Những góc nhìn Văn hoá

Giá trị của Then trong đời sống tinh thần của người Tày

Then là một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời của người Tày miền núi phía bắc Việt Nam. Việc nhìn nhận và đánh giá vị trí của Then trong đời sống tinh thần của người Tày là một việc làm cần thiết đóng góp cho việc tìm hiểu đời sống tôn giáo tín ngưỡng của các dân tôc thiểu số nói chung và đồng bào Tày nói riêng. Vì vậy bài viết này sẽ tập trung trình bày những giá trị cũng như những mặt còn hạn chế ở Then.

 

  1. THEN PHẢN ÁNH THẾ GIỚI TÂM LINH CỦA NGƯỜI TÀY

Thế giới tâm linh của người Tày là thế giới đa thần, qua đó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập thuộc về Tam giáo.
Trước hết Then là sự sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày. Thông qua nhãn quan của những người làm nghề Then, Pụt thế giới ba tầng được hiện lên thật rành mạch với cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian mà ở đó với tư cách là người thông quan được với thần linh, người làm Then, Pụt đã đi lại được một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Thông qua thầy Then, cõi trời được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh lý tưởng của cõi nhân gian. Hay nói cách khác Then đã nhân hoá cõi trời. Ngoài cung phủ nguy nga tráng lệ ra, cõi trời của Then cũng rất gần gũi với đời thường: có rừng rú, biển cả, có ruộng vườn, chợ búa, v.v... Điều đó phản ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên thô mộc trong thế giới quan của người Tày, Nùng.
Ngoài ra Then còn là sự cụ thể hoá quan niệm hồn linh giáo trong tín ngưỡng dân gian bản địa của người Tày, Nùng. Từ niềm tin dân gian, quả ttứng và chim én đã trở thành công cụ và biểu tượng nghề nghiệp của Then. Tất cả các vị thần trong quan niệm dân gian khi vào trong Then đều đã được hình tượng hoá như những nhân vật có thật. Ngoài tổ tiên, tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của Pụt như Thổ công, Táo công, các tướng nghềv.v... Cũng như vậy, khái niệm hồn vía cũng được cụ thể hoá trong Then. Trong những bài cúng cầu yên hoặc cúng giải hạn chữa bệnh, hồn vía được Then, Pụt hình dung như là một sinh linh mềm yếu, rất dễ bị cám dỗ, rất dễ bị tổn thương, muốn đưa hồn, vía về nhà thì phải vỗ về, dỗ dành đôi khi phải dọa dẫm, đe nẹt. Một số vị thần như Mẹ Hoa đã được biểu tượng hoá trong Then qua sự khắc họa tính cách nhân vật rất gần gũi với đời thực.
Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản trong tín ngưỡng của người Tàyđược thể hiện khá rõ trong Then cấp sắc. Các nghi lễ chính do thầy Then (hoặcTào) chủ trì đều được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên từ mở đầu cho đến kết thúc với các thủ tục như trình báo tổ tiên, dâng lễ tổ tiên, tạ ơn tổ tiên.
Mặt khác, do nguyên tắc nối nghiệp tổ tiên nên đối với người Tày thì làm nghề thầy cúng nói chung và làm Then nói riêng trước hết là vì trách nhiệm với tổ tiên dòng họ và là vì sự bình an của bản thân và gia đình. Vì vậy đôi khi đối với một số người thì tham gia vào thế giới thầy cúng là một việc làm bất đắc dĩ không thể nào khác được. Và như vậy có thể coi lễ cấp sắc là một thông điệp để con cháu báo cáo với tổ tiên rằng họ đã làm tròn đạo hiếu nối nghiệp tổ tiên.
Then nói chung chịu sự tác động của Tam giáo mà chủ yếu là Đạo giáo thông qua giáo lý của thầy Tào, một dạng thầy cúng có gốc gác từ vùng nam Choang Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ nhất qua lễ cấp sắc của các dòng Then, Pụt có sự tham gia chủ đạo của thầy Tào người được coi là thầy cha của đệ tử, thay mặt Ngọc Hoàng Thượng đế đứng ra cấp sắc cho đệ tử. Điều này phản ánh sự giao lưu hội nhập các yếu tố bên ngoài vào trong tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Tuy vậy, khác với Đạo giáo chính thống là truyền đạo theo môn phái, các ngành thầy cúng của người Tày, Nùng nói chung trong đó có Then lại truyền nghề theo gia tộc. Tính gia tộc được thể hiện ở hai khía cạnh: Một là gia tộc tổ tiên của chính bản thân người thầy cúng, hai là gia tộc của ngành cúng mà ở đó người thầy cúng là một thành viên có ngôi thứ và địa vị nhất định trong mối tương quan với những thành viên khác. Một gia đình ngành Then sẽ có đủ thầy cha (thầy Phù thuỷ hoặc thầy Tào), thầy mẹ (Then hoặc Pụt) và cũng có các thứ bậc anh chị em, bác bá theo những quy định nhất định mà ở chương 2 đã trình bày. Vì vậy điểm giống với thờ cúng tổ tiên là họ cũng phải thờ các thầy cha, thầy mẹ của mình khi các vị này quá cố gọi là thờ tổ sư. Tuy nhiên điểm khác với việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình là người làm Then, Pụt có thể có từ một tới nhiều thầy cha, thầy mẹ trong trường hợp họ muốn tăng sắc mà chẳng may thầy cha, thầy mẹ của họ đã qua đời, buộc họ phải mời người khác thay thế. Thờ cúng tổ sư là đối tượng chủ yếu và quan trọng nhất, trở thành nguyên tắc hành nghề của Then. Trong thực tế, trong quan niệm của các thầy cúng người Tày thì tổ sư bao gồm những vị tiền bối có hành nghề cúng bái của gia đình qua các thế hệ và các vị thầy cha, thầy mẹ trực tiếp làm lễ cấp sắc, tăng sắc cho họ. Nói cách khác thờ tổ sư trong Then cũng là một hình thức thờ cúng tổ tiên. Điều này thể hiện rõ ở hầu hết mọi dòng Then ở chỗ mỗi người làm nghề Then đều phải nhớ đủ danh sách tổ tiên làm nghề của gia đình mình và thầy cha, thầy mẹ của mình để thờ phụng tại nhà cũng như khi đi hành lễ. Dòng Then khu vực Chợ Mới, Bắc Kạn khi đi hành nghề phải mang theo bức tranh thờ tổ sư gia truyền của gia đình để treo trước đàn cúng biểu thị sức mạnh và binh lực của tổ sư - tổ tiên luôn luôn đi theo trợ giúp cho họ. Vì vậy, trong lễ cấp sắc thầy Tào ở đây có trách nhiệm phải lập cho đệ tử toàn bộ danh sách các vị tổ sư trong gia đình của người đó.
Như vậy có thể nói rằng, mặc dù chịu sự chi phối bởi giáo lý Đạo giáo qua các hình thức khác nhau nhưng về cơ bản tục thờ cúng tổ tiên mà cụ thể ở đây là thờ tổ sư nghề vẫn là cốt lõi trong thờ cúng của Then, Pụt.
Ngoài ra, thế giới tâm linh của người Tày, Nùng còn được thể hiện qua những lễ vật mang tính tượng trưng hồn nhiên, mộc mạc trong Then. Số mệnh con người được hình dung như một cái cầu, muốn trường thọ khoẻ mạnh thì phải sửa sang lại cầu cho chắc chắn. Tuổi thọ và sức khoẻ của người già được gắn với bồ gạo, muốn người già sống lâu thì phải bù cho bồ gạo đầy thêm. Các lễ vật trong Then đều ít nhiều được biến hóa theo trí tưởng tượng của họ: Quả bí xanh hình dung là con lợn, hoa chuối rừng là con gà trống; chiếc thuyền bẹ chuối là tượng trưng cho đoàn thuyền loan thuyền phượng; tảng bột nặn- thậm chí là một chiếc bánh chưng bọc giấy màu cũng được hình dung là quả núi Su-mi là quả núi thiêng của thần phật trên trời. Thậm chí, binh mã -một lực lượng khá điển hình lại được tượng trưng qua gạo (như hiện tượng chia gạo tượng trưng cho việc phân binh mã trong lễ cấp sắc), v.v... Đây là những hình tượng rất phổ biến trong Then, Pụt.
Nói tóm lại, Then đã hiện thực hoá thế giới tâm linh của người dân Tày. Chính vì vậy mà Then đã trở nên gần gũi, gắn bó với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân Tày qua nhiều thế hệ.  
 

