Những góc nhìn Văn hoá

Tính thống nhất và nét khác biệt trong y phục của phụ nữ Thái ở Việt Nam

Tính thống nhất

Một trong những đặc trưng cơ bản và thống nhất của người Thái là có chung về tâm lý biểu hiện trên các mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Như vậy, sự biểu hiện chung về tâm lý trong lĩnh vực văn hóa vật chất ở đây đã bao hàm tính thống nhất trong y phục của phụ nữ Thái.

Có thể nói, biểu hiện đầu tiên của tính thống nhất trong y phục của phụ nữ Thái ở Việt Nam là mặc váy (xỉn), dây thắt lưng (xai hượt, xai ẻng), chiếc áo ngắn (xửa cỏm) và khăn đội đầu (khăn hua). Đây là những yếu tố hợp thành của bộ y phục cổ truyền của người phụ nữ Thái suốt từ vùng Tây Bắc qua Hòa Bình, Thanh Hóa cho đến miền tây Nghệ An.

Cùng với bộ y phục, phụ nữ Thái ở Việt Nam đều có tập quán đeo các đồ trang sức (vòng cổ, vòng tay, khuyên tai…) cũng như tập quán ăn trầu và nhuộm răng đen.

Như vậy, nói đến y phục của phụ nữ Thái, trước hết phải kể đến tập quán và thói quen của việc mặc váy, cũng như việc bảo lưu, duy trì mặc váy của họ từ trước tới nay. Đành rằng, các yếu tố hợp thành bộ y phục của phụ nữ Thái nói trên cũng có trong y phục phụ nữ của các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, song ta vẫn có thể nhận thấy nét đặc trưng riêng, cũng như vẻ đẹp riêng trong y phục của phụ nữ Thái.

Váy truyền thống của phụ nữ Thái ở Việt Nam là loại váy kín, được cắt may từ vải bông nhuộm chàm đen, mặc theo kiểu chui đầu hay xỏ chân. Thói quan của người Thái là khi mặc, váy luôn bó sát lấy thân hình.

Như vậy, nói đến y phục của phụ nữ Thái, trước hết phải kể đến tập quán và thói quen của việc mặc váy. Trong lời của một bài hát về trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải có đoạn: “Đã là người phụ nữ Thái thì phải biết trồng bông, dệt vải và mặc váy”. Không biết ý tứ của bài hát đó có phải là sự ràng buộc của thói quen và tập quán truyền thống hay không, nhưng dường như mặc váy đã, đang và sẽ là niềm tự hào của phụ nữ người Thái, bởi nó đã trở thành nét đẹp văn hóa riêng của họ.

Cùng với váy, áo truyền thống của phụ nữ Thái là loại áo ngắn (xửa cỏm) bó sát thân, cổ tròn, ống tay hẹp, màu đen với hàng khuy cài trước ngực hình con bướm, con ve, làm bằng bạc hoặc bằng nhôm. Có nơi, khuy cài hình tròn, làm bằng đồng gọi là mác “néek”.

Biểu hiện thứ hai về tính thống nhất của y phục phụ nữ Thái là nguồn nguyên liệu để tạo ra nó.

Mặc dù người Thái không còn nhớ được chính xác họ biết trồng bông, dệt vải từ khi nào, nhưng đây là nghề thủ công gia đình có từ lâu đời và phát triển nhất ở họ. Và, từ xưa đến nay, bông là nguyên liệu duy nhất để tạo ra y phục của phụ nữ Thái. Như vậy, nếu như cây lanh và sợi lanh dường như là sự thể hiện yếu tố đặc trưng tộc người trong nghề dệt của người H’mông ở Việt Nam, thì cây bông và sợi bông cũng có thể coi là sự thể hiện yếu tố đặc trưng tộc người trong nghề dệt của người Thái. Ngoài sợi bông ra, sợi tơ tằm cũng là loại nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến ở các địa phương người Thái, nhưng chủ yếu là dùng làm chỉ để thêu hoa văn.

