Những góc nhìn Văn hoá

Lịch sử Việt Nam thời tự chủ [kỳ 28]

...

Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 [1123], Cấm giết trâu. xuống chiếu rằng:

 ‘Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Pháp luật bảo vệ trâu cày, chỉ được xin phép làm thịt lúc có tế lễ:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 4 [1143], xuống chiếu thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng bò trâu, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Triều đình cũng lưu ý bảo vệ cây trồng; về mùa Xuân, lúc cây non mới mọc không được chặt cây, nhắm bảo dưỡng cây non xung quanh:

Ngày Bính Ngọ, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 [1126]. Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về mặt thủy lợi, nhà Vua cho đào ngòi Lãnh Kinh tại Thái Nguyên; đắp đê phòng lụt tên sông Hồng tại phường Cơ Xá gần cầu Long Biên hiện nay:

­“Năm Quảng Hự thứ 5 [1089]. Đào ngòi lãnh kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Mùa Xuân tháng 2, năm Long Phù thứ 8 [1108], đắp đê ở phường Cơ Xá.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về phương diện kinh tế, lúc đầu ruộng công nằm trong tay nhà chùa; do chùa coi giữ tá điền và kho lương thực:

Năm Quảng Hựu thứ 4 [1088]. Mùa Xuân, tháng Giêng, phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư đặt chức thư gia mười hỏa. Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử. Bấy giờ nhà chùa có điền nô và kho chứa đồ vật, cho nên đặt chức ấy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Sau đó có sự cải cách; triều đình quản lý,định sổ ruộng, thu tô hàng năm:

Hội Phong năm thứ 1 [1092], được mùa to. Định sổ ruộng, thu tô mỗi mẫu 3 thăng để cấp lương cho quân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Pháp luật lúc bấy giờ công nhận quyền tư hữu ruộng đất, nhưng không khuyến khích để hoang; những người túng thiếu bán đợ [bán tạm] trong 20 năm có quyền chuộc, riêng ruộng bỏ hoang quá 1 năm không được lấy về. Chính sách này tỏ ra không ưu đãi thành phần giàu có, cậy có tiền mua ruộng, làm không xuể rồi để hoang; ngược lại ưu đãi dân nghèo, gặp lúc hoạn nạn phải bán đợ ruộng đất, được kéo dài đến vài chục năm, chờ lúc con cháu làm ăn khấm khá, có quyền chuộc về; ngoài rachủ trương không cho để hoang, khiến nền nông nghiệp phồn thịnh hơn:

 “Tháng 12, năm Đại Định thứ 3 [1142], xuống chiếu rằng những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất thì trong vòng 5 năm hay 10 năm còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cấy cày trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng. Nếu tranh nhau ruộng ao mà lấy đồ binh khí nhọn sắc đánh chết hay làm bị thương người thì đánh 80 trượng, xử tội đồ, đem ruộng ao ấy trả lại người chết hay bị thương.

 Xuống chiếu rằng những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thục đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa, ai làm trái bị phạt đánh 80 trượng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nền nông nghiệp đóng góp rất nhiều cho đất nước, trong 6 loại thuế dưới triều Lý, có 4 loại đánh trực tiếp vào nông dân:

Năm Thuận Thiên thứ 4 [1013]]. Mùa xuân, tháng 2, định các lệ thuế trong nước:

 1 - Ao hồ ruộng đất,

 2 - Tiền và thóc về bãi dâu,

 3 - Sản vật ở núi nguồn các phiên trấn,

 4 - Các quan ải xét hỏi về mắm muối,

5 - Sừng tê, ngà voi, hương liệu của người Man Lão,

 6 - Các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Chính sách ngụ binh ư nông, căn bản bởi 3 nhà họp thành 1 bảo, cho kiểm tra dân số, xét duyệt dân đinh từ 18 tuổi trở lên chọn hoàng nam binh lính:

