Người xứ Nghệ

Xứ Nghệ với Điện Biên Phủ

Xứ Nghệ, mảnh đất từ xưa được coi là phên dậu, chỗ dựa của quốc gia, có bản sắc văn hóa độc đáo; người dân có truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ, xứ Nghệ đã đóng góp nhiều sức người sức của; quân và dân xứ Nghệ lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.

Có một cơ duyên đặc biệt giữa xứ Nghệ với địa danh vùng Tây Bắc của Tổ quốc đã ghi dấu chiến thắng “chấn động địa cầu”: một danh nhân xứ Nghệ đã đề xuất tên phủ Điện Biên. Năm 1841 (đời Thiệu Trị thứ nhất), Tiến sĩ Ngụy Khắc Tuần, quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), dâng sớ lên vua, bàn kế sách mộ dân lên làm ăn sinh sống ở vùng đất châu Ninh Biên để làm phên dậu bảo vệ bờ cõi biên cương tạo kế lâu dài và đề nghị nhà vua đặt tên nơi ấy là phủ Điện Biên (奠邊)(1). Nhà vua đã chuẩn tấu, quyết định thành lập phủ Điện Biên vào năm 1841, với ý nghĩa là kiến lập vững bền (điện) vùng biên cương (biên) của đất nước. Địa danh Điện Biên Phủ ra đời từ đó, ghi dấu tâm huyết, lòng yêu nước, tầm nhìn xa rộng của một trí thức xứ Nghệ. Như một sự lựa chọn của lịch sử, hơn 100 năm sau, chiến thắng vĩ đại của dân tộc nơi mảnh đất này đã đuổi giặc Pháp xâm lược, đem lại bình yên cho Tổ quốc.                                            

60 năm đã trôi qua, nhưng trong kí ức ông Trần Bính (80 tuổi, xã Thanh Long, Thanh Chương) vẫn vẹn nguyên khoảnh khắc người đồng đội anh hùng Phan Đình Giót (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ngã xuống trước lô cốt của kẻ thù trong trận diệt cứ điểm Lim Lam vào tháng 3/1954. “Ngày ấy, sự hi sinh của anh Giót và các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn…đã tạo nên động lực tinh thần mạnh mẽ cho toàn quân, toàn dân”, ông Bính nhớ lại. Với khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, quân dân Nghệ An tòng quân. Cùng đợt nhập ngũ với ông Bính, Nghệ An có hàng nghìn thanh niên đi bộ đội và hàng vạn TNXP, dân công hỏa tuyến. Ở Thanh Chương, chỉ tiêu khám tuyển chỉ 100 người trong đợt 1, nhưng có tới 600 người dự tuyển. Tháng 12/1953, sau khi Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ - Tĩnh là một trong những vùng hậu phương quan trọng được giao nhiệm vụ chi viện. Tỉnh Nghệ An đã thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận để huy động mọi nguồn lực phục vụ chiến dịch. Tỉnh đã mở tiếp đường 15A, huy động nhân công làm 35 cầu, 53 cống và rải đá 150 km đường với gần 1,6 triệu ngày công, nối liền mạch máu giao thông từ Liên khu 1 đến Liên khu 3, Liên khu 5, biên giới Việt Lào để chi viện tiền tuyến. Không khí thi đua tham gia chiến dịch sôi động trong toàn tỉnh. Đúng ngày mồng một Tết Giáp Ngọ (1954), 32.000 dân công, hàng nghìn tân binh nô nức xung phong ra tiền tuyến. Nhiều gia đình có cả cha, con, dâu rể cùng ra mặt trận. Nhân dân Nghệ Tĩnh đã đóng góp hàng vạn ngày công để tu sửa và mở thêm các tuyến đường mới như đường 38 từ Yên Thành-cầu Bùng; đường 34 từ bảo Nham - Quán Hành, đường từ TX Hà Tĩnh đi Cẩm Xuyên -Cửa Nhượng; đường Linh Cảm - Hương Khê. Các tuyến đường thủy nội bộ được củng cố, hệ thống kênh đào Nhà Lê từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa được nạo vét. Nhân dân Nghệ An, trong năm 1953 đã đóng góp 5 triệu ngày công phục vụ công tác giao thông vận tải phục vụ chiến trường. Hà Tĩnh, một mặt huy động dân công, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch; mặt khác tập trung lực lượng làm mới và tu sửa đường số 8, đường 18, đường 74, đường qua Truông Mèn, Linh Cảm, Tân Ấp góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.

