Những góc nhìn Văn hoá
Ông Phạm Quỳnh và phái Nam Phong
Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong Từ điển Văn học – Bộ mới (NXB Thế Giới, Hà Nội 2004) Trần Hữu Tá viết: “ Dương Quảng Hàm (14.VII.1898-?.XII.1946). Nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục Việt Nam. Hiệu là Hải Lượng, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình Nho học. Thuở nhỏ học chữ Nho, sau ra Hà Nội học quốc ngữ; tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương, 1920; giảng dạy ở Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi) 1920-46.

(…) Ông là tác giả của một công trình đáng chú ý: Việt Nam văn học sử yếu (1944). Sách được in và chỉnh lý nhiều lần. Không kể phần mở đầu và tổng kết, Việt Nam văn học sử yếu gồm 46 chương, trong đó có nhiều phần quan trọng: Văn chương bình dân; Ảnh hưởng của nước Tàu; Các chế độ về việc học việc thi; Các thể văn; Ảnh hưởng của nước Pháp; Vấn đề ngôn ngữ văn tự…
(…) Ông dành đến bảy chương để nói tới nền văn học dân tộc đầu thế kỷ XX – giai đoạn hình thành một nền quốc văn mới. Ông giới thiệu nền văn xuôi mới, các thi sĩ hiện đại, các văn gia hiện đại…
(…) Có thể coi đây là cuốn lịch sử văn học Việt Nam phổ thông đầu tiên được biên soạn bằng chữ quốc ngữ. Phương pháp nghiên cứu tuy chưa thật khoa học nhưng vấn đề được đặt ra và giải quyết rành mạch, thỏa đáng. Tư liệu tập hợp khá phong phú và chính xác. Công trình này đã góp phần tích cực vào việc phát hiện và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.
Dương Quảng Hàm mất tại Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.”
Báo Sài Gòn Giải Phóng (ngày 7/7/2000) đăng bài Liệt sĩ Dương Quảng Hàm của Đỗ Đậu viết: “Là người thầy mẫu mực, nhà nghiên cứu uyên bác, ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực khám phá, xây dựng bộ môn văn học sử Việt Nam. Các tác phẩm Quốc văn trích diễm, Việt văn giáo khoa thư và đặc biệt là công trình Việt Nam văn học sử yếu (hai tập) được tái bản đến 14 lần đã khẳng định tài năng cũng như sự uyên thâm của ông. 50 năm sau, sự “mất tích” của giáo sư mới chính thức được xác minh là hy sinh. Và ngày 5/7/2000, lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Dương Quảng Hàm đã được tổ chức long trọng tại Câu lạc bộ văn hóa phường Hàng Bông (Hà Nội) nơi ông từng sinh sống trước đây.”
Ông Phạm Quỳnh và phái Nam Phong là phần chúng tôi trích từ sách Việt Nam văn học sử yếu của ông do Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Tháp xuất bản năm 1993, phần II, chương thứ tư, từ trang 430 đến trang 433.
Ông Phạm Quỳnh và phái Nam Phong
Cả cái văn nghiệp của ông Phạm Quỳnh đều xuất hiện trên tạp chí Nam Phong, tạp chí ấy trong một thời kỳ, đã thành được một cơ quan chung cho các học giả cùng theo đuổi một chủ đích với ông. Vậy ta cần nói đến tạp chí ấy trước.
Tạp chí Nam Phong – Nam Phong tạp chí xuất bản tự tháng Juillet (bảy – PT chú) năm 1917, đến tháng Décembre (12 –PT chú) năm 1934 thì đình bản, tất cả được 17 năm và 210 số. Kể trong các tạp chí đã ra đời ở nước ta, tạp chí ấy là tờ xuất bản liên tiếp và lâu hơn cả.
A) Tình hình quốc văn hồi tạp chí Nam Phong ra đời – Muốn nhận rõ ảnh hưởng của tạp chí Nam Phong, cần phải nhắc qua lại tình hình quốc văn ở nước ta hồi tạp chí ấy ra đời. Lúc ấy, trừ các bản dịch tiểu thuyết Tàu ra tiếng ta, chưa hề có sách quốc văn xuất hiện. Trong nước, chỉ có vài tờ báo chí (Lục tỉnh tân văn ở Nam kỳ), Trung Bắc tân văn và Đông Dương tạp chí ở Bắc kỳ) và thiếu hẳn một cơ quan khảo cứu về học thuật tư tưởng để cho người trong nước có thể chỉ xem quốc văn mà mở mang tri thức được.