2. THEN PHẢN ÁNH XÃ HỘI CỦA NGƯỜI TÀY TRONG QUÁ KHỨ

 Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, Then chứa đựng trong nó những dấu ấn về lịch sử xã hội người Tày của một thời quá khứ. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua diễn xướng Then và đặc biệt là văn bản lời hát Then. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự biến cải bởi phương thức truyền miệng nhưng về cơ bản diễn xướng Then trong đó có lời hát Then vẫn giữ được những nội dung phản ánh ban đầu mà dưới đây xin được giới thiệu từng khía cạnh một.

Ra đời trong dân gian, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên lời hát Then là sự phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi mà trước hết là môi trường tự nhiên xã hội của người Tày. Đó là môi trường miền núi với đặc trưng là nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc được phản ánh khá rõ trong hành trình Then mang lễ vật lên mường trời. Có thể nhận thấy làng bản và cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất của người dân Tày hiện lên rất quen thuộc trong Then: đầu bản có giếng nước nguồn, trên cánh đồng có nơi thả vịt, có đàn lợn, đàn trâu thả rông, v.v... Một số thầy Then đã sơ đồ hoá con đường lên mường trời của họ mà qua đó mường trời hiện lên chẳng khác gì mường đất nơi mà họ sinh sống như là sự lộn ngược của thế giới trần gian. Nó cũng bao gồm cảnh vật, rừng núi, chim muông, sông suối, chợ búa buôn bán làm ăn chẳng khác gì dưới trần. Nhiều chương đoạn trong lời hát Then đã miêu tả khá sinh động về một không gian miền núi đầy chất hoang dã thuở trước: Núi rừng thâm u rậm rạp nhiều thú hoang, rắn rết, ve kêu vượn hót, đường đi khúc khuỷu, lên thác xuống ghềnh, v.v... Lễ vật mà họ mang lên cúng tiến mường trời là những sản vật họ tự nuôi trồng, săn bắt hoặc hái lượm được mà qua đó đã phản ánh được phương thức lao động sản xuất của họ. Lễ hội của Then, Pụt về nguồn gốc là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống dân an vật thịnh mà biểu trưng là cả đám đông tưng bừng nhảy múa xung quanh cây hoa vũ trụ trong các lễ hội của người Thái nay vẫn còn tìm thấy qua nghi thức múa đá hoa suôi suông quanh cây hoa hào quang trong Then của người Tày. Ngoài ra, các trò diễn mô phỏng đời sống lao động sản xuất và săn bắn trong lễ hội Then, Pụt cũng phần nào nói lên sự gắn bó của Then với môi trường tự nhiên và xã hội của người Tày.
Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên trước hết Then là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành. Đối với những người làm nghề cúng bái thì làm nghề được linh nghiệm, được dân làng tín nhiệm mang lại vẻ vang cho gia tộc. Những ước nguyện này được thể hiện chủ yếu qua lời cầu khấn và qua nội dung từng nghi lễ cụ thể, ví dụ qua các lễ kỳ an đầu năm, lễ chúc thọ cho cha mẹ, lễ cúng tạ Mẹ Hoa, các lẩu Then, Pụt v.v... Ngoài ra, trong Then còn có khá nhiều nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua nghệ thuật ngôn từ Then đã khắc họa nên những hình tượng nhân vật tương phản: Trai đần- trai giỏi, gái lười – gái chăm với ý nghĩa răn đe dạy dỗ người đời. Để khuyên răn con cái hiếu thảo với cha mẹ, Then ca ngợi tình mẫu tử qua kể chuyện thằng cu Vỉnh. Để khuyên răn chị em gái, mẹ chồng nàng dâu không nên cãi lộn tranh vợ cướp chồng, Then kể về cuộc sống buồn tẻ cô quạnh của họ sau khi chết trên mường trời. Để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung, Then miêu tả cuộc chia tay đầy cảm động của một đôi vợ chồng suông trong chương Suôi suông (tức Khảm hải – Vượt biển), v.v... Then cũng tỏ bày lòng cảm thông sâu sắc với những số phận không may mắn như những người tật nguyền, người chết thảm, những trẻ mồ côi, những cô gái xinh đẹp nhưng bị ép duyên hoặc phận mỏng, v.v... Nội dung này chủ yếu được thể hiện trong lời Then thuộc lớp cổ, chẳng hạn như trong lời Then Bắc Kạn, có nhiều điểm tương đồng với lời của Pụt Nùng và lời hát trong lễ hội Nàng Hai cầu mùa, giàu chất dân gian mà ít từ Hán Việt.
Như vậy, thông qua nghệ thuật ngôn từ, Then đã hội tụ được trong nó những giá trị văn học dân gian truyền thống của dân tộc Tày như các thể loại chuyện kể, truyền thuyết, các câu thành ngữ tục ngữ đã được chau chuốt, gọt giũa, v.v...mà qua đó đã làm sáng rõ được nhân sinh quan cũng như các quan niệm đạo đức của người dân Tày. Điều cần nhấn mạnh ở đây là thông qua hình thức phê phán, khuyên răn, ca ngợi kết hợp với đặc điểm diễn xướng kể chuyện bằng hình thức hát có đệm đàn của mình, Then thực sự đã đạt được hiệu quả cao trong giáo dục cộng đồng mà không phải hình thức tuyên truyền nào cũng làm được.