Từ nguồn nguyên liệu bông và tơ tằm, muốn tạo ra sản phẩm cuối cùng là vải dệt, để từ đó cắt may thành váy, áo, khăn, chăn, đệm, màn và các đồ dùng bằng vải khác, người ta phải tiến hành hàng loạt các công đoạn thao tác trong quá trình sản xuất như: tách hạt (ít), bật bông (công), lăn thành lọn bông (lọ), kéo sợi (pắn), quay sợi (pia), guồng sợi (công quạng), se sợi (phiến), dệt (tắm), v.v. Đối với sợi bông, nếu dùng để dệt thành váy, trước khi dệt người ta còn phải qua công đoạn nhuộm sợi với hai cách: nhuộm nước gạo và nhuộm chàm. Còn đối với tơ tằm, trước khi dệt thành váy hay để làm chỉ thêu, người ta đều phải nhuộm màu bằng nguồn nguyên liệu trong tự nhiên như: phang, xét, chặng (cánh kiến) và một số loại lá cây trong rừng.

Biểu hiện thứ ba về tính thống nhất của y phục phụ nữ Thái là vải dùng để cắt may y phục được tạo ra bằng 3 kiểu kỹ thuật dệt truyền thống đó là: dệt thường (xan), đan cài (khuýt) và i cát (cát mí).

Dệt thường là kỹ thuật đơn giản nhất. Đó là hình thức đan sợi vải theo kiểu lóng mốt. Người ta sử dụng kỹ thuật này để dệt vải bông thô trắng, vải sọc, vải có ô vuông.

Kiểu kỹ thuật thứ hai phức tạp hơn vì do yêu cầu của việc tạo hoa văn, nên nó bao gồm các thao tác cài que trực tiếp để tạo hoa văn trên tầng sợi theo một số công thức sẵn có, và được lặp đi lặp lại. Sau đó, dệt đến đâu thì rút que cài đến đó. Kết cấu họa tiết hoa văn được thể hiện chủ yếu là các đường gẫy khúc, hình thoi, hình tam giác và các biến thể của chúng trong dạng thức mô típ hình học. Tuy nhiên, khả năng và sức sang tạo nghệ thuật lại rất đa dạng và phong phú. Mỗi mô típ hoa văn có thể được thể hiện bằng một màu sợi, hoặc bằng nhiều màu khác nhau tùy ý. Xung quanh mô típ hoa văn chính người ta thường điểm thêm nhiều chi tiết phụ. Vì thế, trong quá trình dệt, người ta phải sử dụng nhiều con thoi đã được cài sẵn các sợi màu khác nhau.

Tóm lại, với kỹ thuật dệt này, người ta có thể tạo ra được các mô típ hoa văn khác nhau theo dạng thức hình học hay tả thực trên mặt chăn, rèm màn, chân váy, nhưng phổ biến nhất vẫn là áp dụng để dệt mặt chăn.

Cần lưu ý rằng, ngoài sử dụng dệt hoa văn trực tiếp, người ta cũng còn sử dụng kỹ thuật thêu để khắc phục những nhược điểm mà kỹ thuật dệt không đáp ứng được.

So với hai kiểu trên, kỹ thuật cát mí lại càng phức tạp hơn. Kỹ thuật này đòi hỏi phải có kỹ năng tay nghề, kinh nghiệm và cả lòng kiên nhẫn. Trước hết, người ta làm một cái khung hình vuông, sau đó căng dàn sợi rồi dùng xơ của một loại lá gọi là bơ chọong pa buộc thắt nút tạo hoa văn theo một công thức sẵn có. Việc tiếp theo là tháo guộc sợi, đem nhuộm màu. Phần sợi được buộc kín sẽ không bị ngấm thuốc nhuộm, sau khi giặt, phơi khô sợi được quấn thành con nhỏ đem dệt. Dệt đến đâu, hoa văn sẽ tự hiện lên đến đó.

