Tiếng xấu của các ả đào gắn liền với những hình ảnh chèo kéo, săn đón khách xuất hiện khá nhiều trong các bài thơ trào phúng. Chiều chiều những cô đào rượu son phấn lòe loẹt đứng ngồi lả lốn trước cửa các nhà hát. Họ săn đón, mời chào, nắm tay, túm ô lôi khách, tranh cãi nhau như cái chợ bán tình. Khiến cho các “quan phụ mẫu” tỉnh Hà Đông và huyện Hoàn Long phải ra “bốn điều cấm” chị em xóm ả đào mà nhà thơ Tú Mỡ đã hài hước diễn ca để chị em dễ nhớ:
“ Đầu năm có lệnh quan ra
Chị em các xóm đào hoa giữ mình
Sớm trưa đưa đón khách tình
Liệu trong giới hạn giọt tranh trở vào
Tình nào phải của bán rao
Chớ làm quảng cáo mời chào khách qua
Mồi tình: mặt phấn, môi hoa
Chớ quen nhí nhảnh bày ra phố phường
Áo phin, quần lĩnh nõn nường
Cấm đi ưỡn ẹo ngoài đường nhởn nhơ.
Cũng đừng túm bẩy, tụm ba
Lả lơi gợi mắt người ta phải nhìn…
(Bốn điều – Dòng nước ngược)
Đằng sau những vần thơ hài hước trên cho ta thấy một thông tin khá thú vị: ả đào ở đây không còn là nghệ sĩ mà đã biến chất gần giống với các kĩ nữ lầu xanh. Giống với nhà thơ Tú Mỡ, Tú Xương cũng xem ả đào như một cái thú, hát cô đầu tiến gần đến việc buôn phấn bán hương nhiều hơn. Trong thơ ông, hát ả đào cũng là một cái thú, đó là thú chơi “hú hí”, là “dan díu”, thậm chí là “tình dơi chuột” – những ngôn từ mà tự chúng tố cáo thái độ thiếu tôn trọng trong quan hệ giữa văn nhân với người phụ nữ:
“Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu
Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu
Chén rượu cúc đánh chầu đôi ba tiếng”
(Hát cô đầu)
“Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay
Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột
Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây”
(Thú cô đầu)
Như vậy có thể thấy rằng ả đào bị mang tiếng xấu, khó rửa một phần lại là do chính các quan viên. Trần Tế Xương cũng giống như nhiều văn nhân khác, một mặt rất yêu thích thú vui tao nhã này, mặt khác không ngớt lời mỉa mai, chế giễu các cô. Trong con mắt nhà thơ, ả đào cũng giống như các cô gái buôn phấn bán hương khác. Chứng kiến sự nghèo hèn của họ, tác giả không bày tỏ sự cảm thông mà tỏ rõ thái độ coi thường, khinh miệt:
“Chị hỡi chị năm nay túng lắm
Biết làm sao tết đến nơi rồi
… Chị cùng em sắm sửa lo toan
Muốn mua chịu, em nhà hàng ngại lạ
Chị em ta bảo nhau giữ giá
Đến bây giờ ngã cả có ai nâng
Cũng liều bán phấn chơi xuân”
(Cảnh tết nhà cô đầu)
Rõ ràng hình ảnh chị em xóm bình khang từ cuộc sống đi vào trong văn học giai đoạn này rất sinh động và phong phú. Điều này gợi ta nhớ đến hình ảnh nhộn nhịp một thời của phố Khâm Thiên. Bởi ả đào vốn là nghề truyền thống của Khâm Thiên, nó nổi tiếng đến nỗi chỉ cần nói “ca – tê” (K.T) đã hiểu ngay đó là Khâm Thiên rồi. Cho nên, viên Đốc Lý Hà Nội Virgitti trong cuốn sách của mình (Le péril vénérien) xuất bản năm 1938 đã viết: “ Khâm Thiên là một xóm ăn chơi nổi tiếng nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất, đó là một xóm nhà giàu có nhất trong khu vực này. Nhà hát ở Khâm Thiên có từ lâu song người ta đua nhau đến đây cũng chỉ mới mấy năm gần đây. Trên một đoạn phố chưa đầy 800m tập trung tới 40 nhà hát với số con em trên 200 người, thêm 5 tiệm nhảy… với khoảng 50 gái nhảy và 2 nhà săm cho thuê phòng. Đây là phố ăn chơi trác táng của người Châu Á giàu sụ và trọc phú học làm sang. Giá tiền ở đây tất nhiên là cao hơn nhiều so với nơi khác. Có nhiều đào hát lành nghề, có hai nhà dạy khiêu vũ cho gái nhảy làm ở các vũ trường…”[1] Những dẫn chứng trên cho thấy, ả đào không chỉ giúp các nhà Nho giải trí tinh thần mà còn “mắt đi mày lại” và có những mối quan hệ tình ái đặc biệt với các quan viên. Có thể nhận thấy đến thế kỷ XIX, hình ảnh ca nhi đã khác rất nhiều so với hình ảnh cô đào Cầm trong “Long thành cầm giả ca” (Nguyễn Du). Nếu như cô đào Cầm được coi là một nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; các quan viên đến nghe hát cũng là để thỏa mãn nhu cầu giải trí tinh thần thuần nhất thì bước sang thế kỷ XIX, bộ môn nghệ thuật này đã có nhiều biến đổi. Những tác giả như Dương Khuê, Nguyễn Khuyến đi hát không phải là chỉ để thỏa mãn thú giải trí đơn thuần mà còn là nơi họ được thỏa mãn những thú vui thanh sắc. Ranh giới giữa đào hát và kĩ nữ làng chơi trở nên rất mong manh. Do đó việc nhìn nhận ả đào một cách thuần nhất như là những nghệ sĩ chuyên nghiệp là không chính xác. Bởi trong số những ca nhi đó, nhiều người đã đi ra ngoài quy chuẩn chính thống và rất gần với nghề buôn phấn bán hương.
