Những góc nhìn Văn hoá
Dịch thuật tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam: khảo sát qua trường hợp MỘT NỬA ĐÀN ÔNG LÀ ĐÀN BÀ của Trương Hiền Lượng

Trương Hiền Lượng là một tác giả quan trọng của nền văn học đương đại Trung Quốc. Với các tác phẩm được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, ông cũng là một trong các nhà văn Trung Quốc sau cải cách được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Sinh năm 1936 tại Nam Kinh, bắt đầu sáng tác văn học từ những năm 1950, trong cuộc vận động chống phái hữu năm 1957, vì bài thơ Đại phong ca mà bị quy chụp là “phần tử phái hữu”, bị đưa về nông thôn lao động cải tạo 22 năm. Năm 1979 ông được minh oan và tiếp tục sáng tác văn học, hoạt động trong lĩnh vực văn học và điện ảnh, trở thành một nhân vật có ảnh hưởng khá lớn trong đời sống nghệ thuật Trung Quốc đương đại. Tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà được đăng tải trên tạp chí “Thu hoạch” số 5 năm 1985, lập tức tạo được tiếng vang và gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới văn nghệ và đông đảo độc giả Trung Quốc. Bốn năm sau, tác phẩm này trở thành tiểu thuyết đầu tiên[1] của văn học Trung Quốc Thời kỳ mới[2] được dịch từ tiếng Trung ra tiếng Việt bởi hai dịch giả Phan Văn Các và Trịnh Trung Hiểu.
Trong phạm vi quan sát của tôi, tất cả những người thuộc giới văn nghệ có đôi chút quan tâm đến văn học đương đại Trung Quốc đều biết đến sự kiện tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng được dịch và xuất bản tại Việt Nam vào năm 1989. Tuy nhiên, những ghi chép cụ thể xung quanh sự kiện này thì lại rất hạn chế. Trong đó có thể kể đến “Lời nói đầu” của nhà xuất bản và chuyên mục “Đọc sách” của tạp chí Văn học số tháng 6 năm 1989 với chủ đề “Xung quanh Một nửa đàn ông là đàn bà”. Với một đối tượng nghiên cứu như vậy, chúng tôi đã tìm đến hình thức phỏng vấn các nhân vật liên quan như một cách để thu thập thông tin. Ba cuộc phỏng vấn đã được thực hiện, bao gồm: phỏng vấn dịch giả, nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu – người biên tập và hiệu đính tạp chí Văn học số 1/1989 vào ngày 26/5/2011 (sau đây xin viết tắt là PV1), phỏng vấn dịch giả Phan Văn Các vào ngày 28/5/2011 (sau đây xin viết tắt là PV2) và phỏng vấn dịch giả Trịnh Trung Hiểu vào ngày 16/11/2011 (sau đây xin viết tắt là PV3). Các cuộc phỏng vấn đều được thực hiện tại nhà riêng của người được phỏng vấn, với hình thức phỏng vấn phi cấu trúc, được ghi âm và cuối cùng được hoàn thiện sau khi kết hợp với những ghi chép và quan sát của người phỏng vấn. Các cuộc phỏng vấn không chỉ cung cấp những thông tin có giá trị mà còn đem đến cho người phỏng vấn những hình dung về một sự kiện dịch thuật quan trọng nhưng chưa được để tâm ghi chép lại[3].
1. Tại sao là Một nửa đàn ông là đàn bà? (hay việc lựa chọn tác phẩm gốc)
Lựa chọn tác phẩm gốc là khâu đầu tiên của quá trình dịch thuật. Lựa chọn này có thể là của một cá nhân (dịch giả, biên tập viên...), nhưng không bao giờ mang tính chất “cá nhân” đơn thuần mà đằng sau đó luôn là các yếu tố thời đại và văn hóa. Vậy đằng sau sự kiện dịch và xuất bản Một nửa đàn ông là đàn bà chúng ta có thể thấy những điều gì?
Tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu từ đầu những năm 1970, và đỉnh điểm là cuộc chiến biên giới năm 1979 mở đầu cho một thời kỳ đoạn tuyệt trong quan hệ hai nước kéo dài khoảng mười năm. Môn tiếng Trung bị gạt bỏ khỏi các trường đại học, văn học hiện đương đại Trung Quốc – từng đạt tới một cao trào dịch thuật và xuất bản tại nước ta vào khoảng giữa những năm 1940 cuối những năm 1960 – giờ đây gần như không có cơ hội xuất hiện ở Việt Nam. Không có tác phẩm văn học Thời kỳ mới nào được dịch thuật và xuất bản, còn một số bài viết có tính giới thiệu thì mang đậm sắc thái chính trị[4]. Từ cuối những năm 1980, hai nước bắt đầu một quá trình chuẩn bị cho việc chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1992. Đó cũng là lúc văn học đương đại Trung Quốc bắt đầu được dịch thuật và xuất bản trở lại ở Việt Nam. Bối cảnh cho sự dịch thuật này hết sức đặc biệt, thậm chí có thể nói là chưa có tiền lệ trong lịch sử dịch thuật, giới thiệu văn học Trung Quốc tại Việt Nam: Khoảng mười năm văn học đương đại Trung Quốc Thời kỳ mới với tất cả những biến động, cách tân hết sức sôi động và đa dạng của nó bỗng chốc hiển hiện trước mắt giới văn học Việt Nam sau hàng chục năm không hề cập nhật. Và các dịch giả, các nhà nghiên cứu, hay nói cách khác là “chủ thể dịch thuật” trong trường hợp này, rõ ràng có trong tay nhiều cơ hội chọn lựa hơn, điều cũng khiến cho mỗi một chọn lựa của họ trở nên phức tạp hơn.