-“Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 8 [1083]. Mùa Xuân,vua thân duyệt các hoàng nam(4), định làm 3 bậc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

- “Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 [1118]. Mùa Xuân, tháng Giêng, xuống chiếu chọn hoàng nam trong dân chúng và binh lính.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Binh là nghề nguy hiểm; nhắm bảo vệ gia đình, không bắt lính những hộ neo đơn có 1 con trai:

Tháng 8 năm Đại Định thứ 7 [1146], xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Quân đội xếp cấp bậc, thấp nhất là giáp, mỗi giáp 15 người, do 1 Quản giáp chỉ huy:

“Thuận Thiên năm thứ 16 [1025]; mùa thu, tháng 8, định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người quản giáp.”

Thời Lý Thánh Tông thành công trong việc phạt Tống bình Chiêm, bấy giờ tổ chức quân đội thành 8 loại quân:

Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 1 [1059]. Định hiệu quân, gọi là Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, Vạn Tiệp đều chia làm tả hữu, thích vào trán ba chữ "Thiên tử quân". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Coi việc xăm mình là biểu tượng sức mạnh của quân nhân; nên quân cấm vệ được khắc 3 chữ “Thiên tử quân” tại trán, hoặc xăm hình rồng trên người; kẻ nào tự tiện lạm dụng xăm mình đều bị tội:

-“Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 [1118], Cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân,cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Năm 1104 định quân hiệu Cấm vệ; năm 1119 duyệt 6 quân, đặt ra các đội quân tinh nhuệ như Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô:

Tháng 3 năm Long Phù thứ 4 [1104], định lại binh hiệu của quân cấm vệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Mùa Đông, tháng 10 nămHội Tường Đại Khánh thứ 10 [1119], duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm, v.v..., người nào mạnh khỏe cho làm hỏa đầu ở các đội quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, còn bậc dưới thì cho làm binh ở các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, Ngự Long.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

- Công:

Công nghiệp so với nông nghiệp đứng vào hàng thứ yếu, vả lại nhà nông lúc rảnh rổi, ngoài vụ cấy, vụ gặt; cũng có thể kiêm nhiệm nghề thợ, như thợ mộc, thợ nề, vv… Riêng việc xây dựng nhà, thời Sứ thần Trung Quốc Tống Cảo đến thăm Vua Lê Đại Hành vào năm 990  tại Trường Yên [Ninh Bình], y mô tả rằng tại nước ta chỉ thấy nhà lợp lá. So với thời Lý tiến bộ hơn, nhà Vua xuống chiếu khuyến khích nung ngói lợp nhà:

Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 9 [1084]. Xuống chiếu cho thiên hạ nung ngói lợp nhà.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về ngành dệt, các cung nữ được khuyến khích dệt gấm, đem sử dụng trong cung; rồi lấy gấm vóc trong kho mua từ Trung Quốc ban phát cho các quan; ý Vua muốn đề cao hàng nội hóa:

Tháng 2 năm Bảo Nguyên th2 (1040).

Trước đó, nhà vua sai cung nữ dệt gấm vóc, họ đã dệt được thành những tấm hàng rồi; đến đây, sai đem những gấm vóc, hàng của nhà Tống, vẫn chứa trong kho, ban phát cho bầy tôi: từ ngũ phẩm trở lên thì áo gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo vóc, tỏ ý không dụng gấm vóc của Tống nữa.” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển 3.