B) Mục đích của tạp chí Nam Phong– Tạp chí ấy có hai mục đích chính sau này:
- Đem tư tưởng học thuật Âu – Á diễn ra tiếng ta cho những người không biết chữ Pháp hoặc chữ Hán có thể xem mà lĩnh hội được.
- Luyện tập quốc văn cho nền văn ấy, có thể thành lập được.
C) Sự thực hành của bản chương trình ấy – Muốn thực hành bản chương trình ấy, các nhà biên tập tạp chí Nam Phong làm các việc sau này:
- Viết các bài khảo cứu về triết học, khoa học, văn chương, lịch sử của Á Đông và của Âu Tây.
- Dịch các tác phẩm về triết học, văn học nguyên viết bằng chữ nho hoặc chữ Pháp.
- Sưu tập các thơ văn cổ của nước ta (cả chữ nho và tiếng nôm).
- In các sách cũ của nước ta (như bộ Lịch triều hiến chương loại chí).
D) Ảnh hưởng của tạp chí Nam Phong – Tạp chí Nam Phong đã có ảnh hưởng về hai phương diện:
- Về đường văn tự, tạp chí ấy đã:
a) sáp nhập vào tiếng ta nhiều danh từ triết học, khoa học mới mượn từ chữ nho;
b) luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới
- Về đường học vấn, tạp chí ấy đã:
a) phổ thông những điều yếu lược của học thuật Âu Tây.
b) diễn đạt những điều đại cương trong các học thuyết cũ của Á Đông (Nho học, Phật học, v.v) và bảo tồn những điều cốt yếu trong văn hóa cũ của nước ta (văn chương, phong tục, lễ nghi).
Tác phẩm của ông Phạm Quỳnh – Ông Phạm Quỳnh vừa làm chủ nhiệm và chủ bút tạp chí Nam Phong. Tác phẩm của ông có thể chia làm ba loại.
A) Loại dịch thuật – Ông có dịch các đoạn văn hoặc các tác phẩm của Âu Tây, có phần thiên về triết học (Phương pháp luận, Discours de la méthode của Descartes, Nam Phong, số 3 trở đi), luân lý (Sách cách ngôn, Manuel của Epictète, Âu Tây tư tưởng, 1929, Đời đạo lý, La vie sage của Paul Carton, Nam Phong, 1929-1932) hơn là tiểu thuyết và kịch bản (Tuồng Lôi xích, Le Cid của Corneille, Nam Phong, số 38-39; Tuồng Hòa Lạc, Horace, của Corneille, Nam Phong, số 73-75)
B) Loại trứ tác – Trừ các bài luận thuyết, ký sự, đoản thiên đăng trên tạp chí ông có viết mấy tác phẩm ghi chép những điều quan sát, nghị luận trong các cuộc du lịch của ông: Mười ngày ở Huế (Nam Phong, số 10), Một tháng ở Nam Kỳ (Nam Phong, số 17, 19, 20), Pháp du hành trình nhật ký (Nam Phong, 1922-1925).
C) Loại khảo cứu – Loại này là phần quan trọng nhất trong văn nghiệp của ông. Ông nghiên cứu ở các sách, rồi viết ra những bài chuyên khảo về học thuật Âu Tây như Văn minh luận (Nam Phong, số 42), Khảo về các luân lý học thuyết của Thái Tây (Nam Phong, số 92 trở đi), Khảo về chính trị nước Pháp (Nam Phong, số 31 trở đi), Thế giới tiến bộ sử (Nam Phong, số 51 trở đi), Lịch sử và học thuyết của Rousseau (Nam Phong, số 104), của Montesquieu (Nam Phong, số 108) của Voltaire (Nam Phong, số 114-115); hoặc về học thuật Á Đông như Phật giáo lược khảo (Nam Phong, số 40), Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng (Nam Phong tùng thư, 1928), hoặc về văn học nước ta như Tục ngữ ca dao (Nam Phong, số 46), Văn chương trong lối hát ả đào (Nam Phong, số 69), Hán Việt văn tự (Nam Phong, số 107 trở đi), Việt Nam thi ca (Nam Phong, số 64)
Phần nhiều những tác phẩm kể trên, sau khi đăng trên tạp chí, đều in lại trong bộ Nam Phong tùng thư (Đông Kinh ấn quán Hà nội xuất bản)
Kết luận: – Ông Vĩnh có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây và phát triển những cái hay trong tiếng Nam ra; ông Quỳnh thì có công dịch thuật các học thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới. Đối với nền văn hóa cũ của nước ta, thì ông Vĩnh hay khảo cứu những phong tục tín ngưỡng của dân chúng, mà ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế độ văn chương của tiền nhân.
Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập quốc văn vậy.
D.Q.H.
*
* *
Một số bài Dương Quảng Hàm trích văn Phạm Quỳnh vào sách giáo khoa Việt Nam thi văn hợp tuyển
(NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1993)
- 1. Cách lễ phép của người mình
Người ta ở trong xã hội, trong khi giao tế với nhau, cần phải có lễ phép, dẫu đối với người cao hơn mình, người ngang bằng mình hay người thấp kém mình cũng vậy, kẻ khôn khéo thời tùy nghi mà gia giảm, nhưng bao giờ cũng phải có lễ nhượng mới là người có giáo dục. Nhưng giữ lễ phép không phải là làm đê hạ mình đi mới là tôn trọng kẻ khác, không phải là tự nằm rạp xuống đất hay uốn gẫy mình làm đôi, mới rõ là mình kính trọng người ta. Cách lễ phép như vậy thời một là giả dối, hai là đê hèn, đều đáng khinh bỉ cả, tưởng người được hưởng sự lễ phép ấy nếu biết cũng nên khinh trước mới là phải. Xét trong cách lễ phép của người mình phần nhiều như thế cả. Đối với người dưới thời đã tuyệt nhiên không có chút lễ phép gì, thường lấy sự thô bỉ tàn nhẫn mà đãi kẻ kém mình, đối với người trên thật đê tiện quá chừng. Rụt rè, khúm núm, gãi đầu gãi tai, bẩm bẩm thưa thưa, vâng vâng dạ dạ, coi lời ăn tiếng nói, dáng đứng cách ngồi, tưởng phàm người biết trọng cái phẩm giá con người không ai tự hạ đến thế. Mà thật những người ấy không biết lòng danh dự là cái gì. Lòng danh dự là biết tự trọng mình, trọng cái nhân cách của mình, người ta là người, mình cũng là người, không có lẽ một người đối với một người mà phải tự coi mình như con giun, con dế, dẫu người kia có oai quyền thế lực đến thế nào nữa mặc lòng. Vả lại muốn biểu dương cái lòng tôn trọng với người hơn mình, không phải là tự hạ mình đi mới là kính trọng người; tự hạ mình đi là làm hạ giá cả cái lòng kính trọng của mình, không những thế, tức là khi ( như khinh – PT chú) người ta nữa, vì tự hồ như cho người ta là hẹp lượng lấy những cách khúm núm quỵ lụy của mình làm chân thành vậy
Danh dự luận
(Nam Phong tạp chí, số 25, tháng 7-1919)
- 2. Triết lý của đạo Phật
Trung tâm đạo Phật là thuyết về luân hồi, nghĩa là vạn vật đã vào trong vòng sinh tử thì cứ sống đi chết lại mãi mãi, không bao giờ cùng cũng như cái bánh xe đã quay thời càng quay càng tít, không bao giờ dừng. Theo thuyết ấy thời đã sinh ra tất phải chết đi, đã chết đi tất phải sinh lại, sinh tử, tử sinh, vô cùng vô hạn, hết đời nọ đến đời kia, hết kiếp này đến đời khác, chữ phạn gọi là sâmsára, chữ Tàu dịch là luân hồi. Nhưng những đời đời kiếp kiếp, tử tử sinh sinh ấy là làm nhân quả lẫn cho nhau, không phải là vô bằng, vô cứ; các việc xảy ra ở đời này là sự thưởng hay sự phạt những việc đã xảy ra trong kiếp trước, và là nguyên nhân mầm mống những việc sẽ xảy ra về kiếp sau. Đạo Phật gọi phép báo ứng ấy là nghiệp báo (karma). Nghĩa chữ nghiệp báo là vừa chỉ các việc làm, vừa chỉ cái kết quả việc ấy sau này. Nay đệ nhất đề gọi “khổ đề” là thế nào? – Chính là phép khốc hại nó bắt chúng sinh cứ phải chết đi sống lại mãi, cứ phải qua hết đời nọ sang kiếp kia mà chịu những sự khổ não vô cùng, chính là phép luân hồi vậy. Thành ra khổ (dukha) là một chữ đồng nghĩa với chữ nghiệp (karma) và khổ với nghiệp cũng lại là đồng nghĩa với luân hồi, vì có nghiệp báo nên phải luân hồi, vì có luân hồi nên phải khổ não, ba chữ bổ nghĩa lẫn nhau, giải thích cho nhau, và là ba cái động lực rất mạnh gây ra cái thế gian “hữu tình”, cái cõi đời khốn nạn này…
