Những góc nhìn Văn hoá

Ngựa – trong cuộc sống đời thường và trong đời sống văn hóa

Ngựa (Equidae), họ thú có guốc lớn, thuộc bộ Guốc lẻ (Perissodactila)

Ngựa chỉ có 1 ngón, do ngón chân 3 phát triển tạo thành, các ngón 2 và 4 tiêu giảm thành que xương nhỏ bám 2 bên ngón 3, có 3 răng cửa ở mỗi nửa hàm trên và dưới, có một đôi vú ở bụng dưới. Ngựa ăn thực vật. Có 3 chi vẫn còn sống là: ngựa (Equus), lừa (Asinus) và ngựa vằn (Hippotigris).

Họ ngựa có 7 loài, phân bố rộng khắp ở châu Á và châu Phi.

Ngựa rừng Pzevalski (E. pxevalskii) hiện sống ở miền tây bắc Trung Quốc và miền nam Mông Cổ được xem như là tổ tiên của giống ngựa phương Đông. Ngựa được các dân tộc thuần dưỡng ở những thời gian sớm muộn khác nhau, nhưng cho đến nay ngựa nhà đã phân bố rộng khắp thể giới với những ngoại hình, kích thước và màu sắc khác nhau. Cho đến nay có khoảng 200 giống ngựa  được dùng để cưỡi, kéo xe, thồ hàng, làm ngựa chiến, ngựa đua, v.v.

Loài ngựa được thuần dưỡng lâu đời là E. cabalus. Ngựa nhà thân dài 2,8m, vai cao 1,6m, có bộ xương thích nghi với chạy đường dài. Trưởng thành sau 3 – 4 tuổi, mang thai 11 tháng, đẻ trung bình 2 năm 1 con.

Có thể kể ra đây một số giống ngựa quen thuộc. Như ngựa A rập tầm vóc trung bình, lông đốm, chạy nhanh, dai sức, trước đây dùng làm ngựa chiến. Ngựa Anh tầm vóc to lớn, ngoaị  hình cân đối, chạy nhanh, trước đây dùng làm ngựa chiến, nay dùng làm ngựa đua. Ngựa Mông Cổ tầm vóc lớn, chạy nhanh, dai sức, nay dùng làm ngựa đua, ngựa chăn cừu. Ngựa Cacbadin tầm vóc lớn, màu đỏ nâu, chạy nhanh, dùng vận tải hàng, ngựa đua. Ngựa thảo nguyên tầm vóc trung bình, tinh khôn, dùng chăn cừu, bò trên vùng thảo nguyên.

Ngựa vằn thuộc họ ngựa, bờm bằng và dựng, bộ lông màu trắng có nhiều vằn ngang màu đen. Cá biệt cũng có loaị ngựa vằn E. quagga có bộ lông màu đỏ với ít sọc ở phần thân trước. Kích thước dài 2 – 2,4m, cao vai 1,2 – 1,4m, đuôi có lông chùm dài 45 – 55cm, nặng 130 – 135kg. Ngựa vằn phân bố chủ yếu ở đông, trung và nam Phi châu. Người ta thường chia ngựa vằn thành 3 loài với 6 phụ loài. Ngựa vằn có tập tính sống thành đàn gồm một số ngựa cái với ngựa con, đầu đàn là một con ngựa đực. Ngựa cái đẻ 4 năm 1 lứa, mỗi lứa 1 con, thời gian chữa là 370 ngày. Nơi cư trú là những trảng cỏ với bụi cây. Ngựa vằn là mồi săn cuả sư tử.

Việt Nam ta vốn không phải là nơi phát sinh của ngựa. Các nhà khảo cổ và cổ động vật đã khai quật hàng mấy trăm di tích khảo cổ và cổ sinh vật trong các di tích văn hóa thời đại đá củ và sơ kì thời đại đá mới thuộc thời Cánh tân (Pleistocene) và đầu thời Toàn tân (Holocene) phát hiện hàng vạn tiêu bản xương răng động vật hoang dã như các loài voi, hổ báo, hươu, nai, hoẵng, tê giác, lợm rừng, trâu bò rừng, gấu, khỉ, nhím, sóc, cầy, chó, mèo rừng, v.v. nhưng cho đến nay chưa gặp một đoạn xương hay hàm răng ngựa nào. Điều này cho thấy cho đến đầu thời toàn tân, ngựa chưa xuất hiện trên đất nước ta. Và như thế có nghĩa là loài ngựa di cư vào nước ta muộn mằn sau này.