Về mặt lý thuyết, có thể thấy trước khi Một nửa đàn ông là đàn bà được dịch và xuất bản, mảng tiểu thuyết Trung Quốc Thời kỳ mới tại Việt Nam là một khoảng trắng. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trước khi xuất hiện trên kênh dịch thuật và xuất bản chính thức, có lẽ một số tiểu thuyết đã được nhắc đến và trao đổi trong phạm vi giới học thuật một cách không chính thức. Theo hai đồng dịch giả của Một nửa đàn ông là đàn bà, họ đều đã đọc hoặc nghe nói đến cuốn tiểu thuyết này trước khi bắt tay vào dịch theo đề nghị của nhà xuất bản. Dịch giả Phan Văn Các cho biết, khi đó ông đảm nhận vị trí Viện trưởng Viện Hán Nôm, trong một chuyến đi công tác Trung Quốc, ông tìm thấy cuốn tiểu thuyết này trong một hiệu sách, và cảm thấy đã rất lâu rồi mới đọc được một tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc hay như vậy (PV2). Dịch giả Trịnh Trung Hiểu thì nhớ lại, lần đầu tiên ông nghe nói đến tiểu thuyết này là qua dịch giả Thái Bá Tân. Sau đó, ông đã đọc cả tác phẩm Lịch trình tình cảm của Trương Hiền Lượng bao gồm truyện ngắn Nụ hôn đầu, truyện vừa Cây lục hóa và tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà và cảm thấy cả ba đều rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, lúc đó truyện vừa Cây lục hóa đã được dịch giả Lê Khánh Trường dịch ra tiếng Việt từ bản tiếng Nga, cho nên cuối cùng Một nửa đàn ông là đàn bà là sự lựa chọn thích hợp nhất để dịch và xuất bản (PV3). Trong bài viết “Về bản dịch Một nửa đàn ông là đàn bà” của Nguyễn Đức Anh đăng trên tạp chí Văn học số 6/1989, tác giả cho biết vào đầu tháng 6 năm 1986, trong cuộc nói chuyện với một người bạn làm tại cơ quan ngoại giao về các trào lưu mới của văn học đương đại Trung Quốc và vấn đề miêu tả tình dục, người bạn đã nhắc đến tác phẩm Một nửa đàn ông là đàn bà mà anh ta đọc được trên một tạp chí. Đến tháng 4/1989, khi tiểu thuyết này được xuất bản tại Việt Nam, hai người lại một lần nữa nói chuyện về nó. Những ý kiến của tác giả Nguyễn Đức Anh về bản dịch được trình bày trong bài viết là căn cứ trên sự đối chiếu của người bạn giữa bản dịch và bản gốc, sau đó được sắp xếp, biên tập lại. Như vậy, có thể đoán định rằng, ngay sau khi tác phẩm xuất hiện ra gây tiếng vang tại Trung Quốc (năm 1985), qua nhiều kênh thông tin khác nhau, “tiếng tăm” của cuốn tiểu thuyết này đã đến tai giới văn nghệ Việt Nam trước khi nó chính thức được dịch và xuất bản, cũng không loại trừ khả năng điều này có ảnh hưởng nhất định đến chọn lựa của nhà xuất bản. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây là: liệu đây có phải chỉ là một lựa chọn dành cho một tác phẩm “ăn khách”, được dịch ra một cách “kịp thời” hay không? Chúng tôi cho rằng, động cơ dịch thuật trong trường hợp này không chỉ đơn giản như vậy. Như đã nói, sau khoảng thời gian dài gián đoạn, vào thời điểm năm 1989, có cả một nền văn học mới Trung Quốc với chặng đường hơn mười năm, không thiếu các tác giả và tác phẩm tiêu biểu thuộc nhiều trào lưu văn học khác nhau đã bày ra trước mắt giới dịch thuật và xuất bản Việt Nam. Lựa chọn dịch thuật cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học này tại Việt Nam, hẳn không thể chỉ gói gọn trong hai chữ “ăn khách”.
Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 là giai đoạn đỉnh cao của phong trào “đổi mới văn học” Việt Nam. Đó cũng là lúc việc dịch thuật văn học nước ngoài được giới xuất bản Việt Nam đặc biệt chú ý. Nhìn lại lịch sử văn học nước nhà, chúng ta có thể thấy một quy luật: những thời kỳ văn học sôi nổi nhất, cởi mở nhất, nhiều cách tân nhất chính là lúc tồn tại mối liên quan mật thiết giữa các nhân tố bản địa và các nhân tố ngoại lai, mà trong các nhân tố ngoại lai đó, quan trọng bậc nhất chính là văn học dịch. Giai đoạn huy hoàng của văn học trung đại Việt Nam – văn học Lý Trần – có liên quan tới triết học, văn hóa và văn học Phật giáo đến từ Ấn Độ và Trung Quốc. Sự hình thành và phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam trên các lĩnh vực từ tiểu thuyết đến thơ và kịch song hành với việc dịch thuật văn học Phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Phong trào “đổi mới văn học” từ năm 1986 đương nhiên trước tiên xuất phát từ chính những nhu cầu tự thân của nền văn học Việt Nam, song bên cạnh đó, vai trò quan trọng của văn học dịch cũng ngày càng được giới văn học ý thức một cách rõ ràng. Ngày 7/12/1990, lần đầu tiên “Văn học dịch trong văn học dân tộc” trở thành chủ đề của một cuộc hội thảo khoa học, do Hội nhà văn và Viện Văn học đồng tổ chức tại Hà Nội. Báo cáo tổng kết hội thảo do Tổng biên tập báo Văn nghệ lúc đó là Nguyên Ngọc chấp bút (sau đó được đăng lại trên Tạp chí Văn học số 2 năm 1991) khẳng định: “Chúng tôi nghĩ có thể nói không sai rằng một số tác phẩm văn học dịch đặc sắc và được in ra kịp thời đã thật sự trực tiếp có tác động đến sự vận động của xã hội ta, đặc biệt trong giai đoạn đất nước ta đang trăn trở tìm đường đổi mới đi lên nhiều khó khăn, nhiều vất vả và cũng nhiều triển vọng hiện nay. Đương nhiên chúng ta muốn quan tâm đến tác động chắc chắn là không nhỏ của văn học dịch đối với sự đổi mới văn học đang diễn ra ở ta hiện nay.” (Nguyên Ngọc 1991: 2). Chúng tôi cho rằng, Một nửa đàn ông là đàn bà chính là một trong các tác phẩm văn học được lựa chọn với hai kỳ vọng “đặc sắc” và “được in ra kịp thời” nói trên, và trong động cơ dịch thuật-xuất bản có bao hàm cả hai khía cạnh “sự vận động của xã hội ta” và “sự đổi mới văn học đang diễn ra ở ta hiện nay”. Trên thực tế, trong hoàn cảnh Việt Nam, hai khía cạnh này chưa bao giờ tách rời nhau, và ở thời điểm sau năm 1986, nếu muốn ví von, thậm chí có thể hình dung chúng như hai mặt của một tờ giấy.
Một nửa đàn ông là đàn bà do hai nhà xuất bản cùng phát hành: NXB Lao động ở miền Bắc và NXB Trẻ ở miền Nam, với lượng phát hành 15 nghìn cuốn ở mỗi NXB. Hai nhà xuất bản nói trên đều là các đơn vị lớn, lượng phát hành lại nhiều như vậy, nên có thể đoán định rằng, vào thời điểm năm 1989, cuốn sách này thuộc vào số không nhiều các tác phẩm văn học dịch đến được với bạn đọc cả nước một cách rộng rãi và nhanh chóng nhất. Theo dịch giả Phan Văn Các, sau khi ra sách, các thư viện trên cả nước đều đặt mua (PV2). Trong lần xuất bản đầu tiên này, có hai điểm đáng chú ý mà ở những lần tái bản sau[5] không có: thứ nhất là phương thức xuất bản “lưu hành nội bộ”, thứ hai là “Lời nói đầu” của NXB.
Trước hết, về phương thức xuất bản “lưu hành nội bộ”, cả hai dịch giả đều nói rằng đó được coi như một đối sách của nhà xuất bản nhằm tránh sự can thiệp phiền phức của cơ quan quản lý, và chỉ mang tính chất “hình thức”, bởi với lượng phát hành như vậy ở hai nhà xuất bản thì không thể là “lưu hành nội bộ” được. Sau khi sách được phát hành rộng rãi, cũng không gặp phải bất cứ trở ngại nào (PV2, PV3). Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, tại sao nhà xuất bản lại phải sử dụng đến hình thức này? Câu trả lời có thể được tìm thấy phần nào trong chính “Lời nói đầu” của nhà xuất bản.
Đối với một bản dịch văn học, “Lời nói đầu” có thể do tác giả viết (cho bản dịch), do dịch giả viết, hoặc do nhà nghiên cứu, nhà phê bình viết. Các kiểu này có điểm chung là giới thiệu bản dịch cho người đọc trên quan điểm của cá nhân, từ chủ quan của người viết. Trong khi đó, kiểu lời nói đầu của nhà xuất bản, bất kể thế nào, cũng gợi lên cảm giác về tính chính thống và tính khách quan, và hàm ẩn thái độ của ý thức hệ xã hội đương thời đối với bản dịch cũng như các vấn đề đằng sau nó. Qua “Lời nói đầu” của Một nửa đàn ông là đàn bà, có thể thấy trong nhiều vấn đề mà tác phẩm gợi ra, nhà xuất bản quan tâm trước hết đến vấn đề tố cáo cách mạng văn hóa: “Truyện viết về số phận của Chương Vĩnh Lân, một thanh niên trí thức Trung Quốc bị chụp mũ “hữu phái”, đi từ trại cải tạo này đến trại cải tạo khác trong không khí đàn áp ngột ngạt và khủng bố ghê rợn của đấu tố và “cách mạng văn hóa”. Con người bị đày đọa, tước đoạt hết mọi nhân quyền, kể cả cái quyền được... làm một sinh vật giống đực, bị tha hóa đến mức khi “được” làm một công nhân nông trường, “được phép” lấy vợ thì cũng không còn đủ năng lực của một người đàn ông bình thường trong sinh hoạt vợ chồng.”...“Một xã hội tràn ngập không khí khủng bố, đảo điên, lừa dối, ngột ngạt” “những người tù và những kẻ coi tù, những người bị tố giác và những kẻ đi tố giác”. (Trương Hiền Lượng 1989: 9). Ra đời năm 1985, tức là sau khi cách mạng văn hóa kết thúc chín năm, cũng là lúc dòng văn học vết thương và văn học phản tư đã đi qua một chặng đường dài, nên tại Trung Quốc, tố cáo cách mạng văn hóa không còn được coi là điểm đáng chú ý của tác phẩm nữa. Nhưng ở Việt Nam, bởi trong vòng mười năm, cách mạng văn hóa chỉ được biết đến qua các kênh thông tin ngoài tác phẩm văn học, nên không khó lý giải tại sao “Lời nói đầu” của bản dịch tiếng Việt lại nhấn mạnh đến những miêu tả về số phận con người trong cách mạng văn hóa.
