Hạnh phúc không trú ngụ ở khối óc, nó nằm ở trái tim. Hạnh phúc không nằm ở suy nghĩ; nó thuộc về cảm giác. Khi bạn bị tước đi cảm giác, bạn sẽ không còn cảm giác. Bạn không biết cảm giác là gì. Bạn nói: “Tôi cảm thấy…”, không phải vậy, thật ra bạn đang nghĩ là mình cảm thấy thì đúng hơn. Bạn nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc”, đó chẳng qua là do bạn nhìn nhận, phân tích và nghĩ rằng mình đang có cảm giác hạnh phúc. Bạn đã suy nghĩ về hạnh phúc chứ không phải cảm nhận nó một cách giản dị, hồn nhiên. Bạn nghĩ về nó thì nó xuất hiện, nếu bạn không nghĩ về nó thì bỗng dưng nó biến mất không để lại dấu vết.
Nếu nhìn thế giới bằng khối óc, bạn chỉ thấy được mặt này hay mặt khác. Còn với trái tim, bạn có thể cảm nhận thế giới một cách toàn vẹn bằng chính tâm hồn mình. Vì thế, cảm giác đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người.
Hãy quan sát một họa sĩ đang vẽ tranh để thấy rõ sự khác biệt giữa một nghệ sĩ thực thụ và một người sành sỏi về kỹ thuật. Nếu người họa sĩ chỉ giỏi kỹ thuật, một người nắm được thuật phối màu trên bảng vẽ và cách sử dụng cọ nhờ chịu khó thực hành, anh ta chỉ cần cố gắng suy nghĩ cách nào để hoàn thành bức tranh. Nhưng một nghệ sĩ thì khác. Anh ta hoàn bị cuốn hút vào tác phẩm của mình, hoàn toàn quên mất xung quanh. Anh ta không chỉ vẽ bằng tay, không chỉ cố gắng hoàn thành bức tranh có trong đầu mình mà anh ta đang trút tất cả sự sống đang tuôn chảy trong mình vào bức họa. Không có gì tồn tại ngoài những nét vẽ. Giây phút ấy thậm chí ngay cả người họa sĩ cũng không tồn tại nữa. Giây phút ấy, toàn bộ đời anh chỉ là một thông điệp, mọi sắc màu đi xuyên qua anh.
Khi bạn gặp gỡ một nghệ sĩ múa – một nghệ sĩ đích thực, không phải chỉ là một người chuyên biểu diễn – bạn sẽ thấy họ không múa. Có một cái gì đó bên kia điệu múa trong con người họ. Toàn bộ sự sống của họ nằm trong điệu múa.
Làm một cái gì đó bằng tất cả hồn mình, đó là hạnh phúc. Ngược lại, bạn sẽ luôn cảm thấy chưa đủ, cảm thấy khổ sở. Khi cảm thấy mình chỉ là một phần tách rời của cái toàn thể, cảm giác đó rất đau đớn. Sự cắt chia đó giống như tâm trạng căng thẳng nặng nề hoặc cơn tức giận.
Nếu yêu thương bằng cái đầu, chúng ta sẽ rất khó trao tặng cho người khác những trải nghiệm hạnh phúc. Cũng như vậy, ta không thể thiền định chỉ bằng cái đầu.
Tôi rất thích bơi lội. Những người hàng xóm nói rằng nhìn tôi rất hạnh phúc sau mỗi lần đi bơi về. Một ngày kia, họ hỏi tôi: “Có chuyện gì xảy ra vậy? Tôi thấy anh đi ra dòng sông và bơi ở đó đến mấy tiếng. Tôi cũng muốn đi theo anh vì tôi thấy anh hạnh phúc quá”.
Tôi nói: “Xin đừng đi theo tôi. Anh quên mất một điều, ở ngoài bờ sông buồn lắm. Anh đừng hành động giống tôi vì càng muốn đi theo tôi, anh sẽ càng gặp khó khăn đấy. Nếu đi ra bờ sông rồi cố gắng bơi để mong được vui sướng thì anh sẽ không bao giờ có được cảm giác đó đâu”.
Bơi có thể trở thành thiền định. Chạy cũng có thể trở thành thiền định – bất cứ việc gì cũng có thể trở thành thiền định. Hạnh phúc ở trong tim chúng ta. Trái tim là sự hợp nhất tất cả.
Nếu thích, hãy nhảy múa ngay lúc này bằng tâm hồn mình, như một “người say” từ bỏ bản thân mình. Trò chơi thực sự là một cuộc say. Đó là cơn say của người biết chơi đùa một cách hồn nhiên. Những kẻ quá tỉnh táo không bao giờ biết chơi, không bao giờ nỗ lực với trò chơi nên cũng không bao giờ điều khiển được nó. Xã hội không thể điều khiển được một người thích chơi đùa. Còn chúng ta, nếu không thể điều khiển trò chơi thì ta cũng không thể làm chủ niềm hạnh phúc của bản thân mình.