Trong số các tác giả viết về sinh hoạt ca trù, người có phản ứng dữ dội nhất về nghề nghiệp của các ả đào phải kể đến Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu. Bản thân nhà thơ là con của một đào nương, sau em gái cũng trở thành một đào hát, khiến Tản Đà thấy tủi nhục và mỉa mai đau đớn. Theo quan niệm của nhà thơ, ả đào là một nghề xấu xa không thể chấp nhận, có tội với danh giáo. Vì thế Tản Đà căm giận mẹ đến mức khi bà mất, ông vẫn không chịu nhìn mặt mẹ. Câu chuyện này được Vũ Bằng ghi chép cụ thể trong bài Người ghét Tản Đà in trong Tản Đà về tác gia và tác phẩm. Thân sinh ra Tản Đà tên là Nguyễn Danh Kế, làm tri huyện Nam Xương, rồi thăng lên làm tri phủ Xuân Trường (Lý Nhân), át sát Ninh Bình, ngự sử trong Kinh. Lúc làm tri phủ, cụ ra vào ca viện ở phố Hàng Thao, có gặp một cô đào hát hay đàn giỏi, lại có tài thơ văn phú lục. Cô ấy là đào Nghiêm. Cụ Nguyễn Danh Kế lấy đào Nghiêm về làm vợ ba, tức là “cô phủ Ba”. Nguyễn Khắc Hiếu là con bà ba này. Lúc Nguyễn Khắc Hiếu còn nhỏ, bà mẹ đã nổi tiếng là một nữ sĩ thơ hay, thường hay xướng họa với nữ sĩ Nhàn Khanh (tức là bà mẹ ông Trịnh Đình Rư và nhà văn tiền chiến Trịnh Thúc Hiến). Đến khi cụ Nguyễn Danh Kế tạ thế, cô phủ ba bỏ nhà, trở lại bình khang, để Nguyễn Khắc Hiếu lại cho bà cả và bà hai nuôi, chỉ đem theo người con gái, em ruột Nguyễn Khắc Hiếu tên là cô Trang. Điều này làm Tản Đà đau đớn, phần vì cho như thế là mẹ mình có tội với danh giá, phần vì bị các anh em mỉa mai, vì em gái thi sĩ bị xếp vào loại xướng ca vô loài. Phó bảng Trần Tấn Bình đã làm bài thơ mỉa mai bà Nghiêm và cô Trang:
“Có phải cô Trang em Ấm Hiếu?
Người xinh xinh yểu điệu con nhà.
Vì vương đâu lấy nợ tài hoa,
Bắt luân lạc, trời già âu cũng độc!
Cha án sát, anh thời đốc học,
Nền đỉnh chung bỗng chốc hóa truân chuyên.
Cất chén quỳnh nhớ bạn đồng niên,
Giục lòng khách bên đèn sa nước mắt.
Nhớ bạn, thấy em, như thấy mặt,
Dừng roi chầu lặng ngắt một hồi.
Đời người đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
Hoa xuân em giữ lấy thì…”
Theo những bạn thân thiết của Tản Đà kể lại (trong đó có Nguyễn Mạnh Bổng, anh vợ Tản Đà và con gái lớn của tiên sinh là Nguyễn Triệu Quất), Tản Đà căm giận mẹ, không bao giờ chịu nhìn mặt mẹ, cho đến khi bà mất, Tản Đà cũng không lên nhìn mặt mẹ lần chót mà cũng chẳng dự phần tang lễ. Qua thái độ của Tản Đà với nghề nghiệp của mẹ và em gái có thể nhận thấy xã hội đã từng có cái nhìn thành kiến rất khắt khe với các cô đầu. Ngay Tản Đà là nhà thơ có nhiều nét hiện đại, được Hoài Thanh coi như người dạo bản đàn đầu tiên cho Thơ mới mà còn nghĩ về mẹ mình như thế thì cái nhìn của các nhà nho với các ả đào chắc chắn còn nhiều khắt khe hơn thế.
Không chỉ dừng lại trong các tác phẩm văn học, qua cách nhìn nhận của các văn nhân, tiếng xấu của đào nương còn xuất hiện trong các bài báo. Bài viết Cô đầu một cái ung nhọt của tác giả Nguyễn Doãn Vượng – bài đăng trên Trung bắc tân văn chủ nhật có nhắc đến tác hại của nhà hát và các tệ nạn do ả đào gây ra. “Đến các nhà hát làm người ta sút kém về sức khỏe, trụy lạc về tinh thần và là nguồn gốc của những bệnh hoa liễu. Nhiều người mê muội đớn hèn, lỗi đạo vì đi hát, ăn trộm ăn cắp vì mê hát và khuynh gia bại sản vì những cô đầu hát”. Trong một bài báo khác của tác giả Hồng Lam có thuật “Nhưng đã lâu nay ai đã từng đến chơi các xóm cô đầu đều biết rằng các tập quán và lề luật cũ của các xóm bình khang không còn nữa, nhất là ở các xóm cô đầu gần Hà Nội. Số đào nương lành nghề ngày càng hiếm. Hiện nay có xóm chỉ có một hoặc hai người hát nhưng chỉ là hát cho có chuyện. Phần nhiều cô đầu bây giờ chỉ toàn là những cô đầu rượu không có tài riêng gì, chỉ lấy cách tiếp khách đêm để làm vừa lòng chủ, hoặc chỉ là những vật sở hữu trong tay các mụ “chủ dầu”, các cô đầu đó phần nhiều chẳng khác gì những cô gái mãi dâm không còn biết liêm sỉ là gì nữa”. Thậm chí ngay cách đặt tên bài báo “Nạn hoa liễu do các nhà cô đầu gây ra” cũng thể hiện thái độ miệt thị, coi thường của xã hội đối với nhân vật ả đào. Cách nhìn nhận ấy vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong tâm thức tiếp nhận, đánh giá đào nương của nhiều văn nhân đến tận những năm giữa thế kỷ XX. Dẫn chứng từ các tài liệu trên cho thấy có sự tiếp nối và biến đổi của nhân vật ả đào trong bối cảnh xã hội mới ở thế kỷ XX.
