Những góc nhìn Văn hoá

Mészệly Miklós

 

Chúng ta có thể tóm tắt sự nghiệp sáng tác của Mészửly Miklós (1921-2001) trong vài câu và xếp các sáng tác của ông - nói theo thuật ngữ ông vẫn dùng - vào dòng truyện ngắn và tiểu thuyết viết về những vấn đề lớn của bản thể tồn tại, dòng văn học tìm kiếm những con đường hoàn toàn khác biệt với truyền thống tiếp cận thế giới bằng phương pháp hiện thực, với nhu cầu can thiệp và thiết lập thế giới của văn xuôi Hungary.

Mészửly đảm nhiệm việc thức nhận cảm quan của con người buộc phải đối mặt với sự phi lí của thế giới. Trước hết, các nỗ lực của ông giống những nỗ lực của văn học hiện sinh và phi lí ở châu Âu. Ông thử nghiệm một cách có ý thức và táo bạo bằng các hình thức tự sự để khắc phục những gì đã tạo nên sự cản trở việc giải quyết nhiệm vụ này trong truyền thống văn xuôi Hungary. Trong các sáng tác của ông nói chung đều không có yếu tố ướt át trữ tình hay hài hước, làm trò. Thế giới của ông nghiệt ngã, lạnh lùng; là vũ trụ nhà văn được thiết lập một cách có ý thức, được sáng tạo và cân nhắc đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Tình thế nhà văn

Tập truyện ngắn đầu tiên của ông xuất bản năm 1948, nhưng do xuất thân từ giai cấp trung lưu và những hoạt động của ông trong thời kì quá độ sau chiến tranh, nhà văn trẻ đã không thể nhập cuộc vào đời sống dân sự cũng như đời sống văn học trong những năm năm mươi. Tập truyện ngắn thứ hai xuất bản năm 1957 cũng không gây được sự chú ý đáng kể. Năm 1960, tạp chí Jelenkor đã trích in cuốn tiểu thuyết Cái chết của vận động viên điền kinh, đến năm 1965 lần đầu tiên cuốn tiểu thuyết này được dịch sang tiếng Pháp. Năm 1966 nó mới được xuất bản bằng tiếng Hungary trọn vẹn. Năm 1967, ông cho xuất bản tập truyện ngắn có đầu đề là Nói về năm con chuột,và năm 1968 tiểu thuyết Saulus ra đời. Như vậy, Mészửly chỉ có thể đến được với công chúng rất muộn màng.

Nguyên nhân của sự cách biệt này là những nỗ lực thẩm mĩ và thi pháp văn xuôi của ông không phù hợp với hệ hình truyền thống thực chất còn nguyên vẹn trong văn xuôi Hungary những năm sáu mươi. Những cố gắng đổi mới nội dung và hình thức văn xuôi của ông đã gây nghi ngờ về mặt chính trị và tư tưởng. Các sáng tác của ông không đáp ứng được những đòi hỏi về tư tưởng. Ông không hòa nhập được vào câu chuyện phiếm mà những người có trách nhiệm chỉ đạo đời sống tinh thần thời đó vẫn mong ông tham dự. Nhưng ông cũng không tham gia vào việc chống lại câu chuyện phiếm đó: Không có một sự đối lập tư tưởng hay chính trị nào có thể làm uốn cong ngòi bút của ông. Giới phê bình khó chịu trước thái độ độc lập có thể gây gổ của ông; cho đến những năm bảy mươi, ông vẫn còn sáng tác giữa hai làn đạn và trong bầu không khí không hiểu nhau. Nhưng công chúng và thế hệ trẻ ngày càng chú ý đến lời ông. Tập truyện ngắn chọn lọc có tựa đề Sự hình thành xuất bản năm 1975 đã có tiếng vang lớn. Sự thay đổi tình thế có lợi diễn ra chậm chạp cũng không làm lung lạc tinh thần nhất quán và thái độ cầu toàn ở nơi ông. Giữa nhiệm vụ của nhà văn và của con người đời thường qua những bài viết và những hoạt động đời thường của ông trong thời kì thay đổi chế độ, cũng không thấy có được sự cân bằng. Như vậy, ông đã trở thành một trong những người khởi xướng và lãnh đạo có uy tín nhất của quá trình thay đổi lớn diễn ra trong văn xuôi Hungary, ở những thập niên cuối thế kỉ trước.