Nhiều người tâm sự với tôi rằng họ muốn thoát khỏi nỗi đau khổ,, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận buông xả. Họ vẫn cứ mong mỏi điều khiển cái này cái khác, như thể điều khiển trò chơi vậy. Họ vẫn cứ muốn làm ông chủ. Đó là điều không thể. Niềm vui thực sự chỉ đến khi chúng ta từ bỏ mọi ước muốn điều khiển cái này cái khác. Trò chơi, hay niềm vui là một cái gì đó rất hồn nhiên, nó không biết đến sự điều chỉnh nào.
Hạnh phúc cũng vậy, là một cái gì đó rất hồn nhiên. Người ta không thể điều khiển hạnh phúc được. Bạn chỉ có thể cảm nhận mình rơi sâu vào niềm an vui như bước vào một trò chơi vô tận. Đó là một cuộc chơi vĩnh cửu. Với trò chơi ấy, làm sao chúng ta có thể điều khiển, sắp xếp?
Khi đang nhảy múa một cách say sưa, ca hát một cách say sưa, chúng ta tựa hồ như không có mặt nữa – trò chơi đã tràn đầy trong ta, tuôn chảy cùng lúc với dòng máu trong ta. Tất cả đều như một phép màu. Sống với chết đang nhảy múa cùng nhau bởi vì cả hai đều biến mất. Nếu bạn không cảm nhận một sự hòa hợp cao độ, sự ngăn cách sẽ xuất hiện, và không còn hạnh phúc nữa.
Nếu tách mình ra khỏi thế giới, thế giới sẽ chia cắt chúng ta. Sự tồn tại của ta vươn lên một cách cô đơn trên tấm màn vũ trụ. Nếu gắn bó hài hòa với vũ trụ, chúng ta không còn bị dày vò bởi sự chia cắt. Sự sống và cái chết không phải là hai thể đối lập mà chúng bù đắp cho nhau trong một điệu múa. Vật chất và ý thức không phải là hai thứ khác biệt mà chúng hòa quyện bên trong chúng ta: linh hồn và thể xác đang nhảy múa cùng nhau. Tất cả hiện hình làm một và hòa trộn nhau trong cái nhất thể tuyệt đối. Linh hồn và thể xác luân phiên ẩn hiện.
Thượng Đế không phải là một đấng siêu nhiên nào xuất hiện trên bầu trời mênh mông kia. Người ở đây, trên những hàng cây, những hòn đá, trong tôi, trong bạn, trong mọi sự hiện hữu. Thượng Đế là linh hồn của tồn tại, vô hình và sâu thẳm. Bên trong nhảy múa với bên ngoài, thiên đường nhảy múa với cõi tục, cái thánh thiện nhảy múa với tội lỗi.
Và khi bạn trở thành một thực thể hợp nhất, lập tức, những mặt đối lập này sẽ biến mất.
Vậy nên, một người thông thái cũng có thể là một kẻ ngớ ngẩn, bởi cái thông thái kia nhảy múa với cái ngốc nghếch. Bậc hiền triết có thể thành kẻ tinh quái. Thượng đế và ma quỷ không hẳn là hai. Bạn đã bao giờ nghĩ về từ “ma quỷ” (devil) chưa? Từ ấy cùng gốc với từ “thánh thần” (divine) đấy. Ở tiếng Sankrit cũng vậy, diva cùng gốc với từ deva.
Một cái cây trong sâu thẳm của nó là một sự hợp nhất hoàn thiện, dù nó có đến hàng trăm cành nhánh hướng về những nơi khác nhau, dù nó có đến hàng triệu chiếc lá.
Khi chúng ta bắt đầu điệu múa, cả thế giới sẽ múa cùng chúng ta. Một câu cách ngôn nói rất đúng: nếu khóc, hãy khóc một mình; khi cười thì cả thế giới sẽ cười với bạn. Khi đau khổ, chúng ta sẽ bị cô lập. Đau khổ sẽ là bức tường ngăn cách chúng ta với thế giới.
Nỗi đau đớn sẽ cô lập bạn, hay đúng hơn, sự cô lập đó sẽ làm bạn đau đớn. Mỗi khi rời khỏi cái toàn thể, lập tức bạn sẽ đau khổ. Đó là lý do mà một cá thể duy nhất không thể có được niềm vui thật sự, bởi bản chất của niềm vui là sự giao hòa. Niềm vui chỉ đến khi người ta không bao giờ còn bị cách chia. Con người cá nhân nếu cố sức sống vui trong đơn độc thì ở đâu đó trong lòng anh ta vẫn âm ỉ một nỗi khổ đau. Càng vùng vẫy anh ta càng tạo thêm chất chồng nỗi khổ tâm, càng duy trì cái tôi của mình anh ta càng rơi vào cô đơn.