Ngoài ra, Then còn phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân trong xã hội có giai cấp. Nội dung này thể hiện khá rõ ở khu vực Then có sự giao lưu mạnh với yếu tố Kinh như Then Cao Bằng, Lạng Sơn gắn với thời kì triều đình phong kiến nhà Mạc cát cứ ở đây. Trong Then chế độ vua quan áp bức dân lành được thể hiện rõ nhất qua nạn bắt phu phen, tạp dịch. Chính vì vậy mà nhiều bài viết trước đây đã tập trung phân tích Then như là một sự phản ánh hiện thực cuộc sống lầm than của người dân Tày thuở trước, tựa như là kiếp sống người nô lệ. Đó là cảnh vua quan hà hiếp dân đen trong nạn bắt phu qua lời Then Khảm hải (Vượt biển). Đó là cảnh đi sứ đầy gian nan vất vả được phản ánh trong văn bản lời Then Pây sử (Đi sứ). Ngay cả việc dâng lễ vật cống nạp các vị thần linh cũng là một cách hiện thực hoá từ các hình thức cống nạp của người dân đối với các tầng lớp vua quan. Hoặc như ngay trong bản thân diễn xướng Then cấp sắc ở Cao Bằng cũng phần nào nói lên một phần xuất xứ về hoàn cảnh ra đời của Then ở đây. Đó là cảnh nhập đồng đã được cung đình hoá trong các nghi thức múa chầu, trong cung cách và lời nói của các vị tướng nhập nói tiếng Kinh, qua cách dâng lễ, v.v... Cách thức tập hợp binh mã của Then cũng là sự mô phỏng hoá cách thức tập hợp quân đội của triều đình. Trong tờ sắc mà các thầy Phù thuỷ cấp cho các bà Then ở khu vực miền tây Cao Bằng còn quy định rõ các đơn vị quân sĩ mà bà Then được cấp theo đơn vị và cách gọi của triều đình phong kiến. Ví dụ bà Đàm Thị Đ. ở Nà Vài, Bế Triều được cấp: Hộ binh ngũ đội, vệ binh ngũ đội, tiến binh ngũ đội, hậu binh ngũ đội, tả binh ngũ đội, hữu binh ngũ đội, hiệu binh ngũ đội, tượng binh 4 thớt, mã binh 8 đội.v.v... Điển hình nhất trong việc lấy chuyện thực để giải quyết việc âm được thể hiện trong Then đi sứ (pây sử). Theo giải thích thì người ta phải làm lễ này khi mà một người nào đó bị lở loét mẩn ngứa lâu ngày không chữa khỏi hoặc bị tai nạn, thầy bói cho rằng đó là do bà mẹ “sử” oán trách vì lâu ngày không lễ lạt cống nạp bà. Bà mẹ sử ở tận Bắc Kinh (Trung Quốc)?, trong lễ vật dâng cúng phải có đôi gà vịt với ý nghĩa vịt cõng gà vượt biển, v.v... Tuy giải thích như vậy nhưng lời lẽ nội dung trong văn bản lại là sự miêu tả đoàn quân triều đình đi cống sứ ở nước Tàu. Trong văn bản còn trích dẫn các cuộc đối đáp của quân Then (quân triều đình) với đám lính canh cửa biên giới bằng tiếng quan hoả (Then gọi là tiếng Hác). Sự lẫn lộn giữa thực và hư, hư và thực trong Then còn thể hiện ở chỗ con đường đi sứ của các thầy Then lại trùng với con đường đi lên trời của các thầy Then, chỉ đến ngã ba nơi giao nhau của các con đường đi lên các cửa khác nhau thì đường đi sứ mới tách ra theo con đường riêng để đi tới Bắc Kinh, là sự lẫn lộn giữa mường trời - ảo với mường đất thực - Bắc Kinh (xem phụ lục sơ đồ đường đi của Then Quảng Uyên). Như vậy tuy trong Then không nói rõ chuyện đi sứ xuất hiện vào thời điểm nào trong lịch sử nhưng đây là một thực tế chứng minh rằng Then là sự phản ánh xã hội thời kì phong kiến gắn với việc cống nạp nước lớn phong kiến phương bắc kèm theo nạn bắt phu phen tạp dịch đầy bất công ngang trái. Mặt khác, cũng có thể do có sự chồng xếp các sự kiện mới cũ mà trong Then còn xuất hiện những lớp từ mới khá hiện đại như dùng từ pít-tông để mô tả cảnh Then mời thợ làm lò rèn đúc dao cuốc để làm đường đón tướng xuống trần gian (từ pít-tông có lẽ là một từ mới xuất hiện sau khi thực dân Pháp vào Việt Nam?).
Bên cạnh hiện thực hoá đời sống khổ cực của người dân trong xã hội có giai cấp, Then cũng tỏ rõ thái độ phê phán và ý thức phản kháng của người dân đối với kẻ cầm quyền. Then mỉa mai châm biếm những kẻ làm quan “ăn trên ngồi trốc” ngồi mát đánh bát đầy, Then phê phán thói hư tật xấu của họ như ham chơi, mê gái đẹp, tham lam, v.v... Qua đó Then ca ngợi phẩm chất cao quý của người lao động: trọng việc nghĩa, giữ chữ tín, thuỷ chung như nhất, v.v... Cũng qua Then, bộ mặt thật của xã hội phong kiến với những tệ tham quan ô lại, ăn của đút lót, dối trên lừa dưới ở chốn quan trường phần nào cũng được phơi đầy.
Như vậy, xét về mặt nội dung Then chuyển tải trong nó những thông điệp của một thời quá khứ. Ngày nay, nhiều vấn đề trong Then không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại song những giá trị nhân bản trong giáo dục đạo đức thì vẫn mãi mãi có giá trị. Mặt khác, nghiên cứu diễn xướng Then nói chung trong đó có văn bản Then chắc chắn sẽ là một trong những hướng tiếp cận đóng góp cho việc tìm hiểu một cách sống động hiện thực đời sống xã hội của người Tày trong quá khứ.
 