Biểu hiện thứ tư về tính thống nhất của y phục phụ nữ Thái là màu sắc sử dụng. Về điểm này chúng ta thấy, ngoại trừ phụ nữ Thái Trắng từ trước tới nay vẫn mặc áo màu trắng, còn lại có sự thống nhất tuyệt đối về màu chủ đạo của y phục truyền thống của phụ nữ Thái suốt từ miền Tây Bắc qua Hòa Bình cho đến miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An đều là màu đen. Theo quan niệm của người Thái, màu trắng là dấu hiệu của điềm rủi, của sự chết chóc, vì thế thường ngày người ta kiêng mặc quần áo trắng, đội khăn, mũ trắng, ngủ màn trắng…Quần, áo, váy màu trắng chỉ được mặc khi trong nhà có tang.

Biểu hiện thứ năm về tính thống nhất trong y phục phụ nữ Thái là sự nghèo nàn của hoa văn trang trí. Thật vậy, nếu như ở một số tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến và H’mông-Dao, y phục phụ nữ luôn được trang trí các mô típ hoa văn sặc sỡ, thì ở y phục truyền thống của phụ nữ Thái nói chung, các mô típ hoa văn ấy hầu như không có. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là từ trước tới nay, phụ nữ Thái ở Mai Châu, Hòa Bình và một số huyện ở miền núi tỉnh Thanh Hóa vẫn mặc loại váy có thêu hoa văn vào phần cạp. Còn phụ nữ Thái ở tỉnh Nghệ An và các huyện giáp giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An thì phổ biến mặc loại váy có thêu hoa văn vào phần chân váy. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì hiện tượng mặc váy có thêu hoa văn của phụ nữ Thái ở hai tỉnh nói trên chỉ là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng văn hóa của người Mường và các nhóm thuộc cộng đồng người Phu Thay ở Lào, chứ không phải là yếu tố văn hóa truyền thống của người Thái. Bằng chứng là tại sao ở vùng Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, vốn được xem là trung tâm của người Thái xưa nay, nhưng y phục của phụ nữ lại không có hoa văn trang trí. Một số ý kiến còn cho rằng ngay chiếc khăn piêu vốn đẹp nổi tiếng của phụ nữ Thái Đen vùng Tây Bắc hiện nay, ban đầu là sự tiếp thu yếu tố văn hóa của các tộc Môn-Khơ me, nhưng về sau nó đã được người Thái nâng cao và sáng tạo thêm để rồi trở thành nét văn hóa rất đặc trưng trong y phục của họ.

 Nét khác biệt          

Như đã đề cập ở trên, ngoài những yếu tố thống nhất, y phục phụ nữ Thái ở Việt Nam cũng có những nét khác biệt giữa các ngành, các nhóm địa phương, giữa các vùng cư trú. Qua quá trình tồn tại lâu dài, cùng với việc tiếp thu ảnh hưởng các yếu tố văn hóa của các cư dân khác tộc, để rồi những yếu tố khác biệt này dường như, tự chúng trở thành nét đặc trưng văn hóa riêng, làm tiêu chí phân biệt giữa các ngành, các nhóm địa phương của người Thái. Có thể nhận thấy, những nét khác biệt này thường được biểu hiện trên các khía cạnh sau đây:

