Ngô Kha (1935 – 1973)[1] được biết đến trước hết là một trí thức, một thi sĩ dấn thân đầy nhiệt huyết của những năm 60 – khi thân phận con người đang đứng trước sự lựa chọn quyết liệt của lịch sử.
Ngô Kha (1935 – 1973)[1] được biết đến trước hết là một trí thức, một thi sĩ dấn thân đầy nhiệt huyết của những năm 60 – khi thân phận con người đang đứng trước sự lựa chọn quyết liệt của lịch sử.
Cuộc đời thăng trầm, ngắn ngủi mà nhiều biến động của Ngô Kha, cũng như của lịch sử Huế thời ấy in dấu ấn đậm nét không chỉ trong những trang tiểu sử, trong lòng bạn bè và học trò ông mà còn tỏa sáng trong những thi phẩm đặc biệt mà ông để lại. Có lẽ, không cần phải viết lại tiểu sử Ngô Kha, bởi, dù rằng ở các tuyển tập, các công trình mang tính phổ biến tên tuổi Ngô Kha còn ít được nhắc đến, nhưng với giới trí thức và đặc biệt các thi sĩ đương thời, theo quan sát của tôi, không ít người rất hâm mộ Ngô Kha; hơn nữa, mục đích của chúng tôi trong bài viết khiêm tốn này là muốn khám phá một hồn thơ và những điểm độc đáo của bản trường ca siêu thực Ngụ ngôn của người đãng trí – tác phẩm được xây đắp bởi những hoài bão, những đớn đau trước hiện thực chiến tranh, những ám ảnh vô thức, nơi “nỗi cô đơn niềm tuyệt vọng cháy sáng”.
Ngụ ngôn của người đãng trí được kiến tạo theo hình thức của chủ nghĩa siêu thực hư ảo. Chủ nghĩa siêu thực, trên cơ sở phân tâm học của Freud và thuyết trực giác của Bergson, muốn đưa lại một cách nhìn mới và chính xác về thực tế, một thực tế kết hợp giữa thực và mộng, giữa vô thức và ý thức, giữa có lý và phi lý. Và để có thể nhất thể hóa được hai thế giới, hai trạng thái ấy, các nhà siêu thực đề ra lối viết tự động và nhấn mạnh đến thế giới của hình ảnh. Lối viết tự động đưa đến sự tự do, có thể thể hiện được tính đa chiều kích của hiện thực và của thế giới tâm hồn, nó phá tan những mô hình cổ kính của vần luật. Khi không còn vần luật và những trói buộc của hình thức thì hình ảnh dường như chiếm dụng toàn bộ bài thơ, hình ảnh tạo nên và là chất thơ. Cho nên thơ siêu thực là “những va đập chói lòa của từ ngữ”, nó đánh mạnh vào trực giác và trí tưởng tượng, kết hợp với lối viết tự động, mở ra một thế giới chông chênh, nhiều đối nghịch và phi lí. Phong trào siêu thực ra đời giữa hai cuộc đại chiến, có nguyên nhân từ sự thất vọng về xã hội tư sản và nền văn minh kĩ trị phương Tây; có lẽ vì thế, đa số những nghệ sĩ khởi xướng phong trào này đều là những người dấn thân quyết liệt (như Aragon, P. Eluard…). Ở Việt Nam, chưa (không) có chủ nghĩa siêu thực nhưng ảnh hưởng và dấu ấn siêu thực thì có trên mọi phương diện, trên cả cách dấn thân của người nghệ sĩ, đặc biệt thấy rõ trong thơ văn của các thi sĩ miền Nam thời bị tạm chiếm – mà đậm đặc, tạo nên một con đường riêng là thế giới của người thơ Ngô Kha và thế giới ca từ siêu thực (cũng là những bài thơ siêu thực) của Trịnh Công Sơn.
Trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí gồm khoảng 800 câu thơ, chia thành 8 phần, đánh số, không đề mục – ngay cách thức này đã khác với kiểu kết cấu của những bản trường ca đương thời, nó thể hiện dòng ý thức tuôn chảy tự do, không bị câu buộc bởi thói quen thể loại; sau này, đến Nguyễn Quang Thiều, Lê Vĩnh Tài chúng ta mới gặp lại kiểu trường ca có hình thức tự do như thế. Những câu thơ “chói sáng” dường như dẫn dắt người đọc vào mê cung của những giấc mơ và tưởng tượng. Kết cấu kiểu ngôi nhà gương, kiểu đa chiều kích, kiểu vòng tròn khiến thế giới như được phản quang từ vô số hướng. Đó cũng là vòng cung khiến người ta hoảng hốt, sợ hãi, đơn độc vô vọng. Lối viết siêu thực tự do như sông chảy rất gần với chủ nghĩa hậu hiện đại nhưng toàn bộ tác phẩm tầng tầng lớp lớp đều là một nhất thể: trận chiến đấu quyết liệt với chính mình của thi sĩ Ngô Kha.
Sự cô độc là tâm trạng chính mà Ngô Kha thể hiện trong các tác phẩm trước 1970[2]. Ở đây, nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình trải dài miên man trên cánh đồng đá đen, trên dòng sông “chưa khô nguồn lãng mạn”, trên sa mạc khát bỏng, trong những giấc chiêm bao nhiều mộng mị, nơi anh không thể thoát khỏi “bốn bức tường tuyệt mệnh” và “cuộc đời sân khấu”. Sự cô độc là mạch chủ lưu và là nội dung chính của bản trường ca. Đó cũng là thế giới tâm hồn mà các nhà siêu thực thường quan tâm thể hiện. Mở đầu bằng hai câu: Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông. Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí. Tôi cách biệt với người đãng trí, tôi truy điệu người đãng trí, nhưng trong toàn bộ thiên trường ca tôi và người đãng trí lại là một. Nhân vật trữ tình mang tâm hồn nhiều u uất, chán ghét tận cùng hiện thực chiến tranh, với vô cùng những giằng co và lựa chọn, cho nên, nó phân thân thành nhiều hình thức:
Là Tôi với những cơn mộng mị:
“…Tôi ở ngoài vùng phán xét.
Không còn ai hiểu được”
“…Tôi biền biệt trôi đi.
Trong hoàng hà tĩnh vật”
Là: “Thằng con trai úp mặt lên mùa thu mệt mỏi”
Là “Người say rượu uống nhựa thông nằm chết tình cờ” với vô vàn những dòng suy tưởng dai dẳng và đau đớn về thế giới mà “tên mọi người đã ghi vào viên đạn”.
Là người hành khất lang thang kiếm tìm hạnh phúc, đăng đàn thuyết giảng nhưng phải đối diện với những chất vấn về hạnh phúc của đoàn tử tù, và “Người hành khất lẩn trốn với nàng công chúa trên cung điện”, “Người hành khất đeo kính đãng trí/ và hát như con diều một dây”. Người hành khất chợt nhận ra sự ngụy tạo, đành lẩn trốn với chiếc mặt nạ của mình. Hình tượng Đoàn tử tù dần dần đi vào cõi vô thức, cõi chết như là định mệnh, là sự tuyệt vọng khôn cùng của cái Tôi bản thể:
“Đoàn tử tù ra đi âm thầm
tiếng trống não nùng vang động bờ vĩnh cửu”
Là “người đãng trí” tự động đánh mất ý thức để phủ nhận thực tại, chống lại thế lực đang cưỡng ép người ta phải thừa nhận. Nhưng dù có quay mặt đi thì tiếng kêu chát chúa của đời sống vẫn cứ dội vào tâm thức.