3. THEN TÍCH HỢP CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI TÀY 
Trước hết với tính chất là một lễ hội của nghề Then, Then cấp sắc đã phản ánh được trong nó nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Tày. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản. Để có được một lễ cấp sắc, bản thân thầy Then và gia đình thầy phải nhờ đến sự trợ giúp về công sức của nhiều người không chỉ trong gia đình, dòng họ mà trong cả bản làng của thầy. Sự giúp đỡ hồn nhiên, vô tư cũng như sự cổ vũ nhiệt tình và trân trọng của cộng đồng đối với thầy Then đã chứng tỏ rằng Then có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày. Qua đó có thể thấy rằng đối với đồng bào Tày nói chung thì nghề thầy cúng trong đó có Then là nghề cứu nhân độ thế, những người làm nghề chân chính luôn nhận được sự trân trọng của mọi người. Việc một đệ tử được cấp sắc thì đó không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào của cả bản làng nơi người đó cư trú vì điều đó có nghĩa là bản họ đã có thêm một vị “quan” và thêm một lực lượng âm binh gìn giữ sự bình an cho dân bản. Vì vậy sau nghi thức cấp sắc, một thủ tục không thể thiếu được là họ hàng, anh em, bè bạn sẽ lần lượt đến vái tạ người đệ tử, tặng họ quà và các phong bao với ý nghĩa vừa là chúc mừng vừa là giúp đỡ thêm cho họ một phần kinh phí. Đặc biệt, đây còn là dịp các học trò hoặc con nuôi (những người được thầy cứu giúp) bày tỏ lòng biết ơn với thầy nếu đó là dịp tăng sắc của thầy. Các món quà mà họ mang đến tặng thầy ngoài ý nghĩa vật chất còn thể hiện tình nghĩa thầy trò thấm nhuần tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong tâm lý người Việt Nam nói chung. Có thể nói, tuy là một việc mang tính chất cá nhân nhưng lễ cấp sắc thực sự là một ngày hội vui của làng bản. Giống như các lễ hội truyền thống mang tính chất cộng đồng khác, đến đây người ta không những thoả mãn nhu cầu về tinh thần (thưởng thức nghệ thuật dân gian dân tộc) mà quan trọng họ còn được thoả mãn về nhu cầu tâm linh (được thánh thần ban phát lộc). Những người bình thường đến dự lễ thì cầu may mắn, người ốm đau bệnh tật thì hy vọng được khoẻ mạnh.
Tinh thần tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá khá nổi bật thể hiện trong lễ cấp sắc của người Tày. Với lễ cấp sắc, cùng với sự trợ giúp và đỡ đầu của thầy cha (Tào) và thầy mẹ (Then) người đệ tử như đứa trẻ mới được sinh ra, được thầy cha và thầy mẹ chia sẻ binh quyền để đi hành nghề, tình nghĩa đó thật thiêng liêng. Có người còn giải thích việc cắt đôi dải vải nối giữa thầy Tào và thầy Then là tượng trưng cho việc “cắt rốn” của đứa trẻ mới sinh! Vì vậy, trong tình thầy trò của các thầy Then còn bao hàm tình cảm cha mẹ với con cái. Khi người đệ tử được cấp sắc tức là họ đã chính thức gia nhập vào gia đình dòng cúng với các mối quan hệ theo kiểu gia đình có cha (thầy cha), mẹ (thầy mẹ), anh (sư huynh), em (sư đệ), v.v... Nghi thức mời thầy vào nhà với các thủ tục long trọng là một nghi thức khá đặc sắc thể hiện sự biết ơn và kính trọng thầy được thể hiện trong Then cấp sắc ở một số địa phương như Bắc Kạn. Sau khi xong thủ tục cấp sắc, mũ áo và vật dụng hành nghề, có một nghi thức không thể thiếu là người đệ tử lạy tạ các thầy cha, thầy mẹ, tặng lại miếng vải hồng (quá hồng) làm khước cho các thầy của mình. Từ sau lễ cấp sắc trong danh mục tổ sư của họ có ghi tên tổ sư của thầy cha đã cấp sắc cho họ, luôn luôn được họ mời đi theo hành nghề. Trong các dịp nhà thầy có việc lớn hoặc các dịp lễ tết và khi thầy qua đời, người học trò có trách nhiệm giống như con cái trong gia đình thầy. Họ tin rằng sau khi qua đời, thầy và âm binh của thầy vẫn tiếp tục phò tá cho họ trong các lễ Then, họ vẫn thường mơ thấy tổ tiên và các sư phụ uốn nắn, chỉ bảo họ cách hành nghề giống như khi các vị đó còn sống. Và như vậy, lễ cấp sắc đã thiết lập nên một mối quan hệ cao hơn cả quan hệ thầy trò - đó là quan hệ vừa là thầy vừa là cha mẹ, vừa là trò nhưng cũng vừa là con cái mà qua đó rất có tác dụng đối với việc giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho thế hệ trẻ với ý nghĩa “không thầy đố mày làm nên”.
Một thể hiện có ý nghĩa khác trong Then là nó đã phản ánh được một nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Tày đó là sự tôn trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Gia đình người Tày nói chung là kiểu gia đình tiểu phụ quyền, người đàn ông có vai trò quyết định những việc lớn trong gia đình nhưng dựa trên sự tôn trọng ý kiến của người vợ. Lòng biết ơn và sự tôn trọng người vợ được thể hiện qua một số nghi thức điển hình trong Then cấp sắc Bắc Kạn: Khi thầy Then (nam giới) nhận lễ cấp sắc thì bên cạnh anh ta phải có người vợ ngồi chứng kiến, các đồ lễ mà anh ta nhận được từ thầy trao cho như quạt, ấn, xóc nhạc, v.v.. lần lượt được bỏ vào vạt áo trước của bà vợ với ý nghĩa rằng rồi đây người vợ sẽ làm nhiệm vụ thắp hương và trông coi bàn thờ ở nhà để anh ta đi hành nghề. Một thể hiện nữa là khi thầy Then được tặng quà và phong bao, anh ta sẽ đưa lại hết cho người vợ ngồi cạnh với ý nghĩa “của chồng công vợ”.