Tình thế con người

Chỉ có thể thừa nhận sự mới mẻ trong nghệ thuật mà cũng là lí do của sự đổi mới văn xuôi của ông, nếu chúng ta chọn sự hiểu biết về hình ảnh nói về vị thế con người của ông làm xuất phát điểm, có tính đến nhu cầu trừu tượng hóa người kiến tạo mô hình nghệ thuật viết. Chúng ta có thể rút ra hình ảnh con người này một cách dễ dàng nhất từ hai cuốn tiểu thuyết Cái chết của vận động viên điền kinhSaulus. Cuốn đầu tiên khi mới xuất bản, giới phê bình diễn giải nó như là cuốn tiểu thuyết- thể thao, sau đó thì người ta lại thấy trong nó sự phê phán gián tiếp hiện thực Hungary những năm năm mươi. Chính nhà văn cũng đã lưu ý đến sự nhầm lẫn khi người ta đánh giá cuốn tiểu thuyết này là “tiểu thuyết thể thao”. Còn sự nhầm lẫn của cách đọc chính trị xuất hiện khi người ta nhấn mạnh một chiều vài môtíp thứ yếu của cuốn tiểu thuyết. Cuộc thi chạy được tổ chức để làm lễ khánh thành tượng Stalin, hay cái tiểu sử tuyên truyền dùng để đề cao - hạ thấp tấm gương của nhà thể thao đã chết đều chỉ xứng đáng bảo đảm couleur locale của hiện trường thời đại và của Đông Âu. Cái nỗ lực ít nhiều bất thành của nhân vật nữ - người kể chuyện -, dùng để khám phá nguyên nhân sâu xa hơn của cái chết bất ngờ của vận động viên điền kinh trong khi chạy, cho thấy sự khó lường của các thế lực đạo đức thúc đẩy hoặc cản trở con người, xây dựng hay hủy hoại cá tính của nó. Nhà văn qua đó nói lên rằng, ngay đến sự hiểu biết sâu kín, lòng nhiệt tình và sự cảm thông tinh tế của người yêu cũng không dẫn đến sự giải thích chắc chắn và chính xác, nếu muốn đột nhập vào tâm hồn cá nhân. Cái vai trò mà “nhân vật của thời đại chúng ta” lựa chọn (bởi vì nhà vô địch chạy chính là cái ẩn dụ lớn của con người hôm nay): sự vươn tới những kỉ lục về tốc độ không có gì khác sự trốn chạy vô ích từ chính bản thân ta; nó là sự thử nghiệm vô ích nhằm chữa trị một căn bệnh bên trong bằng những công cụ bên ngoài. Không có hi vọng chúng ta sẽ đến đích, chúng ta luôn luôn ở giữa đường, thậm chí với đầy cảm giác khó chịu không thể vượt qua, rằng sự vươn tới những kỉ lục, thực chất, làm chúng ta nhầm đường.