Có thể nói, hàng loạt các hình tượng đan xen, hư ảo trong suốt bản trường ca làm cho người đọc có cảm giác như nỗi cô đơn, chán nản tuyệt vọng, kinh hoàng của người thơ trải dài khắp nơi, chỗ nào, nơi nào cũng khắc khoải day dứt. Người trí thức Ngô Kha lúc này muốn “nuôi dưỡng sự cô đơn”, xây mái linh hồn mình trong một ngôi nhà khép kín như là một cách bao bọc tự vệ để khỏi phải dung hòa với hiện thực chiến tranh, khỏi phải đối diện với thế giới của “người đang chết/ và những người sắp đi vào cõi chết”. Có thể nói, trong nền văn học hiện đại Việt Nam, đây là bản bi ca nói về sự cô độc hiếm hoi nhưng lại đầy dũng khí phản chiến. Như chính nhà thơ viết “Tự sát bằng cô đơn nên chẳng bao giờ chết”, “Nỗi cô đơn niềm tuyệt vọng cháy sáng” – Nỗi cô đơn ở đây xứng đáng trở thành Nội dung lớn, Cảm hứng lớn của thể loại trường ca vốn được mặc định là chỉ dành để ngợi ca những anh hùng. Lúc Ngô Kha viết “Ngụ ngôn của một người đãng trí” là lúc chúng ta phải đối mặt với dã tâm xâm lược bành trướng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Huế là tuyến giữa của cuộc chiến, còn là kinh đô cũ của Việt Nam vốn tập trung nhiều khoa bảng. Huế cũng là nơi Phật giáo có chỗ đứng và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa, là nơi có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Bởi vậy, Huế trở thành mối quan tâm lớn của Mỹ và chính quyền tay sai. Ngô Đình Diệm đã thiết lập ở đây một bộ máy cai trị cực mạnh và thi hành chính sách thống trị tàn bạo nhằm bắt nhân dân Huế đi theo quĩ đạo của chúng, tiến hành đàn áp phong trào cách mạng. Chính Ngô Kha, năm 1966, đã bị động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Bất mãn với chế độ Sài Gòn, Ngô Kha đã đấu tranh và là một trong những thành viên nòng cốt lãnh đạo chiến đoàn Nguyễn Đại Thức (đơn vị quân đội Sài Gòn li khai). Cuộc đấu tranh thất bại, Ngô Kha bị bắt lần đầu tiên và bị đày đi Phú Quốc. Cũng thời gian này, cuộc hôn nhân của Ngô Kha tan vỡ. Một đời sống chính trị bức bối, ngột ngạt, đòi hỏi sự lựa chọn quyết liệt; một niềm đau riêng nhiều khi âm ỉ đã thai nghén nên thế giới siêu thực “người đãng trí”. Người thi sĩ đầy hoài bão đã đẩy nỗi tuyệt vọng đến điểm cùng, đến “nỗi cô đơn niềm tuyệt vọng cháy sáng”. Ngụ ngôn người đãng trí là phầm âm bản của tâm hồn con người lên tiếng gào thét, những lời nói mê sảng vô nghĩa lí chính là sự “minh triết của người điên”. Sau điểm cùng ấy, thi sĩ buộc phải lựa chọn, anh không thể “nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu” được nữa, mà quyết định dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy cam go chống lại chế độ Mỹ Ngụy. Cho nên, hai câu mở đầu của trường ca:
Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí
Cũng là sự giã từ với thế giới vô hình, với cái nhà tù cô đơn mà anh tự xây đắp trú ngụ, để lột xác hồi sinh bằng một cái Tôi mới – cái Tôi với dòng máu anh hùng “Ta lên tiếng cho ngục tù vỡ nát/ bao gông cùm tan chảy dưới mặt trời” (Bài ca tự quyết).
