Những góc nhìn Văn hoá

Thơ và họa - phê bình thuyết “Thơ họa dị chất” của Lessing[1] (Kỳ 1)

1. Thuyết thơ họa đồng chất và thuyết thơ nhạc đồng chất

Tô Đông Pha khen Vương Duy: “Đọc thơ Ma Cật thấy trong thơ ông có hoạ, xem tranh Ma Cật thấy có th”. Câu đó đã trở thành một danh ngôn, nhưng cân nhắc kỹ một chút dường như có chỗ không ổn. Đích thực là thơ thì thơ ai mà không có hoạ trong đó, đích thực là hoạ thì trong hoạ của ai mà không có thơ?

Nhà thơ Hi lạp Simonides từng nói: “Thơ là hoạ có thanh âm, hoạ là thơ không lời”. Nhà phê bình hội hoạ đời Tống Triệu Mạnh Doanh cũng từng nói tương tự. Sự trùng hợp này có thể chứng minh thơ hoạ đồng chất là một niềm tin tưởng chung tự cổ chí kim trên khắp thế giới. Câu nói “Hoạ sao thơ vậy” chính là niềm say mê của giới luận thơ bàn họa.

Chuyện vốn rất đơn giản. Thơ và hoạ cũng là nghệ thuật, mà đã nghệ thuật thì đều là ý tượng hoá tình thú hoặc tình thú hoá ý tượng. Chỉ mỗi tình thú không thành thơ, chỉ mỗi ý tượng cũng không thành hoạ. Tình thú cùng với ý tượng dung hợp ăn ý nhau - thơ từ đó mà ra, họa cũng từ đó mà ra.

Tuy vậy, thơ và hoạ rốt cuộc vẫn là hai loại nghệ thuật, trong chỗ giống nhau có sự khác biệt. Từ phía tác giả mà nói, cùng một ý tượng đã bão hoà tình thú có thể biểu hiện vào thơ cũng như vào hoạ một cách như nhau không? Chất liệu môi giới không giống nhau, sự đào tạo tu dưỡng cũng không giống nhau, một người làm được thơ không nhất định là một người biết vẽ, một người vẽ được tranh cũng không nhất định biết làm thơ. Cho đến một kẻ thơ hoạ đều hay, thì những cái có thể dùng hoạ để biểu hiện cũng không nhất định đều có thể dùng thơ để biểu hiện, ngược lại cũng thế. Đối với độc giả, hoạ là dùng màu, dùng hình - đó là trực tiếp; Cơ quan cảm thụ quan trọng nhất là mắt. Thơ dùng màu hình thông qua ngôn ngữ là gián tiếp, cơ quan cảm thụ ngoài mắt ra, tai cũng có mức độ quan trọng tương đương. Thơ tuy có thể “xem” mà hoạ lại không thể “nghe”. Cách cảm thụ không giống nhau, tình thú và ý tượng được dấy lên cũng không thể giống nhau hoàn toàn. Đó là một sự thực rõ ràng.

