Năm 1544 (Gia Tĩnh thứ 23), ông thi đỗ Cống Sinh, giữ chức Huyện Thừa ở huyện Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang. Năm 1567 (Long Khánh thứ 1), ông quay về Sơn Dương, miệt mài cùng thơ rượu. Ông thông minh, mẫn tiệp, đọc nhiều, học rộng, thơ văn nhã lệ (đẹp và tao nhã). Tác phẩm thất tán hầu hết.
Khưu Chính Võng có gom góp lại một số, gọi là Xạ Dương Tồn Cảo. Một tác phẩm khác được nhắc tới là Tần Thiểu Du Phong. Nhưng nay chỉ còn sót lại duy nhất Tây Du Ký, được khen là một trong bốn đại kỳ thư đời Minh, xếp hạng theo thứ tự như sau: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử Truyện, Tây Du Ký, và Kim Bình Mai.([1])
Ngô Thừa Ân: chân dung và tượng đồng
Theo Vương Hồng Sển, tằng tổ và nội tổ của Ngô Thừa Ân hai đời liên tiếp làm học quan nhưng cha ông là nhà buôn nhỏ, chuyên bán chỉ màu và hàng thêu. Ngô Thừa Ân có viết Tiên Phủ Quân Mộ Chí Minh, kể rằng cha ông rất chăm đọc sách. Còn Ngô Quốc Vinh khi viết lời bạt cho Xạ Dương Tiên Sinh Tồn Cảo (gồm bốn quyển) thì bảo thuở nhỏ Ngô Thừa Ân đã nổi tiếng văn hay. Trong Thiên Khải Hoài An Phủ Chí lại chép rằng Ngô Thừa Ân tánh cần mẫn, thông minh, học rộng, đọc nhiều, làm thơ nhanh, thanh nhã, lưu loát, thích hài kịch, viết nhiều tạp ký. Một tác phẩm thất truyền của họ Ngô là Vũ Đỉnh Chí.
Cũng theo Vương Hồng Sển, tuy Ngô Thừa Ân đa tài, nhưng lận đận đường cử nghiệp. Không rõ ông đậu Tú Tài năm nào, nhưng đậu Tuế Cống Sinh (tương đương Cử Nhân) năm 1544, sau này hình như còn đi thi hai lần nữa, đều hỏng. Khoảng tuổi ngũ tuần, hoàn cảnh quẫn bách, Ngô Thừa Ân đến Nam Kinh viết văn bán chữ, rất nổi danh, được chép lại trong Sơn Dương Chí Dị. Năm 1566, sáu mươi sáu tuổi, ông lão họ Ngô giữ chức Huyện Thừa huyện Trường Hưng, được ít lâu thì chán cảnh quan trường, rũ áo về quê. Rồi lại được bổ làm chức Ký Thiện ở Kinh Vương Phủ, coi việc lễ lộc và đọc chiếu thơ của vương gia trong ba năm thì xin nghỉ.([2])
Cả hai nguồn tiểu sử trưng dẫn trên đây đều không cho biết Ngô Thừa Ân có phải là một chuyên gia về Lão học, Phật học hay chăng. Dù rằng Tây Du Ký nói nhiều đến tu đơn, luyện đạo, hành thiền. Hay ông quả thực là cư sĩ đạt đạo, nhưng khía cạnh đời sống tâm linh của ông đã không được thế nhân biết đến?
Thực vậy, tác giả Tây Du nếu không là người đắm mình trong tư tưởng siêu thoát của Lão, Phật, nếu không lý hội được đạo thượng thừa vi diệu, thì chắc chắn không viết được những đoạn tưởng như giỡn chơi, mà ý chỉ thì sâu sắc thậm thâm. Ngoài những điều đã trình bày trong chín bài giải mã, cũng thử nêu thêm một ví dụ tiêu biểu nữa để thấy sức học uyên thâm của họ Ngô. Cuối Hồi thứ Mười Bảy, kể việc thu phục con yêu tinh gấu đen. Truyện kể, theo mưu kế của Tề Thiên, Quan Âm Bồ Tát đồng ý biến hóa ra một con yêu đội lốt đạo sĩ, hiệu Lăng Hư Tử. Bồ Tát biến hóa thế nào? Tây Du tả tuyệt khéo:
“Lúc ấy, Bồ Tát mở lòng từ bi quảng đại, pháp lực vô biên, ức vạn hóa thân, lấy tâm hội ý, lấy ý hội thân, trong giây lát biến ngay thành Lăng Hư Tử.