Điểm nhấn thứ hai của “Lời nói đầu” là: “Nhưng tác phẩm không dừng lại ở việc tố cáo “cách mạng văn hóa” mà đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân văn rộng lớn, có ý nghĩa “nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, nhận thức lại chủ nghĩa Mác” như chúng ta thường nói.” (Trương Hiền Lượng 1989: 9). Không có sự diễn giải cụ thể hơn về các “vấn đề”, song thiết nghĩ đây chính là một chìa khóa lý giải cho sự chọn lựa tác phẩm gốc của nhà xuất bản. Năm 1989, quá trình “đổi mới văn học” của văn học Việt Nam đã đi qua một chặng đường bốn năm (1986-1989), hướng “đổi mới” cả trên lĩnh vực lý luận phê bình lẫn thực tế sáng tác đã dần đi vào quỹ đạo. Hội thảo về “Phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 1989 khẳng định tính cấp thiết của việc đổi mới một cách bản chất và toàn diện nền văn học Việt Nam. Trong bối cảnh đó, vấn đề “nhận thức lại” trở thành một điểm gặp gỡ giữa tác phẩm và “chúng ta”, hay nói cách khác, trở thành một cách đọc tác phẩm của “chúng ta”. Điều này được thể hiện càng rõ nét hơn trong phần liên hệ tác phẩm cụ thể với văn học Trung Quốc nói chung của “Lời nói đầu”: “... trong ngót một thập kỷ qua, văn học Trung Quốc với khẩu hiệu “cải cách” và “khai phóng” đã tháo gỡ được sự trói buộc giáo điều chủ nghĩa từng ngự trị văn đàn hàng vài chục năm trước, đem lại cho người đọc những cảm thụ thẩm mỹ mới mẻ. Rõ ràng là có nhiều khu cấm đã bị đột phá.” (Trương Hiền Lượng 1989: 10). Ở đây, cũng không có những giải thích cụ thể hơn về cái gọi là “các khu cấm”, nên người đọc có thể hiểu “khu cấm” trên nhiều phương diện khác nhau như đề tài, phong cách, hay phương pháp sáng tác. Với bản dịch tiếng Việt của Một nửa đàn ông là đàn bà, “khu cấm” có thể là những miêu tả về thân thể phụ nữ, về bản năng và tình dục, cũng có thể là sự xung đột giữa cá nhân và thể chế, hay cách diễn tả con người trong mối quan hệ với lịch sử, hoặc là tất cả. Thái độ có thể gọi là thận trọng của nhà xuất bản thể hiện trong “Lời nói đầu”, cùng hình thức xuất bản “lưu hành nội bộ” có lẽ không chỉ bắt nguồn từ thực tế đây là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Trung Quốc Thời kỳ mới được dịch trực tiếp từ tiếng Trung ra tiếng Việt[6] sau nhiều năm gián đoạn, mà còn bắt nguồn từ chính khả năng nảy sinh các cách đọc đa dạng và đa chiều của bản thân tác phẩm trong một ngữ cảnh mới thông qua bản dịch[7].
Như vậy, sự lựa chọn của chủ thể dịch thuật (ở đây là các dịch giả, nhà xuất bản, và đằng sau đó là cả ý thức hệ đương thời) đối với đối tượng dịch thuật tức tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà vào thời điểm năm 1989 là khá phức tạp, trong đó chúng ta có thể nhìn thấy sự tương thích của tác phẩm với những vận động đang diễn ra ở Việt Nam trên cả phương diện xã hội lẫn văn học, và một tâm thế đón nhận xen lẫn giữa những kỳ vọng về sự mới mẻ, đột phá và những băn khoăn, thận trọng trước chính sự mới mẻ, đột phá đó.