Hai nghệ thuật chị em của thơ là hội hoạ và âm nhạc. Platông (Plato) trong Nước lý tưởng khi bàn về thơ đã đem hoạ ra so sánh với thơ. Sự vật là hiện hình (appearance) của ý niệm (idea), nhà thơ và hoạ sĩ đều chỉ mô phỏng sự vật, khác với sự truy cầu ý niệm của triết học, vì vậy thơ hoạ đều chỉ là “hiện hình của hiện hình, “mô phỏng của mô phỏng”, “phân cách với sự thật qua hai tầng”. Thuyết này một mặt nhấn mạnh thơ hoạ miêu tả hình tượng cụ thể, mặt khác mở rộng thành thuyết mô phỏng tự nhiên. Điểm trước là đúng, điểm sau thì xem nhẹ tính sáng tạo của nghệ thuật, gây nên rất nhiều ngộ nhận. Thi học của Arixtốt (Aristote) hàm ẩn một sự trả lời đích đáng đối với kiến giải của Platông. Tác giả Thi học cho rằng thơ không phải chỉ mô phỏng vẻ bên ngoài của sự vật, điều quan trọng hơn là mượn sự mô phỏng đó để chứa đựng “ý niệm”. “Thơ càng gần với triết học hơn so với lịch sử”, tức là nói giàu tính chân thực hơn, bởi vì lịch sử chỉ ghi lại hiện tượng đặc thù (hiện hình) mà thơ thì trong hiện tượng đặc thù tìm thấy hiện tượng chung (ý niệm). Arixtốt sở dĩ đi đến một thứ lý tưởng chủ nghĩa như vậy là vì cái mà ông đem ra so sánh với thơ không phải là hội hoạ mà là âm nhạc. Theo ông thơ và âm nhạc là những nghệ thuật cùng loại, bởi vì chúng đều dùng tiết tấu, ngôn từ và sự “hài hoà” làm công cụ môi giới. Trong Thi học, ông nói âm nhạc là “một nghệ thuật giàu tính mô phỏng nhất”. Lý ra âm nhạc so với các nghệ thuật khác lại là thứ ít mô phỏng nhất. “Mô phỏng” mà Arixtốt nói khác với cái “mô phỏng” chỉ với nghĩa “sao chép” mà Platông đã chỉ ra, nó khá giống với chữ “biểu hiện” trong ngôn ngữ ngày nay. Âm nhạc giàu tính biểu hiện nhất, lấy âm nhạc so với thơ, Arixtốt vì thế đã có thể thấy được công dụng “biểu hiện” của thơ.

            So thơ với hoạ ta sẽ nghiêng về mô phỏng “hiện hình”, dễ đi vào chủ nghĩa tả thực; so thơ với nhạc thì lại dễ nghiêng về biểu hiện cái tôi, dễ đi vào lý tưởng chủ nghĩa. Sự phân biệt này tuy đã cũ kỹ nhưng lại là một điều căn bản. Samuel Taylor[2] nói rất hay: “Một người sinh ra không thuộc phái Platông thì sẽ theo phái Arixtốt”. Suy rộng ra ta có thể nói: “Một nhà thơ sinh ra không nghiêng về hội hoạ thì sẽ nghiêng về âm nhạc, không nghiêng về tái hiện khách quan thì sẽ nghiêng về biểu hiện chủ quan”. Ở đây chúng tôi chỉ nói “nghiêng về”. Trong thực tế những người điều hoà, chiết trung hai khuynh hướng cũng có rất nhiều. Trong lịch sử hai khuynh hướng này khi đi đến chỗ cực đoan thì hình thành hai phái đối nghịch. Trước đây từng có sự đấu tranh giữa phái Parnasse và phái Tượng trưng. Đại thi nhân thực sự thì quá nửa trong số họ đều có thể điều hoà xung đột đó, làm cho trong thơ có hoạ mà cũng có nhạc, tái hiện hình tượng đồng thời cũng có thể biểu hiện cái tôi.

2. Thuyết thi hoạ dị chất của Lessing

            Đồ hoạ hoá và âm nhạc hoá trong thơ là hai quan điểm hoàn toàn không giống nhau. Đem ra so sánh thì thuyết âm nhạc trong thơ đến thế kỷ XIX mới thịnh hành. Phần lớn các học giả trước đó đều đặc biệt nhấn mạnh quan hệ mật thiết giữa thơ và hoạ. Babbitt – người khởi xướng chủ nghĩa nhân văn ở Mỹ trong cuốn Laocoon mới mới đã nói rất tường tận về chuyện đó, ở đây khỏi phải nhắc lại. Tác phẩm này chính là kế tiếp cuốn Laocoon[3] của Lessing viết từ hồi thế kỷ XIX, đây là một trước tác quan trọng hàng đầu trong các tài liệu lý luận về thơ - hoạ trong thời kỳ cận đại. Trước đó người ta đều tin tưởng thơ hoạ đồng chất. Lessing nêu ra nhiều dẫn chứng phong phú, dùng một lối hùng biện đầy sức thuyết phục, nói rõ thơ hoạ không phải là đồng chất. Các loại nghệ thuật vì sử dụng những phương tiện chất liệu không giống nhau, mỗi thứ đều có hạn chế và công dụng đặc thù, không dễ lẫn lộn. Bây giờ chúng ta hãy giới thiệu một cách khái quát học thuyết Lessing, sau đó sẽ lấy đó làm chỗ bắt đầu cho việc thảo luận quan hệ giữa thơ và hoạ.

