Những góc nhìn Văn hoá

Nhà văn Vũ Tú Nam và chuyến đi trở về nơi chốn tuổi thơ

 Đầu năm 1978, khi tôi chuyển công tác về làm việc tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới được chừng dăm tháng, tôi đã có lần được tham gia chuyến “đi thực tế sáng tác” cùng nhà văn giám đốc Vũ Tú Nam.

Dự kiến chuyến đi có lẽ đã được ông trù định tương đối kỹ từ trước, là vì thời kỳ ấy, số lượng bản thảo phải đọc duyệt hàng năm của người giám đốc kiêm tổng biên tập tuy khá nhiều, nhưng vẫn có thể xếp lại chừng vài tuần để thực hiện việc đi thực tế sáng tác. Ông bảo tôi đi cùng, có lẽ vì lúc ấy tôi là thành viên mới của cơ quan, thường được đi cùng các thủ trưởng những khi đi công tác ra khỏi thành phố. Làm xuất bản thì phần lớn thời giờ là ngồi tại cơ quan, cho nên có dịp đi đây đi đó ít ngày là rất thích.  

Chúng tôi khởi hành vào một ngày ngoài Rằm tháng Giêng. Tôi lên chiếc xe U-oát của cơ quan cùng anh Túc lái xe từ 65 Nguyễn Du đi đến 65 Nguyễn Thái Học đón anh Nam. Xe theo đường đi Hà Đông, dừng lại chỗ vườn hoa thị xã vào Sở Văn hóa. Tại đấy anh Nam vào phòng phó giám đốc sở, tôi ngồi phòng khách trò chuyện với một vài cán bộ; chính lần ấy tôi đã làm quen với Lai Vu, khi đó vừa có bài thơ “Dòng sông quê anh dòng sông quê em”, sau sẽ được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng.

Trên xe anh Nam mới nói về dự kiến chuyến đi. Anh định đi Hòa Bình, lúc này sắp trở thành đại công trường thủy điện lớn nhất nước. Anh Nam đã ở thị xã này gần như suốt nhiều năm tuổi thơ cùng gia đình; anh muốn thăm lại, và dự kiến sẽ trở lại thêm nữa nếu có thể, để quan sát chiêm nghiệm thay đổi của một vùng đất và con người theo thời gian. Ông phó giám đốc mà anh vừa gặp, cũng tên là Nam, chính là một trong những bạn thời nhỏ của anh Vũ Tú Nam ở Hòa Bình. Ông Nam vừa từ Sở Văn hóa Hòa Bình chuyển về sở mới (hợp nhất Hà Tây với Hòa Bình) đặt tại Hà Đông, lúc này đã thành thủ phủ của tỉnh mới Hà Sơn Bình.

Từ khi tôi về làm việc tại Nhà Xuất bản, anh Nam Giám đốc và bọn tôi, các biên tập viên sách lý luận phê bình và sách văn học nước ngoài đều ngồi làm việc chung trong một phòng, thường tham dự những câu chuyện chung 4-5 người chứ ít khi nói chuyện riêng. Vì thế, ngồi trên xe tôi hầu như chỉ nghe anh Nam nói; tôi nhớ đến cuốn sách mỏng tôi đọc lúc 7-8 tuổi khi gia đình tôi còn đang tản cư ở Bình Lục, Hà Nam. Ấy là cuốn “Giành lấy tương lai”, tên tác giả ở bìa là Vũ Tú Nam. Thế nên, lúc anh Túc dừng xe nghỉ giữa đường, vừa bước xuống xe tôi đã đi gần lại anh Nam và nói: Cuốn sách đầu tiên mà em đọc của anh Nam là cuốn “Giành lấy tương lai”…! Chợt thấy anh Nam đỏ bừng mặt lên và cười gượng: Quyển ấy mình viết hồi còn ấu trĩ… Tôi tự giận mình vừa nói chuyện để gần anh hơn, không ngờ lại làm phiền anh! Sau này nghĩ lại, tôi cho là anh Nam tự nhận xét chính xác về tác phẩm cũ kia, kể chuyện theo kiểu tố địa chủ bằng các chương kiểu như “Người ở chuồng dê”, “Máu đỏ”, “Đám cưới đám tang”, “Không thể sống cuộc đời này được”, “Một sống một chết”, “Giành lấy tương lai”, v.v… câu chuyện như là ghi lại lời kể của “đồng chí bộ đội Dương Văn Riềng”, dấu ấn học theo văn chương thổ cải là khá rõ, anh không muốn nhớ đến nó là phải!