2. Số phận của bản dịch - đằng sau sứ mệnh “mở đường”
Nhìn từ góc độ lý thuyết dịch thuật, số phận của một tác phẩm văn học sau khi được chuyển ngữ trước hết được quyết định bởi hiệu ứng xã hội mà nó tạo ra tại thời điểm nó được dịch và xuất bản, và sau đó là bởi những tương tác hay ảnh hưởng trên các mặt xã hội, văn hóa và văn học sau đó. Một nửa đàn ông là đàn bà được dịch và xuất bản tại Việt Nam vào thời điểm năm 1989, vừa là lúc sự quan tâm của giới xuất bản và giới văn học Việt Nam đối với văn học dịch lên đến cao trào, lại vừa là lúc phía Việt Nam bắt đầu khôi phục lại việc dịch thuật giới thiệu văn học đương đại Trung Quốc sau cả chục năm gián đoạn. Có thể nói không quá lời rằng đây chính là cơ hội có một không hai, và vị trí của tác phẩm này trong lịch sử văn học dịch của Việt Nam phần lớn đến từ đặc điểm mà Nguyên Ngọc gọi là “được in ra kịp thời”. Sau năm 1989, hàng loạt tiểu thuyết Trung Quốc Thời kỳ mới lần lượt được xuất bản, nhưng không có trường hợp nào có thể tạo ra tiếng vang và để lại ấn tượng sâu đậm trong giới văn học cũng như độc giả như tác phẩm “mở đường” này nữa.
Trên thực tế, cùng năm 1989, khi bản dịch Một nửa đàn ông là đàn bà xuất hiện ở Việt Nam, còn có một tiểu thuyết đương đại Trung Quốc khác là Người ơi, người! của Đới Hậu Anh được dịch và xuất bản. Nếu chỉ tính về mặt thời gian, có thể nói có hai tác phẩm “mở đường” cho quá trình dịch thuật và xuất bản tiểu thuyết Trung Quốc Thời kỳ mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà hai bản dịch nhận được những phản ứng rất khác nhau từ phía giới văn học và độc giả Việt Nam đương thời, và từ đó mà có hai “số phận” trái ngược: nếu Một nửa đàn ông là đàn bà để lại dấu ấn sâu đậm trong ý thức người Việt Nam như là ấn tượng đầu tiên đồng thời là đại diện của nền văn học mới Trung Quốc, thì Người ơi, người! không gây được hiệu ứng nào sau khi xuất bản, và sau đó đã hoàn toàn rơi vào quên lãng.
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là vấn đề ngôn ngữ: Người ơi, người! được hai dịch giả Minh Đăng Khánh và Lê Khánh Trường dịch ra tiếng Việt thông qua một ngôn ngữ trung gian là tiếng Nga[8], còn Một nửa đàn ông là đàn bà được dịch trực tiếp từ ngôn ngữ gốc tiếng Trung. Trong lịch sử dịch thuật và giới thiệu văn học Trung Quốc ở Việt Nam, việc sử dụng ngôn ngữ trung gian là chuyện hy hữu. Không quá khó để thấy rằng điều này có thể gây ra những trở ngại nhất định cho độc giả của Người ơi, người! trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Thứ hai, Người ơi, người! do NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành với số lượng 5150 cuốn, rõ ràng không thể so sánh được với quy mô phát hành của Một nửa đàn ông là đàn bà. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất, theo chúng tôi, nằm ở độ “phù hợp” của tác phẩm với tầm tiếp nhận của giới văn nghệ và độc giả Việt Nam đương thời. Xét về tác giả, so với nữ nhà văn Đới Hậu Anh thì đặc điểm tiểu sử của Trương Hiền Lượng có nhiều điểm gần gũi hơn với nhiều tác giả văn học Việt Nam đương thời (nam giới, từng chịu oan sai và được khôi phục, phong cách sáng tác tự truyện…). Xét về chủ đề tác phẩm, thì vấn đề “xung đột giữa bản năng con người và thể chế lịch sử, xã hội” trong Một nửa đàn ông là đàn bà phù hợp hơn với tình hình văn học Việt Nam so với vấn đề “chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa nhân đạo” trong Người ơi, người!. Xét về hình tượng nhân vật, độc giả Việt Nam lúc đó ưa chuộng kiểu nhân vật “người bình thường” với những nét tốt xấu lẫn lộn như Chương Vĩnh Lân, Hoàng Hương Cửu trong Một nửa đàn ông là đàn bà hơn là những mẫu hình nhân vật chính diện, lý tưởng như Tôn Duyệt, Hà Kinh Phu trong Người ơi, người!. Một điểm cũng rất đáng chú ý là, xét về khía cạnh đổi mới phương pháp sáng tác, Người ơi, người! vốn nhận được sự đánh giá cao, như chính “Lời nói đầu” của bản dịch Tiếng Việt nhìn nhận: “Với việc xây dựng cốt truyện không theo trình tự thời gian, sử dụng các giấc mơ và ảo giác, Đới Hậu Anh đã vượt qua một số “hạn chế” của phương pháp hiện thực, mạnh dạn đi vào Vương quốc vốn bị cấm kỵ của chủ nghĩa hiện đại.” (Đới Hậu Anh 1989: 9). Tuy nhiên, có thể thấy rằng những đổi mới trên phương diện nghệ thuật này lại không nằm ở trung tâm chú ý của chủ thể tiếp nhận là giới văn học và độc giả Việt Nam lúc bấy giờ.