Tiểu thuyết Saulus tiếp tục phát triển hình ảnh con người này bằng sự kể lại câu chuyện liên quan đến Tân ước quen thuộc. Chúng tôi chọn cuốn tiểu thuyết dựa trên câu chuyện chính của Kitô giáo, được sáng tác bằng phương pháp đặc biệt, mang đậm dấu ấn nhà văn, là để phân tích nghệ thuật viết của Mészửly chi tiết hơn. Chúng ta ít biết đến thần thoại Thiên chúa giáo nào sống sinh động như sự chuyển đổi của Saulus được kể lại trong Những công vụ của các sứ đồ... Có điều, Saulus của Mészửly đã không đạt tới sự chuyển đổi, nói chính xác hơn, chúng ta không thể biết rằng sự việc có xẩy ra như thế không, bởi vì nhà văn chỉ đi theo nhân vật của mình trên con đường đến Damaszkus được nửa chừng. Trước khi xẩy ra điều kì lạ thì - tồi tệ hơn - nó bị khựng lại giữa chừng. Thậm chí, một trong những yếu tố của câu chuyện, sự mù lòa xẩy ra trước khi có đức tin mới, được nhà văn lập luận không phải bằng những nguyên nhân siêu nghiệm mà bằng những nguyên nhân trần tục, khác với nguyên mẫu của Kinh thánh. Sự khác biệt không đến mức làm cho sự việc không tiếp tục tìm gặp lại hướng đi quen thuộc. Người đọc lúng túng, không biết mình đang đứng ở phần nào. Cái hình mẫu mà 2000 năm văn hóa Thiên chúa giáo đã in đậm vào ý thức của mọi người, độc lập với việc ai là tín đồ hay không phải là tín đồ, nghe lời kêu gọi của Saulus Kitô là bắt đầu tin vào Chúa trời bị xua đuổi, đã không được thực hiện trong cuốn tiểu thuyết này. Những phân tích chi tiết về Saulus cho thấy rằng những dấu hiệu ban đầu của bước ngoặt này đã xuất hiện kín đáo ở nhiều điểm trong cấu trúc cuốn tiểu thuyết. Ví dụ, Saulus là người có mặt khi người chết đầu tiên vì Thiên chúa giáo bị ném đá. Bước ngoặt vẫn chưa xẩy ra, và sự thanh lọc chưa có. Giới phê bình ngơ ngác, ngỡ ngàng trước sự kết thúc của cuốn tiểu thuyết, không quyết định được là có thể tiếp tục câu chuyện mà nhà văn bỏ giở hay không? ở đây xuất hiện sự lúng túng tiếp nhận, khả năng lưỡng lự là rất lớn. Cuốn tiểu thuyết làm thăng bằng trên cái trục hẹp giữa sự đánh mất ý thức về sứ mệnh cũ và sự bắt gặp một ý thức về sứ mệnh Thiên chúa mới. Sự dang dở cố ý của câu chuyện thực ra là sự nhất trí từ phía nhà văn, ông không đảm nhận cái truyền thống vẫn còn nguyên vẹn của văn học Hungary cho đến tận lúc ấy, theo đó nhà văn là người chỉ ra con đường cho công chúng đại diện qua anh ta, nhà văn có sứ mệnh và trong tác phẩm của anh ta có những nhân vật với những cái loa dùng để diễn đạt cái sứ mệnh lịch sử và sự đưa đường chỉ lối mà nhà văn là người đại diện như là tấm gương. Các nhân vật của tiểu thuyết Saulus, tính cả “vị linh mục phản bội”, Kitô và người chết vì đạo đầu tiên, Istefanosz nữa, đều bị bỏ mặc trong quá trình giải mã những lí giải về đạo luật của họ. Thiên chúa im lặng. Nhà văn không có quan điểm bênh vực hay chống lại họ. Bằng cách đó, hiện thực của mọi sứ mệnh đều có thể đáng ngờ, cho dù đó là về niềm tin sứ mệnh của các tín đồ Giêsu hay về đức tin cổ xưa cho phép xua đuổi Saulus.

Như vậy, giống với nhân vật vận động viên điền kinh trong tiểu thuyết trước đó, Saulus là ẩn dụ của con người thời hiện đại: là nhân vật đánh mất các bằng chứng công khai tạo ra sự bình an của Do Thái giáo, là người bị cuốn hút bởi sự tìm kiếm chân lí trên những lí giải về các đạo luật của Do Thái giáo, nhưng vẫn chưa thực hiện cú nhảy lớn, cuối cùng, đến với giáo điều Thiên chúa, mang lại sự bằng an mới để rồi đây như là Paulus, sẽ công bố bằng chủ nghĩa cuồng tín mà vì nó ngài sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình. Sự vô nghĩa của thế giới ngày càng được triển khai trong tâm hồn chúng ta một cách đáng sợ hơn, thay vì gieo vào đó những hạt mầm yếu ớt của đức tin mới. Nhân vật cuốn tiểu thuyết là kẻ đánh mất sự tự tin của người xua đuổi, nhưng Saulus vẫn chưa có quyết tâm cuồng tín của kẻ bị xua đuổi: Chúng ta bỏ rơi nhân vật phi lí trên đất không người, ở cuối cuốn tiểu thuyết. Theo Mészửly, con người của thời đại đang đứng trên sa mạc khô cằn, lóa mắt bởi ánh sáng quá mạnh, cắt đứt với mọi điểm tựa, do dự và vô công rồi nghề! Khả năng phán xét của nhà văn là sắc sảo, ý thức phê bình của ông là không thương tiếc, nhưng ý thức đó không cho thấy lối thoát nào ra khỏi khủng hoảng mà chỉ càng bộc lộ rõ hơn trước chúng ta tính bất khả thi của nhu cầu - ý nghĩa và sự phi lí của thế giới. Nhân vật Saulus của cuốn tiểu thuyết này giống với nhân vật Meursault của Camus, nó hợp với Galéri các kiểu phi lí có trong Huyền thoại Sisyphos. Và nó phô ra cái hình ảnh thế giới đặc trưng cho nhân vật ngã ngựa trong sa mạc, giống với suy nghĩ của nhân vật đã trải qua những trại tập trung trong tiểu thuyết Không số phận của Kertész Imre.