Cơ mầu đã như thế, thời người trí giả phải mưu tính thế nào? Chắc là phải tìm cách ngăn ngừa sự luân hồi, trở át cái phép khốc hại ấy cho không thi hành được nữa. Nếu có thể tiêu diệt được nghiệp báo thời tiện thị là ngăn cấm được luân hồi, thoát khỏi được vòng sinh tử, cùng tránh được hết những sự khổ não nó đi kèm với cái sống cái chết, và trong một khoảng từ khi sinh ra đến khi chết đi, tiếp tục nhau mà bày ra cái cuộc đời rất sầu thảm này. Đã ngăn cấm được sự luân hồi thời không có sống, không có chết nữa. Không sống, không chết, đạo Phật gọi cảnh ấy là nát bàn (nirvâna), nghĩa là chốn an ổn vô cùng, tịch mịch vô cùng. Nhờ vậy thời đệ tam đề gọi là diệt đề (nirodha) tức là nát bàn; diệt với nát bàn, hai chữ đồng nghĩa, vì nát bàn là cái kết quả trực tiếp của sự liệt diệt: diệt được khổ não, tiện thị là nhập nát bàn vậy.
Phật giáo lược khảo
(Nam Phong tạp chí, số 40, tháng 10-1929)
3. Đạo hiếu và đạo trung trong luân lý của Khổng giáo
Có thể nói cả cái đời luân lý của dân tộc Việt Nam là hun đúc bằng đạo Khổng, nói thế không phải là nói quá vậy. Những lời huấn dụ, những lời cách ngôn của ông Đại Hiền Triết vừa là Socrate vừa là Lycurgue của xã hội giống da vàng, trong hai ngàn năm đã tiêm nhiễm tâm hồn người Việt Nam và đã sáp nhập vào cái kho trí thức của dân chúng xứ này.
Nay luân lý đạo Khổng không phải là một lý thuyết bằng không mà kết cấu ra, chính là nguồn gốc của sự thực hiển nhiên của lẽ thường người ta, căn cứ ở đạo hiếu và đạo trung, hiếu với trung là gốc của gia đình, của tổ quốc, và gia đình với tổ quốc là hai cái hiện tượng hiển nhiên, ai ai cũng phải công nhận vậy.
Người ta là một giống ở xã hội, Aristote thì nói là một động vật sinh trưởng ở xã hội. Cái thiên tính của người là phải ăn ở trong xã hội những kẻ đồng loại với mình. Cái xã hội thứ nhất sau khi lọt lòng mẹ ra là gia đình, căn cứ ở máu mủ. Xã hội này lại thuộc một xã hội lớn hơn căn cứ ở đất nước, gọi là tổ quốc. Cả “nhân luân” là ở giữa hai cái đầu mối đó: gia đình, tổ quốc. Tưởng rằng cá nhân có một địa vị là tưởng lầm: cá nhân không có gì cả; cá nhân chỉ có địa vị là ở trong phạm vi gia đình, ở trong phạm vi tổ quốc mà thôi.
Phàm xã hội phải có trật tự. Không có gì gọi là bình đẳng cả. Auguste Comte đã nói: “Chính tạo vật đã tổ chức loài người theo lẽ tôn ti sai biệt”. Vậy thời gia đình với quốc gia phải có chủ: gia trưởng là cha, quốc trưởng là vua. Hai bậc đó bản thể không có gì sai biệt, chỉ có sai biệt ở trật tự mà thôi. Bổn phận của mỗi người đối với cha là hiếu, bổn phận của mỗi người đối với vua là trung. Đó là hai mối tình cảm thâm trầm mà sự giáo dục phải khai phát ra trong lòng người, vì đó chính là nền tảng của gia đình, tổ quốc vậy. Không có hiếu thì không có gia đình được, không có trung thì không có tổ quốc được, vì gia đình với tổ quốc không phải hai cái danh từ trừu tượng để nêu lên làm khẩu hiệu mà thôi, chính là hai hiện tượng có sinh hoạt mà nguồn gốc là tự trong thâm tâm người ta vậy.
