Nhưng Trần Quang Khải không chỉ viết thơ trên yên ngựa. Ông còn là một thi nhân với hứng thơ dạt dào và hồn thơ phóng dật. Tính chất tiêu biểu cho con người thời đại của Trần Quang Khải không chỉ thể hiện ở phong độ anh hùng mà còn ở quan niệm sống cống hiến hết mình nhưng coi nhẹ lợi danh. Nhà thơ yêu thích nếp nhà cất giữa cảnh đồng quê có “đào mận thơm tho bốn mùa đều xuân”[1], nơi đó được ngắm nhìn sự hòa điệu giữa con người cùng thiên nhiên và hòa lẫn tâm hồn mình trong ánh trăng xanh, thung lũng biếc – “Một tiếng sáo của trẻ chăn trâu cất lên làm xanh ánh trăng trên lầu; Mấy tấm áo tơi nhà nông nhuộm biếc đám mây dưới lũng”1. Ý thích ẩn dật đã bộc lộ trong bài thơ Đề dã thự (Đề ngôi nhà ở đồng quê) khi nhà thơ miêu tả con đường qua nhà tuy “ngoắt ngoéo ruột dê thông ra nơi dặm tía” nhưng khe suối tỏa nhiều dòng như đuôi chim yến đã “ngăn cách với chốn bụi hồng”. Nếu trong quan niệm của nhà Nho, đời người có hai giai đoạn cống hiến và nhàn lạc, thì ở quan niệm của con người thời Lý Trần, cách xử thế linh hoạt và uyển chuyển hơn mà vẫn luôn đạt đến sự hài hòa, cân đối. Với chủ trương văn hóa “Tam giáo đồng nguyên” khá cởi mở trên một bản lĩnh dân tộc mạnh mẽ, các nhà thơ thời Trần không đưa ra một khuôn vàng thước ngọc nào cho cách sống mà lấy tính thần “tùy duyên” rất cơ động của Phật giáo Thiền tông làm phương châm xử thế, nên có thể vừa làm vua, làm tướng, đánh giặc, vừa tu Thiền, ngộ đạo. Vạn Hạnh “chống gậy nhà chùa lên trấn giữ kinh đô”[2], Tuệ Trung “đi cũng Thiền, ngồi cũng Thiền”[3], “vào xứ cởi trần thì vui vẻ bỏ áo”[4], Trần Thánh Tông có thể “động thì như gió vang trong hang trống, tĩnh thì như trăng soi xuống đầm lạnh”[5], Trần Nhân Tông “cư trần lạc đạo”, “mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”[6]. Cũng trong tinh thần đó, Trần Quang Khải, khi dẹp giặc xong, vui thú điền viên bình dị với một khu vườn nơi khe nước quanh co, ở đó, “khi nắng lên thì mời khách một tuần trà, lúc mưa tạnh thì gọi trẻ sửa lại giàn cây thuốc”[7]. Vui hưởng nhàn nhưng vẫn không xao lãng một ý thức trách nhiệm thường trực trong tâm tư, “nhìn về phía Nam không còn thấy khói biên phòng báo tin giặc đến”[8] mới yên lòng “đi vào giấc mộng an lành trên chiếc giường con”8. Có thể nói thơ Trần Quang Khải ở bất kỳ chủ đề nào - trữ tình, đề đền miếu, hay xướng họa với sứ Bắc – đều thấy thể hiện tâm niệm dành cho đất nước và nhân dân. Tiễn sứ giả nhà Nguyên, ngoài những lời lẽ xã giao thù tạc, nhà thơ không quên khéo léo nhắn nhủ “Dám mong bốn vị hiền tài có lòng yêu thương rộng lớn, hãy che chở cho thương sinh nước Việt”[9]. Đề đền Bạch Mã, sau khi ca ngợi công đức của thần, nhà thơ đã ân cần chí thiết “xin nhờ dư uy của thần để phá tan giặc Bắc, làm cho đất nước nhanh chóng trở lại thanh bình”[10]. Nhưng nhờ sống và làm việc hết mình mà tâm vô cầu nên con người ấy mới có được cái phong thái an nhiên tự tại như khi