Nhà văn thử nghiệm

Nếu con người là như thế thì làm thế nào để có thể nói về ông một cách tin cậy? Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông là sự tìm kiếm trong các trào lưu văn học khác nhau cái phương thức thể hiện nghệ thuật thích đáng cho việc nói lên cảm quan của con người hiện đại. Những tìm kiếm của ông không có gì liên quan đến Chủ nghĩa thử nghiệm rẻ tiền. Mészửly là nhà tư tưởng sâu sắc, và chủ yếu như là nhà văn, đã đi đến cùng những suy nghĩ của mình một cách bướng bỉnh. Chúng ta cần quan niệm những thể nghiệm hình thức của ông như là những hệ quả thi pháp văn xuôi xuất hiện gắn liền với những hình ảnh được sáng tạo mới mẻ và cập nhật về con người và vị thế của nó.

Xuất phát điểm chung cho những tìm kiếm các hướng khác nhau này là việc nhà văn từ bỏ phần lớn các giải pháp mà truyền thống tiểu thuyết Hungary dâng sẵn cho ông. Ngay từ đầu, ông đã từ chối vai trò đại diện cho quần chúng, không tham dự vào các hoạt động ở những lĩnh vực của đời sống thường nhật mà thông thường là chỉ tạo cơ hội để nhà văn trốn tránh nhiệm vụ nghệ thuật đích thực, chấp nhận những sáng tác dễ dãi. Từng bước ông thoát ra khỏi những kĩ thuật tự sự mà ông quan niệm là mang theo cả quá khứ: trong văn xuôi của ông, hiệu lực của lối tự sự tuyến tính đã lùi ra phía sau. Ông từ bỏ tính liên tục của sự liên kết hành động, tính hiệu lực của nguyên lí nhân quả; ông coi thường sự dông dài và quanh co của truyền thống văn xuôi Hungary. Vai trò cá nhân bị thu hẹp lại trong các tác phẩm của ông. Ông chừng mực trong những thử nghiệm: các phương pháp tự sự phi cá thể, khách quan, loại bỏ triệt để hành động, ví dụ kĩ thuật của tiểu thuyết mới, chỉ được ông sử dụng phần nào.

Một phần trong các tác phẩm của ông, như trong Cái chết của vận động viên thần kinh và trong Saulus vừa nhắc đến, câu chuyện thường xoay quanh nhân vật trung tâm, tính liên tục của nó ít ra về cuối mới có thể phục chế được. Có lúc, như trong các truyện ngắn Ba con sâu khoai tây hay Phim ở Emke, thì ngay đến mặt sau của kinh nghiệm cá nhân cũng có thể cảm nhận được. Tính chất hư cấu không bước quá khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực, - hiểu theo nghĩa rất rộng mà Mészửly quan niệm. Nhà văn chú ý đến các chi tiết hiện thực nhỏ, đến nỗ lực cân bằng giữa các công cụ dữ liệu và tư tưởng. Xúc cảm trữ tình cũng như trí tưởng tượng quá nhiều đều không phải là thế giới nghệ thuật của ông. Nhưng bên trong nó là cuộc tìm kiếm hình thức năng động. Đặc điểm nổi bật là sự nhất quán của nhà văn trong việc xa lánh lối mô tả tâm lí, có lúc theo ý thích, ông đưa vào lời kể chuyện những thay đổi, cắt xén; cố gắng đạt tới sự cô đúc, súc tích. Văn xuôi của Mészửly tạo nên bước ngoặt trong việc tránh xa khái niệm theo kiểu viết tiểu luận; ông chủ yếu lấy hình ảnh, thậm chí các yếu tố hiện thực chi tiết theo hướng trừu tượng hóa nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên khái niệm trung tâm của các bài tiểu luận giàu suy nghĩ của ông lại là cảm quan chung. Theo thiên chức của người nghệ sĩ là phải thể hiện cái cảm quan chung của người hiện đại hoàn thiện hơn, chính xác hơn. Nó chứa đựng cái nội dung liên quan đến con người, và do mang bản tính tâm hồn (tức là có cảm quan), nhưng không phải là thứ cảm quan cá nhân, vì thế có thể khái quát nó là ấn tượng chung cho tất cả chúng ta. Nhưng mặc dù có tính khái quát chung, thì nó cũng không thể bị tư tưởng hóa, làm cho nghèo nàn thành thứ công thức duy lí. Trong các tác phẩm thành công của ông, sự giáo huấn thường tránh cái khả năng diễn giải mang tính phúng dụ, đơn giản hóa một chiều; nó mở ra nhiều khả năng nghĩa khác nhau - cho người đọc.