Mở rộng ra khi xem xét các lễ Then thường (Then đi hành nghề) thì còn thấy được ở đó các giá trị thuộc về đạo đức, lối sống gắn với những truyền thống văn hoá lâu đời của người Tày. Chẳng hạn như truyền thống yêu già kính trẻ là một trong những nét đẹp nổi bật trong văn hoá ứng xử được thể hiện khá rõ trong các nghi lễ Then kỳ yên, giải hạn. Ở Then kỳ yên đầu năm người ta thường kết hợp với việc làm lễ giải hạn cho ông bà, cha mẹ nếu họ đã đến tuổi xung tuổi hạn, đồng thời làm lễ cúng Mẹ Hoa cho trẻ em nếu gia đình có trẻ em dưới 10 tuổi. Ngoài ra trong Then có khá nhiều nghi lễ liên quan đến người già như lễ mừng thọ cho cha mẹ với các tục vần khẩu lường là tục thể hiện sự cầu mong ông bà cha mẹ trường thọ qua tục con cháu đổ thêm gạo vào bồ với ý nghĩa bù gạo để người già có thêm lương thực ăn để trường thọ. Đặc biệt tục quan tâm bà mẹ và trẻ em được thể hiện qua hàng loạt các nghi lễ liên quan đến việc sinh đẻ của người phụ nữ, từ khi hoài thai cho đến khi đứa trẻ ra đời tới khi lên mười tuổi, v.v... Các nghi lễ này ngoài yếu tố tâm linh ra còn thể hiện được sự quan tâm trân trọng của gia đình, con cháu, họ hàng và cả bè bạn đối với những đối tượng cần sự quan tâm của xã hội như người già, trẻ em, phụ nữ. Rõ ràng là so với các hình thức mới như mừng thọ, mừng đầy tháng có ăn uống linh đình nhiều khi gắn với mục đích kinh tế thì các nghi lễ Then mang tính truyền thống có cội rễ lâu bền hơn trong đời sống tinh thần người Tày. Chính vì vậy dù còn có điểm này điểm khác cần phải bàn thêm nhưng có thể nói rằng nghi lễ Then là sự tích hợp trong nó những truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Tày.
Mặt khác, Then là sự hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian. Những thầy Then bằng công việc của mình đã góp phần đắc lực vào việc phổ biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn Then từ đời này sang đời khác. Nếu như trong lễ Then thường, các nghệ nhân chỉ biểu diễn chính là đàn và hát thì trong Then cấp sắc họ đã thực sự thể hiện hết mình thông qua các hình thức biểu diễn khác như múa, diễn trò, nhập đồng... Đặc biệt ở đây phải kể đến các điệu múa trong Then. Chỉ có thông qua lễ cấp sắc người xem mới thực sự được thưởng thức hết vẻ đẹp tinh tế, sự phong phú và cuốn hút của các điệu múa dân gian Tày. Và vì vậy, cũng có thể nói rằng Then đại lễ trong đó có Then cấp sắc là một diễn xướng góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá nghệ thuật tinh tuý của người Tày.
Then nói chung và đặc biệt là Then cấp sắc nói riêng là sự tập trung cao độ nghệ thuật nguyên hợp của người Tày với sự tham gia của nhiều thành tố nghệ thuật khác nhau mà tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh.
Sự phối kết hợp các thành tố trong nghệ thuật biểu diễn như hát, nhạc (đàn tính, xóc nhạc), xướng, múa, trò diễn, v.v... một cách đan xen, hoà nhập đã tạo nên một hình thức nghệ thuật biểu diễn Then khá đặc trưng của người Tày. Có thể tìm thấy sự phong phú đa dạng từ ngay trong mỗi thành tố của nghệ thuật biểu diễn. Âm nhạc trong Then là sự hội tụ các làn điệu dân ca của từng địa phương dân tộc Tày. Vì vậy Then của mỗi địa phương là sự phản ánh những sắc thái và phong cách biểu diễn của từng địa phương. Then cấp sắc là một nghi lễ tập trung đông đảo các nghệ nhân cùng cùng tham gia biểu diễn với tính chất tập thể sẽ là một dịp để các thầy Then trổ hết tài nghệ cùng khả năng biểu diễn nghệ thuật của mình qua các thể loại độc tấu, song tấu, hoà tấu, hỗn tấu, v.v... Vì vậy thông qua diễn xướng Then người thưởng thức sẽ dễ dàng nắm bắt được đặc trưng cũng như phong cách biểu diễn của từng dòng Then. Chẳng hạn, phong cách biểu diễn của các thầy Then nam miền đông Cao Bằng mạnh mẽ, tự tin với những tiết tấu âm nhạc nhanh mạnh, phóng khoáng trong khi Then miền tây giàu nữ tính nên nhẹ nhàng sâu lắng thiên về tâm tình tự sự... Trong múa cũng có nhiều điệu múa gắn với từng khoa mục cụ thể góp phần làm tăng sự biểu cảm của từng nội dung nghi lễ. Biểu hiện cụ thể của yếu tố sân khấu trong Then là các trò diễn nghi lễ được thể hiện đan xen giữa các lớp lang của nội dung diễn xướng. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, mỗi trò diễn ở đây đều hàm chứa trong nó các yếu tố tâm linh (thuộc về nghi lễ tôn giáo) và yếu tố thẩm mỹ (thuộc về nhu cầu thưởng thức). Tuỳ vào từng khoa mục cụ thể mà mức độ thể hiện đậm nhạt của từng yếu tố có khác nhau. Nhìn chung, các trò diễn trong Then đều có chủ đề cụ thể và đạt các mức độ tiêu chuẩn sau: Diễn có nhân vật, diễn có nội dung và diễn có lời thoại.
Trong diễn xướng Then, ngoài các thủ tục nghi lễ, phần nội dung hành lễ được dẫn dắt chủ yếu qua lời hát Then tức là văn bản hành lễ. Đó cũng là phần nội dung quan trọng nhất xuyên suốt toàn bộ một cuộc làm Then, dẫn dắt nghi lễ Then từ đầu đến cuối. Về hình thức, lời hát Then chủ yếu được sáng tác theo thể loại thơ hoặc văn vần mà dựa trên đó thầy Then có thể hát, xướng, đọc hoặc tụng niệm. Then cấp sắc kéo dài trong nhiều ngày nên nội dung văn bản cũng dài hơn và phong phú hơn so với lễ Then thường. Ta biết rằng 3 yếu tố lời thơ, giai điệu hát và nhạc đệm ở trong Then có quan hệ chặt chẽ với nhau: Lời thơ dùng để hát, giai điệu của lời hát được căn cứ vào từng thể thơ còn nhạc đệm thì phụ thuộc vào giai điệu của lời hát. Như vậy, lời thơ là một thành phần quan trọng tạo nên nghệ thuật biểu diễn âm nhạc Then. Có lẽ vì vậy mà các nghệ nhân Then Cao Bằng đã có đặt tên cho một số làn điệu Then trùng với nội dung của các khoa mục, như: Pây mạ (ngựa đi đường), Sắp binh (sắp binh mã), Khẩu tu pháp (vào cửa vua)1, v.v...Thơ trong Then chủ yếu là thể thơ 5 chữ và 7 chữ, có khi từng thể thơ đứng riêng rẽ theo từng khoa mục nhưng cũng có khi xen kẽ giữa cả hai thể thơ trong cùng một khoa mục. Ở thể thơ 7 chữ, chữ thứ bảy của câu trên vần với chữ thứ năm của câu dưới. Đây là cách gieo vần phổ biến trong hát Then nói chung. Ví dụ một đoạn trong mục Khảm hải:
 