trở lại bến đò Lưu Gia, nơi từng ghi dấu kỷ niệm thời thanh niên hào hùng “Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền”[11]. Cảnh vật đã trải qua những tang thương của ly loạn, những dâu bể của cuộc đời – “Cựu tháp giang đình thu thủy thượng; Hoang từ cổ trủng thạch lân tiền”11 – con người cũng đổi thay hình vóc – “Thi khách trùng lai đầu phát bạch”11 – nhưng mái đầu bạc vẫn không hổ thẹn đối sánh với sắc trắng hoa mai. “Mai hoa như tuyết” soi bóng xuống dòng sông trong vắt11 như hình chiếu của tâm hồn trắng trong không hoen ố giữa cuộc đời. Nổi bật trên cái nền xám hắt hiu của những phế tích trước thời gian, của quy luật bể dâu nghiệt ngã là mái đầu bạc của khách thơ xưa, là hoa mai trắng tuyết, là hình ảnh phản chiếu của “bạch phát” – “mai hoa” soi bóng xuống dòng nước trong. Cái còn lại sau cùng là một sắc trắng thanh khiết của những giá trị vĩnh hằng không phai tàn với thời gian. Đó chẳng phải là cái “tâm” trống không mà nồng đượm của con người đã sống hết mình cho cuộc đời này đó sao?
Cũng giống như những nhà thơ cùng thời, ước muốn “trở về” luôn thôi thúc trong lòng Trần Quang Khải khi đất nước đã sạch bóng quân thù. Trấn giữ ở Nghệ An, vùng đất phên giậu phía Nam, nhà thơ không nguôi nhớ về quê cũ – “tấc lòng nhớ quê theo cánh chim bay mỏi”[12], nhưng vì ơn nước, nghĩa vua như biển rộng nên “làm chần chừ con cá muốn giương vây”12. Trong ngày xuân, trong lòng có nhiều cảm xúc, ông làm thơ, uống rượu và “vỗ thanh kiếm, vời vợi nhớ non xưa”[13]. Là con trai thứ ba của vua đầu nhà Trần, được phong tước Chiêu Minh Vương, là trọng thần của triều đình trong cương vị Thượng tướng Thái sư, là dũng tướng văn võ kiêm toàn từng xông pha chiến trận lập công hiển hách trong hai lần kháng chiến chống Nguyên, cuộc đời Trần Quang Khải có thể nói là thành công rực rỡ. Nhưng trong Cảm hứng ngày xuân, bên cạnh cái hào khí bình sinh lồng lộng có thể “đè nghiêng ngọn gió xuân ngâm lên một bài thơ”12, đâu đó vẫn có phảng phất một nỗi buồn khiến nhà thơ phải nhờ đến ba chén rượu để làm khuây – “Khử sầu lại hữu tam bôi tửu”13. Nỗi sầu đó là gì? Mưa xuân về “gội ướt cành mai”, làm mơn mởn cây lá, một lần nữa thiên nhiên thay hình đổi sắc thanh tân khiến con người chợt nhớ ra “nửa phần xuân sắc của mình đã vô tình trôi qua”12 và “ở tuổi năm mươi tự biết mình đã suy yếu”12. Khi “gió từ phương Đông đến đột ngột khơi dậy cái rét mùa xuân”[14] đem theo mưa xuân làm tươi nhuần vạn vật cũng là lúc con người “giật mình thấy nét mặt hồng hào thuở xưa đã úa phai”14. Sinh diệt là quy luật của muôn đời, sự ngắn ngủi, chóng tàn phai là bi kịch lớn của kiếp người không ai tránh khỏi, dù là dân dã hay đế vương. Lẽ nào con người của thời đại minh triết này lại không hiểu điều đó để phí sức đau buồn với chuyện “thịnh suy như lộ thảo đầu phô”[15]? Hẳn phải còn một nguyên nhân sâu xa hơn của nỗi buồn man mác trong ngày xuân đó. Ở hai bài