Nhân dân Hà Tĩnh, trong chiến dịch Trung Lào (tháng 11/1953), đã huy động 56 nghìn dân công hỏa tuyến, bình quân mỗi người phục vụ 2 tháng rưỡi trên chiến trường. 28,3 nghìn dân công Hà Tĩnh phục vụ bộ đội trên đất Lào, không để cho bộ đội bị đói, hăng hái thi đua, dũng cảm, bền bỉ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, gây ảnh hưởng tốt đối với nhân dân Lào; đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau, tiết kiệm của công. Dân công, TNXP Hà Tĩnh đã góp công lớn làm nên chiến thắng của chiến dịch Trung Lào, tiêu diệt và bắt sống 5.000 địch đã phối hợp đắc lực với chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến trường khác đưa cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đến thắng lợi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung đã làm sáng lên lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Nghệ Tĩnh. Đèo Pha Đin, địa danh đã đi vào lịch sử, trong chiến dịch Điện Biên Phủ do đại đội TNXP 293 (đội 34 Nghệ An) phụ trách. Các cán bộ chiến sĩ của Nghệ An đã, tăng năng suất 40% (2.336 ngày công), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải và phá bom, trong điều kiện bom đạn ác liệt, trời mưa lầy lội. Chiến sĩ Đặng Đình Hồ (quê Thanh Chương), trực tiếp tham gia chiến đấu 56 ngày đêm ở Điện Biên, nổi tiếng với lối đánh nhan như sóc, mạnh như hổ và thọc sâu chia cắt khiến quân địch khiếp sợ.  

Sau Cách mạng Tháng Tám, tình thế vô cùng khó khăn, quân và dân Nghệ Tĩnh đã từng bước củng cố chính quyền, phát triển kinh tế-văn hóa, giáo dục, chiến đấu chống lại thù trong, giặc ngoài, chi viện cho các chiến trường. Mặc dù kẻ thù có quân số đông, ưu thế về vũ khí thường xuyên tập kích, đổ bộ quấy rối các vùng biên giới và duyên hải, trong đó có những cuộc tập kích huy động cả nghìn quân với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại như cuộc đổ bộ vào Quỳnh Lưu tháng 10/1949, tấn công Cửa Nhượng vào tháng 9/1953,  nhưng chúng đều bị quân và dân xứ Nghệ kiên cường đánh trả phải rút lui. Quân và dân Nghệ Tĩnh còn tham gia chiến đấu và có nhiều chiến thắng quan trọng tại chiến trường Lào, ở Nọng hét và Na pê, Cam cớt… Trong 9 năm kháng chiến, hai tỉnh đã bổ sung 105.935 quân số cho các mặt trận (tương đương 10 sư đoàn), huy động 1,179 triệu dân công, đóng góp 31 triệu ngày công cho kháng chiến. Những người mẹ, người phụ nữ ở hậu phương cũng nhiệt tình đóng góp cho kháng chiến. Mẹ Bảo ở Đức Thọ mở “Quán quân nhân” để đón tiếp, giúp đỡ bộ đội. Quán quân nhân của Hội mẹ chiến sỹ ở Đức Thọ, Quỳnh Lưu và nhiều địa phương khác đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng bao chiến sỹ. Các mẹ Vũ Thị Mai ở Đông Thành, Đỗ Thị Lựu (Đại Đồng-Yên Thành) đã đóng góp số tiền lớn nuôi quân, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen. Trên các chiến trường, các chiến sỹ của quê hương Xô viết đã  vượt qua muôn và khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu; nhiều người con xứ Nghệ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng: Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Trần Can, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Đô Lương, Phan Tư, Đặng Đình Hồ…Trong 9 năm kháng chiến, hơn một vạn con em Nghệ Tĩnh đã ngã xuống trên các chiến trường.