Thơ siêu thực vốn không muốn tuân theo logic thông thường, nó muốn đi sâu khám phá vùng mờ vô thức trong thế giới tâm hồn con người. Bên trong là những ám ánh, những hiện thực thực nhất mà mắt thường khó có thể nhìn thấy; bề ngoài là trực giác của hình ảnh, là những mảng màu, những ngôn từ gây ấn tượng mạnh mẽ. Điều đáng nói là có một số bài thơ siêu thực đọc lên chỉ là sự cắt dán, lắp ghép, yếu tố kĩ thuật hằn sâu trên từng xác chữ; với Ngô Kha thì khác, các giấc mơ siêu thực trong Ngụ ngôn của người đãng trí nhuần nhuyễn, nhất thể, tự nhiên, không lộ hiện, là dòng tuôn trào của dằn vặt đớn đau từ bản thể. Lối viết tự động được Ngô Kha áp dụng trong suốt bản trường ca; có điều, những câu thơ tưởng như ngẫu nhiên, lắp ghép nhưng lại logic đến kì lạ (ví dụ: Tôi là người chỉ còn một giác quan đơn độc / để nghe dây đàn chùng -> …ôi tiếng đàn không thanh âm không hương sắc….-> tất cả chỉ là dây đàn phiền não). Hơn nữa, mỗi câu thơ đều khiến người đọc rưng rưng xúc động. Nó đẹp bởi hình ảnh, bởi bản thân ngôn từ thơ, cũng bởi linh hồn người thơ ẩn chứa sau lớp vỏ. Đúng như ý của Jakobson đã được nhiều người dẫn lại “thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng”[3] – bản thân nó đã hết sức lung linh. Giấc mơ của Ngô Kha bị ám ảnh bởi các hình ảnh của chiến tranh và cái chết. Hình ảnh “chiến tranh” xuất hiện 18 lần trong bản trường ca, và cái chết, như là hệ quả của cuộc chiến, xuất hiện dày đặc nhất – 52 lần. Chết được phát biểu trực tiếp 12 lần: “nằm chết tình cờ”, “em nằm chết trên bụi cỏ”, “cái chết từ bi”.. và gián tiếp 40 lần với những hình ảnh đầy tính siêu thực “vụt chạy bỏ linh hồn”, “vẫy tay chào cuộc đời”, “bạn bè ngủ trên gáy sách”, “tử thi còn mở mắt”, “tự sát bằng cô đơn”… Chết là biểu hiện cao nhất của niềm cô độc, là kết cục bi ai cho thân phận hạt bụi kiếp người. Tác phẩm là bản bi ca đối mặt với cái chết, cũng là tuyên chiến với cái chết và chối bỏ cái chết. Toàn trường ca còn được xây dựng bởi hệ thống các hình ảnh về giấc mơ, chiêm bao, miền hư ảo, khoảng vô hình, vùng cô liêu, cánh đồng, huyệt mộ… một thế giới u ám, xơ xác, hao gầy, phi lí bởi chiến tranh. Ngôn ngữ thơ Ngô Kha giàu tính tạo hình và đậm chất triết lí; trên khung nền ấy thế giới hình ảnh sống động như nhảy múa, đua chen, như là lễ hội Carnival của hình ảnh, có thể lấy bất cứ một phiến đoạn nào trong trường ca đều thấy rõ:
Người say rượu lẩm nhẩm một mình
Mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp
Tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
Không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
Chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh
Người con gái đứng nhìn cánh sao lạc loài
Trên nét mặt hiền hòa bất động của em
…Con đà điểu mang cánh tay người yêu trở lại
người con gái mang bộ mặt đồng đen
tôi bẻ nhánh xương rồng quơ lên hư không
người con gái ho khúc khắc rất đau đớn
tôi chạy theo cánh sao cỏ mùa
người con gái biến đi mất
bây giờ chỉ còn sa mạc
và khoảng vô hình nhìn tôi vĩnh viễn.
Ngụ ngôn của người đãng trí chính là Ngụ ngôn của một thế hệ - như tên cuốn sách tưởng niệm Ngô Kha. Đó là sự vật vã đớn đau nhưng Người nhất của cả một thế hệ trí thức trước hoàn cảnh đất nước những năm 1968. Đó không chỉ là nỗi lòng của riêng Ngô Kha mà còn là nỗi lòng của thế hệ ông. Bản trường ca không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn rất có giá trị về mặt nghệ thuật; đặc biệt trong hệ thống thể loại trường ca Việt Nam là một hiện tượng độc đáo. Có điều, từ trước đến nay, bản trường ca dường như chưa được các nhà nghiên cứu lưu tâm, nghĩ đến, cho nó một vị trí xứng đáng. Với chúng tôi, bản trường ca quá hay làm chúng tôi hoang mang, bởi thật khó để có thể biểu đạt thành lời trong một bài viết nhỏ.
[1] Toàn bộ tư liệu về tiểu sử và tác phẩm của Ngô Kha được chúng tôi lấy ở cuốn “Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.
[2] Trước 1970, Ngô Kha có 2 ấn phẩm: Hoa cô độc (Tác giả xuất bản và trình bày; Nhà in Đại học ấn hành, 1961) và Ngụ Ngôn của người đãng trí, viết năm 1968, in xong năm 1969.
[3] Đặng Tiến. Thơ, thi pháp và chân dung. NXB Phụ nữ, 2009, trang 16.
269
2367
22416
228557
129483
114570033