Cổ nhân ta đã có câu rằng: xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân, nghĩa là ở trong lòng mẹ ra đã có nghĩa vua tôi với cha con rồi.
Nghĩa đó là nghĩa tùy thuộc, nghĩa phục tòng cái trật tự thiên nhiên nó chi phối sự sinh hoạt của đoàn thể. Con người ta mới sinh ra đời bé nhỏ yếu ớt đã có ngay một hoàn cảnh, một cái phạm vi sẵn sàng để đón lấy, che chở cho, bênh vực cho. Lý tự nhiên là đem mình sáp nhập vào phạm vi đó, tùy thuộc vào cuộc sinh hoạt chung của đoàn thể. Không những nghĩa phải như thế, lợi cũng khiến nên như thế. Vì cuộc sinh hoạt chung đó vẫn đã có trước mình từ bao giờ, và sẽ còn có sau mình biết bao lâu nữa. Mình có nương tựa vào đó, có sáp nhập vào đó, thì mới có cơ sinh hoạt tồn tại được, chứ không phải tự phụ đem cái cá tính đơn độc của mình mà ngang nhiên phản đối lại được, cá tính nọ cũng như cá nhân kia là hão huyền không có cả.
Công cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước
Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam
(Nhà in Đắc Lập, Huế)
4. Nền luân lý cổ của dân tộc Việt Nam
Thờ gia đình, mến tổ quốc, phụng tổ tiên, tôn cổ điển những tình cảm đó nhờ giáo dục vun trồng, thói quen bồi đắp, văn chương cùng phong tục cổ lệ tán dương, dần dần tạo thành cho người nước Nam một cái thần trí vững vàng ngay thẳng, một cái tâm địa chắc chắn điều hòa, một cái hồn tính thiết thực và kiện toàn, có lẽ không được bay bổng cao xa lắm, nhưng gặp khi quan hệ đến vận mệnh gia đình tổ quốc thì cũng có thể tận tụy hy sinh được. Lòng hiếu thảo trong đạo cha con, lòng tiết nghĩa trong đạo vợ chồng, lòng trung thành với nhà vua là trạng thái đặc biệt của lòng ái quốc người Việt Nam, cổ lai vẫn gây nên những bực anh hùng liệt nữ, hoặc hiển hách, hoặc vô danh, hoặc tên đề chói lọi trong sử sách, hoặc việc chép lưu truyền trong gia phả, hay chỉ còn để lại cái bài vị trong một gian miếu nhỏ nấp dưới bóng tre xanh. Lòng vị nghĩa đó có khi siêu việt đến bậc tuẫn tử một cách oanh liệt.
Nhưng đó là những bậc anh hùng có đóng vai quan trọng trong lịch sử. Ngoài những bậc đó, còn biết bao nhiêu những người nữa, và trong những người đó thiếu chi người đàn bà, âm thầm lẳng lặng mà can đảm quyên sinh để giữ tròn danh tiết. Cho nên có câu thơ:
Khảng khái cần vương dị,
Thung dung tựu nghĩa nan.
Như vậy thời cái luân lý cổ thoát thai ở đạo Khổng mà ra đó một phần căn cứ ở thiên nhiên – là máu mủ và đất nước – một phần căn cứ ở lịch sử, – là sự kinh lịch của đời trước – rất là hợp lý lắm, không có mâu thuẫn chút nào với đời nay, và rất có thể khôi phục lại để làm cơ sở cho sự sinh hoạt về đạo đức của dân tộc Việt Nam này. Luân lý ấy không phải là một thuyết trừu tượng ở trong sách cổ đâu; những điều giảng dạy của luân lý ấy đã tiêm nhiễm sâu xa cả thượng lưu cùng quần chúng trong nước vậy. Những danh từ dùng để chỉ các quan niệm cốt yếu của luân lý đó, như: tam cương, ngũ thường, quân tử, tiểu nhân, tam tòng, tứ đức, v.v… đã thâu nhập vào tiếng nói của bình dân từ bao giờ đến giờ ai ai cũng hiểu rõ và ai ai cũng thường dùng vậy.
Công cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước
Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam.
(Nhà in Đắc Lập, Huế)
tin tức liên quan
Videos
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Võ Văn Trực với những câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui
Truyện thơ Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại
Thống kê truy cập
114569452

2236

2432

21835

227976

129483

114569452