Khi thật sự hạnh phúc, cái tôi cá nhân của mỗi người sẽ biến mất. Khi thật sự hạnh phúc, chúng ta thấy mình ở trong cái toàn thể. Hạnh phúc gắn với sự sẻ chia.
Khi Đức Phật buồn chán, Người đã bỏ vào rừng, bỏ lại cả thế giới sau lưng. Sáu năm sau, khi đã giác ngộ, Ngài hân hoan biết bao khi trở lại chốn kinh kỳ bởi lẽ khi ấy, trong Ngài đã tràn ngập tình cảm chia sẻ lớn lao.
Đau khổ là hạt giống, hạnh phúc viên mãn là đóa hoa. Hương thơm của niềm hạnh phúc tràn đầy ấy sẽ hòa cùng cánh gió lan tỏa khắp nơi nơi.
Khi buồn, bạn khép chặt lòng mình lại, bạn không muốn nhìn thấy bạn bè người thân, không muốn đi đâu, không muốn tham dự vào cuộc chơi nào. Bạn nói: “Để tôi yên, để tôi một mình!”. Khi rơi vào nỗi đau cùng cực, bạn muốn tự sát. Điều đó nghĩa là gì? Tự sát là gì? Tự sát chỉ là một nỗ lực chạy thoát khỏi thế giới mà sau đó người ta không có cách quay trở lại. Đó là cuộc trốn chạy với nỗi cô đơn tuyệt đối, bất lực tuyệt đối, cuộc ra đi ấy nhất quyết không còn lối trở về.
Không ai muốn tự sát khi đang sống trong niềm hạnh phúc, an lạc. Chỉ có những người tràn ngập niềm vui mới có thể nhảy múa một cách hồn nhiên và mời gọi người khác đến với mình, sẵn sàng cho đi niềm vui bất tận của bản thân mình. Ai cũng được chào đón trong phút giây mà tâm hồn chúng ta rộng mở hân hoan. Nhưng nếu đang khổ đau, chúng ta cũng không thể chào đón bất kỳ ai - kể cả những người bạn vốn rất yêu thương và có sự đồng cảm sâu sắc.
Người Hindu nói điệu nhảy thiêng liêng hợp nhất chúng ta và vũ trụ là Ras-Leela – một đấng tối thượng đang nhảy múa trong khi xung quanh ngài, trăng sao, thiên hà cũng quây quần hòa điệu. Đó là điệu nhảy vô tận đang diễn ra trước mắt ta, nhưng chỉ khi nào ta học được cách nhảy múa, học được ngôn ngữ của niềm hạnh phúc chân thật, ta mới nhận ra điệu nhảy kỳ diệu ấy.
Trong Thế chiến thứ hai, một binh sĩ bỗng dưng bỏ súng tại chiến trường và chạy đến nhặt bất cứ mẩu giấy nào anh ta nhìn thấy, hối hả đọc nó và buồn bã lắc đầu khi những mảnh giấy rơi lả tả xuống đất. Người ta đưa anh vào bệnh viện, và dù bị tác động đến mấy, anh vẫn câm lặng, chỉ lắp bắp những từ không rõ nghĩa. Anh lang thang một mình trong khuôn viên bệnh viện, nhặt những mảnh giấy và cứ mỗi lần như vậy, gương mặt anh ánh lên vẻ hy vọng rồi lại lập tức buồn bã. Một ngày kia, anh nhận được giấy chứng nhận miễn trừ tham gia quân đội. Đến lúc này, người ta mới nghe tiếng nói của anh: “Nó đây rồi!”. Anh khóc òa trong niềm hạnh phúc.
Hạnh phúc thực sự chính là tự do cuối cùng. Chỉ là tiếng kêu đơn giản của một trò chơi: “Nó đây rồi! Eureka! Ta đã tìm thấy nó rồi!”.
Điều khôi hài ở chỗ chúng ta chẳng cần đi đâu xa để tìm kiếm hạnh phúc. Nó ở ngay đây. Nó nằm ở cuộc sống bên trong chúng ta. Nếu phải đi tìm nó, bạn hãy tìm ngay thời khắc này, không nên trì hoãn một giây phút nào. Khát khao lớn có thể mở mọi cánh cửa tự do. Sức mạnh thôi thúc bên trong có thể mang đến tự do cho bạn ngay lúc này.
Lê Thị Thanh Tâm dịch