“(...) Hành Giả nhìn, nói: Tuyệt quá, tuyệt quá! Ngài là Bồ Tát yêu tinh, hay yêu tinh Bồ Tát đây?” ([3])
Chính vì nội dung Tây Du ký ảo diệu cực kỳ, nên có sách lầm cho rằng tác giả Tây Du Ký không ai khác hơn một đại đạo sĩ tên là Khưu Xứ Cơ, tức Khưu Trường Xuân, hay Trường Xuân Chân Nhân, thuộc phái Toàn Chân của đạo Lão.([4])
Theo truyện Thất Chân Nhân Quả,([5]) Hồi thứ Hai Mươi Chín, Khưu Trường Xuân (Lão) và Bạch Vân Thiền Sư (Phật) sau những bất đồng, xung đột kịch liệt đã cùng nhau giảng hòa, dẹp hết mọi thị phi tranh đua hơn thiệt. Bấy giờ Khưu Trường Xuân đem công phu tu luyện cửu cửu để làm tám mươi mốt nạn của Tam Tạng, lại lấy chơn tánh, bổn tâm, tâm viên, ý mã, lục dục, thất tình... mà diễn thành các nhân vật Tây Du, yêu tinh quỷ quái. Sau khi hoàn tất, bộ Tây Du này được Khưu Chơn Nhơn trao tặng Thiền Sư Bạch Vân.
Con gà tranh nhau tiếng gáy. Dứt đấu phép lại tới chuyện đấu văn chương nghĩa lý. Thiền Sư thấy ông bạn đạo Tiên mà thuật chuyện đạo Phật quá tài, chẳng lẽ chịu lép, bèn đáp lễ, nên tuy khoác áo cửa Phật, mà vẫn đem quan điểm tu Tiên của đạo Lão diễn bày thành truyện Phong Thần, kể việc các thiên tiên và địa tiên (xiển giáo và triệt giáo), người vì thuận mệnh Trời theo phò Khương Tử Nha phạt Trụ, kẻ vì chống Thiên cơ dốc lòng ủng hộ Thái Sư Văn Trọng đương cự lại vua Vũ. Truyện Phong Thần tuy mượn sự tích vua Vũ đánh vua Trụ, nhưng thật ra là kể chuyện tu hành tạo Tiên tác Phật. Dĩ nhiên, sau khi viết xong Thiền Sư liền đem tặng lại Khưu Chơn Nhơn pho truyện này.
Thất Chân Nhân Quả giải thích sự ra đời của hai pho tiểu thuyết Tây Du và Phong Thần như lược bày trên đây không phải vô cớ. Giữa hai tiểu thuyết này có một số chi tiết trùng hợp ngẫu nhiên:
- Cả hai đều dựa vào một chút lịch sử Trung Quốc để hư cấu thành tiểu thuyết huyền môn.
- Cả hai đều có đúng một trăm hồi.
- Cả hai cùng xuất hiện vào đời nhà Minh.([6])
Theo từ điển Từ Hải,([7]) truyện Phong Thần xuất hiện ở Trung Quốc vào đời Minh, tác giả khuyết danh. Nhưng ở Nhật, cùng thời đại nhà Minh, lại có một bản khắc Phong Thần khác, dài một trăm hai mươi hồi, và ghi tác giả là Hứa Trọng Lâm 許仲琳.
