Đất và người xứ Nghệ

Người họa sĩ đam mê dòng tranh trổ giấy

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền sinh năm 1958 tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Anh đến với nghệ thuật hội họa theo con đường học thuật bài bản. Năm 1981, anh học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, sau đó theo học Khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1998-2003). Anh sáng tác trên nhiều chất liệu nhưng có lẽ tranh trổ giấy là dòng tranh đem lại nhiều thành công nhất, làm nên “thương hiệu” tranh Nguyễn Đình Truyền ở xứ Nghệ.

Chọn hướng đi theo dòng tranh đòi hỏi công phu

Ai đã từng xem tranh trổ giấy của họa sĩ Nguyễn Đình Truyền chắc chắn sẽ có nhận thức rất khác về dòng tranh này. Nó không đơn giản như ta vẫn nghĩ, bức tranh với hàng ngàn nét trổ tỉ mẩn, công phu, các chi tiết trong tranh trổ giấy chẳng khác gì một bức họa. Điều thú vị là bức tranh được làm bằng chất liệu duy nhất là giấy. Nguyễn Đình Truyền thường sáng tác tranh đen trắng, nghĩa là tác phẩm của anh chủ yếu dựa vào sự tương tác giữa họa tiết với sự tương phản sáng tối, sự phối hợp giữa những khoảng trống, khoảng trắng với hình ảnh đồ họa.

Với năng khiếu bẩm sinh, thời trẻ, Nguyễn Đình Truyền đã từng kiếm sống bằng nghề cắt chữ, cắt vẽ hình trang trí đám cưới, hội họp... hẳn vì thế mà đôi bàn tay anh trở nên khéo léo, mềm mại hơn chăng? Khi vào học khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh đã khéo léo vận dụng thế mạnh của mình vào học tập, sáng tác. Tác phẩm của anh có sự kết hợp tài tình giữa đồ họa - hội họa - cắt giấy. Những tác phẩm của Nguyễn Đình Truyền được các thầy cô đánh giá cao, được bạn bè biết đến với dòng tranh trổ giấy. Sở dĩ Nguyễn Đình Truyền sớm nổi bật như vậy vì đây là dòng tranh rất kén chọn người làm. Ngoài khả năng hội họa, người làm tranh trổ giấy còn cần đến sự chịu khó, cẩn thận và khéo léo của một nghệ nhân, thế nên Nguyễn Đình Truyền đã sớm tìm ra hướng đi cho mình trong sáng tạo nghệ thuật.

Nói về sự khó khăn vất vả của công việc làm tranh, họa sĩ Nguyễn Đình Truyền cho biết: Để sáng tác nên một bức tranh trổ giấy, nếu chăm chỉ cũng phải mất từ 10 đến 15 ngày, còn thong thả thì cả tháng mới mới xong. Công việc làm tranh trổ giấy vừa phải có tư chất nghệ sĩ vừa phải có sự cần mẫn của người thợ thủ công, nhưng đòi hỏi cao hơn về ý tưởng lẫn sự khéo léo. Trước hết là công đoạn quét màu làm nền, sau đó là vẽ phác thảo, bức tranh phải được vẽ trái từ phía sau, đây là công đoạn đòi hỏi tư duy nghệ thuật cao nhưng giai đoạn quyết định sự thành bại của bức tranh là trổ tranh. Tranh được trổ bằng dao sao cho tạo ra được những nét nhỏ mà vẫn sắc, tạo nên những chi tiết sống động, thể hiện được cái hồn của vạn vật. Sau giai đoạn trổ là bồi tranh, nếu không cẩn thận tranh sẽ lệch, gãy nét, đứt nét… bức tranh sẽ hỏng, giai đoạn này cần sử dụng những kỹ thuật chống mốc, chống ẩm để bức tranh bảo quản được lâu. Cuối cùng là bo tranh hoàn thiện.

Tranh trổ giấy và những thành công của họa sĩ Nguyễn Đình Truyền

Tranh trổ giấy là một loại hình mỹ thuật có từ lâu đời, có nguồn gốc từ Trung Quốc.  Ở Việt Nam, tranh trổ giấy còn được lưu giữ trong dòng tranh dân gian Đông Hồ. Tuy nhiên, tranh trổ giấy dân gian Đông Hồ thường giản dị, mộc mạc, đậm chất thôn dã, đề tài ít, chi tiết đơn giản và theo mô típ. Trong giai đoạn từ năm 1955 đến 1980, một số nghệ nhân Đông Hồ được tuyển vào làm trong các cơ quan như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Nguyễn Đăng Khiêm), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Nguyễn Đăng Sần) hay Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp và NXB Văn hóa Dân tộc (Nguyễn Đăng Chế), các cụ đã sử dụng kỹ thuật trổ giấy để sáng tác, tranh được treo ở nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đó cũng là thời hoàng kim của tranh trổ giấy Việt Nam.

