Vẻ đẹp Mường Lống (Kỳ Sơn), nơi được ví là “Sa Pa của xứ Nghệ”. Ảnh: Sách Nguyễn
Sản phẩm chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ
Một điều dễ thấy là trong 10 năm gần đây hoạt động du lịch đã có bước chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều khu, điểm du lịch được phê duyệt quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã có bước đột phá, nhất là các tuyến giao thông trọng yếu, tạo điều kiện cho ngành du lịch kết nối và mở rộng không gian phát triển, góp phần rút ngắn thời gian đi lại của các tour du lịch. Nhờ vậy, Nghệ An đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư về dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, góp phần làm thay đổi diện mạo các điểm đến du lịch. Kết quả của sự chuyển biến này phần lớn nhờ sự định hướng đúng đắn và hợp lý cùng sự ưu đãi về cơ chế, chính sách của tỉnh. Riêng trong lĩnh vực du lịch, từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển du lịch Nghệ An với những định hướng quan trọng.
Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, chưa tạo được bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu cho du lịch Nghệ An và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh. Điều này thường xuyên được nhắc tới tại các hội nghị tổng kết, họp bàn về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, khi đánh giá về thực trạng du lịch Nghệ An, các chuyên gia du lịch ở trong nước cũng nhấn mạnh đến việc chưa xây dựng được sản phẩm có thương hiệu.
Từng tham gia các đoàn Famtrip khảo sát du lịch ở Nghệ An, ông Nguyễn Văn Mỹ, người đứng đầu một công ty lữ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bao năm nay, điểm nhấn của du lịch Nghệ An vẫn chỉ có Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Khu đô thị biển Cửa Lò. Còn các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng và du lịch mạo hiểm chưa khẳng định được ưu thế để cạnh cạnh với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như cả nước. Chẳng hạn, về du lịch cộng đồng, các điểm ở miền Tây Nghệ An chưa thể cạnh tranh được với Pù Luông (Thanh Hóa) và bản Lác (Hòa Bình). Còn du lịch sinh thái vẫn còn khoảng cách khá xa so với các địa nổi bật như Sơn La, Bắc Kạn, Ninh Bình, Đà Nẵng... Do vậy, thời gian lưu trú của khách thường ngắn, chỉ 1 - 2 ngày và mức chi tiêu cũng không nhiều, dẫn đến nguồn thu không cao.
Chưa kể, những năm gần đây, Khu du lịch biển Cửa Lò đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các điểm du lịch của các tỉnh trong khu vực như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Thiên Cầm (Hà Tĩnh) và xa hơn nữa là Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng). “Các điểm du lịch này đã lấy đi một lượng khách không nhỏ của Cửa Lò bởi chất lượng phục vụ và sự phong phú, hấp dẫn của các loại dịch vụ đi kèm. Nếu Nghệ An không có sự điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là về lĩnh vực hạ tầng và dịch vụ sẽ bị bỏ lại phía sau cuộc đua trong tương lai gần” - ông Nguyễn Văn Mỹ nói.
Tạo bước đột phá trên nét riêng biệt
Nhận thức được thực trạng khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù, ngành du lịch Nghệ An đang nỗ lực tìm hướng đi để tăng cường sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Vấn đề này ngoài việc nghiên cứu, tham khảo cách làm của các địa phương rất cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia và các đơn vị lữ hành lớn và có uy tín cao. Cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia một vài chuyến khảo sát ở Nghệ An, ông Nguyễn Đông Hòa - Phó Tổng Giám đốc một công ty du lịch tầm cỡ trao đổi: “Cùng với việc đẩy mạnh khai thác, phát triển Khu Di tích Kim Liên và biển Cửa Lò được xem là ưu thế, Nghệ An cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách ngoại tỉnh và du khách quốc tế. Tôi nhận thấy ở đây còn có tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm, nếu biết cách khai thác hợp lý sẽ trở thành những điểm đến thú vị”.
Phong cảnh hữu tình ở đầu nguồn sông Lam (Tương Dương). Ảnh: Sách Nguyễn
Tiềm năng mà ông Nguyễn Đông Hòa nói tới ở đây là những nét đặc trưng, riêng biệt của Nghệ An như quần thể cây thị cổ ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc). Quần thể cây cổ thụ này gắn với sự tích vua Quang Trung hành quân ra Bắc, chủ nhân lại từng là cận vệ của Bác Hồ, nếu biết cách khai thác sẽ thu hút được nhiều du khách. Làng nồi đất Trù Sơn (Đô Lương) được xem là làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á, đến nay vẫn được duy trì, đây sẽ là điểm trải nghiệm lý thú. Tộc người Đan Lai với phong tục “ngủ ngồi” ở đầu nguồn sông Giăng (Con Cuông) sẽ tạo nên sức hút đối với những người ưa tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ. Bên cạnh đó là đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) với độ cao khoảng 2.720m là nóc nhà của Bắc Trường Sơn, gần đường biên giới Việt - Lào, nơi đây có thể săn mây, khám phá thảm thực vật phong phú. Đỉnh Puxailaileng sẽ hấp dẫn, mời gọi những bước chân ưa thích chinh phục đỉnh cao và những con người muốn khẳng định bản lĩnh...
Đồng bào Thái ở huyện Quỳ Châu vui hội mùa Xuân. Ảnh: Sách Nguyễn
Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, cộng đồng và du lịch mạo hiểm. Vấn đề quan trọng là quy hoạch hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết các điểm du lịch và tăng cường đầu tư, xúc tiến, quảng bá hình ảnh để thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.
Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã đề ra giải pháp tổng thể là từng bước cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng các sản phẩm đặc thù, mang thương hiệu du lịch Nghệ An.
Đó là triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tầm quốc gia với giá trị văn hóa lịch sử nổi bật, độc đáo và dấu ấn riêng có của xứ Nghệ. Đầu tư phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển để tạo bước đột phá gắn với xây dựng và nâng cấp hệ thống công viên ven biển theo hướng văn minh, chất lượng và thân thiện với môi trường, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm. Xúc tiến phát triển các loại hình du lịch trên sông, hồ, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cộng đồng các bản làng dân tộc, du lịch mạo hiểm khám phá tại các huyện miền Tây, du lịch nông thôn gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa phi vật thể để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn...
Với những giải pháp căn cơ đang và sẽ được triển khai, hy vọng Nghệ An sẽ sớm có thêm những sản phẩm du lịch đặc thù thể hấp dẫn và thu hút du khách, mang lại nguồn thu. Từ đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.