Đất và người xứ Nghệ
Người nhạc sĩ ra đi từ làng Đông Phái
Nhạc sĩ Ngô Trí Thậm
Nói đến khí nhạc Nghệ An là nói đến nhạc sĩ Ngô Trí Thậm, một nhạc sĩ trưởng thành thời chống Mỹ. Ông là một trong số ít những nhạc sĩ đầu tiên ở Nghệ An được học hành bài bản, sở trường của ông là nhạc giao hưởng - thính phòng. Ngô Trí Thậm sinh năm 1937, tại làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An, một làng quê của xứ Nghệ có nhiều người nổi tiếng tài hoa. “Trai Đông Phái gái Phượng Lịch” là câu thành ngữ dân gian ca ngợi trai tài gái sắc ở làng quê này.
Quê hương ông, làng Đông Phái, là mảnh đất giàu truyền thống văn chương, khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Nghệ An và đất nước như đạo diễn Cao Danh Giá, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Lê Thái Sơn, nhạc sĩ Tùng Vinh, nhạc sĩ Trần Phúc Tăng, nhà văn - nhà viết kịch Đặng Thanh Hương… Dòng họ Ngô Trí cũng là dòng họ nổi tiếng với gia đình “tam đại tiến sĩ”: Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa (đỗ năm 1592) và Ngô Sĩ Vinh (đỗ năm 1664). Sau này còn có hai anh em: Thiếu tướng Ngô Trí Nhân, Đại sứ Ngô Quang Xuân...
Làng Đông Phái xưa đã từng là cái nôi văn hóa, văn nghệ. Những đêm trăng thanh gió mát, mọi người cùng nhau hát dân ca Ví, Giặm, Tuồng, Chèo. Điều đặc biệt, trong làng có nhiều người biết chơi các nhạc cụ truyền thống và hiện đại như măng-đô-lin, vi-ô-lông, ghita, sáo trúc, đàn bầu... Các đêm hát dân ca đối đáp vừa là dịp giao lưu, vừa thể hiện tài năng của trai thanh, gái lịch làng Đông Phái.
Bầu không khí văn chương, nghệ thuật của làng đã nuôi dưỡng và hun đúc tài năng ở cậu bé Ngô Trí Thậm. Thuở nhỏ, Ngô Trí Thậm đã có thể tự làm sáo và thổi sáo thành thạo. Ông xin được một cây đàn Vi-ô-lông đã hỏng của một người ở làng bên về sửa lại, ông đi hái lá dứa ngô phơi khô, lấy sợi làm vĩ để kéo. Ngô Trí Thậm có những sáng tác đầu đời khi ông mới 16 tuổi, đó là những bản nhạc được ông trình diễn bằng sáo trúc, một trong những bản nhạc đó ông đặt tên là “Nhạc múa dâng rượu”.
Lớn lên, Ngô Trí Thậm được tuyển vào Đoàn Văn công Liên khu V. Từ đó, ông được đi đây, đi đó sáng tác, biểu diễn và giao lưu với nhiều nghệ sĩ ở khắp các vùng miền. Niềm đam mê đã thôi thúc Ngô Trí Thậm vươn lên và đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Năm 1962, ông thi đậu Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi còn là sinh viên, Ngô Trí Thậm đã có một số tác phẩm được chọn làm giáo án giảng dạy cho sinh viên của trường như: độc tấu đàn bầu “Từ lòng Mẹ”; Fuyga cho đàn Piano “Mụ chủ và đầy tớ”... Mặc dù nhận được lời mời ở lại trường công tác nhưng Ngô Trí Thậm đã mang khát vọng về quê xây dựng một nền âm nhạc bác học (dòng nhạc chuyên nghiệp, vừa thanh nhạc vừa khí nhạc kết hợp với nhau trong một hệ thống có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt).
