Những góc nhìn Văn hoá

Mấy suy nghĩ về sáng tác kịch bản Tuồng của Hoàng Châu Ký

Nói đến GS. Hoàng Châu Ký là nói đến một nhà hoạt động Tuồng tài hoa trên nhiều lĩnh vực: Nghiên cứu, đạo diễn, sáng tác, quản lý, giảng dạy. Ở bài viết này, tôi xin chỉ nêu một số suy nghĩ về kịch bản Tuồng do ông sáng tác.

Hoàng Châu Ký bước vào lĩnh vực sáng tác Tuồng đúng như nhận xét của GS. Trần Bảng: “Không phải chúng tôi tham (chúng tôi ở đây chỉ GS. Trần Bảng và GS. Hoàng Châu Ký - NKL), trước hết làm lý luận không chỉ để viết sách mà cần vận dụng vào sáng tác, biểu diễn. Đây hầu như là yêu cầu của giai đoạn”.

Về số lượng vở sáng tác mới, so với tác giả Tống Phước Phổ với gần tới con số 100, thì Hoàng Châu Ký rất khiêm tốn. Ở giai đoạn đầu, khoảng năm 1952 đến năm 1975 có thể kể: Đường về Vụ Quang, Lại sáng màu cờ (Tuồng ngắn, khi công diễn đổi thành Quay súng trở về), Úm ba la (Tuồng hài, viết chung với Song Bân), Cao Doãn.

Là vở viết ngắn gọn dễ biểu diễn trong điều kiện kháng chiến, nhưng vở Đường về Vụ Quang lại có tính chất mở đầu của sáng tác về giai đoạn cận hiện đại, rất gần gũi với con người đương thời. Tính chất của nó khác hẳn với những nhân vật biểu trưng, mũ cao, áo dài của Tuồng cổ. Điều này thể hiện rất rõ ở lời tự nhận xét của tác giả in trong tập “35 năm sân khấu ca kịch cách mạng” (NXB Văn hóa, 1976, trang 62): “Tuy viết về cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, nhưng cốt truyện hoàn toàn hư cấu, không có một nhân vật thật nào của lịch sử. Đây là một vở Tuồng lịch sử có nội dung chống Pháp đầu tiên của Đoàn. Vở Tuồng có tư tưởng chiến đấu nhưng mang dáng dấp truyền kỳ về cốt truyện. Nói chung còn sơ lược”.

Có thể nói, các vở sáng tác của Hoàng Châu Ký ở mảng đề tài hiện đại không thành công lắm.

Giai đoạn thứ hai trong sáng tác của Hoàng Châu Ký là từ năm 1976, tức sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất trở về sau. Có thể nói đây là giai đoạn sáng tác đáng được chú ý hơn cả.

Ngoại trừ các vở chuyển thể như Lơxit, Thị Kính Thị Mầu, Hoàng Châu Ký đã đi sâu vào lịch sử dân tộc để sáng tác. Như thời Tây Sơn có Quang Trung - Nguyễn Huệ ; thời cận hiện đại có Thanh gươm chủ chiến (viết chung cùng Tống Phước Phổ, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Xuân), Vua Duy Tân, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân. Là người viết vở và cũng là đạo diễn, ông đã thường dựng các vở của mình viết cho các đoàn Tuồng. Đây là một điều hết sức thuận lợi vì lúc sáng tác, tác giả cũng đã hình thành việc cấu tứ, dàn dựng vở; khi dựng vở lại có điều kiện nâng kịch bản lên, làm cho vở diễn trở nên hoàn chỉnh hơn. Ở đây có sự thống nhất khá rõ giữa nhận thức và hoạt động sáng tạo. Và khi đi vào thế mạnh của Tuồng là đề tài lịch sử, Hoàng Châu Ký đã phát huy cao nhất khả năng sáng tác Tuồng và đã gặt hái thành công hơn cả.

Sự thành công ấy trước hết là ở sự vận dụng bút pháp truyền thống.

Bút pháp viết Tuồng của Hoàng Châu Ký, nếu có thể nói như vậy, là sự duy trì, bám chắc kiểu lối truyền thống, kết hợp với phát huy, sáng tạo.

Trong lúc không ít vở Tuồng, người viết đã đi lệch sang một hướng khác, đó là hiện đại hóa kịch bản theo kiểu lối kịch nói, làm cho bản sắc Tuồng bị nhòe nhợt, thì Hoàng Châu Ký vẫn trung thành với lối kết cấu tự sự Tuồng. Điều này trước hết là ở cách thức xây dựng nhân vật. Đó là những nhân vật có tính khái quát với những xung đột nội tâm dữ dội, những tình cảm lớn. Các nhân vật Ông Ích Khiêm (Thanh gươm chủ chiến), Nguyễn Duy Hiệu (vở cùng tên), Trần Cao Vân (vở cùng tên) là những nhân vật như vậy. Điều phát huy, sáng tạo ở Hoàng Châu Ký (điểm này không hẳn là nét riêng của Hoàng Châu Ký mà chúng ta còn thấy như sự không hẹn mà gặp ở một số tác giả đồng thời khác như Kính Dân, Tống Phước Phổ, Thùy Linh) là nhân vật chính không còn định hình như Tuồng truyền thống, và không chỉ hướng nội, mà cả hướng ngoại, đặc biệt là sự phát triển về mặt tính cách. Nếu ở Tuồng truyền thống nhân vật có phần nặng nề nghi thức phiền phức, giao đãi dài dòng, làm cho hành động kịch rề rà, thì ở Hoàng Châu Ký, ông đã bớt phần giao đãi, nhấn về hành động tâm lý gắn với các lớp lang chặt chẽ, làm cho hành động của toàn vở tập trung hơn.