Truyện ngắn Thông báo về năm con chuột đã minh họa tốt hơn mọi kết quả của những cố gắng theo hướng này của Mészửly. Đề tài: tiêu diệt năm con chuột làm tổ trong chạn giữa mùa đông. Phương pháp thể hiện của nhà văn kiệm lời đến lạnh sống lưng, ông chỉ giới hạn việc kể chuyện bằng các dữ kiện. Điểm nhìn được lựa chọn của ông là sự duy trì khoảng cách, là sự khách quan không thiên vị trước hai sinh vật sống là con người và con chuột trong cuộc chiến không cân sức. Đối diện với loài gậm nhấm, gắn bó với không gian sống là người giữ gìn vệ sinh chạn bát lạnh lùng, kiên quyết. Thái độ đã được nhà văn lựa chọn và thể hiện một cách nhất quán này mở ra nhiều hướng diễn giải truyện ngắn.

Nhà văn thử nghiệm này bị cuốn hút mạnh mẽ bởi những khu vực mà ở đó, đối với tiểu thuyết, sức tác động của hư cấu giảm sút. Khám phá những thành tựu của phương thức tự sự không hư cấu để tạo nên những tác phẩm có giá trị trọn vẹn về mặt thẩm mĩ, đó là nhiệm vụ mà một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất của ông đảm nhận, cuốn Trường cao trung (1956). Chúng ta có thể đọc tác phẩm này như một phóng sự về cuộc sống ở bãi chim diều hâu. Có điều, sự liên hệ sâu lắng thuộc về con người của người kể chuyện đối diện với những gì trải nghiệm ở đó đã tác động đến bình diện tiếp nhận tác phẩm như một phóng sự. Người khách, nhân chứng, người thăm đến từ nền văn minh thành phố yên ổn, bỗng chốc phải đối mặt với cái thế giới hoang sơ, còn lại nguyên vẹn, nơi có sự nghiêm khắc lạnh lùng, có vai trò đã qui định một cách chính xác; sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa người và chim, kẻ huấn luyện và con vật được thuần dưỡng, nhưng vẫn do cái trật tự được chấp nhận tự nguyện thông qua các thành viên của cộng đồng ngự trị. Người kể chuyện không bảo vệ cái thế giới ngày càng hấp dẫn và xa lạ nhờ hoài niệm về đời sống tự nhiên, nhưng cũng không bác bỏ vì sự hoang dã của nó, mà chỉ cố hiểu nó, thử quen dần với nó. Thể nghiệm việc mở rộng những khả năng tự sự như thế này cho thấy thành công ở chỗ cái phóng sự “đơn giản” tạo nên hoạt động diễn giải mang tính giáo dục.

Sau đó, trong bài tiểu luận Trường học của sự rộng mở (1963), Mészửly có trở lại với đề tài của Trường cao trung. Như là người diễn giải, nhà văn phổ quát hóa kinh nghiệm một thời, gần như ông phổ biến tính hiệu lực của kinh nghiệm đó như là quan điểm và như là phương pháp sáng tác. Thực tiễn nghệ thuật, thể nghiệm của nhà văn và tư duy về những vấn đề nghề nghiệp là những yếu tố tiếp nối nhau liên tiếp, chúng cho thấy rằng ông là nhà văn thuộc về những nghệ sĩ có ý thức nhất của chúng ta, người soi sáng và diễn giải hoạt động sáng tạo của mình như là nhà tư tưởng, người đầu tư những suy nghĩ của mình vào các tác phẩm mới. Ông thuộc số những nhà văn của chúng ta có những nỗ lực nhận biết các khoa học tự nhiên, khám phá những lĩnh vực đặc thù của kĩ thuật hiện đại, nhằm khai thác chúng, phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật viết.