Dạo ấy đường số 6 còn rất vắng, khoảng 11 giờ trưa thì xe chúng tôi tới thị xã. Các cơ quan đầu tỉnh cũ đều đã rút, nhường không gian cho đại công trường, nhưng các cơ sở của công trường xây dựng thì chỉ mới có một số bộ phận dọn đến, chuyên gia Liên Xô thường mới chỉ từ Hà Nội lên xong việc lại về chứ chưa ở lại. Hòa Bình lúc ấy vẫn là thị xã vắng lặng. Chúng tôi vào nơi vốn là nhà khách của tỉnh, nhận phòng, báo cơm, không quên nộp trước một ít tem gạo. Được biết, nhà khách lúc này là nơi ở của các cán bộ kỹ thuật. Tình cờ, em trai tôi, vừa học xong kiến trúc từ Đông Âu về, cũng được huy động đi làm thủy điện, đang có mặt trong nhóm kỹ thuật làm việc tại đây. Tôi giới thiệu chú em với anh Nam.

Buổi chiều, anh Nam rủ tôi đi bộ vòng quanh thị xã bên này sông, gọi là Phương Lâm. Nhìn sang bên kia sông, anh chỉ một điểm trong các dãy núi và bảo: Cái núi kia, hồi bé bọn mình gọi nó là núi Ô-tô. Rồi anh đến gần một người trung niên hẳn là dân thị xã hỏi chuyện; người ấy cũng nói tên ngọn núi như thế! Anh cười: hóa ra từ ấy đến giờ người ta vẫn gọi núi ấy như bọn trẻ chúng mình đã gọi!

Hồi ấy (1978) các chuyên gia và thợ kỹ thuật từ Liên Xô hầu như chưa ở lại đây, nên người Hòa Bình còn khá nhạy với những nét giống Tây. Anh Nam vóc dáng cao lớn, da dẻ hồng hào, rất dễ bị coi là Tây. Anh nghe được những xì xầm của họ với nhau rồi bảo: Tôi đi với Ân, dân họ nói chắc là cán bộ ta đưa “ông Liên Xô” đi xem phố Hòa Bình!

Đi bộ trong những đường phố rất ít xe cộ, lại thưa hàng quán, nên chúng tôi đi mãi đến phía đường về Hà Đông, tới ngôi nhà có biển bưu điện mới dừng lại. Anh Nam đưa số dây nói nhà riêng ở Hà Nội, nói chuyện dăm phút về nhà, trả cước cuộc gọi. Cũng gần đấy có một “hiệu sách nhân dân” nho nhỏ, tôi theo chân anh bước vào, anh Nam hỏi xem sách thiếu nhi, thấy ở đây sách có phần ít hơn ở các hiệu sách vùng đô thị, thế nhưng thú vị là tại đây cũng có cuốn “Cây gạo” của tác giả Vũ Tú Nam, nhà Kim Đồng in lần thứ hai, một cuốn truyện chừng 30 - 40 trang cho tuổi thiếu niên.

Gần đây, tìm trong thư mục thư viện quốc gia, trong số trên 200 tên sách có gắn với tác giả Vũ Tú Nam, tôi thấy trên một nửa là sách cho thiếu nhi. Anh Nam là tác giả rất chăm viết cho thiếu nhi, từ truyện do chính anh viết, đến truyện dịch, thơ dịch. Anh thường được nhà Kim Đồng nhờ soạn phần lời cho các cuốn truyện tranh; phần lớn diện tích trang sách dành cho tranh vẽ, phần lời chỉ gói trong vài ba chục từ đặt thành dăm bảy dòng ở chân trang; soạn thế nào để họa sĩ nhìn vào đó mà vẽ, người đọc đọc qua là hiểu diễn biến câu chuyện, -- đấy là việc của một tay nghề già dặn.    