Theo tài liệu Lại Nguyên Ân sưu tầm, ở một góc trang báo Nhân dân Chủ nhật 01/12/1957 có in bài “Hát ả đầu” của tác giả Đào Viên. Bài thơ không chỉ tái hiện cảnh sinh hoạt của xóm bình khang, mối quan hệ giữa ả đào và quan viên những năm giữa thế kỷ XX mà qua đó còn bộc lộ thái độ xem thường đối với bộ môn nghệ thuật này. Mở đầu bài thơ, tác giả thuật lại cảnh hát cô đầu ở phố hàng Đào:
“Hôm nọ tôi dạo phố
Đi gần đến Hàng Đào,
Qua một căn nhà rộng,
Trong có tiếng ồn ào,
Tôi chạy đến bên cửa.
Dừng chân đứng trông vào,
Nào chiếu hoa sập gụ,
Nào đàn nguyệt trống chầu,
Khá đông khách tham gia
Ghế ngồi chen chúc nhau”.
Tiếp theo là hình ảnh của đào, kép, quan viên cùng tham dự vào cuộc hát, tuy nhiên, lối sinh hoạt này đã khác xưa rất nhiều:
“Rồi các người ra mắt
Lần lượt đứng lên chào:
Anh kép gẩy đàn nguyệt
Đóng hệt như người mù
Hai chị em phụ nữ
Chóp chép miệng nhai trầu,
Chuỗi cườm thõng về trước,
Đuôi gà lòi ra sau,
Sênh phách đủ bộ tịch,
Dáng dấp như ả đầu;
Một quan viên đứng tuổi
Mép đã có chòm râu
Miệng toét ra nụ cười,
Tay cầm sẵn roi chầu,
Ai nấy ngồi xong xuôi,
Tiết mục liền bắt đầu.
Anh kép dạo đàn trước,
Ả đầu cất giọng sau”.
Trong cuộc hát đó, ả đào và khách chơi không gắn bó với nhau bởi cùng chung tâm hồn đồng điệu của những tài tử - giai nhân mà tán thưởng cùng nhau bởi tâm hồn trụy lạc:
“Tiết mục lại tiết mục
Tâm tư khơi càng sâu!
Ca như khóc như oán
Lòng thêm buồn thêm đau,
Liên hệ đến thân phận
Cô hát thường cúi đầu;
Lệ rơi đá chẳng thấm,
Máu chảy ruồi cứ bâu,
Quan viên như đắc ý
Tom chát rền nhịp chầu,
Bao tình tiết lãng mạn,
Được tán thưởng cùng nhau!
Bao tâm hồn trụy lạc,
Được khuyến khích nêu cao!
Vốn cũ chi mà thế?
Ai ơi nghĩ thử nào!”
Thú vui này giờ đây chỉ phục vụ một số quan khách là những gã đàn ông ham mê thanh sắc, muốn tìm khoái lạc trong những tiếng đàn, nhịp phách thậm chí cả thuốc phiện và những mối tình “dơi chuột”. Phản ứng của các khán giả bên ngoài cũng khác nhau, nhưng nhìn chung đều thể hiện thái độ không bằng lòng, thậm chí là chán ghét nề lối sinh hoạt này:
“Trông vào đám khán giả
Thái độ cũng khác nhau:
Có người thấy vô vị,
Chuồn ngay từ lúc đầu;
Có người rất thích thú,
Mải miết nghe từng câu,
Tay đôi lúc đập nhẹ,
Đùi có khi rung mau,
Như cá được gặp nước,
Như cung vừa ứng cầu;
Có người rốn ngồi xem,
Để tìm hiểu nông sâu,
Nhưng cũng vẻ khó chịu,
Thường mặt ủ mày chau;
Mấy chị em bạn gái,
Tâm sự đầy một bầu,
Coi như bị vụ nhục,
Máu nóng bốc lên đầu,
Để tỏ nỗi chán ghét,
Nói ồn lên mấy câu:
“Thật là trò quái gở,
Xem chẳng ích gì đâu!”
Gay gắt hơn, sau khi xem xong buổi hát đó tác giả còn làm bài thơ phê phán thói trăng hoa của xóm bình khang và cho rằng nó đã làm suy đồi phong hóa dân tộc:
“Thơ rằng:
Quen thói trăng hoa xóm ả đầu,
Đồi phong bại tục ấy từ đâu?
Quan viên thích ý tay chầu nhặt,
Ca nữ thương thân tiếng hát sầu,
Hoa rụng chẳng mong gì đất sạch,
Hương phai càng được lắm ruồi bâu,
Ai ơi vốn cũ chi mà thế,
Xin chớ lừa nhau, mơn trớn nhau!
*
Xin chớ lừa nhau, mơn trớn nhau,
Những điều trông thấy nghĩ mà đau,
Tên rằng vốn cũ, rằng văn nghệ,
Cảnh vẫn quan viên, vẫn ả đầu.
Đã biết trò xưa không đẹp nữa,
Thì mang lốt mới có hay đâu!
Khâm Thiên tuồng ấy xin đừng diễn,
Bại tục đồi phong lại ngóc đầu!”