Trong lễ cống nhà Tống vào năm 1156, Vua Lý Anh Tông biếu Vua Tống 5.000 tấm quyên[ lụa to sợi]và lăng [lụa mỏng], chứng tỏ ngành nuôi tằm, dệt luạ tại nước ta trên đà phát triển. Ngoài ra các nghề khai mỏ vàng, ngọc châu, chế trầm hương; cũng có những nét nỗi bật:

Ngày Canh Dần tháng 8 năm Thiệu Hưng thứ 26 [7/9/1156], Nam bình vương Lý Thiên Tộ sai Thứ sử châu Thái Bình Lý Quốc, Hữu vũ đại phu Lý Nghĩa, Vũ dực lang Quách Ứng Ngũ đến mừng thanh bình. Hiến đồ vật bằng vàng 1.136 lượng. minh châu 100, trầm hương 1.000 cân, thủy vũ 500; lăng, quyên các màu 5.000 tấm, 10 ngựa, 9 voi. Chiếu sai Thượng thư Tả tư lang trung Uông Ứng Thần đãi quốc yến tại vườn Ngọc Tân. Thăng Quốc làm Đoàn luyện sứ châu Thái Bình, Nghĩa chức Tả vũ đại phu, Ứng Ngũ chức Vũ kinh lang; ban y phục, dây đai, đồ vật, tiền, có sai biệt.” Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 131.

(庚寅,南平王李天祚,遣太平州刺史李國以右武大夫李義、武翼郎郭應五來賀升平,獻黃金器千一百三十六兩,明珠百,沈香千斤,翠羽五百隻,雜色綾絹五千匹,馬十,象九。詔尚書左司郎中汪應辰燕國於玉津園。遷國為太平州團練使,義左武大夫,應五武經郎,加賜襲衣、金帶、器、幣有差.

Về công nghệ,cũngcần lưu ý đến văn bản xử phạt đàn bàcó tội, bị đưa đi làm “tang thất phụ” tức nữ công nhân sở nuôi tằm; chứng tỏ nghề nuôi tằm dệt lụa bấy giờ không phải chỉ làm ăn riêng lẽ từng hộ.

Các công nghệ khác cũng theo đà phát triểu, như nghề làm giấy tập trung thành phiên, hội; lại đầu tiên làm lọng, ô dù cán cong:

Ngày Ất T, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 [1125]Phiên làm giấy dâng ngọc châu tân lang, vua truyền không nhận.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

-“Ngày Quý Mão, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 [1123]. Lần đầu làm chiếc lọng che mưa cán cong.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Riêng về nghề đúc chuông đồng, xây bia đá thì rất thịnh hành dưới triều Lý, Vua Lý Thái Tổ phát tiền kho đúc chuông lớn tại chùa Đại Giáo; còn các đời sau đềukhuyến khích việc xây chùađúc chuông:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo.” Toàn Thư, Bản Kỷ. quyển 2.

- Buôn bán:

Nghề buôn tuy không thấy được khuyến khích, tuy nhiên dưới triều Lý việc lưu hành hàng hoá từ chỗ dư đến chỗ thiếu, vẫn sinh hoạt bình thường. Riêng việc buôn bán sang Trung Quốc thì phải tuân theo chính sách chung của nhà nước, dân không được tự tiện mang đồ sắt, mắm muối bán chotỉnh Quảng Tây:

“Năm Trinh Phù thứ 4 [1179],xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nhưng việc bán muối sang Trung Quốc có lời cao, nên số đông dân chúng vẫn tiếp tục  buôn lậu. Về phía Trung Quốc số lượng muối nhập vào châu Ung [nam Quảng Tây] quan trọng đến nỗi chính quyền địa phương xin triều đình được phéptranhdành với con buôn,  độc quyền thu mua tạicác địa điểmSùng Tả Thị, Bằng Tường để lấy lời:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 150, Tống Hiếu Tông năm Thuần Hy thứ 12 [1185]

Ngày Kỷ Sửu tháng Giêng [6/2/1185]Đề cử Quảng Tây Hồ Đình Trực tâu:

Quan phụ trách bn muối tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] duyên theo đường lối chỉ huy thời Thiệu Hưng [1131-1162]tại hai trại Thái Bình [Sùng Tả thị, Quảng Tây],Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] đặt thị trường, dùng vải lụa trao đổi muối với tư thương Giao Chỉ; quan phụ trách muối đem ra bán, do đó những người dân tại khe động cũng đều buôn bán muối Giao Chỉ. Gần đây tuy cải sang dùng tiền giấy, những tại châu này vẫn còn theo mối tệ cũ.’