             Nặm kim páy mì lừa đảy khám  

                  Nặm kim páy mì táng đảy chai

                  Mì lừa páy mì phài đảy quá  

                  Bấu hăn lừa mà thả rắc ăn...

Các mục thường dùng thể thơ 7 chữ là: Sắp binh mã, Khao binh mã, Tắm hoa, Khảm hải, Lục soát vía hào quang, Bắc cầu hào quang, Suôi suông đá hoa.
Ở thể thơ 5 chữ, chữ thứ năm của câu một vần với chữ thứ ba của câu thứ hai. So với thể thơ 7 chữ, thể thơ này ít đứng độc lập mà thường đứng xen kẽ với câu 7 chữ theo lối tự do tuỳ từng nội dung cần biểu đạt mà không tuân theo một trật tự nhất định nào. Chẳng hạn, trong một khoa mục có thể thấy một câu 5 chữ xen một câu 7 chữ hoặc hai, ba, bốn... câu 5 chữ xen với ba, bốn... câu 7 chữ, v.v... Dưới đây là trích một đoạn thể thơ xen kẽ 5 chữ và 7 chữ trong mục Cuốn cỗ bàn:
 

...Nhằng đảy lồng áng noọng
 

 Nhằng đảy lồng áng nàng
 

 Tằng pi nả pi lăng nhằng rang áng cộ
 

 Nhằng đảy khám nặm bó lai pi
 

       Nhằng đảy lủc rú lai thắn
 

Phạ quét rủng pền đao
 

Bân quét khao pền bióc
 

Rủng oóc pền niêng hỏi
 

  Chỏi oóc pền tha vằn...
 Đây là thể thơ phổ biến trong lễ cấp sắc, có mặt ở hầu khắp các khoa mục. Ngoài ra thỉnh thoảng còn xuất hiện thể thơ tự do 8, 9, 10 hoặc 12 chữ xen kẽ giữa các thể thơ này. Sự linh hoạt chuyển đổi về số lượng câu, chữ và đặc biệt là ở cách gieo vần trong từng thể câu đã góp phần mở rộng và phát triển phong phú thêm giai điệu và tiết tấu âm nhạc của Then.
Lời ca trong Then còn là những áng thơ ca hay mang đậm yếu tố trữ tình vốn là đặc trưng cơ bản của văn học nghệ thuật Tày. Một trong những áng thơ ca hay nhất trong Then là khúc hát Suôi suông (Khảm hải) là khúc hát thường chỉ xuất hiện trong các đại lễ của Then, khi biểu diễn còn kèm theo múa và các động tác mô phỏng động tác chèo thuyền. Do vậy, từ lâu chỉ riêng chương Khảm hải đã được các nhà nghiên cứu khai thác tìm hiểu trên nhiều khía cạnh nhất là về mặt văn bản học. Ngoài ra, người ta còn có thể tìm hiểu nhiều khía cạnh thuộc về thủ pháp nghệ thuật thơ ca Tày thông qua việc phân tích văn bản lời hát Then. Từ trước đến nay các nhà sưu tầm chỉ chú ý tìm hiểu các văn bản Then trên cơ sở các khúc hát ở thể thơ là chính nên đã vô tình bỏ qua các thể loại văn học khác trong Then như: các đoạn văn xuôi, lời tụng niệm và các lời thoại của trò diễn, v.v... Theo tôi, một văn bản Then trọn vẹn phải bao gồm toàn bộ các thể loại văn học đã cấu thành nên nội dung hành lễ của Then. Phần văn xuôi, tuy xuất hiện không nhiều nhưng lại góp phần quan trọng trong việc dẫn dắt và chuyển tải nội dung chương trình hành lễ với hai loại chính là văn thoại và văn tụng niệm (văn khấn). Sự tham gia của thành phần văn xuôi vào trong Then đã làm phong phú, sinh động thêm nội dung hành lễ, nhất là thể văn thoại thường xuất hiện trong các khoa mục mang yếu tố sân khấu trò diễn. Thực tế văn bản lời hát trong lễ cấp sắc của mỗi dòng Then đều không hoàn toàn như nhau về nội dung và mức độ dài ngắn- cụ thể như ở khúc hát Khảm hải. Vì vậy, nghiên cứu tìm hiểu văn bản của lời hát Then trong lễ cấp sắc cũng là một việc làm góp phần để tìm hiểu những đặc điểm riêng của từng dòng Then để từ đó góp phần vào việc nghiên cứu thơ ca Tày.
Thông qua sự tham gia của các môn nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình dân gian, Then cấp sắc đã thực sự khắc họa được sắc thái văn hoá tâm linh của dân tộc Tày. Đó là một thế giới hàm chứa sức tưởng tượng sinh động của dân gian về mối quan hệ giữa trời và đất, giữa cõi nhân gian và cõi người, giữa cõi đời thực và một thế giới siêu phàm ở bên ngoài. Qua đó, phần nào nó đã thể hiện được một phần sự trong trẻo, hồn nhiên và nguyên sơ trong thế giới tâm hồn của người dân Tày.
Ngoài ra,chi phối toàn bộ quá trình diễn xướng và nội dung diễn xướng là các nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo đã tạo nên một môi trường diễn xướng nghi lễ Then khá đặc biệt. Có thể nói toàn bộ nghệ thuật diễn xướng Then đều không nằm ngoài sự tác động của các nghi lễ tôn giáo. Nói cách khác, nếu tước bỏ yếu tố nghi lễ tôn giáo- tức là tước bỏ đi sự huyền vi thiêng liêng của nó thì diễn xướng Then cũng không thể phát huy được hết các giá trị thẩm mỹ của mình. Theo tôi, môi trường diễn xướng nghi lễ tôn giáo Then được tạo bởi các yếu tố: không khí nghi lễ, không gian nghi lễ, cách bố trí hệ thống thờ cúng, phương thức hành lễ và cách thức tiến hành các thủ tục nghi lễ của thầy Then và những người phục vụ trong quá trình hành lễ...
Với sự phối hợp giữa các hình thức trình diễn trên có thể nói diễn xướng Then đặc biệt là Then cấp sắc đã huy động và thể hiện được trong nó những nghệ thuật trình diễn khá độc đáo của người Tày, Nùng. Ở một số dòng Then, Pụt có sự bảo trợ của thầy Tào thì sự kết hợp giữa cách trình diễn trang trọng của Tào với sự vui tươi hồn nhiên của Then, Pụt còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố thiêng và yếu tố thuộc về nghệ thuật làm nên sự cuốn hút của lễ hội Then. Có thể nói cho đến nay các hình thức biểu diễn dân gian như múa, trò diễn, v.v... của người Tày, Nùng chỉ có thể tìm thấy ở một số lễ hội Then và Pụt mà đặc biệt là ở lễ cấp sắc.
Do ảnh hưởng của việc chuyển cư và nhất là do sự truyền nghề mà Then cũng có sự giao lưu trong các địa phương cư trú của người Tày. Hiện ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn có 2 dòng Then: Dòng Then Bắc Kạn chiếm đa số với đội ngũ hành nghề khá đông và dòng Then của Tràng Định, Lạng Sơn được truyền sang từ năm 1939 bởi bà Pụt Phần. Về các bước đi và nội dung từng bước của Then Lạng Sơn cũng tương tự như Then Bắc Kạn nhưng có sự khác nhau về cửa Then và trật tự sắp xếp các cửa Then. Chẳng hạn so sánh lễ giải hạn đầu năm của hai dòng Then này cho thấy có sự đảo lộn các đường Then, chẳng hạn ở Then Lạng Sơn cửa cuối cùng mà quân Then lên dâng lễ là cửa tu pháp còn Then Bắc Kạn là cửa Nam Tào Bắc Đẩu. 
Hình thức diễn xướng Then cũng rất đa dạng phụ thuộc vào từng dòng, từng địa phương, thậm chí vào từng bản thân người hành nghề và cả giới tính người hành nghề. Nhìn chung các chương đoạn trong Then là cố định nhưng tuỳ từng nơi mà lời Then được thêm bớt dài ngắn khác nhau nên Then có rất nhiều dị bản. Giọng hát ở mỗi vùng lại chịu ảnh hưởng của các làn điệu dân ca khác nhau nên âm điệu cung bậc cũng khác nhau. Từ những năm 1970 các nhà sưu tầm Then ở Sở Văn hoá Khu tự trị Việt Bắc đã tiến hành khảo sát giọng hát của 30 nghệ nhân Then ở 20 địa phương khác nhau nhưng “không thấy địa phương nào hát giống địa phương nào”2. Cây đàn tính là dụng cụ độc đáo trong diễn xướng Then cũng được nghệ nhân từng nơi sử dụng một cách sáng tạo trong quá trình diễn xướng của mình. Tuỳ từng nơi mà giai điệu trong Then được thể hiện khác nhau. Ví dụ giai điệu trong Then Bắc Kạn, Thái Nguyên thiên về sự thì thầm trầm mặc, âm vực hẹp hơn so với Then Cao Bằng. Về tính đa dạng của âm nhạc Then Tày, gần đây đã được tác giả Nông Thị Nhình khảo sát và trình bày khá rõ.3

Như vậy, với đặc trưng riêng của mình, Then đã góp phần làm nên sự đa dạng phong phú về văn hoá nói chung ở các khu vực cư trú của người Tày.

4. VỀ KHẢ NĂNG CHỮA BỆNH BẰNG LIỆU PHÁP TINH THẦN CỦA THEN

Xét về khả năng trị liệu của Then có thể xem xét trên hai đối tượng: Đối tượng thầy Then với tư cách là thầy pháp- thầy Shaman và đối tượng quần chúng với tư cách là những đối tượng trực tiếp được thầy Then chữa trị bằng liệu pháp tinh thần.