Việc bài thơ “Hát ả đầu” xuất hiện trên một tờ báo Đảng được coi là chính thống vào năm 1957 cho thấy thái độ có phần thành kiến, khắt khe không tôn vinh ả đào từ những thế kỷ trước vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến tận những năm giữa thế kỷ XX, kể cả cách nhìn của những người cộng sản. Báo Nhân dân là tờ báo Đảng, phản ánh quan niệm chính thống của Đảng lãnh đạo mà cái nhìn cũng cổ hủ như các nhà Nho thế kỷ XVIII. Điều đó chứng tỏ sự thay đổi chính trị không trùng khớp với sự thay đổi về văn hóa - văn hóa thường sống dai dẳng hơn chế độ chính trị. Đến giữa thế kỷ ca trù vẫn bị xã hội nhìn nhận là thú ăn chơi hư hỏng, ả đào bị xã hội coi thường giống như những cô gái làng chơi. Sênh phách một thời từng bị xem như thú ăn chơi trác táng làm lụi bại thuần phong mỹ tục; đào nương được ví với loại gái lầu xanh hạng sang; nhắc đến ả đào là người ta e ngại, lảng tránh. Thậm chí trong con mắt của những người cộng sản, thú hát ả đào rất đáng bị lên án bởi nó làm suy đồi phong hóa, thủ tục nước nhà. Việc chỉ trích lối hát ả đào trên tờ báo chính thống cho thấy cái nhìn khắt khe từ phía xã hội cho rằng tất cả ả đào đều là kĩ nữ lầu xanh là cách nhìn một phía, phiến diện không chính xác. Thực tế đã chứng minh từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX chính ả đào lại khơi nguồn sáng tạo cho rất nhiều văn nhân. Bởi vậy không ít người trong số các quan viên đến nghe hát để được thưởng thức một thú vui tao nhã, để tìm đến giai nhân có tâm hồn đồng điệu và cũng để bày tỏ thái độ cảm thông với thân phận của những kiếp hồng nhan bạc mệnh.
3.2.2. Cái nhìn tinh tế giàu cá tính sáng tạo từ phía các văn nhân
Cuối thế kỷ XIX một số giáo phường ca trù ở nông thôn đã di chuyển ra tỉnh và bám theo dọc các trục đường giao thông để mở nhà hát (ca quán). Trước kia người hát đến nhà người nghe hát. Kể từ khi có ca quán, người nghe hát đến ca quán để nghe hát. Từ đó nảy nở mối tình giữa văn nhân và đào nương. Đó là một mối quan hệ khá thắm thiết, gần gũi giữa Nguyễn Khuyến và cô đào Sen người làng Thi Liệu, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; giữa Dương Khuê với cô Hồng, cô Tuyết, cô đầu Hai, cô đầu Phẩm, cô đầu Cúc, cô đầu Oanh, cô đầu Cần. Là Dương Tự Nhu với cô đầu Khanh, cô đầu Văn, cô đầu Phú, cô đầu Kim… và mối tình nào cũng được các văn nhân ghi lại bằng những bài hát nói sáng tác dành riêng cho các cô đào. Ca trù dần đi vào thế giới riêng tư sâu lắng của các quan viên có học, ả đào trở thành nhân vật nữ chính của buổi hát. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát – người nghiên cứu đam mê ca trù miêu tả cảnh hát ả đào ở ca quán:
“Một người đàn bà rất Việt Nam, nền nã, đuôi gà, răng đen không đánh phấn bôi son và có thể nói là một người đàn bà rất đoan trang, nhu mì, nên thỉnh thoảng đôi mắt đưa đẩy tình tứ. Chẳng như những cô “cavalie” ở các tiệm nhảy, mặt bụ phấn, áo lòe loẹt, dáng điệu đú đớn hơn ai hết. Nàng ngồi xếp bằng, bên góc phản phía ngoài – chiếc phản kê sát cửa sổ trông ra ngoài đường – nhẹ nhàng đặt cỗ phách trước mặt, vừa thử gõ mấy tiếng, vừa xoay đi xoay lại bàn phách mấy lần, đoạn kín đáo nhìn về phía ông kép đàn, ngồi ở góc trong phía phản mà ung dung gieo những khổ phách mở đầu”. Ở đó, ả đào là chủ nhân của cuộc hát, là người phụ nữ đoan trang, có tài đàn hát được quan viên nể trọng.