thơ Xuân nhật hữu cảm, Trần Quang Khải hai lần nhắc đến “quê cũ”, “non xưa”. Chi tiết này giúp người đọc hiểu ra do đâu nhà thơ cảm nhận “Nửa phần xuân sắc đã hờ hững trôi đi” và “giật mình kinh sợ thấy nét mặt hồng hào thuở xưa đã không còn nữa”. Thì ra những hoạt động, cống hiến cho đời bằng cả sức lực thanh xuân từng là niềm tự hào dường như vẫn chưa là đủ. Vẫn còn thiếu một cái gì đó khiến con người chưa cảm thấy thỏa mãn. Một cái gì đó đem đến sự cân đối, hài hòa và an lạc cho tâm hồn. Cái gì đó chính là nhu cầu của thế giới tâm linh. Nhà thơ hướng về quê cũ, núi xưa như một mái nhà thân thuộc của mẹ cha mà ai đi xa cũng khao khát trở về. Giống như Nguyễn Trãi sau này mơ trở về Côn Sơn với thông xanh suối biếc để “làm nhà ở dưới mây, múc nước suối pha trà, gối đầu lên đá mà ngủ”[16]. Ở đó, con người được hoàn toàn tự do, có thể hòa mình giữa thiên nhiên, có thể vui chơi, có thể chiêm nghiệm về lẽ thực của đời người… Nơi đó mãi là một hoài niệm khôn nguôi trong sâu thẳm của tâm hồn. Sự thôi thúc của nhu cầu nội giới chưa được thỏa mãn ấy khiến nhà thơ dù có tất cả trong tay vẫn cảm thấy thiếu, và giữa tiết xuân tươi thắm của đất trời đã phải kìm chế nỗi buồn bằng cách dùng hào khí bình sinh và đôi ba chén rượu để đè ngã gió Đông mà cao giọng ngâm thơ. Nhà Nho thường nói “ngũ thập tri thiên mệnh”, ở tuổi năm mươi con người đã có đầy đủ tri thức và kinh nghiệm sống để thấu hiểu tất cả về lẽ đời và khi thấy được cứu cánh của đời người, con người mới nhận thức được tất cả sự vô nghĩa của những bon chen trần thế, những chạy vạy tìm kiếm của người đời. Cùng thời với ông, Tuệ Trung từng thảng thốt nhận ra “Chà chà, giàu sang như đám mây nổi; Chao ôi, năm tháng như bóng ngựa chạy qua khe cửa”[17]. Khi có tất cả trong tay – danh vọng, quyền lực, bổng lộc – thì cảm thấy mừng vui, hạnh phúc; khi không được gì trong cuộc sống thì cảm thấy đau buồn, chán nản, phẫn uất…, đó là tâm lý chung của mọi người. Cái cảm xúc ngày xuân khác lạ này mới là nét riêng của Trần Quang Khải. Nỗi buồn man mác trong ngày xuân đó hé lộ sự phong phú đầy mẫn cảm của tâm hồn nhà thơ. Một nỗi buồn man mác lặng trầm nhưng mang tầm nhân loại lớn lao bởi nó chứa những suy tư, trăn trở muôn thuở về hạnh phúc đích thực của đời người, về sự xung đột giữa trách nhiệm xã hội và nhu cầu riêng tư của cá nhân. Bằng hình ảnh sinh động tự nhiên, thơ Trần Quang Khải đã nêu ra những xung đột chung – riêng mà con người thường xuyên phải đối mặt trong cuộc sống. Và hiển nhiên là ý tứ bài thơ cũng như cuộc đời nhà thơ đã cho thấy hướng giải quyết của ông về mối xung đột ấy. Cái chung đã thắng cái riêng, để lẩn khuất lại đâu đó trong tâm tư chút buồn riêng thầm lặng mà nhà thơ chấp nhận mang theo suốt đời và mỗi độ xuân về lại chuốc chén rượu nồng, vỗ thanh gươm cũ như một niềm an ủi. Một lần nữa thơ Trần Quang Khải dẫn dắt người đọc bước vào thế giới bên trong của con