Còn có lý do nào khác để khiến người ta lầm lẫn cho rằng tác giả Tây Du Ký là Khưu Trường Xuân? Sự lầm lẫn này rất lý thú vì trong lịch sử quả thực liên quan đến Khưu Trường Xuân còn có một bản Tây Du Ký thứ hai.([8])
Từ Hải (mục từ Tây Du Ký, tr. 1224) chỉ cho biết vắn tắt, đời Nguyên có Lý Chí Thường soạn quyển Trường Xuân Chân Nhân [Tây] Du Ký, ghi chép hành trình sang phương Tây của đạo sĩ Khưu Xứ Cơ.
Giáo Sư Liu Ts'un-Yan, Viện Sĩ của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nhân Văn Úc (the Australian Academy of the Humanity) cũng đồng thời là Khoa Trưởng Khoa Hán Ngữ của Viện Đại Học Quốc Gia Úc (Australian National University), có một bài khảo cứu rất công phu về công cuộc kết tập và giá trị lịch sử của Đạo Tạng, với nhan đề The Compilation and Historical Value of the Tao-Tsang.([9]) Trong khảo cứu này (tr. 117), Giáo Sư Lưu cho biết rằng một sử gia nổi tiếng đời Thanh là Tiền Đại Hân (1728-1804) đã có nghiên cứu về quyển Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký. Quyển du ký này được Arthur Waley dịch sang tiếng Anh với nhan đề The Travels of an Alchemist (Hành trình của một nhà luyện đan), in ở London năm 1931. Trước đó, năm 1866, đã có Palladius lần đầu tiên dịch tác phẩm ấy sang tiếng Nga.
Cũng theo Giáo Sư Lưu, năm 1795 Tiền Đại Hân phát hiện rằng quyển Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký là một quyển nằm trong bộ Đạo Tạng, tàng trữ ở Huyền Diệu Quán, đất Tô Châu. Đây là câu chuyện về cuộc hành trình của Khưu Xứ Cơ vào năm 1222, đi về phương tây để gặp Thành Cát Tư Hãn trên rặng phía bắc của dãy núi Hindu Kush.([10])
Liên quan đến quyển du ký trên đây còn có một tác phẩm khác của Cheng-siang Chen, nhan đề Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký Đích Địa Lý Học Bình Chú, in năm 1968, trong Research Report No 8, Geographical Research Centre, Graduate School, University of Hong Kong.
Về mối quan hệ giữa hoàng đế Mông Cổ và đạo sĩ Trung Quốc này, từ điển Từ Hải cho biết Nguyên Thái Tổ (Thiết Mộc Chân, Thành Cát Tư Hãn) vô cùng thân thiết Khưu Xứ Cơ, ban cho đạo sĩ nhiều ân huệ: chỗ ở của Khưu gọi là Trường Xuân Cung, sau này chính là Bạch Vân Quán nằm ở phía tây huyện Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông.
Với đầy đủ các cứ liệu văn học và lịch sử như trên, có thể kết luận rằng “thuyết” của Thất Chân Nhân Quả về tác giả Tây Du Ký và Phong Thần hoàn toàn không đúng với lịch sử.
Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết vào đời Minh là tiểu thuyết huyền môn. Là tiểu thuyết nên nội dung hoàn toàn hư cấu.
Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký do Lý Chí Thường soạn vào đời Nguyên, là du ký, không phải tiểu thuyết. Quyển này được giới đạo sĩ Trung Quốc liệt vào Đạo Tạng, một kho tàng đồ sộ bao gồm kinh điển và tác phẩm của đạo Lão, gồm tổng cộng 5.485 quyển.([11])
Khưu Trường Xuân là ai? Lý Chí Thường là ai? Mục đích gì mà Khưu Trường Xuân phải vạn lý du hành để giáp mặt cùng Đại Hãn? Nội dung Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký là chi? Tài liệu này hiện nay không dễ kiếm! Do đó, nhân dịp nói chuyện tiểu thuyết Tây Du Ký (hư cấu) cũng nên biết thêm về bản Tây Du Ký phi hư cấu trong kho tàng văn học đạo Lão Trung Quốc.([12])
21-02-1993
Bổ túc 09-6-2010
([1]) Theo Đàm Gia Định, Trung Quốc Văn Học Gia Đại Từ Điển, Thế Giới Thư Cục ấn hành, quyển Hạ, tr. 1101, mục từ 4244.