Đến đầu thế kỷ XX khắp các nơi phố thị ca quán ca trù mọc lên như nấm sau mưa. Ở miền Trung thì Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, tỉnh nào cũng có nhà hát cô đầu. Ở miền Bắc những thành phố lớn đều có nhà hát, ở Nam Định trước cô đầu mở nhà hát ở phố Hàng Thao, sau thiên xuống Ngã Sáu. Ở Hà Nội, Khâm Thiên là nơi nhộn nhịp nhất của làng cầm ca thưở ấy. Nơi đây có nhà hát 24 gian, có những người quản lý giỏi giang, khiến cho cả khu phố quanh năm đỏ đèn. Thường xuyên lui tới các ca quán này có một loại khách rất nhẹ túi tiền, thậm chí còn đi hát “boóng”, mà vẫn được chị em quý trọng. Đó là văn nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời. Họ cũng ở vào hoàn cảnh gian truân, bất hạnh như chị em. Tâm hồn họ lại đa cảm, đa sầu tỏ ra thông cảm với số kiếp lận đận của kiếp “xướng ca vô loài”. Họ đem tình người sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân… là như vậy. Tuy nhiên, cũng không thiếu người tìm đến Khâm Thiên để hưởng lạc, phá phách, tìm nguồn “hứng” cho sáng tác và có cả kẻ lợi dụng tình cảm chị em để được “cơm no, bò cưỡi”. Hoàng Tích Chu làm báo, sống bám chị em hàng tháng trời. Tchya Đái Đức Tuấn ca ngợi “Khâm Thiên” là “đường nhà trời”, đến đây để “quên đau khổ bằng rượu, thuốc phiện, gái…”. Song cũng nhiều văn nhân coi ca quán Khâm Thiên giống như ngôi nhà thứ hai của mình. Nhà văn Vũ Bằng gọi xóm Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”. Ông cho biết: “tôi chưa thấy có nhà văn nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”, và các xóm cô đầu “quả là cái lò đúc ra văn nghệ sĩ”. Và ông kể về việc làm báo ở những tòa báo “lúc đó ở những con đường Nhà thương Phủ Doãn nhưng thật tình chỉ có một anh quản lý và một người tùy phái ở đây thường trực mà thôi. Còn bao nhiêu nhân viên tòa soạn thiết lập đại bản doanh ở Khâm Thiên, Vạn Thái ... Đại bản doanh lưu động, nay ở nhà này mai ở nhà khác. Chúng tôi viết bài, sửa bài ở nhà hát rồi gói tròn cả lại để vào một chỗ nhất định. Sáng ra người tùy phái đạp xe cọc cà, cọc cạch xuống lấy bài, đem về cho nhà in xếp chữ. Mỗi tuần lễ một lần, tôi lại hạ san từ xóm về nhà in để “mi” và vét tiền két chi nhà hát”.
Phải nói rằng văn hóa ả đào, văn hóa ca trù đã thấm đẫm trong sáng tạo của thi sĩ, văn sĩ trước 1945. Có câu chuyện kể rằng có một đào nương tài sắc vẹn toàn, từng làm mê mẩn bao quan viên và tao nhân mặc khách. Một đêm mưa gió, nàng đi hát ở làng bên trở về thì bị cảm lạnh và qua đời ngay bên cầu Trò (Sơn Tây). Dân làng và các quan viên thương cảm nàng đã chôn cất và lập miếu thờ nàng ngay bên cầu. Câu chuyện ấy khiến bao người xót thương cho thân phận tài hoa bạc mệnh, “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” của người ca nữ nọ. Nhà thơ Vũ Đình Liên nghe chuyện, cảm động mà viết bài Cảm tạ với hai câu kết: “Tạ lòng nào biết nên chi được/ Phách ngọc dồn thêm một nhịp vàng”.
Nguyễn Tuân là nhà văn lặn lội nhiều với chị em xóm ca trù Khâm Thiên. Ông hiểu cô đầu là những người lao động thực sự. Năm 1943, trên báo Thanh Nghị, Nguyễn Tuân cho đăng truyện ngắn nhan đề “Đới Roi” kể về mối tình rất cảm động của cô đào Vị với chàng trai làm nghề vót roi chầu. Đới tên thật là Đái, vốn con nhà quan, chữ nho khá, viết rất đẹp, lại sành nghe hát ả đào. Gặp lúc gia cảnh thất thế, nghèo xác xơ, Đới phải đi làm nghề vót roi chầu độ nhật, vì vậy có tên là “Đới roi”. Giáo phường Khâm Thiên có cô đào tên Vị, hát hay, nàng thông cảm với cảnh ngộ người tài tử. Vị cũng nghèo không kém, vẫn phải đi “hát mảnh” – hát thuê – cho các ca quán, mỗi tối ở một nhà gọi là mảnh. Vị quyết tâm lấy Đới và giúp anh làm lại cuộc đời. Đới rất yêu cô nhưng không cô vì mình phải khổ nên đã treo cổ tử tự. Câu chuyện buồn không chỉ để lại niềm thương xót cho số kiếp bất hạnh của chàng Đới roi mà còn làm ta cảm phục tấm lòng nghĩa hiệp của cô đào Vị.
Nói về mối quan hệ giữa văn nhân và ả đào, Nguyễn Tuân còn để lại một “giai thoại tình” xúc động giữa nhà văn với bà chủ nhà hát họ Chu tài sắc ở phố Khâm Thiên. Ba Chu nổi tiếng là người tài hoa và có duyên nhất “xóm Khâm Thiên” ngày ấy. Bà quý trọng và chiều chuộng Nguyễn Tuân rất mực. Có những thời kỳ Nguyễn si mê đến mức ở lại nhà hát của bà Chu tháng này qua tháng khác. Khi bà Chu có khách mời đặc biệt, phải đi hát tận các tỉnh xa đôi ba ngày, bà gửi gắm nhờ các chủ nhà hát khác đến hát cho Nguyễn nghe và trông nom ông chu đáo. Ngược lại, cũng có lúc ông định cưới bà Chu làm vợ bé. Ngày giỗ tổ nhà hát, ông cũng tuân thủ tục lệ như người trong xóm nhà hát, sắm một mâm lễ vật rồi khăn đóng, áo thụng theo bà Chu đến lễ tổ... Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đã dành nửa tháng trời ngồi trên chiếc võng tại nhà bà Chu ở quê Yên Nhân, viết cuốn “Chùa Đàn” để nói nỗi lòng của mình với tình yêu nghệ thuật, với cách mạng và để từ tạ bà Chu.
Trần Huyền Trân cũng nhiều duyên nợ với các ca nhi – kĩ nữ. Ông là hàng xóm, lại là bạn tâm tình của chị em. Khi cùng các bạn thơ có tiền cũng hào phóng kéo nhau ra xóm đập trống. Sự cảm thông giữa hai lớp nghệ sĩ cùng chung chịu nỗi đau đời đã để lại nhiều duyên thơ tình sâu nghĩa nặng. năm 1940, Trần Huyền Trân đã viết bài thơ “Cùng một lứa” tặng cô đào Yến – người yêu của Thâm Tâm từ căn nhà lá bên dòng Cống Trắng.