Tuy vậy, trong nhiều trăm năm qua và cho đến cả ngày nay ngựa vẫn là con vật rất được coi trọng ở Việt Nam, nhất là ở vùng núi và trung du Bắc bộ. Đặc điểm của ngựa Việt Nam hiện nay là nhỏ con, chỉ nặng 140 – 170kg và được gọi theo tên địa phượng như ngựa Cao Bằng, ngựa Bắc Kạn, dùng để thồ hàng, kéo xe và cưỡi, cá biệt còn dùng thịt ngựa lông trắng (ngựa bạch) làm thuốc. Sau này, nhất là sau khi bị thực dân hóa, tiếp xúc với văn hóa phương Tây việcsử dụng ngựa ở Việt Nam cũng có những đổi thay nhất định. Tại Việt Nam đã bước đầu tiến hành lai tạo ngựa Việt Nam với ngựa các nước để nâng cao tầm vóc, sức kéo, thồ hàng và  cả huấn luyện ngựa nhà thành ngựa đua. Sự thay đổi này thể hiện rõ nhất ở miền nam với sự ra đời của trường đua ngựa Phú Thọ trển đất thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Tài liệu cho biết, tại huyện Đức Hòa thuộc Long An có 7 xã và thị trấn (Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Tân Phú, Hòa Khánh Đông và Hậu Nghĩa) còn lưu giữ nghề nuôi ngựa đua. Thời thuộc Pháp, ở Sài Gòn có dòng ngựa Mai Phụng là tên một con ngựa cái được lai tạo từ ngựa cỏ Việt Nam với ngựa nước ngoài được Nữ Hoàng Anh tặng cho trường đua Phú Thọ khi trường đua ngựa mới xây dựng. Con ngựa này có sức bền cao, nhảy cao, tinh khôn, tuổi thọ lâu dài, thân hình đẹp. Lúc bấy giờ, “con ngựa chiến” có tên Mỹ Phương của anh Nguyễn Văn Tiến cũng được nhiều người biết đến là một con ngựa lai đẹp. Như vậy là ở ngay Việt Nam, tuy không phải là sản địa của ngựa, và giống ngựa Việt Nam cũng khiêm nhường nhỏ nhắn, chủ yếu dùng để chuyên chở, kéo xe và dần dần cũng chuyển dần theo phương Tây, hình ảnh ngựa cũng đi vào đời sống văn hóa, mà trường đua ngựa Phú Thọ là một dấu ấn tiêu biểu.

Nhân nói đến ngựa trên đất Việt Nam, xin nói thêm là trong số hàng vạn tiêu bản xương răng hóa thạch và chưa hóa thạch thu lượm được trong các di tích khảo cổ thời tiền sử nước ta không phát hiện được một tiêu bản xương rặng ngựa nào, nhưng lại phát hiện được một loài động vật khác không phải ngựa nhưng tên lại được ghép kềm với tên ngựa. Đó là loài gấu ngựa có tên khoa học là Ursus (Selenarctos) thibetanus phân biệt với loại gấu chó có tên khoa học là Ursus (Selenarctos) malayanus. Loại gấu ngựa này đã phát hiện được ở các di tích hang Làng Tráng, mái đá Điều (Thanh Hóa), hang Thẩm Ồm (Nghệ An), hang Xóm Trại (Hòa Bình), hang Thẩm Khương (Lai Châu).

 Phù Phù điêu ngựa trong mộ cổ thời Đường (TrungQuốc) 

  Trong lòng biển nước ta lại có một loại cá có phần thân giống hình đầu ngựa, đuôi dài xoắn ốc, được gọi là cá ngựa, với tên khoa học là Hippocampus, thuộc chi cá biển, họ cá chìa vôi (Syngnathidae). Cá ngựa thường có thân dài 20 – 25cm, có con dài tới 30cm, màu vàng đỏ, xanh hay trắng. Chúng bơi thẳng đứng bằng vây lưng. Con cái đẻ trứng, có khi đẻ đến 500 trứng, con đực hứng trứng vào túi ngực ấp. Chúng sinh sản vào mùa hè, sống dọc bờ biển Việt Nam ,Trung Quốc. Thịt có vị ngọt hơi mặn, tính âm. Bổ khí huyết, có tác dụng kích thích sinh dục, chữa suy nhược thần kinh. Từ cá ngựa, trong dân gian lại có trò chơi cá ngựa được con trẻ rất ưa thích.