Từ hiệu sách chúng tôi trở về nhà khách.

Thành phố Hòa Bình hôm nay. nguồn wikipedia.org

Hôm sau, anh Nam rủ tôi đi sang bên kia sông, khu vực mà anh gọi là Phố Đúng. Không có cầu nhưng có đò ngang, người hai bên sông qua lại đều trên bến đò ngang ấy. Phố Đúng trong hồi ức của anh hẳn là khá đông đúc và đầy những ghi nhớ tuổi trẻ, còn Phố Đúng vào năm 1978 thì lèo tèo thưa vắng hơn cả bên thị xã Phương Lâm. Tôi để ý anh Nam như đang đi theo những con đường một thuở xưa theo trí nhớ của anh, có lúc anh chợt nhận ra một dấu cũ nào đấy, anh ồ à một mình, cũng có lúc nói to cho tôi nghe. Nhưng cả anh và tôi đều không biết rằng, hình dáng Phố Đúng còn lại đến năm 1978 ấy, sẽ biến mất hoàn toàn khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, diện mạo cả một vùng tương ứng với nhà máy được đô thị hóa, thành thành phố mới Hòa Bình.

Đầu giờ chiều hôm thứ hai, chúng tôi dự nghe một cán bộ trong nhóm kỹ thuật nói chuyện về dự án xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà tại Hòa Bình. Hóa ra dọc theo con sông này, Hòa Bình chỉ là một trong số các bậc thủy điện; phía trên trạm này sẽ còn các bậc Tạ Bú, Lai Châu. Lúc ấy tại miền Bắc chỉ mới có một nhà máy thủy điện tương đối lớn là Thác Bà. Mãi sau này tôi mới có dịp đến Thác Bà nên lúc ấy thậm chí nghe thuyết trình cũng không hiểu được mấy.

Trở về phòng, anh Nam bảo anh Túc lái xe đưa chúng tôi đi một vòng thị xã. Tỉnh lỵ Hòa Bình khá nhỏ, nhưng ngay bên Phương Lâm này thôi, anh Nam cũng không biết chắc, nơi xưa kia ông cụ làm việc và nơi gia đình anh cư trú hồi ấy, là ứng với những điểm nào bây giờ! Với thời gian, mọi cảnh quan đều thay đổi đến không nhận ra! May mắn cho riêng tôi, lúc xe chúng tôi đi vào Trường Văn hóa dân tộc Việt Bắc đóng tại Hòa Bình, tôi lại gặp một người bạn cùng lớp thời đại học (1964-68), tên anh là Bùi Văn Nhậm, quê tỉnh này, sau khi ra trường về dạy tại đây. Nhậm đang ngồi với một tốp nữ giáo sinh. Anh bảo tôi: ông Nông Quốc Chấn muốn “tao” về cơ quan dân tộc ở trung ương, nhưng “tao” thích ở đây, gần nhà, mà sắp tới lại nhộn nhịp với công trường thủy điện.

Hôm sau, ăn sáng xong, chúng tôi lên xe đi vào làng Mường! Có lẽ từ Hà Đông ông phó giám đốc đã ghi đường đi cho anh Nam. Xe lên dốc Cun, rồi rẽ theo một ngả đường nào đó, hình như chính là đường số 12 (con đường thành tên tác phẩm của Vũ Tú Nam), tìm dần tới địa chỉ đã báo trước.