“Tự cổ buồn chung kiếp xướng ca.
Mênh mông trời đất vẫn không nhà.
Nàng ơi, mưa đấy hay sênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa.
Đời bảo nơi đây cõi mộng hờ
Ở đâu sa mạc chẳng chờ mưa
Biết nàng trong chốn vui chung ấy
Bụi đã vương đầy cả tóc tơ.
Thôi khóc chi ai sống đọa đầy
Tỳ bà tâm sự rót nhau say
Thơ ta gửi tặng nàng ngâm nhé
Cho vút giọng sầu tan bóng mây”.
Những vần thơ nghe như đau đớn đến xót xa, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với thân phận của người ca nữ. Số phận bất hạnh, buồn đau, phiêu bạt không cửa không nhà là mệnh đề chung của tất cả những kiếp cầm ca từ xưa tới nay. Trong cuộc đời gian truân ấy, mối tình giữa đào nương với các văn nhân cũng chỉ là mối tình hờ, đằng sau những cung đàn lời ca mua vui cho khách là những giọt nước mắt ngậm ngùi cay đắng cho kiếp sống đọa đầy. Cảm thông với thân phận của những ca nhi, thấu hiểu những bất hạnh trong cuộc đời của người ca nữ, dường như giữa ả đào và văn nhân có mối quan hệ đặc biệt. Có lẽ chính vì lẽ đó mà tác giả đã dành riêng cho cô đào những vần thơ chân thành xúc cảm như một sự chia sẻ, làm vơi đi nỗi cay đắng, tủi hờn mỗi khi giọng ca ấy vang lên. Đặc biệt cuốn tiểu thuyết “Sau ánh sáng” (1940) của ông còn như một tự truyện, với bối cảnh và những con người vùng Khâm Thiên.
Sách báo cũng ghi lại nhiều mối tình tri kỷ giữa tài tử với giai nhân kỹ nữ. Tiêu biểu nhất là mối tình giữa cụ phó bảng Nguyễn Can Mộng và cô đào Đàm Mộng Hoàn. Ngắm tấm hình của đào Hoàn, cụ phó bảng đã làm thơ đề ảnh và cũng để tỏ tấm lòng cùng ai:
“Nghĩ ngợi chi mà đứng mãi đây?
Chẳng cười, chẳng nói điệu như ngây
Ngẫm cơ thế sự vòng quay mãi
Vì chữ chung tình mộng vẫn say
Thân phận liễu bồ, tờ giấy trắng
Nếp nhà băng tuyết, kiếp tu dày
Này trăng đáy nước, hoa trong kính
Thưởng đến tinh thần đã mấy tay.[2]
Qua bài thơ ta cảm nhận được mối tình đẹp vì nghệ thuật của một số khách làng chơi “văn chương” ngày ấy. Trong con mắt của nhiều văn nhân, ả đào là một thú chơi tao nhã. Thú chơi ấy đã làm đắm say biết bao nhà thơ qua các thời đại. Chả thế mà Tú Xương tuy không đồng cảm với thân phận của người ả đào nhưng vẫn ngợi ca thú vui này:
“Êm ái cung đàn chen tiếng hát
Sa đà kẻ tỉnh dắt người say
Thú vui chơi mãi mà không chán
Vô tận kho trời hết lại vay”
Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Nguyễn Bính cũng có nhiều bài thơ gửi gắm tâm hồn đồng điệu với các đào nương đem tài sắc tuổi thanh xuân dâng tặng tri âm. Với Thế Lữ là “Bên sông đưa khách”, với Vũ Hoàng Chương là “Nghe hát” nắn nót câu chữ như ai nắn phím tơ: Phách ngọt, đàn say, nệm khói êm/ Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm/ “Canh khuya đưa khách…”. Lời gieo ngọc/ Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm. Với Xuân Diệu là “Lời kỹ nữ”, mà theo Hoài Thanh thì “Người kỹ nữ của Xuân Diệu cũng bơ vơ như người Tỳ bà phụ. Nhưng nàng không lặng lẽ buồn mà ta thấy nàng run lên vì đau khổ: Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo/ Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da…
Cảm thông cho số phận của các ả đào, danh sĩ Trúc Đình Lê Hữu Nghiêm có bài “Điếu văn khóc đào hát Mộng Duyên” đăng trên tạp chí Nam Phong cảm thương cho số phận bạc bẽo của nàng Mộng Duyên.
“Ô qua thỏ lại, bóng quang âm thúc dục khách má đào,
Ngọc nát vàng phai, cơn dâu bể ngậm ngùi tuổi trẻ.
Nhớ em xưa!
Tính nết hiền lành,
Dung nhan đẹp đẽ.
Xuân xanh xấp xỉ, tuổi Vân Kiều so lại mới thêm hai,
Thanh sắc đôi đường, tài Ban Lý sánh đây chừng có lẻ.
Yểu điệu mày ngài dáng liễu, nét thu ba héo ruột tài hoa,
Nhởn nhơ má phấn môi son, nền xuân tứ say lòng bạn lứa.
Trãi mấy độ vườn xuân khép mở, xôn xao ong bướm lượn tường đông,
Đã bao phen vườn hạnh ra vào, xấp xới yến anh bên cửa vẽ.
Thương em, lúc thẹn hoa đắm nguyệt, rõ ràng giá trong ngọc trắng, thói phỉ phong gìn giữ sạch thanh,
Nhớ em, khi xức phấn xông hương, ước ao lá thắm chỉ hồng, duyên chung đỉnh ăn ngồi vui vẽ.
Chẳng trăm năm là số, cũng còn mong lá tốt cây cao,
Mười bảy tuổi đang xuân, sao đã vội hoa trôi nước rẽ.