người thời đại. Họ không phải là những con người chỉ biết có đánh giặc dũng cảm, hào hùng, và mang sự hưng phấn sôi nổi của thời đại phục hưng. Không chút nào đơn giản như thế. Họ đã không ngừng phản tỉnh và nhìn thấu tận đáy sâu của tâm hồn nhiều khuất khúc để hiểu mình và lựa chọn ứng xử phù hợp nhất. Đó là cái đẹp, cái cao thượng của nhân cách con người thời đại mà Trần Quang Khải là một tiêu biểu. Trở lại bài thơ Phúc Hưng viên, giờ đây người đọc mới hiểu hết sự chân thật, không màu mè, tô vẽ khi nhà thơ nói về mình “Trông về phương Nam không còn thấy khói biên phòng báo tin giặc đến; thảnh thơi trên chiếc giường với giấc mộng an lành”. Một tâm tư thường xuyên lo nghĩ đến chuyện an nguy của đất nước, điều đó là rất thật. Và những giây phút thảnh thơi với giấc mộng bình thường trên chiếc giường con cũng là một hạnh phúc đời thưòng chân thật, bình dị biết bao.
Trong số ít những bài thơ còn để lại của Trần Quang Khải, Lưu Gia độ là bài thơ cho thấy một cảm thức thời gian khá độc đáo. Ơ đó, có sự đối lập giữa cái dài lâu và cái ngắn ngủi để lại một dư vị riêng khó quên.
Lưu gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình thu thủy thượng,
Hoang từ cổ trủng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí cơ thiên lý,
Lý đại sơn hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.
Dịch nghĩa:
Bến đò Lưu gia cây cao ngất trời,
Xưa phò giá sang Đông từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ, đình bên sông in bóng trên dòng nước mùa thu,
Đền hoang, mộ cổ còn trơ trước dãy lân đá.
Bản đồ phủ Thái Bình rộng đến mấy nghìn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ trở lại nơi đây mái đầu đã bạc,
Hoa mai trắng như tuyết soi bóng xuống dòng sông trong.
Mở đầu bài thơ là một bến đò Lưu Gia vẫn như ngày nào với những cây cổ thụ cao ngất trời – “Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên”. Nhưng cái lần đỗ thuyền nơi đây khi phò vua đi về Đông đã là quá khứ và chỉ còn trong ký ức – “Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền”. Nơi đây, dòng nước êm đềm trầm lặng của mùa thu đã từng chứng kiến bao lớp sóng phế hưng. Và giây phút này đây, hình ảnh mà nó vô tư ghi lại là một ngọn tháp đã cũ, một bến sông đã xưa. Nơi đây dãy những con lân bằng đá còn lại với thời gian cũng đã nhìn thấy trước mắt chúng ngôi đền đã trở thành hoang phế, nấm mộ đã in dấu điêu tàn. Sự đối lập giữa cái còn lại – nhân chứng – và cái đi qua không chỉ thể hiện ở những gì trước mắt mà còn được đẩy xa hơn trong suy tưởng của nhà thơ: “Bản đồ đất Thái Bình rộng mấy ngàn dặm; Cơ đồ nhà Lý tồn tại hai trăm năm”. Non sông là vĩnh cửu, triều đại chỉ nhất thời. Tuy một triều đại có thể kéo dài mấy trăm năm hay lâu hơn nữa nhưng so với đất đai sông núi thì vẫn chỉ là cái chớp mắt mà thôi. Từ chiêm nghiệm đó mà quay trở lại với bản thân mới thấy con người càng bé nhỏ hữu hạn làm sao. Thật vậy. “Khách