Đặc biệt, ngôn ngữ nhân vật Hoàng Châu Ký đã góp phần tạo nên nét duyên dáng chung của các vở Tuồng. Có thể nói, các lời thơ dùng cho hát, được Hoàng Châu Ký viết khá trau chuốt. Mặt khác, ông sử dụng khá thuần thục thể văn biền ngẫu, một thể văn thường chiếm tới 80% ở các kịch bản Tuồng truyền thống. Xin dẫn ra đây một đoạn lời nhân vật Nguyễn Huệ nói với dân chúng.

“Xin đừng phủ phục

Mời hãy bình thân

(Ta ra đây là để dân Bắc Hà ngẩng đầu dậy, chớ không phải cúi đầu mãi như lâu nay. Ta là vua, nhưng là).

Vua tình, vua nghĩa, vua đức, vua nhân

(Ta khuyên)

Dân kiệm, dân cần, dân liêm, dân chính

Trên dưới chung tay hoạch định

Bắc Nam một nước phú cường

(Cứu nước khó, giữ nước, dựng nước cũng rất khó, nhưng nhất định làm được)

Nhắm tương lai, ngựa phải dong cương

(Đừng rụt rè, cứ làm theo nếp cũ)

Nhìn thiển cận, người không vững dạ”

                                    (Vở Quang Trung - Nguyễn Huệ)

Đoạn văn vẫn viết theo lối biền ngẫu trên có đủ loại dài, ngắn. Loại ngắn nhất là câu 4 chữ, loại dài là câu 8 chữ. Đó là kiểu tư duy có vần, có tiết tấu, có nhạc điệu của kiểu lối ngôn ngữ Tuồng truyền thống. Nhưng nó cũng có khác, khác ở chỗ ngôn từ dung dị và sôi động hơn, gần với khẩu ngữ, “văn xuôi” hơn, để thể hiện đa diện nội dung kịch bản và cũng là để tiếp cận gần hơn thị hiếu khán giả đương đại.

Nói đến Hoàng Châu Ký với tư cách là tác giả, không thể không nhắc tới một khoảng sáng khác, ông rất có duyên, có tài trong việc chỉnh lý, cải biên một số vở Tuồng truyền thống như Nghêu Sò Ốc Hến, Sơn Hậu, Võ Hùng Vương. Thành công nhất của ông trong việc chỉnh lý, cải biên là đã cùng Tống Phước Phổ cải biên vở Tuồng Tam nữ đồ vương thành Ngọn lửa Hồng Sơn. Vở này được Đoàn Tuồng Liên khu V dựng năm 1963, cách đây gần 50 năm, vậy mà vào năm 2008, NSND Đàm Liên dựng lại cho Nhà hát Tuồng Việt Nam, có một nhận xét, mà theo tôi rất lý thú:

- “Kịch bản do hai ông, (hai ông ở đây là chỉ Hoàng Châu Ký và Tống Phước Phổ -NKL) viết đã quá hiện đại rồi. Lời thoại có bác học đấy nhưng cũng rất dân dã, rất dễ hiểu” (theo Hoàng Hồng thực hiện: NSND Đàm Liên, phải học cho chết và diễn cho sống. Báo An ninh thủ đô ngày 30-10-2008).

Gần đây, khi nghệ thuật Tuồng hát bội, có không ít dấu hiệu suy thoái: quá ít vở hay, khán giả, nhất là khán giả trẻ thờ ơ, lạnh nhạt với Tuồng; thì người ta càng lưu tâm tới sự hồi hướng, quay lại truyền thống. Tiêu biểu là ý kiến của GS. Trần Bảng: “Hãy trở về với Tuồng gốc” (tham luận Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng” do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc tổ chức tại Hà Nội năm 2008). Với Hoàng Châu Ký thì ông đã có ý thức về điều này từ rất sớm, bằng chứng là ông luôn đề cao sự giữ gìn không mệt mỏi giá trị truyền thống Tuồng, kết cấu tự sự Tuồng ở không ít chuyên luận, bài viết của mình từ những năm cuối thế kỷ XX mà tiêu biểu là phần viết về văn học Tuồng đã in ở Tuyển tập Hoàng Châu Ký. Và ông đã viết vở như một minh chứng sống động. Ở đó không phải là sự nệ cổ một cách mù quáng và là sự tiếp thu, sự phát huy, sự sáng tạo với sự say mê nồng nhiệt. Trong sáng tác, ông đã làm được điều nhiều người mong đợi: Tuồng phải là Tuồng, chứ không phải kịch nói pha ca. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng là một đóng góp đáng quý của ông cho ngành Tuồng, cho nền nghệ thuật dân tộc phong phú, đẹp đẽ của chúng ta./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569607

Hôm nay

211

Hôm qua

2379

Tuần này

21990

Tháng này

228131

Tháng qua

129483

Tất cả

114569607