Góc nhìn văn hóa

Phát triển miền Tây: Thay đổi để vượt khó

Làm sao để miền Tây Nghệ An phát triển một cách bền vững và hiệu quả, làm cho đời sống kinh tế xã hội của người dân khá hơn, gắn các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ an ninh quốc gia luôn là vấn đề trọng tâm của tỉnh. Và thực tế, trong nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã đầu tư nhiều tiền bạc và tâm huyết vào phát triển miền Tây. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên thì vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức vô cùng to lớn.

Toàn cảnh nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) - Công trình thủy điện có công suất lớn nhất Nghệ An, phát điện từ năm 2010 nhưng đến nay còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Rất nhiều hộ dân vùng lòng hồ Bản Vẽ phải tái định cư ở các xã khác của huyện Tương Dương và huyện Thanh Chương. Nguồn ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Thách thức trong quan hệ bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển kinh tế

Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực cơ bản, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong nhiều năm qua, phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như các loại khoáng sản, lâm thổ sản, rừng, và gần đây là sự khai thác tài nguyên nước để xây dựng các nhà máy thủy điện. Nhưng vì bị khai thác quá mức nên các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, ô nhiễm, khó phục hồi lại được. Hệ quả của vấn đề này rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hầu hết các cộng đồng không chỉ miền núi mà cả miền xuôi.

Rừng là tài nguyên quan trọng, không chỉ là hệ sinh thái tự nhiên mà còn là hệ sinh thái nhân văn quan trọng của các cộng đồng tộc người sinh sống ở miền núi. Nhưng từ giữa thế kỷ XX, cùng với sự di cư của người miền xuôi lên miền núi, chính sách xây dựng các lâm trường, nông trường thì việc khai thác rừng được đẩy mạnh. Hàng triệu khối gỗ quý bị chặt và chuyển về xuôi phục vụ xây dựng cơ bản. Hàng chục cánh rừng già bị triệt hạ, khai thác kiệt quệ. Phải đến những năm 1990, người ta mới nhận thức lại và tìm cách để trồng rừng, khôi phục lại môi trường sinh thái. Dù diện tích rừng trong mấy năm qua được tăng lên đáng kể, nhưng chủ yếu là rừng sản xuất, rừng mới với các loại cây như thông, keo, bạch đàn… Và sự mất đi của các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, tạo ra sự thiếu nước trầm trọng. Cùng với đó là là lũ lụt ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các nguồn tài nguyên khoáng sản như thiếc, vật liệu xây dựng, than, đá quý… sau bao nhiêu năm tiến hành khai thác ồ ạt nay trữ lượng còn ít, hiệu quả thấp do chủ yếu khai thác và bán sản phẩm thô. Việc khai thác các khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những đứt gãy về địa chất và hình thành các vết nứt, các hố tử thần đe dọa người dân. Hay việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện cũng góp phần tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như hạn hán, lũ lụt do nguồn nước bị kiểm soát để phục vụ lợi ích kinh tế.

Thách thức trong quan hệ bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế

Bảo tồn bản sắc văn hóa là mục tiêu quan trọng và thường song hành cùng với phát triển kinh tế. Nhưng ở miền Tây Nghệ An đang có một nghịch lý là trong khi kinh tế phát triển chưa nhanh và chưa bền vững thì văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số lại bị mai một, mất mát nhanh chóng. Đây là một trong những hệ quả nặng nề của các dự án phát triển miền Tây Nghệ An trong mấy thập kỷ qua. Các dự án thủy điện miền Tây Nghệ An, như Bản Vẽ, Khe Bố (Tương Dương), Hủa Na (Quế Phong) là minh chứng rõ nhất cho điều này. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên đã khiến cho hàng ngàn hộ dân phải di dời, tái định cư ở nơi khác. Họ phải thay đổi nhiều phong tục, tập quán, cách thức sản xuất, thực hành văn hóa,…để thích ứng với nơi ở mới khiến cho nhiều nét văn hóa truyền thống của họ bị mai một, mất mát.

Nhiều hộ dân vùng lòng hồ Bản Vẽ phải sống tạm bợ ven sông ở xã Lượng Minh (Tương Dương) từ nhiều năm nay. Nguồn ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Miền Tây Nghệ An được biết đến như một rừng hoa về văn hóa tộc người mà ở đó mỗi dân tộc, mỗi nhóm địa phương, mỗi cộng đồng là một bông hoa sặc sỡ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nhưng rồi, trong quá trình phát triển, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa đã làm cho rừng hoa đa dạng, sặc sỡ đó ngày càng bị đồng hóa, đồng dạng và giảm tính đa dạng về bản sắc văn hóa. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số bị mai một, mất mát theo thời gian. Từ hệ thống tri thức dân gian, các điệu múa, bài hát, các phong tục tập quán, lễ hội, cưới hỏi, ma chay đến các bộ trang phục truyền thống đều bị biến đổi mạnh mẽ. Nhưng hơn hết, đó là những thay đổi to lớn trong suy nghĩ, tư duy của người dân tộc thiểu số. Trong khi những người lớn tuổi vẫn hoài niệm và muốn níu kéo, phục hưng lại các giá trị văn hóa truyền thống thì những người trẻ tuổi lại thờ ơ với văn hóa truyền thống và chạy theo các giá trị văn hóa hiện đại mà thực tế là các giá trị văn hóa từ miền xuôi tràn lên.