Trong bài giới thiệu ở quyển Tây Du Ký do Nhạc Lộc Thư Xã xuất bản (Trường Sa, Trung Quốc, 1984), Hà Mãn Tử cho biết thêm hiện còn lưu giữ một trường thi của Ngô Thừa Ân, nhan đề Nhị Lang Sưu Sơn Đồ Ca. Hà Mãn Tử lại viết rằng vào năm 1981, huyện Hoài An tiến hành khai quật và khảo sát mộ của Ngô Thừa Ân tại huyện này. Trên quan tài có chữ Kinh Phủ Ký Thiện, là chức quan cuối đời của ông. Tìm trong quan tài được một sọ người. Sau đó, Trung Quốc Học Viện Về Cổ Nhân Loại Và Động Vật Cổ Có Xương Sống nghiên cứu và giám định, các nhà khoa học đã tái tạo một pho tượng bán thân của Ngô Thừa Ân. Cho đến nay, có lẽ đó là trường hợp duy nhất của một tác gia cổ điển Trung Quốc được khoa học tái tạo dung mạo. Xem tượng đồng ở trên. (Lê Anh Minh dịch, chú)
([2]) [Vương Hồng Sển 1993: 239-241].
([4]) Về tiểu sử Khưu Xử Cơ, xem Phụ Lục 3.
([5]) Tác giả khuyết danh, Lê Anh Minh dịch. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài liên kết Nxb Tôn Giáo (sắp in).
([6]) Theo Thất Chân Nhân Quả thì hai pho này có sớm hơn, nhằm vào đời Nguyên, triều Thuận Đế, trong khoảng năm 1333-1344. Dĩ nhiên, khi xét về tính chân xác của sử liệu, “thuyết” của Thất Chân Nhân Quả không chấp nhận được.
([7]) Trung Hoa Thư Cục, Đài Loan, 1948, mục từ Phong Thần Truyện, tr. 433.
([8]) Theo [Vương Hồng Sển 1993: 234], đời nhà Minh còn có bản Tây Du thứ ba, tác giả là Dương Chí Hòa. Họ Dương đem chuyện thỉnh kinh của Trần Huyền Trang đời Đường viết thành tiểu thuyết truyền kỳ, nhan đề Tây Du Ký Truyện, “tuy bốn mươi mốt hồi, nhưng nội dung cũng gần đầy đủ bằng Tây Du Ký Diễn Nghĩa của Ngô Thừa Ân. (...) Văn chương của Tây Du Ký Diễn Nghĩa lưu loát, ý nghĩa lại thâm thúy, súc tích hơn, do đó tuy cùng một nội dung, nhưng Tây Du Ký Diễn Nghĩa lại được phổ biến rộng rãi, còn Tây Du Ký Truyện thì ít được biết đến.”
Không hiểu Vương Hồng Sển căn cứ vào đâu đã cho rằng: “Chính Ngô Thừa Ân đã lấy tài liệu trong Tây Du Ký Truyện của Dương Chí Hòa để viết thành bộ truyện của mình.” (tr. 234).
([9]) Đã in trong hiệp tuyển Essays on the Sources for Chinese History (những người chủ biên: Donald Leslie, Colin Mackerras, Wang Gung Wu; Canberra Australian National University Press, 1973, tr. 104-119).
([10]) Dãy núi Hindu Kush dài 800 km, nằm ở đông bắc Afghanistan, là nhánh phía tây của dãy Himalayas.
([11]) Đạo Tạng, gồm 5.305 quyển, kết tập từ đời Minh, hoàn tất năm 1445; sau đó bổ sung thêm Tục Đạo Tạng, gồm 180 quyển, kết tập năm 1607. Vậy, tổng cộng có 5.485 quyển.
([12]) Xem tiếp Phụ Lục 3: Lý Chí Thường Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký (trích dịch).