trong trường hợp một vị thần cùng được thờ ở nhiều nơi khác nhau thì lịch lễ tiết thường là trùng nhau. Nếu có sự khác biệt nào đó chứng tỏ hiện tượng tín ngưỡng ấy đã được dân gian các nơi địa phương hóa cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh xã hội của địa phương mình. Với đền Lộ, người dân ở đây cho biết rằng lễ hội được tổ chức vào tiệc Mẫu mà chính tiệc vào ngày mồng 6 (theo ngọc phả tại đền Lộ thì ngày 7 tháng 2 âm lịch là ngày thần sinh, còn ngày12 tháng 6 là ngày ngài hóa ; ở đền Cờn ngày hóa của các ngài lại là ngày mồng 7 tháng giêng ...). Nhưng chúng tôi cho rằng, lý do chính để đền Lộ mở hội vào dịp này lại là, vào tháng 2 âm lịch nước sông Hồng thường cạn, người ta phải làm lễ để cầu nước lên cho sự đi lại của các con thuyền được dễ dàng, bởi bến Lộ đã có những con thuyền lớn (thuyền đinh) vào ra, nên nếu nước cạn sẽ là một trở ngại rất lớn. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là một giả thiết làm việc mà chúng tôi thử đặt ra, để đến được kết luận cuối cùng chắc chắn còn đòi hỏi có sự tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Trong lễ hội đền Cờn ngoài những cuộc tế lễ rước xách như ở nhiều lễ hội khác, còn có rất nhiều lễ thức, trò diễn như hội bơi thuyền, lễ hội rước thuyền ngự du xuân, lễ tế trầu, lễ tế trâu, lễ tế bánh, tục chạy ói…(6). Nhưng trong lễ hội đền Lộ, không những không thấy các lễ thức hay trò diễn này, mà trọng tâm của lễ hội lại đặt vào lễ cấp thủy/rước nước - một lễ thức điển hình của cư dân trồng lúa nước : “Lễ rước nước hình thành như một hành động thiêng liêng biểu trưng cho lòng cầu mong nước - từ những cơn mưa phải thì - và trở thành một nghi lễ mở đầu cho rất nhiều hội làng vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ” (7).
Và, còn một vấn đề nữa mà chúng tôi cho rằng cũng không thể bỏ qua ở đây, đó là lễ vật dâng lên Mẫu trong hội đền Lộ : cơm nắm và muối vừng. Người dân vùng Lộ cho rằng vì Mẫu đã có thời gian đi tu (ở chùa ?) nên phải dâng lễ chay lên ngài – là cơm nắm và muối vừng – nhưng chúng tôi ngờ rằng, nguyên nhân chính có lẽ không chỉ như vậy. Cơm nắm và muối vừng thuộc dạng lương thực có thể mang theo để ăn đường, hay còn gọi là lương khô, thời xưa khi đi xa khỏi nhà thường người ta phải mang cơm nắm muối vừng. Chúng tôi thấy rằng với những thương thuyền, do điều kiện suốt ngày lênh đênh trên sông nước mà có thể nhiều lúc các thương nhân này phải dùng chính những phẩm vật mà mình sẵn có, chắc chắn cơm nắm muối vừng là một trong số đó, để dâng lên Mẫu trong các chuyến hành trình vất vả của mình, dần dần nó sẽ trở thành những lễ vật bắt buộc trong các ngày lễ trọng (?). Hoặc cũng có thể đây chính là một tục hèm của thần, thời gian trôi đi người ta không còn “đọc” được ý nghĩa khởi nguyên của nó nữa ?
Qua một vài nhận xét mà chúng tôi vừa nêu, có thể thấy khi đã “cập một bến” mới, tín ngưỡng thờ Đại càn Tứ vị Thánh nương đã có những sự biến đổi nhất định để phù hợp với môi trường sinh thái nhân văn mới, những lớp sóng biển ngày một lùi xa nhường chỗ cho những lớp phù sa văn hóa châu thổ, những ý nghĩa mới nảy sinh trên cơ sở những ý nghĩa cũ ngày càng lắng xuống sâu hơn. Hiện tượng tín ngưỡng Tứ vị Thánh nương có mặt ở châu thổ Bắc Bộ là một biểu hiện của văn hóa biển đã theo các thương thuyền vào sâu trong đất liền, đánh dấu một bước phát triển của thương mại dưới dạng buôn chuyến. Ở Hà Nội, ngoài đền Lộ, Tứ vị Thánh nương còn được thờ ở một số nơi khác như ở phố Hàng Lược hay phố Hàng Than, những nơi này đều sát bờ sông Hồng và trước đây có gắn với các hoạt động thương mại. Như vậy, giao lưu kinh tế luôn là một tiền đề cho sự giao lưu văn hóa, và vai trò của một con thuyền buôn nhiều khi không đơn giản chỉ là chuyên chở những sản phẩm vật chất, mà còn chở cả những giá trị văn hóa tâm linh. Chúng tôi cho rằng, đền Lộ với tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương không phải là minh chứng duy nhất cho sự ảnh hưởng của văn hóa biển vào văn hóa châu thổ thông qua các thương thuyền. Nếu tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu chắc chắn chúng ta sẽ nhận diện được nhiều hơn nữa những hiện tượng lý thú tương tự.
V.T.H.L
1. Tứ vị Thánh Nương - Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3(2000), tr.127.
2. Văn bia Hà Tây - Bảo tàng tổng hợp Sở VHTT Hà Tây, 1993, tr.26,27.
3. Văn bia Hà Tây, sđd, tr.27.
4. Xem thêm Làng biển Phương Cần, trong Văn hóa dân gian làng ven biển – Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
5, 6. Xem thêm Làng biển Phương Cần, sđd.
7. Viện Văn hóa dân gian : Lễ hội cổ truyền – Nxb. KHXH, Hà Nội, 1992, tr.122-123.