Từ con ngựa kéo xe thồ hàng đến con ngựa sắt của Thánh Gióng

Nước ta có ngựa ở khắp nơi, lên các bản làng miền núi, đi các phiên chợ tình, dễ dàng gặp các đôi bạn thanh niên diện những bộ quần áo nhiều màu sắc dân tộc cưỡi ngựa vượt đèo, hay vào miền nam trước đây thường thấy những chiếc xe thổ mộ ngựa kéo lọc cọc trên những con đường rài đá chạy quanh xóm làng. Nhưng nhìn chung số lượng ngựa trên đất nước ta không phổ biến như trâu bò kéo cày. Tuy vậy, hình ảnh con ngựa trong cuộc sống cũng in đậm nét trong tâm thức người Việt.

Người Việt cũng như nhân dân các nước theo văn hóa phương Đông quan niệm ngựa là con vật có đức tính trinh tiết. “Kinh dịch” đời Chu ca ngợi con ngựa “Tẫn mã chi trinh” (đức trinh tiết của ngựa cái). Ngựa cũng được xem là con vật trung thành với chủ, nên con ngựa của Quan Văn Trường thời Tam Quốc có tên là “ngựa Xích Thố”.

Nhìn hình ảnh một con ngựa đang phóng nhanh người ta có cảm giác nhanh mạnh cho nên trong văn hóa phương Đông ngựa còn là biểu tượng của sự thành đạt mau chóng, Nên có câu “mã đáo công thành”. Hay trong dân gian, chiếc xe đạp biểu tượng cho sự nhanh chóng được dân ta gọi là “con ngựa sắt”. Ngựa sắt ở đây không thần thánh như ngựa sắt Thánh Gióng cưỡi, mà chỉ đơn giản là để nói lên chiếc xe đạp cũng chạy nhanh như con ngựa chạy. Hay một người đang làm ăn phát triển, thăng quan tiến chức, bổng dưng gặp thất bại hay mất chức, người ta cho là anh ta “giữa đường ngã ngựa”. Hay một chàng thanh niên đang có cuộc tình say đắm với một cô gái nào đó, bổng nhiên cắt đứt quan hệ một cách đột ngột, lẫn tránh mất tăm, được mọi người cho là anh ta “quất ngựa truy phong”. Hay một chàng thanh niên vô kỷ luật, không nghe lời khuyên giải của các bậc cha mẹ, làm nhiều điều sai trái thường bị mọi người cho là “con ngựa bất kham”.

Nhưng có lẽ hình ảnh con ngựa được thể hiện với ý tưởng cao đẹp nhất của nhân dân ta là hình tượng con ngựa chiến mà Thánh Dóng phi từ Châu Cầu Quế Võ đuổi giặc Ân đến Sóc Sơn, nhổ tre đằng ngà đập chết tướng đầu sỏ Thạch Linh của chúng, rồi cởi áo để lại phi ngựa về trời. Ngày nay, người dân Việt khi đi qua xã Phù Linh Sóc Sơn, nhìn lên pho tượng Thánh Dóng phì ngựa chiến về trời, mới được xây dựng trên đỉnh núi cao vút, mới thấy hết được hình ảnh cao quý của con ngựa, đâu chỉ có kéo xe thồ hàng.

 

      Từ tượng ngựa quanh lăng mộ đến hình ngựa trên đình miếu.

Việt Nam ta cũng như  hầu khắp các nước trên thế giới, con ngựa với vóc dáng đẹp, chạy nhanh, phục vụ con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong thời chiến trận, nên từ rất sớm đã được các nghệ sĩ  hội họa cũng như điêu khắc chọn làm đối tượng miêu tả trong các tác phẩm của mình. Nhưng so với Trung Quốc cũng như phần lớn các nước châu Âu hình tượng ngựa thể hiện trên các tác phẩm nghệ thuật trên đất nước ta không thật nhiều lắm và thời gian cũng tương đối muộn màng. Tuy vậy, với sự nổ lực của các nhà khảo cổ học cũng như các nhà nghiên cứu mỹ thuật, một số hình tượng ngựa trong các tác phẩm điêu khắc cũng đã được phát hiện ngày một nhiều hơn.