Đến đây chúng tôi mới biết rõ hơn, thời những năm 1930-40 ấy, cụ thân sinh anh Vũ Tú Nam làm viên chức bưu điện ở thị xã này (lúc ấy gọi là sở dây thép!), cụ thân sinh anh Nam họ Bùi, phó giám đốc (sở văn hóa Hà Sơn Bình lúc này) là nhân viên tạp vụ cũng ở bưu điện Hòa Bình. Cụ có nhà ở trong quê nhưng cũng có nhà ở ngoài thị xã cho mấy cậu con ra đây ở và đi học, vì thế, bọn trẻ hai nhà quen biết nhau, có chung nhau những ngày tuổi thơ tại thị xã Hòa Bình. Sang thời ta, ngoài ông Nam làm cán bộ nhà nước, còn mấy anh em khác vẫn ở trong quê. Ông Nam rât muốn anh Vũ Tú Nam ít ra có một lần về tận làng mình, tuy ông không thể về cùng.

Nơi chúng tôi đến là nhà người em trai ông phó giám đốc Nam, một ngôi nhà sàn vào loại lớn so với các ngôi nhà xung quanh, đó là ngôi nhà sàn 7 gian hoặc 5 gian chứ không phải chỉ 3 gian. Các ngôi nhà trong vùng tương đối cách xa nhau, nên cảnh quan cả vùng nhìn rất thích. Trong nhà, tôi đặc biệt có ấn tượng với vài gian có những chiếc bồ to, trong đựng những chiếc chăn còn mới nguyên, gấp rất vuông vắn, hình như theo tục lệ là để dành cho khách hoặc dành cho con gái đi làm dâu; những chiếc chăn dệt thổ cẩm rất đẹp.

Ông chủ nhà khi đó còn đang độ trung niên, không biết hồi nhỏ ông đã gặp anh Vũ Tú Nam chưa, nhưng ông biết thời nhỏ từng ở thị xã Hòa Bình với bố. Anh Nam hỏi khá kỹ về cuộc đời ba anh em. Ngoài ông Nam lúc ấy là phó giám đốc, ông chủ nhà là thứ, cũng có đi bộ đội, sau về làng làm ruộng, cấy lúa, trồng rừng. Nhìn ngôi nhà cũng đoán ra cơ nghiệp vững chãi của gia chủ. Nhưng nói đến người em trai thứ ba thì giọng ông chủ hơi ngậm ngùi. Chú em nó có học hành ít nhiều, lẽ ra có thể làm nhân viên thông tin tuyên truyền, nhưng tính tình không dễ bảo, nên gặp trắc trở, bây giờ trên bốn mươi rồi vẫn chưa ổn định nghề nghiệp, chuyện hôn nhân cũng trục trặc!

Bữa tối hôm ấy là bữa tiệc đãi khách. Hóa ra anh Vũ Tú Nam không biết uống rượu! Lúc này thì anh Túc lái xe phải lãnh hộ thủ trưởng! Xong bữa sẽ đi ngủ, mai cũng chưa đi sớm ngay, nên lái xe không phải giữ gìn gì!

Đêm ấy, chúng tôi ngủ trên sàn nhà sàn, khoảng gần chỗ đặt bếp. Mỗi người một chăn, thời tiết cuối xuân ở vùng núi cũng không thấy rét, cảm giác bâng khuâng lạ nhà cũng mau chóng qua đi.

Sảng ra, chúng tôi thức dậy khoảng gần 7 giờ, thế mà người nhà hầu hết đã đi làm cả rồi. Anh Nam rủ tôi xuống gác, đi loanh quanh trong xóm. Các ngôi nhà xóm này cách nhau khá xa nên hầu như chúng tôi đi trên các bờ ruộng nước; lúa xuân cấy trước hoặc sau Tết đều đã bén rễ, lá xanh non rất đẹp.