thơ trở lại mái tóc đã bạc”. Còn gì chóng tàn phai hơn sắc thân. Thế nhưng cũng không gì bất tử hơn cái đẹp của tâm hồn. “Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”. Ở trên đã nói đến dòng sông mùa thu, cái thời khắc hiện tại mà nhà thơ qua bến đò này. Thế thì làm gì có hoa mai trắng nở? Chỉ có “thi khách” và “tình xuyên”. Nhưng mái tóc trắng đã soi mình phản chiếu thành sắc hoa thanh khiết của tâm hồn. Tất cả đều bừng sáng, trong trẻo đến tuyệt vời. Phóng khoáng và tài hoa là ngọn bút thơ chỉ phác lên đôi nét bên ngoài nhưng đã hiển lộ được cả thần thái của thế giới bên trong. Nhà thơ chỉ có thể nhìn thấy sắc trắng của hoa mai – tâm hồn ấy khi tự phản tỉnh và tự hiểu, tự tin với chính mình. Đây vẫn là con người của ngày nào với một tấm lòng thành nguyên vẹn, không hao mòn, không vẩn đục. Nên người thơ có thể thanh thản và tự hào mà đối diện trước dòng sông trong vắt của ngày ấy – thước đo của sự vật và nhân chứng của thời gian. Bài thơ kết thúc với những hình ảnh đối lập nhưng vận động biện chứng – cái hữu hạn đã vươn lên phạm trù của cái vĩnh hằng. Điều đáng quan tâm là nhà thơ cảm nhận được tất cả sự vô thường của thế giới con người nhưng đồng thời vẫn khẳng định một niềm tin vào những điều bất tử cũng từ trong thế giới ấy. Cũng như “một cành mai” của Mãn giác đời Lý, “đóa mai như tuyết trắng” của nhà thơ đời Trần đã để lại một dư âm đặc biệt. Đàng sau sự đổi thay, tàn phai và hủy diệt, cái đẹp của tâm hồn vẫn còn lại mãi. Và cả niềm khát khao vươn tới cái đẹp đầy ý nghĩa nhân văn…
[1] Đề dã thự – Trần Quang Khải – Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1988.
[2] Truy tán Vạn Hạnh thiền sư – Lý Nhân Tông – Thơ văn Lý Trần, tập I, Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1977.
[3] Phật tâm ca – Tuệ Trung – Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Sđd.
[4] Vật bất năng dung – Tuệ Trung – Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Sđd.
[5] Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm – Trần Thánh Tông – Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Sđd.
[6] Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông – Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Sđd.
[7] Phúc Hưng viên – Trần Quang Khải – Sđd.
[8] Phúc Hưng viên – Trần Quang Khải – Sđd.
[9] Tặng Bắc sứ Sài Trang Khanh, Lý Chấn Văn đẳng – Trần Quang Khải – Sđd.
[10] Đề Bạch Mã từ – Trần Quang Khải – Sđd.
[11] Lưu Gia độ – Trần Quang Khải – Sđd.
[12] Xuân nhật hữu cảm, I – Trần Quang Khải – Sđd.
[13] Xuân nhật hữu cảm , II – Trần Quang Khải – Sđd.
[14] Xuân nhật hữu cảm , II – Trần Quang Khải – Sđd.
[15] Thị đệ tử – Vạn Hạnh – Thơ văn Lý Trần, tập I, Sđd.
[16] Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác – Nguyễn Trãi – Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập I, Trung tâm Nghiên cứu quốc học, Nxb Văn học, 1999.
[17] Phóng cuồng ngâm – Tuệ Trung – Sđd.