Niềm đam mê học hỏi, sự sâu sắc của tư duy và tính cẩn trọng trong suy nghĩ đã làm cho ngôn từ diễn giải của ông trở nên súc tích và khó khăn, điều đó càng làm cho hoạt động viết tiểu luận trở nên quí giá. Tập tiểu luận đầu tiên của ông có tựa đề là Trường học của sự rộng mở (1977). Trong tập sách này ông viết về những vấn đề liên quan đến tính hiện đại của âm nhạc. Qua những gì viết về chân dung Camus, (Sự lãng mạn của ánh sáng) về điện ảnh (Phim và màu sắc), cho thấy tư duy Mészửly về văn học nghệ thuật vẫn gần gũi chúng ta bằng sự mẫn tiệp thường thấy. Nhưng dù viết về bất kì điều gì và về bất kì tác phẩm nào của văn học đương đại hay quá khứ, và cho dù chúng ta đối diện với bất kì thể loại nào trong tập sách, từ tiểu luận qua phỏng vấn đến nhật kí, chúng ta luôn vận động trong phạm vi hẹp nhất của những vấn đề bếp núc văn chương và phải đối diện với những vấn đề mà chúng ta sẽ gặp lại trong văn xuôi của ông. Công việc viết tiểu luận rồi đây vẫn được ông tiếp tục (Sự va chạm, 1980), và từ khi thay đổi chế độ thì những vấn đề cập nhật của đời sống người Hungary ở Trung Âu cũng xuất hiện trong các tham luận của ông.

Với sự diễn giải tác phẩm Trường học cao trung, chúng ta thấy việc sử dụng phương pháp quan sát, các thủ pháp không hư cấu cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của ông. Trong cuốn tiểu thuyết Những câu chuyện quan trọng trên đường (1970), từ một đế chế hư cấu nhà văn xuất phát về một hướng khác: ông chuyển sang tiếp cận đời sống một cách trực tiếp, không có sự can thiệp nào. Nhà văn kể về những kinh nghiệm hàng ngày của người đàn bà đi đến vùng Erdély thăm họ hàng, ông để cho người kể chuyện có đôi mắt tinh tường và khả năng cảm nhận nhạy bén, với sự cảm thông sâu sắc dành cho các thành viên gia đình, họ hàng, người quen và quê hương. Nhưng với việc người kể chuyện có khả năng phán xét tỉnh táo và kiên quyết mà không bị biên tập, đã làm cho lời kể trở nên trực tiếp và sống động một cách tự nhiên.

Nhà hát của Mészửly

Ở điểm này chúng tôi tạm thời chuyển sang lĩnh vực mà Mészửly như là nhà văn viết văn xuôi, đã có thử nghiệm bền bỉ nhất: đó là thế giới nhà hát. Rồi đây, các vở kịch được biểu diễn sẽ khác với những thử nghiệm nhà hát nhằm nới rộng các ranh giới thể loại. Người lau cửa sổ (1957), và Boongke (1959) là những vở kịch được viết trước khi nhà văn được biết đến. Erdửdy Edit viết: “Xét từ quan điểm lịch sử nhà hát và kịch bản thì đó là những tác phẩm có ý nghĩa. Mészửly là người đầu tiên ở nước Hung đã đưa những cố gắng của nhà hát thế giới vào việc thử nghiệm thành lập nhà hát phi lí, viết những kịch bản chịu ảnh hưởng của Beckett, đưa mâu thuẫn cá nhân có nội dung mang tình huống chính trị cập nhật vào kết cấu không - thời gian kiểu mới. Đặc điểm này sẽ thống trị sân khấu phi lí Đông Âu sau này”. Thực ra, khi trong văn xuôi tự sự, Mészửly tránh những mối liên hệ chính trị - tư tưởng thì ví dụ vở kịch Người lau cửa sổ đã nói đến tình hình sau Cách mạng 1956 và nền độc tài sau đó. Quả vậy, một màn “bi kịch - giễu nhại” cũng tìm được cái thể thức phổ quát có thể thâu tóm bản tính của quyền lực làm cho quyền tự trị của từng cá nhân và gia đình hay các mối quan hệ tự nhiên của con người phải khốn khổ, có thể đó là sự đàn áp hay can thiệp vào đời sống riêng tư một cách thô bạo mang tính chất chính trị hay bất kì tính chất nào khác. Tiếng vang của những vở kịch này chứng tỏ rằng Mészửly trước hết vẫn là một tài năng văn xuôi. ý tưởng và nghệ thuật viết kịch trong các vở kịch của ông là cầu toàn, hiện đại và cẩn trọng; nhưng trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông, cái sức mạnh xuyên suốt ta vẫn thấy, cái tác động “báng bổ” - nói theo lời ông - đã có phần giảm sút.