Cho đến nay, hình tượng con ngựa được thể hiện sớm nhất trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam là loại tượng tròn ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được sáng tác vào khoảng giữa thế kỷ 11. Đó là hình tượng ngừa nằm ngồi trên đài sen với ý nghĩa linh vật chuyển tải kinh pháp Phật giáo tới cứu độ chúng sinh, Nhóm tượng Phật cũng như tượng voi ngựa ở đây được xem là những tác phẩm điêu khắc đá vào loại đẹp nhất nước ta, các bộ phận, các đường nét được thể hiện khá hiện thực trau chuốt.

Đến thế kỷ 15, với chiến thắng  của Lê Lợi trước bọn xâm lược nhà Minh, thời Lê Sơ đất nước ta trở nên hùng mạnh, cung điện, lăng tẩm được xây dựng bề thế to lớn. Trong đó, quanh các lăng vua mộ Lê ở Lam Kinh có khá nhiều tượng ngựa đá. Đặc trưng của loạt tượng này là nhỏ nhắn, thân dài chân ngắn, điêu khắc nhiều nét rối rắm.

Đến thế kỷ 17 và nhất là thế kỷ 19 phổ biến loại tượng ngựa mồ, cả ở ngoài bắc lẫn trong nam. Về hình thức loại tượng mồ này gần với thức tế, có yên cương đầy đủ.Tượng ngựa ngoài bắc không rỗng lòng như tượng ngựa khu lăng tẩm Huế. Ngựa mồ được thể hiện cặp đôi nghiêm trang đứng chầu vào đường linh đạo; nhiều khi chúng mang ý nghĩa linh vật chuyển tải bầu trời với gù tròn trên đầu, giữa hông để tượng trưng nhật nguyệt, rồi thất tinh điểm xuyết quanh gù hồng văn. Yên ngựa thường là phượng, linh vật tượng trưng cho tầng tiên. Ngựa ở lăng mộ quận công xứ Bắc, khá phổ biến ở vùng Bắc Giang, thường làm bằng đá xanh hoặc đá ong, có khi đắp bằng vữa gạch với kích thước khá lớn, bằng hoặc lớn hơn ngựa thật. Chẳng hạn như tại lăng Dương Hương ở Bắc Giang có một bức tượng đá khá đẹp điêu khắc rõ nét một người tay cầm cương dắt ngựa khá hiện thực. Người cũng như ngựa được khắc đúng tỷ lệ các bộ phận. Ngựa có đủ tai, mắt, mặt mũi, gù cùng yên cương đầy đủ. Người có mặt mũi tay chân rõ ràng, đầu đội mũ mặc áo dài đứng sát ngay đầu ngựa. Theo các nhà nghiên cứu pho tượng này có niên đại thế kỷ 18. Hay ở lăng quận công Thường Tín cũng có tượng ngựa đá khá lớn cao tới 2,1m, dài 1,8m. Còn trên cánh đồng xã Phụng Thượng huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội cũng có một tượng ngưa đá đứng trên một bệ hình chữ nhật, 4 chân đứng thẳng, cổ đeo vòng quả nhạc, lưng chạm nổi yên ngựa hình vòng cung, đuôi dài phủ kín hông, cao to bằng ngựa thật.

Tượng ngựa ở lăng tẩm Huế thường điêu khắc từ đá xanh hoặc đá vôi, bụng rỗng, kích thước bình thường. hoặc hơi bé.

Đáng chú ý là vào thời Lê mạt, thế kỷ 18, bên cạnh việc phổ biến tượng ngựa đặt quanh các lăng mộ vua chúa, quận công, còn lẻ tẻ xuất hiện hình tượng ngựa được thể hiện trên các diềm điêu khắc bằng gỗ trong một số đình miếu trên miền bắc hay miền trung. Chẳng hạn như ở đình Quang Phúc, thành phố Hà Nội có một điêu khắc bằng gỗ gọi là mã phu, miêu tả hình ảnh một con ngựa có đủ yên cương, cổ đeo vòng hoa đang rảo bước, bên cạnh có một người cầm lọng đi theo. Bức tranh được miêu tả khá hiện thực đẹp mắt, có niên đại vào khoảng thế kỷ 18.

Ở miền Trung,tại tháp Chàm Khương Mỹ, gần chân tháp trang trí một con ngựa có ngưỡi cưỡi cùng hai bánh xe được thể hiện khá hiện thực. Đây là một con ngựa đang đứng, đầu có gù, cổ ngẩng cao có dáng đứng oai vệ. Ngưỡi cưỡi ngựa đầu đội mũ, mặc quần áo Chăm khá đẹp.