Nguyễn Kim Hiền qua bài “Lên đồng ở Việt Nam một sinh hoạt văn hoá tâm linh mang tính trị liệu” đã phân tích khá kỹ về một số đặc điểm của trị liệu lên đồng ở Việt Nam trên bình diện cá nhân, cụ thể là các ông bà Đồng4. Đối tượng này có nhiều điểm tương đồng với các ông bà Then nên có thể nói cách giải thích về khả năng trị liệu của Then cũng có một số điểm tương tự với với lên đồng. Thứ nhất, với đa số các thầy Then thì việc tham gia vào đội ngũ những người hành nghề cúng bái được coi như là một giải pháp quyết định để giải thoát khỏi bệnh tật, khỏi cơ đầy. Quá trình đến với nghiệp Then của họ thường trải qua các bước như sau: Bước đầu là những dấu hiệu bị tổ tiên bắt nối nghiệp biểu hiện qua những bất ổn về tinh thần hoặc ốm đau bệnh tật, gia cảnh gặp rủi ro, họ phải tìm đến các giải pháp như tìm thuốc hoặc đi bệnh viện chữa trị, xem bói hoặc cầu cúng, có người làm lễ khất; bước tiếp theo khi xác định rõ được căn nguyên bệnh tật và không thể cưỡng lại được số phận, người đó sẽ phải làm lễ báo với tổ tiên việc mình quyết định nối nghiệp thầy cúng của gia đình; tiếp theo là tìm thầy học nghề, đi theo phụ giúp thầy hành nghề; bước bốn là làm lễ cấp sắc tự đi hành nghề theo lời mời của các gia chủ. Trong khá nhiều trường hợp kể cả ở ngành Một của người Thái cũng như Tào, Then, Pụt của người Tày đều cho rằng chỉ ngay sau khi làm lễ báo cáo tổ tiên chấp nhận nối nghiệp là bệnh tình của họ đã thuyên giảm. Để lý giải một cách cặn kẽ cơ chế bệnh tật cũng như căn nguyên khỏi bệnh của các trường hợp trên đòi hỏi nhiều sự công phu cả về lý luận cũng như phân tích tâm lý học, y học, điều tra thực địa, v.v... Tuy nhiên có thể thấy rất có thể khả năng trị liệu của Then ở đây được đến từ niềm tin truyền thống của người làm Then và gia đình họ vào sự tồn tại của tổ tiên, một thế lực vô hình nhưng khá có quyền uy trong quan niệm của người Tày, Nùng. Khi nguyện vọng của tổ tiên được đáp ứng thì gánh nặng về tâm lý cũng được trút bỏ, họ sẽ được giải toả về mặt tinh thần cũng như thể xác. Điều này có cơ sở từ quan niệm phổ biến từ xa xưa của con người thường gắn những hiện tượng tâm lý bất thường với sự tác động của một lực lượng siêu nhiên nào đó ngoài con người. Như vậy, đối với đa số thầy Then thì việc quyết định nối nghiệp cúng bái của tổ tiên cũng là một cách để tự chữa bệnh cho mình hoặc cho người thân trong gia đình mình.

Khác với các ông bà Đồng, các ông bà Then sau khi trở thành thầy pháp nhiệm vụ chủ yếu của họ là làm nghề cúng bái thực hành các nghi lễ với tư cách “cứu nhân độ thế” theo tinh thần đạo Phật. Nếu các ông bà Đồng chỉ là cái giá để các thánh thần có tên tuổi trong điện thần về ngự thì các ông bà Then lại là một vị quan chức nhà trời có tên hiệu, phẩm trật, ấn tín, bằng sắc,v.v... được Ngọc Hoàng cho phép đi lại gặp gỡ các vị thần linh trong khắp thế giới 3 tầng, đôi khi họ cũng nhập hồn thần linh nhưng chỉ là một việc phụ. Nhiệm vụ chính của họ là giúp đỡ, chăm sóc quần chúng về mặt tâm linh. Chính trong nhiệm vụ này họ đã thể hiện được khả năng chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần của mình. Cũng theo Nguyễn Kim Hiền thì thời gian qua các thành tựu nghiên cứu của bộ môn nhân học trên thế giới đã khẳng định hiệu quả trị liệu thực tiễn của lên đồng. Việc đưa ra ba khái niệm khác nhau khi phân loại bệnh tật theo cách tiếp cận của nhà nhân học y khoa Mỹ Alain Young gồm ngoài loại bệnh y-sinh (bệnh thể chất) ra còn có bệnh cảm (bệnh tâm lý) và bệnh về phương diện xã hội- văn hoá đã cho phép người ta tiến hành các nghiên cứu về hiệu quả trị liệu cụ thể của bệnh trên góc độ văn hoá. Từ cơ sở này người ta cũng đã đưa ra hệ thống chăm sóc sức khoẻ mà trong đó cách trị liệu của lên đồng là thuộc lĩnh vực “folk” (không chuyên)5. Tựu trung lại trong Then đi hành lễ có hai loại chính là cầu an, giải hạn và chữa bệnh bằng cách chuộc hồn vía. Mục đích của các nghi lễ này là mang lại niềm tin và sự bình ổn trong tinh thần của người bệnh và gia đình. Đó cũng chính là kết quả trị liệu của Then. Ở đây tôi xin đi vào trường hợp Then đi chữa bệnh mà đối tượng là những con bệnh thực sự. Mặc dù không có những luận giải một cách khoa học và rõ ràng nhưng trong quan niệm của các thầy Then cũng có sự phân biệt hai loại bệnh, một loại họ cho là bệnh “dương” tức là bệnh về thể xác (y sinh) và một loại là bệnh “âm” là loại bệnh tâm lý (bệnh cảm). Theo các thầy Then giàu kinh nghiệm cho biết thì họ thường chữa được loại bệnh tâm lý, thường là đi bệnh viện chữa không được hoặc không tìm ra căn nguyên bệnh tật. Trong cách chữa trị này thì yếu tố niềm tin (ở cả người bệnh và thầy Then) cùng phương thức hành nghề của thầy Then là hai yếu tố hỗ trợ quan trọng. Bằng thủ pháp nghệ thuật mang đặc trưnng riêng của mình, Then đã mang lại niềm tin cho người bệnh như là một sự giải toả tâm lý mà không phải loại hình cúng bái nào cũng làm được. Ở đây thầy Then bằng tiếng đàn lời hát với những lời lẽ đầy tính thuyết phục cùng uy quyền của mình đã khiến cho người ta yên tâm tin rằng thần linh đã thấu tỏ và chấp nhận lời cầu xin của họ. Không những thế thầy Then còn hiện thực hoá những ước nguyện của họ bằng cách cho họ gặp gỡ giãi bày tâm sự với tổ tiên, nghe tổ tiên khuyên bảo, bằng việc làm cụ thể nối chiếc cầu mệnh số cho người đến tuổi xung hạn hoặc ra oai tróc nã quỷ thần, vỗ về tâm hồn yếu đuối của người bệnhv.v... Cũng cần nhấn mạnh rằng trong Then yếu tố âm nhạc lời ca cũng có vai trò quan trọng đem lại cảm giác thăng hoa không những cho người ngồi đồng (ông bà Then) mà còn cho cả người tham dự với tư cách là đối tượng được chữa bệnh. Việc kết hợp giữa niềm tin vào thần linh (sự linh thiêng của nghi lễ) với các sắc thái biểu cảm đa chiều của âm nhạc và lời ca đã có tác động trực tiếp tới trạng thái tâm thần của người bệnh, củng cố niềm tin cho họ vào kết quả chữa bệnh của thầy Then.

Có thể nói truyền thống chữa bệnh bằng cúng bái đã ăn sâu vào trong tâm lý và trở thành nỗi ám ảnh về một thế lực vô hình trong ý thức của người dân Tày. Vì vậy ngày nay để giải toả tâm lý nhiều gia đình vẫn kết hợp hai cách chữa bệnh vừa dùng thuốc trị liệu vừa chữa trị bằng lễ Then như một liệu pháp tinh thần nhằm mang lại sự bình ổn về tinh thần cho người bệnh và gia đình. Và như vậy đôi khi kết quả chữa bệnh lại đến từ cả hai phía. Chính vì vậy các nghi lễ cúng cho đối tượng người già và trẻ em như cầu an, giải hạn, chúc thọ, cúng Mẻ Hoa v.v... vẫn khá phổ biến trong đời sống người dân Tày. Và như vậy trong những trường hợp cụ thể thì việc chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần của Then là có thực và ít nhiều có những tác dụng nhất định trong đời sống của người dân. Đây cũng là một giá trị cần ghi nhận của Then.