 Câu chuyện và trên ranh giới của văn bản

Quá trình cân nhắc những khả năng của “mối quan hệ sáng tạo” mới liên quan đến tác phẩm, Mészửly đã đạt tới một ranh giới vực thẳm mà bạn đọc đương thời và giới phê bình cho rằng đây là sự kết thúc của văn xuôi nghệ thuật. Ông sáng tác một cách tự tin, nhưng lại cho ra đời những tác phẩm gây bất ổn. Những tác phẩm như thế ví dụ như tiểu thuyết Phim (1976). Tác giả vốn là người (như đã nhắc đến ở trên, từng có những bài viết xuất sắc về điện ảnh và nghệ thuật) đã từ nhiều năm quen với ảnh di động, những ưu điểm của ngôn ngữ camera có thể giúp nhà văn vượt lên những giới hạn của văn xuôi, đào sâu vào “tận đáy” của sự chính xác hành động, vượt thoát khỏi những sự đơn giản hóa vẫn bám chặt lấy truyền thống văn xuôi, hướng tới những khả năng tạo nên một thứ chủ nghĩa siêu hiện thực báng bổ. Như là tác giả của tiểu thuyết Phim, ông gắn liền bản thân mình với một chiếc camera ghi lại tất cả một cách bình đẳng, biết hết mọi điều, nhưng lại phụ thuộc vào thứ lôgíc của chiếc máy vô ý thức. Sự phụ thuộc này cũng chỉ là tương đối, bởi vì nhà văn là người chọn đề tài và đưa lên phim về một cặp vợ chồng già, đáng thương, loạng choạng trở về nhà lần cuối trước khi chết. Nhà văn đưa đến gần camera những liên tưởng khảo cổ học văn hóa và khảo cổ học lịch sử của hiện trường, của khu vực quảng trường Matxcơva và Cánh đồng máu, phù hợp với không khí khô khan của phim. Rốt cuộc, nhà văn tạo nên sự kết hợp giữa điện ảnh và văn xuôi tự sự trong một chương trình mà ông đã từng viết: “Nếu có thể thì cần phải hợp nhất cái sức mạnh vô danh, không quan điểm, bình đẳng của camera với bản tính thiên vị cá nhân và những bổ sung của chúng ta”. Câu chuyện về đôi vợ chồng già, bất khả kháng, loạng choạng trở về nhà để chết, được cuốn tiểu thuyết kể lại theo cách ghép sự trở về nhà với cái chết bằng câu chuyện có kết cục bi thảm của Sillio Péter, một trong những vai phụ của cuộc biểu tình chính trị và nổi dậy ở Budapest, đầu thế kỉ XX. Cả hai yếu tố của tác phẩm đều cùng chỉ vào một hướng, nó lưu ý rằng với kết cục nhục nhã, đau đớn sự tồn tại của con người mới trở nên trọn vẹn.

Giới phê bình còn đánh giá bài viết Sự hình thành (1973) của ông là bất ổn hơn cả cuốn tiểu thuyết nói trên, nó chạm vào được “những giới hạn của điều có thể nói”. Thoạt đầu, nó như là tập hợp hỗn hợp các mảng văn bản. Nó làm tăng thêm sự lúng túng của chúng ta, rằng “tính chất sơ đẳng” của những mảng văn bản cũng không phải đều đúc khuôn như nhau. Chúng ta bắt gặp những cái tên riêng xa lạ cũng như các chi tiết khép kín hoặc mở của những câu chuyện dài hơn. Nó tiếp tục gây khó khăn vì không phải là một tập hợp đồng nhất, mà là về sự tiếp nối lẫn nhau lộn xộn của các kỉ niệm, sáng kiến, từ ngữ, sự hư cấu, ghi chép, v.v... Nhưng rồi nó cũng cho thấy rằng nhà văn bám theo sự hình thành tư tưởng, sự khắc họa những nội dung ý thức của một con người; và cuối cùng mới rõ là nhà văn quay phim cái ý thức của một nghệ sĩ đang lao động cho một tác phẩm còn ở giai đoạn hình thành. Từ văn xuôi có cốt truyện đến sự sáng tạo văn bản “vắng” là một bước quyết định. Trong mắt giới phê bình thời đó thì Sự hình thành là sự kết thúc của thế giới văn xuôi, nhưng không lâu sau đó, tác phẩm này trở thành cái cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của thời kì mới của văn xuôi đối với các nhà vô địch hậu hiện đại.