Nếu như Người ơi, người! xuất hiện trong lặng lẽ và nhanh chóng rơi vào quên lãng thì Một nửa đàn ông là đàn bà ngay sau khi xuất bản chưa lâu đã trở thành chủ đề của chuyên mục “Đọc sách” tạp chí Văn học số 6/1989 (tháng 11,12). Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tác phẩm được biết đến một cách rộng rãi. Cuốn tạp chí của Viện Văn học này, vốn có tên “Nghiên cứu văn học” khi mới ra đời năm 1960, từ năm 1968 đến năm 2003 đổi tên thành “Văn học”, từ năm 2004 đến nay lại trở về với cái tên “Nghiên cứu văn học”, vẫn được coi là tạp chí chuyên môn có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Hơn nữa, số 6/1989 lại là một số tạp chí hết sức đặc biệt. Trước hết, Chuyên san tiểu thuyết đương đại Trung Quốc là số mở đầu cho hình thức chuyên san của tạp chí[9]. Thứ hai, đây là lần đầu tiên một tạp chí chuyên đăng bài nghiên cứu dành đến một nửa dung lượng để đăng tác phẩm. Số tạp chí này không có bài nghiên cứu chuyên sâu, chỉ có bài mang tính chất tổng thuật. Theo dịch giả, nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu, người đảm nhiệm công việc biên tập và hiệu đính số tạp chí này, cũng là tác giả bài viết “Bước đầu tìm hiểu tiểu thuyết Thời kỳ mới của Trung Quốc” và dịch giả truyện Đại đội lính mới (Lưu Chấn Vân) đăng trên tạp chí, thì do trong vòng mười năm liền giới nghiên cứu văn học không có sự tiếp xúc và hiểu biết về văn học đương đại Trung Quốc, không có người đi Trung Quốc du học, không có sách vở... nên nguồn tài liệu cho số chuyên san có một phần do nhà nghiên cứu văn hóa và văn học Trung Quốc người Liên Xô là Riftin cung cấp và một phần là từ cơ quan ngoại giao Việt Nam (PV1). Trong hoàn cảnh đó, việc Một nửa đàn ông là đàn bà được chọn làm chủ đề cho chuyên mục “Đọc sách” với ba bài viết liên quan, đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của bản dịch tác phẩm.
Một đoạn giới thiệu ngắn mở đầu chuyên mục cung cấp một số thông tin như sau: “Chỉ trong mấy tháng sau khi tiểu thuyết “Một nửa đàn ông là đàn bà” của Trương Hiền Lượng ra mắt bạn đọc trên tạp chí Thu hoạch số 5-1985, trên nhiều tờ báo ở Trung Quốc đã xuất hiện những bài bình luận, tranh luận về cuốn tiểu thuyết “ăn khách” này. Tác giả là nhà văn có lương tri, có tâm huyết với đề tài vết thương trong văn học, đã đạt được thành công khá độc đáo trong việc phê phán sai lầm tả khuynh thông qua số phận người đàn ông trí thức một thời gian dài bị đày đọa đến nỗi trở thành “đàn bà”. Cuộc thảo luận do đó thiên về nét độc đáo này, và tập trung ở việc đánh giá nhân vật Chương Vĩnh Lân và cách miêu tả tâm lý tình dục của tác phẩm.” (Người biên tập 1989: 21).Sau đó, người biên tập cho biết “... Ở nước ta, sau khi Nhà xuất bản Lao động xuất bản “Một nửa đàn ông là đàn bà”, bạn đọc cũng có nhiều nhận định khác nhau. Trước mắt, chúng tôi giới thiệu hai ý kiến có phần trái ngược nhau trong cuộc thảo luận nói trên của Trung Quốc.” (Người biên tập 1989: 21).Hai bài viết đó là “Suy nghĩ về một cuốn sách bán chạy” của Vi Quân Nghi và “Cách nhìn của tôi về việc miêu tả tâm lý giới tính trong Một nửa đàn ông là đàn bà” của Trương Tân Hân[10]. Ngoài ra, chuyên mục còn giới thiệu bài viết của một bạn đọc Việt Nam là Nguyễn Đức Anh: “Về bản dịch Một nửa đàn ông là đàn bà”, với nội dung bàn luận về cách dịch tác phẩm, chủ yếu trên cấp độ sử dụng từ ngữ.
Hai bài viết của hai tác giả Trung Quốc được lựa chọn để dịch và đăng trong chuyên mục này đều xoay quanh vấn đề miêu tả tình dục của tác phẩm. Theo chúng tôi, việc giới thiệu hai bài viết này chỉ có ý nghĩa tham khảo trong một thời điểm nhất định, chứ khó có ảnh hưởng nào đáng kể đến sự tiếp nhận tác phẩm của độc giả Việt Nam. Tại sao lại như vậy? Trước hết, phải khẳng định rằng đúng như lời giới thiệu chuyên mục, vấn đề miêu tả tình dục là một điểm nóng trong các cuộc tranh luận nổ ra tại Trung Quốc ngay sau khi tác phẩm xuất hiện. Và cho đến tận bây giờ, người ta vẫn có thể khẳng định rằng “Ở một mức độ rất lớn, Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng đã trở thành một tiêu chí cho việc giải cấm tình dục.” (Nam Phàm 2003: 445)[11] Song những cuộc thảo luận này phức tạp hơn nhiều lần so với cái cảm giác “ủng hộ” hay “phản đối” trước việc miêu tả tình dục mà hai bài viết nói trên có thể gợi ra. Chẳng hạn như các vấn đề về cái “nhã” và cái “tục”, về chủ nghĩa tự nhiên, rồi góc nhìn giới tính, biểu tượng chính trị, diễn ngôn trí thức..., tất cả những điều này không thể được truyền tải đến cho độc giả Việt Nam trong một hai bài viết ngắn được giới thiệu chỉ sau khi tác phẩm được dịch và xuất bản vài ba tháng.
Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn, nằm ở chính quá trình tiếp nhận. Khi đã trở thành bản dịch, đã “sống” trong một bối cảnh khác, số phận của tác phẩm sẽ được quyết định bởi chủ thể tiếp nhận nó. Tình dục trong tác phẩm có thể là một vấn đề gây tranh cãi trong bối cảnh Trung Quốc năm 1985, khi tác phẩm ra đời, nhưng lại không phải là một điều đáng bận tâm quá nhiều trong bối cảnh Việt Nam năm 1989. Đối chiếu bản gốc và bản dịch cho thấy các dịch giả không thực hiện bất cứ sự cắt xén nào khi dịch các đoạn miêu tả tình dục, cho thấy rằng đối với dịch giả, tình dục trong bản gốc không phải là vấn đề “nhạy cảm” cần tránh né hay sửa đổi[12]. Sau khi làm tròn sứ mệnh “mở đường” cho tiểu thuyết Thời kỳ mới vào Việt Nam, Một nửa đàn ông là đàn bà đã không trở thành đối tượng nghiên cứu chính cho bất cứ một công trình nào, mà chỉ được nhắc đến một cách sơ lược trong một số bài viết về tác giả Trương Hiền Lượng hay về văn học đương đại Trung Quốc. Ở hai lần tái bản năm 1999 và 2004, tác phẩm cũng không gây được hiệu ứng xã hội nào, và ở các lần tái bản này, “Lời nói đầu” mang đậm “tính lịch sử” được viết cho lần xuất bản đầu tiên đã được cắt bỏ. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, chính vị trí đặc biệt của bản dịch Một nửa đàn ông là đàn bà vào năm 1989 đã khiến cho cái tên Trương Hiền Lượng trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam, và mở đường cho hàng loạt bản dịch tác phẩm khác của ông như Phong cách nam nhi (1994), Cây lục hóa (2001), Thời thanh xuân (2003), Một tỷ sáu (2012), và khiến cho Trương Hiền Lượng trở thành một trong số ít tác giả văn học Trung Quốc Thời kỳ mới có số lượng tác phẩm được dịch ra tiếng Việt chỉ đứng sau Mạc Ngôn.
Kết luận
Với giới văn học và độc giả Việt Nam, cái tên Trương Hiền Lượng có một vị trí đặc biệt không thể bị thay thế bởi bất cứ tên tuổi một tác giả Trung Quốc nào khác. Do nhiều nguyên nhân khác nhau (trong đó có lẽ phải tính đến cả sự tình cờ của các biến cố lịch sử) mà sự xuất hiện “đúng lúc” của bản dịch tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà trong đời sống văn chương Việt Nam đã khiến cho tác phẩm này trước tiên là đảm nhận sứ mệnh mở đường quá trình giới thiệu tiểu thuyết Trung Quốc Thời kỳ mới tại nước ta, sau đó lại trở thành một cái “tên”, một “ấn tượng”, một “câu chuyện” trong dịch thuật, có thể không thật rõ ràng, nhưng chắc chắn không thể nào xóa bỏ được. Trên thực tế, cho đến tận hôm nay, vấn đề mà tác phẩm đặt ra về sự xung đột giữa cá nhân con người và các thể chế lịch sử, xã hội vẫn có thể được đọc lại theo cách mới.
Từ bối cảnh dịch thuật và xuất bản khá đặc biệt, tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà đã xác lập được vị trí tiên phong trong lịch sử dịch và giới thiệu văn học Trung Quốc Thời kỳ mới ở Việt Nam, đồng thời cũng trở thành nguồn động lực cho việc dịch và xuất bản một loạt sáng tác khác của Trương Hiền Lượng tại Việt Nam bao gồm Phong cách nam nhi (năm 1994), Cây lục hóa (năm 2001), Thời thanh xuân (năm 2003) và Một tỷ sáu (năm 2012)./.
Tài liệu trích dẫn
Nam Phàm.2003. “Văn học, cách mạng và tình dục” Trang 433-457 trong sách Bàn về lịch sử văn học Trung Quốc thế kỷ 20, chủ biên Vương Hiểu Minh, Thượng Hải: Đông phương xuất bản trung tâm.
Nhà xuất bản.1989. “Lời Nhà xuất bản” Trang 7-10 trong sách Một nửa đàn ông là đàn bà, tác giả Trương Hiền Lượng, dịch giả Phan Văn Các và Trịnh Trung Hiểu. Hà Nội: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Lao động.
Nhà xuất bản.1989. “Lời nói đầu” Trang 5-10 trong sách Người ơi, người!, tác giả Đới Hậu Anh, dịch giả Minh Đăng Khánh và Lê Khánh Trường, Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM.
Người biên tập.1989. “Lời mở đầu chuyên mục Đọc sách” Trang 21. Tạp chí Văn học 6: 21.
Nguyên Ngọc.1991. “Báo cáo tổng kết hội thảo Văn học dịch trong văn học dân tộc”. Tạp chí Văn học 2.
[1]Trước khi bản dịch Một nửa đàn ông là đàn bà được xuất bản, đã có khoảng vài chục truyện ngắn của văn học Trung Quốc đương đại được dịch và xuất hiện ở Việt Nam dưới hình thức đăng báo, tạp chí hoặc xuất bản tuyển tập truyện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, xét về mặt thể loại, tầm ảnh hưởng của truyện ngắn, cho dù là một “tuyển tập”, cũng không thể so sánh được với một tiểu thuyết.