Với địa bàn chiến lược và truyền thống ái quốc, trong mỗi thời điểm Tổ quốc lâm nguy, xứ Nghệ đều có những đóng góp xuất sắc, lớn lao góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà kết thúc là chiến dịch Điện Biên Phủ, sự hi sinh và đóng góp của quân dân Nghệ Tĩnh là hết sức to lớn. Đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Không có Thanh-Nghệ-Tĩnh, không có chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Sau chiến thắng, không ít người dân xứ Nghệ đã chọn Điện Biên là quê hương thứ hai của mình, tiếp tục đóng góp xây dựng mảnh đất này càng thêm giàu đẹp. Cộng đồng người dân xứ Nghệ ngày một trở nên đông đảo. Chỉ riêng TP Điện Biên Phủ vào năm 2004 có khoảng trên 400 người, trong đó nhiều người là lãnh đạo cao cấp của bộ máy Đảng, chính quyền. Hội đồng hương Nghệ Tĩnh được thành lập năm 1990, do ông Vũ Kim Thuyên, quê ở huyện Diễn Châu, nguyên là giám đốc nông trường Điện Biên, làm Chủ tịch Hội.

Cộng đồng người xứ Nghệ tại Điên Biên Phủ hiện nay gồm nhiều thế hệ. Trong đó thế hệ đầu tiên là những cựu chiến binh, thương binh, cựu TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã chọn mảnh đất từng chiến đấu làm quê hương thứ hai. Cộng đồng người xứ Nghệ vẫn phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học. Các thành viên của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh thường xuyên có những hoạt động quan tâm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Vào dịp Tết đến xuân về, Hội thường tổ chức gặp mặt các toàn thể hội viên. Đặc biệt, hàng năm, Hội chọn ngày 12/9 - ngày Xô viết Nghệ Tĩnh làm ngày gặp mặt toàn thể hội viên, nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng của quê hương. Một điều trùng hợp khá đặc biệt nữa là trong quá trình xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1, có hai người xứ Nghệ đã góp công không nhỏ là anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc thi công, phụ trách thi công và phóng mẫu và kỹ sư Phan Anh, chỉ huy trưởng công trình(2). Con em xứ Nghệ trên đất Điện Biên Phủ luôn hướng về cội nguồn, quê hương với tình cảm yêu mến, tự hào.

 Chú thích:

1-Võ Giáp. Người đặt tên phủ Điện Biên, Báo Người cao tuổi ngày 27/03/2014.

2.Theo nhà báo Võ Văn Thành trong ký sự “Hành trình về với Điện Biên”. Nguồn: http://ttvnol.com/threads/nguoi-xu-nghe-va-dien-bien-phu.163275/

Tài liệu tham khảo:

-Nghệ Tĩnh kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 (sơ thảo). Nhiều tác giả. Bộ chỉ huy quân sự Nghệ Tĩnh.1989.

-Lịch sử Nghệ An, tập II. Nhiều tác giả. HĐND-UBND tỉnh Nghệ An-NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2012.

-Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 1 (1930-1954). Nhiều tác giả. BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh- NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1993.

- Lịch sử Hà Tĩnh, tập II. Nhiều tác giả. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2001.

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441331

Hôm nay

248

Hôm qua

2283

Tuần này

21235

Tháng này

216505

Tháng qua

112676

Tất cả

114441331