Trước hết, nét khác biệt thể hiện rõ rệt nhất là phụ nữ Thái Đen thì thường mắc áo đen, còn phụ nữ Thái Trắng thì mặc áo trắng. Chính sự khác nhau về màu sắc của áo mặc mà người Thái căn cứ vào đó để làm tiêu chí phân biệt hai ngành đen và trắng. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, nét khác biệt này chủ yếu thể hiện rõ nét ở vùng Tây Bắc trước kia. Còn hiện nay, ngay cả phụ nữ Thái Đen (nhất là lớp trẻ) cũng đã chuyển sang mặc áo trắng là phổ biến. Chính điều này đã khiến cho sự phân biệt giữa phụ nữ Thái Đen và Thái Trắng về màu áo nhiều khi không còn được rạch ròi. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào yếu tố khác nhau về màu sắc của nó để coi đó, như là tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt Thái Đen, Thái Trắng thì hoàn toàn chưa đủ và chưa có sức thuyết phục. Mặc dù vậy, sự khác biệt về tập quán và thói quen mặc áo màu trắng hay áo màu đen giữa hai ngành Thái trên ở vùng Tây Bắc là một thực tế. Nếu có dịp đi từ vùng Phong Thổ, Mường Lay của tỉnh Lai Châu sang vùng Điện Biên và nhất là tỉnh Sơn La thì ta vẫn có thể nhận thấy, phụ nữ Thái Trắng chuyển sang mặc kiểu áo cánh như kiểu áo người Việt ngày một nhiều, trái lại phụ nữ Thái Đen thì chủ yếu vẫn mặc chiếc áo cắt may theo kiểu truyền thống của họ.

Sau áo và váy, sự khác biệt trong y phục nữ giữa hai ngành Thái Đen và Thái Trắng còn thể hiện ở chỗ: phụ nữ Thái Đen thì đội khăn piêu, còn phụ nữ Thái Trằng thì chỉ đội khăn đen. Thêm vào đó, có nơi thì phụ nữ còn có thói quen quấn xà cạp, có nơi thì không.

Tình hình ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An cũng tương tự. Phụ nữ các bộ phận thuộc nhóm Tày Dọ hầu như chỉ mặc áo trắng, váy đen, còn phụ nữ các bộ phận thuộc nhóm Tày Nhại thì nhiều nơi vẫn duy trì việc mặc chiếc áo ngắn màu đen, váy đen truyền thống trước đây của họ.

Nét khác biệt thể hiện thứ hai về y phục của các ngành, các nhóm Thái là về kiểu cách cắt may. Về điểm này chúng ta thấy: nếu như ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, chiếc áo truyền thống của phụ nữ Thái hầu như vẫn còn giữ nguyên kiểu dáng truyền thống ban đầu của nó: áo ngắn, cổ tròn (Thái Đen) hay cổ hình tim (Thái Trắng), khuy cài bằng bạc hoặc bằng nhôm hình con bướm, con ve, thì ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An, do quá trình giao lưu và tiếp thu văn hóa giữa các tộc người trong vùng, mà chiếc áo truyền thống của phụ nữ Thái đã có sự thay đổi đáng kể. Trên thực tế chúng ta thấy, bộ y phục của phụ nữ Thái ở vùng Hòa Bình và một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa gần như chịu ảnh hưởng của bộ y phục phụ nữ Mường. Yếu tố tiếp thu, ảnh hưởng này thể hiện ở chỗ: cạp váy được thêu hoa văn, áo xẻ vai, đội khăn trắng. Còn bộ y phục của phụ nữ Thái Nghệ An thì vừa chịu ảnh hưởng và tiếp thu những yếu tố của bộ y phục người Việt; lại vừa chịu ảnh hưởng, tiếp thu những yếu tố của bộ y phục phụ nữ Lào. Bằng chứng của sự tiếp thu, ảnh hưởng này là: áo cánh, chân váy được thêu hoa văn, mà chúng ta không thấy có ở chiếc váy của phụ nữ Thái ở vùng Tây Bắc.

Nét khác biệt thứ ba là có sự thay đổi khác nhau trong việc sử dụng nguyên liệu để tạo ra y phục nữ giữa các vùng người Thái.