Những giá trị văn hóa truyền thống bị mất mát đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hiện tại của các cộng đồng tộc người. Những người già cảm thấy hẫng hụt, cô đơn trong đời sống văn hóa vì thiếu các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Những người trẻ cũng không thể tìm lại với các giá trị văn hóa truyền thống nhưng cũng chưa tiệm cận với các giá trị văn hóa hiện đại được nên hình thành một tâm thế lưng chừng trong văn hóa cộng đồng. Nó làm cho quá trình tái tạo truyền thống văn hóa cũng như tiếp thu và tích hợp các giá trị văn hóa mới trở nên khó khăn hơn bội phần.

Thách thức trong phát triển kinh tế thị trường và hài hòa lợi ích

Kinh tế thị trường phát triển như là một xu thế phổ biến của các khu vực, các địa phương. Miền Tây Nghệ An đang chứng kiến sự phát triển kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ trong vài ba thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, lợi ích lại thuộc về người miền xuôi nhiều hơn trong khi người bản địa vẫn chưa tìm được con đường thích hợp để đi vào thị trường. Những người miền xuôi là những người giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới thương mại ở vùng miền núi. Họ giữ vai trò là chủ đầu tư, là những người buôn bán đi thu gom hàng hóa đặc sản của người dân về bán lại. Họ cũng là những người cung cấp chủ yếu các mặt hàng thiết yếu khác cho người dân. Với sự nhanh nhạy về thông tin, sự lớn mạnh về vốn đầu tư và các mạng lưới xã hội khác nên những người miền xuôi đã thu được nhiều lợi ích hơn so với người dân bản địa trong quá trình phát triển kinh tế thị trường.

Thực tế cho thấy, sự hình thành kinh tế thị trường, nền kinh tế ở miền núi trở nên năng động hơn và tốc độ tăng trưởng cũng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là các doanh nghiệp, các đại lý cũng như những buôn bán nhỏ lẻ phần lớn là những người từ dưới xuôi lên. Các đầu mối quan trọng để vận hành kinh tế thị trường ở miền núi vẫn do người miền xuôi năm giữ. Nói cách khác là kinh tế thị trường ở miền núi Nghệ An vẫn phụ thuộc nhiều vào người miền xuôi lên. Còn đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Cái họ có nhiều nhất chính là vốn văn hóa, là một nguồn vốn quan trọng nhưng chưa được phát huy một cách phù hợp và hiệu quả. Trong khi đó, họ thiếu vốn tài chính, thiếu mạng lưới xã hội, thiếu các kỹ năng, kiến thức về kinh tế thị trường, thiếu cả các chính sách hỗ trợ phát triển có hiệu quả từ phía nhà nước… Trong đó, có một cái thiếu quan trọng chính là sự trải nghiệm kinh tế thị trường của người dân còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế phát triển nhưng đời sống người dân bản địa vẫn còn khó khăn, văn hóa truyền thống tộc người còn bị mai một, mất mát.

Thay đổi quan niệm và mục tiêu để “vượt vũ môn”

Bao nhiêu năm nay, chúng ta quan niệm phát triển miền Tây là phát triển kinh tế. Và chiến lược phát triển miền Tây cũng đồng nhất với chiến lược tăng trưởng kinh tế miền Tây, tức là lấy các mục tiêu kinh tế làm trọng tâm cho quá trình hoạch định chiến lược phát triển. Vậy nên phần lớn nguồn vốn đầu tư cho quá trình phát triển miền Tây Nghệ An tập trung nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Việc đầu tư như vậy phần nào làm cho đời sống kinh tế xã hội người dân thay đổi nhanh chóng, tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn. Tuy nhiên, quá trình phát triển theo hướng lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm cũng đem lại nhiều hệ quả không mong muốn đối với quá trình phát triển ở miền Tây Nghệ An mà việc cạn kiệt tài nguyên, ô nhiềm môi trường, mai một văn hóa truyền thống hay thiếu hài hòa trong phân chia lợi ích là những ví dụ. Có thể thấy rằng, chiến lược phát triển miền Tây Nghệ An lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề hoạch định chiến lược cho sự phát triển miền Tây dựa trên quan điểm phát triển bền vững và phù hợp với các địa phương cụ thể. Muốn vậy cần phải nhấn mạnh đến mục tiêu của chiến lược phát triển. Trong đó, thiết nghĩ cần thay đổi mục tiêu trọng tâm, từ phát triển để tăng trưởng kinh tế sang phát triển miền Tây Nghệ An để bảo tồn văn hóa tộc người và bảo vệ an ninh quốc gia. Coi sự hài hòa trong quá trình phát triển là vấn đề quan trọng nhất, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn, bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo tồn văn hóa tộc người. Để làm được điều đó, cần coi trọng và phát huy được nguồn lực văn hóa của các cộng đồng tộc người trong quá trình phát triển. Một sự thay đổi trong quan niệm và mục tiêu trọng tâm của chiến lược có thể thay đổi rất nhiều thứ, biến những nguồn vốn văn hóa của đồng bào thành nguồn lực phát triển kinh tế sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có nhiều giá trị về việc giảm bớt sức ép lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và bảo tồn bản sắc văn hóa. Điều đó rất đáng để suy ngẫm./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512166

Hôm nay

2103

Hôm qua

2389

Tuần này

2103

Tháng này

219039

Tháng qua

121356

Tất cả

114512166