Qua đó, có thể thấy từ đền miếu, đình làng đến lăng mộ ở miền Bắc cũng như miền Trung trên đất nước ta, con ngựa có phần nhỏ bé hàng ngày kéo xe thồ hàng đã là những hình tượng được thể hiện một cách khéo léo thành những tác phẩm tạo hình, tác phẩm điêu khắc phản ảnh những mong ước của con người trong cuộc sống thường nhật.

 

               Từ những bức bích họa thời tiền sử bên trời Âu

           đến những bức quốc họa tuấn mã trên đất Trung Quốc

Con ngựa trên đất nước ta là như vậy, còn con ngựa trên nhiều vùng trên thế giới còn xa xưa và hoành tráng hơn nhiều. Nhiều di tích thời đại đá cũ cách ngày nay hàng mấy vạn năm ở châu Âu, châu Phi các nhà khảo cổ đã phát hiện những bức tranh vẽ trên vách núi, vách hang, thường được gọi là bích họa, hình những thú rừng như  bò rừng, tê giác, tuần lộc và cả ngựa hoang, tô màu hoặc không rất đẹp. Trong đó có những bức bích họa nổi tiếng khắp toàn thế giới, như bức tranh ngựa ở hang Lauscaux (Pháp} đẹp đến mức người ta phải gọi hang đó là “bảo tàng Louvre kỷ băng hà” hay là “nhà thờ Sĩxtine”. Cũng thuộc thời tiền sử, còn có khối đá vôi chạm nổi một con ngựa và một con vật hư cấu ở hang đá Rốc Đơ Xê. Các nhà nghiên cứu cho rằng những hình thú vật được vẽ hoặc đục lên vách đá có ý nghĩa ma thuật, các thầy phù thủy dùng làm phép để thu phục mồi săn. Những hang động đó có thể là những nơi dùng để tiến hành nghi lễ thờ cúng. Những bức bích họa này cho thấy ngay từ thời đại đá cũ một số cư dân nguyên thủy sinh sống bằng săn bắn hái lượm đã biết đến loại ngựa hoang này, và rất có thể những con ngựa này là đối tượng săn bắn của họ lúc bấy giờ.

Còn trên đất nước Trung Hoa rộng lớn, tuy không phát hiện được những bích họa vẽ hình tượng ngựa, nhưng tư thời Thương Chu do nhận thức được giá trị thực tế của ngựa trong cuộc sống hàng ngày cũng như ý nghĩa biểu tượng của ngựa trong quan niệm dân gian nên trong quốc họa Trung Quốc có một chủ đề về ngựa.

Ngựa đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Từi 2450 năm trước Công nguyên đã xuất hiện tượng ngựa và xe hai bánh do ngựa kéo. Ngựa Trung Quốc phần lớn  là mua trực tiếp từ các bộ lạc du mục tây bắc như Đột Quyết, Hung Nô, Si Vưu, Mông Cổ. Trong thời Tây Chu cũng như Đông Chu, chiến tranh giữa các chư hầu xẩy ra liên miên. Trong các cuộc chiến tranh đó ngựa đóng một vai trò rất quan trọng, nên những người nuôi ngựa giỏi và những lái buôn ngựa rất được coi trọng. Chẳng hạn như Lã Bất Vi thời Tần vốn là một lái buôn ngựa rất được tin dùng. Hay như tướng Mã Viện thời Hán là người sành ngựa nổi tiếng, vốn là người nuôi ngựa.

Con ngựa được coi trọng như vậy trong cuộc sống lúc bình thường cũng như lúc chiến trận và ngựa chiếm một địa vị quan trọng trong đối tượng miêu tả của các họa sì nhiều thời đại trên đất Trung Quốc.

Trong lịch sử hội họa Trung Quốc đã xuất hiện nhiều họa sĩ vẽ ngựa nổi tiếng như thời Đường có Hàn Cán, Tào Bá, thời Nguyên có Trần Mạnh Phú,. Đáng chú ý là họa sĩ Từ Bi Hồng (1895 – 1953) là người đã vẽ những bức họa theo bút pháp quốc họa bằng mực tàu nhiều bức tranh về ngựa nổi tiếng. Trong những bức tranh ngựa Trung Quốc, phần lớn vẽ 3 tuấn mã đang phi nước đại. Song nổi tiếng hơn cả phải kể đến bức tranh “bát tuấn” đã được phổ biến rộng rãi trên đất nước Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là bức tranh vẽ 8 con tuấn mã của Chu Mục Vương là ngựa xích kỵ, đào ly, bạch nghĩa, du luân, sơn tử, cử hoàng, hoa lưu, duyên nhỉ là những ngựa kéo xe đưa vua đi thăm thú khắp nơi.