Văn bản này không phải là sự thể nghiệm đơn độc của sự nghiệp Mészửly, có thể xếp cạnh nó - với sự khác biệt quan trọng - ví dụ tác phẩm Sự điều tra (1971-1988) hay Tấm bản đồ với những vết nứt (1971). Trong những tác phẩm này, chúng ta có thể gặp những dấu hiệu khởi đầu của những xu hướng tìm đường tiếp tục; táo bạo nhưng ít cực đoan mà rồi đây, nhất là từ những năm tám mươi trở đi, sẽ được triển khai. Đầu tiên, nhà văn thiết lập và hoàn thiện những thao tác trong hai tác phẩm nói trên và trong những tác phẩm tương tự, theo đó thời gian, quá trình, những yếu tố sử thi chưa bao giờ có thể bỏ đi thì bây giờ nhà văn có khả năng xử lí một cách độc lập, khác với lối kể chuyện truyền thống. Trong truyện ngắn cuối có ba bình diện kể chuyện, khác nhau về không gian, thời gian và hoàn toàn lạ lẫm: một nói về sự trở về nhà, chuyện xẩy ra ở làng ven sông Danúyp; một là câu chuyện của một người Bolivia (Che Guevara) và một mượn từ Những linh hồn chết, cả ba nhập vào nhau, trùng khít. Trong truyện ngắn Điều tra, nhà văn đã thực hiện sự chuyển động con lắc giữa các mẩu chuyện, ông để cho tuột đi rồi lại nhặt lên cái sợi chỉ đã tuột trước đó. Nhà văn đã thay thế quá trình câu chuyện, nói theo khái niệm của Thomka Béata, bằng sự phi đồng đại hóa, sự thay thế tự do các mặt cắt thời gian và bằng sự vận dụng các dòng thời gian song hành. Cứ như vậy, nhà văn đã đạt tới sự tràn đầy văn bản mà cho đến lúc đó vẫn chưa nhận ra, một sự tổng hợp Mészửly đặc trưng giữa hòa tan và cô đúc.

ở giai đoạn khởi đầu của sự nghiệp giữa những năm bảy mươi, tưởng như nhà văn sẵn sàng quay về với phương thức tự sự sử thi mà những thập niên trước đó ông đã từ bỏ. Nhưng không phải để tiếp tục mà là để đổi mới nó bằng những thành tựu đúc kết được trong quá trình thử nghiệm. Trong các tác phẩm ra đời ở những thập niên cuối, nhà văn càng vận dụng những thành tựu thi pháp văn xuôi mà ông đã tạo lập trong quá trình sáng tác. Nhà văn từng bước đưa vào thế giới nghệ thuật của mình sau chuyện đời là chuyện gia đình (Truyện ngắn Hungary; Khóc mẹ), chuyện địa danh (Tấm bản đồ về Alisca) và sau đó là lịch sử Hungary và Trung Đông - Âu nữa: (Anno; Sự tỏa sáng của đại tá Sutting; Những mảnh vải bạc màu giữa mùa mưa lớn). Cho đến tận độ sâu lắng bí ẩn (Những con ngựa có cánh), nhưng không mở ra chiều thời gian mới, mà là những tầng vỉa quá khứ luôn được sắp xếp vào thời gian hiện tại, làm thay đổi nó trở thành sự tồn tại - hiện hữu gây hồi hộp, thành thực tại được đốt nóng.

Có lẽ đây là những tác phẩm đã đưa Mészửly đến đỉnh cao sự nghiệp. Trong những tác phẩm này, sự thử nghiệm và đổi mới không hiện hữu như là hành động mà như là kết quả, phục vụ sự đích thực nguyên khởi của thế giới nhà văn. Tên của các tác phẩm: Đoạn Pannon; Pannom của tôi; Ngày xửa ngày xưa có một Trung Âu, cũng cho thấy một sự nghiệp sáng tác đã trở thành tài liệu của một giai đoạn và của một sự thức nhận lịch sử và vùng lịch sử văn hóa, qua đó vẫn không đánh mất tính phổ quát của thông điệp1

                                         Trương Đăng Dung dịch từ nguyên bản

                                         (Tài liệu do Viện Văn học Hungary cung cấp)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513604

Hôm nay

277

Hôm qua

2313

Tuần này

21541

Tháng này

220477

Tháng qua

121356

Tất cả

114513604