            Laocoon là một bức tượng khai quật được từ thế kỷ XVI, tạc cảnh một ông già - tức Laocoon, cùng hai đứa con bị hai con rắn lớn quất chặt, thể hiện một dáng vẻ giãy dụa đau đớn. Theo truyền thuyết Hi Lạp, người Hi Lạp vì muốn cướp Hêlen về, cử binh vây đánh thành Troa (Troy). Mười năm không chiếm được thành. Sau quân Hi lạp vờ rút lui để lại con ngựa gỗ trong có giấu tinh binh. Dân Troa thấy ngựa gỗ, cho là hàng lạ bèn đưa vào trong thành. Đến đêm bọn người mai phục trong bụng ngựa nhất tề xông ra, mở cửa thành. Quân mai phục bên ngoài thừa cơ đánh chiếm thành. Trước đó quan coi việc tế lễ là Laocoon hết sức can ngăn, nói rằng ngựa gỗ là quỷ kế của người Hy Lạp. Những lời khuyến cáo của ông làm thần biển Pôêdiông tức giận. Lúc Laocoon đang tế lễ, hai con rắn lớn từ dưới sông bò thẳng đến bên đàn tế lễ quật chết Laocoon cùng hai con của ông ta. Đó chính là sự trừng phạt của hải thần đối với Laocoon. Câu chuyện này là đoạn nổi tiếng nhất trong quyển hai cuốn Aeneid của nhà thơ La Mã Virgil. Bức tượng Laocoon được phát hiện ở La Mã vào thế kỷ XVI hình như lấy nguyên mẫu từ đoạn sử thi này. Lessing xem xét, so sánh bức tượng với đoạn sử thi, phát hiện ra mấy điểm khác biệt. Vì để giải thích những chỗ khác đó, ông đã đề xuất thuyết hoạ dị chất. Theo sử thi, Laocoon lúc bị rắn quất kêu gào, mà ở bức tượng khuôn mặt ông ta lại chỉ thoáng nét than thở, chứa đựng vẻ điềm tĩnh nghiêm trang mà hiền hoà vốn có ở nghệ thuật Hy Lạp. Tại sao tác giả bức tượng không thể hiện vẻ khóc lóc mà nhà thơ đã miêu tả. Người Hy lạp không sợ biểu hiện sự đau khổ ở trong thơ, thế mà trong nghệ thuật tạo hình lại cứ tránh vẻ nhăn nhó khó coi do cảm giác đau đớn gây nên trên khuôn mặt. Trong lúc biểu hiện cảm giác đau đớn, họ vẫn theo đuổi sự hoàn mỹ của hình tượng. “Hãy thử tưởng tượng Laocoon há miệng kêu gào, xem xem ấn tượng sẽ ra sao?…Khuôn mặt sẽ không tránh được để lộ vẻ nhăn nhó ác độc, chưa nói đến việc một cái miệng há to, trở thành một lỗ đen trên bức tranh, một lỗ hổng trên bức tượng, gây nên một ấn tượng khó chịu”. Trong sự mô tả bằng lời, vẻ kêu gào đó không đền nỗi tạo nên hiệu quả tương tự, bởi vì nó hoàn toàn không lộ ra một cách thật rõ ràng, hiện rõ một hình ảnh xấu. Thứ nữa, trong sử thi, hai con rắn đó quấn ba vòng quanh lưng, hai vòng quanh cổ mà ở bức tượng thì chỉ quấn hai chân. Bởi vì tác giả muốn từ cơ gân toàn thân để biểu hiện sự đau đớn của nhân vật, nếu theo đúng như trong sử thi để rắn quất đến cổ, thì sự đau đớn mà thân xác biểu hiện ra không còn nữa. Cũng vì thế, nhà điêu khắc để cho cha con Laocoon ở trần, mặc dù trong sử thi họ mặc tế phục. “Một bộ trang phục không giấu được điều gì đối với nhà thơ, tưởng tượng của chúng ta có thể khôi phục tất cả. Cho dù Laocoon trong sử thi mặc tế phục hay loã thể, sự đau đớn của nhân vật vẫn được biểu hiện trên toàn bộ và chúng ta có thể tưởng tượng được”. Còn điêu khắc gia thực sự phải phô bày một cách sinh động những co giật của cơ thể do nỗi đau đớn gây nên mà lại cho nhân vật khoác lên một bộ trang phục thì tất cả đã bị che khuất mất rồi.