[2]Văn học Trung Quốc Thời kỳ mới (Trung Quốc tân thời kỳ văn học) ở đây được xác định là văn học từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990, phân biệt với văn học thời kỳ Cách mạng văn hóa trước đó và văn học sau Thời kỳ mới (hậu tân thời kỳ văn học) sau đó. Tham khảo Trung Quốc đương đại văn học sử (Hồng Tử Thành, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 2007) và Trung Quốc đương đại văn học sử giáo trình (Trần Tư Hòa cb, Phúc Đán đại học xuất bản xã, 2008).
[3]Nội dung các phỏng vấn này có thể được tìm thấy trong phần Phụ lục LATS của tôi. Xin tham khảo: Nguyễn Thị Diệu Linh, “Việt Nam đương đại văn học đích ‘tha giả’dữ ‘đồng hành giả’ - Trung Quốc tân thời kỳ tiểu thuyết (1970 niên đại mạt - 1990 niên đại sơ) tại Việt Nam”, Nghiên cứu sinh bác sĩ học vị luận văn, Hoa Đông Sư phạm đại học, 9/2012.
[4]Tham khảo các bài viết “Số phận của một nền văn học” (Lương Duy Thứ, TC Văn học số 5/1981; “Số phận bi thảm của trí thức Trung Hoa qua phim Mối tình cay đắng”(Lê Huy Tiêu, TC Văn học số 2/1982; “Những người cầm bút ở Trung Quốc phê phán cách mạng văn hóa” (Trần Minh Sơn, TCVH số 4/1984); “Văn học Trung Quốc sau Mao có những gì? (Lương Duy Thứ, TC Văn học số 2/1986).
[5]Tác phẩm có hai lần tái bản: lần thứ nhất vào năm 1999, NXB Lao động, lượng phát hành 800 cuốn, lần thứ hai vào năm 2004, NXB Hội nhà văn, lượng phát hành 1000 cuốn.
[6]Chúng tôi nhấn mạnh đến chi tiết “dịch trực tiếp từ tiếng Trung ra tiếng Việt”, bởi chúng tôi cho rằng một thái độ thận trọng như vậy sẽ không có trước một tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc được dịch ra tiếng Việt từ tiếng Nga, chẳng hạn như tiểu thuyết Người ơi, người! của Đới Hậu Anh. Phong trào đổi mới văn học ở ta vào thời điểm đó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu cải tổ của Liên Xô, cho nên một bản dịch văn học Trung Quốc qua tiếng Nga có thể coi như đã qua một lần “kiểm định”.
[7]Theo hồi tưởng của dịch giả Trịnh Trung Hiểu, trong quá trình cùng dịch tác phẩm, ông và dịch giả Phan Văn Các cũng từng có những cuộc trao đổi, tranh luận xung quanh những điểm mà tác phẩm có thể gợi lên đối với người đọc như: mọi thứ đều cần sự đổi mới, chúng ta không thể tiếp tục sống cuộc sống chật hẹp như trước, con người cần tự do, cá nhân cần sự phát triển tự nhiên v...v... (PV3).
[8]Bản tiếng Nga của NXB Cầu Vồng năm 1988.
[9]Trong bài Cùng bạn đọc ở đầu số tạp chí này, tổng biên tập Phong Lê viết: “Từ cuối năm 1989 chuyển sang năm 1990 này, Tạp chí văn học chủ trương thể nghiệm việc ra xen kẽ những chuyên san về các vấn đề học thuật gây tranh luận trên các khu vực lý luận hoặc lịch sử văn học dân tộc và các chuyên san nhằm thông tin, giới thiệu lần lượt một số nền văn học nước ngoài có mối quan hệ gắn bó, soi sáng cho văn học dân tộc, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và tìm tòi cái mới của các giới sáng tác, nghiên cứu và lý luận văn học nói riêng cũng như nhu cầu thưởng thức của đông đảo bạn đọc nói chung.”
[10]Bài viết của Vi Quân Nghi đăng trên “Văn nghệ báo” ngày 28/12/1985. Bài viết của Trương Tân Hân chúng tôi chưa tra được nguồn.
[11]Nam Phàm: “Văn học, cách mạng và tình dục”, đăng trong Vương Hiểu Minh chủ biên, “Bàn về lịch sử văn học Trung Quốc thế kỷ 20” (hạ), Thượng Hải: Đông phương xuất bản trung tâm, 2003.
[12]Có thể liên tưởng đến những thay đổi mà dịch giả các tác phẩm như Kim Bình Mai hay Phế đô đã thực hiện với bản dịch để thấy rằng về cơ bản, các dịch giả của Một nửa đàn ông là đàn bà không coi miêu tả tình dục là một vấn đề “nhạy cảm” của tác phẩm.
tin tức liên quan
Videos
Nét đặc sắc của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945
Bối cảnh mới và con đường phát triển văn hóa hiện nay
Nghệ An năm 1924
Ca sĩ Quế Thương và những khát khao vươn ra “biển lớn”
Khai mạc Giải Vô địch các Đội mạnh Vovinam Quốc gia năm 2025
Thống kê truy cập
114564213

2140

2369

21154

222737

129483

114564213