Thật vậy, nếu như trước giải phóng 1954 trở về trước, y phục phụ nữ Thái Tây Bắc và Hòa Bình chủ yếu được tạo ra bằng nguyên liệu sợi bông, nhuộm chàm và sợi tơ tằm, thì từ 1954 trở về sau và nhất là mươi năm trở lại đây, mặc dù vẫn duy trì theo kiểu cắt may truyền thống, nhưng bộ y phục của phụ nữ Thái ở hai vùng này hầu như chỉ được tạo ra bằng một loại vải duy nhất, đó là vải mậu dịch. Thật vậy, nếu qua quan sát thực tế, chúng ta thấy hiện tượng biến mất của việc dùng vải bông nhuộm chàm để cắt may áo, váy. Trong khi đó, việc dùng các loại vải công nghiệp mua ở chợ để cắt may áo, váy ngày càng phổ biến. Vải bông tự dệt giờ đây hầu như chỉ được sử dụng làm mặt chăn, đệm, túi, khăn…phục vụ nhu cầu tiêu dùng và một phần trao đổi. Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên, khi nghề trồng bông của người Thái ở Tây Bắc hiện nay không còn phát triển như trước, khi mà nền kinh tế của họ không còn mang tính tự túc, tự cấp triệt để. Tuy nhiên, về mặt nhận thức thì đây là sự biến đổi và phát triển phù hợp với quy luật khách quan, bởi một mặt nó vẫn đảm bảo được tính kế thừa yếu tố truyền thống; mặt khác có sự tiếp thu và kết hợp hài hòa với yếu tố mới mà không hề làm mất đi vẻ đẹp truyền thống riêng trong bộ y phục của họ.

Trong khi đó, bộ y phục của phụ nữ Thái ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An lại được tạo ra bằng hai thứ nguyên liệu khác nhau: áo cắt may (hoặc mua sẵn) bằng vải mậu dịch, còn váy thì vẫn được dệt bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc vải tơ tằm. Như vậy, sự thay đổi trong việc sử dụng nguyên liệu mới để thay thế nguyên liệu truyền thống trong việc tạo ra y phục nữ ở đây vẫn chưa đến mức triệt để, mà nó mới dừng lại ở sự kết hợp giữa yếu tố mới với truyền thống cũ, được người phụ nữ Thái chọn lọc và chấp nhận. Chính vì thế, so với vùng Tây Bắc thì nghề trồng bông, nuôi tằm và dệt vải của người Thái ở vùng miền núi hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được duy trì và phát triển hơn. Theo đó, kỹ thuật dệt, thêu truyền thống cũng như các mô típ hoa văn trang trí cũng còn phong phú hơn. Đó cũng là lý do giải thích tại sao, khi muốn hỗ trợ để phục hồi và phát triển nghề dệt, thêu truyền thống của người Thái, từng bước đưa các sản phẩm của nghề dệt trở thành hàng hóa, các tổ chức NGO như Kraft-Link hay SIDCE đã chọn người Thái ở vùng núi Nghệ An làm nơi triển khai các dự án.

Nét khác biệt trong y phục phụ nữ Thái ở Việt Nam chẳng những thể hiện giữa các vùng, mà nó còn được thể hiện giữa các nhóm địa phương trong một vùng. Thật vậy, nếu so sánh giữa nhóm Tày Dọ với nhóm Tày Nhại ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An chúng ta sẽ thấy: nhóm Tày Nhại ở hai tỉnh này thường có xu hướng thêu hoặc dệt trực tiếp và kiểu kỹ thuật dệt cát mí để tạo hoa văn trên váy. Loại váy được họ ưa chuộng nhất gọi là váy múc (có đường sọc trắng), gồm hai phần thân và cạp. Do cạp váy luôn nhuộm màu đỏ, và dùng dây thắt lưng bằng một guộc sợi, vì thế họ còn được nhóm Tày Dọ gọi là Tày xỉn múc (Thái mặc váy có sọc trắng) hay Tày xỉn hua đeng (Thái mặc váy cạp màu đỏ). Hoa văn thêu trên chân váy của nhóm này thường là các mô típ hình học, mang tính tượng trưng, cách điệu (lá cau, đót dừa, cằm con gà...), thiên về chiều sọc đứng, với các gam màu tương phản sặc sỡ: trắng-đỏ-xanh-vàng...