Không chi cũng vài mươi tháng nữa, rồi đây thề vàng hẹn ngọc, xuống hoàng tuyền khỏi tiếng gái không chồng,
Phỏng rốn cho mười mấy năm thêm, mai kia tốt quế tươi hòe, trước linh tọa cũng có con khóc mẹ.
Vẫn biết má hồng thì mệnh bạc, chữ đoạn trường vẫn để xưa nay,
Tiếc thay mặt phấn buổi xuân xanh, cơn biến cục vội chi dâu bể?
Phận hồng nhan độc địa lắm thay!
Con tạo hóa ghét ghen bấy nhẽ!
Nỡ rẽ đôi đường sống thác, để mưa sầu gió tủi lại cho ai,
Đành rằng phận mỏng cánh chuồn thà lá rụng hoa rơi từ thuở bé.
Hay là bà Vương Mẫu thiếu người hóa sứ, kíp đòi lên mở tiệc quỳnh diên?
Hay ở trên tiên cung hết hạn trích tiên, kíp gọi lại nương miền đan quế?
Hay giai nhân tài tử , cõi trần hoàn ít kẻ xứng đôi?
Hay tục khách dung phu, tủi duyên phận về nơi giá rẻ?
…
Xót xa thay vật còn người vắng! lược em dắt, trâm em cài, quạt em cầm, gương em chiếu, nét phong lưu tưởng đến mà đau!
Mơ màng khi xúc cảnh sinh tình! Hoa ai cười, trăng ai cợt, gió ai hứng, tuyết ai in, thú ngâm vịnh nghĩ càng thêm tẻ!
Trong, những thân bằng cố hữu, xót em chữ tình, chữ phận, chén tiêu sầu lệ nhạn rơi châu,
Ngoài, những mặc khách thi hào, thương em cân sắc, cân tài , câu đề vịnh bút hoa rạng vẽ.
Ôi!
Sống thác đôi đường số phận, buồn cho em lại tiếc cho em!
Nôm na ba chữ khóc than, người như thế, sao duyên như thế!
Hỡi ơi! Thương thay!”
Mộng Duyên vốn là một đào hát nỗi danh tài sắc một thời, chuyên trình diễn các bài hát Ả Ðào và hát Dặm tại Nghệ Tĩnh, vào đầu thế kỷ thứ 20 nhưng phận bạc nên mất sớm. Xót thương cho số kiếp bất hạnh của nàng nên tác giả đã viết bài điếu văn này. “Vẫn biết má hồng thì phận bạc” nhưng nhà thơ vẫn thấy xót thương cho cuộc sống ngắn ngủi của cô đào Mộng Duyên – vốn nổi danh tài sắc một thời. Bài thơ là niềm cảm thông sâu xa giữa danh sĩ và giai nhân, thể hiện thái độ đồng cảm xót xa của văn nhân với ả đào.
Phan Khôi trong Chương dân thi thoại cũng bày tỏ sự cảm thương cho số phận của những kiếp cầm ca lưu lạc truân chuyên. Phan Khôi lên tiếng bênh vực những người con gái nết na, tài sắc chỉ vì gia cảnh éo le, thất thế mà trở thành ca nhi – kĩ nữ. Cảm phục tài năng của các đào nương, Phan Khôi thấy xót xa cho số kiếp trầm luân của những ả đào trước những sự kỳ thị, coi khinh của xã hội. “Khốn thay! Hạng người trầm luân ấy lẽ thì được mấy ông thánh, ông hiền tế độ cho mới phải, song các ông hình như không nghĩ đến sự ấy, chỉ biết lấy lời nghiêm chỉnh đoán phạt họ mà thôi”( tr.93). Đặc biệt trong Chương dân thi thoại, Phan Khôi có kể về cuộc đời của một cô đào. Cô là con quan, bị cha mẹ ép gả cho một chàng công tử mà cô không thuận tình, nửa chừng ly dị nhau. Sau đó cô không dám trở về nhà cha mẹ mà tìm đến nơi cửa phật. Nhưng cửa phật cũng không chịu tế độ cô còn đẩy cô trong một kiếp khác là làm kiếp lẽ. Lưu lạc như vậy một thời gian cuối cùng cô mới dấn thân vào chốn bình khang. Vốn là người có học lại biết làm thơ, trải qua mỗi lần gian truân cô lại làm thơ về cuộc đời mình. Bài thơ cô tự làm để than thân cũng là lời than chung cho những kiếp hồng nhan bạc mệnh:
“Tiếc thay tài sắc lại thông minh,
Cân nhắc quyền ai, thiệt thiệt mình,
Tác hợp ví không tay tạo hóa
Trầm luân đâu đến tuổi xuân xanh?
Đục trong nào kẻ tường đầu cuối?
Thương giận kìa ai biết ngọn ngành?
Tại số tại duyên hay tại phận?
Thứ đen vận mệnh hỏi ba sanh”.
Tường tận về thân phận, cuộc đời của con người tài sắc ấy, tác giả càng thêm thương cảm, xót xa.