Chiếu ban ty Kinh lược cùng Tri Ung Châu Trần Sĩ Anh bố trí rồi tâu lên. Ty Kinh lược tâu rằng:

Trước đây việc đặt thị trường đổi chác là do tiện cho lòng người, còn việc trao đổi muối với Giao Chỉ là phép thường từ tổ tiên. Chỉ nghiêm cấm dân buôn không được buôn bán muối với người Giao, khiến mất nguồn lợi công; những điều khác vẫn theo cũ.’

Vua chấp nhận.”

((己丑,廣西提舉胡廷直言:「邕州賣官鹽,並緣紹興間一時指揮,于江左永平、太平兩寨置場,用物帛博買交趾私鹽,夾雜官鹽出賣,緣此溪洞之人,亦皆販賣交鹽。近雖改行鈔法,其本州尚仍前弊。」詔經略司及知邕州陳士英措置聞奏。既而經略司言:「初置博易場,以人情所便;而博易交鹽,亦祖宗成法。請只嚴禁博販等不得販鬻交鹽,攙奪官課,餘仍舊。」從之。)

Điều oái oăm là chính quyền Trung Quồc lúc bấy giờ chấp thuận mua hàng hóa của dân buôn lậu Việt Nam; nhưng vì lý do an ninh, không cho mở cửa buôn bán chung tại tỉnh Quảng Tây:

Trường Biên, quyển 78. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012]

Ngày Giáp Tý tháng 6 [19/7/1012], Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ  tâu Lý Công Uẩn đất Giao Châu xin điều người và thuyền đến  Ung Châu [Nam Ninhthị, Quảng Tây]hỗ thị. Thiên tử phán:

Dân ven biển thường sợ Giao Châu xâm lăng quấy nhiễu, theo thông lệ trước chỉ cho hỗ thị tại Quảng Châu [Quảng Đông] và trấn Như Hồng [Khâm Châu];vì rằng đó là chốn góc biển là nơi có thể khống chế, nay nếu đưa vào thẳng nội địa, sự việc sẽ không thuận tiện; nên ra lệnh ty sở tại cẩn thận giữ qui chế cũ.

(甲子,廣南西路轉運使言,交州李公蘊乞發人船直趨邕州互市。上曰:「瀕海之民常懼交州侵擾,承前止令互市於廣州及如洪鎮【五】,蓋海隅有控扼之所。今若直趨內地,事頗非便,宜令本司謹守舊制。」)

Bấy giờ Vân Đồn đã trở thành hải cảng quốc tế cho các nước châu Á đến giao dịch buôn bán:

Mùa Xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 10 [1149], thuyền buôn ba nước Trảo Oa [Java], Lộ Lạc [La Hộc, Thái Lan] Xiêm La [Thái Lan] vào hải Đông [vùng Quảng Ninh], xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Riêng nước Tiêm La vẫn tiếp tục đưa thương thuyền đến buôn bán tại cảng Vân Đồn như thời mới mở cửa vào năm Đại Định thứ 10 [1149];năm 1184 Vân Đồn lại tiếp nhận thêm khách thương mới, đólà nước Tam Phật Tề:

Tháng 3, [Trinh Phù] năm thứ 9 [1184], người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề [Sumatra, Indonesia] vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

(Còn tiếp)

 

1. Phốc đầu: tên mũ, tức là mũ cánh chuồn, có hai dải cánh giương ra hai bên.

2. Khao giáp: phục dịch.

3. Tang thất phụ:phụ nữ làm việc tạinhà nuôi tằm.

4. Hoàng nam: dân đinh từ 18 tuổi trở lên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443902

Hôm nay

2153

Hôm qua

2307

Tuần này

21715

Tháng này

219076

Tháng qua

112676

Tất cả

114443902