Trong khi đó, nhóm Tày Dọ lại có tập quán mặc loại váy gọi là xỉn đán, dùng dây thắt lưng bằng dải vải tơ tằm nhuộm màu. Váy của nhóm này có ba phần cạp, thân và chân, trong đó chân váy là phần được dệt và thêu trước, sau đó mới nối thân và cạp. Hoa văn trang trí trên chân váy thiên về chiều ngang, thường là các mô típ hình động vật, thực vật mang tính tả thực như hình con rồng, voi, hươu, chim, bướm; các loại hoa, cây cỏ, với gam màu thiên về trắng-vàng-xanh.

Mặc dù đây chỉ là những nét khác biệt thể hiện tập quán, thói quen cũng như khiếu thẩm mỹ của từng nhóm địa phương, nhưng qua đó ta có thể dễ dàng nhận biết được sắc thái đặc trưng văn hóa riêng của từng nhóm.

 

Một vài nhận xét

Từ những cứ liệu đã trình bày trên đây, chúng ta thấy y phục của phụ nữ Thái ở Việt Nam vừa mang tính thống nhất tộc người, nhưng cũng lại thể hiện nét khác biệt giữa các vùng, các nhóm địa phương. Tính thống nhất này là do người Thái đều có chung những đặc trưng thống nhất của một tộc người quy định, cùng chung một cơ tầng văn hóa, nên cho dù cư trú ở địa phương nào thì bản sắc văn hóa tộc người của họ cũng luôn được thể hiện rõ nét, mà khía cạnh y phục phụ nữ là một ví dụ.

Đương nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, dưới tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan (hoàn cảnh lịch sử, giao lưu văn hóa, các yếu tố nội tại...), khiến cho y phục của phụ nữ Thái cũng có sự ảnh hưởng, tiếp thu và biến đổi nhất định.

Chính điều này đã dẫn tới một thực tế là bên cạnh tính thống nhất, thì y phục của phụ nữ Thái cũng còn thể hiện những nét khác biệt giữa các vùng, các nhóm địa phương.

Nhưng dù sao thì y phục của phụ nữ Thái vẫn có một phong cách riêng với nét đẹp riêng, thể hiện sắc thái văn hóa tộc người riêng của họ. Nói một cách khác, vẻ đeph và sự duyên dáng, mềm mại của người phụ nữ Thái qua chiếc váy đen, chiếc áo cóm với hàng khuy bạc hình con bướm cài trước ngực; chiếc khăn piêu đội đầu, từ lâu chẳng những đã đi vào các áng văn thơ, mà còn trở nên hình ảnh quen thuộc đối với công chúng trong nước và du khách quốc tế.

Mặc dù nó được tạo ra bằng phương pháp thủ công, nhưng trải qua hàng bao thế hệ, người phụ nữ Thái đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thêu dệt. Nhiều sản phẩm từ nghề dệt của họ đã đạt đến trình độ khá tinh xảo, được nhiều tộc người trong vùng ưa chuộng. Vì thế, bên cạnh hiểu biết về cái chung, cần phải hiểu thêm về cái riêng, cũng như hiểu được tính thống nhất, còn phải hiểu biết thêm về nét khác biệt của y phục phụ nữ Thái là nhu cầu cần thiết chẳng những đối với các nhà Thái học ở trong nước, mà còn là điều bổ ích đối với các nhà Thái học trên thế giới./.                   

 


 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513622

Hôm nay

295

Hôm qua

2313

Tuần này

21559

Tháng này

220495

Tháng qua

121356

Tất cả

114513622