Rõ ràng theo những biến đổi của thời cuộc, lối hát ca trù đã khác xưa rất nhiều, ranh giới giữa đào hát và gái làng chơi cũng trở lên rất mong manh. Nhắc đến ả đào là người ta nghĩ ngay đến thói ăn chơi làm khuynh gia bại sản, có hại cho phong hóa và luân lý. Đến tận những năm giữa thế kỷ XX (kể từ khi xuất hiện bài thơ Hát cô đầu đăng trên báo Nhân Dân năm 1957) xã hội vẫn còn cái nhìn định kiến với nghề hát ả đào. Trong số các quan viên nhiều người là các văn nhân tài tử, họ tìm đến ca quán để thưởng thức âm nhạc, để kiếm tìm tri kỷ và cũng để khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên do chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng nam quyền nên họ không tôn trọng phụ nữ, nhất là những phụ nữ bán sắc, bán tài, bán thân để kiếm sống. Chỉ có Nguyễn Du, với tấm lòng nhân đạo vượt tầm thời đại, đặt mình vào cương vị của những ca nương để cảm thông, trân trọng, xót xa cho thân phận của họ. Sau Nguyễn Du, tinh thần nhân đạo ấy vẫn được kế thừa ở một số văn nhân đầu thế kỷ như Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân… nhưng nhạt dần ở các giai đoạn sau đó.
Từ những năm 1980 trở lại đây, với sự nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu, sự thay đổi trong cách nhìn di sản cũ mà ả đào dần được khôi phục, tôn vinh. Sau rất nhiều những thăng trầm, biến đổi, ngày nay ca trù được ghi nhận là một bộ môn có chiều dày lịch sử và chiều sâu về nghệ thuật. Tự ca trù tạo nên không gian nghệ thuật riêng biệt, những nhạc cụ riêng biệt, và một thể thơ riêng cho ca trù. Đó là cây đàn Đáy, là phách, là thể thơ hát nói. Tất cả đều không lẫn với các lối ca nhạc cổ truyền khác. Tiếng hát ca trù cũng rất độc đáo. Ca trù là một lối chơi gắn với văn nhân, người chơi cũng là người sáng tác, thể nghiệm văn chương của mình. Thực sự ca trù tạo ra một không khí nghệ thuật rất đẹp. Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát từng cho rằng, ca trù là tiếng hoạ mi của nền âm nhạc cổ Việt Nam, là một món hương hoả tổ tiên để lại. Có khi phải lịch lãm cả đời mới hiểu được một tiếng phách tre… Đặc biệt, ca trù còn có vai trò rất lớn trong việc làm dân chủ hóa đời sống văn nghệ dân tộc, do đó vị trí ả đào ngày càng được trân trọng, tôn vinh. Ca trù không chỉ là nơi ký thác của tâm hồn Việt Nam mà còn là sự hiện hữu của bản sắc văn hóa Việt Nam. Ca trù xưa cũ, cổ kính như đang dấu trong mình lớp lớp trầm tích của văn hóa Việt Nam, mà mỗi chúng ta có quyền tự hào để rồi mỗi khi nghĩ đến, ta như được trở về với cội nguồn của văn hóa dân tộc.
Là một thú chơi tao nhã, quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình. Nhắc đến ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà…Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân với ả đào. Mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa ca nương và khán thính giả cũng được ví như mối quan hệ giữ tài tử với giai nhân. Giai nhân vì nhan sắc mà luân lạc, tài năng của người tài tử rồi cũng chìm trôi, ít người nhớ đến, mối đồng cảm kì lạ ấy là sợi dây nối tơ duyên tài tử - giai nhân, một mối quan hệ đầy duyên nợ nhưng lại quá phong tình khó giữ cho bền chặt. Kết thúc những mối tình chóng vánh ấy, người đàn ông lại trở về sum họp với gia đình còn ả đào chấp nhận giấu kín nỗi đau ấy, tiếp tục công việc mua vui cho kẻ khác. Cuối cùng khi nhan sắc tàn phai, khi danh tiếng đã hết, ca nhi phải chấp nhận cuộc sống vô cùng bi đát của sự cô độc, lẻ loi.
Công chúng của ca trù là công chúng của một xã hội trọng văn chương. Khán thính giả chính của ca trù ở thế kỷ XVIII là các nhà Nho. Từ góc độ người thưởng thức, một mặt họ tìm đến ả đào để thỏa mãn nhu cầu giải trí, mặt khác lại có thái độ thiếu tôn trọng, xem ca nương là xướng ca vô loài. Mối quan hệ giữa ả đào và quan viên chủ yếu là mối quan hệ tình cảm nam nữ, đặt ả đào vào vị thế của người tình trăng gió. Đối với các nhà Nho, mối quan hệ tình ái này không khác gì một thú vui, một trò chơi với sắc đẹp. Đó là thái độ truyền thống của nam giới với phụ nữ trong xã hội phong kiến suốt hàng trăm năm qua. Cái nhìn kép ấy vẫn để lại một vệt dài trong tâm thức tiếp nhận người ả đào của các văn nghệ sỹ giữa thế kỷ XX. Việc xuất hiện bài thơ đả kích ca trù trên báo Nhân Dân năm 1957, chứng tỏ việc tiếp nhận mẫu hình nhân vật này vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ những thế kỷ trước. Nhưng chính nhân vật ả đào cũng ghi nhận những bước tiến vượt bậc về nhận thức của một số nhà Nho khác. Trân trọng tài năng và cảm thông cho số kiếp bất hạnh của các kĩ nữ - ả đào, Nguyễn Du không ngần ngại bày tỏ sự xót thương cho số phận của những con người ở tầng lớp đáy cùng của xã hội. Điều đó cũng chứng tỏ chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du là đinh cao của chủ nghĩa nhân đạo nhà Nho. Sau Nguyễn Du, một vài văn nhân – nghệ sĩ đầu thế kỷ XX vẫn tiếp tục mạch nguồn cảm xúc ấy nhưng không đậm nét và dần dần mờ nhạt.
[1] Giang Quân, Khâm Thiên gương mặt cuộc đời, tr.115, NXB Hà Nội, 1997
[2] Vòng là Hoàn, Mộng là Mộng Hoàn và cũng là Can Mộng. Dẫn theo Vương Hồng Sển – Thú chơi cổ ngoạn – NXB thành phố Hồ Chí Minh - 1990