Ns Ngô Trí Thậm (bên trái) và người học trò của mình - Ns Nguyễn Trọng Tạo
Năm 1966, nhạc sĩ Ngô Trí Thậm về công tác tại Đoàn Ca múa Nghệ An, ông làm Nhạc trưởng và viết nhạc cho đoàn. Năm 1968, Ngô Trí Thậm nhập ngũ, ông được giao nhiệm vụ xây dựng phòng trào văn hóa văn nghệ cho Quân khu IV. Thời gian này, ông gặp cậu lính trẻ Nguyễn Trọng Tạo, đồng hương xã Diễn Hoa (làng Phượng Lịch), người có chung niềm đam mê thơ ca, âm nhạc. Nguyễn Trọng Tạo đã được Ngô Trí Thậm dạy cho những nốt nhạc đầu tiên. Với tài năng âm nhạc thiên Phú, khả năng tự học cao, Nguyễn Trọng Tạo đã dần trưởng thành và khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn cũng như lĩnh vực âm nhạc sau này. Có lần Nguyễn Trọng Tạo nói: “Trong khu vườn của tôi, tôi sẽ đặt ba bức tượng ba người của tôi, đó là đại văn hào Nga Puskin, nhà thơ Hàn Mạc Tử và nhạc sĩ Ngô Trí Thậm”. Nói vậy để thấy được sự trân trọng mà Nguyễn Trọng Tạo giành cho người anh, người thầy của mình.
Năm 1971, Ngô Trí Thậm trở lại Đoàn Ca múa Miền núi rồi về công tác tại Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh năm 1973. Tại đây, ông giành nhiều thời gian sưu tầm âm nhạc dân gian. Ca khúc của ông thời kỳ này mang đậm âm hưởng dân ca các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An như: “Tiếng hát trong rừng Cao su”; “Chiều Quỳ Hợp”; “Nỗi nhớ không tên” (lời thơ Ngọc Dương); “Một chiều với Tương Dương”; “Về Quỳ Châu” (phổ thơ Châu Nho)... Sau này ông về làm giảng viên và nghỉ hưu tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Ngô Trí Thậm nuôi hoài bão về khí nhạc (nhạc không lời), bởi theo ông, chỉ có nhạc không lời mới nói hết những gì ông muốn gửi gắm. Chính vì vậy, ca khúc của ông đầy kịch tính, mâu thuẫn, với tính chất là âm nhạc độc lập.
Ngô Trí Thậm là người hiền hậu, khiêm nhường mà cứng cỏi, trí tuệ; ông luôn thẳng thắn, cương trực, tuyệt đối không chịu khuất phục trước mọi cám dỗ hay quyền uy. Ông được bạn bè hết mực yêu quý và kính trọng. Ngô Trí Thậm mang trong mình nhân cách một kẻ sĩ xứ Nghệ, điều đó thể hiện trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống phóng túng của ông. Thế hệ nhạc sĩ Nghệ An sau này nhiều người đã từng được ông dìu dắt như: Tùng Vinh, Đình Đắc, Ngọc Thịnh, Phan Thành…
Năm 2016, tập ca khúc “Nỗi nhớ không tên” của Ngô Trí Thậm, được Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành, đã ra mắt công chúng yêu nhạc.
Ns Ngô Trí Thậm và con gái Ngô Thục Khuyên
Nói về tác phẩm của cha mình, nhạc sĩ Ngô Thục Khuyên, hiện đang công tác tại Trung Tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An, chia sẻ: “Tác phẩm của ông thường dùng thủ pháp chuyển điệu gần, có khi chỉ là ly điệu, thỉnh thoảng sử dụng những quãng nghịch, hoặc tăng để tạo nên đột biến về xúc cảm; gây bất ngờ với chuyển điệu xa rồi đưa dần về giọng chính một cách hợp lý, giải quyết được kịch tính làm người nghe thỏa mãn, thích thú. Dù viết về miền xuôi, miền núi hay tình ca thì âm nhạc của ông luôn có hình tượng rõ ràng, không phụ thuộc vào ca từ, đưa được hồn dân tộc vào trong đó”.
Có thể nói, quê hương chính là bầu sinh quyển văn hóa, văn nghệ nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng và hoài bão của nhạc sĩ Ngô Trí Thậm. Từ những đêm trăng thanh làng Đông phái, từ chiếc vi-ô-lông với những sợi dứa gai mà cậu bé Ngô Trí Thậm đã trở thành một nhạc sĩ tên tuổi trong dòng nhạc giao hưởng xứ Nghệ, một dòng nhạc bác học mà đến nay vẫn còn kén người nghe.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522784
234
2282
21558
220723
121009
114522784