            Trên những điểm này, chúng ta có thể thấy được nghệ thuật tạo hình và thơ không giống nhau trong việc lựa chọn tài liệu. Lessing suy đoán lý do của sự khác nhau đó và đi đến kết luận: “Nếu nói chất liệu hoặc ký hiệu mô phỏng mà thơ và hoạ đã sử dụng không giống nhau thì chính là nói hội hoạ dùng hình, sắc tồn tại trong không gian, thơ dùng thanh âm tồn tại trong thời gian. Nếu những ký hiệu này và những sự vật mà chúng đại biểu thích hợp nhau, thì những ký hiệu vốn tồn tại bên cạnh nhau trong không gian chỉ phù hợp với việc biểu hiện toàn thể hoặc từng phần của sự vật đứng bên nhau trong không gian. Những ký hiệu vốn tiếp nối nhau trong một thời gian chỉ phù hợp với việc biểu hiện những sự vật tồn tại kế tiếp nhau trong thời gian. Toàn thể hoặc bộ phận của sự vật đứng bên nhau trong không gian gọi là “vật thể” (body), vì vậy vật thể và thuộc tính nhìn thấy được của chúng là đề tài đặc thù của hội hoạ. Toàn thể hoặc bộ phận vật thể, hiện tượng tiếp nối nhau trong thời gian gọi là “động tác” (action), vì vậy “động tác” là đề tài đặc thù của thơ”.

            Nói cách khác, hoạ chỉ thích hợp với việc miêu tả tĩnh vật, thơ chỉ thích hợp với trần thuật hành động. Hoạ thích hợp miêu tả tĩnh vật, vì các bộ phận của tĩnh vật tồn tại đồng thời trong không gian, mà hình-sắc hội hoạ dùng thì cũng như vậy. Xem một bức tranh ta có thể trong chốc lát bao quát được toàn bộ. Vật tĩnh không thích hợp với thơ, bởi vì phương tiện chất liệu nhà thơ là ngôn từ kế tiếp nhau trong thời gian. Nếu miêu tả tĩnh vật thì phải biến những thứ vốn theo chiều ngang thành chiều dọc, biến những thứ vốn tồn tại bên nhau trong không gian thành thứ tiếp nối nhau theo thời gian. Ví dụ, mô tả cái bàn, hoạ sĩ chỉ cần dùng sơ lược vài nét đã có thể vẽ nó ra, khiến người ta nhìn đến là nhận ra đó là cái bàn. Nếu dùng lời để miêu tả, bạn phải bất đầu từ một điểm nó đó và tiếp tục sự miêu tả theo một thứ tự: Chiều dài, chiều rộng, chiều cao, hình gì, màu gì… một hồi dài mà chưa chắc độc giả đã hiểu ra ngay đó là cái bàn, trong đầu anh ta lại còn phải diễn ra một bước gọi là “phiên dịch”, đem cái được ngôn ngữ biểu hiện theo tuyến tính khôi phục lại đúng dạng tồn tại trong khoảng không gian.