Trưa hôm ấy chúng tôi trở ra thị xã Hòa Bình, về lại nhà khách. Buổi chiều, chúng tôi đi xe tới nhà riêng ông phó giám đốc Nam, cũng ở trong khu vực Phương Lâm; ông vừa từ Hà Đông về, như đã hẹn với anh Vũ Tú Nam. Hôm ấy, bà vợ ông trong trang phục phụ nữ Mường, làm đầu bếp thết đãi anh Vũ Tú Nam và đoàn chúng tôi. Ngoài những chuyện về vùng đất Hòa Bình xưa kia thời các ông còn sống với bố mẹ, và những dự kiến đổi khác nay mai vì có nhà máy thủy điện, tôi thấy hai ông cùng tên Nam còn nói nhỏ với nhau một vài việc khác nữa. Có lẽ ông phó giám đốc cũng có những bận tâm riêng, từ chuyện công tác đến việc nhà cửa, con cái. Một cô con gái ông bà lúc này đang học tại trường văn hóa Tây Bắc, nay mai ra trường chắc cần tìm chỗ công tác thích hợp.

Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe trở về Hà Nội, rồi ngày ngày lại tới cơ quan ngồi với những bản thảo các loại.

Khoảng vài năm sau, một lần nữa anh Vũ Tú Nam lại bảo tôi cùng anh đi Hòa Bình. Lần ấy chúng tôi đi xe của công trường, trên xe ngoài anh Nam và tôi, còn có anh Thái Bá Lợi, lúc ấy đang học khóa đầu trường Viết văn Nguyễn Du. Nhà xuất bản chúng tôi lúc ấy đã có anh Trần Vũ Mai, được “cắm” tại công trường như đi thực tế dài ngày. Trước mắt chúng tôi, vùng Hòa Bình đã là một công trường lớn; bên Phố Đúng cũ là hàng loạt hạng mục đang xây dựng. Ban chỉ huy công trường dành thời gian tiếp chuyện anh Nam. Tôi và Thái Bá Lợi thích đi ra ngoài các khu vực nửa lán trại nửa công trường, xem bất cứ thứ gì có thể xem. Trần Vũ Mai còn biết cách nghe chuyện đơn giản hơn nữa. Chừng hơn 5 giờ chiều, anh rủ chúng tôi ra chỗ mấy quán nước ven đường, ngồi đấy có thể thấy những kíp thợ tan ca vừa uống chén chè vừa kháo với nhau các việc, từ việc ông trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Bagachenko nhận xét hóm hỉnh về tiến độ công việc (Mai bảo: ổng nói trong bốn năm việc đã định thì hôm nay chỉ làm được một việc là tưới nước cho khu vực phố xá và công trường đỡ bụi, nhưng đấy là do có mưa!), đến việc các tay lái tracteur tìm cách bán phần xăng nhớt thừa sau mỗi ca máy. Bọn tôi ngồi đấy đến gần 9 giờ, lúc vừa về phòng chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện anh Ngô Xuân Lộc báo tin sẽ đưa anh Nam và chúng tôi đi ngay vào xem đường hầm sẽ đặt các máy phát điện, lúc ấy mới khoan sâu vào lòng núi chừng vài trăm mét. Ấn tượng về một nhà máy đặt trong lòng núi, từ lần ấy, rõ lên và đậm lên dần trong ghi nhớ của chúng tôi.

Rất gần đây, nói chuyện với nữ nhà văn Lê Phương Liên, tôi mới được biết, chuyện trải nghiệm tuổi thơ ở thị xã Hòa Bình, điều mà anh Vũ Tú Nam muốn tìm lại trong chuyến rủ tôi đi cùng hồi 1978, anh Nam đã viết thành truyện, một truyện kể cho tuổi thiếu niên, chừng trên dưới trăm trang, cũng đã in tại nhà xuất bản Kim Đồng. Chị Liên không nhớ chính xác tên sách. Tôi thì chưa biết anh Nam có cuốn sách ấy. Nếu đã đọc qua cuốn ấy, có lẽ bài hồi ức này của tôi sẽ có thêm được nhiều chi tiết hơn. Bốn chục năm đi qua rồi còn gì? Tôi không còn nhớ được mấy chi tiết về chuyến đi ấy, đành kể sơ lược vầy vậy thôi!

 

    

    

       

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513567

Hôm nay

240

Hôm qua

2313

Tuần này

21504

Tháng này

220440

Tháng qua

121356

Tất cả

114513567