 

        Từ “con ngựa thành Troa” đến câu chuyện “tái ông thấtmã”

Hình tượng ngựa không những được thể hiện thành những hình tượng trên bích họa hay trong các bức quốc hoạ kể trên, mà còn lắng đọng trong nhiều câu chuyện dân gian trong các dân tộc phương Đông cũng nhưi phương Tây.

Chẳng hạn như câu chuyện “con ngựa thành Troa” có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp. Chuyện kể rằng sau mười năm chiến đấu ở thành Troa, quân Hy Lạp không thể chiến thắng bằng quân đội, phải theo kế của Odyssey là giả vờ tản ra lấy gỗ làm một con ngựa, sau đó giả vờ rút khỏi ra ngoài, chỉ để lại một người. Người này có nhiệm vụ  đánh lừa quân thành Troa, khiến họ tưởng rằng, đố là món quà của Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athene đã bị Hy Lạp phá hỏng. Thực chất trong con ngựa chứa đầy lính. Quân thành Troa sau khi no say trong bửa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp từ trong bụng ngựa đã xông ra đánh và mở cổng thành cho quân Hy Lạp từ bên ngoài xông vào chiếm thành. Câu chuyện nhờ ngựa gỗ mà quân Hy Lạp chiến thắng là một bài học cảnh giác cho mọi cuộc chiến.

Còn câu chuyện “tái ông thất mã “ lại là một câu chuyện từ phương Đông. Sách “Hoài Nam Tử” của Lưu An (179 – 122 trước Công nguyên) kể rằng ngày xưa có một ông già ở vùng biên giới phía bắc rất giỏi việc nuôi ngựa, một hôm ông phát hiện ngựa của ông đã sang nước Hồ láng giềng. Bà con hàng xóm tiếc cho ông, nhưng ông già nói “Biết đâu nó lại mang đến một điều phúc”. Vài tháng sau, con ngựa đột nhiên quay trở về cùng với một con ngựa quý nữa. Hàng xóm đến chúc mừng, nhưng ông nói “ Biết đâu nó lại mang đến tai họa”.

Con trai ông thích cưỡi con ngựa đó, và rồi một hôm con trai ộng bị ngã ngựa gãy chân, bị què. Hàng xóm đến an ủi, nhưng ông lại trả lời “Biết đâu nó lại mang đến điều phúc.

Một năm sau, nước Hồ đem quân sang xâm lược và tất cả trai tráng phải tòng quân. Kết quả 10 người đi thì 9 tử trận. Con trai ông bị què không phải đi, được ở nhà nên thoát chết. Họa có thể trở thành họa, họa đó lại có thể trở thành phúc. Sự chuyển hoá cũng là vô tận.

“Con ngựa thành Troa” hay “Tái ông thất mã”, chuyện phương Đồng, chuyện phương Tây, đều bàn về con ngựa và đã nêu lên cho con người những bài học về đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày.

                                                  *

                                               *      *

Qua các câu chuyện vừa kể trên cho chúng ta thấy ở ta cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, phương Đông cũng như phương Tây, con ngựa không những có một vị trí  quan trọng trong cuộc sống hàng ngày mà đã đi vào thế giới tinh thần và thẩm mỹ, ngựa đã trở thành một biểu tượng của văn học và nghệ thuật từ Đông sang Tây từ rất lâu đời.

 

 

Ảnh

  • Bích họa vẽ ngựa ở hang Lauscaux (Pháp)
  • Bức họa ngựa của từ Bi Hồng, (Trung Quốc)
  • Phù điêu mộ cổ thời Đường (Trung Quốc)
  • Tượng đá người dắt ngựa ở lăng Dinh Hương  Hà Bắc.
  • Chạm gỗ mã phu ở đình Quang Phúc, Hà Nội

6- Tượng ngựa đá ở xã Phụng Thượng        , Hà Nội

7 - Ảnh con cá ngựa

8 - Ảnh gấu ngựa

        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114562338

Hôm nay

2118

Hôm qua

2280

Tuần này

21451

Tháng này

220862

Tháng qua

129483

Tất cả

114562338