            Thơ chỉ thích hợp trần thuật động tác, bởi vì động tác tiếp diễn trên một đường thẳng thời gian mà chất liệu lời nói được thơ sử dụng chính là hành động. Thính giả nghe một đoạn truyện đầu đến cuối, nói đến đoạn nào hành động sẽ diễn ra đến đó, tất cả đều rất tự nhiên. Động tác không thích hợp với hoạ là vì một bức tranh chỉ có thể biểu hiện được một điểm trên mũi tên thời gian mà động tác thì lại là một chuỗi mạch kéo dài. Ví dụ nói: “Tôi cúi xuồng, nhặt một viên đá ném con chó, con chó trông thấy liền bỏ chạy”. Dùng lời kể lại việc này rất dễ dàng, nhưng đem một chuyện đơn giản như vậy mà vẽ ra, mười bức, hai mươi bức tiếp nối nhau cũng không nhất định khiến cho người xem lập tức theo dõi được. Trong đầu người xem cũng phải diễn ra cái thủ tục “phiên dịch”, đem những mảng rời rạc đồng thời được sắp ra đó “ghép” thành một mạch liền. Xa Phổ Tâm từng dùng hai câu thơ của Giả Đảo “Độc hành đàm để ảnh, sổ tức thụ biên thân” làm đề tài vẽ tranh, vẽ ra mười mấy bức, rốt cuộc chỉ vẽ ra được mấy thứ “bóng dưới đáy đầm”, “người ở bên cây”. Còn như ý vị của chữ “hành” (di chuyển) trong “độc hành” (trôi một mình) và “sổ” (mấy) trong “sổ tức” (thở mấy hơi) thì không có cách nào đề truyền đạt ra. Đây chính là một ví dụ tốt cho thuyết hoạ không thích hợp trần thuật động tác của Lessing. Ví dụ mà Lessing dẫn ra phần lớn lấy từ sử thi Homer. Homer lúc mô tả tĩnh vật chỉ dùng những tính từ chung chung. Tả một chiếc thuyền thì chỉ dùng mấy chữ “trống rỗng”, “màu đen” hoặc “lướt băng băng”; tả một cô gái thì chỉ là “xinh đẹp” hoặc “đoan trang” mà thôi. Nhưng đến lúc trần thuật động tác thì cực kỳ tường tận. Đi thuyền thì kể từ dựng cột buồm, giương buồm, lắp lái, mắc mái chèo cho đến nhổ neo, hạ thuỷ,… kể chuyện trang phục thì kể từ đi giày, đội mũ, mặc giáp cho đến thắt nịt, đeo gươm. Những ví dụ đó đều có thể chứng minh Homer ý thức rõ việc thơ phù hợp với trần thuật mà không phù hợp với miêu tả.



[1]Létxing (1729-1781), kịch tác gia, nhà lý luận văn nghệ, nhà tư tưởng phong trào ánh sáng Đức. Ông là một trong những người đã đặt nền móng cho lý luận văn nghệ hiện thực chủ nghĩa Đức. Létxing có một ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển văn hoá Đức (các chú thích của người dịch).

[2] Samuel Taylor Coleridge (1772-1834), nhà thơ lãng mạn, nhà phê bình Anh.

[3] Tác phẩm của Lessing nguyên đề “Laocoon, luận về giới hạn của thơ và hoạ”.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570042

Hôm nay

278

Hôm qua

2367

Tuần này

22425

Tháng này

228566

Tháng qua

129483

Tất cả

114570042