Trên thế giới, phải kể đến dòng tranh cắt giấy Kirigami của Nhật Bản, tranh cắt giấy ở Trung Quốc - ra đời 500 năm sau công nguyên. Đến nay, không nhiều họa sĩ sáng tác tranh trổ giấy nhưng dòng tranh này vẫn luôn có những bậc thầy đóng góp cho mỹ thuật hiện đại những tác phẩm tuyệt vời. Có thể kể đến Hari Panicker - họa sĩ thiết kế đồ họa, vẽ minh họa sách báo và Deepti Nair - họa sĩ chuyên ngành về sáng tác trên giấy. Họ đã kết hợp chất liệu giấy và ánh sáng trong bộ tác phẩm “Ồ, những nơi chốn mà bạn sẽ đến” lấy cảm hứng từ những huyền thoại Ấn Độ cổ và kịch rối bóng xứ Bali (Indonesia) hoặc từ trí tưởng tượng của họ tạo nên những thể nghiệm mới. Tranh trổ giấy của Hari Panicker và Deepti Nair được chiếu sáng bằng ánh sáng đèn LED từ phía sau. Tùy vào độ gần xa của ánh sáng mà hình ảnh trong tranh giấy trổ trở nên sâu hơn, gần hoặc xa, đậm hoặc nhạt… tạo hiệu ứng tầng tầng lớp lớp. Trong tranh trổ giấy thuộc dòng tranh Đông Hồ của Việt Nam, các nghệ nhân cũng sử dụng ánh sáng cửa kính hoặc treo ở khoảng trống không gian để tạo hiệu ứng thẩm mĩ.

 

Hoàng hôn trên cầu lạch Cờn

Nguyễn Đình Truyền không dùng đến hiệu ứng ánh sáng nhưng vẫn làm nổi bật được gam màu sáng tối. Tranh Nguyễn Đình Truyền nhiều chi tiết hơn so với tranh dân gian Đồng Hồ và tranh cắt giấy truyền thống của Nhật Bản, Trung Quốc. Mỗi tác phẩm của anh là một thế giới nghệ thuật sinh động, có sự kết hợp giữa cách điệu và tả thực. Chi tiết trong tranh Nguyễn Đình Truyền sinh động, đường nét uyển chuyển, bố cục hài hòa giữa người và cảnh, cảnh với cảnh, giữa hình ảnh và khoảng trống - khoảng trắng. Nếu sử dụng hiệu ứng ánh sáng, tranh Nguyễn Đình Truyền cũng sẽ sẽ tạo nên cảm giác lung linh, chiều sâu và kích thích trực giác người xem.

 

Tranh trổ giấy “Rừng cây thay lá” của họa sĩ Nguyễn Đình Truyền

Nguyễn Đình Truyền sáng tác trên nhiều chất liệu nhưng trổ giấy là chất liệu làm nên tên tuổi của anh. Tranh trổ giấy Nguyễn Đình Truyền được trưng bày và đạt giải cao ở nhiều triển lãm khu vực cũng như toàn quốc. Có thể kể đến các tác phẩm: “Lễ hội” - giải Khuyến khích Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung, năm 2006; “Hoa rừng” - giải B Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung, năm 2016; “Phiên chợ vùng cao” - giải khuyến khích Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung, năm 2019; Giải B - giải Sáng tác và Quảng bá tác phẩm VHNT Báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Mimh” (giai đoạn 2016 - 2018) do Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức với tác phẩm “Hội nhập và phát triển”; giải C Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương tỉnh Nghệ An giai đoạn: 2002 - 2005; giải A giai đoạn 2005 - 2010; giải B giai đoạn 2010 - 2015. Giải A giai đoạn 2015 - 2020.

Tranh trổ giấy “Trẻ trâu” của họa sĩ Nguyễn Đình Truyền

Nhiều tác phẩm tranh trổ giấy của Nguyễn Đình Truyền được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc như: “Lễ hội” năm 2010; “Lễ hội trái cây” năm 2010; “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” năm 2015; “Phiên chợ vùng cao” năm 2020…

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền là hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, anh được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2003, hiện là Trưởng Ban Mỹ thuật Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Nghệ An. Anh vẫn cháy bỏng đam mê với dòng tranh trổ giấy, vẫn thường xuyên đóng góp cho mỹ thuật Nghệ An nói riêng, mỹ thuật Việt Nam nói chung những tác phẩm trổ giấy ấn tượng, công phu.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522783

Hôm nay

233

Hôm qua

2282

Tuần này

21557

Tháng này

220722

Tháng qua

121009

Tất cả

114522783