 5. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BÀN THÊM VỀ THEN

Sống giữa rừng núi hoang vu với bao sự đe dọa của thiên nhiên về thiên tai, hạn hán, sâu bọ, dịch bệnh, v.v... người dân miền núi nói chung trong đó có người Tày, Nùng không tránh khỏi sự sùng bái tự nhiên, tin tưởng vào các thế lực tự nhiên và ma quỷ. Một trong những biểu hiện rõ nhất là hiện tượng chữa bệnh bằng biện pháp tìm hồn vía lạc. Sự thiếu hiểu biết về khoa học cùng những bế tắc trong việc chữa trị bệnh tật đã khiến người dân hoàn toàn phó thác sinh mệnh cho các lực lượng siêu nhiên: ốm đau do hồn lìa xác đi lang thang gặp ma quỷ giữ lại, rủi ro hoạn nạn do tổ tiên quở trách, phụ nữ chậm sinh nở hoặc trẻ em ốm yếu, hữu sinh vô dưỡng là do thờ phụng Mẹ Hoa không đến nơi đến chốn, v.v... Ngày nay trình độ khoa học phát triển cao cùng với các tiến bộ về y học và vệ sinh phòng dịch đã có điều kiện đến với từng thôn bản người Tày, Nùng nhưng không phải đã hết người còn tin vào những phép màu của Then, Pụt. Điều đó nói lên rằng trong quá khứ việc cúng bái nói chung và cúng chữa bệnh trong Then, Pụt nói riêng đã từng được coi là một giải pháp cứu cánh trong quan niệm của người dân.

  Vì những lý do trên, Then ít nhiều đã hình thành trong quan niệm của một số người dân nhất là ở lớp phụ nữ cao tuổi tư tưởng thần thánh hoá vai trò của Then, cho rằng Then có thể giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến thần linh và ma quỷ. Vì vậy họ tin tưởng một cách tuyệt đối vào việc bói toán của các thầy cúng, gia đình có bất kỳ điều gì bất ổn cũng đi bói, có trường hợp ốm đau nhưng không chịu đi bệnh viện mà chỉ muốn mời thầy Then đến nhà giải hạn. Trong thực tế không thể phủ nhận vai trò của Then trong chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý nhưng phải xác định không phải bất kỳ bệnh nào Then cũng giải quyết được.

  Ngoài ra hạn chế còn đến từ chính bản thân thầy Then. Do nhiều nguyên nhân, có thể là do nhận thức kém hoặc do trục lợi hoặc do cuồng tín mà dẫn đến có sự thần bí hoá nghề nghiệp của một số cá nhân lôi kéo những người cuồng tín làm giảm đi giá trị văn hoá của Then.

 Hạn chế khác liên quan đến thủ tục nghi lễ. Nhìn chung so với các hình thức cúng bái khác kể cả so với Pụt là hình thức gần với Then thì Then là nghi lễ có nhiều thủ tục nhất, thời gian kéo dài hơn. Trung bình một lễ Then đi hành nghề phải thực hiện trọn một đêm kéo dài từ khoảng 9 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khoẻ của người làm Then mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ và đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình gia chủ. Vì vậy việc xem xét có cần thiết phải kéo dài một nghi lễ như vậy hay không cũng là một vấn đề cần thảo luận trong việc bảo tồn và phát triển Then.

 Vì ra đời trong xã hội cũ nên trong văn bản hành lễ của Then không tránh khỏi những giải thích tiêu cực cho rằng số phận con người là do trời định làm kìm hãm ý chí vươn lên vượt qua số phận của con người. Cũng như vậy, vì mang nặng tính chất nghi lễ nên âm nhạc trong Then có nhiều đoạn buồn thiên về an ủi, xoa dịu. Mặt khác, do trình diễn trong thời gian dài, các giai điệu cũng như lời hát thường trùng lặp dễ gây sự nhàm chán cho người tham dự.

 Do phương thức truyền miệng, hành nghề không dùng sách nên không thể tránh khỏi tình trạng tam sao thất bản hoặc nhầm lẫn, hoặc thêm thắt bổ sung bởi những người trực tiếp hành nghề. Hiện tượng này dễ dẫn đến tình trạng không quy chuẩn trong diễn xướng Then cả về nội dung lẫn hình thức. Và như vậy giá trị của một diễn xướng Then cụ thể lại lệ thuộc vào chính bản thân thầy Then. Cùng là một nghi lễ Then như nhau nhưng với thầy Then giỏi, hành nghề có kinh nghiệm thì sẽ mang lại cảm giác thành công hơn so với một thầy Then kém, hát dở đàn tồi hoặc kém nhiệt tình. Đó cũng là một trong những đặc điểm trong phương thức hành nghề Shaman của Then.

 Một biểu hiện tiêu cực khác là về một khía cạnh nào đó Then đã ủng hộ những phép ứng xử không lành mạnh trong xã hội. Then phơi bày bộ mặt xấu trong xã hội có giai cấp nhưng một mặt Then còn a dua theo. Có thể nói toàn bộ các nghi lễ Then, từ Then đại lễ đến các lễ Then thường đều có cùng một nội dung là lễ lạt, cống nộp các bậc bề trên để mưu cầu tư lợi. Đối với tầng lớp trên (mà Then là đại diện) thì cống nạp để mưu cầu thăng quan tiến chức. Trong Then cấp sắc nhắc đi nhắc lại nhiều lần nội dung người đệ tử làm cỗ bàn, lễ lạt thịnh soạn cống nạp Ngọc Hoàng và các vị thần linh để được phê chuẩn chức tước. Trong các lễ Then thường thì phản ánh nhiều nội dung người dân hối lộ thần linh để được ban phúc, ban lộc. Chẳng hạn như hối lộ Nam Tào Bắc Đẩu (tức ông vua số) để ông này phê duyệt kéo dài tuổi thọ, hối lộ Mẹ Hoa để mẹ cho nhiều con cái, v.v... Then nhấn mạnh nhiều đến yếu tố vật chất mà bỏ qua những giá trị tinh thần như là công lao học hành đèn sách, tu dưỡng đạo đức của người đệ tử, khả năng tự vươn lên chiến thắng số phận của con người, v.v...

 

CHÚ THÍCH

1. Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, Nhiều tác giả, Nxb Văn hoá dân tộc 1978, tr. 138.

  2. Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, Sđd, tr. 32.  

3. Xem Nông Thị Nhình, Nét chung và riêng của âm nhạc trong diễn xướng Then Tày Nùng, Nxb Văn hoá dân tộc, 2004.

  4. Xem “Lên đồng ở Việt Nam một sinh hoạt văn hoá tâm linh mang tính trị liệu”, Nguyễn Kim Hiền, bài in trong Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Ngô Đức Thịnh chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, 2004, tr. 350.  

5. Xem “Lên đồng ở Việt Nam một sinh hoạt văn hoá tâm linh mang tính trị liệu”, Nguyễn Kim Hiền, bài in trong Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Sđd, tr. 366 và tr. 367.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513596

Hôm nay

269

Hôm qua

2313

Tuần này

21533

Tháng này

220469

Tháng qua

121356

Tất cả

114513596